Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0210 Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8B, pp. 208-212 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn GIA ĐÌNH VÀ SỰ BIẾN ĐỔI GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY Đàm Thị Vân Anh Khoa Tâm lí - Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Bài viết trình bày những vấn đề về gia đình và sự biến đổi giá trị gia đình trước trước ảnh hưởng của xã hội hiện đại, của nền kinh tế thị trường, của xu thế toàn cầu hóa. Những giá trị truyền thống có thể bị mai một như chữ Hiếu giữa con cái với cha mẹ, sự chung thủy của bạn đời, sự quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình và xuất hiện những giá trị mới như sự tự do cá nhân, bình đẳng trong quan hệ vợ chồng, sự hòa hợp về mặt tình dục, . . . Sự thay đổi ấy có thể là tích cực, có thể là tiêu cực. Từ đó dẫn đến vấn đề cấp thiết trong giáo dục định hướng giá trị gia đình cho thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay. Từ khóa: Gia đình, giá trị gia đình, sự biến đổi, xã hội, truyền thống, hiện đại. 1. Mở đầu Gia đình là một trong những thiết chế xã hội cơ bản nhất, có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Trong nhiều tác phẩm của mình, Người đã đề cập rất rõ đến vai trò của gia đình đối với con người và xã hội. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người, là nơi con người xây dựng mối quan hệ yêu thương, bình đẳng, hòa thuận. Nhiều người cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nền tảng gia đình đang bị “lung lay”, gia đình đang mất đi những giá trị tốt đẹp của mình; con người quá coi trọng đồng tiền và đề cao vai trò cá nhân nên mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên hình thức, lỏng lẻo, thậm chí bị xem nhẹ. Một số đề tài khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ có liên quan đén vấn đề gia đình được gắn liền với tên tuổi của các tác giả như Vũ Khiêu, Lê Thị Quý, Đặng Nhứ liên quan đến mảng chủ đề gia đình và Nho giáo; Lê Minh liên quan tới gia đình và văn hóa; Lê Thị Nhâm Tuyết với những khía cạnh của gia đình và sự bất bình đẳng giới; Lê Thị Quý với những khía cạnh của sự sai lệch chuẩn mực trong gia đình hiện đại, với bạo lực gia đình; Đặng Cảnh Khanh về gia đình và việc giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho trẻ em. . . Tác giả Lê Thi [1] đưa ra những nhận định và cảnh báo về những vấn đề mà gia đình Việt Nam sẽ phải đối mặt. Trong công trình khác [2], tác giả Lê Thi đã đề cập đến một số những thay đổi trong mối quan hệ ứng xử giữa cha mẹ và con cái dưới tác động của môi trường sống hiện đại. Một trong những vấn đề đó sẽ được đề cập sâu hơn trong bài viết này về giá trị gia đình, về những biến đổi về mô hình gia đình, các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và đạo đức gia đình. Ngày nhận bài: 10/7/2015. Ngày nhận đăng: 18/10/2015. Liên hệ: Đàm Thị Vân Anh, e-mail: vananhtlgd@gmail.com 208
  2. Gia đình và sự biến đổi giá trị gia đình trong giai đoạn hiện nay 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái niệm “gia đình” Từ trước đến nay tồn tại rất nhiều các quan điểm khác nhau về gia đình. Sau đây là một số khái niệm: Khái niệm gia đình trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê: Gia đình là tập hợp những người cùng chung sống thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, họ gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm vợ chồng, cha mẹ và con cái [trích lại theo 3; 4]. Dưới góc độ Tâm lí học, tác giả Ngô Công Hoàn cũng đưa ra định nghĩa về gia đình: Gia đình là một nhóm xã hội. Các thành viên trong nhóm có quan hệ gắn bó về hôn nhân hoặc huyết thống, tâm sinh lí, cùng có chung các giá trị vật chất, tinh thần ổn định trong các thời điểm lịch sử nhất