Xem mẫu

CHƯƠNG BẢY
• Ở giữa châu Âu
— Đầu mối Hung-ga-ri.
— Chỉ thị của Đại bản doanh.
— Sự hoảng hốt trong phe Hoóc-ti.
— Sức ép của Hít-le.
— Chuyến đi bí mật.
— Thư của các sĩ quan tù binh.
— Các thủ đoạn vụng về.
— Thượng tướng Be-la Mi-clốt.
— Trận đánh bảo vệ Bu-đa-pét.
— U. Sớc-sin và A. I-đơn ở Má-xcơ-va.
— Báo cáo của nguyên soái X. C. Ti-mô-sen-cô.
— Sự hy sinh của những người Liên Xô cầm cờ trắng.
— Nẩy nở tình đoàn kết chiến đấu.
— Tại Ba-la-tông.
— «Không được kéo dài chiến tranh».
Thắng lợi của chiến dịch I-át-xư - Ki-si-ni-ốp đặt ra cho bộ đội Liên Xô một trong
những nhiệm vụ thực tiễn là giải phóng Hung-ga-ri.
Như mọi người đều biết, về địa lý, Hung-ga-ri nằm ở giữa châu Âu, đầu mối
những con đường cái chính trên lục địa. Trong những năm chiến tranh thế giới thứ
hai, bọn cầm quyền ở Hung-ga-ri, đứng đầu là nhiếp chính Hoóc-ti, trở thành những
tên tay sai trung thành của Hít-le. Chúng biến Hung-ga-ri thành nước chư hầu, chỗ
dựa của Đế chế thứ ba. Phát-xít Đức hút dầu hỏa của Hung-ga-ri, thứ nhiên liệu sống
còn đối với các lực lượng vũ trang của Đức, sau khi chúng bị mất các nguồn dầu ở
Ru-ma-ni; chúng vơ vét lúa mì, thịt và các nguyên liệu nông nghiệp. Hung-ga-ri còn
cung cấp cả quân lính cho chúng.
Bộ tổng tham mưu chú ý tính toán tất cả những vẫn đề trên. Nhưng không chỉ có
thế. Chúng ta cần nhớ rằng Hung-ga-ri giữ một vị trí đặc biệt trong những mưu toan
của khối Anh-Mỹ. Mọi người đều biết rằng các nước phương Tây đang thi hành chính
sách hai mặt với Hung-ga-ri. Ví dụ, họ đã phản ứng khá «độc đáo» việc Hung-ga-ri
tham gia cuộc chiến tranh với Liên Xô: vừa mới cuối năm 1941 Anh đã tuyên chiến
với Hung-ga-ri, còn Mỹ thì tuyên chiến muộn hơn, vào tháng Sáu 1942. Các mối quan
hệ như vậy có thể đưa đến nhiều điều bất ngờ, và như chúng ta sẽ thấy, chúng có ảnh
hưởng tới các kế hoạch của hai bên.

Việc giải phóng Hung-ga-ri hứa hẹn mang lại cho chúng ta những thuận lợi rõ rệt
về quân sự. Giải phóng được đất nước này, bộ đội Liên Xô sẽ tiến vào Tiệp Khắc là
nước đồng minh với chúng ta, trực tiếp giáp giới với nước Đức Hít-le và có điều kiện
đánh vu hồi mặt phía Nam vào nước Đức. Từ đây vào đến trung tâm hang ổ của bọn
phát-xít chỉ còn có mấy trăm ki-lô-mét. Chúng ta còn có những ý định khác nữa. Ví
dụ, Hung-ga-ri được giải phóng sẽ làm thay đổi hắn tình hình quân sự ở I-ta-li-a,
Nam Tư, Hy Lạp và An-ba-ni, vì các mũi đột kích của chúng ta đe dọa phía sau lưng
các cánh quân phát-xít Đức đóng tại các nước này và chặn hết mọi ngả đường rút
quân của chúng về nước Đức. Tình hình đó là yếu tố mới rất quan trọng đối với tình
huống chiến lược ở châu Âu.
