Xem mẫu

  1. CHƯƠNG 4 TRẢ THƯỞNG TRONG DOANH NGHIỆP Mục tiêu chương Nội dung của chương này trình bày trả thưởng trong doanh nghiệp. Phần đầu tiên 4.1 trình bày khái niệm trả thưởng, ý nghĩa của trả thưởng trong doanh nghiệp. Theo cách tiếp cận của giáo trình này tổ chức trả thưởng trong doanh nghiệp cũng là nội dung được nghiên cứu ở phần 4.2. Qua chương này, người học vận dụng kỹ năng thực hành xây dựng kế hoạch trả thưởng, xác định nguồn tiền thưởng, xác định tiêu chuẩn thưởng và mức thưởng, lựa chọn các hình thức thưởng và tổ chức xét thưởng, trả thưởng cho từng cá nhân người lao động và cho toàn bộ hệ thống của doanh nghiệp. 4.1. Khái niệm, ý nghĩa của trả thưởng trong doanh nghiệp 4.1.1. Khái niệm trả thưởng trong doanh nghiệp Trả tiền thưởng thực chất là trả khoản tiền bổ sung cho tiền lương nhằm quán triệt hơn nguyên tắc phân phối theo lao động và gắn với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với trả tiền lương, trả tiền thưởng góp phần thỏa mãn nhu cầu vật chất cho người lao động và trong chừng mực nhất định được người sử dụng lao động sử dụng như biện pháp khuyến khích vật chất có hiệu quả đối với người lao động, nhằm tác động đến động cơ, thái độ, năng suất, hiệu quả, rút ngắn thời gian làm việc của người lao động. Trả tiền thưởng là trả khoản tiền bổ sung ngoài tiền lương cho người lao động, nhằm quán triệt hơn nguyên tắc trả lương theo số lượng và chất lượng lao động mà tiền lương chưa thể tính hết được. Là khoản tiền bổ sung nên về nguyên tắc, mức chi trả tiền thưởng phải nhỏ hơn mức chi trả tiền lương, tiền lương phải là yếu tố khuyến 128
  2. khích chủ yếu. Vì thế, bên cạnh trả tiền lương cần có chế độ và hình thức trả tiền thưởng nhằm tạo ra hệ thống khuyến khích lao động đồng bộ. Đây là những khoản tiền mà doanh nghiệp trả cho người lao động do họ có những thành tích và đóng góp vượt trên mức độ mà chức trách quy định. Mức tiền thưởng cùng với mức tiền lương tạo nên khoản thu nhập bằng tiền chủ yếu của người lao động. Vì vậy, mức chi trả tiền thưởng cũng góp phần giúp người lao động thoả mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của bản thân và gia đình ở mức độ cao hơn. Từ đó có thể thấy, tiền thưởng là một công cụ khuyến khích vật chất có hiệu quả nhất đối với người lao động, nhất là những người còn tiềm ẩn nhiều năng lực làm việc. Trong công tác quản lý lao động, tiền thưởng được coi là yếu tố đòn bẩy kinh tế, là hình thức khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần đối với người lao động trong quá trình làm việc. Qua đó làm cho người lao động quan tâm hơn đến lao động sáng tạo, tiết kiệm lao động sống cũng như lao động vật hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, tinh thần trách nhiệm, ý thức rèn luyện, học tập chuyên môn và tay nghề. Trả thưởng là trả khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Để thực hiện các hình thức trả thưởng, doanh nghiệp cần xây dựng chính sách tiền thưởng và tổ chức thực hiện trả thưởng. Chính sách tiền thưởng là chính sách của doanh nghiệp đề cập đến mục tiêu, tiêu chí, cách thức, biện pháp thưởng và quy trình tổ chức trả thưởng. Việc tổ chức thực hiện trả thưởng được thực hiện theo quy định trong chính sách tiền thưởng do doanh nghiệp xây dựng để trả thưởng. 4.1.2. Ý nghĩa của trả thưởng trong doanh nghiệp Tiền thưởng khuyến khích người lao động quan tâm tới tiết kiệm lao động sống, lao động vật hóa, giữ gìn và bảo quản tốt trang thiết bị, máy móc, đảm bảo không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng công việc và khuyến khích người lao động vào xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, gắn bó mật thiết với doanh nghiệp. Với ý nghĩa vô cùng quan trọng đó, các doanh nghiệp cần phải quan tâm đến tiền thưởng và 129
