Xem mẫu

  1. Chương 4 KINH TẾ THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN   CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945 ‐ 1954)  4.1. KINH TẾ TỪ THÁNG 9/1945 ĐẾN 12/1946 4.1.1. Bối cảnh lịch sử Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Trên thế giới hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành, đứng đầu là Liên Xô. Cách mạng giải phóng dân tộc phát triển, làm lay chuyển mạnh mẽ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản đòi quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống diễn ra sôi nổi. Hệ thống các nước đế quốc bị chấn động. Sau chiến tranh thế giới II, nhiều nước tư bản suy yếu, riêng Mỹ vươn lên trở thành nước giàu mạnh nhất. Mỹ ra sức lôi kéo, tập hợp lực lượng để chống lại phong trào cách mạng thế giới. Các lực lượng hoà bình, dân tộc, dân chủ trên thế giới đang trên đà tiến công vào chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản cách mạng. Song, các lực lượng phản cách mạng cũng đang tìm mọi cách phục hồi, phát triển lực lượng để phản kích mạnh mẽ các lực lượng hoà bình, dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tình hình có những diễn biến phức tạp, xuất hiện những mâu thuẫn giữa lực lượng hoà bình, dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội với các nước đế quốc, tư bản. Cuộc đối đầu của hai lực lượng này ngày càng căng thẳng, gay gắt, tạo nên cục diện "chiến tranh lạnh", cuốn hút các quốc gia trên thế giới vào ảnh hưởng của cuộc chiến mới. Việt Nam là một bộ phận của thế giới nên chịu tác động lớn của cuộc đối đầu lịch sử giữa hai lực lượng. Vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã bị các nước đế quốc và các thế lực phản động khác liên kết với nhau, bao vây và chống phá quyết liệt. Với danh nghĩa quân Đồng minh, ở miền Bắc gần 20 vạn quân Tưởng từ cuối tháng Tám 1945 146
  2. đã tràn vào nước ta để giải giáp quân đội Nhật. Khi vào nước ta lực lượng này mang theo dã tâm tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, phá tan mặt trận Việt Minh và giúp lực lượng phản động đánh đổ chính quyền cách mạng để lập một chính phủ làm tay sai cho chúng. Ở miền Nam, quân đội Anh cũng với danh nghĩa Đồng Minh vào giải giáp quân đội Nhật đã giúp thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai. Trong khi đó, chính quyền cách mạng chưa được củng cố vững chắc và chưa được nước nào trên thế giới công nhận. Văn hoá, xã hội còn rất nhiều bất cập do hậu quả của chế độ cũ để lại. Đặc biệt về kinh tế, nước ta vốn nghèo nàn lạc hậu, lại bị kiệt quệ bởi sự vơ vét của Pháp - Nhật. Công nghiệp đình đốn, nông nghiệp tiêu điều với hơn 50% ruộng đất ở Bắc Bộ bị bỏ hoang do hạn hán, lụt lội gây nên. Thương nghiệp ngưng trệ, bế tắc, hàng hoá khan hiếm, giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng mạnh. Tài chính cạn kiệt, kho bạc hầu như trống rỗng; ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp. Lợi dụng quyền nắm việc phát hành tiền bọn tư bản ngân hàng Pháp gây rối loạn tiền tệ. Cùng lúc quân Tưởng còn tung ra thị trường đồng "quan kim" và "quốc tệ" đang mất giá, làm kinh tế tài chính nước ta càng thêm rối ren. Nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu đồng bào miền Bắc mới chấm dứt thì lại có nguy cơ hình thành nạn đói mới đe dọa đến cuộc sống người dân. Trước tình hình hết sức khó khăn đó, Chính phủ ta đã có những quyết sách và hành động đúng đắn giúp đất nước vượt qua khó khăn, giữ được thành quả cách mạng và tạo ra điều kiện để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai. 4.1.2. Đặc điểm tình hình kinh tế 4.1.2.1. Giải quyết nạn đói a. Nguyên nhân của nạn đói Trong và sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ở miền Bắc nước ta xuất hiện một nạn đói mới. Nạn đói hình thành do các nguyên nhân: 1) Chính sách vơ vét thóc gạo và phá lúa trồng đay của Nhật - Pháp 147
  3. trong những năm 1939-1945. Để đáp ứng cho nhu cầu chiến tranh, Nhật đã buộc Pháp kí kết nhiều hiệp ước cung cấp lương thực thực phẩm cho họ hàng năm; cấm vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc; bắt người dân nhổ lúa trồng đay... Bên cạnh đó, thực dân Pháp cũng dự trữ lương thực phòng khi quân Đồng Minh chưa tới, phải đánh Nhật hoặc dùng cho các cuộc tái xâm lược Việt Nam. 2) Trong thời gian tháng 8 đến tháng 9 năm 1945, ở miền Bắc xảy ra thiên tai, lũ lụt; 9 tỉnh ở Bắc bộ vỡ đê làm vụ lúa mùa bị thất thu tới 50% sản lượng. Cùng trong thời gian này, ba tỉnh vùng Bắc Trung Bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng bị mất mùa trên một nửa diện tích gieo trồng của địa phương. 3) Trong lúc tình hình khó khăn về lương thực như vậy thì nhiều tư thương thực hiện việc đầu cơ tích trữ lương thực (lúa gạo) để kiếm lời. Việc làm của tư thương cũng gây thêm khó khăn cho đời sống người dân miền Bắc sau cách mạng tháng Tám 1945, khiến nạn đói càng thêm trầm trọng. b. Giải quyết nạn đói Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 3 tháng 9 năm 1945), Hồ Chủ Tịch đã nêu 6 nhiệm vụ cần thực hiện ngay, trong đó 3 nhiệm vụ "diệt giặc đói", "diệt giặc dốt" và "diệt giặc ngoại xâm" được ưu tiên hàng đầu. Để giải quyết nạn đói, Chính phủ đã triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách, trước mắt và các giải pháp căn bản, lâu dài. Việc làm đầu tiên thuộc về giải pháp cấp bách, trước mắt là Hồ Chủ Tịch và Chính phủ đã phát động các phong trào tương trợ, cứu tế kêu gọi toàn dân quyên góp lương thực cứu đói. Để tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào này, Hồ Chủ Tịch đã viết thư gửi đồng bào cả nước (ngày 28 tháng 9 năm 1945): "Lúc chúng ta bưng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo" [Hồ Chí Minh, 2011, tập 4, 601]. Dân ta vốn có truyền thống tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách" trong lúc khó khăn, hoạn nạn nên đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Các hoạt động quyên góp, "ngày đồng tâm", phong trào "nhường cơm sẻ áo", "hũ gạo cứu đói" diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Bên 148