Quân địch hiểu các khả năng sẽ phát triển sắp tới của các sự kiện quân sự, nên
ngoan cố bám giữ lấy Hung-ga-ri. Và, chúng ta cũng cảm thấy ngay tình hình đó khi
quân đội Liên Xô tiến gần đến Tơ-ran-xin-va-ni.
Việc tiêu diệt quân địch ở I-át-xư và Ki-si-ni-ốp đã tạo điều kiện để có một cách
nhìn khác hơn trước đây chút ít đối với việc giải quyết vấn đề về cách thức phá vỡ
phòng ngự của quân phát-xít Đức và của chính phủ Hoóc-ti ở Các-pát. Bộ tổng tham
mưu và Đại bản doanh suy nghĩ: liệu ta có cần tiến vào Hung-ga-ri qua dãy núi bằng
mũi đột kích vỗ mặt như phương diện quân U-crai-na 4 đã chuẩn bị hay không? Tiến
công như vậy thường bị tổn thất nhiều cả về người lẫn phương tiện vật chất. Vậy nếu
biết lợi dụng tình hình chiến dịch phát triển nhanh ở hướng Tây - Nam để các tập
đoàn quân Liên Xô tiến vào các vùng phía sau núi, tức là từ phía Nam đi vòng dãy núi
qua Ru-ma-ni, có tốt hơn không? Tất nhiên là nếu không tiến công vào các vùng rừng
núi và không đột phá vào tuyến phòng thủ của địch ở chính diện thì không được,
nhưng dù sao nhiệm vụ chủ yếu có thể hoàn thành được thuận lợi hơn, tiết kiệm
hơn, và dĩ nhiên là triệt để hơn.
Bộ tổng tham mưu đã thảo luận kỹ tình huống trên, và ngày 25 tháng Tám 1944,
A. I. An-tô-nốp báo cáo với Đại bản doanh phương án dự kiến hành động của các
phương diện quân U-crai-na 4 và 2. Bộ tổng tham mưu được chỉ thị lấy thêm ý kiến
của I. E. Pê-tơ-rốp, tư lệnh phương diện quân U-crai-na 4, rồi của R. I-a. Ma-li-nốpxki, tư lệnh phưong diện quân U-crai-na 2 và Gh. C. Giu-cốp, Phó tổng tư lệnh tối cao
lúc này đang ở Ru-ma-ni.
Chúng tôi đã trao đổi ý kiến ngay với I. E. Pê-tơ-rốp bằng đường điện thoại cao
tần. Trong dải của phương diện quân đồng chí, trên khắp các nẻo đường vùng chân
núi Các-pát, bộ đội và khí tài đang luồn núi xuyên rừng, nơi thì chiến đấu mở đường,
nơi thì đánh giáp lá cà với quân địch, đang bò lên các điểm cao một cách chậm chạp
như đàn kiến. Phương diện quân vừa tiến công, vừa chuẩn bị các điều kiện để vượt
dãy núi Đông Các-pát ở phía Đông. Trong khi đó, bộ đội lại không có đủ các thiết bị
và trang bị chiến đấu ở vùng rừng núi.

Các kết quả tiến công chưa hứa hẹn được nhiều. Quân địch mặc dù phải lùi tới
các điểm cao và các đèo ngang dãy núi chính, nhưng vẫn chưa chịu bỏ những vị trí
quyết định. Bộ đội Liên Xô bị thiệt hại khá nhiều về người và khí tài.
I. E. Pê-tơ-rốp đồng ý với những ý kiến của Bộ tổng tham mưu, nhưng có nói
rằng, trước khi chờ Đại bản doanh quyết định cuối cùng, tốt hơn là nên tạm dừng
cuộc tiến công của phương diện quân U-crai-na 4, vì cần để cho phương diện quân
học tập thêm cách đánh ở vùng rừng núi, cải tiến việc trang bị cho bộ đội và cho bộ
đội nghỉ ngơi chút ít, vì họ đã tiến công lâu rồi. Bộ tổng tham mưu không phản đối, vì
tạm thời chuyển sang phòng ngự sẽ giúp cho phương diện quân chuẩn bị các chiến
dịch tiến công mới được dễ dàng hơn. Chúng tôi hy vọng Tổng tư lệnh tối cao sẽ
đồng ý với chúng tôi và I. E. Pê-tơ-rốp. Hơn nữa, Bộ tổng tham mưu còn nhận được
một số tin tức là ở Xlô-va-ki-a đang có cuộc chuẩn bị khởi nghĩa chống Hít-le. Những
tin tức ấy tuy chưa được rõ ràng, chưa thật chắc chắn, nhưng cũng không thể bỏ qua
được.
