Xem mẫu

  1. ĐỘNG LỰC HÌNH THÀNH CÁC THỂ THƠ DÂN TỘC TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI LÊ NGUYỄN HẠNH NGUYÊN Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Các thể thơ dân tộc có nguồn gốc nội sinh trên nền tảng các thể loại văn học dân gian của dân tộc, bao gồm vãn vè, lục bát, song thất lục bát và hát nói. Việc hình thành các thể thơ này thể hiện ý thức dân tộc, tư duy sáng tạo của nhân dân và đánh dấu bước tiến lớn cho văn học chữ Nôm và văn học dân tộc. Tìm hiểu về động lực hình thành các thể thơ dân tộc giúp người đọc thấy được vị thế và tầm quan trọng của các thể thơ dân tộc trong văn học trung đại và trong tiến trình văn học Việt Nam. Từ khóa: Thể thơ dân tộc, văn học trung đại, động lực hình thành, nội sinh. 1. MỞ ĐẦU Trong toàn bộ tiến trình văn học dân tộc, văn học trung đại có một vị trí đặc biệt quan trọng. Có thể thấy nền văn học ấy đã nảy sinh từ chính quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước vĩ đại của dân tộc. Từ văn học trung đại, những truyền thống lớn trong văn học dân tộc đã hình thành, phát triển và ảnh hưởng rất rõ đến sự vận động của văn học hiện đại. Các thể thơ dân tộc là một trong những thành tựu nổi bật của văn học trung đại. Việc hình thành các thể thơ dân tộc có một vị trí quan trọng trong tiến trình văn học dân tộc nói chung và trong văn học trung đại nói riêng. 2. NỘI DUNG 2.1. Các thể thơ dân tộc trong văn học Việt Nam trung đại Văn học Việt Nam cũng như văn học của nhiều nước trên thế giới bao gồm hai bộ phận là: văn học dân gian và văn học viết. Văn học dân gian là quá trình xây dựng và rèn giũa ngôn ngữ dân tộc, thể loại văn học dân tộc, nâng cao năng khiếu thẩm mỹ và bồi dưỡng tâm hồn của nhân dân ta. Văn học dân gian là một trong những thành tựu văn hóa quan trọng nhất làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của một quốc gia, một dân tộc. Nó có tác động sâu sắc đến nền văn học viết. Văn học viết lại được chia thành hai giai đoạn, phụ thuộc vào thời gian ra đời và đặc điểm của nó là văn học trung đại và văn học hiện đại. Văn học trung đại Việt Nam hình thành các truyền thống tư tưởng và nghệ thuật quan trọng nhất, làm nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển phong phú của văn học dân tộc về sau. Ở giai đoạn đầu của nền văn học viết, các tác phẩm được sáng tác với chủ đề thể hiện về những vấn đề trọng đại của đất nước, về những tâm tư, khát vọng của con người thời đại. Ngay từ khi mới ra đời, văn học chữ Hán được coi là văn chương cao quý, là dòng chính thống. Từ lâu người Việt Nam đã sáng tác thơ văn bằng tiếng Hán trong đó có thơ theo luật Đường. Trên thực tế, trong lịch sử văn học Việt Nam đã tồn tại những tác phẩm bất hủ được viết bằng chữ Hán như Thiên đô chiếu, bài thơ thần Nam quốc sơn hà; những bài thơ nổi tiếng như Cáo tật thị chúng, Tụng giá hoàn kinh sư, Thuật hoài, Thiên Trường vãn vọng,... Tuy nhiên, thơ Đường luật nằm trong khuôn khổ văn học trung đại Việt Nam đã bộc lộ những khuyết điểm trong hoạt động sáng tác. Thơ Đường luật bát cú hay tứ tuyệt, với số câu, số chữ giới hạn, không chứa đựng nổi hiện thực lớn lao, những tình cảm bay bổng, phóng khoáng, không diễn tả được những cảm xúc mãnh liệt của con người trước những biến động của lịch sử. Vì thế trong quá trình vận động của thơ ca 11
