Xem mẫu

  1. Chương 3 VĂN HÓA DOANH NGHIỆP Sau khi đọc xong chương này, người đọc có thể nắm được những nội dung chủ yếu về văn hóa doanh nghiệp, cụ thể là: - Khái niệm và vai trò của văn hóa doanh nghiệp - Các chức năng của văn hóa doanh nghiệp - Các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp - Các yếu tố biểu hiện giá trị hữu hình, giá trị vô hình của văn hóa doanh nghiệp - Một số tình huống văn hóa doanh nghiệp điển hình. 3.1. KHÁI NIỆM, CHỨC NĂNG VÀ VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA DOANH NGHIỆP 3.1.1. Khái niệm văn hóa doanh nghiệp Doanh nghiệp được tạo bởi con người, lợi thế của doanh nghiệp ngoài thể hiện qua vốn, công nghệ còn thể hiện qua sức mạnh gắn kết cộng đồng người trong doanh nghiệp, tạo ra bản sắc riêng có của mỗi doanh nghiệp. Bản sắc đó chính là văn hóa doanh nghiệp. Có nhiều khái niệm khác nhau về văn hóa doanh nghiệp dựa trên các góc độ tiếp cận khác nhau: Theo Jaques, E (1952), The Changing Culture of a Factory, Dryden Press, NewYork: “ Văn hóa của một nhà máy là cách thức tư duy và hành động quen thuộc, thành nếp được các thành viên cố ý đặt ra để buộc các thành viên mới phải tuân theo hoặc ít nhất cũng phải chấp nhận chúng để sử dụng ở nơi làm việc ”. 101
  2. Theo khái niệm này, các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp bao gồm: phương thức sản xuất, công nghệ kinh doanh, kĩ năng nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, thói quen, lễ nghi, ý thức tổ chức kỷ luật, hành vi ứng xử, những giá trị được chấp nhận... Theo Eldridge J.E.T và Crombie A.D (1972), A Sociology of Organizations, Allen & Unwin, London: “Văn hóa của một tổ chức là biểu hiện của một hình thái đặc thù về chuẩn mực, giá trị, niềm tin, cách hành động đặc trưng cho cách thức một nhóm người hay nhiều người phối hợp với nhau khi làm một việc gì đó. Tính đặc thù của một tổ chức có nguồn gốc sâu xa từ lịch sử phát triển của tổ chức, từ những nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành phong cách của tổ chức như những quyết định quan trọng trước kia, phong cách, quan điểm của những người lãnh đạo cũ. Chúng được thể hiện thông qua những phong tục, tập quán và quan niệm mà mỗi thành viên đều coi trọng, cũng như thông qua những quyết định chiến lược của một tổ chức ”. Theo khái niệm này, văn hóa tổ chức, cụ thể là văn hóa doanh nghiệp tồn tại ngay từ khi thành lập doanh nghiệp và phát triển theo quá trình phát triển của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp thấm sâu vào gốc rễ của mọi quyết định và hành vi ứng xử của từng thành viên trong doanh nghiệp từ nhà quản trị cấp cao đến những nhân viên cấp thấp nhất của doanh nghiệp. Theo Louis M.R (1980), Organizations as culture - bearing milieux, Organizational Symbolism, Pondy L.R (ed), Greenwich, Connecticut: “Văn hóa nhóm là sự đồng thuận về nhận thức hay ý nghĩa của tất cả thành viên một nhóm. Những ý nghĩa này được mọi thành viên của một nhóm ngầm hiểu như nhau, nhưng rất rõ ràng và khác biệt so với các nhóm khác. Những ý nghĩa này được truyền cho những người mới”. Văn hóa nhóm hay văn hóa doanh nghiệp với ý nghĩa ngầm định nhưng lại biểu hiện rõ nét để phân định nhóm người này với nhóm người khác, tổ chức này với tổ chức khác hay doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. 102
  3. Theo Schwartz H và Davis S.M (1981), Matching Corporate Culture and Business Strategy, Organizational Dynamics, 10: “Văn hóa là niềm tin và kì vọng chung của tất cả mọi thành viên một tổ chức. Những niềm tin và kì vọng này hình thành những chuẩn mực đầy quyền uy trong việc định hình hành vi của cá nhân và tập thể trong tổ chức”. Ở đây, các giá trị vô hình ăn sâu vào suy nghĩ của từng thành viên trong tổ chức, ban đầu họ chấp nhận và sau thành các quy định, ràng buộc mà các thành viên phải tuân thủ. Điều này thể hiện rõ nét trong tổ chức là doanh nghiệp. Theo Gold K.A (1982), Managing for Success: A Comparison of the Private and Public Sector, Public Administration Review, Nov - Dec, “Văn hóa thể hiện trình độ về tính chất đặc biệt trong nhận thức của một tổ chức - có nghĩa là chúng chứa đựng những phẩm chất đặc thù có thể sử dụng để phân biệt với các tổ chức khác về một phương diện”. Như vậy, nhờ tạo lập văn hóa, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp có bản sắc riêng, trong đó mỗi thành viên là một thành tố, một mắt xích, một phần tử cấu tạo nên một hệ thống riêng biệt. Theo Pacanowsky M.E và O’Donnell-Trujillo N (1982), Communication and Organizational Culture, The Western Journal of Speech Communication, 46 (Spring), “Văn hóa tổ chức không phải là một câu hỏi mới của một bài toán quản lý; nó chính là một bài toán quản lý. Văn hóa không phải là thứ gì đó một tổ chức cần có; mà văn hóa là thứ gì đó giống như tổ chức”. Văn hóa gắn liền với tổ chức, với doanh nghiệp, có tổ chức là có văn hóa tổ chức, có doanh nghiệp là có văn hóa doanh nghiệp; văn hóa tổ chức hay doanh nghiệp là cơ sở để tổ chức hay doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Edgar Schein (1985) cho rằng văn hóa doanh nghiệp là: “Một mô hình giả định chia sẻ cơ bản mà nhóm đã học được, đã làm việc tốt, đủ được coi là hợp lệ và được thông qua các thành viên để nhận thức, suy nghĩ, và cảm nhận các vấn đề liên quan đến tổ chức ”. Một cách đơn giản, văn hóa doanh nghiệp được hình thành từ một nhóm người đã 103
