Xem mẫu

  1. HỘI THẢO KHOA HỌC QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH – COMB 2016 GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP ĐÀ NẴNG TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP SOLUTIONS TO STRENGTHEN THE LINKS AND TO IMPROVE COMPETITIVE CAPABILITIES OF DA NANG ENTERPRISES IN THE CONTEXT OF INTEGRATION TS. Nguyễn Văn Hùng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội TP Đà Nẵng hung.icn@gmail.com TÓM TẮT Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng đem đến cho các Doanh nghiệp Đà Nẵng nhiều cơ hội nhưng cũng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức. Các doanh nghiệp Đà Nẵng có cơ hội vươn ra thị trường thế giới, tìm kiếm thị phần lớn hơn cho sản phẩm của mình; đồng thời, các doanh nghiệp cũng vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ với sản phẩm của các địa phương cũng như của các nước khác. Trong bối cảnh đó, để có thể hội nhập hiệu quả, các doanh nghiệp Đà Nẵng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước cần phải tăng cường liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Để góp phần làm rõ thêm vấn đề này, nhóm tác giả chọn nghiên cứu đề tài “Giải pháp tăng cường liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Đà Nẵng trong bối cảnh hội nhập”. Từ khóa: Liên kết; năng lực cạnh tranh; doanh nghiệp; hội nhập ABSTRACT The fact that the context of international economic integration is deeper and broader brings Danang enterprises not only many opportunities but also many challenges. Danang enterprises have the opportunity to reach out to the world market, seeking greater market share for their products; at the same time enterprises also face strong competition with products in other localities and other countries. In this context, to be able to integrate effectively, Danang enterprises, especially domestic enterprises need to strengthen links and improve their competitive capabilities. To help clarify this issue, the authors chose to research on the topic "Solutions to strengthen the links and to improve competitive capabilities of Danang enterprises in the context of integration." Key Words: Linkage, competitiveness; enterprises, economic integration 1. Giới thiệu Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, là cửa ngõ hướng ra biển của vùng Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) và là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của khu vực miền Trung – Tây Nguyên; Đà Nẵng có tiềm lực phát triển kinh tế lớn mạnh với khả năng trở thành đầu mối giao lưu kinh tế quốc tế, phát triển dịch vụ vận tải, giao nhận trong khu vực và quốc tế. Được sự hỗ trợ từ Trung Ương với Nghị Quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nền kinh tế Đà Nẵng đã có sự đổi mới tích cực với tốc độ tăng trưởng khá cùng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và chú trọng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu nhóm ngành kinh tế của thành phố đã có sự chuyển dịch tích cực trong những năm qua, theo hướng công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa trong một nền kinh tế mở, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, cũng như tăng dần tỷ trọng các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao. Xét cơ cấu kinh tế theo 03 nhóm ngành thì tỷ trọng nông, lâm, thủy sản giảm đều đặn từ mức 9,7% năm 1997 xuống còn 2,1% năm 2015; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đóng vai trò quan trọng, tăng nhanh trong giai đoạn đầu nhưng đã giảm thời kỳ sau và đạt mức 35,3% năm 2015; ngược lại tỷ trọng dịch vụ giảm xuống trong thời kỳ đầu nhưng đã tăng lên trở lại trong những năm gần đây, chiếm tỷ trọng cao nhất là 62,6% năm 2015. 34
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Mặc dù cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp và cơ cấu nội bộ ngành cũng thay đổi theo hướng tích cực tuy nhiên mức độ phát triển và mức độ đóng góp chưa cao, sự phát triển của các ngành dịch vụ chất lượng cao vẫn chưa toàn diện, còn thiếu những ngành công nghiệp chủ lực. Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, đặc biệt là phát triển thành trung tâm nghề cá vẫn còn nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thành phố. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Đà Nẵng những năm qua dù luôn duy ở mức cao nhưng xuất phát điểm với quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé nên vẫn còn chậm để rút ngắn khoảng cách so với các thành phố phát triển trong khu vực Đông Nam Á; mô hình tăng trưởng vẫn theo chiều ngang, chủ yếu dựa vào sự tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên và gia công hàng xuất khẩu; đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất còn chậm so với đầu tư phát triển hạ tầng; năng suất lao động xã hội vẫn còn thấp so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tiềm năng, lợi thế trên một số lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy hiệu quả; chưa khai thác được vị trí địa lý của thành phố với mục tiêu hình thành được trung tâm bán buôn, phát luồng hàng hóa; lợi thế về kinh tế biển, vai trò thành phố cảng biển, đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hoá ở khu vực. Đứng trước thực trạng đó, nghiên cứu “Giải pháp tăng cường liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Đà Nẵng trong bối cảnh hội nhập” được thực hiện nhằm tìm hiểu các khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; từ đó có cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Đà Nẵng trong thời gian tới. 2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết 2.1.1. Khái niệm NLCT doanh nghiệp NLCT ở cấp độ DN được khái niệm theo 03 cách tiếp cận: Thứ nhất, xem xét năng lực cạnh tranh cấp độ DN về phương diện lợi nhuận. Theo đó, năng lực cạnh tranh của DN là khả năng duy trì và mở rộng thị phần, gia tăng lợi nhuận. Đây là quan niệm khá phổ biến hiện nay khi xem xét năng lực cạnh tranh là khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ so với các đối thủ và khả năng “thu lợi” của DN. Thứ hai, năng lực cạnh tranh cấp độ DN được xem xét về phương diện khả năng cạnh tranh với các DN khác trong ngành. Năng lực cạnh tranh của DN là khả năng chống chịu trước sự tấn công của DN khác. Chẳng hạn, Hội đồng Chính sách năng lực cạnh tranh của Mỹ đưa ra định nghĩa: năng lực cạnh tranh là năng lực kinh tế về hàng hóa và dịch vụ trên thị trường thế giới… Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế Việt Nam có trích dẫn khái niệm năng lực cạnh tranh theo Từ điển Thuật Ngữ Chính sách thương mại (1997), theo đó, năng lực cạnh tranh là năng lực của một DN “không bị DN khác đánh bại về năng lực kinh tế”. Quan niệm về năng lực cạnh tranh như vậy mang tính chất định tính, khó có thể định lượng. Thứ ba, đồng nghĩa năng lực cạnh tranh với năng suất lao động. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năng lực cạnh tranh của DN là năng lực tạo ra năng suất lao động tương đối cao trên cơ sở sử dụng các yếu tố sản xuất có hiệu quả làm cho các DN phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh quốc tế. Theo M. Porter (1990), năng suất lao động là thước đo duy nhất về năng lực cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh của DN thể hiện thực lực và lợi thế của DN so với đối thủ cạnh tranh trong việc thỏa mãn tốt nhất các đòi hỏi của khách hàng để thu lợi ngày càng cao hơn. Như vậy, năng lực 35
  3. HỘI THẢO KHOA HỌC QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH – COMB 2016 cạnh tranh của DN trước hết phải được tạo ra từ thực lực của DN. Đây là các yếu tố nội hàm của mỗi DN, không chỉ được tính bằng các tiêu chí về công nghệ, tài chính, nhân lực, tổ chức quản trị DN,… một cách riêng biệt mà cần đánh giá, so sánh với các đối thủ cạnh tranh trên cùng một lĩnh vực, cùng một thị trường. Trên cơ sở so sánh các yếu tố đó, muốn tạo nên năng lực cạnh tranh, đòi hỏi DN phải tạo lập được lợi thế so sánh với đối thủ của mình. Nhờ lợi thế này, DN có thể thỏa mãn tốt hơn các đòi hỏi của khách hàng mục tiêu cũng như lôi kéo được khách hàng của đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, cần có sự so sánh giữa Lợi thế cạnh tranh (LTCT) và Năng lực cạnh tranh (NLCT) của một doanh nghiệp. Hoạt động của một doanh nghiệp bị tác động bởi những LTCT. Những lợi thế này, đến lượt nó, sẽ tạo ra những nguồn lực canh tranh. Sự phân biệt về bản chất của hai phạm trù này giúp cho nhóm nghiên cứu dễ dàng tiếp cận đến các quan điểm nghiên cứu NLCT khác nhau. Từ những cách tiếp cận trên, có thể đưa ra khái niệm năng lực cạnh tranh của DN như sau: “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, thu hút và sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất nhằm đạt lợi ích kinh tế cao và bền vững”. 2.1.2. Những yếu tố tác động đến NLCT của DN Mô hình Kim cương của M. Porter chỉ ra rằng có ít nhất 6 nhóm yếu tố tác động tới NLCT của DN: (1) “ngữ cảnh” của DN, (2) điều kiện cầu (thị trường), (3) điều kiện yếu tố (nguồn lực đầu vào), (4) các ngành cung ứng và liên quan (cạnh tranh ngành), (5) các yếu tố ngẫu nhiên và (6) yếu tố nhà nước. Tuy nhiên, các yếu tố trên cũng có thể được chia thành hai nhóm: (1) các yếu tố bên trong DN và (2) các yếu tố bên ngoài DN. a) Các yếu tố bên trong DN  Trình độ và năng lực tổ chức quản lý của DN Trình độ và năng lực tổ chức quản lý của DN thể hiện ở: (1) áp dụng phù hợp phương pháp quản lý hiện đại; (2) trình độ chuyên môn cũng như những kiến thức của đội ngũ cán bộ quản lý của DN; (3) trình độ tổ chức quản lý DN, thể hiện ở việc phân công nhiệm vụ, sắp xếp bố trí nhân sự cho phù hợp với công việc.  Trình độ thiết bị, công nghệ DN ứng dụng thiết bị, công nghệ phù hợp sẽ cho phép rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, công nghệ mới và phù hợp còn giúp DN nâng cao trình độ cơ khí hóa, tự động hóa của DN.  Trình độ lao động trong DN Lao động là lực lượng sử dụng công nghệ, điều khiển các thiết bị để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa; đồng thời, lao động còn là lực lượng tham gia vào việc cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quá trình sản xuất và đôi khi còn là lực lượng tạo ra cái mới.  Năng lực tài chính của DN Năng lực tài chính của DN thể hiện ở quy mô vốn, khả năng huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động… Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí sử dụng vốn. Ngoài ra, năng lực tài chính thể hiện ở “vốn” của DN còn thể hiện sức mạnh kinh tế của DN, thể hiện chỗ đứng của DN trên thương trường.  Khả năng liên kết và hợp tác với DN khác và hội nhập kinh tế quốc tế 36
