Xem mẫu

  1. DÒNG LỊCH SỬ CỦA ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM Ngày nay trên toàn thế giới, các nhà sử gia, nghiên cứu về lịch sử Điện ảnh đều công nhận rằng ngành nghệ thuật thứ bảy chính thức được khai sinh ra vào những ngày đông giá buốt cuối năm 1895 tại Pháp bởi hai anh em nhà Lumière. Không lâu sau đó, tức chỉ ba năm sau, điện ảnh đã được người Pháp du nhập vào Việt Nam một cách nhanh chóng. Thời ấy, người ta gọi những buổi trình chiếu phim là buổi trình diễn “trò chớp bóng”... Trước năm 1945 Sau khi thành lập vào ngày 11 tháng 9 năm 1923, công ty Phim và Chiếu bóng Ðông Dương liền bắt tay sản xuất phim tại Việt Nam. Từ 1923 đến 1938, người Pháp đã sản xuất được 10 phim (trong đó có 3 phim truyện). Tính theo giai đoạn từ năm 1920-1945 đã có một số bộ phim do Việt Nam làm hoặc do Pháp sản xuất với diễn viên là người Việt Nam như: Kim Vân Kiều, Huyền Thoại Bà Đế, Một Đồng Kẽm Tậu Được Ngựa, Cánh Đồng Ma, Trận Phong Ba, Một Buổi Chiều Trên Sông Cửu Long, Thầy Pháp Râu Đỏ, Trọn Với Tình, Toét Sợ Ma… Kim Vân Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được hãng phim của Pháp- Indochine Films et Cinema (IFEC) đưa lên màn bạc, với các diễn viên là các đào kép tuồng của ban Quảng Lạc, Hà Nội. Phim mắc phải nhiều sai lầm về nội dung, phần diễn xuất cũng chẳng có gì khác hơn hát trên sân khấu, đào kép thì ăn mặc và cử chỉ như hát tuồng…Sau cái thất bại của phim Kim Vân Kiều, hãng IFEC lại thực hiện hai cuốn phim hài do tài tử người Tàu lai tên Tou Fou đóng vai chánh. Hai phim này cũng thất bại luôn! Vẫn không nản lòng, IFEC cố gắng làm một phim dài về Việt Nam, đó là phim Huyền Thoại Bà Ðế do Paul Numier viết kịch bản, dựa theo câu chuyện đau thương của một cô gái được truyền tụng trong dân gian. Vai chánh do cô đầm lai Georges Spesct thủ diễn, các tài tử Việt chỉ đóng vai phụ và phim này cũng không được hoan nghinh, bởi có nhiều cái ngớ ngẩn, sai lạc. Kế đó chẳng bao lâu thì tiệm chụp ảnh Hương Ký ở Hà Nội của ông Nguyễn Lan Hương- một người nhiệt tình với nghệ thuật thứ bảy trong giai đoạn sơ khai, đã mướn một chuyên viên người Pháp dạy ông và phim đầu tiên là cuốn phim hài Một Ðồng Tiền Kẽm Tậu Ðược Ngựa, phỏng theo tác phẩm Perrette Et Le Pot De Lait, truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Phim thứ hai của Hương Ký cũng là phim hài với tựa phim là Cả Lố, nhưng phim đang quay dở dang lại phải bỏ, vì có sự bất đồng giữa Hương Ký và tài tử đóng phim. Sau đó, Hương Ký còn quay phim tài liệu về đám tang vua Khải Ðịnh và lễ Tấn phong Hoàng Ðế Bảo Ðại. Tuy được hoan nghênh, nhưng vì không có thị trường nên không đủ bù đắp vào số vốn đã bỏ ra thực hiện phim. Phim
  2. chiếu ở Hà Nội được 27 ngày, doanh thu khoảng 5.000 đồng tiền Ðông Dương, trong khi chi phí sản xuất gần 30.000. Nhờ có tiếng vang, ông được Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung quốc) đặt hàng làm hai phim phóng sự quay tại Trung Quốc (một trong hai phim là Ðám Tang Tướng Ðường Kế Nghiêu, năm 1929). Nhưng sau đó người ta không thấy ông Nguyễn Lan Hương làm phim tiếp, mà lặng lẽ trở về với nghề nhiếp ảnh của mình. Có người cho rằng chính quyền Thực dân Pháp không muốn có một công ty Việt Nam cạnh tranh với Công ty Phim và Chiếu bóng của người Pháp đang bị thua lỗ nặng nề sau khi làm ba phim thất bại. Hãng phim đầu tiên của người bản xứ - hãng Hương Ký - tự xóa sổ sau vài năm tồn tại. Từ đó, hoạt động sản xuất phim của người Việt Nam ngưng hoạt động suốt 7 năm liền (1930-1936). Dầu sao, ông Nguyễn Lan Hương cùng hãng phim Hương Ký của mình đã chứng minh được một điều: Người Việt Nam có thể làm phim và đã từng làm được phim của mình vào những năm cuối thời kỳ phim câm của điện ảnh thế giới. Dù bước đầu của điện ảnh Việt khó khăn và thất bại, nhưng ma lực của điện ảnh vẫn khiến nhiều nhóm bạn trẻ khác hăng hái theo đuổi. Nhóm Nguyễn Tấn Giàu (Antoine Giàu) với hai phim Một Buổi Chiều Trên Sông Cửu Long, và Thầy Pháp Râu Ðỏ. Kế tiếp là ông Richard Nguyên với phim Huế Ðẹp Và Thơ, các phim trên đều quay bằng phim 16 ly… Những năm 30 của thế kỷ XX đánh dấu nhiều sự kiện quan trong trong đời sống của nhân dân Việt Nam: Ðảng Cộng Sản Ðông Dương ra đời (3-2-1930), nhiều cuộc đấu tranh của nông dân, thợ thuyền chống lại chính sách hà khắc của thực dân Pháp. Một mặt, do nước Pháp phải bận tâm dồn sức đối phó với thế lực phát xít đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh thế giới lần thứ hai. Mặt khác, nhờ Mặt trận Bình dân ở Pháp thắng lợi trong cuộc bầu cử, lập chính phủ mới vào năm 1936, nới lỏng ách cai trị đối với các thuộc địa. Tại Việt Nam, hình thành một lớp trí thức, văn nghệ sỹ, nhà báo, thanh niên thành thị tiếp thu những tinh hoa của văn hóa Pháp. Một cao trào sáng tác văn học, sân khấu, âm nhạc nở rộ. Trong bối cảnh đó, từ năm 1936 đã xuất hiện nhiều nhóm thanh niên Việt Nam có ý định làm phim. Những thanh niên này tập hợp nhau lại trong một tổ chức có tên là An Nam nghệ sỹ đoàn (An Nam là tên gọi trước đây của Việt Nam). Họ say mê nghệ thuật thứ bảy, tự học hỏi về nghề nghiệp mới mẻ này qua sách vở gửi mua từ Pháp. Họ có đủ nhiệt tình duy chỉ thiếu tiền và phương tiện máy móc. Chuyến thăm Hà Nội và Sài Gòn của thiên tài điện ảnh Charlie Chaplin cùng vợ là Paulette Godart vào năm 1937 lại càng thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình trong tim họ. Ðầu năm 1937, một thương gia người Hoa giàu có ở Hải Phòng tên Trịnh Lâm Ký đã tiếp xúc với An Nam Nghệ sỹ đoàn, bàn việc đưa một đoàn diễn viên Việt Nam sang Hong Kong quay phim. Nhưng việc không thành vì xảy ra cuộc chiến Trung - Nhật. An Nam Nghệ sỹ đoàn tiếp tục vận động những người giàu có ở Hà Nội bỏ tiền ra làm phim, nhưng không có kết quả. Cuối tháng 11 năm 1937, An Nam Nghệ sỹ đoàn ký được một hơp đồng làm phim với