định [4; 9]. Theo Đặng Cảnh Khanh và Lê Thị Quý thì Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt liên kết con người lại với nhau nhằm thực hiện việc duy trì nòi giống và chăm sóc con cái. Các mối quan hệ gia đình còn được gọi là mối quan hệ họ hàng. Đó là những sự liên kết, ít nhất cũng là của hai người dựa trên cơ sở huyết thống, hôn nhân và việc nhận con nuôi. Những người này có thể sống cùng hoặc khác mái nhà [5;54]. Như vậy, gia đình không chỉ bao gồm các cá nhân mà còn bao gồm cả những mối quan hệ giữa những cá nhân với nhau: quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ con cái, quan hệ anh chị em,. . . Những mối quan hệ này tồn tại trong sự gắn bó, ràng buộc, liên kết và phụ thuộc lẫn nhau thông qua những nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm. Điều này đã kết hợp lại và hình thành nên những nhóm xã hội đặc thù là gia đình. 2.2. Những biến đổi của gia đình hiện nay 2.2.1. Sự thay đổi mô hình gia đình: từ truyền thống sang hiện đại Gia đình Việt Nam truyền thống (hay còn gọi là gia đình mở rộng) được các nhà nghiên cứu cho là loại gia đình chứa nhiều yếu tố dường như bất biến, ít đổi thay, ra đời từ nôi văn hóa bản địa, được bảo lưu và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong dân gian, gia đình truyền thống được coi là đại gia đình mà các thành viên liên kết với nhau bằng chuỗi quan hệ huyết thống. Trong gia đình mở rộng có thể cùng chung sống từ 3 thế hệ trở lên: ông bà - cha mẹ - con cái mà chúng ta quen gọi là “tam, tứ, ngũ đại đồng đường”. Kiểu gia đình này khá phổ biến và tập trung nhiều nhất ở nông thôn Bắc Bộ. Gia đình truyền thống có các ưu điểm như có sự gắn bó cao về tình cảm theo huyết thống, bảo lưu được các truyền thống văn hóa, tập tục, nghi lễ, phát huy tốt các gia phong, gia lễ, gia đạo. Các thành viên trong gia đình có điều kiện giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần, chăm sóc người già và giáo dưỡng thế hệ trẻ. Gia đình mở rộng còn có vai trò rất lớn trong giáo dục gia đình, nuôi dạy thế hệ trẻ, thực hiện gia pháp, gia quy nhằm gìn giữ và bảo vệ truyền thống họ tộc. Trong gia đình mở rộng, vai trò của người già – với tư cách là những người đi trước, có nhiều kinh nghiệm - được đánh giá rất cao, cũng mối quan hệ giữa các thành viên luôn thể hiện sự tôn trọng, tôn kính, hòa thuận,. . . Đó là những giá trị rất căn bản của gia đình mà chúng ta cần kế thừa và phát huy trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong thời kì hội nhập, mô hình gia đình nhiều thế hệ theo kiểu “tam, tứ, ngũ đại đồng đường” cùng chung sống trong một ngôi nhà đang mất dần. Mô hình gia đình hạt nhân đang thay thế, thường chỉ có hai thế hệ cha mẹ - con cái hay có thể đến thế hệ thứ ba, rất hiếm thấy gia đình có 4-5 thế hệ cùng chung sống. Không chỉ ở thành thị mà ngay cả nông thôn, mọi người cũng nhanh chóng tách hộ sớm để được hưởng quyền lợi của công dân và tạo khả năng để phát triển kinh tế. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (tháng 12/2014), cả nước có hơn 24 triệu hộ 209
  3. Đàm Thị Vân Anh gia đình, trong đó quy mô gia đình nhỏ (có 2 – 4 người) là phổ biến nhất (chiếm trên 65%), còn rất ít hộ trên 7 người. Ở thành phố, gia đình hạt nhân chiếm 82,3%, đồng bằng 81,7%, miền núi và trung du 80,6%. Ở thành phố, gia đình ba thế hệ là 33.3%, đồngbằng 13%, miền núi và trung du 18%. Gia đình bốn thế hệ ở thành phố là 0,3%, đồng bằng 0,7%, miền núi và trung du là 0,4%. Số hộ độc thân chiếm tỉ trọng nhỏ (8%) nhưng đang có xu thế tăng nhanh trong 5 năm trở lại đây. Xu hướng hạt nhân hóa gia đình ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng vì nhiều ưu điểm và lợi thế của nó. Trước hết, gia đình hạt nhân tồn tại như một đơn vị độc lập, gọn nhẹ, linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh với các biến đổi xã hội. Gia đình hạt nhân có sự độc lập về quan hệ kinh tế. Kiểu gia đình này tạo cho mỗi thành viên trong gia đình khoảng không gian tự do tương đối lớn để phát triển tự do cá nhân. Trong xã hội hiện đại, mức độ độc lập cá nhân được coi là một yếu tố biểu hiện chất lượng cuộc sống gia đình. Tính độc lập cá nhân được gia đình tạo điều kiện nuôi dưỡng, phát triển sẽ tạo ra phong cách sống, tính cách, năng lực sáng tạo riêng khiến cho mỗi người đều có bản sắc. Việc thu nhỏ quy mô gia đình là một sự tiến bộ của xã hội. Trong gia đình hạt nhân, vai trò của người chủ hộ đã có sự hoán đổi. Người phụ nữ đóng vai trò trung tâm - người “giữ lửa” thực sự, quán xuyến và quản lí có hiệu quả nhất đối với mọi vấn đề của gia đình. Gia đình Việt Nam hiện đại không còn sự phân biệt quá lớn và dứt khoát giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái về vấn đề học hành, nghề nghiệp và địa vị xã hội. Vợ và chồng bình đẳng trước trách nhiệm của gia đình, dòng họ. Các vấn đề của cuộc sống gia đình đều có sự bàn bạc giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái. Việc kết hôn do chính con cái tự do lựa chọn, quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến của cha mẹ. Việc cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy không còn phổ biến trong xã hội hiện đại. Đây chính là nét mới ở gia đình hiện đại. Hầu hết các gia đình Việt Nam hiện nay, vợ và chồng đều bình đẳng, tôn trọng, giúp đỡ yêu thương và cùng thực hiện chức năng của gia đình và xã hội. Mọi việc trong gia đình đều có sự tham gia bàn bạc, trao đổi và đi đến thống nhất của cả hai vợ chồng: Sinh con, giáo dục con cái, chọn nghề nghiệp cho con, xây dựng gia đình cho con, mua sắm vật dụng trong gia đình. Người phụ nữ trong gia đình cũng có quyền như người chồng về khả năng thăng tiến xã hội và hiện nay đã có xu hướng con cái khi sinh ra mang họ cả cha và mẹ. Công việc nội trợ được coi là việc “bắt buộc” người phụ nữ truyền thống phải đảm nhiệm, thì nay đã có sự chia sẻ từ người chồng và các thành viên trong gia đình. 2.2.2. Sự biến đổi trong mối quan hệ gia đình Cùng với sự biến đổi mô hình gia đình thì mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau cũng trở nên lỏng lẻo, có khoảng cách hơn. Trước đây, trong gia đình truyền thống, tất cả các thành viên đều phải tuân theo những quy tắc chung. Tuy nhiên cuộc sống hiện đại đã khiến cho mỗi người trở nên bận rộn: cha mẹ đi làm, con cái đi học, thậm chí có gia đình khi cha mẹ đi làm, con còn chưa ngủ dậy, ông bà hoặc người giúp việc sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ, đưa đón đi học... Thời gian gặp gỡ, trò chuyện, tâm sự chia sẻ, tâm sự giữa các thành viên ngày càng ít. Theo kết quả điều tra năm 2000 tại Thành phố Hồ Chí Minh thì 17,8% trong số 900 hộ gia đình được hỏi cho biết vì quá bận bịu với việc mưu sinh, họ không còn thời gian dành cho việc trò chuyện tâm sự với con cái, cũng như chăm lo đến việc học hành của các con. Có 35,2% trong số 900 hộ gia đình này cho hay họ cố gắng lắm cũng chỉ dành được 15 phút trong ngày cho con cái, một thời gian chỉ đủ hỏi han qua loa việc học hành và quan hệ bạn bè của con trẻ mà thôi.Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái cũng trở nên dân chủ hơn. Trong quan hệ vợ chồng, không còn kiểu “phu xướng phụ tùy”, “chồng chúa vợ tôi” như thời xưa nữa. Ngày nay, người phụ nữ được khẳng định vị thế, vai trò và phát huy năng lực bản thân. Họ có quyền tham gia vào các hoạt động xã hội, thể hiện mình, thậm chí nhiều người giữ các trọng trách quan trọng trong cơ quan, đoàn thể. Vợ chồng bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, yêu thương nhau, cùng chia sẻ việc nhà, việc nước. Cũng theo kết quả điều tra trên thì những vấn đề lớn trong gia đình được hai vợ chồng cùng bàn bạc chiếm 60 210