  3. coi tiền thưởng là một đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như vậy, ý nghĩa của trả thưởng bao gồm: a. Trả thưởng thực hiện đầy đủ hơn nguyên tắc phân phối theo lao động Xét trong cơ cấu thu nhập của người lao động thì tiền lương là khoản thu nhập chính có tính chất thường xuyên, tương đối ổn định và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập, còn tiền thưởng là khoản tiền được hưởng thêm, nên không mang tính chất thường xuyên, ổn định như tiền lương mà chỉ dành cho những người lao động có thành tích mới được hưởng tiền thưởng đó. Doanh nghiệp khi thực hiện các hình thức và chế độ tiền lương về cơ bản đã phản ánh nguyên tắc phân phối theo lao động. Nhưng xét ở một góc độ nhất định các hình thức và chế độ tiền lương chưa thực hiện thật đầy đủ nguyên tắc phân phối theo lao động. Bởi lẽ, kết quả lao động của mỗi người lao động không chỉ phản ánh đơn thuần ở số lượng sản phẩm, thời gian làm việc, chất lượng sản phẩm hay trình độ lành nghề mà còn thể hiện ở hiệu quả lao động trong việc tiết kiệm lao động vật hóa, giảm chi phí sản xuất, an toàn sản xuất, an toàn lao động… Vì vậy, muốn quán triệt đầy đủ hơn nguyên tắc phân phối theo lao động cần kết hợp chặt chẽ các hình thức và chế độ tiền lương với hình thức và chế độ tiền thưởng. b. Trả thưởng là đòn bẩy kinh tế Doanh nghiệp thực hiện các hình thức và chế độ trả thưởng đúng đắn là thể hiện sự đãi ngộ thỏa đáng cho những cá nhân và tập thể người lao động có thành tích trong sản xuất, công tác. Người lao động có thành tích nhiều, hiệu quả cao sẽ được hưởng mức thưởng cao và ngược lại. Từ đó mà tiền thưởng trở thành một động lực kích thích người lao động phát huy tính tích cực, sáng tạo trong lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển. c. Trả thưởng góp phần thúc đẩy người lao động thực hiện tốt các mục tiêu doanh nghiệp đặt ra Khi xây dựng các phương án trả thưởng, doanh nghiệp đặt ra tiêu chí thưởng phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của doanh nghiệp. Động lực vật chất sẽ thúc đẩy người lao động phấn đấu 130
  4. thực hiện tốt các tiêu chí thưởng, qua đó mục tiêu của doanh nghiệp sẽ được thực hiện hiệu quả hơn. 4.2. Nội dung của tổ chức trả thưởng trong doanh nghiệp 4.2.1. Xây dựng kế hoạch trả thưởng trong doanh nghiệp Theo Nghị định số 51/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13 tháng 6 năm 2016 Quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại điều 8 có quy định quỹ tiền thưởng của người lao động được trích từ quỹ khen thưởng, phúc lợi của công ty theo quy định của Chính phủ và tiền thưởng của người lao động được thực hiện theo quy chế thưởng của công ty. Kế hoạch trả thưởng là một trong những yếu tố quyết định tới sự thành bại của các doanh nghiệp. Kế hoạch trả thưởng là một hệ thống các quy tắc của doanh nghiệp điều chỉnh việc trả tiền thưởng cho những người lao động làm việc trong doanh nghiệp. Có rất nhiều kế hoạch trả thưởng, có loại tập trung vào trả thưởng cho việc bán hàng trong khi có loại lại dành phần lớn tiền thưởng của mình đối với việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ… Chính vì kế hoạch trả thưởng quyết định tiền thưởng mà doanh nghiệp sẽ chi trả cho người lao động nên nó có ảnh hưởng lớn tới thái độ của người lao động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 4.2.2. Xác định nguồn tiền thưởng của doanh nghiệp Nguồn tiền thưởng là nguồn tiền được xác định dùng để trả thưởng cho cá nhân, tập thể và đơn vị có thành tích, được hình thành chủ yếu từ các nguồn sau: Nguồn tiền thưởng lấy từ giá trị mới sáng tạo ra, bao gồm: Tiền thưởng từ lợi nhuận thu được của doanh nghiệp. Nguồn tiền thưởng từ giá trị tiết kiệm hay giá trị làm lợi bao gồm: Tiết kiệm lao động vật hóa, sáng kiến, sáng chế. Nguồn tiền thưởng từ các quỹ khuyến khích, bao gồm: Khuyến khích hàng hóa xuất khẩu, sản phẩm được cấp dấu chất lượng, thực hiện tốt hợp đồng kinh tế, khuyến khích hoạt động sáng tạo… Nguồn tiền thưởng từ quỹ phúc lợi. 131