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Khả năng liên kết và hợp tác của DN thể hiện ở việc nhận biết các cơ hội KD mới, chọn đúng đối tác để liên minh và vận hành hoạt động của liên minh một cách hiệu quả, đạt được mục tiêu đặt ra. Nếu DN không thể hoặc ít có khả năng liên minh hợp tác với các đối tác khác thì không những bỏ lỡ nhiều cơ hội KD mà còn có mối đe dọa nếu đối thủ cạnh tranh nắm bắt cơ hội ấy.  Trình độ năng lực marketing Năng lực marketing thể hiện ở khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường, khả năng thực hiện năng lực 4P (Product, Place, Prize, Promotion) trong hoạt động marketing, năng lực của nguồn nhân lực marketing. Nó giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm của DN, tác động tới khả năng tiêu thụ sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng, từ đó góp phần làm tăng doanh thu, tăng thị phần của DN và tăng vị thế của DN trên thị trường trong nước và quốc tế.  Trình độ nghiên cứu phát triển của DN Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến kỹ thuật, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất và hợp lý hóa sản xuất. Trong điều kiện hiện nay, khi mà khoa học công nghệ phát triển nhanh như vũ bão thì yếu tố này lại càng tác động mạnh mẽ đến NLCT của DN, bởi vì nếu không chịu đổi mới thì sản phẩm của DN chắc chắn sẽ trở nên lỗi thời, không thể cạnh tranh cùng các sản phẩm cùng loại trên thị trường. b) Các yếu tố bên ngoài DN Theo mô hình kim cương của M.Porter thì có tổng cộng 56 chỉ tiêu cụ thể được phân thành 4 nhóm sau: Một là, các điều kiện yếu tố đầu vào, gồm: kết cấu hạ tầng vật chất – kỹ thuật; hạ tầng hành chính, nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ, thị trường tài chính. Hai là, các điều kiện về cầu: sở thích của người mua, tình hình pháp luật về tiêu dùng, về công nghệ thông tin… Ba là, các ngành cung ứng và ngành liên quan: chất lượng và số lượng các nhà cung cấp địa phương, khả năng tại chỗ về nghiên cứu chuyên biệt và dịch vụ đào tạo, mức độ hợp tác giữa các khu vực kinh tế, khả năng cung cấp tại chỗ các chi tiết và phụ kiện máy móc. Bốn là, bối cảnh đối với chiến lược và cạnh tranh của DN, gồm hai phân nhóm là động lực và cạnh tranh (các rào cản vô hình, sự cạnh tranh của các nhà sản xuất địa phương, hiệu quả của việc chống độc quyền). Tuy nhiên, các yếu tố bên ngoài DN có thể được tóm gọn trong 5 nhóm: (1) thị trường, (2) thể chế - chính sách, (3) kết cấu hạ tầng, (4) các ngành hỗ trợ và (5) trình độ nguồn nhân lực.  Thị trường Thị trường chính là nơi tiêu thụ sản phẩm, đồng thời cũng là nơi để DN tìm kiếm các yếu tố đầu vào; đồng thời, là công cụ định hướng giúp DN đưa ra các chiến lược kinh doanh.  Thể chế - chính sách Thể chế - chính sách là nền tảng cho sự chấp hành chính sách pháp luật của DN. Nội dung của thể chế - chính sách bao gồm từ các quy định về pháp luật, chính sách về đầu tư, tài chính, đất đai, công nghệ, thị trường…, đến các hàng hóa, dịch vụ, địa bàn… được khuyến khích hay bị hạn chế đầu tư kinh doanh. Tóm lại, đó là tất cả các biện pháp điều tiết cả đầu vào lẫn đầu ra cũng như toàn bộ quá trình hoạt động của DN.  Kết cấu hạ tầng Kết cấu hạ tầng bao gồm cả hạ tầng vật chất – kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội như hệ thống giao thông, mạng lưới điện, hệ thống thông tin, hệ thống giáo dục đào tạo… Đây là tiền đề quan trọng, tác động mạnh tới hoạt động của DN, ảnh hưởng đến giá cả của sản phẩm dịch vụ. 37
  5. HỘI THẢO KHOA HỌC QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH – COMB 2016  Các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ Khi trình độ sản xuất càng hiện đại thì sự phụ thuộc lẫn nhau càng nhiều. Các ngành công nghiệp hỗ trợ không những tác động đến thời gian, năng suất mà còn tác động đến giá cả của sản phẩm. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Dựa trên cơ sở lý luận về các nhân tố ảnh hưởng đến NLCT của doanh nghiệp, bài viết sử dụng số liệu khảo sát trực tiếp 350 DN trong nước đang hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong năm 2015, và thông qua các nguồn số liệu đáng tin cậy từ Sở Công thương thành phố Đà Nẵng, các Hiệp hội doanh nghiệp…để đánh giá NLCT của DN Đà Nẵng, xác định những khó khăn của doanh nghiệp đang gặp phải, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay; từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục. 3. Thực trạng NLCT của DN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng 3.1. Tổng quan về các DN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng Trong giai đoạn 2011-2015, ước có 10.521 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 32.130 tỷ đồng. 99,51% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là DNNVV. Đến hết 2015, có khoảng 14.585 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đăng ký khoảng 79.709 tỷ đồng. Theo con số thống kê tại thời điểm năm 2015, số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 10 tỷ đồng trở lên chiếm 5,92%, số doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 1-10 tỷ đồng chiếm 62,69%, số doanh nghiệp có vốn từ 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng chiếm 19,95% và số doanh nghiệp vốn đăng ký dưới 500 triệu đồng chiếm 12,34%. Giai doạn 2011-2015, khu vực DNNVV của Thành phố đóng góp 45,8% GDP của Đà Nẵng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 41.500 tỷ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu là 346 triệu USD. Hàng năm, các DNNVV thu hút và giải quyết một số lượng lớn việc làm cho thành phố. Tính đến năm 2015, các DNNVV trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho khoảng 487.559 lao động, trong đó giai đoạn 2011-2015 giải quyết cho khoảng 78.514 lao động. Phần lớn DNNVV có quy mô đầu tư nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ-thương mại (chiếm hơn 80% tổng số doanh nghiệp). Số doanh nghiệp còn lại hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, nông lâm thủy sản. Doanh nghiệp Đà Nẵng mang tính tự phát, quản trị kiểu gia đình, chưa có định hướng xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng. Quá trình đổi mới công nghệ trong DNNVV còn chậm. Năng lực cạnh tranh yếu. Sản phẩm chưa đạt so với tiêu chuẩn quốc tế. DNNVV của thành phố còn nằm ngoài chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm của các tập đoàn nước ngoài, chưa trở thành một nhân tố quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của Thành phố. Phần lớn các DNNVV còn thụ động trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương. Số lượng doanh nghiệp tham gia Hiệp hội, câu lạc bộ vẫn chưa nhiều. Phân bố doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố chưa đều. Để được thuê đất trong các khu công nghiệp phải có dự án lớn với quy mô vài ngàn m2 đất, thiết bị hiện đại, đầu tư đồng bộ nên các doanh nghiệp siêu nhỏ không đủ điều kiện vào khu công nghiệp. Hơn nữa, thành phố có chính sách doanh nghiệp sản xuất được yêu cầu đóng xa khu dân cư nên ở các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang (nơi có các khu công nghiệp) có rất ít các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại dịch vụ phần lớn tập trung ở các quận trung tâm: 29,22% ở quận Hải Châu, 20,66% ở quận Thanh Khê1 1 Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Cục phát triển Doanh nghiệp, Cổng thông tin Doanh nghiệp http://business.gov.vn/tabid/98/catid/337/item/13985/t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-th%E1%BB%B1c-hi%E1%BB%87n- 38
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG 3.2. Các khó khăn DN gặp phải trong thời gian qua Do khả năng tiếp cận thông tin còn hạn chế, nghiên cứu này chỉ đi sâu đánh giá một số khó khăn điển hình mà DN tại thành phố Đà Nẵng gặp phải trong thời gian qua. Cụ thể: - Các yếu tố bên trong DN: (i) Năng lực tài chính; (ii) Khả năng liên kết và hợp tác với DN khác và hội nhập kinh tế quốc tế; (iii) Trình độ lao động trong DN; (iv) Trình độ thiết bị, công nghệ. - Các yếu tố bên ngoài DN: (v) Thị trường; (vi) Thể chế - chính sách; (vii) Kết cấu – hạ tầng. (i) Năng lực tài chính Trong thời gian qua, mặc dù chính quyền thành phố đã có những hỗ trợ tài chính như các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ đầu tư phát triển, hay các chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp, sản phẩm lưu niệm du lịch, và các chương trình hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước,…nhưng dường như các DN trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề huy động nguồn tài chính, tín dụng. Theo kết quả khảo sát của Viện NCPT Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng thực hiện vào tháng 6/2016 trên 350 DN nội địa, tỷ lệ DN khó tiếp cận (26,7%) hoặc không biết/không tiếp cận (65,34%) các nguồn hỗ trợ này vẫn còn khá cao. Lý do dẫn đến thực trạng này có thể bắt nguồn từ quy chế hoạt động và cơ chế cho vay của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV và Quỹ Đầu tư phát triển thành phố vẫn còn nhiều bất cập. Sau khi có quỹ, DN vẫn phải tiếp tục giải quyết bài toán về tài sản thế chấp thì mới được vay tiền2 dẫn đến việc DN không thiết tha với các quỹ hỗ trợ. Do đó, các DN chủ yếu chọn các nguồn vốn vay từ Ngân hàng thương mại cổ phần hoặc từ các nguồn vốn không chính thức như từ bạn bè, người thân hay “chợ đen”… Bên cạnh đó, phần lớn các DN trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính, tín dụng. Cụ thể, các DN gặp khó khăn vì lãi suất vay cao (39,20%), hoặc phải có tài sản thế chấp (30,80%), hoặc do điều kiện cho vay khó khăn (21,90%) và thủ tục vay phiền hà (19,60%). Bên cạnh đó, một tỷ lệ nhỏ DN (12%) cho biết phải mất các khoản chi phí không chính thức như phải trả thêm phụ phí và phải bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng. (ii) Khả năng liên kết và hợp tác với các DN khác và hội nhập kinh tế quốc tế Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng như hiện nay, nhu cầu liên kết và hợp tác giữa các DN ngày càng trở nên cần thiết, đặc biệt đối với các DNNVV tại thành phố, liên kết sẽ tạo nên quy mô DN lớn, làm tăng lợi thế và năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, DN tại địa phương hiện nay vẫn còn gặp khá nhiều vấn đề trở ngại đối với hoạt động liên kết và hợp tác. Cụ thể, khó khăn lớn nhất đối với các DN là vì thị trường nhỏ (34,01%); kế đến là vì DN lo sợ liên kết sẽ có nguy cơ bị mất bí quyết kinh doanh, bạn hàng (32,28%). Bên cạnh đó, liên kết còn mang tính hình thức và thị trường cạnh tranh không lành mạnh cũng là những khó khăn gây trở ngại đến hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, một số khó khăn khác ảnh hưởng đến hoạt động liên kết của doanh nghiệp đó là thiếu sự hỗ trợ, khuyến khích từ cơ quan quản lý nhà nước; DN chưa nhận thức đúng đắn về vai trò của liên kết,… (iii) Trình độ lao động của DN k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-dnnvv-2011-2015-c%E1%BB%A7a- %C4%91%C3%A0-n%E1%BA%B5ng.aspx 2 Nguồn: Trang thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông, Quỹ Đầu tư Phát triển TP Đà Nẵng triển khai cho vay, hỗ trợ Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tham gia bình ổn giá trên địa bàn TP, http://ictdanang.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=8503&Itemid=2 Ngọc Tân (2016), Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc của Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, http://www.baomoi.com/da-nang-thao-go-vuong-mac-cua-quy-bao-lanh-tin-dung-doanh-nghiep-nho-va- vua/c/18876595.epi 39
  7. HỘI THẢO KHOA HỌC QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH – COMB 2016 Đối với chất lượng nguồn nhân lực, DN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chủ yếu gặp khó khăn trong quá trình sử dụng lao động nhiều hơn là quá trình tuyển dụng lao động. Cụ thể, trong quá trình tuyển dụng lao động, DN gặp khó khăn nhất là ở chất lượng nguồn nhân lực có sẵn tại địa phương còn thấp nên chưa đảm bảo yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (23,34%); bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp tục là bài toán khó vì có đến 23,05% DN gặp phải khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Đối với việc sử dụng lao động tại DN, trình độ lao động tại các DN trên địa bàn thành phố vẫn còn thấp, và vẫn còn tồn tại thực trạng lao động thời vụ, thường xuyên bỏ việc gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh (29,11% DN được khảo sát). Bên cạnh đó, chi phí tiền lương tăng cao và khó khăn giữ chân lao động chất lượng cao cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của một số DN. Tuy nhiên, có một thực tế là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hiện nay chưa chủ động tham gia vào đào tạo, dạy nghề, chưa đứng ở vai trò là người đặt hàng, đưa ra yêu cầu với các cơ sở đào tạo. Do vậy, DN thường bị động trong việc sử dụng lao động đã qua đào tạo và chủ yếu sử dụng kết quả đào tạo nhân lực từ các cơ sở đào tạo, dạy nghề… (iv) Trình độ thiết bị, công nghệ Nhìn chung, các DN trên địa bàn thành phố hiện nay có trình độ sử dụng thiết bị, công nghệ chưa cao và các DN gặp khó khăn chủ yếu về chi phí đổi mới công nghệ cao (23,9%). Đối với việc lựa chọn đổi mới, chuyển giao công nghệ, có 14,7% DN gặp khó khăn. Một số Doanh nghiệp cho biết công nghệ sản xuất kinh doanh gây ảnh hưởng môi trường và công nghệ, thiết bị sản xuất đã lạc hậu nhưng với tỷ lệ không cao, lần lượt là 3,2% và 5,5%. (v) Thị trường Khó khăn về thị trường là khó khăn lớn nhất mà các DN trên địa bàn thành phố đang gặp phải, trong đó phần lớn các DN khảo sát cho biết đều gặp phải những khó khăn về tiếp cận thị trường đầu ra trong nước trong đó chủ yếu là vì cạnh tranh không lành mạnh, tình trạng phá giá, bán hàng nhái giữa các DN trong nước (31,99%), chi phí vận chuyển lớn (27,95%) và quy mô thị trường còn nhỏ (23,63%). Bên cạnh đó, 22,48% DN được khảo sát phản ánh gặp khó khăn về“Chưa tạo được thương hiệu”. Vấn đề về thương hiệu cũng là một trở ngại lớn cho các DN xuất khẩu khi tham gia vào thị trường quốc tế (23,49%); tuy nhiên, trái với thị trường nội địa, các DN xuất khẩu không vấp phải khó khăn vì cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN (13,42%). Ngoài ra, thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu (31,54%) và khó khăn trong việc tiếp cận thị trường (21,48%) là hai khó khăn gây trở ngại đáng kể cho DN xuất khẩu thực hiện hoạt động kinh doanh của mình trên thị trường quốc tế. (vi) Thể chế, chính sách Trong hơn một thập kỷ qua, thành phố Đà Nẵng được đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác cải cách hành chính nhà nước. Những nỗ lực không ngừng cải thiện chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách hành chính tại Đà Nẵng đã bước đầu mang lại cho thành phố nhiều kết quả tích cực, khả quan, có sức lan toả sâu rộng, tác động mạnh mẽ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Đà Nẵng vươn lên đạt được thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng của các chỉ số cấp tỉnh, đạt được sự hài lòng cao từ phía người dân và doanh nghiệp. Việc thực hiện các TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN. Các TTHC thuận lợi và thuận tiện sẽ tạo điều kiện cho DN đẩy nhanh tiến độ hoạt động, tiết kiệm thời gian và công sức thực hiện các thủ tục này. Đối với các khó khăn về thể chế và chính 40
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG sách mà DN gặp phải, phần lớn DN không gặp khó khăn đối với việc thực hiện một số thủ tục hành chính như thuế, BHXH, PCCC, thanh kiểm tra,… Tuy nhiên, mức đánh giá của Doanh nghiệp chủ yếu nằm ở mức “Bình thường”. Bên cạnh đó, thủ tục thanh kiểm tra (14,64%), thủ tục hoàn công (10,8%) và thủ tục BHXH (10,37%) là các thủ tục mà DN gặp phải bất lợi nhiều nhất. Bảng 1. Đánh giá của Doanh nghiệp về các thủ tục hành chính công Nguồn: Số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng thực hiện 2015 Bên cạnh đó, cũng cần nhắc đến những chương trình hỗ trợ, phát triển của thành phố trong thời gian qua và khả năng tiếp cận của DN đối với các thông tin hỗ trợ từ chính quyền thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy, nguồn thông tin DN nhận thấy dễ tiếp cận nhất là các phiên chợ việc làm, tập huấn của Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội với 30,38% lựa chọn, kế đến là các chương trình xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và hỗ trợ thông tin do thành phố tổ chức với 26,78%. Doanh nghiệp cũng cho biết dễ dàng tiếp cận với chuyên mục hỗ trợ miễn phí giúp DN đưa thông tin lên Cổng thông tin điện tử với 27,31% lựa chọn. Tuy nhiên, các DN lại tỏ ra không quan tâm hoặc chưa biết đến các chính sách, chương trình hỗ trợ của chính quyền thành phố hiện nay như các chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ, chính sách thu hút NNLCLC, chương trình phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch của thành phố. Đặc biệt, đối với Đề án Phát triển Doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020 và các quy hoạch đất đai, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố, số lượng DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin này chiếm tỷ trọng cao với lần lượt là 44,49% và 43,20%. Như vậy, rõ ràng là thể chế - chính sách của thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua mặc dù đã có những thay đổi đáng kể nhưng vẫn chưa tạo được tác động tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. (vii) Kết cấu – hạ tầng Công cuộc đổi mới trong những năm vừa qua đã mang lại cho Ðà Nẵng vóc dáng mới và thể hiện được tâm huyết của lãnh đạo cũng như sự ủng hộ hết mình của nhân dân trong việc làm mới bộ mặt đô thị; thành phố đã và đang chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, 41
  9. HỘI THẢO KHOA HỌC QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH – COMB 2016 đặc biệt là bộ mặt đô thị từng ngày thay đổi và phát triển không ngừng. Chọn phát triển hạ tầng giao thông làm bước đột phá, Đà Nẵng đặt từng dấu ấn công trình rõ nét, tạo nên nhiều diện mạo mới. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có đủ 4 loại đường giao thông thông dụng là: đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không và đều phát triển khá thuận lợi. Hệ thống khu cụm công nghiệp phụ trợ và hậu cần logistic đang dần được nâng cấp, xây dựng mới để phục vụ ngày càng tốt hơn cho cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ý kiến đánh giá của các DN được khảo sát thì hạ tầng Giao thông đường bộ được đánh giá cao nhất với các ý kiến đánh giá “rất tốt” và “tốt” đạt tỷ lệ là 87,3%, tiếp đến là doanh nghiệp hài lòng về hạ tầng của Bến cảng và Sân bay với ý kiến đánh giá “rất tốt” và “tốt” theo tỷ lệ lần lượt là 71,3% và 66,4%. Các nhóm hạ tầng khác của thành phố như Hậu cần logistic, Khu, cụm công nghiệp phụ trợ và Ga tàu tuy có tỷ lệ đánh giá “rất tốt” và “tốt” thấp hơn nhưng nói chung đều đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng của doanh nghiệp (với tỷ lệ đánh giá “rất tốt” và “tốt” từ 41,8% đến 55,4%). Biểu đồ 1. Đánh giá của doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng (ĐVT: %) Giao thông đường bộ Bến cảng Sân bay Ga tàu Hậu cần logistic Khu, cụm công nghiệp phụ trợ Nguồn: Số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng thực hiện 2015 3.3. Đánh giá chung Căn cứ vào kết quả nghiên cứu khảo sát các khó khăn của DN trên, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao NLCT của DN tại thành phố Đà Nẵng như sau: (i) Nhóm giải pháp về tài chính, tín dụng 42