  4. Gia đình và sự biến đổi giá trị gia đình trong giai đoạn hiện nay – 90%. Đặc biệt cao nhất là cùng bàn bạc, quyết định hôn nhân, nghề nghiệp của con và số con trong gia đình chiếm từ 85 – 95%. Tuy nhiên sự eo hẹp về mặt thời gian, bận rộn với công việc và các mối quan hệ xã hội nên khiến người phụ nữ không phải lúc nào cũng hoàn thành tốt vai trò của mình trong gia đình. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến “trục trặc” trong mối quan hệ vợ chồng. Bên cạnh đó, cơ hội học tập, nâng cao trình độ và có thu nhập ổn định đã giúp người vợ nâng cao tính độc lập cá nhân, ít phụ thuộc vào người chồng. . . Nếu như trong xã hội phong kiến đề cao sự phục tùng của con cái đối với cha mẹ, “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” thì trong xã hội hiện đại, con cái có thể chủ động bày tỏ tâm tư, tình cảm , suy nghĩ, ý kiến của bản thân. Cha mẹ trở thành “những người bạn lớn” trong mắt con. Tuy nhiên, đôi khi chính sự dân chủ, thoải mái này lại dẫn đến đến tình trạng ngỗ ngược, cứng đầu, cãi lại cha mẹ của con cái. . . Ảnh hưởng của các thế hệ tới nhau ít đi cũng làm giảm khả năng bảo lưu các giá trị truyền thống trong gia đình. 2.2.3. Sự xuống cấp của đạo đức gia đình Trong giai đoạn hiện nay, gia đình Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều vấn đề, trong đó, trong đó bạo lực gia đình và li hôn được coi như là hai “vấn nạn” quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Số liệu khảo sát điều tra xã gội học cho biết: Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%; gây tổn hại về sức khỏe thể chất: 87,5%; gây tổn thương về tâm lí, tinh thần: 84,9%; gây tan vỡ gia đình:89, 7% và làm rối loạn trật tự an toàn xã hội: 89%. Với tuổi thơ, hậu quả hết sức nguy hại vì nó là cho các em mất niềm tin vào cuộc sống, mối quan hệ giữa các em với các thành viên khác trở nên lỏng lẻo, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp. Bên cạnh vấn đề bạo lực gia đình thì tình trạng li hôn đã trở thành hiện tượng há phổ biến. Ở Việt Nam, theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 60.000 vụ li hôn. Hôn nhân tan vỡ không chỉ ảnh hưởng đến người thân, gia đình mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Bởi gia đình là tế bào của xã hội và khi tế bào không “khỏe” thì xã hội cũng bị ảnh hưởng nhiều mặt. Sau những cuộc hôn nhân tan vỡ sẽ là những đứa con vô tội phải sóng trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ hoặc của cả hai. Và chúng ta cũng biết rằng trẻ rất khó có thể phát triển bình thường khi chúng phải chứng kiến sự chia li, tan vỡ trong gia đình, phải chịu sự mất mát, tổn thương về mặt tình cảm. Sự đổ vỡ trong gia đình đưa lại cho trẻ thơ nhiều nỗi bất hạnh, làm cho tâm hồn của các em bị tổn thương, cảm giác bị bỏ rơi, sự cô đơn,. . . sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy sau này. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm và các tệ nạn xã hội gia tăng trong những năm gần đây. Ngoài ra, gia đình Việt Nam đang đối mặt trước nhiều nguy cơ và thách thức trong bối cảnh giao thoa văn hóa toàn cầu. Đó là tình trạng sống chung không kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân, tình trạng trẻ em bị ngược đãi, rồi vướng vào các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, tệ nạn mại dâm, ngoại tình. . . Không ít những vụ việc đáng buồn đã xảy ra, như anh chị em ruột, thậm chí là cha con, mẹ con... chỉ vì lợi ích kinh tế mà dẫn đến xung đột, tranh chấp, kiện tụng nhau. Đau đớn hơn là có những người con mải mê làm ăn, mải mê tiến thân mà bỏ mặc các thế hệ cha mẹ, ông bà trong cảnh cô đơn, thậm chí nghèo khó; cha mẹ không có điều kiện chăm sóc con cái, mặc dù đầu tư cho con cái học hành nhưng