  3. Công ty điện ảnh Nam Trung hoa (The South China Motion Pictures Co.) để sản xuất bộ phim truyện dài Cánh Đồng Ma. Theo hợp đồng, phía Việt Nam chịu trách nhiệm viết kịch bản, cung cấp 22 diễn viên cho các vai chính phụ trong phim, tự chi tiền vé khứ hồi bằng đường thủy Hải Phòng - Hong Kong - Hải Phòng, trả tiền thù lao cho các diễn viên và sẽ được hưởng 15% lợi nhuận sau khi trừ toàn bộ chi phí. Phía Công ty điện ảnh Nam Trung Hoa cử người làm đạo diễn, quay phim cùng các chuyên viên kỹ thuật, phương tiện máy móc, tổ chức sản xuất, in tráng, hậu kỳ, in hàng loạt các bản phim để chiếu ở các rạp, được hưởng 85% lợi nhuận. Kịch bản phim Cánh Đồng Ma do Ðàm Quang Thiện viết (bút danh trên phim là Nguyễn Văn Nam). Nhân vật chính là Hùng, một sinh viên trường Y, học hành rất thông minh, nhưng vì xuất thân trong một gia đình bất hảo (cha mẹ đều là dân ăn chơi) nên Hùng nhiễm cái gien của cha mẹ mình. Do vậy, càng hấp thu được nhiều kiến thức khoa học, Hùng càng có nhiều hành động dị thường. Ðàm Quang Thiện vốn là một sinh viên Y khoa, nên kịch bản của ông muốn chứng minh cho luận thuyết di truyền trong y học. Song, Công ty điện ảnh Nam Trung Hoa cùng Ðạo diễn Trần Phì, người Trung Hoa, đã tự ý sửa nội dung kịch bản, biến nó thành một phim trinh thám với nhiều máu và đàn bà. Các nghệ sỹ Việt Nam cực lực phản đối nhưng không kết quả. Họ đành phải uất ức mà diễn theo những nội dung không có từ trước trong kịch bản. Sau 13 ngày quay cật lực, phim Cánh Đồng Ma đã hoàn thành giai đoạn quay vào ngày 30-1-1938. Sau khi xong Cánh Đồng Ma, Công ty Nam Trung Hoa đã dụ dỗ 6 diễn viên người Việt ở lại Hong Kong để quay tiếp cho họ phim Trận Phong Ba, một phim 100% là phim Hong Kong tuy câu chuyện nói về người Việt và do người Việt đóng. Truyện phim kể về cuộc đời của một học sinh gốc nông thôn được cha mẹ cho ra thành phố ăn học, nhưng đã sa ngã trong "gió bụi kinh thành". Cuối cùng chàng bị cha mẹ, vợ hiền từ bỏ, nên đã tự tử để thoát đời trần tục. Phim Trận Phong Ba khởi quay 6 ngày sau khi kết thúc cảnh quay cuối cùng của phim Cánh Đồng Ma. Công ty Nam Trung Hoa gấp rút hoàn thành phim này với âm mưu tung ra chiếu trước phim Cánh Đồng Ma. Do phim làm một cách cẩu thả, vội vã nên khi đưa sang chiếu ở Việt Nam bị người xem kịch liệt phản đối la ó ầm ĩ ngay trong rạp. Báo chí ở Việt Nam hồi ấy đều cho rằng đây là một thứ hàng giả dán nhãn hiệu Việt Nam, đồng thời cũng lên án 6 diễn viên người Việt ở lại Hong Kong để đóng phim này. Ðến đầu tháng 7 năm 1938, phim Cánh Đồng Ma mới được Công ty Nam Trung Hoa tung ra chiếu (sau Trận Phong Ba 1 tháng). Tuy có hơn Trận Phong Ba một chút, nhưng khán giả cũng như dư luận báo chí đều chê trách những yếu kém của phim. Sau Cánh Đồng Ma, các nghệ sỹ trong An Nam Nghệ sỹ đoàn còn tham gia hai phim truyện nói tiếng Pháp do Hãng Franco Film thực hiện tại Việt Nam rồi không tiếp tục hoạt động nữa vì không có ai dám bỏ vốn ra làm phim tiếp. An Nam Nghệ sỹ đoàn chỉ tồn tại trong 2 năm nhưng họ đáng được ghi nhận như những người Việt Nam đầu tiên hợp tác làm phim với nước ngoài, tuy không đựơc thuận lợi như ta đã biết.
  4. Cuối năm 1937, chủ Hãng đĩa hát Asia tên là Nguyễn Văn Ðinh, vốn là một kỹ sư say mê nghệ thuật điện ảnh, đã cho ra đời Hãng phim Châu Á (Asia Film) tại Sài Gòn. Ông bỏ tiền mua máy móc thiết bị từ bên Pháp về để sản xuất phim có tiếng cỡ 35mm đầu tiên tại Việt Nam. Ðầu năm 1938, hãng Asia Film khởi quay bộ phim đen trắng 35mm Trọn Với Tình có độ dài 90 phút. Ðạo diễn là Nguyễn Văn Danh (tức Tám Danh), xuất thân từ nghệ sỹ sân khấu cải lương. Kịch bản, quay phim và dựng phim do Giám đốc hãng là Nguyễn Văn Ðinh thực hiện. Phim được quay và làm hậu kỳ hoàn toàn tại Việt Nam do các chuyên viên kỹ thuật Việt Nam đảm nhiệm mà lực lượng nồng cốt là các kỹ thuật viên của hãng đĩa Asia. Trình độ nghề nghiệp thấp, kỹ thuật non yếu không thể mang lại thành công cho phim Trọn Với Tình như mong đợi. Dầu sao, khi tung ra chiếu vào đầu năm 1939, người xem cũng đông để cổ vũ cho phim nước nhà, vì đây là một bộ phim "có tiếng nói" 35mm đầu tiên tại Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất. Sau Trọn Với Tình, Nguyễn Văn Ðinh còn cho ra tiếp 3 phim nữa do mình tự viết kịch bản, tự đạo diễn, tự quay phim, dựng phim v.v... Ðó là các phim: Cô Nga Dạo Thị Thành (1939), Khúc Khải Hoàn và Toét Sợ Ma (1940), nhưng nghệ thuật và kỹ thuật của cả 3 phim đều không hơn gì Trọn Với Tình. Từ năm 1940, hãng phim Châu Á ngừng hoạt động cho đến những năm 60, mới hoạt động trở lại tại Sài Gòn. Năm 1939, một hãng phim mới ra đời nữa tại Sài Gòn là hãng Việt Nam Phim với bộ phim truyện ra mắt có tên là Một Buổi Chiều Trên Sông Cửu Long. Phim được quay 16mm, có độ dài 90 phút với âm thanh ngoài phim (nhạc, lời, tiếng động được thu vào đĩa, khi chiếu được bật lên cùng hình ảnh). Thực sự đây là một phim "câm "do Nguyễn Tấn Giầu viết kịch bản, đạo diễn, quay phim, viết nhạc kiêm giám đốc sản xuất. Phim kể về một cô gái bất hạnh bị cha mẹ ép gả cho một trọc phú ít học, cục mịch và thô lỗ, nên đã cùng người yêu chạy trốn ngay trong đêm tân hôn. Không may, người yêu trượt chân ngã xuống thác nước chết. Cô gái chôn cất người yêu xong, cắt tóc đi tu. Phim Một Buổi Chiều Trên Sông Cửu Long chỉ ra mắt được vài buổi ở Sài gòn và Mỹ Tho rồi không thấy được chiếu ở đâu nữa. Cuối năm 1939, Nguyễn Tấn Giầu lại bắt tay làm tiếp phim truyện hài Lão Thầy Pháp Râu Đỏ và phim tài liệu Ðèo Ngang Tức Cảnh. Cả hai phim này đều chung số phận "chết yểu" như bộ phim trước. Dầu sao cũng cần ghi nhận rằng: Qua những bộ phim của mình, Nguyễn Tấn Giầu có ý định phê phán xã hội Việt Nam đương thời như việc ép duyên, mê tín dị đoan v.v... Ðến đây có thể nói đã chấm dứt giai đoạn khởi đầu của điện ảnh Việt Nam bắt đầu từ buổi chiếu phim tại Hà Nội ngày 28. 4. 1899 cho đến 3 bộ phim chết yểu của hãng Việt Nam phim vào năm 1939. Ðiều đáng chú ý là đến năm 1940, số lượng rạp chiếu bóng ở Việt Nam đã vượt quá con số 60, trên dân số lúc đó là 20 triệu người, chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Huế. Ðiện ảnh không còn xa lạ với người dân đô thị Việt Nam. Lẽ ra trước sự hâm mộ của đông đảo khán giả đối với bộ môn nghệ thuật mới mẻ này, nền sản xuất phim Việt Nam đã có thể có những bước tiến mạnh mẽ hơn. Tiếc rằng điều đó đã không xảy ra. Một mặt vì