  10. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG + Hỗ trợ vay vốn cho DN với lãi suất thấp để DN mở rộng sản xuất; tạo điều kiện cho Doanh nghiệp vay nguồn vốn ưu đãi từ các chính sách ưu đãi vốn của thành phố, các quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư phát triển hoặc từ Ngân sách Nhà nước. + Hỗ trợ cung cấp các gói vay tín chấp cho DNNVV; ban hành các chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay hoặc có thể thay đổi danh mục tài sản đảm bảo dưới hình thức cho thuê tài chính, tài trợ khoản vay thu, thậm chí cho vay không có tài sản đảm bảo trong thời gian trước mắt để giải quyết những khó khăn cho DN. (ii) Nhóm giải pháp về tăng cường liên kết giữa các DN + Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của liên kết của DN trên địa bàn thành phố bằng cách tổng hợp và đăng tải các dữ liệu, thông tin, bài học về liên kết doanh nghiệp trong nước và quốc tế; tổng kết nêu gương DN có thành tích phát triển nhanh nhờ vào biết liên kết, hợp tác, chia sẻ những câu chuyện thành công của DN. + Tăng cường hội thoại, đối thoại chia sẻ giữa nhà nước – doanh nghiệp, và doanh nghiệp – doanh nghiệp, và các tổ chức hỗ trợ khác trên địa bàn thành phố. + Phát huy vai trò của Hiệp Hội doanh nghiệp thành phố và các Hiệp hội Doanh nghiệp các quận trong kết nối doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, mở rộng phạm vi sang các tỉnh bạn. Tổ chức các hội thảo chuyên đề mang tính thời sự của các doanh nghiệp; các hội viên phải luân phiên chuẩn bị báo cáo tham luận, chuyên đề thảo luận tại hội thảo. Kết quả hội thảo được báo cáo cho UBND quận, UBND thành phố và các sở, ban ngành có liên quan để thành phố nắm bắt thực trạng hoạt động và nhu cầu được hỗ trợ (nếu có) của doanh nghiệp hội viên. (iii) Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực + Khuyến khích doanh nghiệp, xã hội đầu tư vào đào tạo nghề; có chính sách hỗ trợ công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng khuyến khích người học, người dạy và người sử dụng lao động công nhân có tay nghề. Đổi mới chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm theo hướng nâng cao cho các ngành lao động nặng nhọc, những công nhân có tay nghề cao, từ đó thu hút phần lớn lao động đi học nghề và tạo động lực để lao động tích cực học tập nâng cao tay nghề, tạo động lực cho người lao động phấn đấu, học tập. + Giao cho một số cơ quan Nhà nước cùng với các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhanh chóng xây dựng các cơ sở đánh giá và kiểm định chất lượng lao động qua đào tạo, cấp giấy phép hành nghề, đồng thời bắt buộc các DN trên địa bàn thành phố phải tuyển lao động có giấy phép hành nghề. Có biện pháp để cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên thu nhận thông tin phản hồi về mức độ hài lòng của các DN đối với “sản phẩm” của các cơ sở đào tạo. (iv) Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng công nghệ, thiết bị + Hỗ trợ chi phí xử lý nước thải, rác thải tại các DN để xử lý mùi hôi, rác thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. + Hỗ trợ DN cải tiến và phát triển công nghệ sản xuất, hỗ trợ kiến thức về CNTT trong điều hành và quản lý DN. + Hỗ trợ cho DN vay vốn từ các chương trình khuyến khích phát triển và cải tiến công nghệ; hỗ trợ thông tin, tạo điều kiện cho DN tiếp cận và tập huấn về các công nghệ mới. (v) Nhóm giải pháp về phát triển thị trường + Chính quyền thành phố nên có cơ chế rà soát lại số lượng DN trong cùng một ngành (như du lịch, khách sạn) để giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; tăng cường công tác kiểm tra thị 43
  11. HỘI THẢO KHOA HỌC QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH – COMB 2016 trường và có biện pháp chống tình trạng nhập lậu hàng hóa, hàng giả kém chất lượng ảnh hưởng đến người tiêu dùng và DN. + Chính quyền thành phố hỗ trợ cung cấp thông tin khách hàng, tìm kiếm các đối tác nước ngoài có uy tín, có thể hợp tác lâu dài để DN tạo được quan hệ làm ăn; hỗ trợ cho DN giải quyết các vấn đề hàng tồn kho do thị trường giảm sức mua, tạo niềm tin cho DN hoạt động và tiếp tục mở rộng thị trường. (vi) Nhóm giải pháp về thể chế-chính sách + Giảm bớt các đội quản lý kiểm tra không cần thiết; cần thanh kiểm tra tập trung để tiết kiệm thời gian cho DN; có chính sách hỗ trợ thiết thực cho các DNNVV. + Các thủ tục hành chính nên đơn giản, dễ hiểu và thực hiện qua mạng để tiết kiệm thời gian; các chủ trương, chính sách nên xây dựng chiến lược ổn định, lâu dài, phù hợp, tạo hành lang thông thoáng cho DN hoạt động; cán bộ hướng dẫn TTHC nên được đào