  4. cạnh kêu gọi, vận động Chính phủ còn thực hiện các biện pháp hành chính như cấm dùng gạo nấu rượu, xoá bỏ mọi hạn chế trong lưu thông gạo giữa các vùng trong cả nước, cấm tích trữ gạo, lập tổ chức "Uỷ ban tối cao tiếp tế và cứu tế" để giải quyết nạn đói. Việc chuyên chở gạo từ các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ ra Bắc Bộ được thực hiện khẩn trương. Chỉ tính 3 tháng cuối năm 1945, đã có 700 tấn gạo được chuyển ra Bắc Bộ và trước khi chiến sự ở Nam Bộ diễn biến ác liệt, đã có gần 30 nghìn tấn gạo được chuyển ra Bắc theo đường sắt. Sau đó vận chuyển gạo được tiến hành bằng đường thủy ra Hải Phòng nhưng một phần khá lớn đã bị quân đội của Tướng Lư Hán trưng dụng mất. Số gạo còn lại được phân phối cho các địa phương bị đói trầm trọng nhất. Các hoạt động trên chỉ có tính chất "cấp cứu". Để xóa bỏ hẳn nạn đói cần thực hiện các giải pháp căn bản lâu dài là phát triển sản xuất. Tăng gia sản xuất không chỉ để giải quyết nạn đói, mà còn là cơ sở cho toàn bộ chính sách kinh tế của Chính phủ cách mạng Việt Nam. Để động viên, khuyến khích tăng gia sản xuất nông nghiệp, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi nông dân: "Thực túc thì binh cường. Cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện tấc đất tấc vàng thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập" [Hồ Chí Minh, 2011, tập 4, 609]. Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách, biện pháp để hướng dẫn người dân tăng gia sản xuất: Bộ Canh nông xuất bản tờ báo "Tấc đất" để tuyên truyền, vận động, chỉ đạo, hướng dẫn tăng gia sản xuất; Chính phủ cho nhân dân vay thóc, vay tiền để sản xuất; chi ngân sách sửa chữa những quãng đê bị vỡ, củng cố hệ thống đê điều, đắp thêm một số đê mới1. Đầu năm 1946, việc tu bổ đê điều cơ bản hoàn thành. Để đẩy mạnh việc tăng gia sản xuất, Chính phủ cử cán bộ thú y về nông thôn chăm sóc gia súc, gia cầm; chủ trương miễn thuế cho dân vùng bị lụt; giảm thuế ruộng 20%, buộc địa chủ giảm tô 25%; đất công được chia lại cho hợp lý 1 Tuy gặp khó khăn về tài chính nhưng Chính phủ vẫn cố gắng chi khoảng 8 triệu đồng để lo việc sửa chữa, tu bổ đê điều. 149
  5. hơn; tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc, Việt gian đem chia cho nông dân thiếu đất. Nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Hồ Chủ Tịch, sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ và sự nỗ lực của toàn dân, chỉ trong một thời gian ngắn, hoạt động tăng gia sản xuất (gồm trồng hoa màu và lúa) đã đạt được kết quả quan trọng. Trong 5 tháng từ tháng 11 năm 1945 đến tháng 5 năm 1946, sản lượng lương thực (chủ yếu là hoa màu), đạt 614.000 tấn, tương đương 506.000 tấn lúa, đủ bù đắp số lương thực thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Năm 1946 ở Bắc Bộ, vụ lúa chiêm đã tăng hơn vụ chiêm năm 1945 khoảng 100.000 tấn; vụ lúa mùa gieo trồng trên diện tích 890.000 ha, đạt sản lượng 1.155.000 tấn lúa. Nhờ nỗ lực của Chính phủ và toàn dân trong các phong trào quyên góp, tổ chức điều tiết lương thực cả nước và trong cuộc vận động tăng gia sản xuất, kết quả thu được tốt đẹp. Nạn đói đã từng bước được chặn đứng và đẩy lùi. Đây "thực sự là một kỳ công của chế độ dân chủ nhân dân" [Võ Nguyên Giáp, 1946. Dẫn theo Lê Mậu Hãn & cộng sự, 2013, 36]. 4.1.2.2. Xây dựng nền tài chính, tiền tệ độc lập a. Xây dựng tài chính Khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, kho bạc hoàn toàn trống rỗng. Nền tài chính quốc gia mới có thể coi là khánh kiệt vì chúng ta chỉ chiếm giữ được Sở Ngân Khố và cố gắng kiểm soát một phần Ngân hàng Đông Dương. Ngân khố của chính quyền cũ để lại chỉ còn 1.250.000 đồng Đông Dương, trong đó 580.000 đồng là bị rách nát phải tiêu hủy [Đinh Thị Thu Cúc, 2017, 30]. Điều này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến nhận định: Chính phủ cách mạng lúc đó là một chính phủ "không tiền". Để giải quyết tình hình khó khăn và bước đầu xây dựng nền tài chính độc lập, Chính phủ đã triển khai các giải pháp cấp bách, trước mắt và các giải pháp căn bản lâu dài. Những việc làm thuộc giải pháp cấp bách bao gồm: phát động các phong trào quyên góp như phong trào "Quỹ độc lập", "Tuần lễ vàng"; phong trào "đón thương binh về làng", nuôi 150