  4. được đào tạo, hoặc chỉ đơn giản là đã học được bởi những người xung quanh. Văn hóa doanh nghiệp được tạo ra sẵn và được các thành viên trong tổ chức chấp nhận như là một cách thức tiêu chuẩn trong xử lý công việc và truyền đạt lại cho các thành viên mới của tổ chức. Bằng cách này, văn hóa doanh nghiệp có chức năng giống như bất kỳ xã hội học tập. Theo Brown (1998), văn hóa doanh nghiệp như “một nguyên mẫu của những niềm tin, giá trị và các cách thức đối mặt với những trải nghiệm đã được đúc rút, nguyên mẫu này được hình thành phát triển trong chuỗi các sự kiện đã diễn ra của doanh nghiệp, và được liệt kê trong các tài liệu quản lý và trong cách ứng xử của mỗi thành viên doanh nghiệp”. Văn hóa doanh nghiệp là cái được đúc kết trong doanh nghiệp, hình thành nên chuẩn mực mà mỗi thành viên trong doanh nghiệp phải học cách hành xử theo. Ngoài ra, Gareth Morgan đã mô tả văn hóa doanh nghiệp như: “Các thiết lập của niềm tin, giá trị, và các định mức, cùng với các biểu tượng như các sự kiện và các cá nhân, đại diện cho nhân vật duy nhất của một doanh nghiệp, và cung cấp bối cảnh cho hành động ở trong đó”. Trong đó, niềm tin và giá trị là yếu tố cấu thành mang tính thường xuyên của văn hóa doanh nghiệp; các định mức được mô tả như truyền thống, thói quen, cấu trúc tổ chức doanh nghiệp... Theo Denison (1990), văn hóa doanh nghiệp chỉ những giá trị, tín ngưỡng và nguyên tắc bên trong tạo thành nền tảng của hệ thống quản lý doanh nghiệp, cũng như một loạt các thủ tục quản lý và hành vi ứng xử minh chứng và củng cố cho những nguyên tắc cơ bản này. Arnold (2005) cũng chỉ ra rằng: “Văn hóa doanh nghiệp là những quy tắc, niềm tin, nguyên lý và các cách thức dễ dàng phân biệt của hành vi được kết hợp với nhau tạo nên cho mỗi tổ chức có được những đặc điểm riêng biệt”. Nhờ có văn hóa doanh nghiệp mà doanh nghiệp này có thể phân biệt được với doanh nghiệp khác, mỗi doanh nghiệp có một bản sắc riêng không giống với bất cứ doanh nghiệp nào. 104
  5. Theo quan điểm của hai học giả là Rolff Bergman và Ian Stagg đồng thời là giảng viên của khoa quản trị kinh doanh trường đại học Monash - Úc cho rằng: “Văn hoá doanh nghiệp là một hệ thống các ý nghĩa biểu đạt chung bao trùm lên toàn bộ doanh nghiệp, có tính chất quyết định tới mọi hành vi và hoạt động của toàn bộ các thành viên trong doanh nghiệp đó”. Tổ chức lao động quốc tế (International Labour Organization - ILO) định nghĩa: “Văn hóa doanh nghiệp là sự trộn lẫn đặc biệt các giá trị, các tiêu chuẩn, thói quen và truyền thống, những thay đổi ứng xử và lễ nghi mà toàn bộ chúng là duy nhất đối với một tổ chức đã biết”. Như vậy, có nhiều cách định nghĩa văn hóa doanh nghiệp khác nhau, tuy nhiên, các định nghĩa trên đều có cái chung nhất khi nói về văn hóa doanh nghiệp đó là các giá trị, niềm tin, các chuẩn mực, hành vi, cách thức tổ chức... được các thành viên trong doanh nghiệp thừa nhận và tuân theo, được lặp đi lặp lại qua thời gian, trở thành những thói quen mang tính phổ biến, thành truyền thống của doanh nghiệp, tạo nên bản sắc của mỗi doanh nghiệp, tạo sự khác biệt giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Văn hóa doanh nghiệp là văn hoá của một tổ chức, vì vậy, văn hóa doanh nghiệp không đơn thuần là văn hoá giao tiếp hay văn hoá kinh doanh. Trên cơ sở quan điểm của các nhà nghiên cứu kể trên, trong phạm vi nghiên cứu giáo trình này, có thể rút ra khái niệm về văn hóa doanh nghiệp như sau: Văn hóa doanh nghiệp là hệ các giá trị9 đặc trưng mà một doanh nghiệp sáng tạo ra và gìn giữ trong suốt quá trình hình thành, tồn tại 9 Giá trị: Là cái mà theo đó người ta đánh giá và phán xét phẩm chất của người hay một sự vật (đúng, sai; xấu, đẹp; thiện, ác) - Giá trị tinh thần: chân thành, lịch sự, chính trực - Giá trị khoa học: nghiêm túc, khách quan. - Giá trị kinh tế: sinh lợi, hữu ích. 105