  5. sự non kém, thiếu học hỏi chuẩn bị đến nơi đến chốn của những người làm phim Việt Nam, một mặt do chính quyền thực dân Pháp cũng không khuyến khích, thậm chí còn kiềm chế để giành lợi thế cho các công ty kinh doanh phim, nhập khẩu phim mà chủ là những người Pháp. Một số rạp chiếu phim còn bị chính quyền thực dân đe doạ không cho nhập phim nước ngoài nếu chiếu phim do người Việt Nam sản xuất. Dầu sao trong quãng thời gian từ 1924 1939, người Việt Nam đã sản xuất được một số phim. Nghệ sỹ Vĩnh Lộc cũng là một người nặng lòng với phim ảnh trong thập niên 1940. Ông tên thật là Nguyễn Văn Bé, sinh năm 1926 tại Đức Nghĩa, Phan Thiết. Vì ưa thích tự do và ca hát nên dù 17 tuổi đã đậu Primaire, ông vẫn không thích vướng vào nghiệp quan trường. Thời Pháp thuộc, tại Phan Thiết đã nở rộ điện ảnh với hai cuốn phim trắng đen do vợ Phạm Ngọc Thìn là cô Bê đóng chung với các tài tử Duy Chánh, Mai Hiếu và Lê Quỳnh. Đó là những tư liệu quý thời điện ảnh Việt còn phôi thai, những người làm nghệ thuật cũng như tài tử đóng phim còn rất xa lạ với nghệ thuật thứ bảy. Những phim nói trên trôi nổi ở đâu, nếu còn, chắc chỉ có thể ở trong tay các nhà sưu tập tư nhân?! Các hãng phim hay nói đúng hơn là các nhóm làm phim, chỉ hoạt động được một thời gian ngắn vì thiếu vốn đầu tư, thiếu kỹ thuật, bị các nhà tư sản Pháp độc quyền mạng lưới chiếu bóng và chính quyền thuộc địa gây nhiều khó khăn. Sau năm 1940, quân Nhật tiến vào Đông Dương, người Việt Nam không còn ai đứng ra làm phim. Các rạp chỉ chủ yếu chiếu phim Nhật và các nước đồng minh của Nhật. 1945-1954 Ngay từ những ngày đầu giành lại được độc lập, mặc dù phải gặp rất nhiều khó khăn, nạn đói năm 1945 hoành hành, nền kinh tế bị kiệt quệ bởi chính sách bóc lột của Nhật và Pháp, Chính phủ lâm thời Việt Nam vẫn cố gắng xây dựng được một bộ phận cho Điện ảnh và Nhiếp ảnh. Mặc cho phương tiện, máy móc thiếu thốn, chiến sự bùng nổ, hoạt động điện ảnh vẫn không vì thế mà đình trệ, một số thước phim tài liệu ngắn ghi lại những thời khắc lịch sử như: Hồ Chủ Tịch Từ Pháp Trở Về (1946), Trận Đánh Tại Ô Cầu Dền (1946)… Nền điện ảnh còn trẻ trung non kém của nước Việt Nam ra đời như thế đó, nhưng nó đã đánh một dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự hình thành một nền điện ảnh Cách Mạng về sau này. Đầu năm 1953, trên đà thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tình hình điện ảnh của chúng ta đã có những bước phát triển đáng kể và đây cũng chính là thời gian chín muồi để có thể thành lập một tổ chức điện ảnh có tính chất toàn diện trên cả nước. Vào ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Cách Mạng Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc. Từ đó, ngày này cũng chính thức được coi là ngày khai sinh ra nền điện ảnh dân tộc. Chiến khu Đồi Cọ tại Thái Nguyên, nơi làm việc của phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh, đã trở thành cái nôi của điện ảnh Việt Nam, nơi đã sản sinh ra những lão thành cách mạng Điện ảnh như Nghệ sĩ nhân dân Phạm Văn Khoa, Nghệ sĩ nhân dân Bùi Đình Hạc, đạo diễn Khắc Lợi, cùng các nghệ sĩ khác. Mặc dù vào thời điểm đó, hoạt động điện ảnh đã nhộn nhịp hẳn lên,
  6. nhưng cũng chỉ dừng lại ở những phim tài liệu ngắn chứ chưa thể làm được những bộ phim truyện nhựa, do thiếu thốn trang thiết bị kỹ thuật, máy quay phim. Và đặc biệt, đối với những phim có tiếng động, cũng có thời gian chúng ta phải mang những thước phim âm bản ra nước ngoài để tráng. Từ Trận Mộc Hóa (1947) đến phim Chiến Thắng Điện Biên Phủ (1954), chính là giai đoạn phim tài liệu thời sự hình thành và phát triển. Nó phản ảnh sắc sảo và hùng hồn cuộc sống và sự chiến đấu của quân và dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp. Tuy nhiên, vì trang thiết bị còn nghèo, cùng với những đặc thù chiến tranh, cho nên trong khoảng thời gian này, các nghệ sĩ điện ảnh của nước ta vẫn chưa thể cho ra đời những phim truyện nhựa, vốn là nền tảng và là xương sống của điện ảnh dân tộc. Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm bản thân, nhưng những nghệ sĩ làm phim truyện nhựa lại có thể rút tỉa và trau dồi khá nhiều kiến thức, thông qua việc nghiên cứu và nhận xét các bộ phim nước ngoài, cùng với sách vở báo chí về điện ảnh, nhất là nguồn phim từ các nước bạn Liên Xô, Ba Lan, Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Trung Quốc… Chính trong giai đoạn này, những dự định, những ước mơ làm được một bộ phim truyện vẫn nung nấu trong tâm khảm của các người làm công tác điện ảnh, là bước đệm vững chắc để làm nên những tác phẩm để đời. Trong thập niên 1950, nhất là năm 1953, điện ảnh đã là mối quan tâm của nhiều nhà tư sản và được quần chúng yêu thích. Tại các thành thị, mạng lưới các rạp chiếu bóng do người Pháp và Hoa kiều làm chủ, tiếp tục chiếu các phim do Pháp và các nước đồng minh sản xuất. Mãi cho đến năm 1953, mới có người đứng ra làm phim thương mại trở lại. Cuốn phim ra đời trong giai đoạn mới này cũng do một người đang kinh doanh hoạt động cải lương: Bầu Long của đoàn cải lương Kim Chung, Hà Nội. Ông dẫn đào kép qua Hồng Kông quay phim Kiếp Hoa đem về chiếu từ Bắc vào Nam, hốt bạc khá nhiều! Tóm lại, chính nhờ người của cải lương mở đầu cho nền điện ảnh, mà, một số tư nhân khác cũng rủ nhau bỏ vốn, mời đạo diễn và quay phim Hồng Kông về làm được một số phim truyện như Nghệ Thuật Và Hạnh phúc, Phạm Công- Cúc Hoa... nhưng cũng như Cánh Đồng Ma, Trận Phong Ba thời Pháp thuộc trước đây, đều bị lệ thuộc vào các thành phần sáng tác chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước ngoài, nên không có tiếng vang trong và ngoài nước. Một thế hệ diễn viên thời này đa phần là từ những đoàn hát hoặc ca sỹ như Phùng Há, Ái Liên, Kim Chung, Kim Xuân, Bích Hợp… 1954- 1960 Sau năm 1954, đất nước bị chia cắt. Tại miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, đã hình thành một nền điện ảnh Cách Mạng tuyệt vời và rất phổ thông trong quảng đại quần chúng. Một nền điện ảnh trẻ tuổi với đặc điểm có tính chiến đấu cao, sáng tạo hiện thực xã hội và tính dân tộc rõ ràng, chỉ trong một thời gian ngắn đã xây dưng được nhiều hình tượng con người Việt Nam, có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc như đường lối văn nghệ mà Đảng Cộng Sản đã đề ra.