Phương diện quân U-crai-na 4 hầu như không chuyển sang phòng ngự được,
song, về vấn để này sẽ nói đến sau.
Đêm 25 rạng ngày 26 tháng Tám, các ý kiến của Bộ tổng tham mưu và của I. E.
Pê-tơ-rốp được báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao. Chúng tôi đã chuẩn bị từ trước bản
dự thảo: chỉ thị chuyển phương diện quân U-crai-na 4 sang phòng ngự. I. V. Xta-lin
ký vào văn bản và ra lệnh cho phương diện quân vì lợi ích tiến công sau này, cần xây
dựng những lực lượng dự bị mạnh cần thiết cho những trận đánh ở vùng rừng núi.
Để nhấn mạnh thêm ý nghĩa của quyết định trên, I. V. Xta-lin chỉ thị viết tiếp: «Đồng
chí hãy hoãn mở chiến dịch (mũi đột phá qua Các-pát. — T. G.), chưa có lệnh của Đại
bản doanh thì chưa tiến hành». Đoạn viết thêm đó là cần thiết, vì rằng cuộc khởi
nghĩa ở Xlô-va-ki-a nổ ra thì ta cần chú ý tới các hậu quả quân sự và nhất là hậu quả
chính trị của sự kiện quan trọng đó. Trước mắt chúng ta còn in sâu tấm gương của
những người khởi nghĩa ở Vác-sa-va, dù Hồng quân đã tìm mọi cách giúp đỡ, nhưng
vẫn không thể cứu vãn khỏi tai họa.
I. E. Pê-tơ-rốp ra lệnh cho bộ đội của phương diện quân, giải thích cho các cán bộ
chỉ huy trong phương diện quân biết nguyên nhân chuyển sang phòng ngự:
«Chấp hành chỉ thị của Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao, bộ đội phương
diện quân sẽ chuyển sang phòng ngự tích cực, đồng thời phải duy trì lực lượng dự bị
mạnh.
Sở dĩ chuyển sang phòng ngự là do các phương diện quân U-crai-na 2 và 3 hoạt
động thắng lợi và do các khả năng mới tạo nên cho phép phương diện quân chúng ta
hoàn thành nhiệm vụ bằng những phương pháp bớt khó khăn hơn và có hiệu quả
nhiều hơn.
Do đó, chúng ta phải hiểu việc chuyển sang phòng ngự, là giai đoạn chuẩn bị để
tiếp tục tiến công với những mục đích kiên quyết».

Ngày 4 tháng Chín, Đại bản doanh nhận được báo cáo của Gh. C. Giu-cốp và R. I-a.
Ma-li-nốp-xki. Các đồng chí viết : «Chúng tôi không tin là các tập đoàn quân cận vệ
40 và 7 sẽ nhanh chóng mở những mũi đột kích vào chính diện». Các tập đoàn quân
đó, do các tướng Ph. Ph. Giơ-ma-tren-cô và M. X. Su-mi-lốp chỉ huy, được quy định từ
phía Nam đi vòng núi Các-pát đánh vào Hung-ga-ri.
Như chúng tôi dự kiến, trong báo cáo của các đồng chí có đề nghị tiến vào Tơran-xin-va-ni bằng các mũi đột kích phối hợp từ phía Đông và phía Nam, cho các tập
đoàn quân 53, 27 và tập đoàn quân xe tăng 6 từ Đa-nuýp quặt tới đây và đánh chiếm
khu vực Clu-giơ, Ô-ra-đê-a - Ma-rê, Kha-txéc. «Chiếm được khu vực này, — Gh. C.