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 đã diễn ra quá trình Việt hóa các thể thơ Đường luật và quan trọng hơn cả là quá trình hình thành các thể thơ dân tộc. Nhu cầu xây dựng thể loại văn học dân tộc đã bắt đầu từ sự “cách tân” thể loại ngoại nhập đến việc sáng tạo những thể thơ mới cho thơ ca dân tộc. Từ thế kỷ XIV, văn học chữ Nôm đã trở thành một bộ phận quan trọng trong dòng văn học viết. Sự ra đời và phát triển của văn học chữ Nôm là một tất yếu của quá trình văn học nước ta. Văn học chữ Nôm có thể ra đời và phát triển được trước hết chủ yếu dựa trên cơ sở của văn học dân gian. Từ cơ sở đó đã tạo nên một trong những thành tựu của văn học trung đại về mặt thể loại đó là xây dựng các thể thơ dân tộc. Bài thơ lục bát sớm nhất còn được lưu trữ trong thư tịch là một bài hát cửa đình của Lê Đức Mao (1462-1529). Trong tác phẩm Nam phong giải trào, ông Trần Danh Án cũng ghi được một số bài hát cửa đình theo thể lục bát từ thời Lê. Sang thế kỷ thứ XVIII và XIX, lục bát đã trải qua thời kỳ cực thịnh với những tác phẩm danh tiếng như Nhị độ mai (không rõ tác giả), Bích Câu kỳ ngộ (không rõ tác giả), Hoa Tiên truyện của Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Truyện kiều của Nguyễn Du (1765-1820), Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888). Điều đáng lưu ý là thể lục bát cũng đã được sử dụng trong một số tác phẩm bằng Hán văn như Phụng sứ Yên đài tổng ca (472 câu) của Nguyễn Huy Oánh (1713-1789). Là một thể thơ đặc biệt của người Việt, song thất lục bát cùng với lục bát rất được các tác giả ưa chuộng trong suốt thời kỳ văn học trung đại Việt Nam. Thể thơ này phát triển mạnh vào thế kỷ XVIII cho đến tận đầu thế kỷ XX. Nhiều tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam đã sử dụng thể thơ này như bản dịch Chinh phụ ngâm (Đoàn Thị Điểm), Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân), Văn tế thập loại chúng sinh (Nguyễn Du), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), bản dịch Tì bà hành (Phan Huy Thực), Khóc Dương Khuê (Nguyễn Khuyến),... Trong dòng văn chương bác học, đến cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, có sự xuất hiện của khá nhiều bài vãn có giá trị như Lâm tuyền vãn của Phùng Khắc Khoan (1528-1613), và Ngọa Long cương vãn và Tư Dung vãn của Đào Duy Từ (1572-1634). Bài vè đặc sắc nhất trong văn học trung đại là Sãi vãi của Nguyễn Cư Trinh, tiêu biểu cho văn học Đàng Trong. Hát nói là một thể thơ ca dân tộc được sinh ra từ nhu cầu của bộ môn nghệ thuật ca trù và trở nên một thể thơ độc đáo trong nền văn học Việt Nam nói chung, văn học chữ Nôm nói riêng. Hát nói xuất hiện sớm nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ XIX mới có những tác phẩm lưu truyền đến nay như các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh... Các thể thơ dân tộc dù hình thành và phát triển muộn hơn, nhưng dần dần tiến lên theo quá trình của lịch sử và đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa. Trải qua nhiều thời kỳ các thể thơ dân tộc đã dần dần định hình. Để đạt nhiều thành tựu cho đến ngày nay, các thể thơ dân tộc đã không ngừng vận động, củng cố, biến đổi nhiều yếu tố bên trong cấu trúc để dần dần ổn định và hoàn thiện và sau cùng trở thành một hệ thống thể loại có vị trí quan trọng trong văn học trung đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. 2.2. Động lực hình thành các thể thơ dân tộc trong văn học Việt Nam trung đại 2.2.1. Thể hiện ý thức dân tộc Đất nước phát triển, ý thức về dân tộc về văn hóa dân tộc càng mạnh mẽ, nhu cầu về văn tự ghi âm tiếng Việt càng bức thiết. Tương truyền chữ Nôm có từ thế kỷ XIII, nhưng tác phẩm hiện có thì từ thế kỷ XIV, tính từ Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông (1285 - 1308) và Vịnh Vân Yên tự phú của Lý Đạo Tái (1254 - 1308). Chữ Nôm ra đời bắt nguồn từ ý thức của dân tộc chống lại xu hướng Hán hóa của người phương Bắc, khẳng định tinh thần dân tộc của người Việt. Sự hình thành và phát triển của chữ Nôm, dù nói gì chăng nữa, cũng mang đậm tính thuần 12
