Xem mẫu

CHƯƠNG 4

VẤN ĐỀ GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN.
MỘT SỐ NGUYÊN TẮC PHƯƠNG PHÁP
LUẬN CỦA VIỆC GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN

Nhận thức mâu thuẫn gắn liền với việc giải quyết mâu
thuẫn. Mục đích của việc nhận thức mâu thuẫn là để, trên
cơ sở hiểu biết thực chất của từng mâu thuẫn hiện thực cụ
thể, tìm ra con đường, biện pháp giải quyết mâu thuẫn một
cách đúng đắn. Mâu thuẫn chỉ trở thành động lực của sự
phát triển trong chừng mực nó được giải quyết thường
xuyên, kịp thời và hợp quy luật. Trái lại, sự nhận thức và
giải quyết không đúng mâu thuẫn xã hội làm cho mâu thuẫn
bị biến dạng, có thể gây ra những xung đột xã hội không
cần thiết, thậm chí dẫn đến khủng hoảng và sụp đổ của chế
độ xã hội.
Triết học Mác không dừng lại ở sự giải thích thế giới,
mà mục đích quan trọng hơn của nó là nhằm cải tạo thế
giới. Để có thể cải tạo thế giới một cách hợp quy luật, trước
hết chúng ta phải nhận thức được những quy luật và khả
năng tất yếu khách quan của sự vật, hiện tượng. Không phải
ngẫu nhiên mà Michel Vadée, một nhà triết học Pháp, đã
cho rằng C. Mác là “nhà tư tưởng của cái có thể”; cái có thể
157

(le possible) ở đây được tác giả hiểu như là cái khả năng tất
yếu của sự phát triển. Triết học Mác nghiên cứu những quy
luật vận động, phát triển của thế giới, bản chất và những
quy luật của chủ nghĩa tư bản cũng là nhằm tìm ra những
khả năng tất yếu khách quan để cải tạo xã hội đó, vượt qua
xã hội đó.
Mục đích của việc nghiên cứu mâu thuẫn cũng vậy. Nó
không phải chỉ để giúp chúng ta hiểu được tính tất yếu
khách quan của mâu thuẫn rồi chấp nhận chúng như là
những định mệnh đã an bài. Triết học Mác không chỉ thừa
nhận mâu thuẫn mà còn vạch ra khả năng giải quyết từng
bước để đi đến giải quyết triệt để, hoàn toàn những mâu
thuẫn xã hội đang tồn tại. Đúng như Michel Vadée nhận
xét: “Đối với Mác, con người đang có ý thức về quá trình
lịch sử và càng ngày càng phải có ý thức hơn. Trong chừng
mực đó, họ có thể đẩy nhanh việc giải quyết mâu thuẫn
ngay khi mà họ hiểu biết ngày càng nhiều hơn về các động
lực phát triển thực sự trong quá khứ và trong hiện tại.”1
Để hiểu một cách thấu đáo vấn đề giải quyết mâu thuẫn,
trước hết cần làm rõ khái niệm khoa học này, sau đó cần
nghiên cứu kỹ những nguyên tắc chung của việc giải quyết
mâu thuẫn. Trong chương này, chúng tôi cũng chủ yếu đề
cập đến mâu thuẫn trong đời sống xã hội.

1. Xem Michel Vadée, Marx nhà tư tưởng của cái có thể (gồm 2
tập), Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, t. 1, tr. 4;
t. 2, tr. 333 - 334.
158

1. NHỮNG QUAN NIỆM KHÔNG ĐÚNG TRONG
VẤN ĐỀ GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN
Những thiếu sót được trình bày sau đây, tuy phần lớn
đã được khắc phục trong quá trình đổi mới ở nước ta,
nhưng dù sao việc nhìn lại chúng một cách có hệ thống có
thể sẽ bổ ích cho việc xây dựng một cách tiếp cận mới
đối với việc giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong xã
hội ta hiện nay.
1.1. Giải quyết mâu thuẫn bị đồng nhất với việc xóa bỏ
mâu thuẫn
Trong thời gian trước đây cũng như hiện nay, nhiều khi
khái niệm “giải quyết mâu thuẫn” bị đồng nhất với việc xóa
bỏ mâu thuẫn. Cách hiểu này xuất phát từ quan niệm không
thừa nhận tính tất yếu, khách quan của mâu thuẫn, cho rằng
bất kỳ mâu thuẫn nào cũng đều không bình thường, trái tự
nhiên, cũng đều xấu và tiêu cực. Theo quan niệm này, mâu
thuẫn cản trở, kìm hãm sự phát triển; do đó chỉ có loại bỏ
mâu thuẫn mới làm cho sự vật phát triển được.
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của G.X.
Batisev trong tác phẩm “Mâu thuẫn với tính cách là phạm
trù của lôgíc học biện chứng” . Tác giả viết : “Giải quyết
mâu thuẫn biện chứng không có gì chung với việc “loại bỏ”
nó” , “Loại bỏ mâu thuẫn biện chứng là hoàn toàn không có
khả năng. Ở đây nguyện vọng và ý chí của bất kỳ ai đều
không có vai trò gì hết”... “Giải quyết mâu thuẫn biện
chứng là giành thắng lợi đối với vấn đề, “giải quyết” nó một
159

