Xem mẫu

  1. HỆ QUẢ HÀNH VI QUẤY RỐI TÌNH DỤC Ở HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Dương Vũ Mẫn Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh GVHD: TS. Trịnh Viết Then TÓM TẮT Bài viết này tập trung khai thác những hệ quả mà quấy rối tình dục có thể để lại trên nhóm khách thể học sinh trung học phổ thông. Bằng phương pháp nghiên cứu chính yếu là nghiên cứu tài liệu, chúng tôi đề cập đến các công trình nghiên cứu về hệ quả của vấn nạn này trên thế giới, để từ đó đút kết được những hệ quả mà học sinh trung học phổ thông có thể đối mặt khi có trải nghiệm bị quấy rối tình dục. Các hệ quả cụ thể mà chúng tôi kết luận trong đề tài này gồm có: các hệ quả về thể chất, tâm lý, học tập và cuối cùng là những hệ quả về hành vi. Từ khóa: hành vi quấy rối tình dục, hệ quả quấy rối tình dục, học sinh THPT, quấy rối, quấy rối tình dục 1 MỞ ĐẦU Quấy rối tình dục (QRTD) là một vấn nạn xảy ra ở nhiều môi trường lao động, học tập và sinh hoạt khác nhau; không chỉ là ở các nơi công cộng, công sở, mà cả ngay trong gia đình hoặc môi trường giáo dục. Ở bệnh viện, điều dưỡng bệnh viện có thể trở thành nạn nhân QRTD của bác sỹ, bác sỹ nữ thì bị quấy rối bởi bệnh nhân (Menssink, 2018). Trong lĩnh vực dịch vụ, nhân viên phục vụ và lau dọn phòng có thể trở thành nạn nhân bị quấy rối của khách hàng (Kensbock và cộng sự, 2015). Trong môi trường giáo dục, nghiên cứu của AAUW qua các năm trên đối tượng học sinh thì chỉ ra rằng, có 85% học sinh nữ từ khối 8 đến khối 11, trong suốt thời gian đi học, đã từng có trải nghiệm QRTD, và con số này ở nhóm học sinh nam là 76% (AAUW, 1993). Bên cạnh đó, khi thực hiện khảo sát trên học sinh từ khối 7 đến khối 12 vào năm 2011, AAUW đưa ra con số khiến những nhân viên công tác trong mảng giáo dục phải đặt ra câu hỏi về tính an toàn của môi trường này đối với các em học sinh khi mà kết quả cho thấy, chỉ trong vòng 1 năm học duy nhất, 2010 – 2011, đã có đến 44% số học sinh bị quấy rối bởi người khác, còn 30% thì bị QRTD gián tiếp qua phương tiện truyền tin điện tử (Hill & Kearl, 2011). Vấn nạn trên đã để lại nhiều hệ quả khác nhau cho nạn nhân. Đó có thể là hệ quả ở khía cạnh tâm sinh lý như mất ngủ, cảm giác sợ sệt, thất vọng, xấu hổ; hệ quả về các mối quan hệ xã hội như lẩn trốn, chối từ, chấm dứt các gắn kết; cho đến các hệ quả liên quan đến vấn đề học tập như nghỉ học, chuyển trường và 2708
  2. điểm số bị sụt giảm (Gruber & Fineran, 2015; Hill & Kearl, 2011). Ngoài ra, theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (United Nations International Children's Emergency Fund – UNICEF), trên toàn thế giới có khoảng 15 triệu trẻ em gái đang ở độ tuổi vị thành niên từ 15 – 19 bị ép thực hiện hành vi tình dục, và đáng buồn thay là chỉ có 1% nạn nhân đối mặt với bạo lực tình dục cho biết có tìm đến sự hỗ trợ từ các tổ chức chuyên nghiệp (UNICEF, 2017). Quấy rối tình dục là một hiện tượng đa khía cạnh và vẫn chưa được đưa ra một định nghĩa thống nhất, rõ ràng. Nó gồm nhiều hành vi khác nhau, mang tính tình dục và không được mong muốn hay chấp nhận bởi người bị quấy rối (hay còn được hiểu là nạn nhân). Các khái niệm được đút kết một cách phong phú và đa dạng theo từng hệ thống pháp luật và văn hóa khác nhau. Theo “Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc” của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization – ILO), QRTD được định nghĩa là hành vi trước hết phải mang tính tình dục không được mong muốn hay chấp nhận; có tác động tiêu cực đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới; tạo nên một môi trường công tác độc hại (ILO, 2015). Các hành vi QRTD có thể đi từ những hành động tưởng chừng như rất quen thuộc và thường tình như những lời bình phẩm, trò đùa về giới tính của người khác; cho đến những hành động không có tiếp xúc trực tiếp mang tính gợi dục như các cử chỉ, ánh nhìn gợi dục, tạo những nội dung khiêu dâm về người khác, truyền miệng các thông tin tình dục về người khác, nhìn trộm người khác tắm hoặc thay đồ, tự bộc lộ bộ phận sinh dục của bản thân; cho đến những hành động có tiếp xúc trực tiếp như sàm sỡ, cởi đồ người khác, cưỡng hôn (AAUW, 1993). Hành vi nghiêm trọng nhất của QRTD được Tổ chức Lao động Quốc tế nhấn mạnh đó là các hành động tấn công tình dục và hiếp dâm, được quy định cụ thể trong pháp luật hình sự và vi phạm về hành chính (ILO, 2015). Ở đối tượng học sinh trung học phổ thông (THPT), vấn nạn này ngày càng được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin rộng rãi, chứng tỏ đây là một đề tài cấp bách trong xã hội hiện tại. Học sinh THPT vừa bước qua giai đoạn vị thành niên – một giai đoạn được cho là “nổi loạn và bất trị”, cảm xúc các em vẫn còn thất thường, nhân cách chưa ổn định và các nền tảng giá trị đạo đức thì vẫn còn đang được các em dựng xây dang dở. Chính vì thế, học sinh THPT là đối tượng dễ tổn thương khi gặp phải tác động lớn từ ngoại cảnh, mà cụ thể ở đây là hành vi QRTD. Hậu quả để lại ở các em có thể sẽ rất nặng nề và có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, các mối quan hệ xã hội, cũng như là vấn đề học tập của các em. Tuy nhiên, các tin tức phản ánh thực trạng hiện tượng trên ở độ tuổi này còn tương đối rời rạc. Mặt khác, các đề tài về hệ quả của hành vi QRTD ở nhóm khách thể này vẫn chưa được khai thác rộng rãi trong các lĩnh vực nghiên cứu. Chính vì vậy, chúng tôi chọn đề tài “Hệ quả hành vi quấy rối tình dục ở học sinh trung học phổ thông” để nghiên cứu cho đề tài này. 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng là phương pháp nghiên cứu tài liệu, từ đó phân tích và tổng hợp các hệ quả của hành vi QRTD đối với khách thể học sinh trung học phổ thông. 2709
  3. 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1 Tổng quan các nghiên cứu về hệ quả hành vi quấy rối tình dục QRTD để lại nhiều hậu quả cho nạn nhân, từ tâm thần đến thể lý, từ rất nhẹ đến cực kỳ nghiêm trọng. Một số nghiên cứu phân tích tổng hợp đã đưa ra các hệ quả tiêu cực của QRTD, chúng bao gồm cả hệ quả về cả tâm thần lẫn thể chất (Cantisano và cộng sự, 2008). Theo đó, nạn nhân các vụ QRTD thường phải chịu đựng những ảnh hưởng từ các triệu chứng tâm thể liên quan đến căng thẳng như đau đầu, nôn ói, thở gấp, choáng váng, các vấn đề về hệ tiêu hóa, mất ngủ, chán ăn và sụt cân. Về mặt tinh thần, một số vấn đề sức khỏe có thể được kể đến như trầm cảm, lo âu, giận dữ và dễ bị kích động, không kiểm soát được cảm xúc, hoặc thậm chí có thể xuất hiện những triệu chứng của sự kiệt sức, chẳng hạn như trạng thái kiệt quệ tinh thần. Ngoài ra, nạn nhân thường có một vài biểu hiện của rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (post traumatic stress disorder – PTSD), điều đó cho thấy, một vài hình thức QRTD