Xem mẫu

  1. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 25 – Tháng 11/2020 HÁT SẮC BÙA PHÚ LỄ - HIỆN TƯỢNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT DÂN GIAN ĐỘC ĐÁO (NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP Ở XÃ PHÚ LỄ, HUYỆN BA TRI, TỈNH BẾN TRE) “Singing sắc bùa Phú Lễ” - unique folk art cultural phenomenon (case study in Phu Le commune, Ba Tri district, Ben Tre province) 1 ThS.NCS Nguyễn Minh Ca 1 Giảng viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tây Đô nguyenminhca@gmail.com Tóm tắt —Với phương pháp nghiên cứu trọng tâm là điền dã, nghiên cứu tài liệu, phương pháp phân tích – tổng hợp và phương pháp lịch sử,... trong phạm vi của bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu về nguồn gốc ra đời của hát sắc bùa Phú Lễ, ý nghĩa của hát sắc bùa trong sinh hoạt văn hóa địa phương, cách thức tổ chức và hình thức diễn xướng, những nội dung căn bản trong hát sắc bùa Phú Lễ cũng như thực trạng, giải pháp bảo tồn của loại hình nghệ thuật dân gian này ở tỉnh Bến Tre. Abstract —With the focus of field research, document research, analysis - synthesis and historical method, etc. within the scope of this article, we will introduce the origin of “hát sắc bùa Phú Lễ”, the meaning of this type in the local cultural activities, the way of organization and form of performance, the basic contents as well as the actual situation and the solutions to conserve this folk art in Ben Tre province. Từ khóa — Hát sắc bùa Phú Lễ, nghệ thuật dân gian, văn hóa dân gian Bến Tre, singing “sắc bùa Phu Le”, folk art, folk culture, Ben Tre. 1. Mở đầu Hát sắc bùa Phú Lễ là một hiện tượng văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo của tỉnh Bến Tre. Được xem là một trong những loại hình sinh hoạt dân gian cổ của Tây Nam Bộ, hát sắc bùa Phú Lễ chứa đựng nhiều yếu tố thần bí của đạo giáo ở Việt Nam, mang theo những ước mơ, khát vọng của những người đi vào Nam khai mở miền đất mới. Khi vào Phú Lễ (Bến Tre), hát sắc bùa còn chứa đựng lời chúc phúc cho gia chủ nhân ngày tết Nguyên Đán, chúc tụng may mắn nghề nghiệp trong năm mới, cầu bình yên thịnh vượng,… 2. Nội dung 2.1. Nguồn gốc của hát sắc bùa Phú Lễ Theo các nhà nghiên cứu, hát sắc bùa Phú Lễ có nguồn gốc từ Nam Trung Bộ, cụ thể là vùng đất Quảng Ngãi - Bình Định. Loại hình diễn xướng này đã cùng người dân “hành phương Nam” trong công cuộc khai hoang, mở đất, tạo lập nên vùng đất Phú Lễ. Tương truyền, khoảng giữa thế kỷ XVIII, có một viên quan lại người Bình Định tên là Trần Văn Hậu làm rể ở Phú Lễ, khi về quê vợ đã truyền dạy cho người dân nơi đây cách hát sắc bùa. Sau đó hát sắc bùa được truyền dạy sang các địa phương lân cận trong huyện Ba Tri như: Phước Tuy, Phú Ngãi, Bảo Thạnh, An Bình Tây và Tân Thanh của huyện Giồng Trôm. Nguồn gốc hát sắc bùa được kế thừa từ Nam Trung Bộ thì khá rõ, một thông tin khác cho rằng nguồn gốc hát sắc bùa được kế thừa từ tộc người Mường có tên là Séc pùa (tác giả Huỳnh Ngọc Trảng [3], Phan Thị Hồng Xuân và Nguyễn Thị Thanh Vy [4] cho rằng nguồn gốc sâu xa hơn của hát sắc bùa có thể bắt nguồn từ hát séc pùa của người Mường). Trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường có đề cập đến séc pùa “Đẻ đất đẻ nước còn thu hút cả vốn văn hóa dân gian của dân tộc bao gồm triết lý dân gian dưới hình thức tục ngữ, ca hát 83