cách giả tạo bằng cách “loại bỏ” là chạy trốn một cách nhục
nhã, thậm chí là lẩn tránh ngay cả cách đặt vấn đề.”1
Trong thời gian trước đây, việc giải quyết mâu thuẫn bị
đồng nhất với việc loại bỏ mâu thuẫn và thường được thực
hiện bằng cách tiêu diệt, loại bỏ một trong hai mặt hợp
thành mâu thuẫn. Mặc dù tính vô căn cứ của cách giải quyết
mâu thuẫn như vậy đã bị nhiều nhà lý luận phê phán, nhưng
trên thực tế, nó vẫn vô tình hay hữu ý được áp dụng một
cách tương đối phổ biến. Cách làm này xuất phát từ sự đánh
giá không đúng vai trò của mỗi mặt đối lập tạo nên chỉnh
thể. Toàn bộ tính đa dạng, phong phú của mâu thuẫn xã hội
bị quy kết một cách giản đơn về mâu thuẫn giữa cái mới và
cái cũ, cái tốt và cái xấu và cuộc đấu tranh của hai mặt đối
lập tất yếu sẽ dẫn đến mặt này thắng mặt kia, tức cái mới
thắng cái cũ. Những thí dụ về cách giải quyết mâu thuẫn
như vậy có thể tìm thấy trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa
xã hội thời kỳ trước đổi mới, như giải quyết mâu thuẫn giữa
hai hình thức sở hữu - sở hữu xã hội và sở hữu tư nhân, giữa
độc quyền và cạnh tranh, giữa kế hoạch và thị trường, giữa
lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân, v.v..
Hậu quả của việc giải quyết mâu thuẫn bằng cách loại
bỏ một mặt và giữ lại mặt kia, trên thực tế là biến một mặt
vốn là cái phiến diện thành cái toàn diện, cái bộ phận thành

1. G.S. Batisev, Mâu thuẫn với tính cách là phạm trù của lôgic học
biện chứng (Противоречие как категория диалектической
логики), Nxb Đại học, Matxcơva, 1963, tr. 80, 83, 85.
160

cái toàn thể, cái tương đối thành cái tuyệt đối. Tất nhiên,
quá trình phát triển của sự vật không loại trừ khả năng cái
lúc đầu chỉ là bộ phận về sau biến thành cái toàn thể, một
mặt của sự vật (cái mới xuất hiện trong lòng cái cũ) biến
thành một bản chất độc lập. Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra
một cách hợp quy luật trong những điều kiện nhất định, chứ
không phải được thực hiện một cách chủ quan, bất chấp
những điều kiện cụ thể. Cách “giải quyết” mâu thuẫn bằng
cách loại bỏ mâu thuẫn, loại bỏ một trong hai mặt đối lập
chẳng những không giải quyết được mâu thuẫn mà chỉ làm
cho mâu thuẫn bị biến dạng mà thôi.
1.2. Thỏa mãn với việc giải quyết mâu thuẫn ở cấp độ
hiện tượng
Do tính bảo thủ của cơ chế cũ trong thời kỳ trước đổi
mới, người ta thường thỏa mãn với việc giải quyết mâu
thuẫn ở hiện tượng, lẩn tránh việc giải quyết mâu thuẫn ở
bản chất của nó. Cách giải quyết này chỉ tạo ra một sự
thống nhất tạm thời ở hiện tượng bên ngoài của xã hội,
nhưng trong bản chất, mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết.
Nhìn bề ngoài của đời sống xã hội ở Liên Xô và các
nước xã hội chủ nghĩa trước thời kỳ khủng hoảng, có vẻ như
mọi mâu thuẫn đều được giải quyết một cách tốt đẹp: không
có cạnh tranh kinh tế, không có biến động trong giá cả, thị
trường và đời sống; không có sự xung đột về lợi ích giữa
các cá nhân, giữa các giai cấp, giữa các chủng tộc; không
có sự đối lập giữa người giàu và người nghèo, giữa lao động
161

nguon tai.lieu . vn