  6. và phát triển doanh nghiệp, trở thành chuẩn mực10, quan niệm, tập quán và truyền thống thâm nhập và chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ, hành vi ứng xử của mọi thành viên trong doanh nghiệp, tạo nên bản sắc riêng có của mỗi doanh nghiệp. Cũng như văn hoá nói chung, văn hoá doanh nghiệp có những đặc trưng riêng. Trước hết, văn hoá doanh nghiệp được xác lập bởi một hệ thống các giá trị được các thành viên trong doanh nghiệp chia sẻ, chấp nhận, đề cao và ứng xử theo các giá trị đó. Những giá trị này chính là việc coi trọng đạo đức kinh doanh; có trách nhiệm không chỉ đối với cổ đông mà còn đối với khách hàng, cộng đồng, môi trường, người lao động, đối tác...; thực hiện mục tiêu kinh doanh trên cơ sở tuân thủ pháp luật và phát triển bền vững, tạo lập uy tín doanh nghiệp... Từ những giá trị chung này, doanh nghiệp xây dựng các chuẩn mực đạo đức, hành vi, tạo lập các phong cách, lề lối làm việc, hành vi ứng xử... cho doanh nghiệp. Các giá trị này chịu ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường văn hóa, xã hội nơi doanh nghiệp hoạt động. Chúng không thể đi ngược lại những giá trị truyền thống của dân tộc, đất nước, con người bao quanh doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp phải xây dựng những giá trị cốt lõi (core values) phù hợp với truyền thống tốt đẹp chung của xã hội và của ngành nghề kinh doanh, rồi từ đó truyền bá, áp dụng trong doanh nghiệp, hình thành bản sắc văn hóa của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp biểu thị sự thống nhất trong nhận thức của từng cá nhân trong doanh nghiệp. Các cá nhân nhận thức được các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp thông qua những gì họ nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận thấy. Văn hóa doanh nghiệp có thể hình thành một cách “tự phát” hay “tự giác”, vấn đề cơ bản là nó được sự chấp nhận các cá nhân để hình thành những chuẩn mực đáp ứng với số đông người trong doanh nghiệp và phù hợp với mục tiêu tồn tại và phát triển của 10 Chuẩn mực: Cái buộc mọi người phải tuân thủ; bộ quy tắc ứng xử tác động (gây áp lực) lên các cá nhân để đạt được cách ứng xử phù hợp với các giá trị cơ bản. 106
  7. doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh. Vì vậy, một doanh nghiệp, dù muốn hay không, đều sẽ dần hình thành văn hoá của tổ chức mình. Văn hóa doanh nghiệp khi hình thành một cách tự phát có thể phù hợp với mong muốn và mục tiêu phát triển của doanh nghiệp hoặc không. Chủ động tạo ra những giá trị văn hoá tốt đẹp là điều cần thiết nếu doanh nghiệp muốn văn hóa thực sự phục vụ cho định hướng phát triển chung, góp phần tạo nên vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường. Như vậy, văn hóa doanh nghiệp ra đời, tồn tại và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của doanh nghiệp, và theo thời gian, văn hóa doanh nghiệp thấm sâu vào các hành vi ứng xử của từng thành viên trong doanh nghiệp từ cấp lãnh đạo đến nhân viên; in đậm trong các quyết định của nhà quản trị, từ nhà quản trị cấp cao đến nhà quản trị cấp thấp nhất. Chính vì thế, nhìn vào cách làm việc của một nhân viên, cách giao tiếp, ứng xử của các thành viên, cách giải quyết vấn đề và ra quyết định trong các tình huống khác nhau của nhà quản trị tại một doanh nghiệp, người ta có thể đánh giá được văn hóa hiện tại của doanh nghiệp đó như thế nào. Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Cấp thứ nhất là cấp dễ thấy nhất thể hiện ngay trong việc xử lý các công việc hàng ngày như: xây dựng kế hoạch kinh doanh, thực hiện giao nhận, mua, bán hàng hóa; cách báo cáo tình hình thực hiện công việc, giữ gìn tài sản chung; các ứng xử giữa nhà quản trị với nhân viên, giữa nhà quản trị với nhà quản trị, giữa các nhân viên với nhau; cách thức giao tiếp với đối tác, khách hàng, với các cơ quan hữu quan... Cấp thứ hai là các giá trị tinh thần xác định việc phải làm, hành động đúng hay sai, có mang lại lợi ích hay thiệt hại chung hay không. Đây là điều mà các nhà quản trị doanh nghiệp mong muốn nhận được ở nhân viên của mình. Muốn vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải làm thay đổi quan niệm giá trị của cá nhân, đáp ứng đến mức cao nhất và hợp lý các nhu cầu chính đáng của cá nhân, xây dựng các chuẩn mực của hành động, có biện pháp động viên khuyến khích phù hợp và nâng cao trình độ văn hoá của họ. 107
  8. Cấp thứ ba là nền tảng cho các hành động, đó là niềm tin, nhận thức, suy nghĩ và xúc cảm được coi là đương nhiên ăn sâu trong tiềm thức mỗi cá nhân trong doanh nghiệp. Các ngầm định này là nền tảng cho các giá trị và hành động của mỗi thành viên, chúng được truyền từ thế hệ này tới thế hệ khác trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Các cấp độ văn hóa doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau và hàn gắn nhau tạo thành một văn hóa thống nhất. Một văn hóa đồng nhất sẽ được thực hiện xuyên suốt từ cấp thấp lên cấp cao trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thực hiện mục đích và thành công trong hoạt động kinh doanh, xác lập và phát triển vị thế của mình trong môi trường kinh doanh đầy biến động. Văn hóa doanh nghiệp trở thành trụ cột và ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người doanh nghiệp, tạo nên một tập quán ứng xử trong kinh doanh mà các doanh nghiệp khác không thể nào bắt chước được. Tóm lại, bản chất của