Xem mẫu

  1. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA GIÁO DỤC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CHO TRẺ MẪU GIÁO TRONG HOẠT ĐỘNG KHÁM PHÁ MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH Tạ Thị Kim Nhung Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tathikimnhung@dhsphue.edu.vn Nguyễn Thị Bích Thảo Bộ Giáo dục và Đào tạo ntbthao@moet.gov.vn Tưởng Thị Quỳnh Nga Trường mầm non Quảng Phú, Quảng Bình Tóm tắt: Bài báo đề cập đến thực trạng giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho trẻ mẫu giáo (MG) trong hoạt động khám phá môi trường xung quanh (MTXQ). Kết quả khảo sát trên 30 giáo viên mầm non ở tình Quảng Bình cho thấy nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục này còn một số hạn chế. Từ đó, chúng tôi đề xuất biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục ứng phó BĐKH ở trường mầm non. Từ khóa: Giáo dục, biến đổi khí hậu, trẻ mầm non, môi trường xung quanh. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Biến đổi khí hậu đang có những ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt của đời sống con người, đặc biệt là trẻ em. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), tác động trực tiếp của thiên tai cùng với BĐKH có thể dẫn đến những hậu quả sức khỏe hết sức nghiệm trọng (dẫn theo Phan Thùy Linh và Lê Thị Thanh Hương, 2013). Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương do BĐKH. Theo Vũ Thị Mai Trang và Hà Văn Như (2014), Việt Nam là một trong những nước có số thảm họa tự nhiên và số người bị ảnh hưởng bởi thảm họa tự nhiên nhiều nhất trên thế giới. Trẻ mầm non là đối tượng nằm trong nhóm dễ bị tổn thương bởi BĐKH vì sức đề kháng cũng như khả năng phòng vệ còn yếu. Những vấn đề về sức khỏe mà trẻ gặp phải do BĐKH là đuối nước, các bệnh truyền nhiễm qua đường ăn uống, hô hấp, bệnh suy dinh dưỡng,… và cả những sang chấn về tâm lý khi mất người thân, thất lạc, chứng kiến những thảm họa xảy ra. UNICEF (2008) đã đưa ra một số hoạt động ứng phó với BĐKH liên quan đến trẻ em trong đó có nội dung “Giáo dục kỹ năng sống kết hợp với giáo dục môi trường lồng ghép trong chương trình giáo dục, bao gồm khoa học, toán học, sức khỏe, nâng cao trình độ nhận thức về biến đổi khí hậu” (dẫn theo Donna L. và cs., 2008). Trong đề án ‘‘Đưa các nội dung ứng phó với BĐKH vào các chương trình Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2011-2015” được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Quyết định số 4619/QĐ-BGDĐT ngày 12/10/2010, tiểu đề án “Đưa nội dung giáo dục ứng phó với BĐKH vào các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) giai đoạn 2011-2015” hướng tới mục tiêu chung: Nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành của cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên mầm non (GVMN) cũng như các bậc cha mẹ về BĐKH và ứng phó, giảm nhẹ tác hại của BĐKH trong các cơ sở GDMN; trên cơ sở đó giáo dục trẻ nhận biết, hình thành thái độ, hành vi, kỹ năng sống tích cực nhằm ứng phó với BĐKH”. 162
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 Trong chương trình GDMN, tổ chức hướng dẫn trẻ khám phá MTXQ là hoạt động quan trọng nhằm cho trẻ làm quen, trải nghiệm và hình thành những biểu tượng ban đầu về thế giới xung quanh. Chính vì vậy, đây là hoạt động có nhiều cơ hội cung cấp cho trẻ những kiến thức sơ đẳng về sự biến đổi bất thường của khí hậu, giúp trẻ hiểu được nguyên nhân, hậu quả và biện pháp ứng phó với BĐKH. Từ đó, trẻ tránh được sự ảnh hưởng của BĐKH đến bản thân, tích cực bảo vệ môi trường sống. 2. KHÁCH THỂ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Khách thể nghiên cứu Khách thể nghiên cứu là 30 giáo viên tại 2 trường mầm non Quảng Tùng và Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp nghiên cứu là điều tra bằng bảng hỏi. Bảng hỏi gồm 5 câu hỏi nhằm khảo sát về mức độ triển khai quá trình giáo dục, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và khó khăn khi giáo dục ứng phó với BĐKH. Mỗi câu hỏi được chia theo thang likert 5 mức độ. Kết quả được xử lý bằng phần mềm SPSS 18.0. