Xem mẫu

  1. GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA LÊ ANH PHƯƠNG QUỲNH Khoa Giáo dục Chính trị Tóm tắt: Mô hình kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là một định hướng tất yếu và sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta phù hợp xu thế phát triển của đất nước. KTTT tác động đến tất cả các mặt của đời sống xã hội. Tất nhiên, không loại trừ đạo đức. Đánh giá đúng sự tác động của KTTT định hướng XHCN đến đạo đức và việc giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông hiện nay nhằm tìm ra những biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, đáp ứng nhu cầu của xã hội là một vấn đề cấp thiết hiện nay. Từ khóa: kinh tế thị trường, giáo dục đạo đức, học sinh phổ thông 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trước xu thế phát triển như vũ bão của thế giới, cùng với sự phân tích tình hình trong nước. Đảng, Nhà nước ta đã lựa chọn mô hình mới để phát triển đất nước - mô hình KTTT định hướng XHCN. Sự sáng suốt ấy đã được chứng minh bằng những bước phát triển vượt trội về mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Có thể nói, KTTT tác động đến tất cả các mặt của đời sống xã hội. Tất nhiên, không loại trừ đạo đức. KTTT đang tác động mạnh mẽ đến đạo đức lối sống của giới trẻ nói chung và học sinh phổ thông nói riêng. Trong khi đó thực trạng về giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông có nhiều bất cập, hiệu quả giáo dục chưa cao. Đánh giá đúng sự tác động của KTTT định hướng XHCN đến đạo đức và việc giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông hiện nay nhằm tìm ra những biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, đáp ứng nhu cầu của xã hội là một vấn đề cấp thiết hiện nay. 2. NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA 2.1. Sự tác động của KTTT định hướng XHCN đến quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh Trước hết phải khẳng định rằng, để phát triển được KTTT định hướng XHCN phải tôn trọng các quy luật của cơ chế thị trường, sự tự do hoạt động trên thị trường, quy luật cạnh tranh... Và tất nhiên chúng ta cũng chấp nhận những mặt hạn chế, khuyết tật của cơ chế thị trường. Trên thực tế về cơ bản những quy luật, đặc trưng của cơ chế thị trường đều được chúng ta tôn trọng và vận dụng trong mô hình kinh tế của mình. Định Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên năm học 2016-2017 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, tháng 12/2016: tr. 238-243
  2. GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG... 239 hướng XHCN chỉ là định hướng về mục tiêu, về tính xã hội của mô hình KTTT ở nước ta. Với ý nghĩa này, những mặt tiến bộ, tích cực cũng như những hạn chế của mô hình này đều có tác động đến xã hội, trong đó có đạo đức. * Về tác động tích cực - KTTT định hướng XHCN hình thành và phát triển tính năng động, tích cực của người lao động. Tác động này có thể thấy rõ nhất là ở thế hệ trẻ. Ngày nay, trong mọi hoạt động, tuổi trẻ rất năng động, sáng tạo, trong học tập cũng vậy. Tinh thần tự học, tự nghiên cứu phát triển mạnh trong sinh viên. Họ không quá lệ thuộc vào người thầy, người thầy đóng vai trò là người định hướng và giải quyết những vấn đề cơ bản giúp học sinh có nhận thức đúng đắn nhất. Trong hoạt động xã hội và hoạt động trong lĩnh vực khoa học, thế hệ trẻ cũng khẳng định được khả năng sáng tạo của mình. Không ít những người nhỏ tuổi nhưng đã có những công trình nghiên cứu, phát minh khoa học có ích cho cuộc sống. Tuổi trẻ ngày nay dám nghĩ, dám làm. - Nền KTTT định hướng XHCN là điều kiện tốt để đạo đức phát triển ngày một cao hơn. KTTT định hướng XHCN mở rộng, kích thích tiềm năng sáng tạo của con người, cũng có nghĩa đã tạo điều kiện cho sự giải phóng con người - một trong những mục đích, nội dung của đạo đức, là giá trị đạo đức cao đẹp. Sự điều tiết của nhà nước đã hướng nền KTTT đi đúng hướng phát triển của nước ta, đi theo con đường của CNXH mà chúng ta đã chọn, tôn trọng sự tự do cạnh tranh nhưng phải thực hiện đúng quy định của nhà nước, chịu sự chi phối của kinh tế nhà