  6. dưỡng cán bộ... Phong trào "Quỹ độc lập" được phát động dựa vào Sắc lệnh số 4/SL ngày 4 tháng 9 năm 1945 của Chính phủ. Mục đích của phong trào là để "thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia" [Đinh Thị Thu Cúc, 2017, 56]. Còn "Tuần lễ vàng" thì được tổ chức từ ngày 16 tháng 9 năm 1945 nhằm kêu gọi các nhà giàu đóng góp một phần tài sản cho đất nước vừa giành được độc lập còn nhiều khó khăn. Các phong trào phát động được đông đảo dân chúng hưởng ứng. Kết quả Chính phủ đã thu được 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Hai khoản thu được này giá trị tương tương với hai khoản thuế đinh và thuế điền mà chính quyền thuộc địa thu được một năm ở Đông Dương trước đó1. Ngoài tiền và vàng, nhiều người còn hiến cả nhà cửa, ruộng vườn cho Chính phủ. Dù chưa phải là lớn, nhưng với hai khoản thu này cũng phần nào giúp Chính phủ bớt khó khăn trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp sau cách mạng. Bên cạnh giải pháp cấp bách, Chính phủ cũng triển khai các giải pháp mang tính căn bản, lâu dài để xây dựng nền tài chính độc lập của quốc gia. Đối với thuế, Chính phủ chủ trương cải cách dần chế độ thuế, trong đó sửa ngay những thứ thuế quá vô lý, tạm giữ nguyên những gì không quá sai trái với tinh thần của chế độ dân chủ, bổ sung dần những quy chế mới. Theo đó, ngày 7 tháng 9 năm 1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 11, trong đó quyết định bãi bỏ thuế thân (thứ thuế vô lý, trái với tinh thần của chính thể cộng hòa dân chủ). Bãi bỏ một số thuế đối với những thành phần kinh doanh nhỏ, mà chủ yếu là những người lao động nghèo. Đồng thời Chính phủ cũng cấm buôn bán thuốc phiện, rượu cồn; xoá các loại thuế rượu, thuế muối, thuế thuốc phiện và quyết định thu các loại thuế: thuế quan (thuế xuất nhập khẩu), thuế điền thổ, thuế thương mại, thuế kỹ nghệ canh nông; trong đó thuế điền thổ giảm 20% trên toàn quốc. Chính phủ dành ba nguồn thu phục vụ quốc phòng: 1) Đảm phụ đặc biệt đánh vào các ngành vận tải, bưu điện; 2) Phụ thu thêm vào tem bưu điện; 3) Đảm phụ quốc phòng, quy định mỗi người dân, trừ người 1 Nếu quy đổi thành vàng và tính theo thời giá tháng 8 năm 2008, giá trị tương đương hơn 6.100 tỷ đồng Việt Nam [Phạm Minh Chính &Vương Quân Hoàng, 2009, 55-56]. 151
  7. già yếu và tàn tật, đều đóng 5 đồng Đông Dương (Sắc lệnh số 48, ngày 10/4/1946). Chính phủ đặt thêm một số thuế mới có tính chất gián thu đánh vào các mặt hàng xa xỉ như rượu ngoại. Ngoài ra Chính phủ còn ban hành một số quy định về các chế độ trưng thu, trưng dụng, trưng tập tài sản và nhân lực phục vụ cho quốc gia1. Ba biện pháp này được áp dụng trong trường hợp cần thiết, phục vụ những yêu cầu cấp bách của đất nước là quốc phòng, chống lụt, chống hạn, tổ chức sản xuất phục vụ nhu cầu nhà nước và nhân dân. Về chi tiêu tài chính, do nền tài chính còn khó khăn, các nguồn thu ít ỏi và không ổn định, Chính phủ đã đề ra nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi. Theo nguyên tắc này, trừ các công việc liên quan đến quốc phòng, ngoại giao, sửa chữa đê điều ra thì những việc khác phải hết sức tiết kiệm chi. b. Xây dựng tiền tệ Sau cách mạng tiền tệ nước ta gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Song, Chính phủ ta đã có những quyết sách và hành động phù hợp để giải quyết khó khăn và từng bước xây dựng nền tiền tệ độc lập. Cuối năm 1945, Chính phủ Việt Nam quyết định phát hành tiền vì các lý do: 1) Thiếu tiền trầm trọng (do không kiểm soát được Ngân hàng Đông Dương, số tiền thu được hơn một nửa rách nát phải tiêu huỷ) và bị lạm phát tiền tệ nghiêm trọng. 2) Tiền là một trong những dấu hiệu thể hiện độc lập của quốc gia. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Một quốc gia, một chính phủ độc lập không thể không có đồng tiền riêng của mình. 3) Bị phá rối về tiền tệ. Quân đội Tưởng ép Chính phủ ta cho lưu thông hai đồng tiền đang mất giá của Trung Quốc trên thị trường thế giới là Quan kim và Quốc tệ theo tỷ giá bất lợi cho nền tiền tệ Việt Nam2. 1 Trong đó: trưng thu là Nhà nước lấy hẳn; trưng dụng là sử dụng có thời hạn đối với những phương tiện, tài sản và các cơ sở sản xuất của tư nhân; trưng tập là huy động những nhân lực và chuyên gia quan trọng... 2 Quân Tưởng quy định: cứ 1 đồng Quan kim giá trị bằng 1,5 đồng Đông Dương và 13,3 đồng Quốc tệ thì bằng 1 đồng Đông Dương [Phạm Minh Chính & Vương Quân Hoàng, 2009, 58]. 152
  8. Trong bối cảnh phức tạp, nhiều khó khăn của năm đầu sau cách mạng, công tác in, phát hành tiền được chuẩn bị tích cực và bí mật. Đây cũng là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt. "Trận chiến tiền tệ không có tiếng súng, nhưng máu đã đổ" [Phạm Minh Chính & Vương Quân Hoàng, 2009, 57]. Trong tình hình như vậy, Chính phủ ta không thể phát hành toàn bộ tiền tệ trong một thời điểm chung cho cả nước mà phải tiến hành theo từng bước, qua ba đợt. Đợt 1, vào tháng 12 năm 1945, Chính phủ cho lưu hành đồng 2 hào và 5 hào. Phát hành hai đồng tiền có giá trị nhỏ này là để đáp ứng nhu cầu thiếu tiền lẻ, đồng thời để người dân làm quen với tiền Cụ Hồ. Sau đó vào ngày 31 tháng 1 năm 1946, Chính phủ cho phát hành tiền từ vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng) vào đến Nam Trung Bộ. Do vùng này không có quân đội nước ngoài, hệ thống chính quyền vững là điều kiện thuận lợi cho phát hành, lưu thông tiền tệ. Đợt hai, từ tháng 8 năm 1946, Chính phủ quyết định phát hành tiền từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc. Đợt ba, vào tháng 11 năm 1946, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá I quyết định phát hành tiền trong cả nước. Như vậy, sau cách mạng, Chính phủ ta đã có những chủ trương và hành động sáng tạo, linh hoạt, phù hợp để giải quyết những khó khăn về tiền tệ. Nền tiền tệ mới đã từng bước hình thành, đáp ứng tối thiểu cho nhu cầu chính trị, kinh tế, quân sự của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. 