Xem mẫu

  1. GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG PHONG TỤC CƯỚI HỎI CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THÁI Ở HUYỆN TÂN KỲ, TỈNH NGHỆ AN LÊ THỊ ÁNH NGỌC Khoa Giáo dục Chính trị Tóm tắt: Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa trong phong tục cưới hỏi của người dân tộc Thái ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là một đề tài mang tính cấp thiết đối với tình hình xã hội nước ta hiện nay khi những nét đặc trưng văn hóa dân tộc đang dần bị mai một và thay thế bởi xu hướng hiện đại hóa. Đề tài tập trung làm rõ thực trạng, hạn chế và đưa ra những biện pháp nhằm giữ gìn và khôi phục bản sắc trong phong tục cưới hỏi của người dân tộc Thái ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Từ khóa: Thực trạng, giữ gìn, phát huy, cưới hỏi, dân tộc Thái 1. MỞ ĐẦU Huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là một khu vực miền núi tập trung khá đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Trên địa bàn huyện có 21 xã, 1 Thị trấn và 1 Thị tứ, trong đó đồng bào dân tộc Thái tập trung chủ yếu ở các khu vực đồi núi cao, có sông suối như Nghĩa Thái, Đồng Văn và Tiên Kỳ. Trải qua thời gian dài sinh sống và lao động sản xuất, đồng bào dân tộc Thái đã tạo dựng nên được những nét đặc sắc về văn hòa truyền thống của riêng họ như dệt thổ cẩm, rượu cần, múa hát, trang phục, đặc biệt là nét đẹp văn hóa và tâm linh trong phong tục cưới hỏi. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì những văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của đồng bào Thái đã có sự biến đổi và mai một theo thời gian không còn nguyên vẹn như trước đó ông cha của họ đã tạo nên. Từ những thực trạng đáng lo lắng về một nét đẹp văn hóa đang có nguy cơ bị mai một trầm trọng, đề tài đã tập trung đi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó, tìm ra những giải pháp phù hợp nhất để nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục truyền thống thể hiện nét đẹp của người dân tộc Thái, làm thêm sắc màu đa dạng của các dân tộc Việt Nam. 2. NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG TỤC CƯỚI HỎI CỦA DÂN TỘC THÁI Ở HUYỆN TÂN KỲ, TỈNH NGHỆ AN Dân tộc Thái là một trong 4 dân tộc (Kinh, Thanh, Thái, Thổ) có mặt, sinh sống trên mảnh đất Tân Kỳ (Nghệ An) từ rất lâu. Trải qua hàng trăm năm sinh sống và lao động sản xuất, người dân tộc Thái đã tạo dựng nên những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc cho dân tộc và vùng miền, với những nét đặc sắc về bản sắc văn hóa kiến trúc nhà ở, trang phục thổ cẩm, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán riêng biệt, ngôn ngữ chữ viết và truyền thống lao động sản xuất vật chất tất cả đã làm nên một nền văn hóa cho dân tộc Việt Nam thêm phong phú và đa dạng. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên năm học 2016-2017 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, tháng 12/2016: tr. 231-237
  2. 232 LÊ THỊ ÁNH NGỌC Chuyện hôn nhân của các cặp nam nữ thanh niên khi trưởng thành từ bao đời nay đã trở thành quy luật của toàn xã hội. Cũng như những đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền khác, đối với đồng bào dân tộc Thái ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An), việc cưới hỏi có những quy ước rất chặt chẽ, được thể hiện thông qua các nghi lễ, nghi thức, dần trở thành một nét văn hóa đặc sắc được giữ gìn cho đến ngày nay. Từ xa xưa, người Thái huyện Tân Kỳ, con trai con gái đến tuổi thành niên được chủ động tìm chọn bạn đời của mình. Ngày ngày cô gái Thái nếu không đi làm nương làm