Xem mẫu

  1. Hạn khuống giao duyên Mời du khách bốn phương vượt đường xa dặm thẳm lên với Điện Biên, nơi biên cương sương trắng giăng thành. Ngay ở tiệc rượu đầu tiên, theo thông lệ miền núi, mỗi người phải đủ ba lần cạn chén, sáu lượt xưng danh và chín bận cầm tay... Nhưng thề nguyền chỉ nói lời duy nhất, khi đã chuếnh choáng hơi men, du khách sẽ cùng dự hội hạn khuống giao duyên. Hạn khuống, về bản chất là hình thức sinh hoạt tập thể của đồng bào Thái (nhất là Thái Đen), có hội mà không có lễ; nhằm thỏa mãn nhu cầu giao lưu văn hóa - văn nghệ giữa các địa bàn (làng, bản) và giữa các cá thể (từng thành viên dự chơi). Theo tiếng Thái, hạn là sàn, còn khuống là sân. Vật liệu để dựng sàn có thể bằng tre, có thể bằng gỗ nhưng thường thiết kế không vĩnh cửu vì hết mùa hạn khuống là phá bỏ đi. Kích thước sàn sân cũng không bắt buộc phải tuân theo một khuôn mẫu nào. Nhưng để tiện dụng, người ta thường làm mặt sàn hình vuông, diện tích khoảng từ 20m²-24m², cao 1-1,5m. Bao quanh sàn sân là một hàng chấn song bằng tre thưa và thấp, đan hình mắt cáo, chủ yếu làm để cho đẹp; đó là mô típ hoa văn đặc trưng của dân tộc Thái. Lối lên xuống được nối bởi một cầu thang ba bậc và chỉ có ba bậc mà thôi. Mặt sàn được trang trí bởi năm cây tre róc sạch cành, chỉ để lại tít trên ngọn một túm lá phất phơ, gọi là lắc xáy; 4 cây nhỏ cắm ở 4 góc sàn, còn cây to và thẳng nhất cắm ở cạnh bếp lửa gọi là lắc xáy cốc (cây nêu gốc). Thông thường, mỗi cuộc hạn khuống tối thiểu cũng phải chọn đủ 5 (có nơi 10) cô gái xinh xắn, nết na, chưa lập gia đình. Một cô ngồi ở chân lắc xáy cốc và được tôn là tổn khuống (tướng sân), có vai trò chủ trì, điều phối, châm ngòi, giữ nhịp cho những cuộc đối đáp. Bốn cô gái kia chia nhau ngồi cạnh chân 4 lắc xáy ở 4 góc sàn, có nhiệm vụ phù trợ, điểm xuyết, làm nền, tạo thêm không khí sinh động, bất ngờ cho cuộc chơi. Soi sáng cho sân chơi hạn khuống là một bếp lửa bập bùng, chu vi chừng 4m, nằm ở giữa sàn, sát chân lắc xáy cốc. Vào cuộc, các cô hát những câu hát trữ tình là thơ ca dân gian của đồng bào Thái nói về tình yêu đôi lứa; bày tỏ khát vọng sống, khát vọng yêu thương và tin tưởng vào tương lai tươi đẹp mai sau. Đứng ở dưới sân, trong số hàng ngàn công chúng đang hào hứng theo dõi và nhiệt liệt tán đồng, là một nhóm 5 chàng trai (ứng với 5 cô gái trên sàn). Các chàng trai có nhiệm vụ hát đối lại, nội dung ca từ đó do phía các cô gái "quy định", thông qua ý tứ của lời khắp xướng. Khi nỗi ưu tư của các cô được "bạn tình" chung lòng san sẻ, thì tự tay các cô sẽ nhẹ nhàng cắt đứt sợi chỉ để mở cửa cầu thang, kèm theo là lời mời ngượng ngập. Lúc này, trên sàn chơi từng cặp nam nữ ngồi sát bên nhau. Cạnh bếp lửa, chàng trai vừa trổ tài tính tẩu vừa âu yếm ngắm nhìn cô gái đang bẽn lẽn quay tơ. Khung cảnh đó gợi cho người xem ý tưởng về một gia đình ấm êm, tràn đầy hạnh phúc. Sự ước lệ của động tác
  2. kết hợp với ngôn ngữ của nghệ thuật tượng hình, đã tạo nên những rung cảm thẩm mỹ nhất định. Khi những người có tuổi miễn cưỡng ra về, vừa đi vừa khẽ nhẩm câu xai pieng - xai sương mới được nghe hồi nãy, để nhớ lại mình cái thời quả còn vụng đường tung, thì lớp trẻ vãn bên nhau hát xướng say sưa, từ lúc vầng trăng mới mọc ở tít bên này núi. Những hẹn hò tái ngộ bên sàn khuống được líu ríu trao đi nhận lại làm dùng dằng thêm phút chia tay và làm nặng thêm những bước chân trên mỗi ngả đường về. Để rồi, sau mỗi mùa hạn khuống rất nhiều lứa đôi đã trở nên tâm đầu ý hợp, được bạn bè chung tay vun đắp, được mẹ cha mãn nguyện tác thành. Hàng năm, sau Tết Nguyên đán, nếu lên thăm Điện Biên, du khách sẽ có cơ hội được uốn mình vào những đêm hạn khuống. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo là nơi có nhiều nỗ lực nhất trong việc duy trì lễ hội truyền thống này. Điều đó không chỉ góp phần tích cực để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa miền núi, mà còn thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó giữa dân tộc Thái với 20 dân tộc anh em khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc biên cương tổ quốc.
nguon tai.lieu . vn