Xem mẫu

Chương 21
Thác Bạt Thọ( Nguỵ Thái Vũ đế- người dân chủ) năm 429 quyết định đẩy lùi
sự xâm nhập của bộ lạc Nho Nho người Mông Cổ. Một số cố vân của nhà vua
dự báo: Nam triều (Nam Kinh) đế quốc người Hán có thể nhân dịp này đem
quân kiềm chế. Thác Bạt Thọ trả lời đơn giản: “Người Hán dùng bộ binh, ta
dung kỵ binh, trâu bò làm sao chống nổi sói.”

(Pháp) Pierre Renouvin “Đế quốc thảo nguyên”
Trần Trận thấy mấy đàn cừu lần lượt rời hồ nước, liền gom chúng lại dồn tới
ven hồ. Thấy đàn cừu đã tụ tập một chỗ, cậu phóng ngựa tới ven hồ trước. Bãi sậy
phía tây bắc đã bị chặt quang, lộ ra những dải cát nhân tạo rất rộng để gia súc
xuống uống nước. Một đàn ngựa sau khi đã uống no, vẫn đứng yên nhắm mắt dưỡng
thần, không chịu lên bờ. Vịt trời và các loại thuỷ cầm vẫn đùa giỡn trên mặt nước.
Vài con chim còn dám bơi dưới bụng ngựa, ngang nhiên chui sang bên kia. Đàn
ngựa nhìn lũ chim bằng ánh mắt thân thiện, không dùng đuôi xua đuổi. Riêng thiên
nga không chịu kết bạn với ngựa. Chúng lánh xa vùng nước đục do ngựa gây nên,
bơi chậm rãi bên bờ đối diện, trong bãi sậy.
Đột nhiên trên quả đồi bên hồ có tiếng cừu be ầm ĩ: Đàn cừu của Trần Trận
ngửi thấy mùi nước. Mùa hè cừu uống nước hai ngày một lần. Khát đã hai ngày,
đàn cừu chạy ào xuống hồ làm tung lên từng đám bụi phía sau. Đàn gia súc vào bãi
chăn mới chưa đầy mười ngày, bãi cỏ ven hồ đã bị chúng giẫm nát, biến thành bãi
cát. Đàn cừu xuống nước, cắm đầu uống ngay bên cạnh đàn ngựa.
Đàn cừu uống no vừa đi lên đồi, bên hồ lại rộ lên những tiếng be của một đàn
cừu khác khát nước, bụi vàng bay lên dày đặc hơn.
Trên một con dốc thoai thoải cách hồ nước hai dặm đã dựng lên ba bốn cái lán
dân công. Vài chục dân công đang đào mương. Bao Thuận Quý chỉ huy đám dân
công đào bể tắm chữa bệnh, xây nhà kho chứa lông cừu và trụ sở đội bộ tạm thời.
Trần Trận trông thấy vài dân công cùng người nhà của họ đào mương, xới đất làm
vườn rau. Cách đó rất xa, một số dân công đã đào xong một cái hố cực lớn, đang
trình tường bằng đá hộc, vài chiếc xe lớn chở đá hộc và đá lát nhà đến địa điểm thi
công. Không muốn nhìn mảnh đất trinh nguyên bị cày xới nham nhở, Trần Trận vội
lùa cừu lên phía Tây Bắc.
Đàn cừu qua một con đèo xuống thung lũng cỏ. Ông Pilich yêu cầu các tổ chăn
thả không quanh quẩn ở tráng cỏ, mùa hè ngày dài, cố gắng đi thật xa, để cuối hạ
đầu thu không phải chuyển nhà. Ông đặt kế hoạch dùng đàn cừu càn đi càn lại cả

trong lẫn ngoài bãi chăn vài lượt, khống chế cỏ mọc vô tổ chức, lèn mặt đất, đề
phòng đàn muỗi nguy hiểm. Đàn cừu Trần Trận dàn hình cánh cung, chậm rãi di
chuyển đến dốc tây nam.
