Xem mẫu

  1. 1
  2. 2
  3. LỜI GIỚI THIỆU Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, cộng đồng những người làm kinh doanh Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Cộng đồng những người làm nghề kinh doanh mà nòng cốt là đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cộng đồng những người làm nghề kinh doanh, văn hóa kinh doanh Việt Nam, trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hoá dân tộc và tiếp thu những tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới, đã không ngừng phát triển và là điểm tựa cho cộng đồng những người làm nghề kinh doanh nói chung và các doanh nghiệp nước ta nói riêng tham gia tích cực và có bản sắc vào quá trình hội nhập quốc tế. Học tập, tìm hiểu và nghiên cứu văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp và văn hoá doanh nhân trở thành một nhu cầu cần thiết của sinh viên các trường đại học khối kinh tế và quản trị kinh doanh. Học phần Văn hoá kinh doanh đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc đại học của Trường Đại học Thương mại khoảng 10 năm. Với mục tiêu cung cấp cho sinh viên và các đối tượng bạn đọc khác những kiến thức lý luận cơ bản về văn hoá kinh doanh và thực tiễn văn hoá kinh doanh ở Việt Nam, quá trình hình thành và phát triển cộng đồng 3
  4. doanh nhân Việt Nam và cùng với đó là văn hoá doanh nghiệp và văn hoá doanh nhân Việt Nam, tập thể giảng viên bộ môn Quản trị học, Trường Đại học Thương mại biên soạn giáo trình Văn hoá kinh doanh với cấu trúc gồm các chương sau đây: Chương 1: Tổng quan về văn hóa kinh doanh, do ThS. Đào Hồng Hạnh và ThS. Dương Thị Thúy Nương biên soạn Chương 2: Doanh nhân và văn hoá doanh nhân, do PGS,TS. Trần Hùng biên soạn, Chương 3: Văn hóa doanh nghiệp, do PGS, TS. Nguyễn Thị Bích Loan biên soạn. Chương 4: Phát triển văn hóa kinh doanh, do TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn và TS. Trần Thị Hoàng Hà biên soạn. Ngoài phần lý luận, trong mỗi chương các tác giả có minh họa thêm một số tình huống thực tế để người đọc có sự liên hệ lý luận với thực tiễn, giúp cho việc nắm bắt kiến thức dễ dàng hơn. Giáo trình Văn hoá kinh doanh được biên soạn trên cơ sở đề cương học phần Văn hoá kinh doanh đã được Nhà trường phê duyệt của Bộ môn Quản trị học, Trường Đại học Thương mại và tham khảo các nguồn tài liệu khác nhau như sách chuyên khảo, giáo trình, sách tham khảo, đề tài nghiên cứu khoa học, các bài báo khoa học... của các nhà nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước. Trong quá trình biên soạn giáo trình, các tác giả đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp hết sức quý báu từ các giảng viên trong bộ môn, các nhà khoa học trong và ngoài Trường. Tập thể tác giả bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới các nhà khoa học và các đồng nghiệp. Chúng tôi cũng xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Thương mại, Hội đồng Khoa Quản trị kinh doanh, Bộ môn Quản trị học vì sự động viên, ủng hộ chúng tôi trong quá trình biên soạn giáo trình này. 4
  5. Lần đầu tiên biên soạn giáo trình Văn hoá kinh doanh, mặc dù các tác giả đã nỗ lực rất nhiều nhưng chắc chắn khó tránh được những hạn chế và thiếu sót. Các tác giả rất mong tiếp tục nhận được sự góp ý của bạn đọc để lần tái bản sau giáo trình sẽ được hoàn thiện hơn. THAY MẶT TẬP THỂ TÁC GIẢ Chủ biên PGS,TS. Nguyễn Thị Bích Loan 5
  6. 6