4.1.2.3. Khôi phục hoạt động công thương nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện và chuyển dần nền kinh tế sang thời chiến a. Khôi phục công thương nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện Sau cách mạng tháng Tám 1945, công thương nghiệp bị đình trệ, sa sút nghiêm trọng. Công nghiệp bị giảm sút, tê liệt là do những xí nghiệp quan trọng đã bị quân đội Nhật chiếm giữ, khai thác phục vụ chiến tranh nên bị quân Đồng Minh phá hoại. Mặt khác do các chủ người Pháp ngừng đầu tư, sa thải công nhân, rút vốn về nước. Còn thương nghiệp bị tê liệt là do từ năm 1943, quân Đồng Minh chủ trương phong tỏa toàn bộ vùng trời và vùng biển của Đông Dương để chống lại phát xít Nhật nên xuất nhập khẩu đình trệ. Giao lưu buôn bán giữa hai miền Nam Bắc bị 153
  9. cắt đứt. Tình trạng khan hiếm hàng hóa đã diễn ra trong một thời gian dài, để lại hậu quả nặng nề cho chính quyền và nhân dân ta sau cách mạng. Trước tình hình đó, Chính phủ đã thực hiện những chủ trương, chính sách để khôi phục lại các hoạt động công thương và giao thông vận tải. Để khuyến khích, vận động giới công thương tích cực hoạt động góp phần phục hồi nền kinh tế, trong thư gửi giới công thương, Hồ Chủ Tịch đã viết: "giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này" [Dẫn theo Nguyễn Trí Dĩnh & cộng sự, 2013, 516]. • Công nghiệp Chính phủ chủ trương kiên quyết giữ vững chủ quyền, nhưng tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế với Pháp. Một số xí nghiệp của tư bản Pháp và tư bản nước ngoài được tiếp tục kinh doanh nhưng phải tuân theo luật lệ và chịu sự kiểm soát của ta. Đó là các xí nghiệp điện, nước (ở thành phố); khai thác than (Quảng Ninh), dệt (Nam Định), xí nghiệp gạch ngói (Đáp Cầu - Bắc Ninh), xi măng (Hải Phòng), xí nghiệp sửa chữa cơ khí (Hà Nội, Hải Phòng...). Chủ trương này nhằm ngăn chặn những xáo trộn trong sản xuất và đời sống công nhân. Ở Bắc Bộ hầu hết các nhà máy, xí nghiệp thuộc các ngành phục vụ nhu cầu thiết yếu như điện, nước, vải sợi, sửa chữa cơ khí... vẫn được hoạt động. Chính phủ áp dụng những biện pháp thủ tiêu đặc quyền của thực dân Pháp. Ngày 30 tháng 10 năm 1945, Chính phủ ta cho đóng cửa Sở Khoáng chất của tư bản Pháp ở Trung Bộ. Tiếp đến, ngày 30 tháng 5 năm 1946, xoá bỏ đặc quyền khai thác của Pháp và lập ra các khu mỏ của Nhà nước Việt Nam ở Thái Nguyên, Nông Sơn (Quảng Ngãi), Khe Bố (Nghệ An). Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, theo điều kiện hợp lý1. 1 Ngày 30 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 91 cho phép ông Đỗ Long Giang là chủ mỏ được quyền khai thác than đá tại khu Giáp Khẩu rộng 900 ha ở Hòn Gai trong thời gian 30 năm. Ông Đỗ Long Giang phải nộp vào công quỹ 9.000 đồng Đông Dương. Ông còn phải đảm bảo sản lượng than hàng năm là 20.000 tấn và nộp cho Nhà nước 2 đồng/tấn... 154
  10. Nhà nước ban hành dự thảo luật lao động, bảo vệ quyền lợi tối thiểu của người công nhân như tiền lương, điều kiện làm việc... Kể từ ngày 2 tháng 10 năm 1945, Chính phủ cho phép tất cả các nhà kinh doanh đều được quyền khai trương, khuếch trương, nhượng lại hay di chuyển các cơ quan thương mại và kỹ nghệ hay tiểu công nghệ. Do đó, nhiều nhà công thương Việt Nam đã huy động vốn để thành lập các công ty kinh doanh. Một số công ty lớn đã ra đời như: Việt Thương công ty (có vốn 30 triệu đồng Đông Dương, chuyên kinh doanh hàng nông sản xuất nhập khẩu); Công ty Hương Việt, công ty Việt Bắc, v.v... • Thương nghiệp Ngày 5 tháng 9 năm 1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 7 thủ tiêu việc "ngăn sông cấm chợ", đảm bảo cho sự buôn bán và chuyên chở thóc gạo được tự do trong toàn Bắc Bộ. Sau đó, từ ngày 2 tháng 10 năm 1945 thì Sắc lệnh này được áp dụng cho cả Trung Bộ. Ngày 22 tháng 9 năm 1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thủ tiêu các nghiệp đoàn độc quyền kinh doanh, đồng thời nắm độc quyền về ngoại thương. Ngày 6 tháng 10 năm 1945, Nha Thương vụ Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề thương nghiệp và đề đạt với Chính phủ những chính sách cần thiết. Chính phủ còn kêu gọi và khuyến khích thương nhân mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời quyết định thành lập Hội thương gia Việt Nam (ngày 13 tháng 10 năm 1945). Căn cứ vào hoàn cảnh và nhu cầu của đất nước lúc bấy giờ, Chính phủ có Sắc lệnh cấm xuất khẩu thóc gạo, ngô, đỗ và các chế phẩm từ ngũ cốc (ngày 9 tháng 10 năm 1945). Ngày 21 tháng 8 năm 1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 160 về việc cấm xuất cảng các loại máy móc, hàng hóa sản xuất bằng kim khí, xe hơi và phụ tùng xe hơi. Nhà nước khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng khác với điều kiện nhà kinh doanh phải xin phép. Tuy vậy, những quyết định của Chính phủ về ngoại thương thời gian này thực hiện trên thực tế rất hạn chế bởi hầu hết các cửa khẩu quan trọng đều bị phong toả, hoặc nằm trong sự kiểm soát của quân đội nước ngoài [Nguyễn Trí Dĩnh & cộng sự, 2013, 518]. 155
