Xem mẫu

LÉP TRỐTXKI

đời tôi
TẬP 2

TỦ SÁCH NGHIÊN CỨU
1999

LÉP TRỐTXKI

đời tôi
tập hai

TỦ SÁCH NGHIÊN CỨU
1999Lép Trốtxki: Đời tôi
Nguyên tác:

ЛЛЕЕВВ ТТРРООЦЦККИИЙЙ:: ММООЯЯ ЖЖИИЗЗННЬЬ II––IIII
Tủ sách Nghiên cứu dịch theo bản tiếng Pháp:

Léon Trotsky: Ma Vie
Nhà xuất bản Gallimard, Paris 1953
Hoàng Nguyễn đối chiếu, sửa chữa
và chỉnh lý theo bản tiếng Hung:

Lev Trockij: Életem
Nhà xuất bản Kossuth, Budapest 1989
Trình bày bìa: Hoàng Giang
In lần thứ nhất tại Hungary, 1999

Tủ sách Nghiên cứu giữ bản quyền ấn bản Việt ngữ

Vietnamese Copyright

©1998 by Tủ sách Nghiên cứu

2

QUYỂN THỨ HAI
CHƯƠNG XXIV

Ở PÊTƠRÔGƠRÁT
Chuyến đi từ Heliphécxơ [Halifax] về Pêtơrôgơrát [Pétrograd] vụt qua không để lại ấn tượng gì, dường
như chúng tôi đi trong đường hầm. Quả thực đó cũng là một đường hầm, đường hầm dẫn đến cách mạng. Ở
Thụy Điển, tôi chỉ nhớ độc một thứ là phiếu bánh mì, thời ấy lần đầu tiên tôi thấy chúng.
Ở Phần Lan, trên toa tàu hỏa, tình cờ tôi chạm trán Phanđécvenđe [Vandervelde] và Đơ Man [De
Man], họ cũng đi Pêtơrôgơrát.
–– Ông nhận ra chúng tôi chứ? –– Đơ Man hỏi.
–– -! Sao không! –– tôi trả lời ––, dù con người đổi thay nhiều trong thời chiến.
Chúng tôi chấm dứt câu chuyện ''niềm nở'' với lời ám chỉ bóng gió không mấy lịch sự ấy.
Thời thanh niên, Đơ Man cố trở thành người mác-xít và ông cũng đã công kích Phanđécvenđe khá
thành công. Sau đó, Đơ Man chấm dứt sự ve vãn ngây thơ thủa thiếu thời –– ông ta phủ nhận về mặt chính
trị trong chiến tranh và tiếp đó, cả trong lý luận. Không hơn không kém, ông chỉ còn là kẻ thừa hành trong
chính phủ Bỉ.
Về phần Phanđécvenđe, ông là nhân vật kém cỏi nhất trong nhóm lãnh đạo Quốc tế. Ông được bầu
làm chủ tịch chỉ vì không thể bầu một người Đức hoặc Pháp vào cương vị đó. Về mặt lý luận,
Phanđécvenđe chỉ biết cóp nhặt. Ông cũng chỉ biết luồn lách giữa những trào lưu tư tưởng của chủ nghĩa xã
hội như chính phủ của ông xoay xở giữa các cường quốc. Ông chẳng có uy tín gì trong giới mác-xít Nga. Ở
cương vị một diễn giả, Phanđécvenđe không bao giờ vượt quá sự tầm thường hào nhoáng. Trong chiến
tranh, ông đổi chức chủ tịch Quốc tế lấy chiếc ghế thượng thư hoàng gia. Tôi đã đấu tranh kịch liệt với ông
trong tờ báo của tôi ở Pari [Paris]. Đáp lại, Phanđécvenđe kêu gọi các nhà cách mạng Nga thỏa hiệp với chế
độ Nga hoàng. Và bây giờ, ông đi Pêtơrôgơrát để đề nghị cách mạng Nga chiếm lĩnh vị trí của Nga hoàng
