Xem mẫu

  1. 39 GIÖP SINH VIÊN NHẬN THỨC VỀ ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠO MẪU – MỘT TÔN GIÁO TÍN NGƢỠNG BẢN ĐỊA VIỆT NAM Giảng viên: Đặng Hoàng Hà Khoa: Mầm non Địa chỉ mail: hoangha2551983@gmail.com.vn Tóm tắt Đạo Mẫu là tôn giáo tín ngưỡng bản địa của Việt Nam thờ các Nữ thần, Mẫu thần, qua đó thể hiện niềm tin, ước vọng của con người về sự sinh sôi nảy nở. Trong thực tiễn cuộc sống người ta thấy, dường như yếu tố "cái", yếu tố "nữ" có ý nghĩa quyết định trong sự sinh sản, do đó sức mạnh phồn thực được quy định về "nguyên lý Mẹ" và đã hình thành nên tín ngưỡng thờ Nữ thần, Mẫu thần, mà đỉnh cao là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và được gọi với tên gọi chung là Đạo Mẫu. Tín ngưỡng thờ Nữ thần, Mẫu thần có mặt ở khắp các vùng miền và ở nhiều dân tộc thiểu số trong cả nước. Người Việt ở đồng bằng Bắc bộ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Phật Mẫu Man Nương... người Chăm ở Nam Trung bộ thờ Mẹ Xứ sở Pô Inưnaga, người Khơ-me Nam bộ thờ Bà Chúa Xứ, Bà Đen... Đạo Mẫu là một tôn giáo tín ngưỡng bản địa đặc thù của Việt Nam. Trong bài viết này chúng tôi trình bày ba đặc điểm cơ bản, đặc trưng của đạo Mẫu đó là: các lớp tín ngưỡng, điện thần và hệ thống lễ nghi, khả năng tích hợp các tôn giáo tín ngưỡng của đạo Mẫu. 1. Đạo Mẫu và các lớp tín ngưỡng. 2. Đạo Mẫu và hệ thống điện thờ, lễ nghi. 3. Đạo Mẫu và khả năng tích hợp các tôn giáo tín ngưỡng. Từ khóa: Đạo mẫu,tôn giáo tín ngưỡng, tô giáo tín ngưỡng bản địa I. Đặt vấn đề Kiến thức về văn hóa rất rộng, học phần Cơ sở văn hóa Việt Nam với thời lượng 45 tiết giáo viên khó có thể có đủ thời gian để giúp sinh viên nắm bắt được sâu, rộng các khía cạnh rất cụ thể của đời sống văn hóa. Trong đó nội dung về tôn giáo, tín ngưỡng là một khía cạnh quan trong trong đời sống tâm linh của con người. Tôn giáo tín ngưỡng là niềm tin của con người vào cái gì đó thiêng liêng, cao cả, siêu nhiên. Niềm tin vào cái thiêng liêng thuộc về bản chất con người, nó ra đời và tồn tại cùng với con người, là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người. Tùy theo từng hoàn cảnh và trình độ phát triển kinh tế xã hội của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia mà niềm tin đó được thể hiện ra dưới các hình thức tôn giáo tín ngưỡng khác nhau. Song, để có thể truyền đạt được sâu rộng nội dung về nội dung nay tới sinh viên đòi hỏi phải có nhiều thời gian hơn so với khuôn khổ chỉ có 02 tiết. Qua một số câu hỏi phỏng vấn, trò chuyện với 15 sinh viên, kết quả cho thấy sự hiểu biết về tín ngưỡng thờ mẫu còn rất mờ nhạt thậm chí còn có sự nhầm tưởng đó là những hoạt động mê tín dị đoan.