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Hình thức triển khai giáo dục ứng phó biến đổi khí hậu Kết quả khảo sát mức độ triển khai công tác giáo dục ứng phó biến đổi khí hậu được thể hiện trong bảng số liệu dưới đây Bảng 1. Mức độ triển khai giáo dục ứng phó biến đổi khí hậu Stt Các hoạt động ĐTB ĐLC 1 Tổ chức sinh hoạt chuyên đề cấp trường 2,83 0,91 2 Sinh hoạt theo tổ chuyên môn 3,33 0,84 3 Dự giờ kiểm tra đánh giá thường xuyên 3,10 1,13 4 Xây dựng kế hoạch theo tháng, quý, năm học 3,37 1,06 Ghi chú: ĐTB: 1≤ Điểm trung bình ≤ 5; ĐLC: độ lệch chuẩn Bảng trên cho thấy việc triển khai lồng ghép nội dung giáo dục ứng phó biến đổi khí hậu cho trẻ đã thực hiện theo nhiều hình thức nhau ở mức khá thường xuyên, trong đó việc “xây dựng kế hoạch theo tháng, quý năm học” có điểm trung bình cao nhất, còn việc “tổ chức sinh hoạt chuyên đề cấp trường” ít được triển khai nhất. Như vậy, có thể thấy việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề ở cấp trường có khó khăn hơn, điều này phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó năng lực tổ chức quản lý của ban giám hiệu rất quan trọng. Những hoạt động còn lại phổ biến, vì đó chính là các hoạt động thường kỳ ở trường mầm non, dễ thực hiện hơn. 3.2. Nội dung giáo dục ứng phó ứng phó biến đổi khí hậu Chúng tôi đã đưa ra 5 nội dung cần thiết để giáo dục BĐKH cho trẻ ở để khảo sát các giáo viên, kết quả thể hiện ở bảng 2. Kết quả ở bảng 2 cho thấy, về cơ bản các giáo viên đã đánh giá khá đúng đắn về mức độ cần thiết các nội dung giáo dục ứng phó BĐKH cho trẻ, với điểm trung bình đạt từ 3,0 đến 3,67. Trong đó, nội dung “trẻ biết được hậu quả BĐKH và một số nguyên nhân gây nên BĐKH” được đánh giá là cần thiết nhất; nội dung “khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của trẻ” ở mức ít cần thiết nhất. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nội dung “giáo dục về khả năng ứng phó 163
  3. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BĐKH” nên là nội dung cần được quan tâm hàng đầu. Bởi vì, BĐKH có ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt hàng ngày, sức khỏe của con người trong đó trẻ nhỏ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính vì vậy, việc giáo dục nội dung này một cách đầy đủ sẽ giúp trẻ có khả năng ứng phó với những sự cố, những bất lợi của hoàn cảnh sống như nhiệt độ thay đổi, lũ lụt, hạn hán, bão,… để có thể tồn tại và phát triển tốt. Bảng 2. Mức độ cần thiết của các nội dung giáo dục ứng phó BĐKH STT Các nội dung ĐTB ĐLC 1 Cung cấp kiến thức cơ bản về khí hậu và thời tiết xung quanh trẻ 3,43 1,04 Trẻ nhận biết được các mức độ biểu hiện một số hiện tượng tự nhiên, dấu 2 3,43 0,82 hiệu thời tiết, khí hậu bất thường 3 Trẻ biết được một số nguyên nhân gây nên BĐKH 3,63 0,80 4 Trẻ biết được hậu quả của BĐKH 3,67 0,92 5 Trẻ có khả năng ứng phó với BĐKH 3,0 1,27 Ghi chú: ĐTB: 1≤ Điểm trung bình ≤ 5 ; ĐLC: độ lệch chuẩn 3.3. Phương pháp giáo dục ứng phó biến đổi khí hậu Giáo dục trẻ MN sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Chúng tôi đã đề xuất 7 phương án để khảo