cần được liệt kê vào dạng gây sang chấn nghiêm trọng (Avina & O’Donohue, 2002). Bên cạnh đó, một số hệ quả không phổ biến khác cũng được các nhà nghiên cứu đề cập đến như suy giảm sức khỏe tâm lý, ảnh hưởng đến sự hài lòng trong cuộc sống và lòng tự tôn; những hệ quả này ít phổ biến hơn và có thể được phát hiện kể cả sau khi sự kiện đã xảy ra một thời gian dài trước đó. Phân biệt giới tính cũng là một trong những hành vi quấy rối tình dục được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm. Nghiên cứu của Moradi và Subich (2002) trên 104 sinh viên Đại học nữ thuộc 83 khoa khác nhau về trải nghiệm của họ đối với các sự kiện phân biệt giới tính, thái độ của phụ nữ đối với nữ quyền, cũng như là mối quan hệ của chúng với các rối loạn tâm lý. Kết quả cho thấy những phụ nữ phủ nhận sự tồn tại của nạn phân biệt giới tính có nhận thức cao, họ cảm thấy đó là một hành vi tội lỗi và khiến họ tức giận; còn phụ nữ tìm đến cộng đồng các phụ nữ khác khi đối mặt với nạn phân biệt giới tính thì dễ có rối loạn tâm lý cao hơn so với số còn lại. Crocker và Major (1989) cho rằng, xác định được các định kiến mà bản thân đang gặp phải sẽ giúp chủ thể bảo vệ được lòng tự tôn, vì chủ thể sẽ quy gán trải nghiệm của bản thân cho lý do bên ngoài thay vì quy gán cho bản thân, từ đó tránh được những hệ quả tiêu cực kể trên. Một công trình khác từ Koss và cộng sự (2002) là nghiên cứu cắt ngang thực hiện trên 253 nạn nhân từng bị hiếp dâm về các hệ quả liên quan đến mất thích nghi xã hội, và các triệu chứng về thể lý kèm với tâm lý, trong đó bao gồm cả PTSD. Theo đó, những đặc điểm về cá nhân và sự kiện đã diễn ra có ảnh hưởng đến mức độ tự đổ lỗi của nạn nhân và độ nghiêm trọng của các niềm tin tiêu cực về bản thân và người khác. Sự tự đổi lỗi và các niềm tin tiêu cực cũng tiên lượng cho những rối loạn về tâm lý, chúng tác động mạnh mẽ đến sức khỏe con người. Ngoài ra, những ký ức của nạn nhân về nạn hiếp dâm cũng dự đoán về các rối loạn mà chủ thể có thể gặp phải hậu sự kiện. Kết quả cho thấy, 56% nạn nhân có các rối loạn tổng hợp, trong đó 91% khách thể có các triệu chứng tâm lý ở nhiều mức độ, 54% có triệu chứng PTSD, 65% khách thể mất thích ứng xã hội, và 17% có các triệu chứng thực thể. Khi đi cụ thể vào QRTD ở từng ngành nghề, chúng tôi nhận thấy QRTD để lại hậu quả về nhiều mặt khác nhau. Các nghiên cứu của Fitzgerald (1997) đã chỉ ra QRTD làm sụt giảm hiệu suất làm việc, tăng tỉ lệ nghỉ việc, giảm sự hài lòng trong công việc và cả sự cam kết 2710
  4. của nhân viên với tổ chức (Schneider và cộng sự, 1997; Fitzgerald và cộng sự, 1997). Ngoài ra, khi làm thực nghiệm về sự suy giảm hiệu suất công việc, các nghiên cứu đã chứng minh phụ nữ bị QRTD sẽ thực hiện công việc tệ hơn, nhất là trong những lĩnh vực được cho là chỉ dành riêng cho nam giới. Không những thế, một thực nghiệm khác tìm ra được năng suất công việc của phụ nữ sẽ giảm nếu họ bị nhìn chằm chằm trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến trí óc, và sự suy giảm này được tác giả quy gán cho việc các nghiệm thể đã bị tăng tải lượng nhận thức, dẫn đến khả năng tập trung giải quyết vấn đề của họ bị phân tán (Gervais và cộng sự, 2011). Đối với học sinh phổ thông, nghiên cứu của AAUW qua các năm đã nêu lên một số hệ quả liên quan trực tiếp đến vấn đề học tập của các em như nghỉ học, chuyển lớp, có suy nghĩ về