  7. MỤC LỤC LỜI GIỚI THIỆU 3 ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU HỌC PHẦN VĂN HÓA KINH DOANH 9 Chương 1. TỔNG QUAN VỀ VĂN HÓA KINH DOANH 13 1.1. Khái niệm và vai trò của văn hóa kinh doanh 13 1.1.1. Khái niệm và các yếu tố cấu thành văn hóa 13 1.1.2. Khái niệm văn hóa kinh doanh 20 1.1.3. Vai trò của văn hóa kinh doanh 22 1.2. Các yếu tố cấu thành văn hóa kinh doanh 26 1.2.1. Văn hóa doanh nhân 26 1.2.2. Văn hóa doanh nghiệp 28 1.2.3. Một số yếu tố khác 29 1.3. Khái quát về văn hóa kinh doanh tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới 38 1.3.1. Khái quát về văn hóa kinh doanh tại Việt Nam 38 1.3.2 Khái quát về văn hóa kinh doanh tại một số quốc gia 49 Chương 2. DOANH NHÂN VÀ VĂN HÓA DOANH NHÂN 73 2.1. Doanh nhân và vai trò của doanh nhân 73 2.1.1. Khái niệm doanh nhân 73 2.1.2. Doanh nhân Việt Nam trong các thời kỳ 75 2.1.3. Vai trò của doanh nhân 80 2.2. Văn hóa doanh nhân 83 2.2.1. Khái niệm văn hóa doanh nhân 83 2.2.2. Mối quan hệ giữa văn hoá doanh nhân với văn hoá doanh nghiệp trong văn hoá kinh doanh 87 7
  8. 2.2.3. Nhân cách và đạo đức doanh nhân 89 2.2.4. Năng lực của doanh nhân 93 2.2.5. Hệ giá trị văn hóa doanh nhân Việt Nam 95 Chương 3. VĂN HÓA DOANH NGHIỆP 101 3.1. Khái niệm, chức năng và vai trò của văn hóa doanh nghiệp 101 3.1.1. Khái niệm văn hóa doanh nghiệp 101 3.1.2. Chức năng văn hóa doanh nghiệp 109 3.1.3. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp 115 3.2. Các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp 122 3.2.1. Giá trị hữu hình 123 3.2.2. Giá trị vô hình 151 3.3. Một số tình huống văn hóa doanh nghiệp điển hình 172 3.3.1. Một số doanh nghiệp nước ngoài 172 3.3.2. Một số doanh nghiệp trong nước 193 Chương 4: PHÁT TRIỂN VĂN HÓA KINH DOANH 213 4.1. Nội dung phát triển văn hóa kinh doanh 213 4.1.1. Phát triển văn hóa doanh nhân 213 4.1.2. Phát triển văn hóa doanh nghiệp 222 4.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển văn hóa kinh doanh 253 4.2.1. Văn hóa 253 4.2.2. Chính sách của Nhà nước 256 4.2.3. Quá trình toàn cầu hóa và giao lưu văn hóa 259 4.2.4. Sức mạnh của cộng đồng doanh nhân 261 4.2.5. Tài chính dành cho phát triển văn hóa kinh doanh 262 4.2.6. Lịch sử phát triển của cộng đồng doanh nhân 263 TÀI LIỆU THAM KHẢO 265 8
  9. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU HỌC PHẦN VĂN HÓA KINH DOANH 1. Đối tượng nghiên cứu Văn hóa là một phạm trù có nội hàm và ngoại diên phong phú, phức tạp, bao trùm lên toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của xã hội loài người và có những nét đặc thù cho từng cộng đồng ở các khu vực địa lý hay lĩnh vực hoạt động khác nhau. Trong hoạt động kinh doanh, các yếu tố văn hóa được những người làm kinh doanh vận dụng, bổ sung và phát triển để hình thành nên văn hóa kinh doanh, văn hóa của cộng đồng doanh nhân (văn hóa doanh nhân) và của các doanh nghiệp (văn hóa doanh nghiệp). Văn hóa nói chung và văn hóa kinh doanh nói riêng đang ngày càng trở thành một yếu tố tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nhân và doanh nghiệp, có thể mang lại thành công hay thất bại cho doanh nhân và doanh nghiệp. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa kinh doanh là rất cần thiết cho các doanh nhân và các nhà quản trị doanh nghiệp hiện nay. Nhằm góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường sự hiểu biết về văn hóa kinh doanh của sinh viên, các trường đại học, trong đó có trường Đại học Thương mại, đã đưa vào chương trình đào tạo học phần Văn hóa kinh doanh. Đối tượng nghiên cứu của học phần Văn hóa kinh doanh là những vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa kinh doanh và các yếu tố cấu thành văn hóa kinh doanh. Văn hóa kinh doanh (văn hóa trong hoạt động kinh doanh mà trước hết là của cộng đồng những người kinh doanh) là một bộ phận của văn hóa chung (văn hóa dân tộc, văn hóa vùng miền hay khu vực). Vì vậy, nghiên cứu văn hóa kinh doanh là nghiên cứu các yếu tố cấu thành văn hóa kinh doanh, bao gồm các yếu tố văn hóa chung và 9
  10. các yếu tố đặc thù được vận dụng và thể hiện trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, cũng như các yếu tố đặc thù được chính những người làm kinh doanh (các doanh nhân) sáng tạo và phát triển. Các yếu tố văn hóa kinh doanh được nhìn nhận trước hết là các yếu tố văn hóa chung được cụ thể hóa trong hoạt động kinh doanh như: đức tin trong kinh doanh; tập quán và chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh; thói quen, hành vi ứng xử, thái độ và giao tiếp trong kinh doanh; truyền thống, lễ nghi trong kinh doanh... Các yếu tố đó là nền tảng để tạo nên hệ giá trị kinh doanh: chân - thiện - mỹ. Một cách nhìn khác về văn hóa kinh doanh, đó là cách thức phản ánh các yếu tố của văn hóa kinh doanh. Vì vậy, cũng có thể xem xét văn hóa kinh doanh thông qua các yếu tố cấu thành/phản ánh, đó là văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp. Tiếp cận văn hóa kinh doanh thông qua văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp thì những yếu tố quan trọng cần được nghiên cứu, đó là triết lý kinh doanh và đạo đức kinh doanh. Văn hóa kinh doanh nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và kết quả hoạt động của các doanh nhân và doanh nghiệp. Nghiên cứu văn hoá kinh doanh không thể không đề cập đến vai trò quan trọng đó. 2. Phương pháp nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như vì mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương tiện, phương thức sử dụng toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống, và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Văn hóa là sự tích tụ và thăng 10
  11. hoa của những giá trị vật chất và tinh thần mà cộng đồng dân cư sáng tạo ra trong một thời gian dài. Văn hóa là một phạm trù có nội hàm động, các yếu tố cấu thành văn hóa nằm trong sự vận động liên tục, không ngừng. Có yếu tố được hình thành phát triển trong một thời gian dài, sau đó trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội, chúng sẽ tự nhiên mất đi hoặc bị cộng đồng đào thải và thay thế bằng những yếu tố mới. Bản thân hệ giá trị “chân - thiện - mỹ” cũng được thay đổi theo thời gian và theo mức độ phát triển của các yếu tố kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, nghiên cứu văn hóa nói chung và văn hóa kinh doanh nói riêng cần có cách tiếp cận lịch sử, biện chứng, đặt văn hóa trong từng bối cảnh cụ thể, không gian cụ thể. Mỗi yếu tố văn hóa kinh doanh mà chúng ta cảm nhận được là kết quả của một quá trình lao động sáng tạo của cả một cộng đồng. Điều này đòi hỏi phải có quan điểm kế thừa trong việc nghiên cứu văn hóa kinh doanh. Đồng thời, trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa kinh doanh phải đặt nó trong tổng thể các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn khác. 11
  12. 12