  5. Tiêu chuẩn thưởng bao gồm chỉ tiêu thưởng và điều kiện thưởng. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phạm vi trách nhiệm của mỗi cá nhân người lao động, bộ phận công tác, lãnh đạo doanh nghiệp quyết định các chỉ tiêu và điều kiện xét thưởng với nội dung cụ thể sao cho thể hiện rõ cả về số lượng và chất lượng. Thông thường các chỉ tiêu thưởng phản ánh mặt số lượng, còn điều kiện thưởng phản ánh mặt chất lượng trong sự ràng buộc với mặt số lượng. Khi xây dựng chỉ tiêu thưởng chỉ nên đặt ra một đến hai chỉ tiêu chủ yếu có quan hệ trực tiếp đến kết quả và hiệu quả kinh tế của mỗi cá nhân người lao động, mỗi bộ phận công tác, mỗi đơn vị trong doanh nghiệp. Hình thành điều kiện thưởng phải hướng vào xác định các tiền đề để thực hiện khen thưởng cũng như để kiểm tra, đánh giá việc đúng đắn thực hiện các chỉ tiêu xét thưởng cho người lao động. Mức thưởng là giá trị bằng tiền để thưởng cho cá nhân người lao động hay tập thể lao động khi hoàn thành chỉ tiêu xét thưởng. Mức thưởng cao hay thấp phụ thuộc vào nguồn tiền thưởng và các mục tiêu cần khuyến khích người lao động. Mức thưởng phụ thuộc vào mức độ thành tích và hiệu quả kinh tế, mức thưởng phải hợp lý mới tạo ra động lực và trong phần lớn các trường hợp phải phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp. 4.2.4. Lựa chọn các hình thức thưởng trong doanh nghiệp Căn cứ vào yêu cầu của sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nguồn tiền thưởng được xác định, doanh nghiệp có thể lựa chọn và áp dụng các hình thức thưởng. Việc lựa chọn hình thức thưởng cần dựa trên nguyên tắc tổ chức tiền thưởng. Các hình thức thưởng bao gồm: Thưởng hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ sản xuất, công tác; thưởng tăng năng suất lao động, thưởng tiết kiệm vật tư, thưởng sáng kiến, sáng chế; thưởng nâng cao chất lượng sản phẩm; thưởng cho các ý tưởng sáng tạo, chiến lược… 4.2.4.1. Thưởng do người lao động hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên và có công đóng góp vào thành tích tập thể, nguồn thưởng từ lợi nhuận 132
  6. a. Mục đích Chế độ thưởng do người lao động hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên và có công đóng góp vào thành tích tập thể lấy nguồn thưởng từ lợi nhuận nhằm động viên, khuyến khích người lao động thực hiện tốt mọi chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường trách nhiệm làm chủ tập thể của người lao động, đóng góp sức mình vào việc khai thác mọi khả năng tiềm tàng để hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn diện kế hoạch của doanh nghiệp, góp phần lớn cho lợi ích chung của xã hội. Đồng thời qua đó làm cho người lao động tự hào, phấn khởi với thành tích đạt được của doanh nghiệp trong thời gian qua và nâng cao tinh thần phấn đấu cho thời gian tới. b. Phạm vi và đối tượng áp dụng Áp dụng cho mọi doanh nghiệp có thu từ lợi nhuận, kể cả các doanh nghiệp có thu và thực hiện hạch toán kinh tế độc lập. Áp dụng cho những người lao động có thời gian làm việc tại doanh nghiệp từ một năm trở lên, thường xuyên hoàn thành nhiệm vụ, có công lao đóng góp vào thành tích chung của doanh nghiệp. c. Nguồn tiền thưởng Nguồn tiền thưởng được trích từ lợi nhuận sản xuất kinh doanh và các nguồn tiền thưởng khác mà doanh nghiệp đã nhận được nhưng chưa phân phối hoặc phân phối chưa hết như: Tiền thưởng từ lợi nhuận của quý trước chưa phân phối hết; tiền thưởng khuyến khích xuất khẩu hàng hóa… d. Mức thưởng - Đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc thành phần kinh tế nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) Đối với người lao động đã ký hợp đồng thì mức tiền thưởng không quá 06 tháng lương ghi trong hợp đồng lao động. Đối với người lao động thuộc lực lượng thường xuyên trong các doanh nghiệp chuyển sang giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì mức thưởng không quá 06 tháng lương cấp bậc, chức vụ, chuyên môn nghiệp vụ kể cả phụ cấp chức vụ hiện hưởng theo hệ thống thang, bảng lương của Nhà nước. 133