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 Việt ở chỗ nó đi lên từ đòi hỏi của đời sống Việt, nó được cư dân Việt Nam chấp nhận trong nền văn hóa của mình mà không cần một “sắc lệnh” nào từ giới cầm quyền. Sự hình thành và phát triển của chữ Nôm là bước ngoặt thứ nhất trong lịch sử ngôn ngữ văn tự của người Việt và cũng là “một bước ngoặt trong lịch sử văn hóa Việt Nam, đáp ứng đòi hỏi của việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của bản thân người Việt” [3]. Mặc dù còn những khiếm khuyết, chữ Nôm đã tạo nên những thành tựu rực rỡ làm phong phú kho tàng văn hóa Việt, điều mà trước nó chữ Hán trên đất Việt không hề có được. Và trong những thành tựu đó có sự ra đời của các thể thơ dân tộc. Về mặt lịch sử xã hội, sau khi nước nhà độc lập, nhu cầu thiết yếu mà nhà nước phong kiến Việt Nam cần phải chú ý là việc xây dựng một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc chống lại âm mưu đồng hóa của kẻ thù phương Bắc và nâng cao tự hào dân tộc. Những tác phẩm chữ Hán thời kỳ này thường dễ xa lạ với với quần chúng bình dân, tác phẩm ít được truyền tụng rộng rãi, vì vậy càng về sau nhu cầu quần chúng hóa, dân tộc hóa tác phẩm ngày càng mạnh mẽ. Hiện thực xã hội rộng lớn đòi hỏi sự ra đời của những thể loại văn học mới, đủ dung lượng, khả năng nhận thức, tái hiện và lý giải cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của người tiếp nhận. Muốn phản ánh chân thực và sinh động hiện thực phức tạp và đa dạng cùng với những biến động lịch sử; muốn lý giải những vấn đề ý nghĩa thời đại đặt ra, văn học không thể dừng lại ở những thể loại nhỏ hay thể loại vay mượn, những phương pháp biểu hiện vốn có. Nhu cầu phản ánh của văn học xuất phát từ thực tại xã hội bắt đầu phức tạp trở thành nguyên nhân xuất hiện nhiều thể loại mới. Dòng thơ ca quốc âm mặc dù hình thành và phát triển muộn hơn so với dòng thơ ca chữ Hán nhưng vì nó gắn với tiếng nói dân tộc, với cuộc sống và vận mệnh của nhân dân ta nên vẫn cứ dần dần tiến lên theo quá trình lịch sử. Tinh thần dân tộc độc lập và dân chủ trong đấu tranh đã khiến cho các thể thơ dân gian của ta tuy bị giai cấp phong kiến coi rẻ nhưng vẫn được quần chúng nâng niu, do đó cứ dần dần được phát triển và nâng cao, tiến tới lấn át và thay thế từng phần các thể thơ ca bác học có yếu tố ngoại lai. Nếu ở thế kỷ XV, xã hội nước ta tương đối ổn định, thì đến thế kỷ XVI trở về sau, cho đến thế kỷ XVII, XVIII lại có nhiều cuộc bạo động nông dân và nhiều cuộc xung đột giữa các tập đoàn thống trị trong giai cấp phong kiến. Trong tình hình đó, số lượng tác phẩm bằng chữ Hán so với thời Lê sơ có giảm đi, nhưng số lượng tác phẩm bằng chữ Nôm lại tăng lên rõ rệt. Điều đó chứng tỏ rằng tiếng nói của dân tộc và những tác phẩm viết những tác phẩm viết bằng tiếng dân tộc, không phụ thuộc vào quy luật hưng vong của các triều đại phong kiến, mà chỉ theo quy luật tiến triển từ thấp đến cao, phù hợp với các phong trào nông dân chống phong kiến từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Các hình thức diễn ca lịch sử và truyện thơ bằng thể lục bát và song thất lục bát là những hình thức đặc biệt của văn học ta, hình thành và phát triển trong tình hình nói trên, có xu hướng lấn át các thể thơ khác. Sự phát triển của Văn học chữ Nôm khẳng định ý thức dân tộc phát triển ngày càng cao, biểu hiện lòng tự hào, ý thức bảo vệ ngôn ngữ, văn hóa dân tộc chống lại âm mưu đồng hóa của kẻ thù. Các thể thơ dân tộc dù hình thành và phát triển muộn hơn nhưng dần dần tiến lên theo quá trình của lịch sử và đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa. Việc dùng các thể thơ dân tộc để sáng tác thơ đi sứ không chỉ làm phong phú thêm cho hệ thống thể loại của mảng thơ đi sứ mà còn cho thấy ý thức dân tộc của người sáng tác trên con đường giao lưu, ngoại giao. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã khẳng định rằng: “Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hóa không trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh khả năng đồng hóa các giá trị văn hóa bên ngoài. Về mặt đó lịch sử chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh” (Nhìn về vốn văn hóa). Chúng ta sáng tạo chữ Nôm trên cơ sở 13