trong hàng ngũ Liên minh. Chúng tôi chẳng có gì để nói với nhau.
Ở Biêlôôxtơrốp [Biéloostrov], tôi được một đoàn đại biểu đón tiếp, gồm những người quốc tế
thống nhất và Ban Trung ương bôn-sê-vích. Không ai đại diện cho phe men-sê-vích, kể cả các nhà ''quốc
tế'' như Máctốp [Martov] và những người khác.
Tôi ôm Urítxki [Ouritsky], người bạn cũ tôi gặp gỡ lần đầu ở Xibêri [Sibérie] vào đầu thế kỷ này.
Urítxki là cộng tác viên thường trực tại bán đảo Bắc Âu của tờ Nasê Xlôvơ [Naché Slovo] (Tiếng nói của
chúng ta) xuất bản ở Pari và trong chiến tranh, anh là liên lạc viên của chúng tôi với nước Nga. Một năm
sau ngày chúng tôi gặp lại nhau, Urítxki bị một nữ thanh niên xã hội cách mạng ám sát.
Trong phái đoàn này, lần đầu tiên tôi gặp Carakhan [Karakhan], sau này trở thành nhà ngoại giao
Xô-viết nổi tiếng. Đại diện cho những người bôn-sê-vích là anh thợ luyện kim Phêđôrốp [Fédorov], chẳng
bao lâu sẽ là chủ tịch phân ban công nhân trong Xô-viết Pêtơrôgơrát.
Trước khi đến ga Biêlôôxtơrốp, qua một tờ báo Nga mới in, tôi được biết Trécnốp [Tchernov],
Xêrêteli [Tsérételli] và Xcôbêlép [Skobélev] đã vào Chính phủ liên hiệp Lâm thời. Sự xếp đặt của các phe
phái chính trị lập tức hoàn toàn rõ ràng trước mắt tôi. Cùng những người bôn-sê-vích, chúng tôi phải chiến
đấu không khoan nhượng chống đám men-sê-vích và dân túy ngay từ những ngày đầu.
Chúng tôi được đón tiếp rất trọng thể tại nhà ga Phần Lan ở Pêtơrôgơrát. Urítxki và Phêđôrốp đọc
diễn văn. Trong đáp từ, tôi nói về sự cần thiết phải chuẩn bị một cuộc cách mạng thứ hai, lần này sẽ là cuộc
cách mạng của chúng ta. Khi đột nhiên được quần chúng nâng bổng lên, tôi liền nhớ lại Heliphécxơ, ở đó
tôi cũng ở trong tình thế như vậy. Nhưng bây giờ tôi ở giữa những bàn tay bè bạn. Vô số cờ quạt tung bay
quanh chúng tôi. Trong một khoảng khắc, tôi thấy gương mặt xúc động của vợ tôi cùng dáng vẻ xanh xao
và lo lắng của lũ trẻ. Chúng phân vân không hiểu người ta nâng cha chúng lên như thế là tốt hay xấu? Cách
mạng đã từng làm bọn trẻ thất vọng một lần rồi.
Đằng sau, ở cuối sân ga, tôi nhận thấy Phanđécvenđe và Đơ Man. Họ cố tình tụt lại, dường như
không dám liều lĩnh hòa mình vào quần chúng. Các thượng thư xã hội mới toanh của nước Nga không dành
cho đồng nghiệp Bỉ của họ một cuộc đón tiếp nào. Ai nấy còn nhớ quá rõ vai trò mới đây của