  7. - Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp Mức tiền thưởng cho người lao động do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn 01 tháng tiền lương đã ký kết trong hợp đồng lao động. - Đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần Mức tiền thưởng do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận, nhưng mức tính để trả thưởng ít nhất bằng 10% lợi nhuận. e. Xây dựng quy chế thưởng Doanh nghiệp phải xây dựng quy chế thưởng theo nguyên tắc: - Căn cứ hiệu quả đóng góp của người lao động đối với doanh nghiệp - Căn cứ vào thời gian làm việc của người lao động tại doanh nghiệp - Căn cứ vào mức độ chấp hành nội quy và kỷ luật lao động của doanh nghiệp. g. Tiêu chuẩn xét thưởng và phân hạng thành tích - Tiêu chuẩn xét thưởng Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phạm vi trách nhiệm của từng người, Giám đốc quyết định mức thưởng cho từng đối tượng lao động trong doanh nghiệp. Tiêu chuẩn thưởng gồm chỉ tiêu và điều kiện thưởng. Về chỉ tiêu nên xây dựng một số chỉ tiêu chủ yếu có quan hệ trực tiếp đến kết quả lao động của từng người lao động. Mỗi chỉ tiêu phải kèm 1 đến 2 điều kiện thưởng. Ví dụ: + Đối với người lao động Chỉ tiêu thưởng là hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch giao cho cá nhân người lao động trong quý hoặc năm. Điều kiện thưởng là đảm bảo chất lượng sản phẩm; đảm bảo định mức tiêu hao vật tư. + Đối với các cán bộ lãnh đạo Các chỉ tiêu thưởng là hoàn thành kế hoạch lợi nhuận; thực hiện nộp chỉ tiêu ngân sách nhà nước. 134
  8. Điều kiện thưởng là thực hiện tốt kỷ luật tài chính. - Phân hạng thành tích Căn cứ vào kết quả thực hiện các chỉ tiêu điều kiện thưởng và thành tích của từng người lao động, doanh nghiệp tiến hành phân hạng thành tích. Ví dụ, có thể phân hạng một cách tổng quát như sau: Hạng A: Những người lao động hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu và điều kiện thưởng được giao. Hạng B: Những người lao động hoàn thành chỉ tiêu thưởng, điều kiện thưởng được giao. Hạng C: Những người lao động hoàn thành chỉ tiêu được giao, nhưng các điều kiện thưởng thực hiện không đầy đủ. Hạng khuyến khích: Bao gồm những người lao động vì lý do khách quan mà không đạt thành tích để xếp hạng A, B, C nhưng không vi phạm khuyết điểm. Hệ số thưởng cho các hạng thưởng quy định như sau: Hạng A: Hệ số 1,2 - 1,4 Hạng B: Hệ số 1,0 - 1,2 Hạng C: Hệ số 0,8 - 1,0 Hạng khuyến khích: Không vượt quá 30% của hạng C. h. Tính tiền thưởng cho từng cá nhân người lao động Căn cứ vào quỹ khen thưởng và kết quả phân hạng thành tích, có thể tính tiền thưởng cho các cá nhân người lao động theo các phương pháp sau: Phương pháp 1: Tính quỹ lương chính của từng hạng thành tích Quỹ lương Số người Tiền lương chính của được chính bình quân hạng thành = xét thưởng x của hạng i tích i hạng i 135
  9. Phương pháp 2: Tính quỹ lương chính quy đổi của từng hạng thành tích Quỹ lương Quỹ lương chính quy đổi = chính của x xHệ số thưởng của hạng thành của hạng i hạng thành tích i tích i Phương pháp 3: Tính quỹ khen thưởng của từng hạng thành tích Quỹ khen Tổng quỹ tiền Quỹ lương thưởng của = thưởng của đơn vị x chính quy đổi hạng i của hạng i Tổng quỹ lương chính quy đổi của đơn vị Phương pháp 4: Tính tiền thưởng của từng cá nhân theo hạng thành tích Quỹ khen thưởng Tiền thưởng của hạng i Mức lương của cá nhân j = x x chính của cá (thuộc hạng i) Quỹ lương nhân j (thuộc chính của hạng i hạng i) Phương pháp 5: Tính tiền thưởng của từng hạng khuyến khích Quỹ tiền thưởng của Tiền thưởng hạng khuyến khích cá nhân hạng = khuyến khích Số người được hưởng khuyến khích 136