  13. Chương I TỔNG QUAN VỀ VĂN HÓA KINH DOANH Sau khi đọc xong chương này, người đọc có thể nắm được những nội dung cơ bản về văn hóa kinh doanh, cụ thể là: - Khái niệm và các yếu tố cấu thành văn hóa - Khái niệm và vai trò của văn hóa kinh doanh - Khái quát văn hóa kinh doanh tại Việt Nam - Khái quát văn hóa kinh doanh tại một số quốc gia trên thế giới. 1.1. KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA KINH DOANH 1.1.1. Khái niệm và các yếu tố cấu thành văn hóa 1.1.1.1. Khái niệm Có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Ngay từ năm 1952, hai nhà nhân loại học Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn đã từng thống kê có tới 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa trong các công trình nổi tiếng thế giới. Cho tới nay, đã có khoảng 400-500 định nghĩa về văn hoá. Một con số rất lớn và không xác định cho thấy sự phong phú và phức tạp của khái niệm văn hoá. Trong lịch sử, khái niệm văn hóa xuất hiện rất sớm ở phương Đông cũng như ở phương Tây. Ở phương Đông, từ văn hóa trong tiếng Hán cổ bao gồm văn là vẻ đẹp của nhân tính, cái đẹp của tri thức, trí tuệ con người có thể đạt được bằng sự tu dưỡng của bản thân và cách thức cai trị đúng đắn của nhà cầm quyền. Còn chữ hoá trong văn hoá là việc đem cái văn (cái đẹp, cái tốt, cái đúng) để cảm hoá, giáo dục và hiện thực hoá 13
  14. trong thực tiễn, đời sống. Như vậy, văn hóa được hiểu là cách thức điều hành xã hội của tầng lớp thống trị dùng cái hay, cái đẹp để giáo dục và cảm hóa con người. Ở phương Tây, từ văn hóa bắt nguồn từ tiếng Latinh “Cultus” mà nghĩa gốc là gieo trồng, được dùng theo từ: Cultus Agri là “gieo trồng ruộng đất” và Cultus Animi là “gieo trồng tinh thần” tức là “sự giáo dục tinh thần và tâm hồn con người”. Theo nhà triết học Anh Thomas Hobbes (1588-1679), lao động dành cho đất gọi là sự gieo trồng và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần. Theo E.B. Tylor (1871), Văn hóa hay văn minh, theo nghĩa rộng về tộc người học, nói chung gồm có tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán và một số năng lực và thói quen khác được con người chiếm lĩnh với tư cách một thành viên của xã hội. Theo định nghĩa này thì văn hóa và văn minh là một; nó bao gồm tất cả những lĩnh vực liên quan đến đời sống con người, từ tri thức, tín ngưỡng đến nghệ thuật, đạo đức, pháp luật... Theo Edward Sapir (1884 - 1939), văn hóa chính là bản thân con người, cho dù là những người hoang dã nhất sống trong một xã hội tiêu biểu cho một hệ thống phức hợp của tập quán, cách ứng xử và quan điểm được bảo tồn theo truyền thống. Theo William Isaac Thomas (1863 - 1947), văn hóa là các giá trị vật chất và xã hội của bất kỳ nhóm người nào (các thiết chế, tập tục, phản ứng cư xử...). Theo Ralph Linton (1893 - 1953), nhà nhân loại học người Mỹ định nghĩa: a. Văn hóa suy cho cùng là các phản ứng lặp lại ít nhiều có tổ chức của các thành viên xã hội; b. Văn hóa là sự kết hợp giữa lối ứng xử mà các thành tố của nó được các thành viên của xã hội đó tán thành và truyền lại nhờ kế thừa. Theo Pitirim Alexandrovich Sorokin (1889 - 1968), văn hóa chỉ tổng thể những gì được tạo ra, hay được cải biến bởi hoạt động có ý thức 14