chuyển trường, giảm khả năng tập trung, ít tham gia hoạt động trong lớp và ở trường, điểm kém và đánh mất các mối quan hệ bè bạn (AAUW, 2001; Hill & Kearl, 2011). Một nghiên cứu khác của Lichty và Campbell (2012) khảo sát trải nghiệm QRTD của 265 học sinh cấp hai từ khối 6 đến khối 8 cho thấy những trải nghiệm về QRTD có tương quan thuận với các vấn đề tâm lý và tương quan nghịch với điểm trung bình tích lũy của học sinh. Trong đó, các vấn đề tâm lý được nhóm tác giả nghiên cứu dựa trên bảng tóm tắt 53 item các triệu chứng của Derogatis và Melisaratos (1983) gồm có các biểu hiện về rối loạn bản thể, ám ảnh – cưỡng chế, sự nhạy cảm liên nhân cách, trầm cảm, lo âu, thái độ thù địch, lo âu hoảng sợ, hoang tưởng, các triệu chứng của rối loạn tâm thần và 4 item liên quan đến các biểu hiện lâm sàng khác. Những hình thức của QRTD như bằng hành vi tiếp xúc trực tiếp hay áp chế tình dục, hiếm khi xảy ra trên mạng trực tuyến, tuy nhiên điều đó không có nghĩa đây là một môi trường “hoàn toàn trong sạch”, ngược lại, các hành vi QRTD ảo lại rất khó kiểm soát vì có rất nhiều thủ phạm có thể ẩn thân nặc danh. Arafa và cộng sự (2017) cho biết, 80% sinh viên nữ đã từng có trải nghiệm với QRTD ảo và phần lớn họ sẽ chịu ảnh hưởng từ những tác động về mặt cảm xúc do QRTD ảo gây nên. Theo đó, trong khách thể gồm 2350 sinh viên nữ, có 65% sinh viên cho biết họ cảm thấy tức giận, 20,1% thấy sợ hãi, 18,5% thấy căm thù và 18,4% cảm thấy buồn lòng vì hành vi QRTD trên mạng trực tuyến. Như vậy, hệ quả mà QRTD để lại rất đa dạng, chúng đi từ những triệu chứng về thể chất, cho đến sự mất cân bằng về sức khỏe tâm thần, gây nên những cảm xúc tiêu cực, và để lại nhiều hậu quả nặng nề khác liên quan đến đặc thù công việc và nghề nghiệp của nạn nhân. 3.2 Các hệ quả của hành vi quấy rối tình dục Quấy rối tình dục cũng tương tự như các tác nhân gây căng thẳng khác, chúng để lại những hệ quả về đời sống tâm lý cũng như thể lý cho con người ở nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào cường độ, thời gian sự kiện mà chủ thể phải trải nghiệm. Các hậu quả về sức khỏe thể chất mà QRTD để lại cho nạn nhân được nhiều tác giả đề cập đến như đau đầu, rối loạn giấc ngủ, cảm giác bồn chồn, rối loạn ăn uống, nôn ói, chán ăn và không muốn ăn (Duffy và cộng sự, 2004; Timmerman, 2004). Có nhiều sự kiện diễn ra kịch tính và đau buồn đến mức nó gây ra những tác động tâm lý to lớn và kéo dài trong nhiều năm (Resick, 2005). Một số ảnh hưởng về tâm lý mà tác nhân căng thẳng có thể gây nên cho chủ thể là lo âu, 2711
  5. trầm cảm, bất an, thường xuyên gặp ác mộng, gặp khó khăn trong tạo dựng các mối quan hệ, cảm thấy không hạnh phúc trong cuộc sống (Valent, 2010). Bên cạnh đó, Meyer và Taylor (1986) còn nêu ra trường hợp của nhiều phụ nữ bị hiếp dâm (rape) đã phải lãnh chịu những tổn thương tâm lý (psychological scar) nghiêm trọng và kéo dài rất lâu. Trong nghiên cứu cắt dọc của nhóm tác giả, ¼ phụ nữ cảm thấy họ vẫn chưa thể hồi phục tâm lý sau 6 năm sự việc đáng tiếc trên diễn ra. Nghiên cứu của Dickinson, de Gruy và Candib (1999) ở những bệnh nhân nữ được chăm sóc sức khỏe ban đầu, khi bị hiếp dâm sẽ có nguy cơ mắc trầm cảm chính cao gấp 3 lần trong suốt cuộc đời họ, mắc trầm cảm dai dẳng cao gấp 2 lần và nhóm khách thể này cũng cho biết họ cảm thấy chán nản trong thời gian gần đây nhiều hơn 2,5 lần so