  2. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 25 – Tháng 11/2020 dân gian, các hình thức diễn xuất có hóa trang. Lời diễn xuất là lời hát thơ với âm nhạc mang tính chất tự sự trong đó thu nhập cả những yếu tố của xường, rang, ví, xa, tành tếu (hát ru), nạc cồng trong séc bùa...” (Phan Đăng Nhật [5], tr37). Cho đến hiện nay, hát sắc bùa của người vẫn được diễn ra vào dịp tết Nguyên Đán, được xem là phong tục truyền thống lâu đời của người Mường, và hiện tượng này cũng diễn ra tương tự đối với dân tộc Việt. Về tính chất hát sắc bùa ở Phú Lễ (Bến Tre), Nam Trung Bộ hay của tộc người Mường là giống nhau vào dịp tết Nguyên Đán và giống nhau về ý nghĩa văn hóa tâm linh (mang ý nghĩa chúc tụng với lễ nghi nông nghiệp gắn cùng yếu tố tâm linh, cầu cho năm mới an lành, mùa màng cây cối tốt tươi, “người yên, vật thịnh”, trăm nghề tấn phát, bình an gia đạo trong dịp tết Nguyên Đán). Sự khác biệt có thể nhìn nhận ở hình thức diễn xướng dân gian. Cụ thể, ở Phú Lễ là hình thức diễn xướng tổng hợp, kết hợp cả nghệ thuật hát, múa và diễn xướng sân khấu sơ khai, có hình thức cử hành nghi lễ phù hợp với trình độ tư duy và cảm thụ nghệ thuật của cư dân nông nghiệp địa phương và vùng sông nước Tây Nam Bộ. 2.2. Ý nghĩa của hát sắc bùa Phú Lễ 2.2.1. Ý nghĩa sơ khai của hát sắc bùa Phú Lễ: Thể hiện ở giá trị văn hóa tâm linh, cụ thể là cầu sự bình an và trừ tà ma cho gia chủ. Vào những năm đầu khai mở đất hoang (thế kỉ XVII, XVIII), khi con người gặp nhiều trắc trở, hiểm nguy trong cuộc sống mới, niềm tin vào phép thuật ở bùa chú của đạo giáo là rất lớn. Chính niềm tin này giúp cho ông cha ta có đủ nghị lực để đương đầu với bao gian lao, khổ nhọc,… Ngày nay, ý nghĩa và chức năng này vẫn còn tồn tại ở Phú Lễ (Bến Tre). Một số người dân tin rằng có được những lá bùa dán ở cửa gia đình sẽ được bình an, ma quỷ sẽ không làm hại được, tuy nhiên niềm tin ấy hiện nay không lớn như trước kia. Tác giả Huỳnh Ngọc Trảng trong công trình khảo cứu cũng nhận định tương tự về điều này: “Hát sắc bùa Phú Lễ (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) là một sinh hoạt văn nghệ dân gian có tính chất lễ nghi nông nghiệp pha tạp với pháp thuật đạo giáo, chủ yếu diễn ra vào dịp tết Nguyên Đán”. (Huỳnh Ngọc Trảng [3], tr3). 2.2.2. Ý nghĩa văn hóa tinh thần (cầu bình an, phúc đức): Trong những bài hát sắc bùa, ngoài những bài nghi thức có bài giúp vui, trong đó có bài chúc phúc gia đình. Những ca từ giàu sang, phú quý, tấn lộc, tấn chức, tấn tước,… xuất hiện nhiều trong các bài hát dạng này: “Lứa đặng năm quan/Năm mới giàu sang,Gia quan tấn chức!” (Chúc nghề trồng bông). Ngoài chúc gia đình ra còn có chúc nghề nghiệp của gia chủ. Tùy vào từng gia đình làm nghề khác nhau, đội hát sắc bùa sẽ chuẩn bị một số bài chúc liên quan đến nghề nghiệp như: nghề trồng lúa, nghề trồng bông, nghề dệt vải, nghề thầy thuốc, nghề thợ đươn,… Tuy nhiên, nghề trồng lúa (làm ruộng) lại được hát nhiều nhất vì đa phần là vùng đồng bằng, làm nông nghiệp. Ý nghĩa của những bài chúc nghề nghiệp cũng cầu mong được mùa, được khách, được giàu sang,…Ví dụ như bài Chúc nghề làm ruộng: “Làm ruộng! Làm ruộng!