  2. 40 Để có thể giúp sinh viên có thêm kiến thức về nội dung « Tín ngưỡng » trong chương « Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân », người viết cung cấp sâu hơn về tín ngưỡng bản địa tiêu biểu của người Việt- Đạo mẫu. II. Phƣơng pháp nghiên cứu 1. Tổng hợp nghiên cứu lý thuyết Thông qua các tài liệu nghiên cứu về văn hóa truyền thống để có thêm kiến thức rộng, sâu về lĩnh vực đang nghiên cứu, làm rõ hơn vấn đề nghiên cứu của mình. Đồng thời nắm được phương pháp của các nghiên cứu đó thực hiện trước đây. Qua đó có phương pháp luận hay luận cứ chặt chẽ hơn để nghiên cứu hoàn thành bài viết. Các nguồn tài liệu nghiên cứu: - Sách, giáo trình - Báo, tạp chí - Các thông tin, bài báo trên internet. 2. Phƣơng pháp phỏng vấn sâu Tiến hành phỏng vấn sâu 15 sinh viên 2 lớp Cao đẳng sư phạm mầm non A, B K27 nhằm mục đích tìm hiểu nhận thức của sinh viên về đạo Mẫu. Qua đó người viết có thể định hướng được nội dung cung cấp thêm kiến thức về đạo Mẫu cho sinh viên. Bao gồm các câu hỏi và kết quả phỏng vấn cụ thể như sau: 1. Em có quan tâm đến tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam không? Đối với câu hỏi này, 10/15 sinh viên có câu trả lời là không quan tâm, 5/15 sinh viên ít quan tâm. 2. Em có biết những người phụ nữ được tôn thờ trong đời sống tâm linh của người Việt không? Đối với câu hỏi này, có 12/15 sinh viên nêu được tên một số người phụ nữ được tôn thờ trong đời sống tâm linh người Việt. 3. Em có biết tên gọi và ý nghĩa biểu tượng của các mẫu được tôn thờ trong các cơ sở thờ tự như điện, đền, phủ không? Trong câu hỏi này, 14/15 sinh viên không biết tên gọi và ý nghĩa biểu tượng của các mấu. 01 sinh viên nêu được tên các mẫu nhưng không hiểu ý nghĩa biểu tượng của các mẫu. 4. Đạo Mẫu có vai trò và ý nghĩa như thế nào đến đời sống xã hội? Kết quả của câu hỏi này là 11/15 sinh viên không biết vai trò và ý nghĩa của đạo Mẫu, 04 sinh viên hiểu một cách mơ hồ.
  3. 41 III. Kết quả nghiên cứu và bàn luận 1. Đạo Mẫu và các lớp tín ngƣỡng Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tín ngưỡng thờ Mẫu ở các vùng miền trong cả nước có sự khác nhau đôi chút về nghi lễ thờ cúng, cách thức bài trí điện thờ... nhưng về cơ bản, đạo Mẫu là một hệ thống các tín ngưỡng tôn giáo trong đó ít nhất bao gồm ba lớp khác nhau nhưng có mối quan hệ hữu cơ chi phối nhau đó là: lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, lớp tín ngưỡng thờ Mẫu thần, lớp tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. a) Lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần: Đây là lớp tín ngưỡng có tính chất phổ quát rộng rãi nhất và có vai trò là cơ sở, nền tảng cho hai lớp tín ngưỡng thờ Mẫu, lớp tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Ở Việt Nam, việc thờ phụng các Nữ thần đã có từ rất lâu đời và phổ biến ở nhiều dân tộc, ở đồng bằng cũng như miền núi, miền bắc cũng như miền nam. Với hàng loạt các nữ thần: Bà Trời, bà Thủy, bà Hỏa, các Nữ thần Mây - Mưa - Sấm - Chớp... Các Nữ thần được nhân dân tôn vinh có nguồn gốc từ nhiên thần và nhân thần, là những người có ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Có thể chia thành các loại: - Các Nữ thần gắn với việc tạo lập bản thể vũ trụ: Nữ thần Mặt Trăng, Nữ thần Mặt Trời, Bà Nữ Oa và ông Tứ Tượng đội đá vá trời. Các hiện tượng mây, mưa, sấm, chớp cũng được thần thánh hóa và mang tính nữ với các nữ thần: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. - Các Nữ thần gắn với sự hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam có các Mẹ: Mẹ Âu Cơ của Lạc Việt, Mẹ Quê Hương - Xứ sở Pô Inưnaga của người Chăm... - Các nữ thần gắn với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam có các nữ tướng - nữ thần như Hai Bà Trưng, Dương Vân Nga, ỷ Lan, Bùi Thị Xuân, vợ Đề Thám... Các Nữ thần trên từ bao đời nay được nhân dân tôn làm thần, thánh, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của nhân dân. Điều này được thể hiện rõ qua hàng loạt hệ thống các điện thờ, đình, chùa... và các lễ hội tưởng nhớ hàng năm như: lễ hội Phủ Giày thờ mẫu Liễu Hạnh, lễ hội Hai Bà Trưng thờ hai vị nữ tướng đánh giặc ngoại xâm, lễ hội núi Bà Đen thờ Linh Sơn thánh mẫu... b) Lớp tín ngưỡng thờ Mẫu thần Lớp tín ngưỡng này được phát triển trên cơ sở thờ các Nữ thần. Trong số các Nữ thần, một số vị được nhân dân tôn vinh là Mẫu với các tên gọi khác nhau: mẫu, thánh mẫu, quốc mẫu, vương mẫu.... Mẫu là danh xưng chỉ những người phụ nữ đã sinh ra một người nào đó. Tuy nhiên, mẫu còn bao hàm nghĩa rộng hơn, mang tính chất tôn vinh, tôn xưng: Mẫu Âu Cơ - người sinh thành ra người Việt, được tôn làm Quốc mẫu; Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh là Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn loài... Vì vậy không phải tất cả các Nữ thần đều là Mẫu thần. Giống như các Nữ thần, các Mẫu thần cũng có nguồn gốc nhiên thần
  4. 42 và nhân thần. Trong lớp tín ngưỡng thờ mẫu thần này, các mẫu thần có nguồn gốc nhiên thần thường được tôn xưng là mẫu, thánh mẫu như: Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thiên Yana, Linh Sơn thánh mẫu... Các mẫu thần có nguồn gốc nhân thần thường là các thái hậu, hoàng hậu, công chúa có tài năng, công đức, khi mất hiển linh và được tôn xưng là mẫu, quốc mẫu, vương mẫu. Tuy nhiên, sự phân chia này chỉ có tính chất tương đối. Việc tôn xưng các vị thần còn phụ thuộc vào công đức, công trạng của họ đối với nhân dân chứ không phải chỉ phụ thuộc vào nguồn gốc xuất thân của họ. Liễu Hạnh là một nhân vật lịch sử có thật, được nhân dân thần thánh hóa lên và được tôn xưng là Thánh mẫu Liễu Hạnh. Âu Cơ là một nhân vật huyền thoại, nhưng được coi là người sinh ra dân tộc Việt nên vẫn được tôn xưng là Quốc Mẫu. c) Lớp tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ Về cơ bản, lớp tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ Nữ thần nhưng được hình thành và phát triển trực tiếp từ lớp tín ngưỡng thờ Mẫu thần. So với lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, Mẫu thần thì lớp tín ngưỡng này có bước phát triển cao hơn về nhiều mặt, chứa đựng những yếu tố cơ bản của một tôn giáo như: hệ thống thờ cúng trong các đền, phủ, nhưng nghi lễ thờ cúng được hệ thống hóa, bước đầu hình thành thế giới quan... Nói theo cách các nhà khoa học thì tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là hình thức "nâng cao" của tín ngưỡng thờ Nữ thần, và là hình thức "lên khuôn" của tín ngưỡng thờ Mẫu thần. Có thể nói, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là đỉnh cao của tín ngưỡng thờ Nữ thần, là điểm giao thoa giữa tín ngưỡng và tôn giáo. Do đó đạo Mẫu là một tôn giáo, tín ngưỡng bản địa của Việt Nam. Dưới đây là một số đặc điểm chung về đạo Mẫu. 2. Điện thờ Mẫu và hệ thống lễ nghi Điện thờ Mẫu và hệ thống lễ nghi là hai yếu tố cơ bản chỉ cho ta thấy Đạo Mẫu có các yếu tố của một tôn giáo và giúp ta hiểu sâu hơn về bản chất của đạo Mẫu, từ đó thấy được những đặc điểm riêng biệt của đạo Mẫu. Trong điện thờ Mẫu, yếu tính