Xem mẫu

  1. BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TRƯỜNG CAO ĐẲNG CƠ GIỚI NINH BÌNH GIÁO TRÌNH MÔN HỌC: NHẬP MÔN CÔNG TÁC XàHỘI NGHỀ: CÔNG TÁC XàHỘI TRÌNH ĐỘ: CAO ĐẲNG/TRUNG CẤP Ban hành kèm theo Quyết định số:    /QĐ­TCDCGNB ngày…….tháng….năm 2018 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình 1
  2. Ninh Bình, năm 2018 TUYÊN BỐ BẢN QUYỀN Tài liệu này thuộc loại sách giáo trình nên các nguồn thông tin có thể được  pháp dùng nguyên bản hoặc trích dùng cho các mục đích về  đào tạo và tham  khảo. Mọi mục đích khác mang tính lệch lạc hoặc sử  dụng với mục đích kinh  doanh thiếu lành mạnh sẽ bị nghiêm cấm. 2
  3. MỤC LỤC LỜI NÓI ĐẦU Chương 1. Khái niệm ­ Triết lý và giá trị của công tác xã hội  1. Khái niệm về công tác xã hội  2. Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển nghề công tác xã hội 3. Triết lý và giá trị của nghề công tác xã hội Chương 2. Vai trò, chức năng và nguyên tắc nghề nghiệp trong công tác xã   hội 1. Mục đích, vai trò của công tác xã hội 2. Chức năng của công tác xã hội 3. Nguyên tắc nghề nghiệp trong công tác xã hội 4. Phương pháp tiếp cận và phương pháp công tác xã hội Chương 3. Hệ thống cơ quan, tổ chức làm công tác xã hội và nhân viên xã  hội chuyên nghiệp 1. Bốn thành tố cơ bản trong công tác xã hội 2. Hệ thống cơ quan làm công tác xã hội 3. Nhân viên xã hội chuyên nghiệp TÀI LIỆU THAM KHẢO 3
  4. LỜI NÓI ĐẦU Vào đầu thế  kỷ  XX, Công tác xã hội với tư  cách là một khoa học, một   nghề  chuyên môn đã ra đời và sau đó được phát triển rộng khắp  ở  nhiều quốc  gia trên thế giới. Nó có vị trí quan trọng trong việc góp phần giải quyết các vấn  đề xã hội, vì sự  tiến bộ và công bằng xã hội, vì sự  an sinh xã hội và phát triển  bền vững của mỗi quốc gia. Trong xu thế hội nhập và phát triển, việc phát triển nghề Công tác xã hội  và đào tạo Công tác xã hội ở nước ta hiện nay vừa mang tính cấp bách, vừa có   tính lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước vì mục tiêu " Dân giàu,   nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh". Để  đáp  ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu Công tác xã hội,Trường Cao   đẳng Cơ  giới Ninh Bình tổ  chức biên soạn "Giáo trình Nhập môn Công tác xã  hội". Giáo trình có cấu trúc gồm 3 chương: Chương I: Khái niệm, triết lý và giá trị của Công tác xã hội. Chương II: Vai trò, chức năng và nguyên tắc nghề nghiệp trong Công tác xã hội. Chương III: Hệ thống cơ quan, tổ chức làm Công tác xã hội và Nhân viên  xã hội chuyên nghiệp. Do Công tác xã hội là một khoa học còn mới mẻ ở Việt Nam nên giáo trình  không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Rất mong nhận được sự  góp ý của   bạn đọc để giáo trình này được hoàn thiện hơn. Nhóm biên soạn: Lê Hùng Cường Nguyễn Thị Lành Phạm Thanh Bằng 4
  5. GIÁO TRÌNH MÔN HỌC Tên môn học: Nhập môn Công tác xã hội Mã số môn học: MH 15 Vị trí, tính chất của môn học ­ Vị  trí môn học: Nhập môn công tác xã hội là môn học lý thuyết cơ  sở  nghề  quan trọng của chương trình đào tạo nghề  Công tác xã hội, trang bị  cho   sinh viên những kiến thức khái quát về  công tác xã hội để  làm cơ  sở  cho việc   tiếp cận, nghiên cứu các kiến thức, kỹ  năng, phương pháp công tác xã hội cá   nhân, nhóm, cộng đồng ­ Tính chất của môn học: Là môn lý thuyết cơ sở nghề bắt buộc Mục tiêu môn học  ­ Về kiến thức: + Trình bày được những kiến thức về  triết lý nghề  nghiệp, nguyên tắc và  vai trò của nhân viên xã hội để vận dụng trong công tác xã hội với đối tượng; + Phân biệt được công tác xã hội với công tác từ thiện;  + Phân tích được giá trị, đạo đức của nghề công tác xã hội. ­ Về kỹ năng: + Thực hành vận dụng các nguyên tắc, giá trị đạo đức nghề công tác xã hội; + Vận dụng được các phương pháp công tác xã hội và tiến trình công tác xã  hội vào quá trình giúp đỡ đối tượng. ­ Năng lực tự chủ và trách nhiệm: Rèn luyện tính tich cực trong học tập như  sự chăm chỉ, sáng tạo, tinh thần tự nghiên cứu và bổ sung kiến thức; Tôn trọng,  không phê phán và chấp nhận đối tượng; tích cực chủ  động tham gia trong quá  trình học tập.  Nội dung môn học:  5