3

Phanđécvenđe.
Liền sau cuộc đón tiếp ở nhà ga, tôi nhào vào cơn lốc khổng lồ trong đó người và việc xoay tròn
như cọng rơm trong dòng nước lũ. Đa số những sự kiện lớn nhất lại nghèo nàn nhất về kỷ niệm mang tính
cá nhân: đó là cách ký ức tự bảo vệ để chống lại sự quá tải. Hình như tôi đến ngay phiên họp của Ban Chấp
hành. Trơkhêítdê [Tchkhéidzé] –– chủ tịch vĩnh viễn thời đó –– chào tôi lạnh nhạt. Những người bôn-sêvích đề nghị đưa tôi vào Ban Chấp hành với tư cách cựu chủ tịch Xô-viết năm 1905. Một sự bối rối diễn ra.
Phe men-sê-vích thì thào với đám dân túy. Hồi đó họ còn chiếm một đa số áp đảo trong mọi cơ sở cách
mạng. Họ quyết định chấp nhận tôi trong vai trò tư vấn. Tôi nhận thẻ ủy viên cùng một cốc trà và một mẩu
bánh mì đen.
Chẳng những các con tôi mà tôi cùng vợ tôi cũng lạ lùng khi nghe tiếng Nga và nhìn những hàng
chữ Nga trên đường phố Pêtơrôgơrát. Chúng tôi rời bỏ thủ đô đã mười năm nay, khi ấy đứa con đầu của tôi
mới hơn một tuổi, đứa thứ hai được sinh ra ở Viên [Vienne].
Ở Pêtơrôgơrát, có một đạo quân bảo vệ địa phương đông đảo, nhưng đã hoàn toàn bất lực. Binh
lính đi dọc phố, hát vang những bài ca cách mạng và đeo băng đỏ trên ngực. Tất cả những điều này có vẻ
kỳ lạ như trong mơ. Các tàu điện chở đầy ắp binh lính. Trên một số đại lộ, mọi người vẫn tập luyện: những
xạ thủ nằm rạp theo lệnh rồi xông thẳng theo hàng tấn công sang bên kia đường và lại nằm rạp xuống. Con
quái vật chiến tranh vẫn lừng lững sau lưng cách mạng và đổ bóng lên cách mạng. Nhưng quần chúng hầu
như đã không tin vào chiến tranh. Hình như cái trò luyện tập này vẫn tồn tại chỉ vì người ta quên không
thổi còi kết thúc. Chiến tranh đã là điều không thể tiếp tục. Vậy mà không chỉ các nhà dân chủ lập hiến mà
cả những lãnh tụ cái gọi là ''dân chủ cách mạng'' cũng không tài nào hiểu nổi. Họ vô cùng hoảng sợ nếu
phải thả cái váy của Đồng minh ra.
Tôi biết qua loa Xêrêteli và hoàn toàn không quen Kêrenxki [Kérensky]; tôi hơi quen Trơkhêítdê,
còn Xcôbêlép từng là học trò của tôi; tôi đã đối chọi với Trécnốp trong những buổi diễn thuyết ở nước
ngoài; tôi thấy Gốt [Gotz] lần đầu tiên. Đây là nhóm chủ chốt trong phe dân chủ của Xô-viết.
Cố nhiên Xêrêteli vượt những kẻ khác cả một cái đầu. Tôi gặp ông lần đầu tiên tại Đại hội Lônđôn
[London] năm 1907, ở đó ông đại diện cho phe xã hội dân chủ của Quốc hội Đuma [Douma] thứ II. Ngay
từ thời gian ấy, trong những năm còn trẻ, Xêrêteli đã là một diễn giả giỏi và có phong thái đạo đức quyến
rũ. Những năm tháng tù đày càng làm tăng uy tín chính trị của ông. Xêrêteli trở về vũ đài cách mạng vào độ