nữ rất được đề cao. Đặc điểm này thể hiện trước hết ở kiến trúc điện Mẫu. Trong tâm thức dân gian của cư dân nông nghiệp nước ta, dòng sông, con suối, hồ nước... tức những nơi có nước, mang yếu tính nữ (âm). Vì vậy hầu hết các điện Mẫu thường được xây dựng bên cạnh một con sông (như điện Hòn Chén xây dựng trên núi Ngọc Trản, cạnh sông Hương), cạnh cửa biển (như đền Cờn dựng ở cửa Càn Hải - Nghệ Tĩnh), cạnh một con suối (như đền Bắc Lệ - Lạng Sơn), cạnh một hồ lớn (như Phủ Tây Hồ - ở cạnh Hồ Tây - Hà Nội)... Nếu như không chọn được cái thế đất lành tự nhiên có sông, hồ ôm bọc hoặc có những gò đất bốn bề quần tụ thì trong khuôn viên dựng điện Mẫu người ta sẽ phải làm hồ, ao, giếng để dựng lại một không gian cần phải có, ứng với thuật phong thủy theo quan niệm dân gian. Các cửa điện Mẫu bao giờ cũng đặt quay về
  5. 43 phía nguồn nước, những nơi tụ thủy, tụ phúc. Ví như chiếc hồ bán nguyệt trước điện Tiên Hương và chiếc hồ hình vuông trước điện Vân Cát ở Phủ Giày... Trong việc tạo dựng một nơi tụ thủy là hồ thì những hồ tròn có niên đại muộn hơn các hồ hình bán nguyệt. Cũng để tạo yếu tính nữ, nhiều điện Mẫu ở vùng cao thường được dựng trong các hang động. Một thành phần của kiến trúc mang yếu tính nữ nữa là việc tạo dựng các hòn non bộ - giả sơn. Với những ngọn đá lô xô mọc lên từ đất hoặc dầm chân trong nước, tuy nhỏ nhoi nhưng cũng có những hang động. Có người cho rằng thư tạo gia sơn là để hồi cố về thuở con người còn ăn lông ở lỗ miền hoang dã. Thực ra không phải như vậy. Trước khi việc làm non bộ đặt trong nhà là một trò chơi nghệ thuật thì nó vốn được ra đời trên cơ sở của việc thờ mẫu do sự tích các bà chúa Thượng ngàn, Thiên Yana... thường liên quan đến cây, đá. Trong quan niệm phồn thực dân gian thì cây và đá đều mang tính nữ vì chúng có sinh nở, được mọc từ dưới đất lên. Bên cạnh đó, các vị thánh trong Đạo Mẫu được phân thành các phủ, đứng đầu mỗi phủ là một vị thánh Mẫu: Mẫu Thượng thiên cai quản Thiên phủ, Mẫu Địa cai quản Địa phủ, Mẫu Thoải cai quản Thoải phủ, Mẫu Thượng ngàn cai quản Nhạc phủ. Đứng đầu điện thờ Mẫu là Ngọc Hoàng - Nam thần nhưng có vị trí rất mờ nhạt. Sự xuất hiện của Ngọc Hoàng trong điện thờ chủ yếu có tác dụng cân bằng âm dương. Các Mẫu thần đứng dưới Ngọc Hoàng nhưng vẫn nắm quyền tối cao. Điều này chứng tỏ yếu tố nữ, và các nữ thần, mẫu thần rất được đề cao. Cách thức bài trí điện thờ Mẫu thể hiện tính thống nhất chặt chẽ. Cách thức bài trí điện thò Mẫu thường theo cung đệ nhất, cung đệ nhị và cung đệ tam (từ ngoài vào), trung tâm điện thần nằm ở cung đệ tam (hậu cung). Điện thần gian thờ Mẫu (hậu cung). Vị trí chủ vị thần thánh được bài trí, sắp xếp theo ba tầng. Tầng trên không, tầng giữa và tầng trệt. Ở tầng không, là sự hiện diện của đôi mãng xà (Thanh xà, Bạch xà) tượng trưng cho quan lớn Tuần Tranh (Rắn thần). Ở tầng giữa là nơi ngự của các thánh, các vị chư thần thánh. Ở tầng trệt là nơi thờ ông Năm Dinh hay Thánh ngũ hổ tướng quân với biểu tượng là tượng con hổ hoặc có khi chỉ là một bức tranh vẽ con hổ. Vị trí các thần trong hệ thống điện thần đạo Mẫu Tam phủ. Tứ phủ được trình bày như sau: - Ngọc Hoàng - Tam tòa thánh mẫu (Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải). - Ngũ vị Vương quan (Quan đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, đệ ngũ; là các Nam thần). Đức Thánh Trần cũng được xếp vào hàng các Quan. - Tứ vị Chầu Bà (Mẫu thiên, Mẫu địa, Mẫu thoải, Mẫu thượng ngàn) là sự hóa thân trực tiếp của Tứ vị thánh mẫu.