văn hóa doanh nghiệp là hệ các giá trị (dưới dạng vật thể và phi vật thể, hữu hình và vô hình) được các thành viên trong doanh nghiệp chia sẻ và đề cao, biểu hiện ra bên ngoài thành các chuẩn mực hay là bộ quy tắc ứng xử chi phối nếp suy nghĩ, hành vi và thái độ của các thành viên trong doanh nghiệp. Hệ thống giá trị này trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy mọi người làm việc, là hạt nhân liên kết mọi người trong doanh nghiệp với nhau, liên kết doanh nghiệp với xã hội. Văn hóa doanh nghiệp tạo được nét bản sắc riêng, phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, và chính nhờ bản sắc này mà doanh nghiệp được xã hội chấp nhận và có được sức mạnh cũng như lợi thế cạnh tranh. Nó trở thành truyền thống, tức là có giá trị lâu bền và được lưu truyền qua nhiều thế hệ người làm việc trong doanh nghiệp. Điều khác biệt giữa các doanh nghiệp khác nhau là họ có nền văn hóa mạnh (có bản sắc riêng rõ nét) hay là nền văn hóa yếu (mờ nhạt). Một nền văn hóa mạnh không phải tự nhiên mà có, nó phải được xây dựng, sáng tạo, đúc kết và gìn giữ, phát huy trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. 108
  9. 3.1.2. Chức năng văn hóa doanh nghiệp Văn hoá doanh nghiệp gắn với đặc điểm từng dân tộc, đặc điểm doanh nghiệp trong từng giai đoạn phát triển, đồng thời gắn với từng doanh nhân, từng người lao động trong doanh nghiệp. Song, văn hóa doanh nghiệp có những chức năng riêng của nó. Liên kết Tạo bản Nhân sắc hòa riêng Chức năng văn hóa doanh nghiệp Động cơ Điều tiết ngầm hành vi định Hình 3.1. Các chức năng văn hóa doanh nghiệp a) Chức năng liên kết Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống giá trị trở thành chuẩn mực theo đó các thành viên trong doanh nghiệp ứng xử và hành động. Nói cách khác, văn hóa doanh nghiệp có khả năng tạo ra sự cố kết và tính hệ thống cao giữa các thành viên, giảm thiểu các xung đột để cùng nhau hướng tới 109
  10. những mục tiêu đã cam kết bằng những hành động tự nguyện được thực hiện nhịp nhàng như một nguồn nội lực riêng có của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là sự tập hợp của nhiều cá nhân với hệ thống giá trị khác nhau được tạo bởi nguồn gốc, lối sống, tính cách, năng lực, giới tính, tuổi tác, tâm tư, nguyện vọng, động cơ và mục tiêu khác nhau. Tính thống nhất, đồng tâm hiệp lực của các thành viên khi tập hợp cùng làm việc trong một nhóm, một doanh nghiệp chỉ có được khi họ cùng nhau chấp nhận và chia sẻ những giá trị và chuẩn mực chung. Các giá trị ấy phải là những giá trị nhân văn cao đẹp mới có thể tập hợp được mọi người và được nhiều người thừa nhận. Một doanh nghiệp đã xây dựng được một nền văn hóa đủ mạnh thì tự nó sẽ giúp các nhân viên hành động và phối hợp với nhau một cách tự nguyện, nhịp nhàng, đúng hướng và có hiệu quả mà không cần có quá nhiều quy chế và mệnh lệnh hành chính từ cấp trên. Văn hóa doanh nghiệp trở thành chất keo kết dính các thành viên thành một khối, họ sẽ làm việc và cống hiến hết mình vì doanh nghiệp ngay cả khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Văn hóa doanh nghiệp nhân lên nhiều lần các giá trị của từng con người riêng lẻ, tạo ra một khối thống nhất, đoàn kết, chung sức, chung lòng cùng nhau hướng tới mục đích chung. Thµnh viªn Thµnh viªn Thµnh viªn Thµnh viªn Thµnh viªn Thµnh viªn Hình 3.2. Tính liên kết giữa các thành viên trong doanh nghiệp 110
  11. b) Chức năng “nhân hòa” Văn hoá doanh nghiệp là tổng hoà các quan niệm về giá trị được tạo ra từ đạo đức kinh doanh, triết lý kinh doanh, mục đích kinh doanh, phương pháp kinh doanh do con người tạo ra và quay trở lại phục vụ cho chính con người đó, trong chính doanh nghiệp đó. Văn hoá doanh nghiệp phải dựa trên cơ sở cách thức ứng xử của mỗi thành viên trong doanh nghiệp mà biểu hiện của nó là các hành vi quản lý con người, là sự phối hợp giữa con người với con người trong một nhóm, trong một tổ chức. Mỗi cá nhân, mỗi bộ phận trong doanh nghiệp đều có mục tiêu riêng nhất định. Văn hóa doanh nghiệp làm cho các mục tiêu đó hòa hợp với nhau, giao thoa với nhau, dung hòa lợi ích của cá nhân với tập thể, giữa các cá nhân với nhau, giữa các bộ phận với nhau và với toàn bộ doanh nghiệp. Khi mỗi cá nhân chấp nhận những giá trị đã trở thành chuẩn mực, thành truyền thống, thì có thể đảm bảo hài hòa và thống nhất về mục tiêu, nguyện vọng và ước muốn của các thành viên trong doanh nghiệp, họ cam kết tự nguyện đối với những gì vượt ra ngoài phạm vi niềm tin và giá trị của mỗi cá nhân. Mỗi con người trong số họ cảm thấy tự hào được là thành viên của cộng đồng doanh nghiệp, nơi ấy không phải chỉ là nơi họ kiếm tiền mà còn là nơi để họ thỏa mãn những nhu cầu cá nhân chính đáng, từ nhu cầu sinh lý cơ bản đến những nhu cầu cao hơn - nhu cầu tự thân vận động. Khi đó, tình trạng biến động nhân sự hay chảy máu chất xám sẽ ít xảy ra, đây là cơ sở cho sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp. c) Chức năng điều tiết hành vi Bất cứ ai khi đến một tổ chức nào đều phải thực hiện những quy định của tổ chức đó, điều chỉnh tác phong, hành vi cho phù hợp với hoàn cảnh, môi trường. Chính các yếu tố văn hóa tổ chức buộc mỗi người phải “nhập gia tùy tục”, kiểm soát, điều tiết hành vi của mình để hòa nhập và được chấp nhận. Văn hóa doanh nghiệp điều phối và kiểm soát hành vi cá nhân bằng các câu chuyện, truyền thuyết; các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc... Khi phải ra một quyết định phức tạp, văn hoá doanh 111