ruộng thì ở nhà dệt vải. Khung cửu thường đặt bên cửa sổ nhà sàn, gần bếp lửa. Rồi những "hồi kịch trữ tình" thường diễn ra ở đây, có trình tự và rất có vǎn hoá. Thử tài, thử đức, hiểu tính, hiểu tình nhau cũng chỗ này. Mỗi buổi tối, các chàng trai thường rủ nhau đi chơi quanh bản mang những chiếc khèn bè, đến diễn tấu dưới cửa sổ nhà sàn các cô gái. Có những chiếc đàn môi thủ thỉ suốt đêm, quên giấc ngủ. Phong tục cưới hỏi của đồng bào người Thái được thực hiện qua các bước sau: Lễ thăm hỏi (dám xáo), ra mắt dâu, rể (ọc nà pợ, nà khướu) hay còn gọi là lễ “kín lầu xút hóng phạc”, lễ cưới, đám cưới tại nhà gái (thường tổ chức vào buổi chiều, tối), đám cưới ở nhà trai ( đoong luống), lễ đưa dâu, lễ tạ ơn ông mối và họ hàng, tục trả dấu chân (khưn hoi tín). Qua việc biến cải về tục cưới xin của người Thái ta thấy việc cưới hỏi không chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất và làm cho trai gái thành vợ thành chồng gắn bó sinh sống, nối dõi tông đường, mà nó còn nhằm vào một mục đích cao cả nữa là giúp cho đôi vợ chồng ấy có đủ cơ sở vững chắc đủ bản lĩnh và thói quen, kinh nghiệm sản xuất, văn hoá ứng xử trọn vẹn đạo lý làm người, mà sống suốt đời hạnh phúc góp phần xây dựng cho họ tộc và cộng đồng những giá trị tập quán văn hoá. Đồng thời cũng thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm của cha, mẹ họ tộc trước hôn nhân của thế hệ trẻ, mà không hề mất đi tính tự do trường tồn cho đến tận ngày nay, những cải biến chỉ là để phù hợp với thời đại chứ không mang tính thị trường, thương mại, lai căng làm giảm giá trị nhân văn của họ. Cưới hỏi của người Thái được xem như một lễ hội rõ rệt. Lễ hội của tình yêu, hạnh phúc. Người dân tộc Thái ở Tân Kỳ (Nghệ An) khi họ lấy nhau rồi thì cả hai bên đều tôn trọng nhau, họ đặt vai trò của gia đình lên hàng đầu. Qua các thủ tục làm lễ cũng có thể thấy việc tổ chức lễ cưới của họ diễn ra rất công phu và cẩn thận. Từ đó, sau khi cưới nhau thì đôi vợ chồng trẻ luôn phải ý thức được mình phải làm gì để bảo vệ cuộc hôn nhân này. Chính điều này đã làm nên giá trị cho văn hóa của người Thái ở Tân Kỳ (Nghệ An). Trong lễ cưới của người dân tộc Thái, vai trò của ông mối, bà mối hết sức quan trọng. Họ được xem là cha mẹ nuôi của đôi vợ chồng, thậm chí có vai trò lớn hơn cha mẹ ruột của mình trong việc tiến hành hôn lễ. Việc chọn ông mối, bà mối một cách cận thận cũng thấy được rằng người dân tộc Thái luôn mong muốn cho đôi vợ chồng mới cưới sẽ có một gia đình hạnh phúc như ông mối, bà mối đó. Đó là sự hy vọng, ước mong không chỉ của đôi vợ chồng trẻ mà còn là sự cầu chúc của tất cả mọi người tham dự lễ cưới của họ. Sau khi trả ơn cho ông mối, bà mối xong thì đôi vợ chồng mới cưới về thăm cha mẹ đẻ của cô gái, báo đáp lại công ơn sinh thành và nuôi dưỡng. Người dân tộc Thái luôn đề cao tầm quan trọng của vai trò trong gia đình, họ luôn kính trọng bề trên của mình, luôn nhớ
  3. GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA… 233 tới công ơn của những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình thành người. Đúng như cao dao Việt Nam đã nói: “Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Ngoài những giá trị về đạo lý làm người trên thì phong tục cưới hỏi của người Thái ở Tân Kỳ (Nghệ An) còn để giới thiệu cho mọi người biết về nét đẹp trong trang phục truyền thống của họ, nghề kéo sợi, dệt vải như một phần không thể thiếu đối với những cô gái sắp lấy chồng, đã lấy chồng cho đến những người phụ nữ nhiều tuổi. Qua trang phục của cô dâu thì có thể biết sự khéo léo của nghề truyền thống thêu dệt