Xem mẫu

  1. Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam GIẢI PHÁP SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ CÔNG CỤ TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH GÓP PHẦN GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG VÙNG TÂY BẮC VÀ TỈNH SƠN LA Nguyễn Thị Trúc Phương Khoa Tài chính Kế toán - Trường ĐH công nghiệp thực phẩm TP. HCM Email: tuyenicbhcm@gmail.com Tóm tắt: Vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong giảm nghèo, trên cơ sở đó, góp phần quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nghèo và tái nghèo khu vực này còn cao. Vì vậy giải pháp phát huy công cụ tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam có vai trò quan trọng hàng đầu trong giảm nghèo bền vững, từ đó góp phần tạo điều kiện cho quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường tốt hơn, có hiệu quả hơn tại vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng này và giải pháp cho thời gian tới. Từ khóa: Sử dụng, công cụ, tài chính Nhà nước, Tây Bắc, Sơn La. 1. GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU Để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, giảm nghèo bền vững nói riêng, trên cơ sở đó bảo vệ tốt rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, bảo vệ nguồn nước,... cần có vốn. Trong điều kiện vốn đầu tư của ngân sách hết sức khó khăn, vốn ODA ngày càng thu hẹp và thắt chặt, vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng như vốn đầu tư nước ngoài đến các địa phương không thuận lợi, như: Tây Bắc, Sơn La không có được, vốn tín dụng ngân hàng, trong đó có vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội có vị trí quan trọng hàng đầu đối với mỗi địa phương, cũng như cả một vùng kinh tế - xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam là một định chế tài chính Nhà nước, thuộc Chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận, cung cấp tín dụng cho 24 chương trình, dự án đối với đồng bào nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, xây dựng công trình vệ sinh và nước sạch vùng khó khăn,... 2. TỔNG QUAN VỀ TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH VÀ VAI TRÒ CỦA TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRONG CẢ NƯỚC VÀ VÙNG TÂY BẮC 2.1. Đối với cả nước Để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nguồn vốn lớn nhất do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tham mưu, trình từ nguồn Ngân sách TW bố trí, tiếp theo đó là nguồn vốn huy động khác do NHCSXH Việt Nam thực hiện. Tính chung trong toàn quốc, đến ngày 31/7/2020, tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH Việt Nam đạt 231.566 tỷ đồng, tăng 89.847 tỷ đồng so với đầu năm 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,1 %. Tính đến hết tháng 7/2020, tổng nguồn vốn huy động của các Tổ chức tín dụng (TCTD) tại các địa phương đạt trên 15.000 tỷ đồng [2]. Cũng tính đến hết tháng 7/2020, NHCSXH đạt quy mô tổng dư nợ đạt 220.562 tỷ đồng, tăng 84.876 tỷ đồng so với đầu năm 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,1 %. Tính đến nay cả nước có trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách khác còn dư nợ của hơn 20 chương trình tín dụng chính sách. Cùng với việc tăng trưởng quy mô tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được nâng cao tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 559 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ rất thấp 0,25 %/tổng dư nợ, giảm 0,17 % so với với đầu năm 2016 [1]. Giải pháp về huy động vốn Để thực hiện kênh tín dụng ưu đãi của Chính phủ, bên canh vốn hàng năm do cân đối NSNN Trung ương giao cho, NHCSXH Việt Nam và các Chi nhánh NHCSXH vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La còn phải huy động từ các nguồn khác để cho vay. Tính chung trong cả nước, tại thời điểm hết tháng 5/2016, tổng nguồn vốn do NHCSXH huy động của các Tổ chức tín dụng (TCTD) tại địa phương đạt 11.557 tỷ đồng, tăng 501 tỷ đồng, tăng 4,53 % so với đầu năm. Trong đó: Tiền gửi dân cư 9.275 tỷ đồng, bằng 80,25 % tổng nguồn vốn huy động, so với 31/12/2015 tăng 15,91 %; tiền gửi của tổ chức và cá nhân 2.215 tỷ đồng, bằng 19,17 % tổng nguồn vốn huy động, so với 31/12/2015 giảm 23,63 %; phát hành giấy tờ có giá là 67 tỷ đồng bằng 0,58 %, so với 31/12/2015 giảm 56,25 %. Huy động vốn của Ngân hàng Phát triển 118 tỷ đồng, bằng 126,88 % so với 31/12/2015 [2].