/Chờ trời mưa xuống,/Sửa soạn cầy bừa./…………………../Lúa tốt thấy da./Một bông bảy nhánh./Hòa may triệu triệu./Tuổi tác khoan khoan./Dư muôn dư ngàn,/Bán cho đặng giá/Năm mới giàu sang Gia quan tấn lộc”(Nguyễn Lừa). 2.2.3. Ý nghĩa phản ánh hiện thực và phản ánh thời sự địa phương: Hiện thực dễ nhận dạng là cuộc Nam tiến lịch sử, nỗi nhớ quê của những người dân miền Trung. Như tác giả đã trình bày, vào thế kỉ XVIII, hình thức nghệ thuật dân gian hát sắc bùa được những người vào Nam khai khẩn lưu truyền. Khi Nam tiến nỗi nhớ quê luôn thường trực trong tâm trí họ. Qua khảo sát, tác giả thấy được trong những bài hát sắc bùa Phú Lễ chứa đựng những vết tích của những ký ức về quê hương, nỗi nhớ quê da diết:“Đường đi Thị Nại bao xa,/Qua bao cụm núi, trèo bao nhiêu đèo”. 84
  3. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 25 – Tháng 11/2020 Hay:“Sớm lội suối tối trèo đèo,/Cơm thiêu nước hẩm, dạ còn thương ai”. Tác giả Trần Văn Thịnh nhận định: “Khảo sát nội dung các bài hát sắc bùa, từ góc độ phản ánh luận, ta nhận thấy hát sắc bùa đã phản ánh được nhiều mặt về đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của vùng đất Phú Lễ… Ở họ thường trực một tình yêu nhớ quê hương da diết” (Trần Văn Thịnh [7], tr100). Bên cạnh đó còn là hiện thực của sinh hoạt văn hóa văn nghệ địa phương, yếu tố này có thể thấy rõ trong thời điểm diễn ra hát sắc bùa và nội dung phản ánh trong từng bài hát. Theo tìm hiểu, thứ nhất, hát sắc bùa thường được trình diễn vào dịp tết Nguyên Đán, thời điểm kết thúc vụ mùa và khí trời tươi đẹp. Đây cũng là thời điểm mọi hoạt động của đất trời trong đó có con người có nhu cầu giao hòa với nhau, giao hòa giữa con người với con người, con người với tự nhiên. Thời điểm phù hợp diễn ra các lễ hội và hát sắc bùa có vai trò làm thỏa mãn nhu cầu đó của địa phương. Thứ hai là vào lễ cúng đình hay lễ hội đình làng, lễ hội quan trọng nhất trong năm. Hội làng là dịp tri ân thần Thành hoàng của người dân, ngoài phần lễ còn có phần hội (văn hóa nghệ thuật thuộc phần hội). Thông thường các làng ở miền Nam hát tiều hay hát bội cho thần xem, ở Phú Lễ có hát sắc bùa có thể được xem là nét đặc biệt của lễ hội làng so với những nơi khác. Xét theo yếu tố thời gian có thể khẳng định Phú Lễ là một trong những cái nôi của sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của miền Tây mà hát sắc bùa là một minh chứng. Ngoài ra, hiện thực về những biến cố của địa phương, những hoạt động sản xuất nghề nghiệp cũng được miêu tả cụ thể trong từng bài hát. Những đặc điểm về nghề nghiệp, hoạt động lao động sản xuất được tái hiện trong những lời hát, lời kể của “Cái kể và Con xô”. Ngoài ra, khi nhớ công ơn của các vị anh hùng dân tộc, phản ánh những vấn đề mang tính địa phương được xem như nét “biến tấu” hay phù hợp với địa phương của hát sắc bùa Phú Lễ, tác giả gọi đó là biến đổi văn hóa qua quá trình tiếp biến. Nguyên nhân biến đổi có thể là để phù hợp hoàn cảnh và do sự thay đổi về nhận thức của người dân địa phương. Hiện thực về nghề nghiệp của vùng trước kia như nghề làm ruộng, trồng bông, nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa,… ngày nay ở Phú Lễ gần như không còn ai làm nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề trồng bông, dệt vải,… nữa. Những bài hát sắc bùa Phú Lễ như những “tấm bia lịch sử” lưu dấu lại những nghề nghiệp và hoạt động sản xuất của địa phương. 