  15. hay vô thức của hai hay nhiều cá nhân tương tác với nhau và tác động đến lối ứng xử của nhau. Ở Việt Nam, văn hóa cũng được định nghĩa rất khác nhau. Theo Nguyễn Như Ý (1998), văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử. Theo Hồ Chí Minh (1995), cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Phạm Văn Đồng cho rằng: “Nói tới văn hóa là nói tới một lĩnh vực vô cùng phong phú và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con người trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử... (văn hóa) bao gồm cả hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh”. Theo UNESCO (1982), văn hóa được định nghĩa như sau: “Văn hóa hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng: Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩ mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân”. 15
  16. Theo Trần Ngọc Thêm (2006), văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình. Theo Lê Văn Chưởng (1999), văn hóa là tổng thể về những thành tựu, những giá trị vật chất và tinh thần do con người kiến tạo trong quá trình quan hệ với tự nhiên, xã hội và đời sống tinh thần có tính đặc thù của mỗi dân tộc. Dù các khái niệm có những điểm khác nhau nhưng đều chứa một số nét chung: Thứ nhất, văn hoá là những biểu hiện cơ bản của con người trong quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển, đồng thời là những hoạt động nhận thức thực tiễn nhằm tạo ra những biến đổi của xã hội, của môi trường xung quanh và bản thân con người. Thứ hai, văn hóa tác động theo ba quá trình: quá trình cải tạo vật chất, quá trình cải tạo cơ cấu xã hội, quá trình cải tạo tâm lý xã hội (quan hệ giữa con người với con người). Thứ ba, văn hóa là sản phẩm có tính cộng đồng, từ đó triển khai thành một sản phẩm có tính cá nhân với tư cách là một thành viên của cộng đồng. Từ những phân tích trên đây, có thể hiểu chung nhất về văn hóa như sau: Văn hóa là sản phẩm của con người được tạo ra trong quá trình lao động (từ lao động trí óc đến lao động chân tay), được chi phối bởi môi trường (môi tự nhiên và xã hội) xung quanh và tính cách của từng tộc người. Nhờ có văn hóa mà con người trở nên khác biệt so với các loài động vật khác; và do được chi phối bởi môi trường xung quanh và tính cách tộc người nên văn hóa ở mỗi tộc người sẽ có những đặc trưng riêng. 16
  17. 1.1.1.2. Các yếu tố cấu thành văn hóa Văn hóa là một phạm trù phức tạp và đa dạng. Để hiểu bản chất của văn hóa, cần xem xét các yếu tố cấu thành văn hóa. Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra bằng lao động và hoạt động thực tiễn trong quá trình lịch sử của mình, biểu hiện trình độ phát triển xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định. Khi nghiên cứu quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người, K.Marx và F.Engels đã khái quát các hoạt động của xã hội thành hai loại hình hoạt động cơ bản là “sản xuất vật chất” và “sản xuất tinh thần”. Do đó, văn hóa bao gồm cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Văn hóa vật chất: là toàn bộ những giá trị sáng tạo của con người được thể hiện trong các của cải vật chất do con người tạo ra. Đó là các sản phẩm hàng hóa, công cụ lao động, tư liệu tiêu dùng, cơ sở hạ tầng kinh tế như giao thông, thông tin, nguồn năng lượng; cơ sở hạ tầng xã hội như chăm sóc sức khỏe, nhà ở, hệ thống giáo dục và cơ sở hạ tầng tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ tài chính trong xã hội. Văn hóa vật chất được thể hiện qua đời sống vật chất của quốc gia. Chính vì vậy văn hóa vật chất sẽ ảnh hưởng to lớn đến trình độ dân trí, lối sống của các thành viên trong nền kinh tế đó. Văn hóa tinh thần: là toàn bộ những hoạt động tinh thần của con người và xã hội bao gồm: Kiến thức là nhân tố