Dưới nắng, gần nghìn con cừu non như những bông cúc đại đoá trắng tinh nổi
bật trên sườn dốc. Lông cừu non đã bắt đầu xoăn, chùng vừa ti sữa vừa ăn cỏ, khu
đuôi mọc rất nhành, có con đã dài bằng khu đuôi cừu mẹ. Hoa cúc dại nở khắp nơi,
trải màu vàng trước mặt Trần Trận. Hàng ngàn hàng vạn cây hoa chu cao hơn một
mét, trên ngọn là một bông hoa màu vàng hình loa kèn, kẽ lá chi chít những nụ sắp
nở. Trần Trận ngồi giữa đám hoa cúc vàng mà như ngồi trên đồng cải quê nhà. Cậu
không ngờ trên cánh đồng hoang lại mọc nhiều cúc dại đến thế, bông cúc lớn hơn
cúc vườn, nụ hoa to bằng cán bút bi.
Trần Trận đứng dậy nhảy lên ngựa phóng tới phía trước đàn cừu, chỗ hoa cúc
dày nhất để hái. Những ngày này rau cúc là món ăn ngon miệng cho đám học sinh
Bắc Kinh, cúc vàng xào thịt cừu, bánh gối cúc nhân thịt, nộm cúc hành. Mời mục
dân thưởng thức, nhưng mục dân không thích mùi hoa cúc. Buổi sang trước khi đi
làm, Cao Kiện Trung đã chuẩn bị sẵn cho Trần Trận hai cái túi. Mấy ngày nay, Cao
Kiện Trung không cho Trần Trận đọc sách, tranh thủ hái hoa đem về trần nước sôi,
hong khô để ăn trong mùa đông, có tên là rau trâm vàng. Họ đã phơi khô được nửa
tải.
Đàn cừu ăn cỏ phía sau rất xa, Trần Trận bứt từng nắm nụ hoa cúc, chẳng mấy
chốc đã đầy một túi xách. Mải mê hái hoa cúc, Trần Trận chợt nhìn thấy cục phân
sói, vội ngồi xuống nhặt lên xem kỹ. Cục phân có màu xám nhạt to bằng quả chuỗi
tiêu, tuy đã khô nhưng vẫn có thể nhận ra chỉ cách đây vài hôm. Trần Trận ngồi xếp
bằng tròn cân nhắc thật kỹ, cậu muốn có thêm ít kiến thức về phân sói. Cậu chợt
nhận ra chỗ cậu ngồi đây chính là nơi con sói nằm nghỉ. Nó đến đây làm gì? Trần
Trận nhìn thảm cỏ xung quanh, không xương xẩu vung vãi, lông lá cũng không. Rõ
rang đây không phải là nơi sói đem con mồi đến ăn. Cỏ cao và rậm, đàn cừu của tổ
thường đi qua, có thể đây là nơi sói phục kích. Trần Trận giật mình, vội đứng dậy
nhìn bốn phía. Không sao, mấy cao điểm gần có mã quan đang nghỉ, và đàn cừu thì
chỉ cách nửa dặm phía sau. Cậu lại ngồi xuống.
Trần Trận nhận biết phân sói, nhưng cậu chưa có dịp nghiên cứu kỹ. Cậu bẻ
cục phân làm đôi, thấy toàn là lông dê vàng và lông cừu, không thấy xương, chỉ có
vài chiếc răng chuột bé tí và chất canxi của xương dính bết vào nhau như vôi vữa.
Sói nuốt vào bụng thịt cừu thịt chuột, da cừu da chuột, xương cừu xương chuột, gân
cừu gân chuột, tiêu hoá bằng hết gần như không còn chút gì, chỉ còn lại những thứ
không thể tiêu hoá như lông và răng. Xem xét kỹ, ngay cả lông cũng là những sợi
xenluylô ở lông thô, còn lông mịn cũng tiêu hoá hết. So với sói, tiêu hoá của chó
kém xa, trong phân chó còn bã xương và vỏ ngô hạt chưa tiêu hoá hết.

Trần Trận càng xem càng sợ, sói đúng là công nhân vệ sinh trên thảo nguyên.