  10. 4.2.4.2. Thưởng tiết kiệm vật tư a. Mục đích Nhằm khuyến khích người lao động nâng cao trách nhiệm trong sử dụng, bảo quản tốt vật tư, khuyến khích người lao động hạ thấp định mức tiêu hao vật tư trong một đơn vị sản phẩm để hạ giá thành sản xuất. b. Đối tượng áp dụng Được áp dụng đối với tất cả lao động trực tiếp sản xuất, có sử dụng vật tư và có đủ điều kiện thực hiện ở mục c dưới đây. c. Điều kiện thực hiện Định mức tiêu hao vật tư có căn cứ khoa học. Phải có kế hoạch cung cấp, sử dụng vật tư và thống kê chính xác lượng vật tư tiêu hao. Phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn máy móc thiết bị và an toàn lao động, quy phạm kỹ thuật. Phải tổ chức việc kiểm tra nghiệm thu chặt chẽ về số lượng, chất lượng sản phẩm và hạch toán chính xác giá trị vật tư đã tiết kiệm. d. Chỉ tiêu xét thưởng Chỉ tiêu xét thưởng là hoàn thành và hoàn thành vượt mức định mức chỉ tiêu về tiết kiệm vật tư. e. Nguồn tiền thưởng và mức thưởng Nguồn tiền thưởng được lấy từ khoản tiền tiết kiệm vật tư mang lại. Mức thưởng tính theo tỷ lệ % của giá trị làm lợi (giá trị vật tư tiết kiệm được) tùy theo giá trị kinh tế của từng loại vật tư. g. Thời gian xét thưởng và cách tính thưởng Thời gian xét thưởng được tiến hành theo hàng quý. Cách tính thưởng: Tiền thưởng Giá trị làm lợi Tỷ lệ % trích tiết kiệm vật tư = thực tế x thưởng quy định 137
  11. 4.2.4.3. Thưởng nâng cao tỷ lệ hàng có chất lượng cao a. Mục đích Khuyến khích người lao động học tập, nâng cao trình độ hiểu biết kiến thức về lý thuyết, kỹ năng, kỹ xảo và kinh nghiệm nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa. b. Chỉ tiêu xét thưởng Hoàn thành vượt mức sản phẩm chất lượng cao trong một thời gian nhất định, hoặc giảm tỷ lệ hàng xấu so với quy định. c. Điều kiện xét thưởng Phải xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho từng loại sản phẩm rõ ràng, chính xác. Phải tổ chức kiểm tra nghiệm thu chất lượng sản phẩm chặt chẽ. d. Nguồn tiền thưởng Nguồn tiền thưởng dựa vào chênh lệch giá trị của lợi nhuận tăng do tăng tỷ lệ hàng có chất lượng cao. e. Mức thưởng và thời gian xét thưởng Mức thưởng tính theo tỷ lệ % của giá trị làm lợi. Thời gian xét thưởng hàng quý. g. Cách tính thưởng Tiền thưởng Giá trị Tỷ lệ % nâng cao chất = làm lợi x trích thưởng lượng sản phẩm thực tế quy định 4.2.4.4. Thưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất a. Khái niệm Sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất đã được công nhận là một giải pháp kinh tế kỹ thuật, hoặc giải pháp tổ chức mới có tính khả thi và mang lại lợi ích thiết thực. b. Mục đích Khuyến khích người lao động phát huy tính tích cực sáng tạo trong lao động sản xuất và công tác để tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 138
  12. c. Nội dung của sáng kiến cải tiến kỹ thuật Cải tiến kết cấu máy, thiết bị. Cải tiến tính năng, tác dụng nguyên liệu. Cải tiến phương pháp công nghệ. Cải tiến tổ chức sản xuất… d. Các tiêu chuẩn của sáng kiến cải tiến Là một giải pháp kỹ thuật, hay giải pháp tổ chức. Có tính mới mẻ. Có khả năng áp dụng hay có tính khả thi cao. Thực sự đem lại lợi ích kinh tế - xã hội. e. Thủ tục đăng ký sáng kiến Sau khi tạo ra giải pháp kỹ thuật hay giải pháp tổ chức, người lao động tự nguyện báo cáo giải pháp với doanh nghiệp và trao cho doanh nghiệp quyền sử dụng kết quả lao động sáng tạo. Sau khi xem xét giải pháp, nếu có đủ tiêu chuẩn được công nhận là sáng kiến thì thủ trưởng doanh nghiệp với tư cách là Chủ tịch hội đồng khoa học cấp giấy chứng nhận cho người lao động có sáng kiến, cải tiến. Khi doanh nghiệp áp dụng sáng kiến cải tiến phải trả thưởng cho người lao động có sáng kiến cải tiến theo chế độ hiện hành. Đơn đăng ký sáng kiến của người lao động phải nộp cho Hội đồng khoa học doanh nghiệp mình làm việc hoặc cho tổ chức nào đó có khả năng áp dụng. Trong đơn phải mô tả sáng kiến rõ ràng bằng hình vẽ, sơ đồ, biểu đồ, hay bảng tính toán sẵn. g. Xét và công nhận sáng kiến Khi đã nhận đơn đăng ký sáng kiến, Hội đồng khoa học doanh nghiệp phải nghiên cứu xem xét giải pháp. Bằng việc tổ chức họp Hội đồng khoa học, Hội đồng khoa học đánh giá giải pháp theo tiêu chuẩn của sáng kiến. Nếu sáng kiến đạt tiêu chuẩn thì phải lập hồ sơ, biên bản công nhận sáng kiến, trình thủ trưởng doanh nghiệp quyết định. Nếu giải pháp được công nhận là sáng kiến thì thủ trưởng doanh 139