  6. 44 - Ngũ vị Hoàng tử (được gọi tên theo thứ tự từ Đệ nhất đến Đệ ngũ, là các Nam thần). - Thập nhị Vương cô (Nữ thần). - Thập nhị Vương cậu (Nam thần). - Ngũ Hổ. - Ông Lốt. Quan sát vị trí các thần trong điện thờ Mẫu ta thấy: - Hệ thống các thần Tứ phủ là các nữ thần và nam thần thể hiện tính lưỡng phân lưỡng hợp giữa các nam thần và nữ thần. Trong đạo Mẫu, Mẫu là vị thần có quyền năng sáng tạo tối thượng, nhưng trong điện thần, các vị thần vẫn chia thành dòng cha và dòng mẹ. Một bên là Thánh Mẫu với các hóa thân trực tiếp là các Chầu và những người giúp việc là các cô. Bên kia là vua cha và thuộc dòng vua cha là các quan, các ông hoàng và cậu. Số lượng các vị thánh của mỗi hàng trong điện thờ Tứ phủ cũng thể hiện giới tính các thần linh. Theo quan niệm dân gian thì số chẵn là yếu tố âm, số lẻ là yếu tố dương. Quan sát điện thờ mẫu ta thấy: thuộc dòng Mẫu - Mẹ là Tứ vị Thánh Mẫu, Tứ vị Chầu Bà, thậm chí là Bát vị Chầu Bà, Thập nhị Chầu Bà. Đối với dòng Vua cha, nam thần thì có Ngũ vị Hoàng tử, Ngũ vị Tôn ông... như vậy số lượng các vị thần trong mỗi hàng thuộc dòng thánh mẫu là con số chẵn, thuộc dòng cha là con số lẻ. - Hệ thống điện thần, tên gọi mỗi vị thần, cách thức bài trí thờ cúng trong các đền, điện của Đạo Mẫu bước đầu chứa đựng những nhân tố về vũ trụ luận nguyên sơ và nhân sinh quan sâu sắc. Trước hết điện thần Tứ phủ là một mô thức vũ trụ thu nhỏ, một vũ trụ thống nhất chia thành 4 miền do bốn vị thánh mẫu cai quản: Mẫu Thượng thiên cai quản miền trời, Mẫu Địa cai quản miền đất, Mẫu Thượng ngàn cai quản miền đồi núi, Mẫu Thoải cai quản miền sông nước. Bốn miền vũ trụ này tạo thành hai cặp thiên - địa, rừng núi - sông nước, trong đó cặp thiên - địa là cặp trụ cột của hệ thống Tứ phủ. Trong vũ trụ này các thánh Mẫu - Mẹ đứng đầu mỗi miền, giữ quyền năng sáng tạo, sinh sôi và bảo trợ. Đó là một vũ trụ mang tính chất "nhất nguyên" nhưng "lưỡng cực". - Trong hệ thống các vị thần linh Đạo Mẫu điều đáng chú ý nhất là hai vị thần Liễu Hạnh và Đức Thánh Trần, được coi là Cha - Mẹ của nhân dân "tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ". Đức Thánh Trần là nhân vật lịch sử có thật trong lịch sử Việt Nam đã được nhân dân thần thánh hóa trở thành một vị thần chủ đạo trong đạo Mẫu Tứ phủ. Đức Thánh Trần được coi là một vị Thánh Tứ phủ, là một nam thần. Ông thường được quy về dòng Long Vương, Bát Hải Đại vương. Trong Tứ phủ, về hàng bậc, có lúc ông được đồng nhất với Vua cha trong đối sách với Thần Mẹ, ngày giỗ và lễ hội kèm theo của ông cũng đồng nhất
  7. 45 với ngày giỗ Cha cùng với Bát Hải Đại vương. Trong tâm thức dân gian ông được coi là Ngọc Hoàng, cao hơn Thánh Mẫu. Đức Thánh Trần giáng đồng để trừ tà, cứu chữa con bệnh, tạo nên một dòng Thanh đồng phân khác với hình thức hầu đồng của dòng cốt thờ Mẫu. Sở dĩ Đức Thánh Trần xuất hiện trong Đạo Mẫu là vì: trong thực tế lịch sử ông là một tướng sĩ có nhiều công trạng trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm giữ nước, là một đạo sĩ, một thầy thuốc có tài chữa bệnh cho phụ nữ và do có nguồn gốc gắn liền với sông nước nên sau khi chết ông được tôn xưng là Thánh. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Thánh Trần còn nhằm mục đích cân bằng giữa dòng Cha và dòng Mẹ trong hệ thống các Thần của Đạo Mẫu, tạo sự cân bằng âm - dương và làm cho điện thờ Mẫu giống như kết cấu một gia đình, gia tộc. Thánh mẫu Liễu Hạnh là một nhân vật vừa có tính lịch sử vừa có tính thần thoại. Theo truyền thuyết, Thánh mẫu Liễu Hạnh là công chúa của Ngọc Hoàng, do lỡ tay làm vỡ chén ngọc mà bị đày xuống trần làm con gái nhà họ Lê vào năm 1557. Dưới trần bà có cuộc sống ngắn ngủi, lấy chồng năm 18 tuổi và sinh con, năm 21 tuổi bà chết. Do bà yêu cuộc sống trần tục nên Ngọc Hoàng cho bà tái sinh lần nữa. Trong kiếp mới, bà du ngoạn khắp đất nước, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên. Bà thực hiện nhiều phép màu, giúp dân chống quân xâm lược. bà trở thành một lãnh tụ của nhân dân, thậm chí bà còn tranh đấu với vua chúa. Do đức hạnh của bà, nhân dân đã lập đền thờ, tôn xưng là Thánh. Bà đã trở thành một vị Thánh quan trọng nhất trong Tứ phủ và là một trong Tứ bất tử của Việt Nam. Ngoài cuộc đời, Liễu Hạnh được nhân dân