  2. 442 Nguyễn Thị Trúc Phương Bên cạnh đó, NHCSXH đã chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến 31/7/2020 cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm, cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH với tổng số tiền là 19.625 tỷ đồng [1]. 2.2. Đối với vùng Tây Bắc Tính chung trong giai đoạn từ năm 2009 đến hết tháng 7/2020, NHCSXH đã thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Bắc với doanh số cho vay đạt trên 62.000 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 41.000 tỷ đồng. Để thấy rõ hơn công cụ tài chính này đối với phát triển bền vững vùng Tây Bắc, xin đưa ra số liệu của 2 thời điểm: hết tháng 5/2016 và hết tháng 7/2020 [1]. Tại thời điểm ngày 31/5/2016, bắt đầu thực hiện Nghị quyết XII của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, về giảm nghèo bền vững nói riêng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Bắc đạt 31.254 tỷ đồng, với trên 1.527.000 hộ đang còn dư nợ. Nếu tính riêng giai đoạn từ 1/1/2011 đến hết tháng 5/2017, doanh số cho vay đạt 75.107,188 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 52.794,945 tỷ đồng, dư nợ đến hết tháng 5/2017 đạt 33.166,060 tỷ đồng, với 1.539.748 khách hàng đang dư nợ. Tính chung, trong cả vùng Tây Bắc đã có 3,07 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội [1]. Tính đến hết tháng 7/2020 tổng dư nợ các đối tượng chính sách là 13,356,893 triệu đồng,trong đó dư nợ hộ nghèo là 5,008,606 triệu đồng và dự nợ cho vay giải quyết việc làm là 688,939 triệu đồng; tổng số hộ còn dư nợ là 362,488 hộ các loại, trong đó, hộ nghèo là 138,407 và hộ cận nghèo là 48,337 [1]. 3. THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH TRONG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG NÓI CHUNG CỦA CẢ NƯỚC VÀ VÙNG TÂY BẮC 3.1. Trong cả nước Trong giai đoạn từ năm 2009 đến hết tháng 7/2020, vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 12 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động, giúp hơn 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 7,4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 2,8 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 115 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, hơn 11 nghìn căn nhà ở xã hội; giúp hơn 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài [1]. Vốn tín dụng chính sách xã hội tác động toàn diện, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, đối tượng chính sách khác, nhất là khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa; mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng XHCN, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần tác động tích cực nhằm đẩy lùi, ngăn chặn sự tác động tiêu cực của “tín dụng đen”; đồng thời, tạo nguồn lực giúp các địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. 3.2. Vùng Tây Bắc Trong 11 năm, tính từ đầu năm 2009 đến hết tháng 7/2020, tại vùng Tây Bắc, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp gần 445.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho gần 150.000 lao động, gần 10.500 người vay vốn xuất khẩu lao động; giúp trên 241.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 953.000 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh ở nông thôn,… Thời gian tới hệ thống NHCSXH sẽ tích cực hơn nữa để thực hiện chính sách an sinh xã hội vùng Tây Bắc, nâng cao chất lượng lượng tín dụng chính sách để người dân thực sự hưởng lợi từ nguồn vốn vay ưu đãi [1]. Trong quá trình đưa vốn đến người nghèo và đối tượng chính sách xã hội, để đảm bảo an toàn, hiệu quả đồng vốn cho vay, NHCSXH đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, chính quyền cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn. Nợ quá hạn đầu năm 2009 chiếm 1,05 %/tổng dư nợ, đến 31.5.2016 nợ quá hạn của các đơn vị trong vùng giảm còn 0,27 %/tổng dư nợ (-0,78 %). Đến 31.5.2017 tổng số nợ quá hạn là 82,511 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,248 %, tiếp tục giảm so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái [1].