lại đẩy mọi trách nhiệm giáo dục cho nhà trường. . . Theo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) được công bố trong tọa đàm ngày 25/6/2015 tại Hà Nội về “các giá trị cốt lõi và thách thức của các loại hình gia đình đương đại Việt Nam” thì gia đình Việt Nam đang đối mặt với một số vấn đề như xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình (27,5%), ngoại tình (16%), nợ quá khả năng chi trả (9,9%). . . Đặc biệt tình trạng ngoại tình được phụ nữ cảm nhận nghiêm trọng hơn nam giới. Cứ 10 người phụ nữ được hỏi thì hai người cảm thấy đây là vấn đề trong gia đình mình, trong khi 211
  5. Đàm Thị Vân Anh đó con số này ở nam giới chỉ là 1/10. Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất là các thành viên trong gia đình phải dành thời gian trò chuyện, quan tâm, chia sẻ với nhau. Đây là cách thức quan trọng giúp cho mỗi người có thể giải tỏa những áp lực trong cuộc sống. Một trong những sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình lại với nhau chính là những bữa cơm gia đình. Chính vì vậy mà năm 2014 và 2015, vào ngày Gia đình Việt Nam, chủ đề Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương được lựa chọn là chủ đề chính. Điều này khẳng định tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy các giá trị gia đình, đặc biệt là mối quan hệ tình cảm gắn kết, yêu thương, chia sẻ, tôn trọng giữa các thành viên trong gia đình. 3. Kết luận Như vậy, chúng ta thấy quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa đã có những tác động sâu sắc đến gia đình Việt Nam làm biến đổi cấu trúc, chức năng và các mối quan hệ trong gia đình. Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam hiện nay là song song với việc tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế là việc gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc và những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đây cũng sẽ là một trong những nội dung quan trọng và cần thiết trong giáo dục định hướng giá trị gia đình cho thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở đó, xây dựng nền tảng cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Thi, 2003. Gia đình Việt Nam trong bước chuyển từ truyền thống sang hiện đại. Tạp chí Khoa học về Phụ nữ, Số 4. Tr. 3 – 8. [2] Lê Thi, 2011. Mối quan hệ ứng xử giữa cha mẹ và con cái. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới. Số 1, Tr.15 – 21. [3] Phạm Khắc Chương, 1999, Giáo dục gia đình. Nxb Giáo dục. [4] Ngô Công Hoàn, 2008. Tâm lí học gia đình. Nxb Đại học Sư phạm. [5] Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý, 2007. Gia đình học. Nxb Lý luận chính trị. 2007. [6] Lê Ngọc Lân, Nguyễn Thanh Tâm, 1999. Tìm hiểu một số đặc điểm trong quan hệ gia đình Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học về Phụ nữ, Số 1, Tr.1 – 5. [7] Dương Thùy Nhiên, 2007. Giáo dục gia đình. Nxb Đại học Sư phạm. [8] Lê Thị Quý, 2011. Xã hội học gia đình. Nxb Chính trị - Hành chính. [9] http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/ngoai-tinh-la-mot-trong-ba-van-de-lon- nhat-cua-gia-dinh-viet-3239266.html ABSTRACT Family and changing family values This paper presents family problems and changes of family values as an effect of social modernization, a market economy and globalization. Traditional values are waning as children criticize parents, infidelity becomes the norm, common interests of family members become fewer and the appearance of new values such as self-interest and sexual equality is on the rise. While these changes might seem to be positive, they are probably negative. It is now thought by many that there is an urgent need to teach young people traditional family values. Keywords: Family, family values, change, society, traditional, modern. 212
nguon tai.lieu . vn