  12. nghiệp giúp ta thu hẹp phạm vi các lựa chọn phải xem xét. Ví dụ như một giám đốc kinh doanh khi phải ra quyết định lựa chọn các hình ảnh quảng cáo cho sản phẩm của doanh nghiệp, lẽ đương nhiên, giám đốc muốn chọn những hình ảnh sống động nhất, “bắt mắt” nhất, thu hút người xem nhất, nhưng nếu những hình ảnh quảng cáo đó lại đi ngược với thuần phong mỹ tục, trái với quan điểm đạo đức, chuẩn mực của người dân khu vực đó thì giám đốc sẽ không lựa chọn những hình ảnh này, thay vào đó là các hình ảnh quảng cáo sản phẩm phù hợp với văn hóa địa phương, phù hợp với hoàn cảnh, môi trường, nơi mà doanh nghiệp muốn bán sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu như các nội quy, quy chế, các mệnh lệnh hành chính, các hình thức kỷ luật, các cam kết, điều kiện ràng buộc được coi là những công cụ điều tiết “cứng” (luật thành văn), thì văn hóa doanh nghiệp được coi là công cụ điều tiết “mềm” (luật bất thành văn) thông qua hệ thống giá trị, các chuẩn mực, truyền thống, thói quen, tập tục được tạo dựng, duy trì và thừa nhận trong doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp xác định “luật chơi” chung, chỉ ra cho các thành viên trong doanh nghiệp hành động nào là đúng, điều gì là quan trọng và làm thế nào để đạt được mục tiêu. Trong hoạt động quản lý, văn hóa được coi là công cụ kiểm soát hữu hiệu vì nó tạo nên niềm tin và sự tự giác ở mỗi thành viên trong doanh nghiệp. Một hệ thống kiểm soát nội bộ chỉ có hiệu quả thực sự khi hướng con người đến sự tự nguyện và tự giác trong hành động của họ. Xâm nhập vào một nền văn hóa doanh nghiệp đậm đà bản sắc riêng, mỗi thành viên phải biết tự học hỏi để có những hành vi ứng xử phù hợp, nếu không sẽ bị chính quan điểm, thái độ của nhóm hay tập thể tẩy chay, đó chính là kiểm soát mang tính xã hội. Một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh sẽ có khả năng đào tạo, nhào nặn và hình thành nên chuẩn mực trong hành vi ứng xử của các thành viên trong nội bộ doanh nghiệp với nhau và với bên ngoài doanh nghiệp. Chuẩn mực hành vi này sẽ tạo nên một hình ảnh về doanh nghiệp trong 112
  13. con mắt của khách hàng, của các đối tác, của cộng đồng và xã hội. Cần nhấn mạnh thêm rằng con người thường tiềm ẩn cả những mặt tốt, mặt xấu và mỗi con người thường có xu hướng “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, cũng không có văn hóa doanh nghiệp “tốt” và “xấu” (cũng như cá tính, không có cá tính tốt và cá tính xấu), chỉ có văn hoá phù hợp hay không phù hợp (so với định hướng phát triển của doanh nghiệp). Văn hóa doanh nghiệp một lần nữa phải là những giá trị nhân văn cao đẹp để phát huy và nhân lên những giá trị tốt đẹp và tính tích cực của con người, hạn chế và thậm chí loại bỏ những mặt tiêu cực của họ. d) Chức năng tạo động cơ ngầm định Con người sinh ra là có nhu cầu. Theo A.Maslow, nhu cầu con người được xếp theo bậc thang từ thấp đến cao: nhu cầu sinh lý, nhu cầu an ninh, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu tự khẳng định. Các nhu cầu này là những cung bậc khác nhau tạo ra động cơ thúc đẩy hành động của con người. Điều này khẳng định bất kỳ ai làm việc trong doanh nghiệp cũng đều xuất phát từ nhu cầu của bản thân. Tuy nhiên, không phải ai làm việc trong doanh nhiệp cũng chỉ vì tiền lương, cho dù tiền lương là yếu tố rất quan trọng, song không phải là tất cả, bởi khi đã thỏa mãn nhu cầu về tiền lương để đảm bảo “cơm ăn, áo mặc” (nhu cầu sinh lý), con người lại mong muốn việc làm của họ có ý nghĩa, có giá trị xã hội, có ích cho cộng đồng (nhu cầu xã hội), thậm chí còn cao hơn nữa để tự khẳng định mình. Theo Konosuke Matsushita, người chủ sáng lập công ty Matsushita Electronic, đối với người lao động bình thường “sứ mệnh chiếm một nửa, lương bổng chiếm một nửa”, con người một mặt làm việc vì lợi ích cá nhân, mặt khác họ làm việc với sứ mệnh tận tụy, nhiệt huyết vì mình vì xã hội một khi họ thấy được ý nghĩa, giá trị sức lao động của họ. Trong một doanh nghiệp có nền văn hóa mạnh, mỗi thành viên đều cảm thấy sự gắn bó với doanh nghiệp, thấy mình là một thành viên không thể thiếu trong tập thể, thấy hứng thú làm việc trong bầu không khí vui vẻ, đồng thuận, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, doanh nghiệp khi đó 113