  6. CHƯƠNG I: KHÁI NIỆM, TRIẾT LÝ VÀ GIÁ TRỊ CỦA CÔNG TÁC XàHỘI Mục tiêu :  ­ Kiến thức: Cung cấp khái niệm, lịch sử  hình thành công tác xã hội trên  thế  giới và Việt Nam. Phân tích triết lý nghề, các giá trị  của nghề   công tác xã  hội, chuẩn mực đạo đức nghề công tác xã hội. ­ Kỹ  năng: Vận dụng các nguyên tắc đạo đức nghề  công tác xã hội thực  hành các chuẩn mực đạo đức trong công tác xã hội và trong thực tế. ­ Năng lực tự chủ và trách nhiệm:  + Rèn luyện tính tích cực trong học tập như: sự chăm chỉ, sáng tạo và tự  học tập nghiên cứu bổ sung kiến thức; + Tôn trọng quyền con người và quyền được chăm sóc hỗ trợ của thân chủ; + Công bằng, khách quan trong trợ giúp đối tượng. Nội dung chương: I. Khái niệm về Công tác xã hội  1. Khái niệm về Công tác xã hội.   Công tác xã hội là một khoa học xã hội  ứng dụng, là một nghề  chuyên   môn, ra đời vào đầu thế  kỷ  XX  ở  nhiều nước trên thế  giới. Nó có vị  trí quan  trọng trong đời sống xã hội của con người, của mỗi quốc gia. Sự ra đời và phát  triển công tác xã hội đã đóng góp đáng kể vào việc ngăn ngừa và giải quyết các  vấn đề xã hội, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và sự  phát triển bền vững   của mỗi quốc gia. Ở  nước ta, hoạt động mang tính chất "Công tác xã hội" đã có từ  rất sớm   trong lịch sử dân tộc. Đó là sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng  đồng trên tinh thần "nhiễu điều phủ lấy giá gương...", "uống nước nhớ nguồn",   "lá lành đùm lá rách"... Ngày nay, chúng ta có một đội ngũ đông đảo những cán  bộ  nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động thực tiễn về  Công tác xã hội trên các  lĩnh vực: Lao động ­ Thương binh và Xã hội; Dân số ­ Gia đình và Trẻ em; Phụ  6
  7. nữ; Thanh niên... Tuy nhiên, Công tác xã hội mang tính chuyên nghiệp và đào tạo   Công tác xã hội  ở  nước ta còn có khoảng cách xa so với nhiều nước trong khu  vực và trên thế giới.  Để  có cách hiểu thống nhất về  Công tác xã hội, sau đây xin nêu lên vài  định nghĩa về Công tác xã hội: Theo Từ điển Công tác xã hội (1995): " Công tác xã hội là một khoa học xã  hội ứng dụng nhằm giúp con người hoạt động có hiệu quả về mặt tâm lý xã hội  và tạo ra những thay đổi trong xã hội để  đem lại sự  an sinh cao nhất cho con   người ".  Theo Liên đoàn chuyên nghiệp xã hội quốc tế, tại Đại hội khoáng đại của Liên  đoàn chuyên nghiệp xã hội quốc tế tổ chức tại Motreal (Canada) vào tháng 7 năm 2004,  đã đưa ra một định nghĩa mới về Công tác xã hội như sau: " Công tác xã hội thúc đẩy sự  thay đổi xã hội, tiến trình giải quyết vấn đề trong mối quan hệ con người và sự tăng  quyền lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng   thoải mái dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và các hệ thống xã hội,   Công tác xã hội can thiệp ở những điểm tương tác giữa con người và môi trường của  họ” Tuy nhiên trên thế giới, mỗi nước khác nhau, do những điều kiện chính trị,   kinh tế, văn hoá và xã hội khác nhau nên có nhiều cách diễn đạt khác nhau về  Công tác xã hội. Chẳng hạn:   Theo quan niệm của Hiệp hội chuyên gia Công tác xã hội Mỹ: Công tác xã  hội là hoạt động chuyên môn nhằm giúp cá nhân, gia đình, cộng đồng phục hồi  hay tăng cường chức năng xã hội và tạo ra các điều kiện xã hội phù hợp để giúp   họ thực hiện được mục đích cá nhân. Theo quan niệm của Philippin: Công tác xã hội là một nghề  chuyên môn,  thông qua các dịch vụ  xã hội nhằm phục hồi, tăng cường mối quan hệ  qua lại  giữa cá nhân và môi trường vì nền an sinh của cá nhân và toàn xã hội. 7
  8. Như vậy, các định nghĩa về Công tác xã hội của Liên đoàn chuyên nghiệp xã hội  quốc tế, của Hiệp hội chuyên gia Công tác xã hội Mỹ và của Philippin tuy có sự khác   nhau trong cách diễn đạt, nhưng nội hàm của khái niệm đều có những đặc trưng chung  sau đây: ­ Công tác xã hội được khẳng định là một khoa học, một hoạt động mang  tính chuyên môn, chuyên nghiệp và được xã hội thừa nhận là một nghề  chuyên  nghiệp, độc lập với các nghề  khác trong xã hội và không thể  thiếu trong đời  sống xã hội.   ­ Nói chung, Công tác xã hội nhằm giúp các cá nhân, gia đình và cộng   đồng giải quyết những vấn đề  khó khăn nảy sinh trong cuộc sống, trong quá  trình tương tác giữa cá nhân và môi trường, trong tiến trình phát triển xã hội. Từ  đó, giúp họ  vượt qua khó khăn hiện tại để  phục hồi hay tăng cường chức năng   xã hội nhằm đem lại sự an sinh cao nhất cho con người và sự tiến bộ, công bằng  xã hội. ­ Các hoạt động can thiệp giúp đỡ của nhân viên xã hội chuyên nghiệp đều   hướng vào thúc đẩy sự  thay đổi xã hội, phát triển các mối quan hệ  tương tác   giữa các cá nhân, giữa con người và xã hội thông qua việc cung cấp các dịch vụ  xã hội cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. ­ Trong thực hành Công tác xã hội, nhân viên xã hội sử dụng các kiến thức,  kỹ năng chuyên môn được đào tạo để giúp đối tượng /thân chủ/ tăng năng lực và  quyền lực trong việc giải quyết vấn đề của họ. Đây có thể coi là quá trình nhân   viên xã hội giúp đối tượng phát hiện được những khả  năng tiềm tàng, những   điểm mạnh và những nguồn lực sẵn có của bản thân (cá nhân, gia đình, cộng   đồng) và nối kết với các nguồn lực xã hội trong việc tự  lực giải quyết vấn đề  của chính mình. Nói đến những vấn đề  thuộc chức năng xã hội là nói đến tình trạng liên  quan đến vai trò xã hội của con người và việc thực hiện các vai trò  ấy. Trong   8
  9. cuộc sống, trong lao động, mỗi con người thực hiện nhiều vai trò khác nhau: Vai  trò cá nhân, vai trò xã hội và sự  kết hợp các vai trò. Chẳng hạn: Trong mỗi gia   đình, mỗi thành viên thực hiện chức năng, vai trò khác nhau trong mối quan hệ  vợ  ­ chồng, cha mẹ ­ con cái, anh chị  ­ em … Có người cùng lúc phải thể  hiện  nhiều vai trò khác nhau, như vai trò của người vợ đối với chồng, người mẹ đối  với con cái, người con đối với cha mẹ; trong mỗi cộng đồng là việc thực hiện  chức năng, vai trò người dân của một cộng đồng (tỉnh, thành phố, huyện, quận,  xã, phường...); trong mỗi quốc gia, là việc thực hiện chức năng, vai trò của một   công dân đối với xã hội, với đất nước.  Như  vậy, mỗi con người mang nhiều vai trò khác nhau và thực tế  cuộc   sống là mạng lưới các vai trò năng động và các mối quan hệ giữa các vai trò. Có  nhiều người vì lý do này hay lý do khác, không thể  tiến hành một hoặc nhiều   chức năng xã hội của họ một cách đầy đủ. Để  giúp đỡ  những người này, nghề  Công tác xã hội đã ra đời, nhằm giúp các cá nhân thực hiện tốt các vai trò của  mình và tăng cường sự tương tác, liên kết giữa các cá nhân và xã hội.  2. Phân biệt Công tác xã hội với hoạt động từ thiện  Thực tế, có rất nhiều người, ngay  ở nhiều quốc gia phát triển vẫn chưa   hiểu hết nội dung và ý nghĩa của Công tác xã hội trên cả phương diện lý thuyết  cũng như  trong hoạt động thực tiễn của Công tác xã hội. Điều quan trọng là vì  chưa hiểu tường tận về Công tác xã hội với tư cách là một khoa học, một nghề  chuyên môn, dẫn tới có những người làm công việc không phải là Công tác xã   hội nhưng lại cho rằng mình đã và đang làm Công tác xã hội. Ở Việt Nam cũng  vậy, có rất nhiều người còn đồng hoá Công tác xã hội với công tác từ thiện, thực   tế  họ  chỉ  tham gia các hoạt động xã hội hoặc làm từ  thiện nhưng lại cho rằng   mình đang làm Công tác xã hội. Ví dụ: Nhiều người làm việc thiện như ủng hộ  vào Quỹ xoá đói giảm nghèo, Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam, Quỹ  9
  10. đền ơn đáp nghĩa... họ đã nghĩ và cho rằng mình đang làm Công tác xã hội, hoặc  một số  kênh thông tin đại chúng cũng thường đưa tin về  vấn đề  trên như  vậy.  Thực ra đó chỉ là những hoạt động xã hội, từ thiện. Để làm sáng tỏ  vấn đề  này,  cần thiết phải đưa ra sự phân biệt giữa Công tác xã hội và công tác từ thiện.  Điểm chung giống nhau giữa Công tác xã hội với hoạt động từ  thiện là  đều hướng vào việc giúp đỡ con người, thông qua việc cung cấp vật chất và phi   vật chất đáp  ứng các nhu cầu của con người trước những tình huống khó khăn   mà con người đang phải đối mặt mà bản thân họ  không tự  giải quyết được,   đang cần sự giúp đỡ. Tuy nhiên, hoạt động Công tác xã hội và hoạt động từ thiện có những đặc  điểm khác nhau cơ bản sau đây: Về  động cơ  giúp đỡ: Trong hoạt động Công tác xã hội, nhân viên xã hội   coi việc giúp đỡ  đối tượng và lợi ích của đối tượng được giúp đỡ  là mối quan  tâm hàng đầu và duy nhất, là nhiệm vụ mà ngành Công tác xã hội và xã hội giao  phó. Còn hoạt động từ  thiện, người làm từ  thiện còn có những động cơ  khác,   như làm việc thiện là để đức cho con cháu hoặc muốn tạo uy tín cá nhân, muốn   khẳng định vị  trí xã hội của họ  hoặc vì mục đích chính trị  hay kinh tế  ... Như  vậy, hoạt động Công tác xã hội mang động cơ  nghề  nghiệp; còn hoạt động từ  thiện mang động cơ cá nhân.   