  7. Ở Miền Nam, điện ảnh chủ yếu là giấc mơ của giới thanh thiếu niên thành thị. Khi người Mỹ chính thức lún sâu vào Đông Dương bằng chiến lược thực dân hóa kiểu mới, bằng thủ đoạn đem tiền bạc và vũ khí đổ vào Việt Nam, thì họ còn đem theo một phần của một nền kỹ thuật mới mẻ mang âm hưởng Mỹ và đồng minh về phim ảnh. Xã hội Việt Nam, từ trước tới nay, là một xã hội nông nghiệp, kỹ thuật không cao….Còn ngành điện ảnh, với kỹ thuật cao và tốn kém, cần thời gian để phát triển và khắc phục. Những năm đầu tiên của thời kỳ này (1954- 1960), điện ảnh Sài Gòn chủ yếu nằm trong tay Phòng Điện ảnh thuộc Nha Tâm lý chiến Sài Gòn, chuyên làm phim thời sự, phóng sự tuyên truyền cho quân đội Ngụy tại Sài Gòn. Cũng có rất nhiều hãng phim tư nhân nhưng hoạt động nhỏ, không đoàn kết và sản xuất chính là phim thương mại, phim hay thì ít mà phim bị chê thì nhiều…Hầu hết các phim chiếu rạp đều là phim của các nước tư bản Âu Mỹ, rồi phim Nhật, Trung Hoa, Hồng Kông, Đại Hàn….Các hãng nhập phim để cung cấp cho hơn 51 rạp chiếu bóng hoạt động nhộn nhịp tại Sài Gòn - Chợ Lớn và một số tỉnh thành lớn khác như Tây đô (Cần Thơ), Bạc Liêu…. Tuy vậy, cũng có những người yêu nghề, hy sinh cho điện ảnh như Tống Ngọc Hạp, Lê Dân, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Vĩnh Lộc..., để ít nhiều gì, Điện ảnh miền Nam với những Thu Trang, Xuân Dung, Kiều Chinh…. đ ư ợc có mặt tại các Festivals lớn ở Á Châu. Năm 1955, Phòng Điện ảnh Ngụy được thành lập, đến năm 1959 Trung tâm Quốc gia Điện ảnh thuộc Nha Thông tin (sau thành Bộ Thông tin của Ngụy quyền Sài Gòn) ra đời, với một đội ngũ những người làm phim gồm 19 đạo diễn, 13 quay phim, 5 chuyên viên thu thanh và 2 chuyên viên dựng phim. Đa số những người này được cố vấn Mỹ dạy tại chỗ hoặc đi tu nghiệp ở nước ngoài hai năm (1957 - 1959), bên cạnh đó mời chuyên gia của Philippines đến Sài Gòn hợp tác với một số hãng tư nhân thực hiện những phim tuyên truyền, sặc mùi phản động, chống phá cách mạng…. Các hãng phim tư nhân thì tập trung sản xuất loại phim tâm lý xã hội, cổ tích và các đề tài gia đình, tâm lý, truyền thuyết nặng về giải trí…Trung tâm Điện ảnh chính là nơi đào tạo những chuyên viên điện ảnh đầu tiên của miền Nam. Rạp chớp bóng, mỗi ngày thường chiếu theo xuất, thứ bảy có xuất chiều, chủ nhật thêm xuất sáng. Phim tình cảm Pháp thịnh hành nhất trong giai đoạn này. Dân trí thức thành thị bị ảnh hưởng lối sống và phong cách Pháp. Sau đó là phim cao bồi Mỹ và phim Ấn Ðộ ca múa. Rạp thường bắt đầu mở nhạc quyến rũ khách đi xem. Tiếng hát của Paul Anka, Andy William, Elvis Presley, Patti Page... văng vẳng. Điện ảnh chủ yếu dành cho giới thành thị. Giai đoạn này, nghệ sỹ cải lương mới là số 1 vì cực thịnh, nổi tiếng và “tiền vào như nước” nếu nổi danh. Ở miền Nam, các hãng phim tư nhân đua nhau mọc lên và sản xuất đa phần các phim thương mại. Các hãng phim đáng kể như: Tân Việt, Việt Thanh, Mỹ Vân, Văn Thế, Trường Sơn, Đông Phương, Liên Hiệp, Viễn Đông, An Pha, Hương Bình…Phong trào tư nhân thành lập hãng phim rầm rộ nhất là vào giai đoạn 1955-1958. Nổi bật nhất
  8. trong phong trào làm phim thời này là các hãng Việt Thanh (thành lập năm 1955), Văn Thế (1956), Tân Việt điện ảnh (thành lập năm 1957 do ông Bùi Diễm làm giám đốc). Đây là giai đoạn nở rộ phong trào làm phim cải lương, thần thoại, truyền thuyết, với nhiều bộ phim khơi gợi lòng tự hào của người Việt trong việc ủng hộ phim do người Việt làm ra. Một thế hệ diễn viên thi nhau đua tài, đa sắc như: Lê Thị Nam (phim Đồng Ruộng Miền Nam, 1958), Kim Cương (phim Lòng Nhân Đạo, Ngọc Bồ Đề), Trang Thiên Kim (phim Mục Liên Thanh Đề, Trương Chi…), Kim Lan (phim Người Mẹ Hiền…), Thu Trang (phim Lục Vân Tiên), Mai Trâm (phim Chúng Tôi Muốn Sống), Khánh Ngọc (phim Ràng Buộc, Ánh Sáng Miền Nam…), Xuân Dung (phim Kim Trai Thời Loạn), Kim Hoàng (phim Tiền Thân Đức Phật Tổ), Thiên Kim (phim Huyền Trân Công Chúa), Túy Phượng (phim Thạch Sanh Lý Thông), Bích Sơn, Kiều Hạnh, Tuyết Anh, Bạch Xuyến, Huỳnh Thanh, Giáng Hương…Những bộ phim thi nhau ra đời và được sản xuất đến mức chóng mặt. Do điều kiện trong nước yếu kém về mặt kỹ thuật nên đa số những phim trắng đen, 35 ly, nếu muốn tạo được sự chuẩn mực về kỹ thuật đều phải thâu thanh tại nước ngoài. Năm 1957 là năm điện ảnh miền Nam hoạt động mạnh mẽ nhất. Chỉ trong năm 1957, các hãng phim tư nhân đã sản xuất hơn 37 phim, và trong đó có 15 phim được trình chiếu tại miền Nam.Thành công nhất về mặt doanh thu những năm 1954-1957 của phim Việt Nam thuộc về phim Quan Âm Thị Kính. Hãng Việt Thanh sản xuất nhiều phim nhất. Giai đoạn 1954-1960, nữ nghệ sỹ Kim Cương là người đã đạt kỷ lục tham gia nhiều phim và cũng là gương mặt nữ ăn khách nhất. Trang Thiên Kim cũng là một trong những diễn viên được các nhà làm phim săn đón. Cuối năm 1957, hãng Mỹ Vân tung ra bộ phim Người Đẹp Bình Dương trình chiếu vào dịp Noel và mừng năm mới 1958 với chiếc lược quảng cáo rất sôi động. Ngay lập tức, bộ phim đã thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả và giới thiệu một gương mặt minh tinh Điện ảnh miền Nam trong tương lại: Nữ nghệ sỹ Thẩm Thúy Hằng. Cũng trong giai đoạn này, đạo diễn Lê Dân và hãng phim Tân Việt vừa quay xong bộ phim Hồi Chuông Thiên Mụ, để kịp trình làng một trong những gương mặt diễn viên khả ái nhất của nền điện ảnh miền Nam: Kiều Chinh. Ngoài đạo diễn Lê Dân, thời kỳ này còn có Tống Ngọc Hạp, Thái Thúc Nha… Hãng phim và công ty Kim Chung thắng lớn nhờ phim Kiếp Hoa. Tuy nhiên phải nói trắng ra, nhờ có Kim Chung và Kim Xuân đóng, mà phim Kiếp Hoa bấy giờ được xem là phim nội địa hay nhất, thu vào trên 5 triệu đồng tại Sài Gòn. Dưới thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, 5 triệu đồng lớn lắm, nên nhờ đó mà phát huy ra bảng hiệu Kim Chung cho tới sau này (Phim Kiếp Hoa cứ chiếu lai rai, và có chiếu lại một lần nữa vào khoảng năm 1974, chủ yếu dành cho những người hoài cổ, yêu mến và muốn tìm xem lại những kỷ niệm xưa về Hà Nội). Số lượng phim ngoại nhập vào Sài Gòn từ 1954 - 1960 lên tới 1.850 bộ, trong đó phim Mỹ chiếm tới 85 - 90%. Vào năm 1962, phim Mỹ chỉ còn đạt được 15,4%, trong khi