chín muồi và ông chiếm ngay được vị trí hàng đầu trong số các đồng chí và đồng minh của ông. Trong số
những địch thủ của chúng tôi, ông là người duy nhất đáng được coi trọng. Nhưng cũng như lịch sử thường
xảy ra, phải có một cuộc cách mạng để chứng tỏ Xêrêteli không phải là nhà cách mạng. Kẻ nào không
muốn lạc lối trong mớ bòng bong của cách mạng, người ấy phải tiếp cận cách mạng Nga không phải từ
quan điểm Nga, mà từ viễn cảnh của thế giới. Ngược lại, Xêrêteli chỉ tiếp cận các vấn đề theo góc độ những
kinh nghiệm xứ Grudia [Géorgie], ông xuất phát từ kinh nghiệm có được trong Quốc hội Đuma thứ II.
Nhãn quan chính trị của ông hạn hẹp lạ thường, học vấn của ông tỏ ra là thứ học vấn nông cạn. Ông tôn
sùng sâu sắc chủ nghĩa tự do. Ông nhìn tính năng động không gì xoay chuyển nổi của cách mạng bằng đôi
mắt kẻ tư sản ít học, lo ngại cho nền văn minh. Càng ngày, ông càng coi đám quần chúng thức tỉnh như một
lũ dân đen ngu muội nổi loạn. Ngay từ những lời nói đầu tiên của ông, chúng tôi nhận rõ ông là kẻ thù.
Lênin [Lénine] gọi ông là kẻ thiển cận. Câu nói quá nghiêm khắc, nhưng đây là một câu nói rất trúng.
Xêrêteli là người có khả năng và lương thiện, nhưng thiển cận.
Lênin gọi Kêrenxki là kẻ huyênh hoang rỗng tuyếch. Cho đến nay, chẳng phải thêm gì mấy vào
nhận xét ấy. Kêrenxki đã và vẫn là một nhân vật ngẫu nhiên của lịch sử, một kẻ gặp thời. Mỗi làn sóng
mạnh mẽ mới của cách mạng huy động những đám quần chúng còn nguyên sơ và chưa biết nhận xét rõ
ràng, nhất thiết phải nâng lên đầu ngọn sóng những kẻ ''anh hùng'' trong giây lát, lập tức họ bị quáng vì hào
quang của bản thân. Kêrenxki xuất thân từ di sản của Gapôn [Gapone] và Khơrútxtalép [Khroustalev]. Ông
là hiện thân của cái ngẫu nhiên trong quy luật lịch sử. Những bài phát biểu xuất sắc nhất của ông cũng chỉ
như thứ bọt bèo trong cốc nước. Năm 1917, thứ nước ấy sôi bùng và bốc hơi. Những làn sóng hơi nước
trông như một thứ hào quang.
Thời trước, Xcôbêlép bước vào chính trường dưới sự dẫn dắt của tôi tại Viên, ở đó anh là sinh
viên. Rời tòa soạn báo Prápđa [Pravda] ở Viên, anh về vùng quê Cápcadơ [Caucase] và tìm cách ứng cử
vào Quốc hội Đuma thứ IV. Anh đã thành công. Trong Đuma, Xcôbêlép chịu ảnh hưởng của phe men-sêvích và cùng họ tham dự cách mạng tháng Hai. Quan hệ của chúng tôi đã đứt đoạn từ lâu. Tôi bỗng gặp lại
anh trên cương vị bộ trưởng Bộ Lao động mới toanh ở Pêtơrôgơrát. Trong Ban Chấp hành, anh hào hứng
tiến lại phía tôi và hỏi tôi nghĩ gì về ''điều đó''. Tôi đáp lại:
–– Tôi nghĩ rằng chẳng bao lâu chúng tôi sẽ tính sổ với các anh.
Cách đây chưa lâu, Xcôbêlép vừa cười vừa nhắc lại lời tiên đoán thân tình ấy, đã trở thành hiện