  11. • Giao thông vận tải, bưu điện - Về giao thông vận tải Chính phủ đã thủ tiêu quyền kinh doanh đường xe lửa Hải Phòng - Vân Nam, giao cho Bộ Giao thông công chính quản lý; đồng thời tiến hành khôi phục, sửa chữa những cơ sở giao thông vận tải bị tàn phá sau chiến tranh. Kết quả đã khôi phục được 50/60 chiếc cầu bị phá, sửa được 500 km đường bộ, tu sửa 32 km đường sắt; phục hồi 35 đầu máy, 206 toa hành khách, 134 toa hàng loại 20 tấn, 127 toa hàng loại 10 tấn. Chỉ hơn một tháng sau Cách mạng tháng Tám, giao thông vận tải đường sắt đã được phục hồi và hoạt động thông suốt. Về đường thủy và đường hàng không: Từ tháng 9 năm 1945, Bộ Giao thông công chính đã tổ chức đường vận tải thủy - bộ liên hợp từ Bắc vào Nam. Tiếp đến, ngày 3 tháng 10 năm 1945, lập Nha Hàng hải thương thuyền Việt Nam, đặc trách quản lý giao thông đường thủy; đồng thời tổ chức Sở Hàng không, chuyên lo tu sửa mọi thiết bị kỹ thuật và chuẩn bị điều kiện để cho ngành Hàng không sau này ra đời. - Về bưu điện Sau cách mạng, hệ thống thông tin liên lạc có vai trò cực kỳ quan trọng, nên Chính phủ đã dành cho lĩnh vực bưu chính sự quan tâm cần thiết. Chỉ một tuần sau cách mạng, hệ thống điện tín và điện thoại nối giữa Hà Nội, Huế và Sài Gòn được phục hồi và hoạt động bình thường. Đến giữa năm 1946, 4.000 km đường điện thoại đường dài được sửa chữa xong. Trong bưu chính, người Việt Nam đã thay thế người Pháp đảm đương mọi việc của lĩnh vực này. b. Chuyển dần nền kinh tế sang thời chiến Vào cuối năm 1946, khi đàm phán giữa Chính phủ ta và Pháp bế tắc, nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh trên phạm vi toàn quốc là rất lớn. Trong bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ ta đã quyết định chuyển dần nền kinh tế sang thời chiến. Chính sách kinh tế khi chuyển sang thời chiến Chính phủ được xác định rõ: "Tài chính kinh tế phải tập trung. Mọi lực lượng của quốc dân được huy động để dùng trong việc kháng chiến, kiến quốc" [Đặng Phong, 2002, 214]. 156
  12. Thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ, ở những thành phố thực dân Pháp chiếm được, ta tiến hành triệt để bao vây và phá hoại kinh tế. Ở những vùng nông thôn nơi Pháp thực hiện đánh rộng ra thì ta thực hiện chính sách "vườn không nhà trống" để gây khó khăn cho họ. Đồng thời tổ chức phá đường để ngăn cản cuộc tiến công của địch. Cả nước thực hiện phong trào "Ủng hộ kháng chiến Nam Bộ". Nhân dân miền Bắc và miền Trung dốc sức người, sức của chi viện cho miền Nam. Các toa xe lửa chở đầy lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men, quần áo được đưa vào Nam và ra các mặt trận. Chính phủ còn phải chuẩn bị để đối phó trước tình hình chiến tranh ngày càng lan rộng ra cả nước. Để phục vụ chiến tranh, việc tổ chức sản xuất và mua sắm vũ khí là một yêu cầu không thể thiếu. Ngày 15 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành quân giới Việt Nam. Ngành này được xây dựng trên cơ sở các xưởng sửa chữa xe lửa và ô tô của Nhật và Pháp. Ở miền Nam, ngay khi kháng chiến bùng nổ, một số địa phương đã thành lập các công binh xưởng để chế tạo súng đạn. Tính đến cuối năm 1946, ngành quân giới đã có 20 cơ sở lớn nhỏ, với 2.500 công nhân. Bên cạnh đó, các xưởng may, xưởng đóng giày của Bộ Quốc phòng cũng được xây dựng từ cuối năm 1945. Phong trào "Mùa đông binh sĩ" đã góp phần tích cực trong việc trang bị áo ấm cho bộ đội. Chính phủ cũng tổ chức ra các cơ sở sản xuất thuốc men do Cục Quân y quản lý để sản xuất thuốc, bông, phục vụ cho kháng chiến. Như vậy, chỉ trong vòng 16 tháng (từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946), những thành công nổi bật của Đảng và Chính phủ ta là đẩy lùi được nạn đói, đẩy mạnh tăng gia sản xuất; xây dựng được nền tài chính, tiền tệ độc lập; các lĩnh vực sản xuất và trao đổi buôn bán được hồi phục. Một trong những nhân tố quan trọng tạo nên thành công đó chính là bản lĩnh và sự tài tình của Đảng, của Chính phủ đứng đầu là Hồ Chủ Tịch trong việc đề ra chủ trương, chính sách kinh tế khôn khéo, đúng đắn, phát huy được tinh thần yêu nước và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Thành công đó đã góp phần ổn định, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ chính quyền và những thành quả cách mạng; đồng thời tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến toàn quốc trong 8 năm tiếp theo. 157
  13. 4.2. KINH TẾ GIAI ĐOẠN 1947-1954 4.2.1. Kinh tế vùng tự do a. Chính sách kinh tế kháng chiến Tháng 11 năm 1946, quân Pháp mở các cuộc tấn công ở nhiều khu vực thuộc miền Bắc và miền Trung; đồng thời gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta, đòi tước vũ khí của tự vệ Hà Nội và kiểm soát an ninh trật tự ở Thủ đô. Trước tình hình đó, từ ngày 13 đến ngày 22 tháng 12 năm 1946, Ban Thường vụ trung ương Đảng họp tại Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ trì của Hồ Chủ Tịch để có chủ trương đối phó. Hội nghị cho rằng khả năng hoà hoãn không còn, do đó Hội nghị đã quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước và chủ động tiến công trước khi thực dân Pháp thực hiện màn kịch đảo chính quân sự ở Hà Nội. Vào lúc 20h00 ngày 19 tháng 12 năm 1946, đài phát thanh phát Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ! Kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam là cuộc kháng chiến của một nước nông nghiệp lạc hậu chống lại một nước đế quốc có nền kinh tế công nghiệp hiện đại. Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử và các điều kiện khách quan, chủ quan, Đảng và Chính phủ ta đã đề ra đường lối chung cho cuộc kháng chiến là: "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh". Tinh thần của đường lối chung này được quán triệt, vận dụng vào tất cả các lĩnh vực kháng chiến. Về kinh tế, Đảng và Chính phủ xác định rõ chính sách kinh tế kháng chiến có hai nội dung: Phá hoại kinh tế của địch và xây dựng kinh tế của ta. Do thực dân Pháp đánh ta trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt đối với kinh tế, chúng chủ trương bao vây kinh tế kháng chiến hòng làm cho sản xuất bế tắc, thị trường rối loạn. Để chống lại, ta không chỉ đánh địch trên mặt trận quân sự mà còn đánh địch trên cả mặt trận kinh tế. Nghị quyết của Hội nghị cán bộ Trung ương ngày 3 tháng 4 năm 1947 nêu rõ: Phá kinh tế địch bằng cách tẩy chay và phá hoại quân sự. Làm cho địch không kinh doanh, bóc lột gì được, không thực hiện được chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh". Tất cả những gì có lợi cho địch (lương 158
  14. thực, quần áo, đạn dược, đầu máy, xe cộ...) thì phải đốt phá, nếu ta không chiếm được để dùng [Văn kiện Đảng, 2001, tập 8, 181]. Đồng thời với nhiệm vụ phá hoại kinh tế địch, Chính phủ triển khai xây dựng nền kinh tế kháng chiến theo 2 nguyên tắc: "Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc" và "Tự cung, tự cấp về mọi mặt". Cụ thể: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc: Kháng chiến, kiến quốc được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực. Việc xây dựng kinh tế lúc này "về hình thức là kinh tế chiến tranh, về nội dung là dân chủ mới" [Trường Chinh, 1959, 35-36]. Trong đó tính chất kháng chiến được ưu tiên hàng đầu, tất cả cho kháng chiến thắng lợi; quá trình xây dựng và phát triển kinh tế cũng nằm trong mục tiêu "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Đối với kinh tế, cần chú trọng phát triển nông nghiệp, tiếp đến là thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghiệp. Trong công nghiệp, chú trọng phát triển công nghiệp quốc phòng và khai thác nguyên liệu. Tự cung, tự cấp về mọi mặt: Do bị bao vây phong toả với bên ngoài và giữa các vùng với nhau, nên phải tự cung, tự cấp về mọi mặt. Chúng ta phải tự mình giải quyết những nhu cầu cho kháng chiến, không phụ thuộc vào nước ngoài để có thể đảm bảo kháng chiến trường kỳ. Tập trung sản xuất những thứ cần thiết, đáp ứng nhu cầu kháng chiến và dân sinh, không sản xuất những xa xỉ phẩm. Bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, trường học cũng phải dành một phần thời gian để sản xuất tự túc, giảm bớt gánh nặng đóng góp của nhân dân. b. Đặc điểm tình hình kinh tế Thực hiện chủ trương, chính sách kinh tế kháng chiến của Chính phủ, trước khi rút khỏi các thành phố, các vùng đồng bằng lên các chiến khu, ta đã thực hiện "tiêu thổ kháng chiến", làm vườn không nhà trống, phá đường, cầu cống, công sở và các cơ sở kinh tế của Pháp1. Chúng ta còn thực hiện bao vây, phá hoại kinh tế địch. Tại các cơ sở công nghiệp của Pháp vùng tạm chiếm, ta đã tháo gỡ máy móc và dụng cụ, làm cho 1 Trong những ngày đầu kháng chiến, ta đã phá hủy 1.060 km đường sắt, 5.640 km đường bộ, 30.500 chiếc cầu và cống, 59.100 nhà xưởng, 84 đầu máy và 868 toa xe lửa [Đặng Phong, 2002, tập 1, 240]. 159
  15. sản xuất công nghiệp của Pháp ở nhiều nơi gần như bị tê liệt. Nhìn chung, chúng ta đã thực hiện "tiêu thổ kháng chiến" tốt. Tuy nhiên, trong phá hoại kinh tế địch, chúng ta mắc một số sai lầm ở vài nơi như chậm trễ trong việc phá hoại làm cho địch kịp thời sử dụng đường sá để tấn công, một số nơi lại chủ trương phá ở cả những nơi không cần phải phá. Tuy vậy, việc phá hoại trên quy mô toàn quốc có ý nghĩa to lớn, làm cho quân đội Pháp bị vây hãm, khả năng tấn công bị giảm sút và chậm lại. Bên cạnh "phá hoại kinh tế địch" thì "xây dựng kinh tế ta" là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt của vùng tự do. Kinh tế kháng chiến vùng tự do được xây dựng, phát triển qua hai đoạn với những đặc điểm tình hình khác nhau, đó là giai đoạn 1947-1950 và giai đoạn 1951-1954. • Kinh tế giai đoạn 1947-1950 Tư tưởng chỉ đạo kinh tế giai đoạn này là xây dựng cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến lâu dài, kinh tế phục vụ kháng chiến. - Nông nghiệp Trong giai đoạn này, nước ta vẫn là nước có nền kinh tế lạc hậu; trong đó, nông nghiệp là ngành chủ đạo. Chính vì thế chủ trương của Chính phủ là chú trọng phát triển nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho kháng chiến và đời sống người dân. Để khuyến khích, phát triển nông nghiệp, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau. Đó là, thực hiện giảm tô thuế, bước đầu thực hiện "người cày có ruộng". Ngày 14 tháng 7 năm 1949, Chính phủ ban hành Sắc lệnh 78/SL nhắc lại giảm tô 25%, xóa địa tô phụ và chế độ "quá điền". Tiếp theo vào tháng 5 năm 1950, Chính phủ ban hành Quy chế về việc tạm cấp ruộng đất của Việt gian, thực dân Pháp cho nông dân, bộ đội, du kích và những người tá điền đã từng lĩnh canh trên mảnh đất đó. Chính phủ còn cho nông dân vay vốn để mua trâu bò, nông cụ, giống, phân bón, chi phí thủy lợi, khai hoang, mở rộng chăn nuôi, phát triển nông nghiệp. Từ năm 1947 đến 1951, Sở tín dụng sản xuất đã cho khu vực nông nghiệp vay 181 triệu đồng [Nguyễn Ngọc Minh, 1966, 166]. Năm 1947, Bộ Canh nông thực hiện vận động nông dân vào làm ăn tập thể. Lúc đầu phong trào tương đối rầm rộ; song vì tổ chức ào ạt, nhận 160