  9. phim chưởng Hồng Kông và tâm lý xã hội loại "sướt mướt" của Đài Loan lên tới 40,8%. Phim của các nước khác cũng được yêu thích trong thời kỳ này là phim ca vũ nhạc thần thoại Ấn Độ, phim hiệp sĩ của Nhật Bản. Cuối năm 1957, phong trào sản xuất phim bị chìm xuống một cách đáng ngại. Con số 39 nhà sản xuất phim chỉ còn 9 hãng hoạt động cầm chừng, mỗi năm sản xuất một hai phim không có giá trị, nguyên nhân phim làm ra trình chiếu lỗ, vốn ít, chính sách thuế…Trong số 120 rạp chiếu bóng tại miền Nam, thì 10 rạp tốt đều tập trung tại Sài Gòn. Nếu như một năm, miền Nam sản xuất được 28 phim (thời kỳ cực thịnh của 1957-1958), thì nhập trên dưới 500 phim. Phim ngoại nhập thao túng nền điện ảnh Việt. Năm 1960-1970 Năm 1958- 1961 là giai đoạn bi kịch của điện ảnh thương mại miền Nam. Phim làm ra thua lỗ, mọi sản xuất bị đình trệ, không ai dám làm phim. Đỉnh cao của sự tê liệt là vào cuối năm 1960. Mọi sản xuất bị ngưng hẳn, thiếu vốn, phim làm ra lỗ, không cạnh tranh lại phim ngoại nhập. Báo chí chuyên về thời kỳ này không còn mặn mà ủng hộ phim Việt. Vì cạnh tranh hoặc để bán báo, các tạp chí như Kịch Ảnh, Màn Ảnh Sân Khấu, Điện Ảnh…đua nhau đăng bìa hình các ngôi sao Mỹ, Nhật, Hoa hoặc Anh, Pháp, Ý. Ngày 11 tháng 11 năm1960, quân đội nhảy dù bao vây Dinh Độc Lập, nổ súng vào chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi, Dương Văn Đông không thành công nhưng nó báo hiệu ngày tàn của chế độ. Sau 7 năm cầm quyền, Nhà Ngô tỏ ra không có tinh thần dân chủ và đi tới chế độ gia đình trị, có thể cũng do tình hình trong nước tới lúc gay go hơn trước. Phim do bộ máy ngụy quyền sản xuất thời kỳ này là những cuốn phim phản động, đề cao tinh thần tố Cộng mà chính quyền bù nhìn miền Nam tập trung tuyên truyền. Chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây dựng Trung Tâm Điện Ảnh và ít nhiều đây cũng là nơi đào tạo ra những chuyên viên điện ảnh đầu tiên của miền Nam. Các phim của Trung Tâm Điện Ảnh là những cuốn phim thời sự, phim tài liệu, làm công cụ cho việc tuyên truyền của chính quyền nhà Ngô như: Phim về tháp tùng các phái đoàn Chính Phủ đi thăm Ấp chiến lược, phim ca ngợi lối sống “tự do” của miền Nam….. Các nhà sản xuất tư nhân thiếu vốn lớn để trang trải các món chi tiêu khổng lồ trong đó phần chi phí về tư liệu, máy quay hình, thu thanh, ánh sáng là tốn kém nhất. Trước tình thế như vậy, những người có tâm huyết như nhóm “Bọn trẻ” của Nguyễn Long và Hoàng Anh Tuấn, đã cùng bạn bè góp vốn làm phim. Và Nguyễn Long với Mưa Lạnh Hoàng Hôn đã ra đời. Bộ phim dài 100 phút chiếu này đã giới thiệu gương mặt diễn viên Mai Ly, Hoàng Anh Tuấn thì có Trời Không Muốn Sáng… Để cạnh tranh với làn sóng phim Ấn độ, phim Nhật và phim ca nhạc Hoa. Các nhà làm phim thời kỳ này như Thái Thúc Nha đã điện ảnh hóa cải lương bằng những bộ phim như Oan Ơi Ông
  10. Địa (Thẩm Thúy Hằng đóng chính), Bẽ Bàng (Kim Cương đóng)…Nhưng cũng do làm vội và trình độ kỹ thuật yếu kém, nên 2 bộ phim này lại cũng bị các nhà phê bình và báo chí chê bai. Năm 1962- 1963, nền điện ảnh miền Nam có dấu hiệu “hồi sinh” trở lại với nhiều hãng phim mới và những dự án làm phim. Các phim thời kỳ này bắt đầu áp dụng kỹ thuật phim màu đơn. Tiên phong trình chiếu trong dịp Xuân như Mưa Rừng của hãng Alpha (do Kim Cương, Kiều Chinh đóng chính), khởi quay cũng phim màu là Đôi Mắt Người Xưa (do Thanh Nga đóng chính). Kịch sĩ Năm Châu và đạo diễn Lê Mộng Hoàng làm phim Tơ Tình do hãng Mỹ Vân sản xuất (Thẩm Thúy Hằng, Mai Ly và nữ ca sĩ Thanh Thúy diễn chính). Sau thành công mạnh về doanh thu của Tơ Tình, hãng Mỹ Vân bắt tay vào sản xuất tiếp phim Bóng Người Đi (Đoạn Tuyệt). Phim Bóng Người Đi do Thẩm Thúy Hằng đóng cặp với Thành Được, Út Bạch Lan. Nhân đây, có vài dòng nhắc đến bộ phim Đôi Mắt Người Xưa. Phim này được làm rất tốn kém, kéo dài đến hơn 3 năm (1962-1964), với việc thay đổi vai diễn, diễn viên, thâu âm, thâu tiếng bên nước ngoài. Đây là bộ phim đầu tiên mà Thanh Nga bước chân vào điện ảnh. Tuy nhiên phim mà cô trình làng đầu tiên với khán giả lại là Hai Chuyến Xe Hoa trình chiếu đầu năm 1963. Những bộ phim đáng chú ý trong giai đoạn này là: Loạn, Yêu (1964), Dang Dở (1965), Từ Sài Gòn Đến Điện Biên Phủ (hợp tác Đài Loan -Việt Nam, 1966), Giã Từ Bóng Tối (1969), Trai Thời Loạn (1969), Loan Mắt Nhung (1969)…Ngoài Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Kiều Chinh, Thanh Nga…Thời kỳ này, điện ảnh miền Nam ghi nhận thêm những tên tuổi như :Kim Vui, Mộng Tuyền, Thảo Sương, Kim Xuân, Thanh Lan, Thiên Trang, Ngọc Minh... Vào năm 1963, những hãng phim muốn có những nhạc cảnh hoặc các bài ca để cho vào phim của họ thì họ tìm đến Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Huỳnh Anh... Cho tới lúc này, Phạm Duy, Huỳnh Anh là những gương mặt nhạc sĩ đã liên tục soạn nhạc cho phim khá thành công. Hãng Mỹ Vân tại Saigon mời Phạm Duy soạn hai nhạc cảnh với kịch bản của kịch sĩ Năm Châu. Ðó là nhạc cảnh Chức Nữ Về Trời, và Tấm Cám… Phần hát của hai nhạc cảnh này do các ca sĩ Hoài Trung, Thái Thanh trong ban Thăng Long thu giọng, để cho các tài tử La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng diễn trong phim với kỹ thuật ''nhép miệng” Năm 1966, tại Đại hội điện ảnh Á Châu lần thứ 13, nữ diễn viên Xuân Dung đã được trao tặng giải thưởng nữ Diễn viên Xuất sắc nhất với vai diễn trong phim Đôi Mắt Người Xưa do hãng Liêm Phim sản xuất. Đây là một vinh dự lớn vì Xuân Dung là diễn viên điện ảnh miền Nam đầu tiên đoạt được giải thưởng lớn về điện ảnh trên trường quốc tế. Đạo diễn làm phim nhiều và sung sức nhất của giai đoạn này là đạo diễn Lê Mộng Hoàng. Chỉ tính từ bộ phim đầu tay của ông là Bụi Đời, cho đến năm 1964, ông đã liên tục có: Vụ Án Tình, Con Gái Chị Hằng, Đò Chiều, Đôi Mắt Huyền, Quê Mẹ, Nhạc Lòng Năm Cũ, Tơ Tình…Các đạo diễn khác: Tôn Thất Cảnh, Thân Trọng Kỳ, Nguyễn Văn Liêm, Lưu Bạch Đàn…