2.2.4. Ý nghĩa giáo dục: Ngoài nội dung chúc phúc gia chủ, chúc phúc ông bà, chúc nghề nghiệp tấn tới,… hát sắc bùa Phú Lễ còn ghi nhớ công ơn của Bác Hồ, ca ngợi cuộc kháng chiến, miêu tả những trận đánh của địa phương, truyền thống đấu tranh của địa phương (bài vè chống Tây ruồng Phú Lễ; Đánh trận Bàu Dơi; Diệt tiểu đoàn Ó Đỏ,…). 2.3. Cách thức tổ chức và hình thức diễn xướng 2.3.1. Về cách thức tổ chức: Đội hát sắc bùa có người quản lí, gọi là Ông bầu (có thể gọi là đội trưởng). Ông bầu là ai? Ông bầu là người có uy tín, giỏi về trống, biết hát đồng thời giữ được nhịp trong “diễn xướng”. Đội hát sắc bùa thường có từ 4 đến 6 nghệ nhân, có khi 8 nghệ nhân. Bộ đầy đủ chơi được 6 nhạc cụ: hai người chơi sinh tiền, hai người chơi sinh cát, một người chơi trống cơm, một người chơi đàn cò. 2.3.2. Về hình thức diễn xướng: Trong hát sắc bùa có bốn phần chính: “Phần thủ tục mở đầu, phần thực hành nghi lễ, phần hát chúc và giúp vui, cuối cùng là phần kết thúc” (Huỳnh Ngọc Trảng [2], tr77). Bắt đầu từ đêm trừ tịch, đội hát sắc bùa đến các nhà trong xóm (các nhà đã đặt hát từ trước, hoặc những nhà có uy tín trong làng, hoặc trên đường đi được mời vào). Phần thủ tục mở đầu, khi đến cửa nhà gia chủ, đội hát sẽ hát bài Khai môn: “Mở của mở cửa!/Khoen trên còn xỏ,/Ngõ 85
  4. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 25 – Tháng 11/2020 dưới còn gài. Chủ phụ đứng ngoài,Thần tài sát quỷ”. Khi cổng được mở với lời đón chào trân trọng của chủ nhà, đội hát sắc bùa tiến vào sân và hát tiếp:“Mở cửa đã đặng, /Mở cửa đã rồi. /Nam nhi tử khoái, /Có ông Bành Tổ. /Khen ai dạy dỗ. /Cho khá lưu truyền/....../Tiền để đầy đa /Năm mới giàu sang /Thăng quan tấn tước”. Kế đó là phần thực hành nghi lễ, phần này đội hát sắc bùa tiến vào sân vừa đi vừa hát bài Chúc xuân với nội dung thỉnh bùa để chủ nhà cùng thân gia quyến thuộc mọi điều tốt lành:“Xốc quách thằng quỷ ném ra,/Chớ cho thằng quỷ lộn tà vào đây./...... /Tôi thỉnh bùa Uất Lũy thần tài /Dán hết cửa nhà tín chủ cũng bình yên” (Chúc xuân).Với niềm tin vào thần lực bùa chú của đạo giáo, gia chủ mong rằng sẽ hưởng niềm an vui hạnh phúc trong suốt mười hai tháng:“Tháng giêng chơi tết ba xuân, /Ngựa xe đậm đuộc chật đường âu ca. /Tháng hai đào mới cũng trổ hoa, /Gái trai gặp thuở, nghi gia lương thuần”. Tiếp sau bài Chúc xuân, đội hát sắc bùa bước vào hàng ba gia chủ hát bài Bốn cửa bùa với nội dung mang đậm yếu tố pháp thuật. Đây là phần nghi lễ được xem là quan trọng nhất vì chứa đựng niềm tin trừ tà ma cho gia chủ, có được sự phù hộ, bảo vệ của tiên phật thánh thần. Lúc này đội hát sắc bùa sẽ dán bùa tất cả các phương để trấn áp ma quỷ và đem lại lộc phước cho gia chủ: “Lá bùa Quan Đế tôi dán cửa đông phương/…… /Lá bùa Huỳnh Đế tôi trấn cửa trung ương. /Trung ương! Trung ương! /Trấn giữ bốn phương /Một tay trạch quái, /Phải điều trốn đi. /Có khí Phục Hy, /Tàn hồn khí phách”(Chúc phúc ông bà hay Bốn của bùa). Tiếp theo nữa là phần hát chúc và giúp vui: sau khi trấn bùa, đội vào trong hát chúc nghề nghiệp gia chủ và hát một số bài lý giúp vui. Tùy vào nghề nghiệp của gia chủ mà đội sẽ hát bài chúc cho phù hợp. Nội dung những bài này miêu tả hoạt động nghề nghiệp chúc may mắn, hiệu quả trong nghề nghiệp của gia chủ. Nếu gia chủ làm ruộng sẽ hát bài Chúc nghề làm ruộng:“Nhớ thuở xưa, chẳng biết cấy cầy, /Sông thời ăn những trái cây các loại, /Uống trong đầm nước, /Đồng án tan hoang./…… /Từ ngày thuận giáo hòa mưa, cầu thiên đảo xuống cho dân làm ruộng.” Phần đầu bài hát dựng lại thời điểm ban đầu khai mở vùng đất mới của ông cha, lí giải nghề nghiệp làm ruộng hiểu được, biết được là nhờ “Thần nông” dạy cho. Nếu gia chủ làm nghề trồng hoa thì hát chúc nghề trồng bông. Ngoài ra còn rất nhiều nghề khác được ghi lại trong công trình biên khảo của Huỳnh Ngọc Trảng. Phần tiếp theo của hát giúp vui là một số bài lý như Lý đầu cầu, Lý tháng giêng, Lý Lơ Thơ,… Ngoài ra, còn còn có một số bài nói thơ (nội dung các bài này phản ánh tính thời sự địa phương, lịch sử, kháng chiến,…), kể chuyện thơ dân gian, nói vè (Bách hoa bách thú, Vè trái cây, Vè rau). Phần cuối cùng là phần kết thúc sau khi trấn bùa, hát chúc, hát giúp vui, đoàn hát sắc bùa từ giã gia chủ ra về, tiếp tục sang nhà khác (những nhà đã mời trước đêm trừ tịch) để lại không khí vừa linh thiêng và nhộp nhịp vui tươi của ngày tết. Ra về kết thúc bằng bài Hát giã từ:“…Trăm năm! Trăm năm!/Khỏe mạnh ăn nằm,/An nhà lợi nước./Gia quan tấn tước,/Tước lộc, quyền cao”(Hát giã từ - Nguyễn Lừa). 2.4. Nội dung chính yếu của bài hát sắc bùa Phú lễ Như chúng tôi từng đề cặp, hát sắc bùa Phú lễ là một hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo vì chứa đựng hai yếu tố; yếu tố tâm linh của đạo giáo lồng vào đó là lời ca tiếng hát đậm chất văn hóa dân gian địa phương Tây Nam Bộ, được diễn ra trong không gian làng quê và thời gian của ngày tết, cúng đình. Một loại hình nghệ thuật dân gian hàm chứa thực hành nghi lễ: “Những bài hát nặng về tính chất xưng tụng xen lẫn với phù chú có tính chất ma thuật. Nhưng chủ đề lớn của nó là những ước mơ của người lao động” (Huỳnh Ngọc Trảng [3], trang 6). Cụ thể có một số nội dung sau: nội dung trừ tà ma, chúc gia chủ (chúc xuân, chúc ông bà, chúc nghề nghiệp), hát giúp vui tạo không khí vui tươi trong ngày tết, phản ánh một số vấn đề mang tính thời sự địa phương, về lịch sử, về kháng chiến, về Bác Hồ,… điển hình một số đoạn sau: 86
  5. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 25 – Tháng 11/2020 Chúc ông bà “… Gia đình mạnh khỏe! /Lộc quyền đem tới, /Phước thọ đầy nhà. /Năm mới giàu sang /Gia quan tấn lộc!”(Chúc ông bà – Bùi Văn Kén). Hát về kháng chiến, hát về Bác Hồ “…Bao giờ Nam Việt phục hưng, /Anh em ta sẽ hết đường gian lao. /Chúc cho cả thảy các đàng, /Bình an vô sự hiển vang trăm phần”(Kỷ niệm năm thứ ba ngày Cách mạng tháng tám thành công (1947) – Nguyễn Lừa kể). 