sát mức độ sử dụng các phương pháp này trong giáo dục ứng phó BĐKH cho trẻ MG thông qua hoạt động khám phá MTXQ. Kết quả khảo sát thu được như sau: Bảng 3. Mức độ sử dụng các phương pháp giáo dục ứng phó BĐKH cho trẻ STT Các phương pháp ĐTB ĐLC 1 Phương pháp trực quan 3,73 0,74 2 Phương pháp dùng lời 3,93 0,74 3 Phương pháp dùng trò chơi 3,60 0,67 4 Phương pháp thực hành, luyện tập 3,77 0,93 5 Phương pháp nêu gương, đánh giá 3,27 1,08 6 Phương pháp nêu tình huống có vấn đề 2,63 1,19 7 Phương pháp thí nghiệm 2,40 1,04 Ghi chú: ĐTB: 1≤ Điểm trung bình ≤ 5; ĐLC: độ lệch chuẩn Bảng 3 cho thấy đa số các phương pháp được giáo viên sử dụng ở mức độ khá thường xuyên và thường xuyên, với giá trị trung bình đạt thấp nhất từ 2,4 đến cao nhất 3,93. Trong đó, phương pháp dùng lời được sử dụng nhiều nhất (ĐTB đạt 3,93). Để đạt hiệu quả giáo dục tốt việc sử dụng phối hợp nhiều phương pháp khác nhau là điều hợp lý. Phương pháp dùng lời được giáo viên dùng nhiều nhất có thể vì đây là phương pháp dễ sử dụng và quen thuộc với các giáo viên nên họ ít phải đầu tư về thời gian cũng như cơ sở vật chất cho việc dạy học. Ngược lại, phương pháp nêu tình huống có vấn đề và phương pháp thí nghiệm là những phương pháp kích thích sự sáng tạo, suy nghĩ và hứng thú của trẻ nhưng lại ít được sử dụng. Nguyên nhân có thể do những phương pháp này đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian vào việc chuẩn bị đồ dùng dạy học cũng như tìm hiểu kiến thức khoa học về BĐKH nên họ chưa sử dụng thường xuyên như các phương pháp khác. 3.4. Hình thức giáo dục ứng phó ứng phó biến đổi khí hậu Hoạt động khám phá MTXQ cho trẻ MG được tiến hành trên tiết học và ngoài tiết học. Chúng tôi đã khảo sát việc giáo dục ứng phó biến đổi khí hậu cho trẻ mẫu giáo thông qua hai hình thức này với các mức độ từ: 1 = không bao giờ; 2 = thỉnh thoảng; 3 = khá thường xuyên; 4= thường 164
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 xuyên; 5= rất thường xuyên. Kết quả cho thấy việc lồng ghép các nội dung giáo dục ứng phó biến đổi khí hậu thông qua hình thức trên tiết học (giờ học “làm quen với môi trường xung quanh” đạt mức thường xuyên (ĐTB: 3,70; ĐLC: 1,02)); tiếp đến là lồng ghép thông qua hình thức ngoài tiết học “hoạt động ngoài trời” (ĐTB: 3,47; ĐLC: 0,93); hoạt động vui chơi ở các góc (ĐTB: 3,07; ĐLC: 0,83); hoạt động lao động (ĐTB: 3,00; ĐLC: 1,17) đều đạt mức khá thường xuyên. Điều này cho thấy các giáo viên vẫn chú trọng giáo dục trẻ trong hoạt động học hơn các hoạt động còn lại. Có thể do đây là hoạt động giáo dục quan trọng và họ đã quen với cách tổ chức. Tuy nhiên, việc giáo dục ứng phó biến đổi khí hậu cho trẻ có thể thực hiện được trong hoạt động vui chơi và các hoạt động khác một cách hiệu quả với các điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất, thời gian và kỹ năng của giáo viên. 3.5. Khó khăn trong giáo dục ứng phó biến đổi khí hậu Giáo dục ứng phó với BĐKH cũng gặp những khó khăn nhất định. Khảo sát những khó khăn đó cho kết quả như sau: Bảng 4. Mức độ khó khăn theo đánh giá của giáo viên Các khó khăn ĐTB ĐLC Trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi còn thiếu 3,37 0,92 Số lượng trẻ đông 3,27 0,78 Tài liệu liên quan đến giáo dục ứng phó BĐKH còn ít cập nhập 3,13 0,97 Kinh phí hoạt động còn thiếu 4,13 1,25 Thời gian thực hiện còn ít 2,80 0,99 Tập huấn, bồi dưỡng về lồng ghép giáo dục ứng phó BĐKH cho trẻ 2,67 1,29 chưa thường xuyên Sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường chưa cao 2,17 0,98 Soạn giáo án có lồng ghép nội dung giáo dục ứng phó BĐKH và tổ 2,70 