tôn sùng một cách thành kính là Thánh Mẫu, một cách dân dã là Bà Chúa Liễu, một cách gần gũi thân thương là Mẹ. Trong điện thần Tứ phủ, Mẫu Liễu Hạnh là vị Thánh xuất hiện khá muộn nhưng đã nhanh chóng trở thành vị thần chủ của Đạo Mẫu và được tôn vinh hơn tất cả các Thánh Mẫu khác. Bà có thể hóa thân vào Mẫu Thượng ngàn trông coi miền rừng núi, hay thành Tiên Thánh Mẫu - Mẹ Đất cai quản đất đai và đời sống sinh vật. Do đó đền, miếu, phủ thờ Liễu Hạnh mọc lên khắp nơi: Phủ Giày (Nam Định), Phủ Tây Hồ (Hà Nội), Đền Sòng và đền Phố Cát (Thanh Hóa)... - Cùng với hệ thống điện thần, các nghi thức thờ cúng của Đạo Mẫu cũng khá hoàn chỉnh, có tính hệ thống chặt chẽ thể hiện tính chất tôn giáo sơ khai của Đạo Mẫu. Tại điện Mẫu người ta tiến hành những nghi thức thờ cúng đức Thánh Mẫu cùng các chư vị thần thánh để cầu mong lấy phúc, lộc, sức khỏe, ttiền tài. ở mặt sinh hoạt này, đạo Mẫu khẳng định tính đặc thù của mình với những sáng tạo riêng mang đậm nét dân tộc Việt Nam. Hệ thống nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu rất phong phú nhưng điển hình nhất là nghi lễ hầu bóng. Nghi lễ hầu bóng được đặc trưng bởi các bài hát văn và múa thiêng.
  8. 46 Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định nghi lễ hầu bóng là một hình thức sân khấu tâm linh đặc thù, loại hình sân khấu này được gọi là sân khấu thần tích. Hầu bóng là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của nhiều Thánh Tứ phủ vào thân xác các ông Đồng bà Đồng, là sự tái hiện lại các hình ảnh các vị thánh nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo Mẫu. Trong đó, mỗi lần được vị thần linh nhập hồn (giáng đồng) rồi làm việc quan (thời gian thực hiện các nghi lễ) và xuất hồn (thăng đồng) được gọi là một giá đồng. Một buổi hầu đồng được phân thành các bước: Thánh giáng và thánh thăng; thay lễ phục; thắp hương, làm phép, múa đồng, ban lộc và nghe văn chầu, thánh thăng. Trong một buổi hầu đồng, thường là có nhiều vị Thánh giáng, ít nhất khoảng 10 lần giáng của các vị Thánh, bình thường khoảng 15 vị giáng còn nhiều thì trên 20. Việc giáng của các vị thánh phải theo thứ tự từ Thánh Mẫu đến hàng Quan, hàng Chầu, hàng ông Hoàng, hàng Cô và hàng Cậu. Ngũ Hổ và Ông Lốt, vong linh tổ tiên giáng sau cùng. Trong lễ hầu bóng có hát Chầu văn. Những bài hát chầu văn thường kể về sự tích và tính cách của các vị giáng đồng khác nhau vì vậy mỗi giá đồng được quy định bởi một hình thức nghệ thuật tương hợp. Giá các quan lớn, ông Hoàng phải thể hiện sự uy nghiêm, hùng dũng. Giá các Chầu bà phải thể hiện sự duyên dáng, dịu dàng. Giá các Cô phải vui tươi nhí nhánh. Giá các Cậu phải nhanh nhẹn, nghịch ngợm... Qua việc tìm hiểu điện thờ và các nghi lễ ta thấy Đạo Mẫu bước đầu đã có những yếu tố của một tôn giáo sơ khai. Đồng thời nó cũng chỉ ra cho ta thấy khả năng tích hợp các tôn giáo tín ngưỡng. 3. Đạo Mẫu - sự tích hợp của các tôn giáo, tín ngƣỡng Đời sống tâm linh của người Việt Nam được thể hiện qua nhiều hình thức tôn giáo tín ngưỡng khác nhau. Đó là các tín ngưỡng bản địa như: thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng làng... và các tôn giáo ngoại lai như: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo... Trải qua thời gian dài cùng "chung sống" các tôn giáo tín ngưỡng đó đã thẩm thấu vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau, làm cho đời sống tâm linh của người Việt Nam thêm phong phú. Đạo Mẫu là một tôn giáo tín ngưỡng bản địa ở Việt Nam là một điển hình cho sự giao lưu, tích hợp của các tôn giáo. Các kết quả nghiên cứu cho chúng ta thấy trong Đạo Mẫu có vết tích của các tôn giáo tín ngưỡng như: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ động vật, phật giáo, đạo giáo... - Qua hệ thống các thần linh cho ta thấy tính chất đa thần, đặc điểm này bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ đa thần của người Việt. Trong Đạo Mẫu có cả nhiên thần và nhân thần. Trong số các vị nhiên thần và nhân thần lại có nhiều vị thần khác nhau, mỗi vị thần có chức năng khác nhau đối với cuộc sống của nhân dân. Nhưng như thế không có nghĩa là một sự lộn xộn, không có thứ bậc. ở đây, có một trật tự là các vị thần đều quy tụ về một trung tâm là các Thánh Mẫu - đấng sáng tạo tối cao.