2.5. Thực trạng và giải pháp bảo tồn 2.5.1. Thực trạng: Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xác định tục hát sắc bùa ở Bến Tre có nguồn gốc từ Nam Trung Bộ, cụ thể là vùng đất Quảng Ngãi - Bình Định. Loại hình diễn xướng này đã cùng người dân Nam tiến trong công cuộc khai hoang, mở đất, tạo lập nên vùng đất Phú Lễ. Hiện ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre còn duy trì được đội hát sắc bùa biểu diễn trong ngày tết Nguyên Đán và dịp cúng đình. Từng một thời thịnh hành trên vùng sông nước phương Nam, nhưng sau bao biến đổi thăng trầm, hát sắc bùa dần bị mai một. Từ năm 1985 đến 1998, tục hát sắc bùa ở xã Phú Lễ gần như không còn do các nghệ nhân lớn tuổi đã qua đời gần hết và không có thế hệ kế thừa. Năm 1998, hát sắc bùa Phú Lễ được đề nghị đăng ký vào dự án bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam do Viện Văn hóa Thông tin (thuộc Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chịu trách nhiệm quản lý, điều hành. Từ đó, hát sắc bùa dần hồi sinh với nhiều đội được thành lập. Hiện tại, toàn tỉnh có năm địa phương có đội hát sắc bùa gồm: xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm), trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Ba Tri, xã Phú Lễ, Bảo tàng Bến Tre và Trường trung học cơ sở Phú Lễ. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá cao giá trị di sản hát sắc bùa Phú Lễ và cho rằng, những làn điệu, lời ca của loại hình dân ca này là nguồn tư liệu quý, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần và sinh hoạt của cư dân miền Tây Nam Bộ nói chung. Người hát sắc bùa phải đam mê, kiên trì luyện tập mới hát đúng vì nếu không đúng hơi thì không ra hát sắc bùa. “Cái kể” thì phải giữ nhịp đôi liên tục còn “Con xô” thì không được hụt hơi, lạc nhịp. Hát sắc bùa hiện không chỉ đáp ứng nhu cầu văn nghệ của cộng đồng mà còn góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nghệ nhân Nguyễn Thanh Quang, đội trưởng hát sắc bùa Phú Lễ kể: “Hồi nhỏ, mỗi dịp Tết, ở đâu có Hát sắc bùa là tôi đi theo xem cho nên dần dần thuộc nhiều bài hát. Gần đây, khi khôi phục nghệ thuật Hát sắc bùa, địa phương đã mời tôi làm đội trưởng để cùng các nghệ nhân trong xã tập luyện, biểu diễn, đồng thời hướng dẫn các em học sinh biết và kế thừa nghệ thuật độc đáo này” dẫn theo Hoàng Lê [1]. Ngày 13/4/2017, hát sắc bùa Phú Lễ vinh dự được công nhận là di sản phi vật thể cấp Quốc gia, đánh dấu một bước ngoặc mới cho loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian này. 2.5.2. Giải pháp bảo tồn: Nghị quyết TW5 (khoá VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc”, thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc. Để bảo tồn, duy trì hoạt động của loại hình văn hóa văn nghệ dân gian này, theo chúng tôi cần thực hiện đồng bộ các nội dung như: tăng cường nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức quản lí văn hóa, xây dựng môi trường hoạt động của loại hình văn hóa này gắn liền với phát triển du lịch văn hóa, đào tạo lực lượng kế thừa - “dự trữ nguồn” từ các nghệ nhân,… trong đó gắn với du lịch văn hóa là yếu tố sống còn và phù hợp với tình hình mới (du lịch văn hóa và du lịch tâm linh đang là lựa chọn của nhiều du khách), cụ thể: Một là, tăng cường nhận thức và trách nhiệm quản lí của các tổ chức văn hóa: Bất kì một loại hình nghệ thuật, hoạt động văn hóa nào cũng cần có sự quan tâm, nghiên cứu, hoạch định hoạt động, bảo tồn,… của các tổ chức, chức năng mà trong đó tổ chức quản lí cấp cơ sở là 87