  11. 1970- 30/4/1975 Tháng 11-1969, sau một thời gian dài bị phim ngoại lấn chiếm, bộ phim màn ảnh rộng màu đầu tiên Chân Trời Tím của đạo diễn Lê Hoàng Hoa do Trung tâm Điện ảnh Sài Gòn sản xuất, đã mở đầu cho thời kỳ "hưng thịnh" của điện ảnh Sài Gòn trước 1975. Từ bộ phim này, ca khúc chính trong phim- “Nửa Hồn Thương Đau”- được yêu thích và vang xa ra khỏi lĩnh vực điện ảnh. Từ năm 1970, số lượng phim sản xuất được tăng nhanh, năm 1970 có 6 bộ, năm 1971 lên tới 24 bộ..., đỉnh cao là năm 1972 tới 29 bộ. Nhiều phim chiếu ra đông người xem, có thể cạnh tranh với phim ngoại như: Chiều Kỷ Niệm (đạo diễn Lê Mộng Hoàng, Trung tâm điện ảnh Sài Gòn sản xuất năm 1970), Loan Mắt Nhung (đạo diễn Lê Dân, 1970) và các phim khác như Như Hạt Mưa Sa, Như Giọt Sương Khuya, Giã Từ Bóng Tối, Nhà Tôi (1972), Xin Đừng Bỏ Em (1973)... Đây là những bộ phim có sự đầu tư về tâm lý nhân vật, khai thác thân phận của con người trong trường tình, trong chiến tranh... Bên cạnh đó, cũng có loạt phim phục vụ cho đường lối chính trị của chính quyền ngụy như ca ngợi lính Cộng Hòa, "chống Cộng", chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", mà tiêu biểu nhất là của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc như Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương (1968), Người Tình Không Chân Dung (1971), Người Về Từ Đỉnh Núi, Con Búp Bê Nhồi Bông... Những phim này không thu hút được người xem vì cốt truyện và cách xây dựng nhân vật đơn giản, thô lậu. Ngoài ra, những loạt phim vô thưởng vô phạt nhằm mục đích thương mại như cổ tích, cải lương, tâm lý xã hội..., vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao, 27 phim trong hai năm 1971 và 1972, 8 phim trong năm 1973... Cuối thập niên 1960, trong khi cải lương ngày một sa sút, thì lĩnh vực điện ảnh lại phát triển mạnh, hơn 30 hãng phim có môn bài hoạt động, và đây là thời kỳ cực thịnh của giới làm phim, đã làm giàu cho một số người biết kinh doanh nghệ thuật. Điện ảnh thương mại thời kỳ này có nhiều chuyển biến tốt. Các hãng phim đã biết thành lập theo hướng nhìn xa trông rộng, đội ngũ chuyên viên học nước ngoài và trong nước phát triển. Sự hợp tác và tìm đối tác với các nước trong khu vực được các hãng quan tâm…Phong trào sản xuất phim từ từ vượt qua những giai đoạn khủng hoảng (1959- 1966) để phát triển mạnh mẽ trở lại. Năm 1969, ngụy quyền cho phép phim ngoại nhập cảng thả dàn, bộ thông tin ngụy tiếp tay với tư sản Hoa kiều dành nhiều ưu đãi cho phim Trung Hoa, nhưng điện ảnh và những dự án làm phim vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Số đông đào kép cải lương phải tìm nghề khác sống tạm chờ thời. Hùng Cường, Út Bạch Lan, Thành Được, Bạch Tuyết, Thanh Tú…gia nhập làng điện ảnh. Đây là giai đoạn không chỉ nghệ sỹ cải lương mà các ca sĩ, diễn viên kịch nói, cũng “lấn sân” sang phim ảnh hùng hậu nhất, như:Bạch Tuyết (Như Hạt Mưa Sa, Như Giọt Sương Khuya, Lan Và Điệp, Con Ma Nhà Họ Hứa…), Băng Châu (Trần Thị Diễm Châu), Bạch Liên (Men Tình Mùa Hạ, Hoa Mới Nở), Như Loan (Đời Chưa Trang Điểm), Phương Hồng Ngọc (Nắng Chiều, Nàng), Phương Hoài Tâm, Thanh Lan (Tiếng Hát Học Trò, Trường Tôi) Trang Thanh Lan (Xa Lộ Không Đèn), Ngọc Đan
  12. Thanh (Quái Nữ Việt Quyền Đạo), Mai Lệ Huyền (Gác Chuông Nhà Thờ, Ly Rượu Mừng), Tuyết Lan (Trường Tôi), Kiều Phượng Loan, Bạch Lan Thanh, … Từ năm 1970 trở đi, Điện ảnh miền Nam Việt Nam liên tục cử nhiều phái đoàn đi dự các liên hoan phim Quốc tế tại Tây Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia…Phim giải trí thực sự “trăm hoa đua nở” với thành công về mặt tài chính của Chiều Kỷ Niệm, Chân Trời Tím, Loan Mắt Nhung, Như Hạt Mưa Sa, Như Giọt Sương Khuya…Chính quyền ngụy tại Sài Gòn đã biết quan tâm đến nền điện ảnh non trẻ trong nước. Giải thưởng điện ảnh ra đời năm 1970, có nhiều dự án xin phép xây dựng phim trường của Mỹ Vân, Cosunam phim, Việt Nam Phim, Giao Chỉ phim…Từ cuối năm 1969, các nhà làm phim tại Sài Gòn đã sản xuất phim màu. Hai bộ phim màu được đầu tư mạnh ở phần thực hiện là Chân Trời Tím của Liên Ảnh công ty và Người Tình Không Chân Dung của Giao Chỉ Phim. Hai bộ phim này là phim màu đại vỹ tuyến, đều in rửa ở nước ngoài. Nước mà các nhà sản xuất phim Sài Gòn thường chọn mặt gởi vàng thời bấy giờ là Nhật Bản. Năm 1972, việc sản xuất phim màu được chính thức xem là “mốt” du nhập Việt Nam.Chính phủ miền Nam phê duyệt văn thư miễn thuế nhập cảng phim màu cho giới sản xuất, tạo điều kiện cho sự hợp tác, phân bổ hợp lý việc sản xuất và chiếu phim. Liên tiếp các năm 1971, 1972, 1973, 1974 ở các kỳ liên hoan phim trong khu vực, Việt Nam đều gặt hái được những giải thưởng tôn vinh Kiều Chinh, Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương… Giai đoạn này, điện ảnh miền Nam đã biết “khẩu vị” của khán giả nên thay đổi rất linh động. Phim Con Ma Nhà Họ Hứa là bộ phim thuộc đề tài kinh dị đầu tiên của điện ảnh Việt Nam đã thắng lớn về doanh thu. Các bộ phim như Sau Giờ Giới Nghiêm, Xa Lộ Không Đèn, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Mãnh Lực Đồng Tiền…thành công là nhờ biết khai thác thế giới của các tay anh, chị, giới giang hồ, giới vũ nữ…, hoặc những phim theo thể loại hài, vui nhộn như Năm Vua Hề Về Làng, Tứ Quý Sài Gòn, Sợ Vợ Mới Anh Hùng luôn được đông đảo khán giả bình dân ủng hộ và cháy vé….Ngoài ra, các diễn viên và các nhà làm phim đã biết tìm kiếm đối tác, hợp tác với các nhà sản xuất trong khu vực như: Thẩm Thúy Hằng đóng phim hợp tác (phim Sóng Tình với Đài Loan, Vàng với Thái Lan…) .Thời kỳ phát triển và sung sức này của điện ảnh miền Nam Việt Nam rất gần giống với giai đoạn phát triển của các nhà làm phim tư nhân tại nước ta năm 2005-2006. Nhìn vào đề tài thực hiện cũng như những bộ phim xuất hiện ở hai thời kỳ cách nhau đến hơn 30 năm, ta vẫn thấy những bộ phim ăn khách có chung một điểm về hướng đề tài khai thác. ... Trong số này, nhiều phim đề cập tới hiện thực của cuộc sống, ăn chơi, sa đọa, không quan tâm gì đến thời cuộc của lớp trẻ thành thị như: Xa Lộ Không Đèn, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Cô Híp-pi Lạc Loài, Anh Yêu em, Hè 72... Ngoài những dòng phim kể trên, điện ảnh quyền cước võ thuật Hồng Kông phát triển rất mạnh và tấn công như vũ bão, nên cũng có nhiều nhà sản xuất cho thực hiện những phim theo thể loại này như Hận Thù của hãng phim Trung Hoa hợp tác sản xuất với Á Đông