Chúng xử lý gọn bò cừu ngựa, rái cá dê vàng, thỏ đồng chuột đồng, thậm chí thi thể
người chết, qua răng miệng dạ dày và ruột, chúng hấp thụ toàn bộ chất bổ dưỡng,
cuối cùng chỉ còn thừa chút lông và răng, keo kiệt đến mức chẳng để lại chút nào
cho lũ vi khuẩn. Thảo nguyên hàng vạn năm nay luôn sạch sẽ, đó là công lớn của
sói!
Trần Trận rơi vào trầm tư. Ngàn vạn năm nay, người thảo nguyên và sói thảo
nguyên du mục và săn bắt, khi về trời không để lại mồ mả bia đá, càng không để lại
cung điện lăng tẩm. Người và sói từng sinh ra, sống, chiến đấu và chết trên thảo
nguyên, đến như thế nào khi đi như thế. Những dũng sỹ thảo nguyên từng đánh
chiếm cách thành luỹ và thành phố của mấy chục quốc gia, vậy mà cái chết của họ
nhẹ như lông hồng, khiến cho những nhà khảo cổ đời sau đau đầu vì không khai
quật được gì. Cái sinh mạng thảo nguyên nhẹ như lông hồng ấy, hoá ra rất tôn trọng
sinh mạng của tự nhiên và của đấng cao xanh, là tấm gương cho những chủ nhân
của những lăng mộ đồ sộ Kim Tự Tháp, Tần Hoàng lăng, Thái Cơ lăng coi cái chết
nặng tựa Thái sơn. Người thảo nguyên thông qua sói mà đạt tới sinh mạng nhẹ tựa
lông hồng, cuối cùng về với thiên nhiên. Họ không thể thiếu một trong hai, sau khi
thể xác tiêu tan, họ hoà với thiên nhiên làm một.
Bột mịn lọt qua kẽ tay Trần Trận rơi xuống, có thể trong đám bụi này có tàn dư
râu tóc người thảo nguyên. Thảo nguyên tháng nào, quý nào cũng có thiên tang đưa
linh hồn người thảo nguyên lên trời. Trần Trận giơ cao hai tay ngửa mặt nhìn trời,
chúc cho linh hồn họ bằng an hạnh phúc bên Tăngcơli.
Đàn cừu hình răng lược chậm rãi chải những búi hoa vàng tiến dần lên dốc núi.
Trần Trận tiếc, không muốn vứt bỏ mấy cục phân sói, bèn bỏ vào một cái túi khác,
lên ngựa đón đầu đàn cừu.
Trên đỉnh núi gần đó có một tảng đá lớn màu đen nhọ nồi, nhìn từ xa giống như
một phong hoả đài. Trên những đỉnh núi xa hơn cũng có những tảng đá như thế.
Trần Trận nheo mắt ngắm, thấy chúng như một đoạn trường thành còn sót lại, chợt
nhớ tới câu thành ngữ “phong hoả hí chư hầu” (đốt lầu phong hoả đánh lừa chư hầu
là có giặc cho vui) và “lang yên tứ khởi” (khói phân sói bốc lên mù mịt). Cậu từng
tra những từ điển nổi tiếng, “lang yên” được giải thích là “khói đốt từ phân sói”.
Nhưng như cục phân sói cậu vừa bóp nát cho thấy, phân sói chủ yếu do tàn tích của
lông động vật tạo thành, làm sao có thể khói đen cuồn cuộn?
Chẳng lẽ trong phân sói có thành phần đặc biệt gì đó? Tim cậu đập rộn lên:
“phong hoả đài” ngay trước mắt, sao mình không đốt lên, đùa giỡn “chư hầu” một
cái, tận mắt trông thấy “khói sói” khiến dân tộc Hoa Hạ kinh hồn táng đởm hàng
ngàn năm nay? Xem cái khói sói ấy nó kinh khủng như thế nào. Do tính hiếu kỳ thôi
thúc, Trần Trận quyết định đi nhặt thêm ít phân sói nữa, để “khói sói” bốc trên

“phong hoả đài”.
Đàn cừu di chuyển chậm, Trần Trận dạo qua rất nhiều lượt mới nhặt được
chừng bốn vốc tay, chưa đầy nửa cái túi xách.