với nhóm không bị hiếp dâm. Một trong những sự kiện QRTD được nhiều nhà khoa học trên thế giới quan tâm khai thác đó là “phân biệt giới tính”, những hành vi biểu hiện hiện tượng này thuộc nhóm “quấy rối giới tính” theo phân loại hành vi QRTD của Fitzgerald và cộng sự (1995). Landrine và cộng sự (1995) cho rằng, phân biệt giới tính, nếu xảy ra trong một thời gian dài, có thể được xem là yếu tố dự báo xa cho các triệu chứng tâm thần, chúng khơi mào nhưng không trực tiếp dẫn đến sự biểu hiện của các triệu chứng đó. Còn nếu chủ thể trải qua phân biệt giới tính trong thời gian gần đây (cần lưu ý số lần lặp lại) và kèm với những hành động phân biệt giới tính tàn bạo về thể chất (như hiếp dâm hoặc đánh đập), thì sự kiện đó giữ vị trí như một yếu tố dự báo gần bởi nó có thể trực tiếp dẫn đến những triệu chứng tâm thần. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đút kết rằng, so với việc phải đối mặt hằng ngày với rắc rối thì nhận thức của phụ nữ về phân biệt giới tính sẽ hữu hiệu hơn trong vai trò là một tác nhân dự báo cho các triệu chứng của tiền mãn kinh, rối loạn dạng cơ thể, ám ảnh – cưỡng chế, trầm cảm và các triệu chứng tâm thần khác. Khi trở thành nạn nhân của QRTD, học sinh có thể sẽ đối mặt với vô vàn hệ lụy gây ra từ sự kiện tiêu cực đó. Các em có thể đối mặt với hậu quả tâm lý như cảm thấy vô dụng, bất lực trong việc chống lại hành vi quấy rối của thủ phạm, cảm giác thất vọng, sợ hãi, xấu hổ, lúng túng, không chắc chắn hoặc tin tưởng vào bản thân, và các em còn đặt nghi vấn về một mối quan hệ tình cảm hạnh phúc sau này của mình hậu sự kiện trên (AAUW, 1993, 2001). Bên cạnh đó, AAUW (1993) cũng nêu ra những ảnh hưởng về hành vi nhằm cố gắng kiểm soát việc bị QRTD hoặc nhằm né tránh kẻ quấy rối của học sinh như sau: có đến gần một nửa khách thể lãnh tránh người quấy rối họ, 1/5 học sinh sẽ cố tránh xa một khu vực nhất định trong nhà trường hoặc trong khuôn viên trường học, các em cũng chọn cách đổi chỗ ngồi của mình trong lớp, ngừng tham gia các hoạt động thể thao hoặc ngoại khóa nào đó, thay đổi nhóm bạn chơi hoặc chuyển đổi tuyến đường đi học. Về các hệ quả của QRTD xoay quanh vấn đề học tập, các em học sinh trung học cho biết, họ hạn chế giao tiếp hơn hẳn trong lớp, gặp khó khăn trong tập trung học tập ở trường, và thậm chí, các em đã chuyển trường, bỏ tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoặc nghỉ học vì bị quấy rối. Những hệ lụy nêu trên khiến các em dễ bị điểm kém khi kiểm tra và bị xếp hạng thấp trong lớp, dẫn đến sự nghi ngờ của chính bản thân các em về khả năng tốt nghiệp trung học của mình (AAUW, 1993, 2001; Duffy và cộng sự, 2004). 2712
  6. Như vậy, hệ quả mà QRTD để lại rất đa dạng, chúng đi từ những triệu chứng về thể chất, cho đến sự mất cân bằng về sức khỏe tâm thần, gây nên những cảm xúc tiêu cực, và để lại nhiều hậu quả nặng nề khác liên quan đến đặc thù công việc và nghề nghiệp của nạn nhân. Từ những tìm hiểu trên, chúng tôi rút ra các hệ quả mà hành vi QRTD có thể để lại cho nạn nhân nói chung và học sinh THPT nói riêng như sau: - Hệ quả về thể chất: gồm các triệu chứng như đau đầu, chán ăn, nôn ói, ăn không ngon, rối loạn giấc ngủ, cảm giác bồn chồn,… - Hệ quả về các tâm lý: gồm các rối loạn tâm lý (như trầm cảm, lo âu, rối loạn dạng cơ thể, ám ảnh – cưỡng chế, ác mộng,…), các cảm xúc tiêu cực (bất an, thất vọng, sợ hãi, xấu hổ, lúng túng, nghi ngờ bản thân, cảm thấy vô dụng, bất lực,…), và các triệu chứng về tâm thần khác. - Hệ quả liên quan đến học tập: hạn chế giao tiếp trong lớp, bị điểm kém, bị rớt hạng, không muốn đi học, có suy nghĩ chuyển trường, có vấn đề với nhà trường, kém tập trung trong lớp, gặp khó khăn khi học bài hoặc lo ngại về khả năng tốt nghiệp. - Hệ quả về hành vi: cố tình lãng tránh người quấy rối bằng cách đổi tuyến đường đi học, đổi chỗ ngồi trong lớp, tránh né người quấy rối, thay đổi bạn hoặc nhóm bạn chơi chung, ngưng tham gia các hoạt động ngoại khóa hay thể thao ở trường hoặc né tránh một khu vực nào đó trong khuôn viên trường. 4 KẾT LUẬN Kết quả nghiên cứu của đề tài này đã nêu lên một số công trình nghiên cứu trên thế giới về vấn nạn QRTD, mà cụ thể ở đây là hệ quả của hành vi QRTD trên nhiều nhóm khách thể khác nhau. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đút kết các hệ quả mà hành vi QRTD có thể để lại. Các hệ quả mà hành vi QRTD gây ra cho nạn nhân nói chung và học sinh THPT – nhóm khách thể dễ tổn thương nói riêng, là vô cùng đa dạng. Những hệ quả đó trải rộng từ thể lý, đến tâm lý, hành vi, và ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động chủ đạo của các em học sinh - hoạt động học tập. Từ những đút kên trên, nghiên cứu này giúp chúng ta nhìn nhận được mức độ nghiêm trọng của hiện tượng trên trong môi trường giáo dục, và hỗ trợ các chuyên gia tâm lý học đường đưa ra các giải pháp đúng đắn nâng cao nhận thức cho các em học sinh để tự bảo vệ bản thân cũng như là cách thức nhận được sự hỗ trợ tâm lý và pháp lý khi rơi vào hiện tượng QRTD. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] AAUW. (1993). Hostile hallways: the AAUW survey on sexual harassment in America’s schools. American Association of University Women. The Journal of School Health, 63(8), 355–357. [2] AAUW. (2001). Hostile Hallways: Bullying, Teasing, and Sexual Harassment in School. American Journal of Health Education, 32(5), 307–309. 2713
  7. [3] Arafa, A., Elbahrawe, R., Saber, N., Solima, S., & Abbas, A. (2017). Cyber sexual harassment: a cross-sectional survey over female university students in Upper Egypt. International Journal of Community Medicine and Public Health, 55, 61–65. [4] Avina, C., & O’Donohue, W. (2002). Sexual harassment and PTSD: Is sexual harassment diagnosable trauma? In Journal of Traumatic Stress (Vol. 15, Issue 1, pp. 69–75). John Wiley & Sons. [5] Cantisano, G. T., Domínguez, J. F. M., & Depolo, M. (2008). Perceived sexual harassment at work: Meta-analysis and structural model of antecedents and consequences. The Spanish Journal of Psychology, 11(1), 207–218. [6] Crocker, J., & Major, B. (1989). Social stigma and self-esteem: The self-protective properties of stigma. Psychological Review, 96(4), 608–630. [7] Derogatis, L. R., & Melisaratos, N. (1983). The Brief Symptom Inventory: An introductory report. In Psychological Medicine (Vol. 13, Issue 3, pp. 595–605). Cambridge University Press. [8] Dickinson, L. M., deGruy, F. V. 3rd, Dickinson, W. P., & Candib, L. M. (1999). Health- related quality of life and symptom profiles of female survivors of sexual abuse. Archives of Family Medicine, 8(1), 35–43. [9] Duffy, J., Wareham, S., & Walsh, M. (2004). Psychological Consequences for High School Students of Having Been Sexually