  14. sẽ như là một phần máu thịt của họ. Các thành viên nhận thức rõ về vai trò và vị trí của bản thân trong doanh nghiệp, từ đó họ phấn đấu để thực hiện mục đích riêng trong mục đích chung của doanh nghiệp. Ở những doanh nghiệp như vậy sẽ có những nhân viên dám hy sinh, cống hiến hết mình vì doanh nghiệp, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, gắn bó và trung thành với doanh nghiệp cho dù ở bất kỳ tình huống nào. Văn hóa doanh nghiệp với chức năng tạo động cơ ngầm định là chìa khóa thu hút và giữ gìn nhân tài cho doanh nghiệp. e) Chức năng tạo bản sắc riêng Văn hóa doanh nghiệp gồm nhiều yếu tố hợp thành: Yếu tố vật thể và phi vật thể với giá trị hữu hình và vô hình như: logo, khẩu hiệu, cơ sở vật chất kỹ thuật, ngôn ngữ, sứ mệnh, mục tiêu, triết lý kinh doanh, tiêu chuẩn đạo đức, niềm tin... Những giá trị này tạo nên nét đặc trưng, bản sắc riêng và điển hình về văn hóa của mỗi doanh nghiệp. Những ấn tượng của khách hàng về sản phẩm độc đáo, có chất lượng, về phong cách phục vụ nhiệt tình, chu đáo, cởi mở, về cách thức bài trí gian hàng tạo nhiều cảm xúc... chính là biểu hiện bên ngoài những bản sắc văn hóa riêng có của doanh nghiệp không trộn lẫn với doanh nghiệp khác. Một doanh nghiệp có văn hóa cũng như con người có cá tính, nó có khả năng tạo hình ảnh, dấu ấn riêng và sự khác biệt trong mắt của khách hàng và xã hội, giúp doanh nghiệp thu hút được khách hàng và các đối tác. Doanh nghiệp khi mới thành lập chưa thể có ngay văn hóa doanh nghiệp ổn định với đầy đủ các yếu tố cấu thành. Qua quá trình hoạt động và các giai đoạn phát triển, các yếu tố được tạo lập, bổ sung, hoàn thiện thành một chỉnh thể, một hệ thống, định hướng đi chung cho doanh nghiệp. Ở đây, vai trò của người sáng lập doanh nghiệp, của nhà lãnh đạo, của bộ phận quản lý cấp cao của doanh nghiệp rất quan trọng. Văn hóa doanh nghiệp bao giờ cũng in đậm dấu ấn cá nhân của người sáng lập doanh nghiệp, của nhà quản trị, nhà lãnh đạo doanh nghiệp, từ ước vọng của họ đối với doanh nghiệp, lối suy nghĩ, cách thức quản lý, phong cách lãnh đạo, quan điểm của họ thể hiện qua mục tiêu mà họ đặt ra cho 114
  15. doanh nghiệp trong từng giai đoạn phát triển doanh nghiệp, qua các chính sách, chiến lược, thủ tục, quy tắc, chương trình hành động... Đây cũng là một trong những nguồn gốc tạo nên tính đặc thù của mỗi doanh nghiệp, tạo nên những nét riêng biệt giữa các doanh nghiệp với nhau. Như vậy, bản sắc riêng của doanh nghiệp có được nhờ hệ giá trị riêng biệt, những chuẩn mực, truyền thống, tập tục, nghi lễ... được xây dựng, duy trì và lưu truyền trong nội bộ và qua những giá trị vật thể biểu hiện ra bên ngoài. Bản sắc đó được các doanh nghiệp gìn giữ, phát huy và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 3.1.3. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp Văn hoá doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp, nó có thể làm cho doanh nghiệp phát triển, và cũng có thể làm cho doanh nghiệp lụi tàn nếu thiếu nó hoặc nó không được phát huy những mặt tích cực. Theo những nghiên cứu của các nhà xã hội học Mỹ, những công ty tuân thủ và thực hiện một văn hóa doanh nghiệp chính đáng, thì giá trị của nó có thể sẽ tăng lên 200%, và có nhiều doanh nghiệp còn đạt được hiệu quả cao hơn, chẳng hạn như công ty General Electric (GE), Southwest Airline, ConAgra, IBM,... Trong khuynh hướng xã hội hiện đại, trong các nguồn lực của một doanh nghiệp, con người là nguồn lực quan trọng nhất, văn hoá doanh nghiệp liên kết các con người lại với nhau và nhân lên nhiều lần các giá trị của từng nguồn lực riêng lẻ. Văn hoá doanh nghiệp là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp tạo nên môi trường làm việc tích cực, đem lại sức mạnh tinh thần cho doanh nghiệp Môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo, có văn hóa là mơ ước chính đáng của người lao động, cũng là định hướng của các doanh nghiệp Như trên đã phân tích chức năng của văn hóa doanh nghiệp, các thành viên trong doanh nghiệp muốn tồn tại trước hết phải hòa nhập vào môi trường làm việc, tuân thủ những giá trị có sẵn của doanh nghiệp, họ 115
  16. không những chỉ bổ sung thêm nhân tố mới mà còn làm cho hệ thống doanh nghiệp có thêm sức mạnh qua việc họ làm tăng thêm giá trị văn hóa doanh nghiệp. Hộp 3.1. Môi trường văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản Văn hóa doanh nghiệp kiểu Nhật đã tạo cho công ty một không khí làm việc như trong một gia đình, các thành viên gắn bó với nhau chặt chẽ. Lãnh đạo của công ty luôn quan tâm đến các thành viên. Thậm chí ngay cả trong những chuyện riêng tư của họ như cưới xin, ma chay, ốm đau, sinh con... cũng đều được lãnh đạo thăm hỏi chu đáo. Vì làm việc suốt đời cho công ty nên công nhân và người lao động sẽ được tạo điều kiện để học hỏi và đào tạo từ nguồn vốn của công ty. Nâng cao năng suất, chất lượng và đào tạo con người được coi là