Về  phương pháp giúp đỡ: Công tác xã hội đề  cao nguyên tắc "tự  giúp"  trên cơ sở tăng năng lực và trao quyền nhiều hơn cho đối tượng trong việc tự lực  giải quyết vấn đề của chính họ bằng cách cho đối tượng cần câu thay vì cho xâu  cá, nhằm giúp họ phát huy tiềm năng và nguồn lực bên trong của bản thân họ, để  họ  tự  vươn lên giải quyết vấn đề  khó khăn của chính mình, với sự  hỗ  trợ  của  nhân viên xã hội. Để thực hành Công tác xã hội, nhân viên xã hội phải được đào  tạo các kiến thức, kỹ năng làm việc với cá nhân, gia đình, cộng đồng và được cơ  quan, tổ chức có thẩm quyền cấp phép hành nghề. Còn hoạt động từ  thiện của  10
  11. các tổ chức, cá nhân chỉ thuần tuý mang tính chất ban phát vật chất từ bên ngoài   nhằm giúp cá nhân, gia đình, cộng đồng tạm thời vượt qua những khó khăn   trước mắt khi họ  bị  thiên tai, tai nạn hoặc các rủi ro, bất hạnh khác dẫn đến  việc mất hoặc thiếu thốn các nguồn lực cá nhân để đảm bảo các nhu cầu thiết  yếu của cuộc sống. Như  vậy, hoạt động từ  thiện xuất phát từ  tinh thần tương   thân tương ái, từ thiện tâm, thiện chí mang tính chất bản năng của con người và   người làm từ  thiện không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, chủng tộc, trình  độ  học vấn, địa vị  xã hội, hoàn cảnh kinh tế  giàu nghèo... và không cần phải   được đào tạo các kiến thức, kỹ  năng về  Công tác xã hội. Công tác xã hội bao   gồm cả hệ thống lý thuyết, kỹ năng để điều chỉnh hành vi con người, hệ thống   xã hội và môi trường xã hội.  Về mối quan hệ giữa người giúp đỡ  và người được giúp đỡ: Trong Công  tác xã hội, quan hệ giữa nhân viên xã hội và đối tượng /thân chủ/ là mối quan hệ  nghề  nghiệp, mang tính trực tiếp, bền chặt và được xây dựng trên cơ  sở  bình  đẳng, tôn trọng lẫn nhau, được tạo lập, duy trì và phát triển trong suốt quá trình  giúp đỡ. Nhân viên xã hội hành động trên cơ sở các giá trị, đạo đức, nguyên tắc   nghề nghiệp của ngành Công tác xã hội quy định, được sự bảo hộ của Nhà nước   và pháp luật và mang tính bền vững. Còn trong hoạt động từ thiện, mối quan hệ  giữa người giúp đỡ  và người được giúp đỡ  đơn thuần là cho ­ nhận, mang tính   gián tiếp, ngắn hạn, lỏng lẻo và không theo đuổi mục đích bền vững. Hoạt động  từ thiện xuất phát từ lòng nhân đạo, từ tình thương yêu đồng loại trên tinh thần "  Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng"  hay " Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", "  Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", " Một miếng khi đói bằng cả gói khi no"...  Về kết quả của sự giúp đỡ: Kết quả của hoạt động Công tác xã hội mang  tính tích cực hơn do đối tượng tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề  của  chính họ và tự quyết định cách thức giải quyết vấn đề. Điều này đã không tạo ra  11
  12. tư  tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự  giúp đỡ  từ  bên ngoài và đã khơi dậy, phát huy  được tiềm năng bên trong của người được giúp đỡ. Nhờ  đó, vấn đề  của đối  tượng được giải quyết tận gốc, có tính bền vững. Còn hoạt động từ  thiện, đối  tượng không trực tiếp tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề của chính họ do   sự  giúp đỡ  chỉ  đơn thuần mang tính ban phát "cho ­ nhận" từ bên ngoài để  giúp   đối tượng giải quyết các khó khăn tức thời trước mắt, không bắt nguồn từ  các  nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh các vấn đề  khó khăn của đối tượng và không  theo đuổi mục tiêu của sự  phát triển bền vững của đối tượng. Chính vì vậy,   người được giúp đỡ  tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề  mang tính thụ  động và thường