  13. nghiệp phải cấp cho người lao động giấy chứng nhận sáng kiến theo mẫu thống nhất do Nhà nước ban hành. h. Mức thưởng và cách tính thưởng Mức thưởng được tính cho năm áp dụng đầu tiên và lớn hơn hoặc bằng 5% số tiền làm lợi cho doanh nghiệp trong năm đó. Cuối cùng phải tổ chức thông tin phổ biến sáng kiến. 4.2.4.5. Thưởng cuối năm Người được thưởng là người lao động chính thức còn làm việc tại doanh nghiệp đến 30/11. Mức thưởng cuối năm sẽ căn cứ vào hiệu quả đóng góp, thời gian làm việc và ý thức chấp hành kỷ luật lao động đối với doanh nghiệp. Thưởng cuối năm ở một số doanh nghiệp có thể tính theo công thức sau: Thưởng = [(a+b) + Tỷ lệ % LNTT x K% x (a+b)] x Tỷ lệ ngày đi làm x LCB Trong đó: Số ngày đi làm thực tế + Số ngày nghỉ phép đã sử dụng Tỷ lệ = ngày đi làm Tổng số ngày phải làm việc trong năm [a]: Hệ số mức độ hoàn thành nhiệm vụ của bộ phận [b]: Hệ số mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân Tỷ lệ % LNTT: Tỷ lệ % lợi nhuận trước thuế của 11 tháng (từ tháng 01 đến tháng 11) K%: Căn cứ kết quả lợi nhuận của đơn vị và quyết định của Ban Giám đốc LCB: Tiền lương cơ bản Các mức hạng kết quả: S (xuất sắc); A (giỏi); B (khá); C (yếu); D (kém) Một số doanh nghiệp quy định như sau: 140
  14. Bảng 4.1: Ví dụ hệ số mức độ hoàn thành nhiệm vụ S A B C D Bộ phận 1 0.7 0.5 0.3 0 Cá nhân 1 0.7 0.5 0.3 0 Nguồn: Nguyễn ngọc Quân (2009, tr. 359) Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, Ban Giám đốc nghiên cứu bàn bạc với Ban chấp hành Công đoàn đơn vị để có mức thưởng phù hợp. 4.2.4.6. Các loại thưởng khác Ngoài ra, trong doanh nghiệp còn có các loại thưởng khác như thâm niên. Một số doanh nghiệp quy định người lao động trong doanh nghiệp được hưởng theo thâm niên công tác với mức 0,5 tháng lương cho mỗi 05 năm công tác tại doanh nghiệp. Thưởng theo kết quả hoạt động kinh doanh chung của doanh nghiệp, áp dụng khi doanh nghiệp làm ăn có lãi vượt mức lãi quy định. Người lao động sẽ được chia một phần tiền vượt mức lãi đó dưới hình thức thưởng. Hình thức này thường áp dụng vào cuối quý, nửa năm hoặc kết thúc năm. Thưởng do người lao động tìm được nơi tiêu thụ, cung ứng, ký kết được hợp đồng mới, áp dụng cho những người lao động tìm thêm được các địa chỉ tiêu thụ mới, giới thiệu khách hàng mới, ký được các hợp đồng mới…, hoặc có các hoạt động khác có tác dụng làm tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Thưởng bảo đảm ngày công áp dụng khi người lao động làm việc với số ngày công vượt mức quy định của doanh nghiệp. Thưởng về lòng trung thành tận tâm với doanh nghiệp, áp dụng đối với những người lao động có thời gian làm việc gắn bó lâu dài với doanh nghiệp như 25 năm hoặc 30 năm. Thưởng do hoàn thành tiến độ sớm so với quy định. Thưởng do đạt kỷ lục doanh số… Trong thực tế, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp lựa chọn một số hình thức thưởng thích hợp. Trong mỗi hình thức thưởng, doanh nghiệp cần phải xác định rõ nội dung để xét thưởng, gồm: Chỉ tiêu, điều kiện, mức thưởng và nguồn tiền thưởng. 141
  15. 4.2.5. Tổ chức xét thưởng và trả thưởng trong doanh nghiệp Sau khi xác định được nguồn tiền thưởng, xác định được tiêu chuẩn thưởng và mức thưởng, doanh nghiệp tổ chức xét thưởng và trả thưởng cho các cá nhân người lao động và tập thể có thành tích trong doanh nghiệp. Khi xét thưởng phải căn cứ vào quy chế thưởng và cần tiến hành phân hạng thành tích theo A, B, C được quy định hệ số thành tích của từng hạng. Trong trường hợp người lao động hoàn thành chỉ tiêu thưởng nhưng không đạt điều kiện thưởng thì có thể không được xét thưởng hoặc giảm mức thưởng, hạng thưởng. Thời gian xét thưởng và trả thưởng có thể thực hiện theo tháng, quý, nửa năm, một năm tùy theo tình hình cụ thể của thực tiễn sản xuất, làm việc của người lao động trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể áp dụng thời gian như sau: a. Thưởng cuối năm Căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động