hai đặc trưng cơ bản của văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản. Người Nhật lại quan niệm rằng doanh nghiệp tồn tại như một hoạt động mang tính đạo đức. Mọi người trong công ty phải kết nối với nhau trong mối quan hệ chung. Doanh nghiệp là một chủ thể thống nhất. Người Nhật quan tâm đến lợi ích doanh nghiệp và người làm trong doanh nghiệp, thay vì chỉ quan tâm đến lợi nhuận như ở phương Tây. Do đó, tại một doanh nghiệp Nhật Bản, người lãnh đạo phải lo nâng cao đời sống cho người lao động và điều này ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Nó cũng liên quan mật thiết đến việc nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Sự thống nhất giữa doanh nghiệp và người làm trong doanh nghiệp đã tạo cho mọi thành viên sự trung thành cao. Tất cả đều quan tâm đến sự sống còn của doanh nghiệp, do đó dẫn đến sự tăng trưởng cao của các doanh nghiệp Nhật Bản. Nguồn: Tác giả tổng hợp Quan điểm và triết lý kinh doanh; quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi; cách thức đánh giá và chế độ trả lương, hình thức tuyên dương, khen thưởng, xử phạt; quan hệ giao tiếp, cách thức ứng xử giữa cấp trên, cấp dưới và giữa mọi người với nhau; các hình thức sinh hoạt tập thể, những lời động viên, thăm hỏi, sự chia sẻ với nhau... được định hình trong doanh nghiệp, được mọi người chấp nhận, tạo nên môi trường làm việc tốt đẹp với một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin 116
  17. cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Ở đó, mọi người được sống và làm việc trong một môi trường làm việc tự nguyện, cùng nhau chia sẻ ý tưởng, được ghi nhận khi thành công và được cảm nhận vị trí quan trọng của mình trong hệ thống cơ cấu tổ chức doanh nghiệp. Trong môi trường nhân văn đó, các thành viên trong doanh nghiệp được tự khẳng định mình để phát triển, và đến lượt họ, họ sẽ cống hiến hết mình cho doanh nghiệp. Đây chính là yếu tố nền tảng tạo nên sức mạnh tinh thần cho doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững Các doanh nghiệp luôn phải cạnh tranh với nhau để tồn tại. Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp được xem xét trên các khía cạnh như: chủng loại và chất lượng sản phẩm, giá cả hàng hóa, trình độ công nghệ, quy mô vốn, địa điểm kinh doanh, hệ thống kênh phân phối... Để có được những lợi thế này, doanh nghiệp phải có những nguồn lực như nhân lực, tài chính, công nghệ, máy móc, nguyên vật liệu, phương pháp làm việc, đó chính là nguồn lực vật chất và phi vật chất của doanh nghiệp, thể hiện văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp to lớn đến việc xác định mục tiêu, xây dựng chiến lược và chính sách, nó tạo ra tính định hướng có tính chất chiến lược cho bản thân doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho việc thực hiện thành công chiến lược đã lựa chọn của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp tồn tại và tiềm ẩn trong doanh nghiệp kinh doanh như một nguồn lực, một hệ giá trị và để khơi dậy sức mạnh, tạo ra lực điều tiết tác động tích cực đối với tất cả các yếu tố chủ quan khác nhau nhằm gia tăng giá trị của nguồn lực con người, tạo ra và duy trì lợi thế của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có vị thế nhất định trong môi trường cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đều có những năng lực khác biệt như là nguồn gốc tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp. Năng lực khác biệt của doanh nghiệp được thể hiện ở bốn đặc trưng: tạo ra giá trị, hiếm, 117
  18. khó bắt chước và không thể thay thế. Chính cái “hiếm” và “khó bắt chước” tạo ra sự bền vững cho sự phát triển của doanh nghiệp. Trong bối cảnh mới của công nghệ thông tin và số hóa, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng theo kịp nhau về công nghệ, chất lượng sản phẩm sẽ không hơn kém nhau bao nhiêu, cuộc chiến về giá giữa các đối thủ cạnh tranh cũng sẽ có hồi kết. Vì vậy, cái tạo ra sự khác biệt giữa các đối thủ chính là văn hóa doanh nghiệp, là hình ảnh, là thương hiệu, là uy tín của doanh nghiệp. Đó là thứ quý hiếm và khó bắt chước của doanh nghiệp. Thực tế chứng minh rằng doanh nghiệp sẽ không thể có sự nghiệp lâu dài, bền vững nếu không xây dựng được cho mình một môi trường văn hóa đặc thù. Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình, một vũ khí cạnh tranh sắc bén của doanh nghiệp. Một nền văn hóa tích cực sẽ giúp thu hút và gìn giữ nhân tài, gắn kết các thành viên trong doanh nghiệp thành một khối thống nhất, khơi dậy niềm tin, niềm tự hào về doanh nghiệp, tạo sự ổn định và giảm bớt rủi ro trong kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Hộp 3.2. Một số doanh nghiệp thành công nhờ có văn hóa doanh nghiệp tích cực 1. Zappos Zappos chú tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, biến công ty thành nơi luôn vui vẻ, độc đáo và khác lạ, khiến khách hàng đến với công ty luôn được hài lòng. Từ một shop online nhỏ lẻ, Zappos đã trở thành một nhà bán lẻ lớn ở Mỹ. Điều gì đã đem lại thành công cho họ? CEO Zappos - Tony Hsieh - “tỷ phú bán giày” chia sẻ bí quyết là: “Đem đến dịch vụ tốt nhất khiến khách hàng không chỉ hài lòng mà ngạc nhiên đến mức gặp ai cũng xuýt xoa giới thiệu về Zappos”. Zappos đưa ra 10 giá trị cốt lõi của họ gồm có: 1. Cung cấp dịch vụ tuyệt vời 2. Nắm bắt và sẵn sàng thay đổi 118