Trần Trận ngày càng sinh nghi, cứ cho là phân sói bốc lên khói đen, nhưng sói
không như cừu, sói là loài mãnh thú di chuyển nhanh, phân rải rác khắp nơi, không
tập trung một chỗ như cừu. Vì vậy kiếm đủ phân sói đâu có dễ. Ngay cả nơi đàn
sói lớn tập trung tiêu diệt đàn dê vàng, cũng khó tìm thấy phân, nói gì dưới chân
trường thành ít gia súc. Hơn nữa, các binh sĩ phong toả đài trên trường, thành nhặt
phân sói ở đâu? Rất nhiều phong hoả đài, bao nhiêu phân sói cho đủ? Sức tiêu hoá
của sói rất mạnh, bài tiết phân rất ít, do vậy phải có những đàn sói khổng lồ mới đủ
phân cho các phong hoả đài. Trần Trận lại dạo vài lượt nữa vẫn không kiếm thêm
được bãi phân nào. Cậu cho đàn cừu trú tại chân dốc lớn rồi phóng ngựa lên chỗ
tảng đá trên đỉnh núi.
Trần Trận đến bên tảng đá nhìn lên. Tảng đá cao bốn tầm người, bên cạnh có
nhiều tảng thấp có thể dùng làm bậc thang trèo lên. Cậu kiếm trong khe một ôm củi
khô, buộc chặt, kéo lên đỉnh núi. Rồi đeo chéo túi sang bên, cậu trèo lên tảng đá,
kéo bó củi lên theo. Bề mặt tảng đá bằng phẳng , rộng bằng hai chiếc bàn, bên trên
có phân chim đại bàng trắng.
Lúc này đã gần trưa, đàn cừu nằm nghỉ trên bãi cỏ. Trần Trận đứng trên “phong
hoả đài” dung ống nhòm quan sát kỹ bốn phía, không có sói. Đàn cừu của cậu cách
những đàn cừu khác năm sáu dặm, đàn gần nhất cũng ngoài ba dặm, không sợ lẫn.
Yên tâm, Trần Trận chất củi thành đống, bỏ tất cả chỗ phân sói lên trên. Giờ là dầu
hạ, không phải đề phòng hoả hoạn, trên thảo nguyên toàn là cây tươi, vả lại, trên
mỏm đá cao cao, có đốt lửa cũng không bị ca cẩm, người ta nghĩ các mã quan
nướng thịt ăn.
Trần Trận ý đã quyết, móc cái ví da cừu nhỏ như quyển ngữ lục trong túi trên,
bên trong có hai miếng thuỷ diêm và hơn chục que diêm đầu đỏ. Đây là vật bất li
thân của những mục dân không nghiện thuốc trên thảo nguyên, dùng để phòng thân:
Sưởi ấm, nấu nướng thức ăn, báo tin… Trần Trận quẹt diêm, đám củi khô lập tức
bén lửa nổ tí tách, tim cậu đập thình thịch, nếu như phân sói bốc khói đen. Có thể
nói từ khi có sử đến nay, đây là lần đầu tiên người Hán đốt lên làn khói của phân
sói trên thảo nguyên Mông Cổ. Có thể mọi người trong đội đều nhìn thấy làn khói
này, các thanh niên trí thức sẽ chắc chắn liên tưởng tới khói soi. Quả thật “khói
sói” đã gieo rắc kinh hoàng trong tâm trí người Hán, nó là lời cảnh báo đặc biệt
trong lịch sử văn hoá Trung Quốc, đồng nghĩa với báo động, khủng bố, chiến tranh
bột phát và kẻ thù xâm nhập. “Sói đến đấy!” Tiếng kêu khiến người lớn trẻ em sợ
mất vía, và “khói sói” khiến dân tộc Hán khiếp đảm, bao nhiêu vương triều Hán
trung nguyên đã bị diệt trong “khói sói”!