  3. Giải pháp sử dụng có hiệu quả công cụ tín dụng chính sách 443 góp phần giảm nghèo bền vững vùng Tây Bắc và tỉnh Sơn La Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cũng tích cực đóng góp giúp cho địa phương, đồng bào nghèo vùng Tây Bắc có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. 43/43 huyện nghèo trong vùng đã được các doanh nghiệp nhận hỗ trợ, cam kết đến năm 2020 với tổng số tiền là 2.114,58 tỷ đồng, chiếm 87,4 % tổng số tiền doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho 62 huyện nghèo của cả nước. Nguồn lực trên được hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực như xây dựng nhà ở, trường học, trạm y tế xã, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên cử tuyển; đào tạo nghề, nhận lao động địa phương vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn; đầu tư cơ sở y tế và các cơ sở hạ tầng xã hội [1]. Nâng cao hiệu quả an sinh xã hội vùng Tây Bắc cần bảo đảm an sinh trong tương quan giữa lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư và lợi ích của người dân. Tránh để xảy ra tình trạng phát triển một số ngành kinh tế có lợi cho nhà đầu tư nhưng lại ảnh hưởng đến điều kiện sống của đồng bào dân tộc như môi trường, văn hóa. 3.3. Thực trạng giải pháp tín dụng ngân hàng cho giảm nghèo bền vững ở tỉnh Sơn La 3.3.1. Triển khai chỉ đạo triển khai chính sách của địa phương Là một địa phương thuộc trong vùng Tây Bắc trong các năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai khá có hiệu quả giải pháp tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, như việc Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 08/01/2016 triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; Tỉnh ủy có nhiều văn bản lãnh đạo hệ thống ngân hàng về việc cho vay đối với lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, kinh tế tập thể,... [2]. Với các giải pháp đồng bộ, từ triển khai của tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành tại tỉnh Sơn La, trong những năm qua, vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ giành cho mục tiêu giảm nghèo bền vững tại tỉnh Sơn La đã thực có hiệu quả, chặt chẽ, nghiêm túc, không xẩy ra bất cứ tiêu cực gì. Tính đến hết tháng 7/2020, nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Sơn La đạt trên 4.640 tỷ đồng. Dư nợ của NHCSXH tỉnh Sơn La là 4.594 tỷ đồng, vào loại lớn nhất vùng Tây Bắc. Hàng trăm nghìn lượt hộ đồng bào dân tộc được vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho giảm nghèo bền vững, đã có trên 20.000 ngàn hộ thoát nghèo. Tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH tỉnh Sơn La dưới 0,3 % [2]. 3.3.2. Giải pháp ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội Để chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La, NHCSXH thực hiện việc ủy thác qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của 4 Tố chính trị - xã hội nghề nghiệp ở các địa phương, đó là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai các công việc cụ thể theo nội dung ủy thác đến các họ viên, thành viên trong tổ chức mình. Do đó, mỗi Phòng giao dịch NHCSXH huyện, thị xã, chỉ có 9 - 11 người, phụ trách địa bàn từ 11 đến trên 30 phường xã, vẫn đảm bảo hiệu quả của chính tín tín dụng ưu đãi đối với hộ gia đình bà công dân tộc [1]. Tại tỉnh Sơn La, hàng năm, qua công tác kiểm tra toàn diện của 12, trên tổng số 12 Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố cho thấy các tổ chức chính trị - xã hội kiêm thành viên Ban Đại diện HĐQT-NHCSXH tỉnh, huyện, đã cùng với NHCSXH từ tỉnh đến cơ sở thực hiện các nội dung trong Văn bản liên tịch và Hợp đồng uỷ thác đã ký với NHCSXH. Bình quân mỗi năm đã tổ chức được 4 phiên họp giao ban 4 Hội đoàn thể ở cấp tỉnh; 64 - 68 phiên họp giao ban tổ chức Hội cấp huyện. Các phiên họp giao ban đó đã đánh giá kết quả hoạt động uỷ thác Tổ chức Hội các cấp, việc thực hiện nhiệm vụ ủy thác với NHCSXH, nhất là công tác kiểm tra giám sát, sử dụng vốn vay có đúng mục đích hay không, có hiệu quả không, có trả nợ và trả lãi đúng thời gian hay không, có tư vấn về vấn đề thị trường tiêu thụ, kỹ thuật sản xuất,... hay không. Biện pháp này tiết kiệm chi phí cho NHCSXH, cũng là tiết kiệm cho chi phí của NSNN đối với hoạt động tín dụng ưu đãi, đảm bảo hiệu quả trong giảm nghèo bền vững [2]. 4. MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ 4.1. Ưu điểm Tín dụng chính sách là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ Việt Nam có mục tiêu sử dụng công cụ tín dụng ưu đãi của Nhà nước, nhằm giảm nghèo bền vững, tạo việc làm tại chỗ, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho các hộ gia đình chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả. Công cụ tín dụng ưu đãi này của Nhà nước đã và đang được triển khai có hiệu quả, đồng bộ trong cả nước, tại Tây Bắc và tại tỉnh Sơn La. Triển khai chính sách tín dụng này
  4. 444 Nguyễn Thị Trúc Phương có tính xã hội hóa rất cao, thu hút động 4 tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở các địa phương thực sự vào cuộc, nhận ủy thác, xác nhận thành viên vay vốn, giám sát sử dụng vốn vay đúng mục đích, tư vấn việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin về nhu cầu tiêu thụ có hiệu quả. Người dân sử dụng vốn vay ưu đãi của nhà nước có hiệu quả, trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi cho NHCSXH. Do đó, tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn của NHCSXH rất thấp, dưới 0,3 %, thấp nhất trong toàn ngành ngân hàng Việt Nam. Công cụ tín dụng ưu đãi nói trên góp phần quan trọng vào làm giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong toàn quốc, vùng Tây Bắc và tỉnh Sơn La trong các năm qua. 4.2. Hạn chế và nguyên nhân Một là, các hoạt động khuyến lâm, khuyến nông và khuyến ngư chưa thực hiện có hiệu quả, góp phần mở rộng vốn tín dụng ưu đãi cho giảm nghèo bền vững tại Sơn La cũng như vùng Tây Bắc. Bên cạnh đó, chưa có sự lồng ghép, phối hợp một số chương trình, dự án khác của các ngành: nông nghiệp, Hội nông dân, dạy nghề nông thôn,... nên nguồn lực tài chính hỗ trợ của Nhà nước còn phân tán, chưa đạt hiệu quả cao và hỗ trợ cho vốn tín dụng ưu đãi phát huy ở mức cao nhất mục tiêu đề ra. Hai là, một số địa phương vùng Tây Bắc, trong đó có tỉnh Sơn La, chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu phát huy thế mạnh kinh tế của địa phương, ví dụ như cây ngô và một số loại cây ăn quả của Sơn la. Bên cạnh đó, các mô hình, chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản ở các địa phương trong vùng chưa phát triển. Do đó, chưa thực sự tạo nền tảng cho vốn tín dụng ngân hàng nói chung, vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước nói riêng mở rộng cho vay, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương không làm thay doanh nghiệp, làm thay thị trường, không chỉ đọa gò ép làm theo kiểu phong trào,... mà chỉ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, định hướng. Ba là, các chương trình, dự án, hỗ trợ vấn đề xã hội, như: y tế, giáo dục, giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường,... của Trung ương đầu tư cho các địa phương vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La trong những năm gần đây giảm cả về số lượng dự án, quy mô vốn. Tình hình đó cũng ảnh hưởng nhất định đến mở rộng vốn tín dụng ưu đãi cho giảm nghèo bền vững trong vùng. Bốn là, nguồn vốn của Chính phủ bố trí trong cân đối ngân sách Trung ương hàng năm cho NHCSXH, cho thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi giảm nghèo vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La chưa ổn định, chưa thực sự được quan tâm với tính chất ưu tiên cho các địa phương miền núi còn gặp nhiều khó khăn. 5. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 5.1. Kết luận Sự thay đổi về kinh tế - xã hội trong các năm qua của vùng Tây Bắc, của tỉnh Sơn La có đóng góp quan trọng của giải pháp tín dụng ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương; trong đó có vai trò không nhỏ từ giải pháp tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với các hộ gia đình đồng bào dân tộc, góp phần giảm nghèo bền vững hàng năm, do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. 