hàng năm, doanh nghiệp tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai kế hoạch thưởng cho người lao động trên cơ sở các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy chế của đơn vị mình. Hàng năm doanh nghiệp kinh doanh có lãi, sẽ trích từ lợi nhuận để thưởng cho người lao động, mức thưởng tùy thuộc vào lợi nhuận mỗi năm. Mức thưởng cụ thể từng người lao động tùy thuộc vào sự đóng góp công sức, chất lượng công tác, chấp hành đầy đủ nội quy, các quy định của doanh nghiệp mà người lao động làm việc. Công thức tính: Mức thưởng = tỷ lệ % * [tổng lương thực tế trong năm/12 tháng] Hội đồng xét thưởng có trách nhiệm lập tờ trình về tỷ lệ %, dự toán tổng tiền thưởng tháng lương 13 trước 30 ngày so với ngày bắt đầu nghỉ tết. Theo quy định của pháp luật, tiền thưởng tết âm lịch sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. 142
  16. Việc trả tiền thưởng tết âm lịch không phải là quy định bắt buộc mà doanh nghiệp phải thực hiện mà chỉ là khuyến khích người sử dụng lao động nên có chế độ đãi ngộ tốt nhất cho người lao động để họ tăng năng suất và hiệu quả lao động. Trên tinh thần đó, thời gian để được tính thưởng tết cũng tùy thuộc vào quy định của từng doanh nghiệp, có thể căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc có thể cộng dồn thời gian học việc, thử việc… b. Thưởng tuần Hàng tuần dựa trên việc đánh giá thực hiện công việc của người lao động, trưởng bộ phận sản xuất kinh doanh lập bảng đánh giá thực hiện công việc. Bảng đánh giá chuyển về hội đồng xét thưởng xem xét, sau đó chuyển lãnh đạo doanh nghiệp duyệt làm căn cứ trả thưởng cho người lao động. Số tiền thưởng tuỳ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. c. Thưởng lễ, tết Tính đến thời điểm hiện tại pháp luật vẫn chưa có bất cứ một quy định cụ thể về tiền thưởng lễ, tết. Như vậy, việc trả tiền thưởng lễ, tết không phải là quy định bắt buộc phải thực hiện mà chỉ là điều khoản khuyến khích của người sử dụng lao động. Việc thưởng nhiều hay ít sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay khi người lao động không hoàn thành công việc theo quy định, người lao động hoàn toàn có thể không nhận được thưởng lễ, tết. Thời gian để được tính thưởng lễ, tết mỗi doanh nghiệp sẽ tự căn cứ vào tình hình, kết quả sản xuất, kinh doanh của mình để quyết định mức thưởng cho người lao động dựa trên hợp đồng lao động hoặc có cộng dồn thời gian học việc, thử việc… Các hình thức thưởng sẽ bao gồm thưởng bằng tiền, hiện vật, nhiều doanh nghiệp thưởng lễ, tết bằng chính sản phẩm mà doanh nghiệp mình sản xuất ra. Hội đồng xét thưởng có trách nhiệm lập tờ trình gửi đến lãnh đạo doanh nghiệp về số tiền thưởng, dự toán tiền thưởng trình lãnh đạo trước 15 ngày so với ngày lễ, tết tương ứng, lập danh sách người lao động được thưởng trước 3 ngày so với ngày lễ, tết tương ứng. 143
  17. d. Thưởng thâm niên Thâm niên được tính chi tiết tới từng tháng cho mỗi cá nhân người lao động (nếu từ 15 ngày trở lên thì tính đủ tháng, nếu dưới 15 ngày thì không được tính đủ tháng). Công thức tính: Tiền thưởng thâm niên = số tháng thâm niên X số tiền thưởng thâm niên 1 tháng Hội đồng xét thưởng có trách nhiệm lập tờ trình về số tiền thâm niên của 1 tháng, dự toán tổng tiền thâm niên trước 30 ngày so với ngày bắt đầu nghỉ tết. Thưởng thâm niên được trả vào cuối năm (âm lịch). CÂU HỎI ÔN TẬP 1. Phân tích khái niệm và ý nghĩa của tiền thưởng? 2. Trình bày kế hoạch trả thưởng? 3. Trình bày nguồn tiền thưởng? 4. Trình bày các tiêu chuẩn thưởng và mức thưởng? 5. Trình bày hình thức thưởng tiết kiệm vật tư? 6. Trình bày hình thức thưởng nâng cao tỷ lệ hàng có chất lượng cao? 7. Trình bày hình thức thưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất? 8. Trình bày hình thức thưởng cuối năm? NỘI DUNG THẢO LUẬN 1. Trình bày hiểu biết của anh (chị) về hình thức thưởng tiết kiệm vật tư? Liên hệ thực tiễn? 2. Trình bày hiểu biết của anh (chị) về hình thức thưởng nâng cao tỷ lệ hàng có chất lượng cao? Liên hệ thực tiễn? 3. Trình bày hiểu biết của anh (chị) về hình thức thưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất? Liên hệ thực tiễn? 4. Trình bày hiểu biết của anh (chị) về hình thức thưởng cuối năm? Liên hệ thực tiễn? 144