nước, lợi nhuận thu được phải dựa trên việc làm ăn chân chính, cạnh tranh lành mạnh phù hợp với đạo đức của con người, của dân tộc. * Tác động tiêu cực - KTTT định hướng XHCN làm cho sự phân hóa giàu nghèo càng sâu sắc, tạo ra và khoét sâu những mâu thuẫn xã hội, sinh ra nhiều vấn nạn xã hội tiêu cực như: tham nhũng, mê tín, thất nghiệp,… - Nền KTTT định hướng XHCN kích thích lối sống thực dụng cá nhân cực đoan, chạy theo đồng tiền. Lòng tham và lợi ích cá nhân làm cho nhiều giá trị đạo đức xã hội bị đảo lộn, coi trọng sự giàu sang , khinh miệt sự nghèo khó, coi thường đạo đức chính trị, luân lý. - Sự sùng bái nước ngoài. Tác động này xuất phát từ đặc trưng KTTT là một nền kinh tế mở. Do đó, qua con đường kinh tế, văn hoá và lối sống của các nước cũng tràn vào nước ta, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đặc biệt là lối sống của một số nước phương tây. Thực tế thì điều kiện về kinh tế và một số lĩnh vực khác của các nước phát triển hơn chúng ta rất nhiều. Từ đó, hình thành tư tưởng coi nước ngoài là trên hết, từ kinh tế đến lối sống, dẫn đến sự coi thường đất nước. Biểu hiện rõ nhất có lẽ là ở giới trẻ. Họ xem cái gì của nước ngoài cũng tốt đẹp, hiện đại hơn. Họ học đòi từ cách ăn mặc, kiểu tóc cho đến lối sống tự do, phóng túng, thực dụng,…
  3. 240 LÊ ANH PHƯƠNG QUỲNH 2.2. Thực trạng đạo đức của HS trong điều kiện KTTT định hướng XHCN hiện nay 2.2.1. Xu hướng tích cực - Tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Ngày nay, được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật tiên tiến, với phương tiện truyền thông hiện đại, học sinh đã dần phát huy được vai trò của mình. Ngay trong những giờ học trên lớp, học sinh đã chủ động, tích cực hơn, không còn quá lệ thuộc vào người thầy. Người thầy lúc này chỉ đóng vai trò hướng dẫn, định hướng cho học sinh học tập, lĩnh hội tri thức. Học sinh ngày nay do được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin nên đã nắm bắt được diễn biến tình hình trên nhiều lĩnh vực. Từ đó có cơ sở để tự học hỏi, nghiên cứu và nâng cao hiểu biết cho bản thân. - Phẩm chất ham học hỏi, vượt khó trong học tập, trong cuộc sống vì bản thân, gia đình và góp phần xây dựng xã hội.Thi đua học tập, vượt khó trong học tập, lao động là một trong những biểu hiện của lòng yêu nước trong giai đoạn hiện nay. Những phẩm chất này thực sự được phát huy trong học sinh. Đa số các em đều có tinh thần ham học hỏi, tìm tòi. Nhiều em đã học tập miệt mài suốt ngày đêm. Ở các em, học tập đã trở thành niềm đam mê. Đáng nói hơn là, bên cạnh những học sinh có điều kiện tốt, không ít những học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn về vật chất, về tinh thần, hay những học sinh bị tàn tật…đã cố gắng vượt lên hoàn cảnh, phấn đấu học tốt, rèn luyện đạo đức, rèn luyện bản lĩnh vững vàng. - Nhiệt tình với các hoạt động xã hội. Đầu tiên là phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Phải nói rằng hiện nay học sinh hầu hết đã tham gia rất tốt phong trào này ở trường, lớp, ở địa phương một cách tự nguyện, tự giác. Không chỉ vậy, học sinh còn tham gia nhiệt tình vào các hoạt động từ thiện khác như, quyên góp giúp đỡ người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ đồng bào lũ lụt, giúp đỡ những người tàn tật... Điều này cho thấy học sinh hiện nay có lòng biết sâu sắc đối với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, nhớ đến nguồn cội và các em biết thương yêu, chia sẻ với những số phận kém may mắn trong hiện tại. - Học sinh ngày nay rất trung thực,thẳng thắn dám bảo vệ cái tốt, cái đúng, dám chịu trách nhiệm trước hành động, việc làm của mình.Đây cũng là một biểu hiện đạo đức tốt của học sinh, thể hiện sự phát triển, trưởng thành hơn của học sinh THPT ngày nay. Phẩm chất này chính là một trong những cơ sở để học sinh hoàn thiện mình, hoàn thiện phẩm chất đạo đức của mình. 2.2.2. Xu hướng tiêu cực - Tính vô tổ chức kỷ luật, đề cao cá nhân. Việc đề cao bản thân làm cho các em luôn có suy nghĩ mình luôn luôn đúng, xem thường tất cả những người xung quanh kể cả bố mẹ. Từ đó tự quyết định những điều chỉ cần bản thân cho là đúng, là phù hợp. Lối sống buông thả, bất cần cũng từ đây mà sinh ra, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho gia đình, xã hội và đương nhiên bản thân các em là người chịu trách nhiệm trước nhất. - Lối sống thực dụng, quá đề cao đồng tiền, đua đòi, chạy theo những ham muốn, thị hiếu tầm thường. Cùng với dòng xoáy của cơ chế thị trường với hiện tượng đề cao quyền lực