Trần Trận hơi sợ, khói sói bốc lên, tất cả thanh niên trí thức trong đội lập tức
lên án cậu. Nuôi sói chưa đủ hay sao, lại còn ngang nhiên nổi khói sói, thằng cha
này chắc hẳn là quân bất lương, phản phúc khó lường. Trần Trận giơ cao chân, sẵn
sàng dùng gót ủng giập lửa bất cứ lúc nào. Nơi đây là vùng biên, tình hình khá
căng, vậy mà dám đốt lửa giỡn chư hầu, chẳng phải thông báo địch tình thì là gì?
Nghĩ vậy Trần Trận toát mồ hôi lạnh.
Thế nhưng, lửa đã rừng rực mà chỗ phân sói không thấy động tĩnh, cục phân
màu xám biến thành đen, không bốc khói cũng không cháy thành ngọn lửa. Đống
lửa cháy càng to, phân sói đã bén lửa, bốc lên mùi hôi của sói và mùi khét của
lông cừu, những vẫn không thấy khói đen. Đốt phân sói giống như đốt thảm len,
khói bốc lên màu nâu nhạt, không đậm bằng khói củi. Củi cháy đùng đùng, phân sói
cũng cháy thành ngọn lửa, cuối cùng tất cả đỏ rực, khói cũng không còn mấy, nói gì
khói đen, khói trắng cũng không. Vậy làm gì có “khói sói” khiến người ta sợ mất
vía? Làm gì có cột khói đen cuộn cuộn dâng cao đầy ma thuật? Chỉ là đống củi khô
thêm vào đó ít thảm len rách, khói bốc lên rất bình thường, mỏng và nhẹ.
Trần Trận hạ chân xuống từ lâu, cậu gạt mồ hôi do sợ hão, thở ra nhẹ nhõm.
Đống lửa này chẳng có gì ghê gớm, chỉ bằng những đống lửa sưởi ấm mùa đông.
Cậu nhìn đống củi và những mẩu phân sói đã cháy hết, tịnh không thấy xuất hiện
khói sói. Cậu đứng lên trên tảng đá cao, trảng cỏ rộng lớn phía đông hoàn toàn
thanh bình: những chiếc xe bò chậm rãi lăn bánh, đàn ngựa trong hồ vẫn nhắm mắt
dưỡng thân, đám phụ nữ cắm cúi xén lông cừu, các dân công đang đào đa hộc.
Đống lửa không gây phản ứng gì, một dương quan gần nhất đang nhìn về phía cậu.
Ống khói trên nóc lều Mông Cổ phía xa toả khói trắng, cột khói vươn thẳng lên
trời. Làn khói sói đốt bằng chính nguyên liệu phân sói lại chẳng có gì đáng chú ý,
không hấp dẫn bằng khói cơm trên túp lều Mông Cổ.
Trần Trận rất thất vọng. Cậu nghĩ, khói sói không có thật, chẳng qua là chuyện
bịa. Thực nghiệm hồi nãy đã chứng minh sự phán đoán của cậu: Cái gọi là khói sói
trên phong hoả đài, dứt khoát không phải khói của phân sói. Làn khói đen đặc kia
hoàn toàn do đốt củi khô củi ướt và dầu mỡ khói bốc lên trời. Đốt phân cừu phân
bò còn ướt cũng có khói đen, mà củi ướt, dầu mỡ, phân bò cừu ướt dễ kiếm hơn
nhiều so với phân sói. Giờ thì cậu có thể khẳng định, khói sói là cách nói dựa vào
uy thể của sói, hoàn toàn bịp bợm, là lời tự dối mình của cư dân hoà bình Hoa Hạ.
Gió thổi tro củi và tro phân bay khỏi “phong hoả đài”. Trần Trận không sợ khói
sói, cậu rất ghét cái lối giải thích về khói sói trong những từ điển danh tiếng của
Trung Quốc. Nền văn minh nông canh Hoa Hạ hiểu rất nông cạn về văn minh thảo
nguyên, không hiểu tí gì về sói thảo nguyên. Khói sói không đơn giản là khói của
phân sói, chỉ cần đốt một ít phân sói là biết liền. Nhưng vì sao hàng triệu người
Hán bao nhiêu năm nay không đốt thử? Từ một góc độ khác, Trần Trận thấy cái

nguon tai.lieu . vn