Giu-cốp và R. I-a. Ma-li-nốp-xki viết, — chúng ta sẽ tạo được mối uy hiếp bao vây
quân Đức và Hung-ga-ri đang chống lại các tập đoàn quân của Giơ-ma-tren-cô và Sumi-lốp, sẽ giúp cho các tập đoàn quân nhanh chóng tiến ra tuyến Đe-giơ, Clu-giơ để
sau đó sẽ hành động tới Xa-tu - Ma-rê hiệp đồng với phương diện quân U-crai-na 4».
Như vậy ý kiến của Bộ tổng tham mưu càng được củng cố thêm.
Đại bản doanh chú ý nghiên cứu mọi ý kiến, và tôi hôm sau lệnh cho phương diện
quân U-crai-na 2 sửa chữa lại kế hoạch chiến dịch trước đây của phương diện quân.
Ý nghĩa của các chỉ thị như sau: đi vòng phía Nam núi Các-pát, kết hợp mở những
mũi đột kích vào chính diện với những mũi đánh bọc của một số tập đoàn quân; chi
viện cho phương diện quân của I. E. Pê-tơ-rốp; không được phân tán lực lượng.
Các tập đoàn quân của phương diện quân U-crai-na 2 đánh quặt xuống đã làm
phá sản mọi dự đoán và những lời đồn đại của các nước ngoài, cho rằng Liên Xô vẫn
sẽ theo đuổi mục đích cũ của nước Nga sa hoàng đối với Bô-xpho và Đác-đa-nen.
Riêng Hít-le thì cho rằng, Hồng quân sẽ tung mọi lực lượng của mình ra hướng này
và chỉ để lại ở Các-pát một số ít lực lượng để yểm hộ. Điều đó cũng được chứng minh
trong cuốn sách «Những trận đánh thất bại» của tướng G. Phrít-xne, chỉ huy Cụm tập
đoàn quân «Nam U-crai-na» đã bị bộ đội Liên Xô đánh cho tơi tả. Lầm lẫn đó của
quân địch rất quan trọng, nó khiến chúng phải chú ý bố trí lại các đơn vị của chúng,
tăng cường cho khu vực mặt trận ở hướng Nam Các-pát, chứ không phải ở phía Tây
— hướng chiến lược rất quan trọng và có hiệu lực nhất.
Tôi còn nhớ, trong chỉ thị lần đầu tiên có nói tới khu vực Đê-brê-xen — lúc này
chỉ là mục tiêu hoạt động của kỵ binh; ta dự định sử dụng kỵ binh để mở rộng mũi
đột kích của phương diện quân. Bộ đội Liên Xô tiến vào Đê-brê-xen có lợi cho hình
thái tiến công trên mấy hướng: hướng Đông, và Đông-Bắc — tiến vào phía sau lưng
tuyến phòng thủ của địch ở Các-pát; hướng Bắc — để chặn đường rút lui của quân
phát-xít Đức; hướng Tây-Bắc — để chi viện cho cuộc khởi nghĩa có thể xẩy ra ở Xlôva-ki-a; hướng Tây — để đột kích vào Bu-đa-pét. Mũi đột kích theo dự tính của Đại
bản doanh sâu hơn là mũi đột kích theo đề nghị của tư lệnh phương diện quân Ucrai-na 2; nó chứa đựng nhiều khả năng để tiếp tục phát triển chiến dịch, tạo nên
mối uy hiếp bao vây quân địch đang phòng ngự ở vùng U-crai-na phía sau Các-pát và
Tơ-ran-xin-va-ni.

Trong chỉ thị ấy, Bộ tổng tư lệnh tối cao đề ra các nguyên tắc hiệp đồng giữa bộ
đội Liên Xô và bộ đội Ru-ma-ni lúc này đã quay súng chống lại nước Đức phát-xít.
Đại bản doanh đề nghị Bộ chỉ huy Ru-ma-ni tách ra 2-3 sư đoàn bộ binh để phòng
thủ Đa-nuýp và trên dưới 3 sư đoàn để phòng thủ khu vực Xe-ghét, Tuốc-nu - Xê-vêrin. Tập đoàn quân Ru-ma-ni 1 được dùng làm cơ sở cho các đơn vị nói trên. Ta đề
nghị sử dụng các đơn vị của tập đoàn quân Ru-ma-ni 4 do tướng G. A-bra-me-xcu chỉ
huy và các đơn vị Ru-ma-ni khác ở khu vực Bra-sốp và Tơ-ran-xin-va-ni phối hợp
với Hồng quân tiến công vào Clu-giơ.