tạo ra tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ  từ  bên ngoài; vì   thế, vấn đề của họ không được giải quyết tận gốc và không có tính bền vững. Ví dụ: Trong hoạt động giúp đỡ  người nghèo, giữa hoạt động từ  thiện và  hoạt động Công tác xã hội có những điểm khác nhau cơ bản như sau: ­ Đối với hoạt động từ thiện: Động cơ giúp đỡ mang tính chất cá nhân của  người giúp đỡ  được xuất phát từ  tình thương yêu đồng loại; Phương pháp giúp  đỡ được tiến hành bằng cách ban phát vật chất (giá trị hoặc hiện vật); Mối quan   hệ giữa người giúp đỡ và người được giúp đỡ thể hiện quan hệ cho ­ nhận; Kết   quả  người được giúp đỡ  vượt qua được khó khăn trước mắt, nhưng không bền  vững bởi vấn đề nghèo đói không được giải quyết tận gốc do sự giúp đỡ không   xuất phát từ việc giải quyết các nguyên nhân của sự nghèo đói. ­ Đối với hoạt động Công tác xã hội: Động cơ  giúp đỡ  mang tính chất nghề  nghiệp của ngành Công tác xã hội quy định; Phương pháp giúp đỡ dựa trên nguyên tắc tự  giúp, nhân viên xã hội sử dụng các kiến thức, kỹ năng, phương pháp chuyên nghiệp đã  được đào tạo cùng với đối tượng đưa ra các quyết định và cùng tham gia vào  quá trình  giải quyết vấn đề của đối tượng; Mối quan hệ giữa đối tượng và nhân viên xã hội là mối   quan hệ nghề nghiệp; Kết quả người được giúp đỡ không chỉ vượt qua những khó khăn  nhất thời mà còn lâu dài, bền vững bởi quá trình giúp đỡ đã hướng vào giải quyết những   12
  13. nguyên nhân sâu xa nảy sinh vấn đề nghèo đói và có sự tham gia, quyết định của đối  tượng. II. Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển Công tác xã hội Trong mỗi thời kỳ  phát triển của xã hội loài người, ở  mỗi chế  độ  xã hội  khác nhau luôn tồn tại sự khác nhau về trình độ phát triển, về mức sống giữa các  thành viên, các nhóm xã hội. Có những cá nhân và nhóm xã hội do nhiều lý do  khác nhau, ít hoặc không có điều kiện và cơ  hội để  tiếp cận các nguồn và lợi   ích. Những người này sẽ gặp những khó khăn trong cuộc sống, trở thành những  người thiệt thòi, yếu thế, dễ  bị  tổn thương và thường không có khả  năng hoặc  thiếu nguồn hỗ trợ để đáp ứng các nhu cầu của bản thân. Trong mỗi xã hội, dù ít hay nhiều luôn có những người quan tâm giúp đỡ  người khác, cảm thông với những khó khăn của người khác và sẵn sàng đáp ứng   các nhu cầu và những khó khăn của đồng loại. Những người giúp đỡ  này đều   hiện hữu trong thời kỳ lịch sử  nhân loại, là tiền thân của nhân viên xã hội thời   kỳ hiện đại. Sự  phát triển các hình thức tương trợ, giúp đỡ  của những nhân viên tình  nguyện cũng như  sự  phát triển các hoạt động chuyên nghiệp của nhân viên xã  hội tuỳ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, văn hoá, xã hội và chính trị của từng quốc  gia, từng thời kỳ. Lịch sử  hình thành và phát triển Công tác xã hội  ở  các quốc gia trên thế  giới đều bắt nguồn từ những hoạt động từ thiện của những người tình nguyện.  Thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, các hiện tượng xã hội như vấn đề  người già, trẻ  em mồ  côi, phụ  nữ  goá bụa... được sự  cưu mang, đùm bọc của   những người thân trong gia đình, dòng họ; sự  giúp đỡ  trên tinh thần tương thân   tương ái của cộng đồng và sự cứu giúp của các nhà thờ. Thời kỳ  cách mạng công nghiệp, do tác động của quá trình kinh tế  làm  nảy sinh nhiều vấn đề  xã hội như: Nghèo đói, thất nghiệp, người lang thang,   13
  14. nghiện ngập ma tuý, mại dâm... đã xuất hiện các phong trào làm việc từ  thiện  của các cá nhân, tổ  chức tình nguyện để  giúp đỡ  những người khốn khó, bần  cùng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Sau đó, nghề Công tác xã hội đã  hình thành và phát triển để tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề  xã hội  rộng lớn, phức tạp mà tự  thân các hoạt động từ  thiện, tình nguyện không thể  giải quyết được. Tuy nhiên, quá trình hình thành nghề  Công tác xã hội diễn ra  khác nhau giữa các quốc gia, châu lục trên thế giới.  