  9. 47 - Trong Đạo Mẫu còn có dấu ấn của tín ngưỡng thờ động vật - một tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt. Đặc điểm này được thể hiện qua sự hiện diện của con hổ và rắn. Rắn trong điện thần được gọi là ông Lốt. Trong điện thần có hai con rắn, một con màu trắng có tên là Quan lớn Ba, một con màu sẫm có tên là Quan lớn Năm. Ngoài sự hiện diện bằng hình hài như vậy, ông Lốt còn đi vào văn chầu Thánh Mẫu. Trong bản văn chầu, Thủy tiên Thánh mẫu, rắn thần có công đưa Liễu Nghị đi gặp Thủy Long vương. Trong bản văn Giao long hầu - đều có nói đến rắn thần thường cứu khổ trừ nguy, được gia phong là Thượng đẳng thần cứu quốc. Con hổ trong điện thờ Mẫu được gọi là Quan ngũ hổ, ngự trị ở 5 phương: Hoàng Hổ(hổ vàng – hành thổ) , Hắc Hổ (hổ đen – hành thủy), Bạch hổ (hổ trắng - hành kim) , Xích hồ (hổ đỏ - hành hỏa), Thanh Hổ (Hổ xanh –hành mộc) Trong lễ cúng Ngũ hổ, người ta cũng dâng một bài sớ. Trong bài sớ ấy ca ngợi sức mạnh của Hổ, do ngài là một mãnh chúa anh quân, thống lãnh ba quân xông pha chiến trận cứu quốc an dân hoặc trừ diệt ma quỷ. Trong điện thờ Mẫu có thờ rắn và thờ hổ chính là dấu vết của sự thờ cúng thú vật từ thuở hồng hoang của lịch sử. Người Việt trước khi trở thành một cư dân nông nghiệp sống với nghề trồng trọt, thì họ đã trải qua một thời gian dài sống bằng hình thức kinh tế chiếm đoạt, đánh bắt và săn bắn. Đó chính là tầng văn hóa đầu tiên trước tầng văn hóa thờ các thần nông nghiệp. - Đạo Mẫu cũng tiếp thu những ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Điện thần của đạo Mẫu mang tính gia tộc có vua cha, thánh mẫu. Đó là sự phóng đại của mô thức gia đình và thờ cúng tổ tiên. Hơn nữa, việc thờ cô và thờ cậu của đạo mẫu có cội nguồn sâu xa từ việc thờ cúng những người chết trẻ, bà cô, ông mãnh, đây là yếu tố rất quan trọng trong thờ cúng tổ tiên của gia tộc và dòng họ. - Đạo Mẫu thoát thai từ đạo thờ Thần và chịu những ảnh hưởng sâu sắc của đạo giáo Trung Hoa. Có thể nói rằng, sự ảnh hưởng của đạo giáo Trung Hoa có tác dụng rất quan trọng, một phần làm cho tín ngưỡng thờ Nữ thần, Mẫu thần của Việt Nam phát triển lên thành đạo Mẫu. Đó là các quan niệm về tự nhiên, đồng nhất con người với tự nhiên, về quan niệm Tứ phủ, Tam phủ, có một số vị thánh của Đạo giáo thâm nhập vào điện thần Tứ phủ như: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu... Đó còn là các truyện thần tiên huyền ảo, các phép thuật mang tính phù thủy để trừ ma tà... Chính những ảnh hưởng này, một mặt giúp đạo Mẫu "lên khuôn", hệ thống hóa và bước đầu mang tính chất phổ quát nguyên lý Mẫu - Mẹ. - Đạo Mẫu còn chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Ngay sau khi du nhập vào nước ta Phật giáo đã tự điều chỉnh và biến đổi cho phù hợp với tín ngưỡng và tâm thức dân gian của người Việt bằng con đường phong tục hóa và dân gian hóa. Phật giáo đã nhanh chóng thu