  4. GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG... 241 của đồng tiền cùng với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú trên thị trường và sự mở cửa của nền kinh tế tạo điều kiện cho văn hoá nước ngoài ồ ạt xâm nhập vào nước ta, hình thành tính thực dụng, thích hưởng thụ của một bộ phận học sinh. - Mặt trái của cơ chế thị trường còn làm cho một bộ phận xã hội cũng như một số học sinh có tư tưởng sùng bái nước ngoài. Hầu hết học sinh phổ thông hiện nay chỉ ưa chuộng “hàng ngoại”.Cái gì của nước ngoài cũng tốt, cũng hiện đại, từ các loại hàng hoá cho đến lối sống, tư tưởng, quan niêm. Ngay như các loại hình nghệ thuật truyền thống học sinh cũng không muốn thưởng thức mà chỉ muốn thưởng thức những loại hình nghệ thuật của nước ngoài. 2.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức của HS trong điều kiện KTTT định hướng XHCN hiện nay 2.3.1. Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục đạo đức. Nội dung chương trình luôn được xác đinh là yếu tố quan trọng nhất. Những bất cập ở nội dung sách giáo khoa mà chúng tôi đã trình bày ở phần 2.1.2.1 đặt ra yêu cầu cần đổi mới, biên soạn mới nội dung sách giáo khoa để phù hợp hơn. Theo chúng tôi cần tăng thời lượng cho phần đạo đức, trình bày rõ ràng từng đơn vị kiến thức để giáo viên, học sinh dễ tìm hiểu hơn. Đồng thời tăng giờ ngoại khoá cho môn GDCD để giáo viên có điều kiện giáo dục học sinh tốt hơn. Phương pháp cũng là vấn đề quan trọng. Nội dung chương trình tốt nhưng nếu sử dụng phương pháp không phù hợp thì cũng khó đạt hiệu quả cao. Và có lẽ các nhà giáo dục, các giáo viên giảng dạy cũng đều nhận thấy tầm quan trọng của phương pháp. Hiện tại, tuy rằng trong toàn ngành giáo dục đang có chủ trương chú trọng đến việc đổi mới phương pháp, nhưng thực tế thì chưa được thực hiên phổ biến. Nhiều giáo viên vẫn thiên về phương pháp truyền thống, các phương pháp vấn đáp, trực quan, thảo luận nhóm, kể chuyện… ít được sử dụng. Ở phần đạo đức nếu chỉ thuyết trình thì hẳn là không đạt hiệu quả cao mà cần phải sử dụng nhiều phương pháp khác nhau phù hợp với từng nội dung kiến thức của bài. Từ đó, để giờ dạy đạo đức hấp dẫn, bổ ích và đạt hiệu quả cao thì việc đổi mới phương pháp là thực sự cần thiết. 2.3.2. Đổi mới các hình thức giáo dục đạo đức Thực ra hình thức giáo dục có thể trình bày cùng với phần nội dung, phương pháp. Song, chúng tôi tách vấn đề này ra là bởi muốn nhấn mạnh hơn tầm quan trọng và hiện trạng bất cập trong việc sử dụng các hình thức giáo dục đạo đức cho học sinh hiện nay. Có thể khẳng định, việc đổi mới hình thức giáo dục đạo đức cho học sinh hiện nay là một điều quan trọng.Vì sao vậy? Bởi hiện tại các trường phổ thông chủ yếu sử dụng hình thức trực tiếp-thông qua giờ học trên lớp. Hình thức giáo dục gián tiếp mới dừng lại ở việc tổ chức các hoạt động từ thiện hoặc tổ chức kỷ niềm các ngày lễ lớn của dân tộc ở quy mô nhỏ. Còn những hình thức như tổ chức diễn đàn các vấn đề xã hội, đặc biệt là tổ chức tham quan thực tế ít được sử dụng, thậm chí có trường không sử dụng. Trong khi những hình thức này được giáo viên, học sinh đánh giá cao và đều nhận thấy