  19. 3. Tạo sự vui vẻ và hơi “dị biệt” 4. Phiêu lưu, sáng tạo, cầu tiến 5. Theo đuổi mục tiêu phát triển và học hỏi 6. Xây dựng mối quan hệ thành thực 7. Xây dựng tinh thần tích cực trong nhóm 8. Làm nhiều hơn với nguồn lực ít hơn 9. Giữ đam mê 10. Luôn khiêm tốn. Thông điệp từ văn hoá doanh nghiệp Zappos: Tập trung vào khách hàng, chỉ lựa chọn những người phù hợp, đồng thời đưa ra những tiêu chuẩn và quyền lợi xứng đáng cho nhân viên của mình. 2. Twitter Nhân viên của Twitter luôn ca ngợi văn hóa doanh nghiệp của mình, bởi họ được truyền cảm hứng từ mục tiêu và tầm nhìn doanh nghiệp. Đồng nghiệp thân thiện và môi trường đề cao văn hóa làm việc nhóm khiến cho không có nhân viên nào của Twitter rời bỏ công ty khi họ chưa hoàn thành xong các công việc và nhiệm vụ. Việc nhận thấy mình đang làm việc với những người thông minh, khuyến khích họ phát triển, sáng tạo hết khả năng. Thông điệp từ văn hoá doanh nghiệp Twitter: Môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, đoàn kết là nền tảng cho sự phát triển vững chắc của công ty. 3. Facebook Văn hóa của Facebook tập trung vào các hoạt động nhóm, tạo điều kiện để mọi người giao tiếp cởi mở. Facebook cho nhân viên rất nhiều quyền lợi như: cổ phiếu, đồ ăn miễn phí, không gian thoải mái, thậm chí cả khu giặt đồ trong văn phòng... Đây là môi trường mang lại rất nhiều quyền lợi, ủng hộ việc nhân viên nâng cao trình độ và phát triển cá nhân. Để giải quyết các vấn đề cạnh tranh và áp lực, Facebook đã bố trí rất nhiều các phòng làm việc chung, nhiều công viên mở ở các lối đi... Do đó, nhân viên và các lãnh đạo luôn có nơi để nghỉ giữa giờ hoặc tụ họp sau giờ làm, các lãnh đạo cũng có thể ngồi làm việc ở không gian mở bên cạnh những nhân viên bình thường khác. Thông điệp từ văn hoá doanh nghiệp Facebook: Cách bố trí về không gian cũng là phương pháp để nỗ lực củng cố và thể hiện văn hóa làm việc tự do, bình đẳng và không có khoảng cách cấp bậc. 119
  20. 4. Honda Honda khuyến khích và phát triển khả năng tư duy, lập luận sáng tạo. Với triết lý “Trở thành ngọn đuốc soi đường”, Honda đã gắn giá trị văn hóa doanh nghiệp của công ty ở Nhật với các yêu cầu môi trường và hoạt động xã hội của Việt Nam. Tôn chỉ của Công ty bao gồm 2 nội dung căn bản: tôn trọng con người và niềm vui. Honda khuyến khích khả năng tư duy, lập luận sáng tạo và khả năng mơ ước bằng việc tôn trọng sự khác biệt của mỗi nhân viên. Văn hóa Honda tập trung tạo ra niềm vui; mở rộng niềm vui; mang lại niềm vui cho thế hệ kế tiếp. Thông điệp từ văn hóa doanh nghiệp Honda: Hãy tập trung tạo ra niềm vui cho nhân viên và khách hàng. 5. Samsung Bí quyết của Samsung là tạo ra “nơi làm việc trong mơ cho các tài năng”. Bí quyết giữ chân nhân viên của Samsung là tạo ra “nơi làm việc trong mơ cho các tài năng” và những cơ hội công bằng để mọi nhân viên đều có điều kiện phát triển toàn diện. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, có các chế độ đãi ngộ nhân tài, huấn luyện, đào tạo công ty còn chú trọng đảm bảo tinh thần dân chủ và các cơ hội thăng tiến công bằng. Các hoạt động văn hóa doanh nghiệp tại Samsung như chất xúc tác tinh thần đoàn kết, sáng tạo và “thách thức giới hạn” của nhân viên, đồng thời thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao... để nhân viên và gia đình của họ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu. Thông điệp từ văn hóa doanh nghiệp Samsung: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ các giá trị vững chắc vì con người và xã hội mang đến thành công cho doanh nghiệp. 6. Unilever Unilever mong muốn tạo được niềm tin cho nhân viên để họ yên tâm phát triển năng lực và cống hiến. Unilever luôn tạo môi trường thân thiện, cởi mở, đồng cảm giữa những nhân viên với nhau. Đây là nơi nhân viên được cảm thấy tin tưởng và chia sẻ. Công ty mong muốn tạo được niềm tin cho nhân viên để họ yên tâm phát triển năng lực và cống hiến. Ngoài việc nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên tại môi trường trong nước, Unilever cũng chú trọng đưa họ ra nước ngoài làm việc để có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Thông điệp từ văn hóa doanh nghiệp Unilever: Tập trung đào tạo, mang lại những cơ hội thăng tiến cho nhân viên khiến họ có động lực và cống hiến nhiều hơn đem lại thành công cho công ty. (Nguồn: https://cempartner.com/vi/cem-partner-blog/vi-du-van-hoa-doanh-nghiep.html) 120
nguon tai.lieu . vn