Sau đây, giới thiệu sơ lược quá trình hình thành, phát triển Công tác xã hội  ở một số châu lục, quốc gia trên thế giới và Việt Nam. 1. Sơ lược lịch sử Công tác xã hội trên thế giới Ở Châu âu: Nước Anh là cái nôi xuất phát các phong trào làm việc từ thiện   sớm nhất (những năm 1800) do bối cảnh xã hội Anh lúc bấy giờ nảy sinh nhiều   vấn đề xã hội bởi sự tác động của các cuộc cách mạng công nghiệp, như: Nạn  thất nghiệp, người lang thang, nghèo đói, nghiệp ngập ma tuý và nạn mại dâm...  Để  góp phần giải quyết các vấn đề  xã hội nảy sinh, thoạt đầu  ở  Luân Đôn,  nhiều nhóm tình nguyện viên đã hình thành. Hiệp hội các tổ chức từ thiện (viết   tắt là C.O.S) ra đời ở Luân Đôn năm 1869. Đây là tổ chức các người trí thức tình   nguyện gồm các bác sỹ, giáo viên, luật sư, kỹ  sư... hợp nhau lại với mục đích  giúp đỡ  những người gặp khó khăn. Họ  chia nhau đi thăm viếng và giúp đỡ  những gia đình có vấn đề khó khăn ở các khu nhà ổ chuột, xóm lao động...   Ban đầu hoạt động của nhóm này chủ  yếu là cứu trợ  những người thất  nghiệp nghèo đói từng bị  xem là những "kẻ  lười biếng", "thiếu đạo đức". Sau  đó, họ nhận thấy rằng nếu cứ tiếp tục hình thức giúp đỡ  theo kiểu ban phát thì   đối tượng sẽ trông chờ, ỷ lại và không tự lực vươn lên. Họ đã rút ra bài học kinh  nghiệm và thay đổi hình thức giúp đỡ thay vì sự giúp đỡ mang tính ban phát bằng  sự tự giúp. COS đã tổ chức nhiều chương trình lao động cho những người nghèo  còn khả năng lao động để họ có thể sinh sống bằng công việc làm ăn chính đáng. 14
  15.    Lịch sử  từng trường hợp cá nhân và sự  chuyển biến của họ  được ghi   chép cẩn thận. Các hồ sơ cứu trợ cá nhân được tập trung ở từng địa phương để  tránh tình trạng một cá nhân đi kêu cứu ở nhiều cơ quan.    Lúc đầu COS không giúp đỡ vật chất, chỉ thăm viếng để giới thiệu cho  các cơ quan cứu trợ. Nhưng về sau, do làm tốt công việc này nên COS được các   cơ quan cứu trợ chuyển giao cho COS làm công tác cứu trợ.     Từ  chỗ  trực tiếp giúp đỡ  từng cá nhân, người giúp đỡ  đã sớm nhận ra  rằng con người lâm vào hoàn cảnh khó khăn không chỉ hoàn toàn do yếu kém của   chính cá nhân họ  mà còn do những tác động bởi môi trường, của quá trình phát  triển nên cần thay đổi cách thức giúp đỡ bằng cách tác động đến những nguyên  nhân làm nảy sinh vấn  đề, vào sự  tương tác giữa các thành viên và xã hội.   Những kinh nghiệm đầu tiên này của COS đã đặt nền tảng cho hoạt động của  ngành Công tác xã hội sau này. Phương pháp giúp đỡ  mang tính khoa học đầu tiên là phương pháp Công   tác xã hội cá nhân, sau đó đến Công tác xã hội nhóm và Phát triển cộng đồng.   Đội ngũ tình nguyện viên được đào tạo các kiến thức, kỹ  năng làm việc  với đối tượng và trở  thành những nhân viên xã hội chuyên nghiệp. Từ  đó, nghề  Công tác xã hội ra đời và đã được xã hội chấp nhận, độc lập với các nghề khác.  Ở Mỹ: Phong trào COS từ Anh lan sang Mỹ và hình thành COS đầu tiên ở  Buffalo, New York năm 1877. Năm 1898, COS ở New York mở khoá tập huấn nghiệp vụ đầu tiên cho 27  học viên, gọi là "khoá học mùa hè cho các nhân viên hoạt động nhân đạo", thời  gian tập huấn kéo dài 6 tuần. Cũng trong năm 1898, trường đào tạo các nhân viên xã hội đầu tiên được  thành lập ­ Trường Nhân ái New York (sau này là Trường Đại học Công tác xã  hội Columbia). Năm 1904, chương trình đào tạo Công tác xã hội với thời gian  15
  16. đào tạo một năm được tiến hành. Sau đó, lần lượt ra đời các trường Công tác xã  hội khác ở Philadelphia, Boston, Chicago.   Năm 1905, Richard Cabot lần đầu tiên đã đưa Công tác xã hội vào bệnh   viện Đa khoa Massaclensetts và dần dần sau đó, các nhân viên xã hội có mặt   hoạt động tại các trường học, toà án và các tổ chức khác. Chương trình đào tạo Công tác xã hội ban đầu tập trung vào cả những nỗ  lực thay đổi môi trường và nỗ  lực giúp các cá nhân điều chỉnh tốt hơn với môi   trường xã hội.   Năm 1917, Mary Richmond đã xuất bản cuốn sách "Chẩn đoán xã hội ­  Social Diagnosis". Đây được coi là dấu mốc quan trọng đầu tiên cho việc hình   thành các lý thuyết và phương pháp Công tác xã hội. Cuốn sách tập trung vào nội   dung người nhân viên xã hội nên can thiệp với các cá nhân như thế naò? Cho đến  nay, các tiến trình làm việc với cá nhân được bà đưa ra vẫn được sử dụng phần   nào (từ bước thu thập thông tin đến chẩn đoán và lên kế hoạch trị liệu).  