  10. 48 nạp các yếu tố có lợi cho mình trong hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa, đặc biệt là trong các tín ngưỡng nông nghiệp như tục thờ Mẹ hay tục thờ Nữ thần và tục thờ Tứ pháp để cho ra một hình thức Phật mới là Phật Mẫu và Phật Tứ pháp. Theo quan niệm dân gian thì hình tượng Phật Mẫu Man Nương và Tứ pháp ứng với hiện tượng mây, mưa, sấm, chớp trong tín ngưỡng nông nghiệp cổ được thờ ở chùa Dâu. Hiện tượng này là kết quả giao lưu giữa Phật giáo với tín ngưỡng nông nghiệp bản địa và nguồn gốc của Tứ pháp là các Nữ thần: pháp vân, pháp vũ, pháp lôi, pháp điện tương ứng với mây, mưa, sấm, chớp. Trong điện thần cũng như cách thức phối tự các ngôi đền, phủ ta đều thấy sự hiện diện của Phật Bà Quan Âm. Bên cạnh đó còn có truyền thuyết về Thánh mẫu Liễu Hạnh quy y, nghe kinh tuân pháp, chuyển hóa từ bi theo gương Phật... * Bàn luận: Việc tìm hiểu về đặc điểm của đạo mẫu sẽ giúp cho sinh viên hiểu đúng về các lớp tín ngưỡng, hệ thống điện thờ, lễ nghi và mối quan hệ của tín ngưỡng với tôn giáo sơ khai. Trên cơ sở đó, sinh viên sẽ có quan điểm đúng về nhân sinh quan tín ngưỡng (mà nhiều người coi đó là hoạt động mê tín dị đoan). Đạo mẫu hướng con người đến những khát vọng, mong muốn của đời sống thực tại. Đó là mong cho cuộc sống bình an, nhiều tài, nhiều lộc, sinh con đẻ cái, có sức khỏe …chứ không mong đợi những điều tốt đẹp ở của con người sau khi chết. Đồng thời, sinh viên nhận thức được bản chất của đạo mẫu sẽ biết trân trọng thiên nhiên, sống hòa mình với thiên, trân trọng những chủ thể sáng tạo đã đưa vào đó nghệ thuật trình diễn hầu đồng mang nhiều giá trị nhân văn. Chính những giá trị đó mà “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại vào tháng 12 năm 2016. IV. Kết luận Như vậy, có thể thấy rằng Đạo Mẫu là một đức tin của đông đảo quần chúng nhân dân trên cả nước. Trải qua thời kỳ lịch sử, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của con người mà từ tín ngưỡng thờ Nữ thần, Mẫu thần đã phát triển lên thành đạo Mẫu - một hình thức tôn giáo sơ khai. Đạo Mẫu là niềm tin vào sự linh thiêng, phù hộ của thánh mẫu đối với con người. Do đó nhiều dân tộc ở nước ta có tục thờ Mẫu. Mỗi dân tộc có một bà mẫu khởi nguyên xem đó là thủy tổ của mình. Mẫu Âu Cơ của người Việt, Mẫu Thiên Yana của người Chăm... việc thờ cúng này chính là dấu vết sớm của tục thờ cúng tổ tiên vì văn hóa Việt Nam là gốc nông nghiệp, trọng nữ đã từng tồn tại chế độ mẫu hệ trước khi chế độ phụ hệ xuất hiện và thay thế. Đạo Mẫu còn chứa đựng những giá trị truyền thống, giá trị đạo đức và văn hóa sâu sắc. Đó là tâm thức uống nước nhớ nguồn, hướng về cội nguồn, tôn vinh những người có công với đất nước. Do đó Đạo Mẫu được coi là một trong những tôn giáo tín ngưỡng bản địa hàng đầu của các dân tộc Việt Nam. Ngày nay trình độ nhận thức và đời sống vật chất, tinh thần của con người đã được nâng cao nhưng đức tin vào các Thánh Mẫu của người Việt Nam vẫn không thay đổi.
  11. 49 Người ta vẫn tôn thờ các Thánh Mẫu để cầu tài, cầu lộc, sự may mắn và sức khỏe. Nhiều người còn tìm đến đạo Mẫu để giải tỏa sự căng thẳng mệt mỏi về tâm lý. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Ngọc Mai (2013), Nghi lễ lên đồng – Lịch sử và giá trị, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 2. Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh. 3. Ngô Đức Thịnh (2012), Đạo Mẫu Việt Nam, NXB Thế giới, Hà Nội. 4. Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2013), Văn hoá thờ Nữ thần - Mẫu ở Việt Nam và Châu Á bản sắc và giá trị, NXB Thế giới, Hà Nội. 5. http//vicas.org.vn- Tạp chí văn hóa học 6. http//vhnt.org.vn – Tạp chí văn hóa nghệ thuật
nguon tai.lieu . vn