của người dân tộc Thái ở những làng quê Tân Kỳ (Nghệ An). Tất cả đã tạo nên một dân tộc Thái đầy màu sắc truyền thống qua nét đẹp trong phong tục cưới hỏi của họ. Nghi thức thắp hai cây nến trong mâm cúng của đôi trai gái đang làm lễ cưới tuy còn mang nhiều tính tâm linh nhưng đồng thời cũng thể hiện được sự quan tâm đặc biệt và có vai trò quan trọng đối với sự chung thủy, lòng sắc son của vợ và chồng, để từ đó họ phải luôn yêu thương và chung thủy một lòng. 3. THỰC TRẠNG GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG TỤC CƯỚI HỎI Ở HUYỆN TÂN KỲ, TỈNH NGHỆ AN 3.1. Thành tựu Phong tục cưới hỏi của người dân tộc Thái ở Tân Kỳ (Nghệ An) là nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc của người dân tộc Thái, đã có nhiều sách vở ghi chép lại trở thành một vật truyền tay cho con cháu những thế hệ sau. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, qua bao nhiêu thử thách nhưng từ khi người dân tộc Thái xuất hiện đồng thời với những nét phong tục truyền thống của họ thì tất cả đều được lưu giữ một cách cẩn thận, họ luôn trân trọng những cái gì được coi là truyền thống, là văn hóa. Mặc dù xu thế toàn cầu hóa làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây, nhưng những con người có tình yêu sâu đậm với những nét đẹp truyền thống của dân tộc họ luôn cố gắng bảo vệ, giữ gìn và phát huy những nét đẹp đó. Phải có những con người như vậy thì việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa trong tục cưới hỏi của người Thái ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) mới được lưu truyền đến ngày hôm nay với tính chất nguyên bản của nó. Việc bảo vệ, giữ gìn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa trong tục cưới hỏi của người Thái ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) không thể quên đi những người cán bộ làm công tác văn hóa, tuyên truyền những gì gọi là truyền thống văn hóa. Những người cán bộ làm công tác này họ luôn tìm mọi cách làm sao đó để người dân vừa bắt kịp được với xu hướng hiện đại nhưng lại vừa không làm mai một đi nét đẹp trong các văn hóa của những dân tộc thiểu số. Họ tuyên truyền, vận động, khuyến khích mọi người dân nên thể hiện bản
  4. 234 LÊ THỊ ÁNH NGỌC sắc văn hóa của dân tộc mình. Việc này có tầm quan trọng trong giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nhiều năm gần đây, nhờ được sự quan tâm của chính quyền thì ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa trong phong tục cưới hỏi của người Thái ở Tân Kỳ (Nghệ An) được nâng cao, họ luôn trân trọng những giá trị đó và coi đó như một niềm hãnh diện của dân tộc mình đối với các dân tộc khác, không chỉ trong nước và họ luôn tự hào về văn hóa này đối với những người nước ngoài đến tham dự lễ cưới của họ. Nét đẹp truyền thống trong lễ cưới của người dân tộc Thái đã trở thành một “đặc sản” riêng mang đậm văn hóa vùng cao cho mảnh đất Tân Kỳ còn nhiều khó khăn và nghèo đói. 3.2. Hạn chế Ngày nay, xu hướng hiện đang dần đi vào mọi ngóc ngách của đời sống con người, ăn ngon, mặc đẹp như một nhu cầu thiết yếu của họ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả mọi người, nhất là những người dân tộc thiểu số khi trình độ nhận thức của họ thấp hơn thì họ không ý thức được một cách đầy đủ và đúng đắn nhất về xu hướng này, đôi khi chạy theo xu thế và quên đi nét đẹp của chính bản thân dân tộc họ. Thay vì mặc trang phục truyền thống thể hiện nét đẹp của dân tộc mình thì nhiều đôi trai gái đã lựa chọn hoàn toàn những trang phục hiện đại, bỏ qua các thủ tục cần thiết trong lễ cưới của người dân tộc Thái. Nhiều cô gái Thái, chàng trai Thái khi kết hôn với nhau thì mọi người không biết đó là đám cưới của người dân tộc Thái, tất cả các bước trong lễ cưới cũng như trang phục đều không theo truyền thống của dân tộc họ. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất làm cho phong tục cưới hỏi của người Thái ngày càng mờ nhạt và mất đi giá trị vốn có của nó. Bên cạnh những hạn chế làm mai một đi những giá trị tốt đẹp trong phong tục cưới hỏi của người dân tộc Thái ở Tân Kỳ (Nghệ An) thì một số thủ tục cưới hỏi truyền thống đã không còn phù hợp với thời đại, nhưng vẫn không bỏ đi. Việc có quá nhiều thủ tục trước khi lễ cưới được diễn ra quá rườm rà và tốn nhiều thời gian cũng như vật chất. Tất cả những sính lễ hoàn toàn do nhà trai chi trả, mà diễn ra rất nhiều lần nó ảnh hưởng đến đời sống vật chất của gia đình nhà trai. Thêm nữa, nhiều thủ tục còn mang nặng tính tâm linh, không còn phù hợp với thời đại ngày nay. 3.3. Nguyên nhân của hạn chế Ảnh hưởng từ xu thế toàn cầu hóa: những năm gần đây do tác động của nhiều nhân tố khác nhau cho nên kinh tế- xã hội Thái có những biến đổi về mọi mặt…Đặc biệt, là xu thế toàn cầu hóa cũng như cơn lốc của cơ chế thị trường đã dần đi vào từng ngõ ngách của đời sống xã hội, thì đồng bào dân tộc Thái ở Tân Kỳ (Nghệ An) cũng bắt đầu tiếp cận với xu thế này. Bên cạnh rất nhiều những ưu thế mà nó đem lại cho đời sống của họ, thì xu thế toàn cầu hóa cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi, mai một đi giá trị văn hóa trong tục cưới hỏi của người Thái ở Tân Kỳ (Nghệ An). Ảnh hưởng từ trình độ dân trí: trong một xã hội với một nền sản xuất thấp kém, kinh tế tự cung tự cấp là chính làm cho trình độ nhận thức của đồng bào Thái ở đây còn nhiều hạn
  5. GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA… 235 chế. Từ đó, nhiều hủ tục lạc hậu, rườm rà, không còn phù hợp với hiện nay trong tục cưới hỏi vẫn diễn ra làm mất đi nét đẹp của giá trị văn hóa trong tục cưới hỏi. Ảnh hưởng từ tổ chức quản lý: thứ nhất, đó là sự nhận thức của các nhà lãnh đạo ở các cấp đối với vấn đề văn hóa còn nhiều khiếm khuyết và lệch lạc, chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước. Thứ hai, chưa có những biện pháp hữu hiệu để khai thác, bảo quản, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong tục cưới hỏi đang bị mai một và có nguy cơ mất do sự du nhập của các trào lưu mới trong thời đại kinh tế thị trường như hiện nay. Thứ ba, công tác tuyên truyền giáo dục và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cho các hoạt động văn hóa còn chưa đầy đủ, kịp thời. Nhiều phong trào còn chưa sát thực với điều kiện thực tế địa phương cho nên chưa phát huy được hiệu quả. 4. GIẢI PHÁP NHẰM GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG TỤC CƯỚI HỎI Ở HUYỆN TÂN KỲ, TỈNH NGHỆ AN Từ thực trạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong tục cưới hỏi ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An có thể thấy sự cần thiết phải tìm ra những giải pháp phù hợp để lưu giữ những giá trị truyền thống không chỉ đối với một dân tộc mà đó là cả dân tộc Việt Nam, từ đó có thể quảng bá những hình ảnh đẹp của dân tộc mình cho bạn bè quốc tế. Qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã đưa ra được những giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình của đồng bào người Thái ở Tân Kỳ (Nghệ An). 4.1. Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, vấn đề phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và toàn bộ nhân dân tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Tân Kỳ nói riêng nhằm tạo điều kiện, tiền đề cho văn hóa phát triển. Có thể thấy rõ việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trong tục cưới hỏi của người Thái ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là một quá trình khó khăn và lâu dài, nó không thể là sản phẩm chủ quan duy chí mà trước hết phải phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, vào tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương. Có được một mức sống tương đối đảm bảo cho những nhu cầu thiết yếu về đời sống vật chất, thì đồng bào dân tộc Thái mới có thể hình thành ý thức tự giác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mới biết quý trọng, tự hào và nâng niu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. 4.2. Nâng cao dân trí Nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc thiểu số hiện nay (trong đó có đồng bào người Thái) là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm hàng đầu. Bên cạnh trình độ kinh tế còn thấp kém, trình độ dân trí còn rất nhiều hạn chế càng làm cho người dân ít nhận thức được ý nghĩa của các giá trị văn hóa, do đó bản thân họ cũng chưa có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Nâng cao trình độ dân trí nghĩa là mở mang trí óc của mỗi cộng đồng, dân tộc là hoạt động khai trí cho nhân dân. Nâng cao trình độ dân trí không chỉ dừng lại ở trình độ học vấn mà còn là sự phổ biến kiến thức phổ thông về khoa học kỹ thuật, về toàn bộ thể chế chính trị - xã hội, về hiến pháp và pháp luật, về các chuẩn mực đạo đức và luân lý, về quan niệm thẩm mỹ tiến
  6. 236 LÊ THỊ ÁNH NGỌC bộ trong thưởng thức nghệ thuật và trong sinh hoạt giao tiếp, về dân số và kế hoạch hóa gia đình, về ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, những nét đẹp trong văn hóa của dân tộc mình và của nhân loại. 4.3. Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao làm công tác văn hóa Động lực phát triển của văn hóa thể hiện tập trung ở nguồn nhân lực của đồng bào các dân tộc ở Tân Kỳ (Nghệ An) trong quá trình xây dựng phát triển nông thôn mới thực hiện quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa. Trong công tác giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của người Thái ở Tân Kỳ (Nghệ An), việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa và làm công tác chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác hiện nay là một đòi hỏi cấp bách. 4.4. Nâng cao ý thức giữ gìn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa trong tục cưới hỏi của dân tộc Thái ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) Công tác giữ gìn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa trong tục cưới hỏi của dân tộc Thái ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cần phải trên cơ sở đánh giá đúng nhu cầu và nhận thức của đồng bào về văn hóa của chính dân tộc họ. Việc giữ gìn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trước hết phải xuất phát từ yêu cầu này. Vì văn hóa dân tộc Thái trước hết là của người Thái, họ là người sáng tạo ra văn hóa, đồng thời cũng là người trực tiếp thừa hưởng, kế tục, bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong đời sống xã hội hiện tại và cả trong tương lai. Chỉ khi nào người dân hiểu được vị trí, vai trò của họ trong hoạt động này thì họ mới tích cực tự giác thực hiện có hiệu quả. Nếu bản thân họ không tự ý thức giữ gìn, kế thừa thì sự đổ vỡ và mai một các giá trị trong phong tục là không tránh khỏi. Cho nên nâng cao ý thức giữ gìn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa trong tục cưới hỏi của dân tộc Thái ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của công tác này. Cuộc vận động giữ gìn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa trong tục cưới hỏi của dân tộc Thái ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) không chỉ dừng lại ở đồng bào, mà cần phải được mở rộng khắp cư dân trong toàn huyện Tân Kỳ. Những tác động cùng chiều hỗ trợ từ bên ngoài sẽ là lợi thế cho hiệu quả công tác đó. Về đối tượng, cần đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ. Đây là đối tượng nhạy cảm nhất với mọi sự thay đổi, trong họ luôn có sự lựa chọn giữa yếu tố truyền thống hay hiện đại. Xu hướng hiện đại trong cả trang phục cưới hỏi và các thủ tục đang dần lấn áp đi trang phục và các thủ tục truyền thống của người Thái, vì vậy để kết hợp hài hòa cái truyền thống và cái hiện đại vào trong phong tục cưới hỏi của dân tộc Thái là một việc làm khó, cần được quan tâm để không làm mất đi nét đẹp của phong tục này. 5. KẾT LUẬN Phong tục cưới hỏi của người dân tộc Thái ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là một nét đẹp trong nền văn hóa lâu đời của dân tộc Thái, việc giữ gìn và phát huy những giá trị đó giúp cho chúng ta có thể giữ gìn những nét văn hóa riêng đáng tự hào của dân tộc, mà còn phát huy được sức mạnh tiềm tàng vốn có của nó từ bao đời nay, góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.
  7. GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA… 237 Tuy nhiên, chúng ta không thể kế thừa tất cả những giá trị văn hóa trong phong tục cưới hỏi của người Thái, bởi có những thủ tục đã không con phù hợp hoặc không có giá trị thậm chí còn gây cản trở cho sự phát triển của dân tộc. Vì vậy, chúng ta chỉ nên và cần thiết giữ gìn, kế thừa những nét đẹp trong các thủ tục cưới hỏi của người Thái một cách có chọn lọc, những nét đẹp nào thực sự có giá trị, đã và đang chịu ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng của những nguyên nhân khác nhau dẫn tới nguy cơ mai một những giá trị trong bản sắc dân tộc của dân tộc Thái. Để thực hiện tốt được điều này, các cấp chính quyền địa phương cần phải có những chính sách xã hội phù hợp, sử dụng các phương pháp tuyên truyền, vận động, tổ chức các buổi ngoại khóa về nét đẹp truyền thống trong phong tục cưới hỏi của người dân tộc Thái. Bên cạnh đó, nâng cao tinh thần tự ý thức lưu giữ những nét đẹp đó của người dân bản xứ, phổ biến những nét đẹp trong phong tục cưới hỏi của người dân tộc Thái trở thành đặc sản của vùng quê Tân Kỳ (Nghệ An). TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Đình Lộc (1997). Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An. NXB Giáo dục, Hà Nội. [2] Ngô Đức Thịnh - Cầm Trọng (1999). Luật tục người Thái ở Việt Nam. NXB Văn hóa - Dân tộc, Hà Nội. [3] Nguyễn Đắc Trĩ (1964). Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, NXB Sử học, Hà Nội. [4] Cầm Trọng (1995 ). Đặc trưng văn hóa dân tộc và truyền thống cách mạng ở Kỳ Sơn Nghệ An, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [5] Cầm Trọng- Phan Hữu Dật (1995). Văn hóa Thái Việt Nam. NXB Văn hóa - Dân tộc, Hà Nội. [6] Đặng Nghiêm Vạn (1974). Bước đầu tìm hiểu lịch sử phân bố cư dân ở miền núi Nghệ An, Tạp chí Dân tộc học, số 2. [7] Đặng Nghiêm Vạn (1977). Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. [8] Đặng Nghiêm Vạn – Cầm Trọng – Khà Văn Tiến – Tòng Kim Ân (1977). Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. LÊ THỊ ÁNH NGỌC SV lớp GDCT 4, khoa Giáo dục Chính trị, trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0166 880 6462, Email: hacgiay0501996@gmail.com
nguon tai.lieu . vn