4

thực sáu tháng sau.
Ít lâu sau thắng lợi tháng Mười, Xcôbêlép tự tuyên bố là người bôn-sê-vích. Tôi cùng Lênin phản
đối việc đưa anh vào đảng. Giờ đây, cố nhiên anh theo phe Xtalin [Staline]. Xét về phương diện này, câu
chuyện hoàn toàn dễ hiểu.
Tôi cùng vợ và các con chuyển đến một khách sạn nào đó có tên là Kiépxkiê Nômêra [Kievskyé
Noméra], ở đó người ta cho thuê phòng theo tháng. Chúng tôi chỉ có một phòng và cũng phải khó khăn mới
có được. Hôm sau, một sĩ quan đến chỗ chúng tôi trong bộ quân phục lộng lẫy từ đầu đến chân.
–– Đồng chí không nhận ra tôi ư?
Tôi không nhận ra anh ta
–– Tôi là Lôghinốp [Loguinov]...
Thế là sau vẻ bề ngoài sáng chói của người sĩ quan, tôi hồi tưởng lại trong ký ức một anh thợ tiện
trẻ từ năm 1905. Là thành viên một chi đội tác chiến, anh đã nấp sau các cột trụ ngoài phố chiến đấu với lũ
cảnh sát và gắn bó với tôi bởi lòng hăng hái của một thanh niên. Sau năm 1905, tôi mất tin tức anh.
Mãi đến giờ, Lôghinốp mới cho tôi biết thực tế chưa bao giờ anh là anh vô sản Lôghinốp. Tên thật
của anh là Xêrêbơrốpxki [Sérébrovsky], cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật. Xuất thân từ một gia đình giàu
có, nhưng thời trẻ anh hòa nhập rất giỏi vào giới thợ thuyền. Trong những năm thoái trào thời phản động,
anh trở thành kỹ sư, đã từ lâu anh xa rời cách mạng và được chính phủ bổ nhiệm làm giám đốc hai xí
nghiệp lớn nhất của Pêtơrôgơrát trong chiến tranh.
Cách mạng tháng Hai tác động đến anh trong một chừng mực nào đó, làm thức tỉnh quá khứ trong
anh. Qua báo chí, anh biết tôi trở về. Và bây giờ anh đứng trước mặt tôi và khẩn khoản mời tôi cùng gia
đình chuyển ngay đến nhà anh. Chúng tôi nhận lời sau một chút do dự.
Chúng tôi rơi vào một căn nhà mênh mông và giàu có dành cho vị giám đốc nhà máy, ở đó
Xêrêbơrốpxki sống với người vợ trẻ. Họ không có con. Tất cả đã được chuẩn bị sẵn. Trong cái thành phố
vất vưởng, đói khát và đổ nát này, chúng tôi tưởng như đang ở thiên đường.
Nhưng câu chuyện lập tức mang màu sắc khác khi chúng tôi đả động đến chính trị. Xêrêbơrốpxki
là nhà ái quốc trứ danh. Sau này chúng tôi mới biết, anh căm ghét điên cuồng những người bôn-sê-vích và
coi Lênin là tay sai của Đức. Thật ra, anh có trở nên thận trọng hơn khi những lời nói đầu tiên của anh gặp
phải sự phản đối. Nhưng hoàn toàn không thể chung sống cùng một mái nhà với anh. Thế là chúng tôi rời
khỏi căn nhà của những người chủ niềm nở, nhưng xa lạ với chúng tôi và quay về căn phòng khách sạn.
Sau chuyện đó, Xêrêbơrốpxki còn rủ các con tôi đến nhà anh một lần nữa. Anh đãi chúng trà và mứt hoa
quả, để tỏ lòng biết ơn, lũ trẻ kể với anh về bài phát biểu của Lênin trong một cuộc mít-tinh lớn. Gương
mặt bọn trẻ đỏ bừng, chúng mừng rỡ vì được nói chuyện và ăn mứt.
–– Nhưng Lênin là gián điệp Đức đấy! –– ông chủ nhà tuyên bố.
Sao? Sao lại có thể nói những lời như thế? Bọn trẻ lập tức đặt chén trà và bỏ đĩa mật xuống.
Chúng nhảy cẫng lên và thằng anh nói:
–– Chà! Chú biết không, đây là chuyện xỏ lá!
Nó không tìm thấy trong vốn từ ngữ của nó cách diễn đạt nào khác, hợp hơn với tình thế lúc đó.
Đến lượt ông chủ phật ý. Quan hệ giữa chúng tôi chấm dứt từ lần gặp gỡ ấy.
Sau thắng lợi tháng Mười, tôi kéo Xêrêbơrốpxki vào làm việc trong Xô-viết. Như nhiều người
khác, anh vào đảng thông qua những công việc hoàn thành trong Xô-viết. Hiện nay, anh là ủy viên Ban
Trung ương đảng của Xtalin, một trụ cột của chế độ. Nếu năm 1905, anh đã có thể làm ra vẻ một người vô
sản thì giờ đây anh dễ dàng hơn nhiều để người ta tưởng anh là bôn-sê-vích.
Sau ''những ngày tháng Bảy'' sẽ nói tới trong đoạn dưới, làn sóng vu khống những người bôn-sêvích tràn ngập phố phường thủ đô. Tôi bị chính phủ Kêrenxki bắt giữ và hai tháng sau khi trở về từ nước
ngoài, tôi lại vào nhà ngục Cơrétxtư [Kresty] rất quen biết. Trưởng trại Amhéc [Amherst], đại tá Môrítxơ
[Morris] hẳn phải khoái trá khi đọc tin này trong báo buổi sáng và chắc không chỉ mình ông ta có sự thỏa
mãn ấy. Ngược lại, các con tôi bất bình.
–– Cái thứ cách mạng gì thế này –– chúng trách móc với mẹ chúng ––, nếu người ta giam bố, khi
thì trong trại tập trung, lúc thì trong nhà tù?
Đồng ý với chúng, mẹ chúng nói đây vẫn chưa phải là cuộc cách mạng thực sự. Nhưng những giọt
hoài nghi cay đắng đã ngấm dần vào tâm hồn lũ trẻ.
Sau khi rời nhà tù của nền ''dân chủ cách mạng '', chúng tôi dọn vào căn hộ nhỏ do bà vợ góa một
nhà báo tự do cho thuê trong một tòa nhà tư sản lớn. Công cuộc chuẩn bị cho cách mạng tháng Mười được
thực hiện hết tốc lực. Tôi được bầu làm chủ tịch Xô-viết Pêtơrôgơrát. Tên tôi bị biến thể lung tung trên báo
chí. Trong tòa nhà, chúng tôi ngày càng bị bao vây bởi một bức tường hiềm khích và căm ghét. Anna
Ôxipốpna [Anna Ossipovna], chị đầu bếp của chúng tôi phải chịu những công kích thường xuyên của các

5

nguon tai.lieu . vn