5.2. Một số khuyến nghị Để tiếp tục hoàn thiện, đổi mới và nâng cao hiệu quả công cụ tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La, bài viết xin đưa ra một số khuyến nghị sau: Một là, cần thống nhất quan điểm, biện pháp triển khai, hỗ trợ nâng cao năng lực sử dụng vốn cần gắn liền với năng lực sản xuất, kinh doanh, tư duy sản xuất hàng hóa cho đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La. Trong trường hợp người dân vùng Tây Bắc gặp thiên tai, những rủi ro lớn của cuộc sống, các cấp, các ngành cần tiếp tục trợ giúp trực tiếp, như: cấp tiền, cấp gạo, cấp đồ dùng sinh hoạt khác. Song mục tiêu xuyên suốt của tín dụng ưu đãi của Chính phủ là cần phải hỗ trợ giải quyết việc làm cho đồng bào trong Vùng, giúp họ nâng cao năng lực tính toán sử dụng đồng vốn, tính toán làm ăn, có kiến thức kinh tế thị trường trong sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ. Ngân sách Trung ương cần tiếp tục đầu tư các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, trường học, vệ sinh nước sạch môi trường. Các doanh nghiệp tiếp tục có những trợ giúp trực tiếp về an sinh xã hội cho người dân ở các vùng khó khăn. Song biện pháp cần đặc biệt quan tâm đến giải pháp mở rộng và nâng cao hiệu quả vốn tín dụng ngân hàng nói chung và vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay nói riêng. Để mở rộng vốn tín dụng, gắn liền với đó là đảm bảo sức hấp thụ của vốn, đảm bảo vốn sử dụng có hiệu quả. Theo đó, các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể ở các địa phương trong vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La cần phải tiếp tục nâng cao trình độ dân trí cho người dân, đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, phát triển hạ tầng giao thông, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, đảm bảo chất lượng; đổi mới kỹ thuật canh tác,
  5. Giải pháp sử dụng có hiệu quả công cụ tín dụng chính sách 445 góp phần giảm nghèo bền vững vùng Tây Bắc và tỉnh Sơn La hạ giá thành sản phẩm. Có sự phối hợp, triển khai đồng bộ như vậy, mới mở rộng và nâng cao hiệu quả được vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, góp phần giảm nghèo bền vững Hai là, về đầu tư vốn tín dụng nói chung và vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ nói riêng giúp đồng bào dân tộc giảm nghèo bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La. Mỗi địa phương trong vùng Tây Bắc có tiềm năng và thế mạnh cụ thể. Các cấp chính quyền và các ngành chức năng trong vùng cần có định hướng quy hoạch, chính sách khuyến khích đầu tư, hướng dòng vốn tín dụng nói chung và vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ nói riêng vào khai thác tiềm năng đó. Cụ thể như tỉnh Sơn La, tiềm năng, đó là cây ngô, xoài,… Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng ngô vào bậc nhất của cả nước. Với tổng diện tích xấp xỉ 160.000 ha đất trồng ngô và sản lượng ngô hạt hơn 670.000 tấn, Sơn La xứng đáng với cái tên gọi là thủ phủ của ngô Việt Nam. Phát huy thế mạnh về cây ngô trong giảm nghèo bền vững là có tính khả thi đối với Sơn La. Bởi vì, thị trường tiêu thụ ngô trong nước rất lớn và tiếp tục tăng lên. Song vấn đề đặt ra cho Sơn La là cần có biện pháp giảm giá thành sản xuất ngô. Điều này đòi hỏi một số vấn đề: có giống mới với năng suất cao và chất lượng tốt; sản xuất quy mô lớn với kỹ thật canh tác tiên tiến để hạ giá thành. Song cũng phải đảm bảo phù hợp với địa hình, phù hợp với khả năng của người dân. Tức là kết hợp sản xuất quy mô lớn của doanh nghiệp và quy mô gia đình, tạo việc làm cho người dân địa phương, khai thác các mảnh đất canh tác của các gia đình. Trên cơ sở đó, vốn tín dụng ngân hàng, vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ giành cho đồng bào dân tộc cần hướng vào khai thác tiềm năng cây ngô cho giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần đầu tư vốn tín dụng khai thác tiềm năng phát triển cây xoài an toàn thực phẩm cho xuất khẩu,… [2]. Ba là tăng cường nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, trên cơ sở đó, mở rộng các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La Các tỉnh vùng Tây Bắc có dân số bình quân gần 1 triệu người. Riêng dân số của tỉnh Sơn La hiện nay khoảng trên 1,2 triệu người. Các nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi của các hộ nghèo, các hộ cận nghèo trong vùng Tây Bắc còn rất lớn. Các nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi cho giải quyết việc làm, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; hộ thương nhân vùng khó khăn; hộ nghèo về nhà ở; hộ cận nghèo,… là còn rất lớn cần được Chính phủ bố trí cân đối ngân sách Trung ương hàng năm đưa qua NHCSXH để đáp ứng nhu cầu vay [2]. Biện pháp cụ thể, đó là, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tỉnh ủy và UBND các tỉnh trong vùng nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng cần làm việc với Bộ Tài chính, với NHNN Việt Nam để thống nhất trình Chính phủ, Quốc hội để cân đối vốn ngay từ đầu năm. Trên cơ sở đó, NHCSXH Việt Nam có kế hoạch cụ thể để đáp ứng nhu cầu vốn cho các chi nhánh NHCSXH mở rộng cho vay các đối tượng chính sách xã hội ở địa phương, đặc biệt là vốn cho vay giải quyết việc làm, vốn cho vay sản xuất kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn, vốn cho các hộ cận nghèo. Chính phủ, Bộ Tài chính, NHCSXH Việt Nam cần đảm bảo nguồn vốn để tăng trưởng dư nợ của các đôi tượng hộ nghèo và gia đình chính sách ở Sơn La cũng như ở vùng Tây Bắc tăng trưởng hàng năm từ 20 - 25 %, cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng dư nợ tín dụng của các NHTM. Bốn là, các cấp chính quyền, các ngành trong vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La, cần nâng cao hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm và lồng ghép các chương trình hỗ trợ khác đối với đồng bào dân tộc, góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giảm nghèo bền vững trong vùng. Cùng với việc thu hút vốn từ ngân sách Trung ương, đưa qua NHCSXH để cho vay tín dụng ưu đãi đối với đồng bào dân tộc vùng Tây bắc, tỉnh Sơn La, địa phương cần có các biện pháp cụ thể triển khai các hình thức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cụ thể, thiết thực và phù hợp với thực tế cuộc sống, hoạt động sản xuất của đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho các gia đình sử dụng vốn vay ưu đãi có hiệu quả. Cần có sự phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đào tạo nghề nông nghiệp - nông thôn,… của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH. Tuy nhiên Chính quyền các cấp không làm thay thị trường, trồng cây gì, nuôi con gì là do thị trường, do người dân không thể gò ép, làm theo phong trào, không thể chủ quan duy ý chí, nhưng các cơ quan chức năng cần đảm bảo thông tin chính xác, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nâng cao trình độ dân trí và trình độ sản xuất,… cho người dân, cùng với việc sử dụng có hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi, giúp bà con dân tộc giảm nghèo bền vững, góp phần quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
  6. 446 Nguyễn Thị Trúc Phương TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Vbsp (2020): “Báo cáo hoạt động NHCSXH Việt Nam đến hết tháng 7/2020”, bản số liệu Exel. [2]. Vbsp Sơn La (2020): “Báo cáo NHCSXH tỉnh Sơn La 7 tháng đầu năm 2020”, bản cứng, tháng 7/2020. USING POLICY CREDIT TOOL TO CONTRIBUTE TO SUSTAINABLE POVERTY REDUCTION IN THE NORTHWEST REGION, SON LA PROVINCE Nguyen Thi Truc Phuong Faculty of Finance and Accounting – Ho Chi Minh City University of Food Industry Abstract: The Northwest region in general and Son La province in particular have achieved many noticeable results in poverty reduction, contributing to natural resource management, environment protection and sustainable development. However, the current rate of poverty and re-poverty in this area is still high. Therefore, the solution of promoting the policy credit tool through the Vietnam Bank for Social Policies plays a leading role in sustainable poverty reduction, contributing to creating conditions for better and more effective resource management and environment protection in the Northwest region, Son La province. The article focuses on clarifying this situation and solutions for the future. Keywords: poverty reduction, credit tool, resource management, environment protection.
nguon tai.lieu . vn