  5. 242 LÊ ANH PHƯƠNG QUỲNH đây là hình thức có hiệu quả nhất. Đặc biệt là khi tính năng động, sáng tạo của học sinh đang được phát huy mạnh mẽ như hiện nay. 2.3.3. Kết hợp giữa Gia đình– Nhà trường – Xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông * Từ phía gia đình. Mỗi gia đình phải là môi trường lành mạnh, phải tạo được bầu không khí đầm ấm, hoà hợp để nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi thành viên. Mỗi gia đình cần giữ gìn những truyền thống đạo đức của gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình có văn hoá, quan tâm đến nhau. Cha mẹ phải quan tâm nhiều đến con cái, tạo điều kiện để con cái mình tham gia các hoạt động đoàn thể, loại bỏ những quan niệm lạc hậu ( tư tưởng trọng Nam khinh Nữ, gia trưởng, áp đặt…). Cha mẹ phải là tấm gương sáng để con cái noi theo. Từ cách ứng xử của cha mẹ với nhau, với người xung quanh, từ lời ăn tiếng nói của cha mẹ đều tác động đến con cái. Vì thế các bậc cha mẹ cũng phải liên tục học hỏi, rèn luyện nhân cách. * Từ phía nhà trường. Cần xác định việc giáo dục đạo đức cho học sinh là trách nhiệm của tất cả các giáo viên, cán bộ công nhân viên trong trường. Giáo dục đạo đức phải thông qua tất cả các môn học, nhất là các môn thuộc khoa học xã hội. Nhà trường cần phát huy hơn nữa vai trò của các đoàn thể, nhất là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đoàn nên tổ chức nhiều hoạt động phong trào phong phú để thu hút học sinh tham gia. Qua đó giúp học sinh có điều kiện tốt để tìm hiểu nhau, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, xây dựng tập thể vững mạnh để giáo dục học sinh về tư tưởng cũng như hành vi. * Từ phía xã hội. Thực tế xã hội là vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với việc giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông. Vì tính năng động, hiếu kỳ của lứa tuổi là nguyên nhân để học sinh dễ hấp thụ khi tiếp xúc với những hiện tượng ngoài xã hội. Trong khi đó, xã hội ta còn tồn tại và nảy sinh nhiều tiêu cực, lại có sự thâm nhập của những luồng văn hoá không lành mạnh của nước ngoài làm các em dễ bị ảnh hưởng. Như vậy, từ phía Gia đình, Nhà trường cho đến Xã hội phải thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình để phát huy hết khả năng trong việc giáo dục học sinh và tất nhiên phải kết hợp chặt chẽ với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp để giáo dục học sinh. chỉ khi ở môi trường nào, ở bất kỳ đâu, học sinh cũng được tiếp xúc với lối sống lành mạnh, với tư tưởng tiến bộ, trong sang thì khi đó hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh mới có khả năng được cải thiện. Và điều đó chỉ có được khi có sự kết hợp chặt chẽ giữa Gia đình – Nhà trường – Xã hội. Do đó, xã hội cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm minh, dứt khoát những đối tượng vi phạm đạo đức, tác phong của cán bộ, Đảng viên, thực hiện triệt để việc chống tham nhũng, tham ô, hối lộ để củng cố lòng tin, củng cố lý tưởng của các em. Thực hiện có hiệu quả trong việc chống các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, an toàn cho thanh niên - học sinh. 3. KẾT LUẬN Giáo dục đạo đức cho đối tượng học sinh phổ thông luôn là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt của đời sống cá nhân mỗi người
  6. GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG... 243 cũng như toàn thể xã hội. Nó vừa là mục tiêu nhưng cũng đồng thời là động lực để phát triển đất nước. Trong điều kiện nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác giáo dục đạo đức cho HS đứng trước nhiều cơ hội, thuận lợi cũng như thách thức, khó khăn. Điều quan trọng nhất là công tác này phải có được sự vào cuộc của nhiều lực lượng. Trên cơ sở đánh giá những tác động tích cực cũng như tiêu cực của nền KTTT định hướng XHCN để đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của công tác có tầm quan trọng đặc biệt này trong giai đoạn hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Quốc Anh (1997). Công tác giáo dục đạo đức chính trị cho học sinh, sinh viên, Tạp chí Cộng sản, tháng 2 năm 1997. [2] Phạm Khắc Chung, Thực trạng và một số giải pháp giáo dục đạo đức cho thanh niên, sinh viên hiện nay. [3] Nguyễn Thế Kiệt (1996). Mối quan hệ giữa đạo đức và kinh tế trong việc định hướng các giá trị đạo đức hiện nay, Tạp chí Triết học, số 6/1996. [4] Huỳnh Khắc Vinh (1999). Xây dựng đạo đức, lối sống và chuẩn giá trị xã hội để phát triển toàn diện con người, Tạp chí Thông tin lý luận, số 3. LÊ ANH PHƯƠNG QUỲNH SV lớp GDCT 3, khoa Giáo dục Chính trị, trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
nguon tai.lieu . vn