  16. thức và quản lý chưa tốt, nên sau đó có nhiều hợp tác xã đã giải tán. Năm 1949, Chính phủ có chính sách rõ ràng hơn về hợp tác xã nông nghiệp. Nhờ đó, các địa phương lại phát triển các hình thức hợp tác từ tổ đổi công, hợp công đến hợp tác xã. Những hình thức kinh tế tập thể thời này đã có tác dụng nhất định đối với sự phát triển và bảo vệ sản xuất. Trong giai đoạn này, việc cải tiến kỹ thuật canh tác và tổ chức chống địch phá hoại sản xuất nông nghiệp cũng được Chính phủ quan tâm. Đội ngũ chuyên gia nông nghiệp được cử xuống cơ sở tìm hiểu tình hình thực tế, đưa ra những sáng kiến đổi mới kỹ thuật thích hợp để phát triển nông nghiệp như dùng phân xanh bón ruộng, gieo trồng các giống lúa ngắn ngày, đưa các giống rau mới lên gieo trồng ở vùng núi... Chính phủ còn chỉ đạo quân và dân ta chống địch càn quét, phá hoại để bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân vùng tự do. Về thủy lợi, bộ đội, cơ quan đi đến đâu cũng tổ chức giúp dân xây dựng các cơ sở tiểu thủy nông để tăng vụ cho sản xuất, bảo vệ đê điều. Với sự giúp đỡ của cán bộ, bộ đội, rất nhiều nơi đã đẩy mạnh phong trào thủy lợi nhỏ, chuyển những ruộng một vụ thành ruộng hai vụ (thêm vụ chiêm). Từ năm 1946 đến năm 1950, hàng chục triệu ngày công lao động được huy động, đã đào được hàng chục triệu mét khối đất đá. Diện tích lúa được tưới tiêu tăng lên nhanh chóng, từ 22.500 héc ta (năm 1946) lên 134.000 héc ta (năm 1950). Trong suốt 8 năm kháng chiến, gần như không có vùng nào bị lụt, bị hạn, bị sâu bệnh phá hoại mùa màng. Những biện pháp trên đây của Chính phủ đã có tác dụng lớn trong việc giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp làm cơ sở kinh tế cho kháng chiến. Trong giai đoạn 1947-1950, sản xuất được duy trì bình thường, sản lượng lúa tăng lên, hoa màu tăng mạnh. Năm 1950, sản lượng lúa từ Bắc Trung Bộ trở ra đạt hơn 2.414.830 tấn. Các loại hoa màu: Ngô, khoai, sắn, đỗ cũng tăng nhiều. Riêng sắn, năm 1950, ở Việt Bắc đã tăng hơn những năm trước đến 100%. Việc chăn nuôi gia súc ở một số địa phương cũng tăng hơn trước. Nhìn chung, nông nghiệp thời kỳ này ổn định, có bước phát triển nhất định, đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho kháng chiến và dân sinh. 161
  17. - Công nghiệp Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có vai trò quan trọng. Để phục vụ kháng chiến, Đảng và Chính phủ có chủ trương phục hồi tiểu thủ công nghiệp và phát triển công nghiệp quốc phòng. + Công nghiệp quốc phòng Trong bối cảnh kháng chiến, Chính phủ chú trọng xây dựng, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Hệ thống công nghiệp quốc phòng được tổ chức từ Trung ương đến các tỉnh, huyện và các khu với quy mô nhỏ, phân tán, bí mật, dễ di chuyển. Nhiều máy móc được vận chuyển từ Hà Nội lên chiến khu để xây dựng các công binh xưởng, chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến. Trong thời này, ngành công nghiệp quân giới đã có nỗ lực lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quân đội. Sản xuất vũ khí tăng liên tục; nhiều loại vũ khí, đạn được chế tạo (súng mortier, súng SKZ không giật, các loại đạn lõm, mìn lõm, đạn đại bác...); chất lượng vũ khí được cải tiến. Đến năm 1949, vùng kháng chiến đã xây dựng được 130 xưởng sản xuất vũ khí, 21 xưởng quân dược, 20 cơ sở quân nhu. Trong bốn năm đầu kháng chiến, ngành quân giới sản xuất được 6.000 tấn vũ khí các loại. Ngành quân Y Dược sản xuất được các loại thuốc chữa bệnh sốt rét, penixilin dạng nước, chế được vỏ ống thuốc tiêm bằng thủy tinh, xi-lanh. Từ năm 1950, quân nhu đảm bảo đủ quân trang, quân phục cho bộ đội. Trong điều kiện đặc biệt, nước Việt Nam mới vừa ra đời đã phải tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những cơ sở công nghiệp đầu tiên hình thành không phải từ khu vực dân sự mà là từ quốc phòng. Những cơ sở này, trong kháng chiến thì đáp ứng cho nhu cầu quân sự; về sau thời hoà bình sẽ có bộ phận trở thành cơ sở phát triển công nghiệp quốc dân (dân sự). Đây là đặc điểm, cũng đồng thời là quy luật hình thành, phát triển của ngành công nghiệp ở nước ta từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945. + Công nghiệp dân dụng Các doanh nghiệp dân dụng (hay doanh nghiệp quốc doanh) của Nhà nước cũng được quan tâm xây dựng. Các doanh nghiệp này sản xuất và 162
  18. lưu thông theo kế hoạch của Nhà nước; được Nhà nước cấp vốn, trả lương, lãi nộp Nhà nước, lỗ Nhà nước bù. Công nghiệp quốc doanh được xây dựng, phát triển để đáp ứng nhu cầu kháng chiến và dân sinh. Trong công nghiệp quốc doanh, ngành khai thác than được ưu tiên phát triển. Một số xí nghiệp, nhà máy có từ thời Pháp như cơ khí, hóa chất, dệt... được khôi phục lại hoạt động. Các nhà máy cơ khí được xây dựng ở tất cả các chiến khu trong cả nước. Nhiệm vụ của các cơ sở này là sửa chữa máy móc, chế tạo các loại máy in, máy nổ, máy xát gạo, máy nghiền. Ngành luyện kim có bước tiến lớn với việc nấu gang bằng lò cao cỡ nhỏ (ở huyện Như Xuân, Thanh Hóa) năm 1950. Các địa phương đều cố gắng tự sản xuất các hóa chất thông thường như axit, xút, cồn, ête, phân bón đáp ứng nhu cầu kháng chiến và dân sinh. + Công nghiệp nhỏ và thủ công nghiệp Chính phủ chủ trương phục hồi và phát triển những ngành đáp ứng nhu cầu thiết yếu của kháng chiến và dân sinh (dệt, giấy, xà phòng); tạm ngừng hoạt động những ngành có tính chất xa xỉ (mỹ nghệ, thêu ren, sơn mài). Hầu hết cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp là của những tiểu chủ tản cư từ các thành phố đến