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 chữ Hán tạo nên những tác phẩm mang đậm âm hưởng Việt. Đặc biệt chúng ta sáng tạo các thể thơ dân tộc gắn với đặc trưng riêng của dân tộc mình. Điều đó cho thấy ý thức dân tộc mạnh mẽ của con người trung đại thể hiện trong văn học trung đại. 2.2.2. Thể hiện tư duy sáng tạo nghệ thuật của nhân dân Trong quá trình tiếp biến văn hóa, văn học người Việt đã không ngừng lựa chọn, sáng tạo những giá trị phù hợp với tâm lý, thẩm mỹ dân tộc. Không những thế, cha ông xưa còn sáng tạo ra những thể loại văn học thuần Việt để sử dụng sáng tác những tác phẩm văn học được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận. Đó chính là các thể thơ dân tộc Ở thời trung đại, văn chính luận mang tính chất, chức năng chủ yếu là công cụ của nhà nước phong kiến. Mặt khác, những đặc thù trong tư duy nghệ thuật, truyền thống sáng tác dẫn đến một thực tế là các tác phẩm văn xuôi hình tượng chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn so với các tác phẩm thơ ca. Hầu hết các nhà sư thời Lý, các văn nhân võ tướng đời Trần đều dùng chữ Hán và các thể văn Trung Quốc để thể hiện những vấn đề trọng đại của quốc gia, để diễn tả những rung động của tâm hồn trước non sông đất nước và cuộc sống đương thời. Thể thơ thường sử dụng nhất trong văn học trung đại là thơ Ðường luật. Ðây là hệ quả của quá trình giao lưu văn hóa lâu dài và nằm trong quan niệm thẩm mỹ của các nhà thơ cổ điển. Trong thời kỳ này, thơ Ðường luật đã được chính quy hóa trong văn chương trường ốc và văn chương cử tử. Cho nên, sự thống trị văn đàn của thơ Ðuờng luật trong bất kỳ một tập thơ nào thời trung đại là một điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc sử dụng thơ Ðường luật với tư cách là một thể thơ chính thống trong các kỳ thi và trong sáng tác đã gây không ít trở ngại trong nội dung thể hiện do bị chi phối bởi sự nghiêm ngặt của luật thơ. Có thể nói ở giai đoạn đầu của nền văn học viết “những thể loại hoàn toàn mang tính chức năng” là trung tâm hệ thống văn học còn văn học nghệ thuật “hoàn toàn nằm ngoài phạm vi của hệ thống văn học. Dần dần theo quá trình phát triển vị trí các thể loại có sự thay đổi và văn học nghệ thuật sẽ chuyển vào trung tâm. Sự ra đời của các thể thơ dân tộc là một trong những yếu tố đưa văn học nghệ thuật vào trung tâm của hệ thống văn học. Các thể thơ dân tộc không gắn với văn học chức năng (là những văn bản có tính chất quan phương, được viết với mục đích truyền đạy yêu cầu thực thi các công việc mang tính chất nhà nước, đều mang tính quy phạm, đơn phương một chiều) mà gắn với văn học nghệ thuật (những sáng tác có nội dung phản ánh xã hội, cuộc sống, con người; có chức năng cơ bản là nhận thức thẩm mỹ; đa dạng, đa phương, không giới hạn về nội dung và hình thức). Vì gắn với văn học nghệ thuật như vậy nên thể thơ có sự phá cách, phát triển để phù hợp với nội dung phản ánh cũng như cảm hứng, tài năng của chủ thể sáng tạo. Có thể dẫn chứng về thể thơ song thất lục bát góp mặt vào văn học viết Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ XVI. Đến giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII, thể thơ này bắt gặp tâm trạng của các văn gia thi sĩ tạo nên thể loại ngâm khúc dùng hình thức thơ song thất lục bát nhanh chóng khẳng định dấu ấn của mình trên văn đàn văn học dân tộc. Lục bát có khả năng lợi dụng cấu trúc của mình để có thể kéo dãn bài thơ đến vô cùng nhằm thích