Thực hiện chỉ thị của Đại bản doanh, bộ đội sườn trái thuộc phương diện quân
của R. I-a. Ma-li-nốp-xki vận động quay lên phía Bắc. Tập đoàn quân xe tăng 6 của
tướng A. G. Cráp-tsen-cô có 262 xe tăng và 82 pháo tự hành tiến quân ở giữa. Ngày
14 tháng Chín, khi tiến đến khu vực Tuốc-đa, tập đoàn quân đã bước vào giao chiến
quyết liệt với xe tăng và bộ binh địch tổ chức phản kích mạnh ở đây nhằm phá các
chiến dịch của ta.
Sự thất bại nặng nề của Cụm tập đoàn quân «Nam U-crai-na» ở I-át-xư và Ki-sini-ốp đã có ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị và quân sự ở Hung-ga-ri. Những
tên thủ lĩnh của chế độ phát-xít trong nước cảm thấy đất bắt đầu bị rung chuyển
dưới chân chúng. Mặc dầu quân phát-xít Đức đến chiếm đóng Hung-ga-ri từ tháng
Ba 1944, nhưng cho đến bây giờ chúng vẫn không thể đảm bảo sự phòng thủ vững
chắc của Hung-ga-ri trước sự tấn công của bộ đội Liên Xô. Chính sách của các giai
cấp thống trị phản động và các chính phủ phản cách mạng, chính sách phản bội
quyền lợi dân tộc và bóc lột nhân dân đã dẫn đất nước Hung-ga-ri tới thảm họa.
Trong khi bọn phát-xít hò hét đến sùi bọt mép về «thắng lợi cuối cùng» và về «vũ khí
kỳ diệu» của Hít-le thì ở Hung-ga-ri đã diễn ra một sự cưỡng bức đi những công
nhân và chuyển những thiết bị nhà máy, dự trữ nguyên liệu, máy móc nông nghiệp
và sản phẩm về nước Đức. Hung-ga-ri ngày càng phụ thuộc vào tên độc tài phát-xít
Đức vì Hít-le đưa vào Hung-ga-ri mấy sư đoàn Đức, nhưng lại lấy đi các lực lượng
chủ yếu có khả năng chiến đấu của quân đội Hung-ga-ri.
Ngay sau khi tiêu diệt quân phát-xít Đức bị bao vây ở I-át-xư - Ki-si-ni-ốp, bộ đội
Liên Xô tiến đến biên giới Hung-ga-ri, Nam Tư và Bun-ga-ri thì phe phải của Hoóc-ti
mới bắt đầu vội vã tìm đường thoát khỏi thảm họa đang đe dọa chủ nghĩa phát-xít ở
Hung-ga-ri. Nhưng cả lúc này, khi lòng tin mù quáng của các giới cầm quyền Hungga-ri vào sức mạnh của vũ khí Hít-le bị phá sản, thì Hoóc-ti và tập đoàn của y lại hoàn
toàn không nghĩ tới việc đầu hàng vô điều kiện. Muốn tránh khỏi sụp đổ, bọn chúng
định dựa vào Anh và Mỹ. Bọn Hoóc-ti nghĩ rằng, các cường quốc phương Tây sớm
muộn rồi cũng sẽ thỏa hiệp với nước Đức phát-xít ở sau lưng Liên Xô, và Đức sẽ cho
quân Anh-Mỹ tiến vào đất Hung-ga-ri trước khi bộ đội Liên Xô vượt qua được dãy
núi Các-pát. Những hy vọng đó của bọn chúng là có căn cứ. «Tôi rất muốn, — U. Sớcsin nói, —chúng ta sẽ vượt trước người Nga ở một số vùng Trung Âu. Ví dụ, giới cầm
quyền ở Hung-ga-ri có ý định chống lại việc tiến công của Liên Xô, nhưng nếu như
quân Anh đến kịp thì họ sẽ đầu hàng quân Anh»[10]. Bè lũ Hoóc-ti cảm thầy đầu hàng

nguon tai.lieu . vn