  18. BÀI TẬP THỰC HÀNH Bài 4.1: Có số liệu của một doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng 1 như sau: STT Hạng thành Hệ số HSLBQ Số người tích thưởng 1 A 1,4 4,4 40 2 B 1,15 3,8 55 3 C 0,9 3,4 35 4 KK 0,3 1,8 14 Yêu cầu: Hãy chia thưởng từ lợi nhuận cho từng hạng thành tích. Biết quỹ tiền thưởng từ lợi nhuận được trích là 163 triệu đồng. Tiền lương tối thiểu vùng theo quy định hiện hành của Nhà nước. Bài 4.2: Anh Nguyễn Văn Dũng là lao động bậc 3/7 hệ số lương 3,5 làm công việc đúng bậc thợ với MSL= 28sp/ca. Trong tháng anh Dũng đã hoàn thành một khối lượng sản phẩm gồm 650 sản phẩm trong đó có 15 sản phẩm xấu, tỷ lệ sản phẩm xấu cho phép là 4%, quá tỷ lệ sản phẩm xấu cho phép được trả 70% đơn giá. Yêu cầu: Hãy tính thu nhập tháng cho anh Dũng? Biết rằng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng 2. Doanh nghiệp áp dụng chế độ thưởng giảm tỷ lệ sản phẩm xấu. Giá thành một sản phẩm tốt bán ra là 90.000 đồng, sản phẩm xấu là 60.000 đồng. Tỷ lệ trích thưởng là 50% giá trị làm lợi. Doanh nghiệp có phụ cấp khu vực hệ số 0,2; Mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện hành của Nhà nước; doanh nghiệp áp dụng 25 ngày công chế độ tháng. Bài 4.3: Chị Liên là lao động bậc 4/7 hệ số lương là 2,55. Trong quý I năm 2019 chị Liên có số liệu thống kê sản lượng trong quý như sau: 145
  19. Tháng Sản phẩm tốt Sản phẩm xấu Tỷ lệ xấu cho phép là 3% 1/2019 600 5 2/2019 750 10 3/2019 820 0 Doanh nghiệp thực hiện xét thưởng nâng cao tỷ lệ sản phẩm có chất lượng cao theo quý với tỷ lệ trích thưởng là 60% giá trị làm lợi. Biết rằng: Giá thành của 1 sản phẩm tốt là 60.000 đồng và sản phẩm xấu là 45.000 đồng. Yêu cầu: Hãy tính tiền thưởng cho chị Liên trong quý I năm 2019? Bài 4.4: Một doanh nghiệp thực hiện trích thưởng từ lợi nhuận cho lao động như sau: Hạng Số lượng Hệ số Tiền lương bình thành tích người thưởng quân (đồng) A 35 1,2 6.550.000 B 20 1,0 5.970.000 C 20 0,9 4.876.000 Khuyến khích 10 0,3 3.815.000 Quỹ khen thưởng của cả doanh nghiệp được trích: 175.356.000 đồng. Biết rằng doanh nghiệp áp dụng tiền lương tối thiểu theo quy định hiện hành của Nhà nước. Yêu cầu: Hãy tính tiền thưởng cho một số cá nhân đang làm việc tại doanh nghiệp: Họ và tên Được xếp hạng Hệ số lương Nguyễn Hồng Hà A 3,48 Lê Thị Hạnh B 2,42 Ngô Mai Hoa C 2,18 Vũ Hồng Mai A 2,90 Ngô Thị Mận Khuyến khích 2,18 146
  20. Bài 4.5: Tổng số lao động trong doanh nghiệp A là 180 người. Cuối năm doanh nghiệp tiến hành bình xét thi đua và chia thưởng từ lợi nhuận với quỹ thưởng là 320 triệu đồng. Kết quả xếp hạng thành tích như sau: Hệ số Số STT Hạng thành tích TLBQ (đồng) thưởng người 1 A 1,4 40 5.130.000 2 B 1,15 65 4.835.000 3 C 0,85 60 3.950.500 4 Không thuộc diện xét - 15 - Yêu cầu: Hãy tính tiền thưởng cho các cá nhân đang làm việc trong doanh nghiệp A? a. Nguyễn Thị Mai Anh bậc 3/7 hệ số lương 2,45 xếp hạng A; b. Vũ Hà An bậc 4/7 hệ số lương 2,91 xếp hạng B; c. Ngô Văn Mạnh bậc 2/7 hệ số lương 1,96 xếp hạng C. Biết rằng: Doanh nghiệp A hoạt động trên địa bàn vùng 1 và mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện hành của Nhà nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO CHƯƠNG 4 TIẾNG VIỆT 1. Trần Xuân Cầu (2014), Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực, Nxb. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. 2. Trần Kim Dung (2011), Quản trị nguồn nhân lực, Nxb. Thống kê, Hà Nội. 3. Vũ Thùy Dương & Hoàng Văn Hải (2010), Giáo trình Quản trị nhân lực, Nxb. Thống kê, Hà Nội. 4. Nguyễn Vân Điềm & Nguyễn Ngọc Quân (2010), Giáo trình Quản trị nhân lực, Nxb. Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. 147
nguon tai.lieu . vn