tạo bài bản hơn vả về thái độ phục vụ lẫn năng lực hướng dẫn. + Có chính sách hỗ trợ về thuế, xuất nhập khẩu để DN thuận lợi trong hoạt động kinh doanh XNK được thuận lợi hơn. (vii) Nhóm giải pháp về kết cấu – hạ tầng + Giải quyết các hạn chế, bất cập về cơ sở hạ tầng, việc cung cấp các dịch vụ cơ bản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. + Đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn PCCC… trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. + Khảo sát, tìm hiểu nhu cầu về số lượng, chất lượng các dịch vụ phụ trợ mà DN trên địa bàn thành phố có nhu cầu sử dụng, trên cơ sở đó có định hướng, khuyến khích phát triển đối với các DN thuộc các lĩnh vực tương ứng trên địa bàn: Giáo dục – đào tạo; Nhà ở; Ăn uống; Vui chơi – giải trí; Tài chính, tín dụng; Tư vấn, nghiên cứu thị trường, marketing; Vận tải – kho bãi; Y tế… 4. Kết luận Trong bối cảnh kinh tế thế giới và kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang có những tín hiệu lạc quan tích cực. Tuy nhiên, các DN trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các DNNVV vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn xuất phát từ bên trong DN như tài chính, tín dụng, lao động, công nghệ hay từ bên ngoài DN như thể chế-chính sách, thị trường… Vì vậy, việc đánh giá các khó khăn ảnh hưởng đến NLCT của các DN là rất cần thiết nhằm có cơ sở hợp lí để đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự phát triển DN, trong đó vai trò chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan có ý nghĩa rất lớn. Bên cạnh các giải pháp trên, nhóm nghiên cứu xin đề xuất thêm một số kiến nghị đối với chính quyền thành phố như sau: + Phát huy vai trò của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ và Quỹ Đầu tư Phát triển của thành phố trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho các DN. + Làm đầu mối tìm kiếm thông tin khách hàng tiềm năng, giới thiệu các đối tác nước ngoài có uy tín, có khả năng hợp tác lâu dài với DN; tổ chức phối hợp, liên kết giữa các DN trong cùng chuỗi giá trị để hỗ trợ nhau giải quyết vấn đề hàng tồn kho do thị trường giảm sức mua. + Xem xét các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trong KCN; cân nhắc giảm tiền thuê đất, phí hạ tầng cho các DN, đặc biệt là các ngành và lĩnh vực ưu tiên 44
  12. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG + Cập nhật các thông tin về chính sách, quy định của Nhà nước lên tất cả các kênh thông tin (văn bản, Cổng thông tin điện tử , truyền hình,…) để DN được cập nhật thông tin kịp thời và có những thay đổi phù hợp; thường xuyên tổ chức các Hội nghị Đối thoại định kỳ để DN được đóng góp ý kiến vào các cơ chế, chính sách liên quan đến sự phát triển chung của thành phố. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Durand Martine, Jacques Simon and Colin Webb (2001), “OECD's Indicators of International Trade and Competitiveness”. OECD Economics Department Working Papers 120. [2] Porter, M.E. (1985) Competitive Advantage, Free Press, New York. [3] Porter, M.E. (1990). The Competitive Advantage of Nations, The Free Press-A division of Macmillan, Inc., New York [4] Porter, M.E. and C. van der Linde (1995). “Green and Competitive: Ending the Stalemate”, Harvard Business Review, September-October 1995 [5] Porter, ME (1996). “Competitive Advantage, Agglomeration Economies and Regional Policy”. International Regional Science Review. No19 1 and 2: 85-94 [6] Porter, Michael (2002); Enhancing the Microeconomic Foundations of Prosperity: The Current Competitiveness Index; Cambridge, pp. 2-26. Available at http://www.isc.hbs.edu/Micro_9201.pdf [7] Porter, Michael, Xavier Sala-i-Martin, and Klaus Schwab (2007), Global Competitiveness Report 2007-2008. Geneva. World Economic Forum. [8] Trang thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông (2016), Quỹ Đầu tư Phát triển TP Đà Nẵng triển khai cho vay, hỗ trợ Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tham gia bình ổn giá trên địa bàn TP, http://ictdanang.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=8503&Itemid=2 [9] Ngọc Tân (2016), Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc của Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, http://www.baomoi.com/da-nang-thao-go-vuong-mac-cua-quy-bao-lanh-tin-dung-doanh-nghiep- nho-va-vua/c/18876595.epi [10] Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam(2016), Cục phát triển Doanh nghiệp, Cổng thông tin Doanh nghiệp. [11] Viện NCPT Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng (2016), Báo cáo khảo sát đánh giá tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc và nhu cầu đối thoại của doanh nghiệp năm 2016, UBND TP Đà Nẵng. [12] Viện NCPT Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng (2016), Báo cáo khảo sát nhu cầu hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và hội nhập của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng. 45
nguon tai.lieu . vn