hàng đầu của văn hóa, thường được đo một cách hình thức bằng trình độ học vấn, trình độ tiếp thu và vận dụng kiến thức khoa học, hệ thống kiến thức được con nguời phát minh, nhận thức và được tích lũy lại, bổ sung nâng cao và không ngừng đổi mới qua các thế hệ. Các phong tục tập quán là những qui ước thông thường của cuộc sống hàng ngày như nên mặc như thế nào, cách sử dụng các đồ ăn uống trong bữa ăn, cách xử sự với những người xung quanh, cách sử dụng thời gian... Phong tục tập quán là những hành động ít mang tính đạo đức. Sự vi phạm phong tục tập quán không phải là vấn đề quan trọng, người vi 17
  18. phạm chỉ bị coi là không biết cách cư xử chứ ít khi bị coi là hư hỏng hay xấu xa. Vì thế, người nước ngoài có thể được tha thứ cho việc vi phạm phong tục tập quán lần đầu tiên đến một nước khác. Tập tục có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với tập quán, nó là những qui tắc được coi là trọng tâm trong đời sống xã hội, việc làm trái tập tục có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn như tập tục bao gồm các yếu tố như sự lên án các hành động trộm cắp, ngoại tình, loạn luân, giết người. Ở nhiều xã hội, một số tập tục đã được cụ thể hóa trong luật pháp. Thói quen là những cách thực hành phổ biến hoặc đã hình thành từ trước. Cách cư xử là những hành vi được xem là đúng đắn trong một xã hội riêng biệt. Thói quen thực hiện cách sự vật được làm, cách cư xử được dùng khi thực hiện chúng. Ví dụ: Thói quen ở Mỹ là ăn món chính trước khi ăn món tráng miệng. Khi thực hiện thói quen này, họ dùng dao và nĩa ăn hết thức ăn trên đĩa và không nói khi có thức ăn trong miệng. Ở nhiều nước trên thế giới, thói quen và cách cư xử hoàn toàn khác nhau. Ở các nước La tinh có thể chấp nhận việc đến trễ, nhưng ở Anh và Pháp, sự đúng giờ là giá trị. Người Mỹ thường sử dụng phấn bột khi tắm nhưng người Nhật cảm thấy như thế là làm bẩn lại. Giá trị là những niềm tin và chuẩn mực chung cho một tập thể người được các thanh viên chấp nhận, còn thái độ là sự đánh giá, sự cảm nhận, sự phản ảnh trước một sự vật dựa trên các giá trị. Ví dụ: thái độ của nhiều quan chức tuổi trung niên của Chính phủ Nhật Bản với người nước ngoài không thiện chí lắm, họ cho rằng dùng hàng nước ngoài là không yêu nước. Thái độ có nguồn gốc từ những giá trị, chẳng hạn người Nga tin tưởng rằng cách nấu ăn của Mc Donald là tốt nhất đối với họ (giá trị) và do đó vui lòng đứng xếp hàng dài để ăn (thái độ). Ngôn ngữ là một yếu tố hết sức quan trọng của văn hoá vì nó là phương tiện sử dụng để truyền thông tin và ý tưởng giúp con người hình thành nên cách nhận thức về thế giới và có tác dụng định hình đặc điểm văn hoá của con người. Ở những nước có nhiều ngôn ngữ người ta thấy 18
  19. có nhiều nền văn hoá. Ví dụ, ở Canada có 2 nền văn hoá: Nền văn hoá tiếng Anh và nền văn hoá tiếng Pháp. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự khác biệt về ngôn ngữ cũng dẫn đến sự khác biệt về xã hội. Trong hoạt động kinh doanh, nhất là kinh doanh quốc tế, sự hiểu biết về ngôn ngữ địa phương, về những thành ngữ và cách nói xã giao hàng ngày, về dịch thuật là rất quan trọng. Một công ty đã không thành công khi quảng cáo bột giặt của mình đã đặt hình ảnh quần áo sạch sẽ ở bên phải vì ở nước này người ta đọc từ phải qua trái, và điều đó được hiểu là xà phòng làm bẩn quần áo. Bản thân ngôn ngữ rất đa dạng, nó bao gồm ngôn ngữ có lời (verbal language) và ngôn ngữ không