Harassed. Sex Roles, 50(11), 811–821. [10] Fitzgerald, L. F., Drasgow, F., Hulin, C. L., Gelfand, M. J., & Magley, V. J. (1997). Antecedents and consequences of sexual harassment in organizations: A test of an integrated model. In Journal of Applied Psychology (Vol. 82, Issue 4, pp. 578–589). American Psychological Association. [11] Fitzgerald, L., Swan, S., & Fischer, K. (1995). Why Didn’t She Just Report Him? The Psychological and Legal Implications of Women’s Responses to Sexual Harassment. Journal of Social Issues, 51, 117–138. [12] Gervais, S. J., Vescio, T. K., & Allen, J. (2011). When what you see is what you get: The consequences of the objectifying gaze for women and men. Psychology of Women Quarterly, 35(1), 5–17. [13] Gruber, J., & Fineran, S. (2015). Sexual Harassment, Bullying, and School Outcomes for High School Girls and Boys. Violence against Women, 22. [14] Hill, C., & Kearl, H. (2011). Crossing the line: Sexual harassment at school. American Association of University Women. [15] Kensbock, S., Bailey, J., Jennings, G., & Patiar, A. (2015). Sexual harassment of women working as room attendants within 5 star hotels. Gender, Work and Organization, 22(1), 36-50. 2714
  8. [16] Koss, M. P., Figueredo, A. J., & Prince, R. J. (2002). Cognitive mediation of rape’s mental, physical, and social health impact: tests of four models in cross-sectional data. Journal of Consulting and Clinical Psychology, 70(4), 926–941. [17] Landrine, H., Klonoff, E. A., Gibbs, J., Manning, V., & Lund, M. (1995). Physical And Psychiatric Correlates Of Gender Discrimination: An Application of the Schedule of Sexist Events. Psychology of Women Quarterly, 19(4), 473–492. [18] Lichty, L., & Campbell, R. (2012). Targets and Witnesses: Middle School Students’ Sexual Harassment Experiences. Journal of Early Adolescence, 32, 414–430. [19] Menssink, J. (2018). Objectification and coping in relation to sexual harassment among women. [20] Meyer, C. B., & Taylor, S. E. (1986). Adjustment to rape. In Journal of Personality and Social Psychology (Vol. 50, Issue 6, pp. 1226–1234). American Psychological Association. [21] Moradi, B., & Subich, L. (2002). Perceived Sexist Events and Feminist Identity Development Attitudes: Links to Women’s Psychological Distress. Counseling Psychologist, 30, 44–65. [22] Resick, P. (2005). Stress and trauma. Taylor & Francis. [23] Schneider, K. T., Swan, S., & Fitzgerald, L. F. (1997). Job-related and psychological effects of sexual harassment in the workplace: Empirical evidence from two organizations. In Journal of Applied Psychology (Vol. 82, Issue 3, pp. 401–415). American Psychological Association. [24] Timmerman, G. (2004). Adolescents’ psychological health and experiences with unwanted sexual behavior at school. Adolescence, 39(156), 817–825. [25] Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). (2015). Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tổ chức Lao động Quốc tế. [26] UNICEF. (2017). Kỷ luật bạo lực, xâm hại tình dục và giết người xảy ra với hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới. https://www.unicef.org/vietnam/vi/thông-cáo-báo-chí/kỷ-luật- bạo-lực-xâm-hại-tình-dục-và-giết-người-xảy-ra-với-hàng-triệu-trẻ-em-trên [27] Valent, P. (2010). Disaster Syndrome. Encyclopedia of Stress, 811–813. 2715
nguon tai.lieu . vn