Vào những năm 1920, lý thuyết về sự phát triển nhân cách và trị liệu của   Sigmund Freud được phổ biến rộng rãi. Các khái niệm và những lý giải của các   nhà tâm lý học được đưa ra phù hợp với các nhân viên xã hội làm việc với cá  nhân trong mối quan hệ  một ­ một với đối tượng. Vì vậy Công tác xã hội chịu  nhiều  ảnh hưởng của lý thuyết này trong gần 3 thập kỷ sau đó. Đến sau chiến   tranh thế giới lần thứ II, Công tác xã hội được công nhận như một nghề chuyên  nghiệp.        Đến những năm 1960, có sự  thay đổi diễn ra trong việc phát triển  chuyên môn Công tác xã hội cùng với cách tiếp cận Xã hội học. Lúc này, phương  pháp tiếp cận Xã hội học tỏ  ra có hiệu quả  và phù hợp khi đưa ra các tổ  chức,   cơ quan  vào việc đáp ứng các nhu cầu của đối tượng. 16
  17.   Mô hình hoạt động công tác xã hội và đào tạo công tác xã hội của Anh và  Mỹ đã phát triển lan rộng ra nhiều nước  ở châu Âu (Hà Lan, Đức, Pháp...) sang  châu Á và Mỹ La tinh.     Những năm sau này, Công tác xã hội được phát triển theo nhiều mô hình,  quan điểm khác nhau, như: Quan điểm bảo vệ quyền của phụ nữ, khủng hoảng   và phát triển các cách tiếp cận: Tiếp cận dựa trên giải pháp, tiếp cận dựa trên  điểm mạnh của đối tượng... Cho đến ngày nay, Công tác xã hội chú trọng vào  việc "trao quyền" tăng năng lực. Khác với lúc sơ khai ban đầu là trị liệu thì bây   giờ là can thiệp.      Ở châu Á, việc đào tạo nhân viên xã hội chuyên nghiệp được bắt đầu từ  Trung Quốc, vào những năm 1920. Sau đó sang  Ấn Độ  và Philippin. Tuy nhiên,  Ấn độ  lại là nước đầu tiên  ở  châu Á thành lập trường Công tác xã hội (trường  Công tác xã hội Bombay năm 1939). Trung Quốc, sau một số năm gián đoạn đã   tiếp cận trở lại ngành Công tác xã hội vào năm 1950.Ở châu Á hiện nay đã thành  lập Hiệp hội Công tác xã hội Châu Á ­ Thái Bình Dương.   Ngày nay, nhân viên xã hội chuyên nghiệp được đào tạo ở tất cả các cấp   trình độ từ trung cấp, cử nhân, thạc sỹ đến tiến sỹ. Các trường đào tạo Công tác  xã hội phát triển ở hầu hết các châu lục.   2. Sơ lược lịch sử Công tác xã hội ở Việt Nam Thời kỳ thuộc Pháp, công tác xã hội chuyên nghiệp được biết tới qua hình  ảnh các cán sự  xã hội phục vụ  trong các tổ  chức Chữ  thập đỏ, trong quân đội  Pháp. Năm 1947, khoá huấn luyện cán sự  xã hội Việt Nam đầu tiên được Hội  Chữ thập đỏ Pháp khởi xướng ở Sài Gòn tại Trung tâm Thevent (đường Thevent,   nay là đường Tú Xương). Năm 1949, Trung tâm huấn luyện này đổi tên thành  Trường Công tác xã hội Caritas, đặt tại 38 ­ Tú Xương, giao cho một dòng nữ tu  Thiên chúa giáo quản lý. Các khoá chính quy của trường đào tạo những nhân viên  17
  18. công tác xã hội trình độ  Trung cấp, gọi là cán sự  xã hội và hoạt động cho tới   ngày miền Nam được giải phóng.   Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, ở miền Nam, giữa thập kỷ 60, Bộ Xã hội  của chính quyền Sài Gòn lúc đó yêu cầu tổ chức Liên hợp quốc (tổ chức UNDP  và   UNICEF)   giúp   đỡ   thành   lập   trường   Công   tác   xã   hội.   Theo   đó,   một   đoàn  chuyên gia quốc tế đã được cử  đến Sài Gòn, cùng với một số  chuyên gia trong   nước xúc tiến việc thành lập " Trường Công tác xã hội quốc gia", chương trình  đào tạo 4 năm, đầu ra cuối cùng là Cử  nhân Công tác xã hội (ngạch giám sự  xã   hội) được chia làm 2 giai đoạn (sau hai năm đầu sinh viên tốt nghiệp ra trường  làm việc ở ngạch Kiểm sự xã hội, sau đó trở lại học tiếp giai đoạn hai để được   cấp bằng Cử  nhân). Tuy nhiên, trường mới chuẩn bị  đào tạo giai đoạn hai thì  miền Nam được giải phóng.    Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đào tạo Công tác  xã hội tạm thời lắng xuống. Vào những năm đầu của thập kỷ  90, hoạt động   Công tác xã hội và đào tạo Công tác xã hội phát triển trở lại, trước hết ở các tỉnh   phía Nam, sau đó phát triển mạnh ở các tính phía Bắc.                      Năm 1992, bộ  môn Công tác xã hội được đưa vào giảng giảng dạy tại  khoa Phụ Nữ học ­ Đại học mở bán công, thành phố Hồ Chí Minh.   Năm 1995, Bộ Lao động ­ Thương binh và Xã hội tổ chức khoá tập huấn   Cán sự xã hội đầu tiên cho các giảng viên thuộc các trường thuộc Bộ và cán bộ  làm Công tác xã hội tại các cơ  sở  Bảo trợ  xã hội thuộc Bộ. Đặc biệt, trong   khuôn khổ dự án hợp tác UNV ­ MOLISA ­ CFSI, chương trình đào tạo Công tác  xã hội được thúc đẩy thông qua nhiều khoá tập huấn ngắn hạn về Công tác xã  hội cho các cán bộ  làm Công tác xã hội  ở  nhiều Bộ, ngành và địa phương trên   phạm vi cả nước. 18