  13. phim.. Phim này có sự tham gia rất hùng hậu của các tài danh Việt như: Danh hề Văn Chung, Đức Phú, Ngọc Đức, Út Bạch Lan, Ngọc Đan Thanh, Phương Hồng Ngọc…Các phim khác cũng được thực hiện theo đề tài này như: Long Hổ Sát Đấu, Quái Nữ Việt Quyền Đạo… Thời điểm này ghi nhận nhiều đạo diễn có tâm huyết và yêu mến điện ảnh, ngoài Lê Mộng Hoàng, “vua” của phim thương mại. Đây là giai đoạn sung sức nhất của Lê Hoàng Hoa với nhiều thể nghiệm về phim xã hội đen, phim kinh dị cho đến phim hài như Chân Trời Tím, Điệu Ru Nước Mắt, Con Ma Nhà Họ Hứa. Các đạo diễn khác tiêu biểu của thời kỳ này là: Hoàng Anh Tuấn, Bùi Sơn Duân… Những ngày cuối năm 1974, phong trào làm phim vẫn cứ sôi động. Lê Hoàng Hoa làm đạo diễn bộ phim kinh dị màu Giỡn Mặt Tử Thần với sự tham gia của Thẩm Thúy Hằng, Phương Uyên…Đạo diễn Lưu Bạch Đàn cùng Thẩm Thúy Hằng lên kế hoạch hợp tác với Nhật Bản quay bộ phim Tình Khúc Thứ 10, Hòn Vọng Phu….Ngày Điện ảnh Việt Nam do ông Thái Thúc Nha làm chủ tịch, diễn ra vào ngày 14/9/1974, đã phát động phong trào phát triển và ủng hộ phim Việt với khẩu hiệu “Người Việt xem phim Việt”…Hãng phim Mỹ Vân xây dựng hoàn chỉnh phim trường lớn cho hãng ở xa lộ Biên Hòa….Dịp tết năm 1975, màn ảnh Sài Gòn vẫn vô cùng nhộn nhịp với hàng loạt các bộ phim đua nhau ra rạp, đầy màu sắc thương mại và chạy theo thị hiếu của khán giả như: Hải Vụ 709 (phim màu, do Việt Ảnh phim sản xuất, thể loại xã hội đen, buôn lậu), Từ Quê Ra Tỉnh (Lido phim sản xuất), Chàng Ngốc Gặp Hên (Vilifilms sản xuất), Sợ Vợ Mới Anh Hùng, Quái Nữ Việt Quyền Đạo, Năm Vua Hề Về Làng, Quái Nữ Sợ Ma, Tam Quái Túc Cầu…Các nhà làm phim của Sài Gòn vẫn bị Ngụy quyền ru ngủ và hứa hẹn một viễn cảnh tốt đẹp cho điện ảnh miền Nam mà không hề biết rằng, cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc, thống nhất đất nước đang đi đến giai đoạn quyết định, sẽ cáo chung một chế độ thân Mỹ và tay sai. ĐẠO DIỄN THƯƠNG MẠI: Lê Hoàng Hoa là đạo diễn học tại Mỹ. Về nước năm 33 tuổi, hai năm sau, khi Trung tâm Điện ảnh thành lập (1960), Lê Hoàng Hoa đã được giao ngay phim 11 giờ 30 - cuốn phim truyện màn ảnh đại vỹ tuyến đầu tiên của điện ảnh phía Nam. Sau đó, Liên Ảnh công ty đã dám bỏ ra số tiền khổng lồ - 14 triệu đồng để chàng đạo diễn trẻ này làm bộ phim Chân Trời Tím. Bộ phim được quay ròng rã 3 tháng trời, với 100 xe tăng, 45 máy bay trực thăng, 300 xe cơ giới đủ loại, 600 diễn viên chính phụ và đã thu vào 94 triệu đồng, nghĩa là lời gấp gần 7 lần so với số vốn bỏ ra. Phim hài kết hợp võ thuật Triệu Phú Bất Đắc Dĩ cũng thắng lớn, báo chí Sài Gòn hồi đó hân hoan: “Lê Hoàng Hoa đã làm đẹp mặt điện ảnh Việt Nam bằng cách đưa cảnh đánh võ vào phim để diễu phim Tàu một mách” (có thể là hơi “thiên vị”, nhưng thực sự bộ phim này đã qua mặt hàng loạt phim hành động của Tàu, có siêu sao võ thuật Lý Tiểu Long thủ vai chính, về doanh thu). Phim ma Con Ma Nhà Họ Hứa với cốt truyện ly kỳ, hồi hộp đã thu vào 4,5 triệu đồng ngay trong ngày đầu tiên trình chiếu, và lập tức các báo đã gọi
  14. Lê Hoàng Hoa là “Hitcock của Việt Nam”. Sau 1975, Lê Hoàng Hoa lại tiếp tục đem lại số thu kỷ lục cho phim Việt Nam suốt từ năm 1981 đến 1987 với 8 tập phim Ván Bài Lật Ngửa (đến bây giờ vẫn là bộ phim tình báo thành công nhất của điện ảnh Việt Nam), nhiều phim khác của ông cũng là những phim thu hút rất đông khán giả. DIỄN VIÊN: Diễn viên điện ảnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975 có hai loại, một loại thường trực và một loại bán chuyên nghiệp. Thường trực gồm Trần Quang, Kiều Chinh, Kim Vui, Huy Cường, Tâm Phan, là những người sống và xem nghề đóng phim là chính. Còn những người bán chuyên nghiệp có show diễn có nhiều việc làm ở các lĩnh vực khác như ca hát, đóng kịch, cải lương như Thanh Nga, Mộng Tuyền, Vân Hùng, Hùng Cường, Thành Được, La Thoại Tân, rất bận rộn, phải sắp xếp việc làm, phải lựa phim vừa ý mới đóng. Tại miền Nam Việt Nam lúc đó có quy luật, là mỗi hãng phim, nếu muốn nhập cảng những phim ngoại quốc, thì phải tự sản xuất một phim trong một năm. Nên có người vì kinh doanh đã bỏ ra một mớ tiền, rồi làm sao đó thì làm, miễn ra đại một cuốn phim đem chiếu thôi, không cần hay dở gì hết, lỗ cũng được, miễn cho có để họ nhập cảng được phim. Lê Mộng Hoàng có một cái “tật” là có sao làm vậy. Chẳng hạn như ông lãnh về 1 triệu, gia đình cúp mất 300.000 để xài rồi, chỉ còn có 700.000 để làm phim. Trong khi làm phim, lại bị thất thoát nữa, tổng cộng còn lại có 500.000. Với khoản đó, ông làm theo ý của mình, muốn mời ai cũng được. Ông mời những người không tên tuổi, dù không hợp với vai, vẫn cứ mời, để thực hiện cho được cuốn phim. Vì vậy, điện ảnh rất xuống dốc. Thêm nữa, diễn viên Việt Nam không có học trường nào hết. Chẳng hạn như Trần Quang học trường kịch ảnh của ông Vũ Khắc Khoan, chỉ qua vai Thành Cát Tư Hãn thôi. Chỉ có thể nói đó là được đào luyện qua một vở kịch, rồi có cái tên đó mà thành diễn viên. Chứ thật ra, thấy Trần Quang là thấy Thành Cát Tư Hãn, chứ ngoài vai đó , không thấy gì nữa cả. Anh nói chuyện ngoài đời cũng như diễn xuất cũng gồng người, tồi ria mép, hút thuốc…, nhìn phim nào cũng biết là Trần Quang. Anh đã bị ảnh hưởng, từ cuộc đời đến diễn xuất, đều giống nhau. Nhưng đó cũng là phong cách riêng của anh. Vai diễn mà Trần Quang đóng đạt và nhiều tình cảm nhất lại là phim làm sau ngày nước nhà thống nhất: phim Con Thú Tật Nguyền của đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh. Công bằng mà nói, thì nền điện ảnhViệt Nam bấy giờ, nếu so với điện ảnh Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, thì hơn Thái Lan, ngang ngửa với Đài Loan. Thời đó, người ngoài nhìn vào Việt Nam với một con mắt rất có cảm tình là vì chiến tranh. Sở dĩ phim Việt Nam nhận được giải diễn viên, giải danh dự, là nhờ họ có cảm tình với Kiều Chinh, Thanh Nga và Kim Cương, chứ không chấm cuốn phim đó về kỹ thuật, về truyện phim. Thực ra thời đó điện ảnh còn mới mẽ, chủ yếu tự năng khiếu bẩm sinh và tấm lòng đam mê để đến với nghề, không ai có diễn xuất hoặc kỹ thuật hết. Kiều Chinh rất đẹp, sang vì còn rất trẻ, rạng rỡ. Nối tiếp phim Hồi chuông Thiên Mụ