ứng với vai trò kể chuyện, còn song thất lục bát lại khai thác ưu thế của mình về các yếu tố vần, điệu, nhịp cũng như tổ hợp các dòng để thể hiện nội dung của ngâm khúc. Sáng tác thơ là quá trình tư duy nghệ thuật, quá trình khám phá về nội dung, cũng là quá trình cách tân, phát minh về hình thức. Nó thể hiện khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Sự ra đời của các thể thơ dân tộc gắn với ý chí tự cường của dân tộc, với sự trưởng thành về ý thức dân tộc của mỗi nhà thơ. Mặt khác vì viết bằng chữ Hán nên những tác phẩm chữ Hán bị hạn chế khi cần phản ánh hiện thực sinh động và cụ thể của đất nước Việt, tâm tư sâu sa, thầm kín của con người Việt. Các nhà thơ cũng mong muốn có thể thơ của chính mình mà không phải vay mượn 14
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 để thể hiện tâm tư, khát vọng của dân tộc mình, nhân dân mình. Vãn vè ra đời gắn với nhu cầu bộc bạch tâm tình của người đương thời trước cuộc sống, trước những biến cố của lịch sử, xã hội. Lục bát được dùng để viết nên Truyện Nôm, thể loại phù hợp nhất phản ánh những vấn đề về số phận con người mang tính xã hội rộng lớn, bức thiết. Song thất lục bát được sử dụng để viết nên những tác phẩm thơ trữ tình trường thiên (khúc ngâm song thất lục bát) biểu đạt tâm trạng con người trước bi kịch của cuộc đời. Hát nói lại thích hợp với sự giải thoát tâm tư của cái tôi cá nhân ngày càng phát triển... Như vậy, các thể thơ dân tộc ngay từ khi mới xuất hiện và cả suốt chặng đường về sau tỏ ra có vai trò đặc biệt trong việc thỏa mãn các nhu cầu sáng tác cũng như nhu cầu thưởng thức. 2.2.3. Đánh dấu bước tiến lớn cho văn học chữ Nôm và văn học dân tộc Trong quá trình phát triển, các thể thơ dân tộc khẳng định dần hai mặt thể hiện về nội dung và hình thức trở thành những thể thơ hoàn chỉnh được tác giả lựa chọn để sáng tác. Các thể thơ dân tộc tạo nên sự hoàn chỉnh, cân bằng và phong phú cho nền văn học dân tộc. Với khả năng phản ánh được những đặc trưng cơ bản của ngữ âm tiếng Việt, các thể thơ này đã một có sức mạnh nghệ thuật vững bền và đầy sức thuyết phục, đã từng hiện diện cả trong hai dòng văn học cổ điển và bình dân trong suốt các chặng đường hình thành và phát triển của văn học dân tộc. Vãn là một thể tài trữ tình nhưng giàu chất tự sự, triết lý. Nội dung của vãn vươn đến tính tự sự cao. Đó là câu chuyện của kẻ sĩ yêu đời, thanh thản với thú lâm tuyền dù ngộ biến (Lâm tuyền vãn - Phùng Khắc Khoan), là chuyện về kẻ sĩ ẩn chí đợi thời với hoài bão cao đẹp, tâm sự sục sôi (Ngọa Long cương vãn - Đào Duy Từ), là chuyện đàm luận về đạo và đời giữa nho sĩ truyền thống với các giai tầng xã hội trước cảnh non sống đất nước (Tư dung vãn - Đào Duy Từ). Có thể xem vãn là thể tài khơi nguồn, làm tiền đề cho sự xuất hiện của truyện thơ Nôm sau này. Sự xuất hiện và phát triển của thể lục bát trong văn hóa ngôn từ của người Việt từ thế kỷ XVI trở về sau cho phép nhận định rằng thể lục bát gắn chặt với xu hướng “diễn Nôm”, “diễn ca”. Việc sử dụng thể thơ lục bát cùng với chữ Nôm đã khiến cho truyện Nôm có sức sống kỳ diệu trong đời sống dân tộc, được đông đảo quần chúng nhân dân yêu thích. Sự ra đời của tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc đã khai sinh một thể loại văn học dân tộc có tên là ngâm khúc và mở ra một thế kỷ văn học của nhiều khúc ngâm có giá trị như Cung oán ngâm, Thu dạ lữ hoài ngâm, Tự tình khúc, Ai tư vãn,… Tác phẩm cũng đã bứt mình ra khỏi dòng văn học chức năng, nặng về “tải đạo” “ngôn chí” của giai đoạn trước đó để nhập hẳn vào dòng văn học nghệ thuật, lấy việc phơi trải những xúc động tự tâm can làm mục đích chính. Trong khi truyện Nôm và ngâm khúc xuất hiện trước, có thành tựu trước nhưng còn chịu nhiều ảnh hưởng từ văn học nước ngoài