  19.    Năm 1997, trường Cao đẳng Lao động ­ Xã hội được Chính phủ  giao   nhiệm vụ  đào tạo Công tác xã hội, trình độ  cử  nhân Cao đẳng chuyên ngành  Công tác Xã hội với chương trình đào tạo 3 năm.    Một số  trường khác, như: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Đại  học Công đoàn ­ Hà Nội; Trường Cán bộ  Phụ  nữ  Trung  ương; Trường Thanh,   Thiếu niên Trung ương cũng đưa các nội dung Công tác xã hội vào chương trình  đào tạo của trường theo các mức độ khác nhau.     Ngoài ra, nhiều Bộ, ngành được sự giúp đỡ của các tổ chức Quốc tế, các tổ  chức phi Chính phủ đã tiến hành nhiều khoá tập huấn ngắn hạn về Công tác xã hội cho   các cán bộ làm việc với trẻ em, gia đình và cộng đồng thông qua các chương trình dự án.   Hiện nay, đào tạo Công tác xã hội đang được quan tâm phát triển rộng   khắp từ  Nam chí Bắc. Nội dung chương trình đào tạo từng bước thể  hiện tính  chuyên nghiệp của nghề Công tác xã hội. Hình thức đào tạo phát triển đa dạng,   phong phú (chính quy và phi chính quy). Đặc biệt, trường Cao đẳng Lao động ­  Xã hội đã cử  một số  cán bộ, giảng viên đi đào tạo Thạc sỹ  Công tác xã hội  ở  ngoài nước tại các nước Canada, Philippin trong chương trình hợp tác giữa Chính  phủ Việt Nam và Chính phủ Canada. Ngày 11 tháng 10 năm 2004, Bộ Giáo dục ­  Đào tạo đã ra quyết định ban hành Chương trình khung giáo dục đại học ngành   Công tác xã hội trình độ đại học, cao đẳng. Theo đó, một số trường đại học, cao  đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân  ở  nước ta được giao nhiệm vụ  đào tạo  công tác xã hội trình độ đại học, cao đẳng.       Như  vậy, có thể  nói rằng, về  cơ  bản Công tác xã hội đã có bề  dày phát   triển trên thế giới hàng vài chục năm, thậm chí có những nước đã có bề dày phát   triển Công tác xã hội hàng trăm năm nay, được xã hội thừa nhận là một nghề  chuyên nghiệp không thể  thiếu trong đời sống xã hội. Từng quốc gia có Hiệp  hội Công tác xã hội và Hiệp hội các Trường Công tác xã hội. Trên phạm vi quốc   19
  20. tế, có Hiệp hội Công tác xã hội quốc tế,  Hiệp hội các trường Đại học Công tác   xã hội toàn cầu. III. Triết lý và giá trị của nghề Công tác xã hội 1. Triết lý của nghề Công tác xã hội Trong các học thuyết của chủ  nghĩa Mác ­ Lênin đều đã khẳng định: con  người vừa là một thực thể tự nhiên vừa là một thực thể xã hội, con người vừa là  sản phẩm của xã hội vừa là chủ thể của lịch sử.  Là thực thể tự nhiên, con người có những nhu cầu vật chất và tinh thần và đòi hỏi  được đáp ứng các nhu cầu đó. Là thực thể của xã hội, con người có các mối quan hệ xã   hội.  Là con người xã hội, con người có các mối quan hệ  tương tác giữa con  người với con người, con người với xã hội và liên hệ chặt chẽ với tự nhiên. Để  đạt tới sự  phát triển hài hoà giữa con người và xã hội, giữa con người với tự  nhiên, đòi hỏi con người cần phải thể  hiện trách nhiệm của mình với xã hội;   đồng thời xã hội cũng phải có trách nhiệm bảo vệ, giúp họ đáp ứng các nhu cầu  của cá nhân. Là con người, ai cũng có mong muốn được an toàn, bình yên trong cuộc  sống, được tham gia, cống hiến công sức, trí tuệ, tài năng của mình cho đất  nước và sự phát triển của cá nhân và xã hội. Trong sự vận động, phát triển của cá nhân và xã hội, suy cho cùng nhằm đáp ứng  ngày càng tốt hơn nhu cầu của con người và vì  một xã hội tiến bộ và công bằng hơn.   Tuy nhiên, trong thực tiễn phát triển, ở mỗi thời kỳ khác nhau, mỗi chế độ xã hội khác   nhau vẫn luôn luôn tồn tại những cá nhân, gia đình, cộng đồng vì nhiều lý do khác nhau  không được đáp ứng các nhu cầu cơ bản cần cho cuộc sống. Họ không được bảo đảm  trên thực tế các quyền cơ bản của con người, tạo ra những bất bình đẳng trong xã hội.  20
nguon tai.lieu . vn