1,12 chức các hoạt động giáo dục còn ít Nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục ứng phó BĐKH của giáo viên, phụ huynh và cán bộ quản lý chưa cao 2,63 1,30 Ghi chú: ĐTB: 1≤ Điểm trung bình ≤ 5; ĐLC: độ lệch chuẩn Kết quả bảng 4 cho thấy các giáo viên đều đánh giá các chỉ tiêu chúng tôi đưa ra ở mức độ ít khó khăn và bình thường ngoại trừ “Kinh phí hoạt động”. Các ý kiến cho rằng khó khăn về kinh phí hoạt động là lớn nhất, có ĐTB 4,13. Điều này có thể lý giải do 2 trường mầm non khảo sát là những trường ở nông thôn nên điều kiện về kinh tế vẫn còn hạn chế nên huy động xã hội hóa từ phụ huynh không khả thi. Trong khi đó, nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ để làm đồ dùng đồ chơi và tổ chức các hoạt động giáo dục không có. Nhìn chung các giáo viên đã có những đánh giá khá lạc quan về các điều kiện để thực hiện giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu khi cho rằng họ hầu như không gặp khó khăn gì đáng kể. 4. KẾT LUẬN Giáo dục ứng phó với BĐKH có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành những kiến thức và kỹ năng sống cơ bản cho trẻ mẫu giáo trong bối cảnh BĐKH diễn ra với nhiều tác động tiêu cực như hiện nay. Tuy nhiên việc xác định nội dung lồng ghép, phương pháp và hình thức tổ chức ở trường mầm non chưa có những đột phá, vẫn chủ yếu dạy trên tiết học, giáo viên chưa xác định được những nội dung trọng yếu để giáo dục trẻ, phương pháp dạy học chủ yếu vẫn là những phương pháp truyền thống, kinh phí tổ chức các hoạt động giáo dục còn hạn chế… Chính vì vậy, cần có những biện pháp để nâng cao hiệu quả của quá trình giáo dục BĐKH như sau: (1) Bồi dưỡng kiến thức về BĐKH cũng như cơ sở lý luận và kỹ năng tổ 165
  5. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA chức các hoạt động giáo dục cho các giáo viên; (2) Sưu tầm, hệ thống hóa và cập nhật thường xuyên các tài liệu về giáo dục ứng phó biến đổi khí hậu cho trẻ mẫu giáo; (3) Phát huy nguồn lực sẵn có tại địa phương phục vụ cho công tác giáo dục trẻ TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014). Biến đổi khí hậu và giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu trong trường mầm non, NXB Giáo dục Việt Nam. [2] Donna L. Goodman, S. I., David Parker, Marta Santos Pais, et al. (2008). Climate Change and Children: A human security challenge, UNICEF, Innocenti Research Centre. [3] Phan Thùy Linh, Lê Thị Thanh Hương (2013). Tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe trẻ em. Tạp chí Y tế công cộng, 3.2013, Số 27 (27). [4] Vũ Thị Mai Trang, Hà Văn Như (2014). Một số đặc điểm dịch tễ học thảm họa tự nhiên tại Việt Nam trong giai đoạn 2002-2011. Tạp chí Y tế công cộng, 1.2014, Số 30 (30). Title: EDUCATION TO RESPOND TO CLIMATE CHANGE FOR PRESCHOOLERS IN THE SURROUNDING ENVIRONMENT DISCOVERY ACTIVITY Ta Thi Kim Nhung University of Education, Hue University tathikimnhung@dhsphue.edu.vn Nguyen Thi Bich Thao Ministry of Education and Training ntbthao@moet.gov.vn Tuong Thi Quynh Nga Quang Phu Kindergarten, Quang Binh province Abstract: The article introduces the reality of education to respond to climate change for preschoolers in in the surrounding environment discovery activity. Survey results on 30 preschool teachers in Quang Binh province showed that this content, method, model organizing the educational activity has some limitations. From that, we propose measures to improve the education to respond to climate change in kindergartens. Keywords: Education, climate change, preschool children, surrounding environment. 166
nguon tai.lieu . vn