  15. cô được mời đóng rất nhiều phim sau này. Nếu nhận xét Kiều Chinh chỉ diễn theo phong cách lạnh lùng, băng giá, cũng không đúng. Phải nói tùy vai. Như phim Phúc Lạc Hội, Kiều Chinh lột xác dần từ bà mẹ trẻ đến một bà cụ đau khổ. Phải công nhận Kiều Chinh đã rất kiên cường để sống, được làm việc và tồn tại trong làng điện ảnh Mỹ. Trước năm 1975, diễn viên mỗi người một vẻ và ta nên trân trọng họ theo nghĩa “minh tinh” là được khán giả yêu thích và bỏ tiền mua vé xem. Thẩm Thúy Hằng là một diễn viên chỉ dừng lại ở vai trò “Người đẹp diễn tròn vai”. Thẩm Thúy Hằng đóng vai con ở cũng là Thẩm Thúy Hằng. Thẩm Thúy Hằng đóng vai bà đòi nợ cũng là Thẩm Thúy Hằng đi đòi nợ. Đóng vai nhà nghèo cũng là Thẩm Thúy Hằng nghèo…Chứ chưa bao giờ Thẩm Thúy Hằng lột xác được. Diễn viên miền Nam trước năm 1975 có nhiều ý kiến cho rằng người diễn xuất được nhất có thể nói là Thanh Nga. Thanh Nga nhập vai và dẫn bạn diễn theo cô, đúng như nhân vật đó. Thí dụ như cô đóng vai cô bán hàng, là đúng cô bán hàng, với tư cách của cô bán hàng. Gái giang hồ đúng là gái giang hồ, hiền thục (sở trường của cô mà) thì đúng là gái hiền trong thời loạn,…Lan ra Lan, Loan ra Loan…Nói chung, Thanh Nga đã lột mình đi, bỏ cái mình ra, để thành công đúng với vai diễn. Song có lẽ do Thanh Nga đã là “ nữ hoàng sân khấu”, đã có quá nhiều thành công trên sàn diễn, nên khán giả không yêu thích cô đóng phim bằng diễn cải lương. Thanh Nga đóng phim “không đã” bắng diễn cải lương. Bạch Tuyết đến với điện ảnh nhờ tên tuổi của cô bên cổ nhạc, đóng phim cũng rất thật và là một diễn viên cải lương rất thời trang và luôn hợp mốt. Trong các phim Như Giọt Mưa Sa, Như Giọt Sương Khuya, Thuyền Trưởng, Bạch Tuyết diễn nhõng nhẽo, buồn bã, điên loạn và nóng bỏng rất ấn tượng, rất Bạch Tuyết.. Còn nói về Hùng Cường, chỉ nói về tên thôi, vì xem phim Nắng Chiều sẽ thấy, Hùng Cường đóng phim như đang diễn tuồng trên sân khấu cải lương, với một gam màu buồn, chẳng có điểm nhấn…. Lê Quỳnh diễn những vai có tâm trạng, số phận nghiệt ngã và trải đời cũng rất ấn tượng, cái duyên miền Bắc của anh khó ai lẩn lộn và bắt chước được… Thành Được thì nghiêm túc quá khi lên màn ảnh. Diễn xuất của anh quá lạnh và thiếu chất “nóng” để thuyết phục người xem. Trong phim hài Năm Vua Hề Về Làng, cách diễn của anh cũng không khác Bóng Người Đi, Chiếc Bóng Bên Đường…. Vânt Hùng thì quá thành công khi diễn cặp với Kim Cương trong các vở kịch, nhưng khi qua phim ảnh, thì cái chất thư sinh và kịch nghệ của anh đã ăn vào máu mất rồi, khó có thể thay đổi được. Cứ xem Người Cô Đơn anh đóng với Thanh Nga thì rõ nhất. Dũng Thanh Lâm đóng phim thật hơn khi cải lương.Anh đúng ra nên là diễn viên điện ảnh hơn sân khấu, bởi vẻ đẹp trai riêng của mình (là con lai), có duyên. Huỳnh Thanh Trà thì có đôi mắt buồn rất thành công trong Loan Mắt Nhung. Nhưng sau đó, chẳng để lại ấn tượng gì nhiều trong làng điện ảnh. “Kép” Thanh Tú đóng rất nhiều vai chính trong các phim như Trống Mái, Lan Và Điệp…, nhưng các nhà làm phim chỉ khai thác anh ở khía cạnh rất nam tính, thô mộc,
  16. thật thà và hiền lành, nhiều hơn là diễn xuất. Lý Huỳnh không có gì nổi bật trước năm 1975. Ông được khai thác theo sở trường ở lĩnh vực võ thuật, chứ diễn xuất chẳng có gì ngoài những pha đánh đấm, rặc mùi thương mại ăn theo của phim chưởng Hồng Kông. Lý Huỳnh chỉ thực sự tỏa sáng qua những vai diễn của nền điện ảnh cách mạng trong các phim Mùa Gió Chướng, Ông Hai Củ, Hòn Đất… Trường hợp Nguyễn Chánh Tín cũng vậy, chỉ nhờ bộ phim Ván Bài Lật Ngửa, nhân vật của anh đã trở thành huyền thoại trong nền nghệ thuật điện ảnh nước nhà. Trước năm 1975, các nhà làm phim chỉ chú trọng khai thác anh trong lĩnh vực điện ảnh vì “cái mã” bạch diện thư sinh, hớp hồn fan nữ là chính. Trước năm 1975, ngoài những trường đạo tạo nghệ thuật diễn xuất như Trường Quốc gia Âm nhạc Sài gòn, ai yêu thích điện ảnh, có thể theo học lớp điện ảnh của đại học Minh Đức. Có nhiều đạo diễn thành danh sau ngày giải phóng từng theo học lớp này như đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Điện ảnh Sài Gòn hơn 20 năm dưới chế độ của chủ nghĩa thực dân mới, vẫn là bức tranh mờ nhạt chưa thể tạo được diện mạo cho một nền điện ảnh dân tộc với những bản sắc riêng biệt, chỉ có thành công nhất thời là khơi gợi một nền điện ảnh thương mại có tính chuyên nghiệp và đã có những sự hợp tác và liên kết để giành thị phần cho phim Việt giữa các nhà làm phim với nhau, hoặc hợp tác phát triển thị trường tại nước ngoài như Thái Lan, Hồng Kông, Nhật Bản…Nếu như có cơ hội phát triển, điện ảnh thương mại Việt Nam đã có thể tiến xa hơn hoặc chí ít cũng ngang hàng Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan như hiện nay. Đây cũng là một điều đáng tiếc do thời thế và do những giới hạn thuộc về lịch sử. Điện ảnh miền Nam Việt Nam thời Mỹ- Ngụy cáo chung vào tháng tư năm 1975. Đất nước ta hòa vào một thể thống nhất để cùng nhau tạo dựng một nền điện ảnh đậm đà bản sắc dân tộc: Điện ảnh Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
nguon tai.lieu . vn