vùng tự do. Chính phủ tạo điều kiện và giúp đỡ để họ duy trì, phát triển sản xuất. Nhà nước áp dụng các biện pháp khuyến khích thợ thủ công như cho vay vốn, cung ứng nguyên vật liệu, định mức thuế thích hợp hoặc không đánh thuế cho từng loại sản phẩm và phổ biến kinh nghiệm sản xuất. Tính từ tháng 3 năm 1947 đến tháng 9 năm 1948, Nhà nước đã cung cấp tín dụng cho 775 nhà kinh doanh trong tiểu thủ công nghiệp, với tổng số tiền là 2.252.580 đồng. Chính phủ còn chủ trương xây dựng cơ sở quốc doanh dân dụng để sản xuất công cụ lao động, hàng tiêu dùng cho bộ đội và nhân dân. Nhờ có sự khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ, các ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã sản xuất được nhiều loại sản phẩm đáp ứng một phần nhu cầu của nhân dân. Nghề sản xuất giấy từ chỗ chưa có cơ sở nào khi bắt đầu kháng chiến, đến năm 1950 đã tổ chức được hàng trăm cơ sở ở các liên khu, mỗi năm sản xuất được 1000-1500 tấn giấy. Nghề dệt được xây dựng ở tất cả các nơi trong vùng kháng chiến, ở Nam Bộ tự túc được 163
  19. 100% về nhu cầu ăn mặc (1949). Liên khu V (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) tự túc được toàn bộ vải mặc và còn cung cấp cho nơi khác. Liên khu II (Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu), liên khu IV (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) đã sản xuất được 16 triệu mét vải (1948) và 23,2 triệu mét vải (1950), đáp ứng được 40% nhu cầu của địa phương. - Thương nghiệp, giao thông vận tải và bưu điện + Thương nghiệp Hoạt động thương nghiệp vẫn chủ yếu nằm trong tay tư nhân. Nhà nước chỉ có cơ quan tiếp liệu để mua nhu yếu phẩm cho cơ quan và bộ đội. Đầu năm 1947, "Nha tiếp tế" được thành lập, đến tháng 2 năm 1948 thì đổi thành "Cục tiếp tế và vận tải". Cục tiếp tế và vận tải có nhiệm vụ cung ứng hàng hóa cho kháng chiến và dân sinh. Nhưng do chưa đáp ứng được yêu cầu, nên sau đó, các "Phòng tiếp liệu", "Cục ngoại thương" được Chính phủ lập ra để cùng với Cục vận tải và tiếp tế đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu vùng kháng chiến. Giá cả hàng hóa ở vùng kháng chiến có nhiều biến động theo thị trường và cũng chịu tác động rất lớn của chiến tranh. Trong hoàn cảnh các vùng bị chia cắt, việc giao thương gặp nhiều khó khăn, một số mặt hàng trở nên khan hiếm, ngược lại một số mặt hàng khác không tiêu thụ được. Giá cả trong điều kiện đó phụ thuộc nhiều vào cung cầu, ít phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa. Hai mặt hàng khan hiếm vào thời đó là muối và gạo, giá bị đẩy lên cao. Ngược lại, có một số mặt hàng nông thổ sản của vùng rừng núi hoặc do địch bao vây, hoặc do chính sách ngăn cấm giao lưu, bị ứ đọng quá nhiều, giảm giá một cách nghiêm trọng. Sự biến động về giá cả cũng thể hiện rõ trong quan hệ tiền - hàng. Vào thời kỳ vùng tự do bị thu hẹp, lượng tiền lưu hành lớn bị dồn vào một khu vực nhỏ, sự mất cân đối tiền - hàng dẫn đến giá cả tăng lên. Ngược lại, khi giải phóng được các vùng Pháp tạm chiếm, thị trường được mở rộng, phạm vi lưu hành tiền cũng mở rộng, số lượng tiền và khối lượng hàng hóa được cân đối hơn, giá giảm xuống. 164
  20. Ngoại thương thời kỳ này là có sự buôn bán giữa vùng tự do với vùng Pháp tạm chiếm. Trong những năm đầu, Nhà nước áp dụng chính sách "bao vây kinh tế địch", ngăn cấm buôn bán giữa vùng tự do với vùng tạm chiếm để cô lập địch, đấu tranh kinh tế với địch. Tuy nhiên, tư thương vẫn mang hàng hóa ở vùng tự do sang vùng tạm chiếm và ngược lại. Chính sách ngăn cấm giữa hai vùng đã tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất. Vì thế từ năm 1950, Nhà nước áp dụng chính sách thương nghiệp mới "tự do nội thương, quản lý ngoại thương", chuyển từ chủ trương triệt để bao vây sang chủ trương vừa bao vây, vừa lợi dụng kinh tế địch. Chính sách kinh tế đúng đắn này đã tạo điều kiện khôi phục và phát triển sản xuất ở vùng tự do như dệt vải, làm giấy, sản xuất mực in, v.v... + Giao thông vận tải Giao thông vận tải có vai trò quan trọng trong kháng chiến, hoạt động kinh tế và dân sinh. Bước vào cuộc kháng chiến, công việc đầu tiên của giao thông vận tải là phá hoại đường sá, cầu cống và phương tiện vận tải để Pháp không thể tấn công vào các vùng kháng chiến. Chính phủ thành lập một hội đồng chuyên trách điều hòa đảm bảo vừa phá hoại, ngăn cản bước tiến quân của địch, vừa đảm bảo giao thông vận tải phục vụ cho kháng chiến, thực hiện phương châm "ta đi được mà địch không đi được" [Đặng Phong, 2002, T1, 316]. Từ năm 1948, các khu căn cứ địa đã được củng cố tương đối vững chắc, việc phá hoại đường sá để ngăn bước tiến của quân thù đã đạt yêu cầu. Cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn mới, Chính phủ chỉ đạo sửa lại và làm thêm đường mới ở những nơi ta kiểm soát để đảm bảo giao thông vận tải phục vụ cho kháng chiến. Năm 1949 sửa được hơn 400 km đường bộ, hàng nghìn mét cầu cống qua sông, qua lạch được bắc lại. Đến năm 1950, do nhu cầu vận chuyển hàng quân sự bằng cơ giới, nhiều đường cũ đã được mở rộng cùng với việc xây dựng một số đường mới như Bắc Sơn, Đình Cả - Thái Nguyên. Khu IV đã nạo vét thêm nhiều con kênh để vận chuyển những loại hàng hóa nặng cho các công binh xưởng trong rừng núi. Trong giai đoạn này phương tiện vận tải chủ yếu vẫn là phương tiện thô sơ. Cán bộ đi công tác dùng xe đạp hoặc đi bộ. Hàng hóa vận chuyển 165
nguon tai.lieu . vn