như (cốt truyện, thi liệu, nội dung phản ánh, nội dung tư tưởng...) thì hát nói ra đời sau nhưng mức độ ảnh hưởng từ văn học nước ngoài đã ít đi nhiều và sự ảnh hưởng cũng đã mang ở một cấp độ khác. Hát nói đáp ứng những nhu cầu khác truyện Nôm và ngâm khúc. Các tác giả sách Việt Nam Ca trù biên khảo đã từng nhận định rằng: “Hát nói rất phù hợp với những nội dung đứng giữa hai thái cực: một bên là những nội dung cô đọng quá dành cho thơ luật, một bên là những nội dung khai triển quá như truyện và ngâm dành cho lục bát và song thất lục bát”. [1, tr. 139-140] Có thể nói rằng sự ra đời của các thể thơ dân tộc đã đánh dấu một bước tiến lớn cho văn học chữ Nôm, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của thơ ca trung đại. Các thể thơ dân tộc vẫn tiếp tục có mặt, vừa giữ lại những yếu tố vốn có vừa phát triển 15
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 thêm các yếu tố mới, không ngừng biến đổi, tạo nên một diện mạo mới trong thời kì văn học mới. Các thể thơ dân tộc hình thành trong văn học trung đại nhưng nó không chỉ tồn tại và phát triển trong thời kì văn học nó được định hình mà còn tiếp tục góp mặt và vận động trong thời kì văn học tiếp sau đó. Ở thời kì văn học sau nó cũng có tiến trình phát triển riêng bên cạnh các thể loại mới mẻ, phù hợp hơn với con người mới, thời đại mới. Văn học luôn vận động và sáng tạo, không thể nói trước ở những giai đoạn sau các thể thơ dân tộc có vị trí như thế nào nhưng chắc chắn rằng dù ở thời kì nào thì các thể thơ dân tộc vẫn luôn có chỗ đứng vì bản thân chúng vẫn luôn giữ được các yếu bản sắc, yếu tố dân tộc. 3. KẾT LUẬN Sự ra đời của các thể thơ dân tộc có vai trò vô cùng to lớn đối với văn học trung đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Các thể thơ dân tộc ra đời trong những điều kiện phù hợp về mặt xã hội văn hóa, hoạt động sáng tác cũng như mối quan hệ mật thiết với bộ phận văn học dân gian. Quá trình hình thành các thể thơ dân tộc bắt đầu từ những yếu tố truyền thống trong văn học dân gian kết hợp với những sáng tạo của các tác giả trung đại trên hành trình kiếm tìm hình thức thể hiện mới lạ, độc đáo mang bản sắc của dân tộc, thỏa mãn nhu cầu tình cảm và khả năng chuyển tải nội dung của dân tộc mình. Nghiên cứu động lực hình thành là một việc làm có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu các thể thơ dân tộc trong văn học Việt Nam trung đại. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề (1962), Việt Nam ca trù biên khảo, Tp. Hồ Chí Minh. [2] Đinh Gia Khánh - Bùi Duy Tân (1997), Văn học Việt Nam (thế kỷ X - nửa đầu XVIII), Nxb Giáo dục. [3] Hoàng Thư Ngân (2001), Hai bước ngoặt trong lịch sử văn hóa Việt, http://huc.edu.vn/chi- tiet/1386/Hai-buoc-ngoat-trong-lich-su-van-hoa-Viet.html. [4] Bùi Văn Nguyên - Hà Minh Đức (1971), Thơ ca Việt Nam (Hình thức và thể loại), Nxb Khoa học Xã hội. [5] Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. Title: ORIGINS OF THE VERSE ETHNIC IN MEDIVAL VIETNAM LITERATURE Abstract: The verse ethnic are originated endogenetic from forms of folklore of Vietnam, which include “vãn vè”, “lục bát”, “song thất lục bát” and “hát nói”. The shaping of those aforementioned verse defines national consciousnesscreative thinking of Vietnamese people and is a milestone of chữ Nôm literature and national literature. The studies of this topic give reader the insights about the importance of the verse ethnic to medival literature and Vietnam literary process. Keyworks: the verse ethinic, medival literature, origins, endogenetic. LÊ NGUYỄN HẠNH NGUYÊN Học viên Cao học, chuyên ngành Văn học Việt Nam, khóa 23 (2014-2016), Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế Email: lephin91@gmail.com 16
nguon tai.lieu . vn