  6. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 25 – Tháng 11/2020 quan trọng nhất. Hiện tượng hát sắc bùa là một loại hình văn hóa nghệ thuật khá độc đáo cần được lưu giữ trong dòng chảy của văn hóa dân tộc. Hai là, cần tạo điều kiện, môi trường hoạt động cho loại hình sinh hoạt văn hóa hát sắc bùa Phú Lễ: Hiện môi trường hoạt động của loại hình này khá hạn hẹp (theo thời vụ), chỉ phục vụ nhu cầu ngày Tết và cúng đình. Nhu cầu ngày Tết lại không lớn như thời gian trước. Tạo môi trường mới trong hoạt động du lịch là bước đi phù hợp trong bối cảnh xã hội hiện nay. Ba là, đào tạo đội ngũ kế thừa và chăm lo đời sống của các nghệ nhân: Những nghệ nhân hát sắc bùa đang lưu giữ những giá trị văn hóa cổ của cả thời kỳ khai mở vùng đất Nam Bộ. Thực tế đã chỉ ra rằng, không chăm lo đào tạo lực lượng kế thừa sẽ mất đi loại hình sinh hoạt văn hóa này khi các nghệ nhân không còn nữa. Nhiều nghệ nhân được hỏi về nghề của mình, họ cho rằng hát là vì truyền thống gia đình, cố giữ lại nghề của tổ tiên mà thôi. Chính vì vậy, bài toán kinh tế cũng rất đáng quan tâm vì họ không thể sống bằng nghề này được, Nhà nước thì không có chính sách trả lương cho họ. Thứ tư, truyền thông có vai trò khá quan trọng trong việc giới thiệu những giá trị văn hóa của hát sắc bùa, là cầu nối trong việc giữ loại hình sinh hoạt văn hóa với đời sống xã hội (gần đây đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long và kênh HVS (Hà Văn Sỹ) cũng đã thực hiện hai phóng sự khá đầy đủ về hát sắc bùa Phú Lễ). Cần có sự chung tay của các tổ chức xã hội, đặc biệt là tổ chức quản lí văn hóa và những nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát triển hát sắc bùa trong tình hình mới. 3. Kết luận Hát sắc bùa Phú Lễ là một loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian khá độc đáo, diễn ra vào dịp tết Nguyên Đán và trong dịp cúng đình. Ngày nay, hát sắc bùa được sự quan tâm khá lớn của những tổ chức văn hóa từ trung ương đến địa phương. Việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là cơ hội để loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian này sống lại và là cơ hội để phát triển du lịch văn hóa của tỉnh Bến Tre nói riêng và vùng Tây Nam Bộ nói chung. Gìn giữ loại hình văn hóa dân gian này tức là gìn giữ những giá trị cổ xưa của địa phương Phú Lễ, lưu lại được dấu tích lịch sử của vùng đất Tây Nam Bộ trong những ngày đầu khoai hoang của ông cha trong nhiều thập niên của thế kỷ XVII, XVIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] H.Lê, “Bảo tồn di sản quốc gia hát sắc bùa Phú Lễ”, 2017. [Trực tuyến]. Tại Địa chỉ http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/32614102-bao-ton-di-san-quoc-gia-hat-sac-bua- phu-le.html, truy cập ngày 26/5/2020. [2] H.N.Trảng, Đặc khảo về hát sắc bùa, NXB Văn hóa, TPHCM, 2000. [3] H.N.Trảng, Hát sắc bùa Phú Lễ, NXB TPHCM, 1992. [4] N.T.H. Xuân, N.N.T.Vy, “Hát sắc bùa trong văn hóa Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một, số 4, 2014. [5] P.Đ.Nhật (chủ biên), Sử thi Mường (Quyển 1), NXB Khoa học Xã hội, 2013. [6] T.V.Nam (chủ biên), Văn hóa tết đồng bằng sông Cửu Long, NXB Văn nghệ, TPHCM, 2010. [7] T.V.Thịnh, “Hát sắc bùa Phú Lễ - một sinh hoạt văn nghệ dân gian độc đáo”, in trong “Văn hóa Tết đồng bằng sông Cửu Long”, NXB Văn nghệ, TPHCM, 2010. Ngày nhận: 14/8/2020 Ngày duyệt đăng: 22/10/2020 88
nguon tai.lieu . vn