lời (non-verbal language). Thông điệp được chuyển giao bằng nội dung của từ ngữ, bằng cách diễn tả các thông tin đó (âm điệu, ngữ điệu...) và bằng các phương tiện không lời như cử chỉ, tư thế, ánh mắt, nét mặt... Ví dụ: một cái gật đầu là dấu hiệu của sự đồng ý, một cái nhăn mặt là dấu hiệu của sự khó chịu. Tuy nhiên, một số dấu hiệu của ngôn ngữ cử chỉ lại bị giới hạn về mặt văn hoá. Chẳng hạn trong khi phần lớn người Mỹ và Châu Âu khi giơ ngón cái lên hàm ý “mọi thứ đều ổn” thì ở Hy Lạp, dấu hiệu đó là ngụ ý khiêu dâm. Thẩm mỹ liên quan đến thị hiếu nghệ thuật của văn hoá, các giá trị thẩm mỹ được phản ảnh qua các hoạt động nghệ thuật như: Hội hoạ, điêu khắc, điện ảnh, văn chương, âm nhạc, kiến trúc... Tôn giáo ảnh hưởng lớn đến cách sống, niềm tin, giá trị và thái độ, thói quen làm việc và cách cư xử của con người trong xã hội đối với nhau và với xã hội khác. Chẳng hạn, ở những nước theo đạo Hồi, vai trò của người phụ nữ bị giới hạn trong gia đình, giáo hội Thiên chúa giáo đến tận bây giờ vẫn tiếp tục cấm sử dụng các biện pháp tránh thai. Thói quen làm việc chăm chỉ của người Mỹ là được ảnh hưởng từ lời khuyên của đạo tin lành. Các nước Châu Á chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo Khổng nên coi trọng đạo đức làm việc. Giáo dục là yếu tố quan trọng để hiểu văn hoá. Trình độ cao của giáo dục thường dẫn đến năng suất cao và tiến bộ kỹ thuật. Giáo dục 19
  20. cũng giúp cung cấp những cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển khả năng quản trị. Sự kết hợp giáo dục trong nhà trường và giáo dục ở gia đình giúp con người có những giá trị và chuẩn mực xã hội như tôn trọng người khác, tuân thủ luật pháp, trung thực, gọn gàng, ngăn nắp, đúng giờ... những nghĩa vụ cơ bản của công dân, những kỹ năng cần thiết. Việc đánh giá kết quả học tập bằng điểm số hoặc phân loại giáo dục cho học sinh thấy giá trị thành công của mỗi cá nhân và khuyến khích tinh thần cạnh tranh ở học sinh. Trình độ giáo dục của một cộng đồng có thể đánh giá qua tỷ lệ người biết đọc, biết viết, tỷ lệ người tốt nghiệp phổ thông, trung học hay đại học... 1.1.2. Khái niệm văn hóa kinh doanh Thuật ngữ kinh doanh được hiểu theo hai nghĩa: thứ nhất là “gây dựng, mở mang thêm”, thứ hai là “tổ chức việc sản xuất, buôn bán, dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi”. Kinh doanh là một nghề chính đáng xuất phát từ nhu cầu phát triển của xã hội, do sự phân công lao động xã hội tạo ra. Từ hai khái niệm văn hoá và kinh doanh ta đi đến khái niệm văn hoá kinh doanh là gì? Theo Đỗ Minh Cương (2001), văn hóa kinh doanh là việc sử dụng các nhân tố văn hóa vào trong hoạt động kinh doanh của chủ thể, là văn hóa mà các chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh và hình thành nên những kiểu kinh doanh ổn định và đặc thù của họ. Đỗ Huy (1996)1 đưa ra khái niệm văn hóa kinh doanh là một bộ phận cấu thành nền văn hóa chung, phản ánh trình độ của con người trong lĩnh vực kinh doanh. Nguyễn Hoàng Ánh (2004) cho rằng văn hóa kinh doanh là sự thể hiện phong cách kinh doanh của một dân tộc. Nó bao gồm các nhân tố rút ra từ văn hóa dân tộc, được các thành viên trong xã hội vận dụng vào trong hoạt động kinh doanh của mình và cả những giá trị, triết lý... mà các thành viên này tạo ra trong quá trình kinh doanh. 1 Phạm Xuân Nam (chủ biên) (1996), Văn hóa và kinh doanh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 20
nguon tai.lieu . vn