Xem mẫu

  1. ĐỐI THOẠI TÍNH NỮ TRONG LỀU ĐỎ (ANITA DIAMANT) TỪ TƯƠNG QUAN KINH THÁNH HỒ THỊ TRÀ THƯƠNG Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị Tóm tắt: Bắt nguồn cảm hứng từ một huyền tích trong thiên Cựu Ước, Lều đỏ là câu chuyện mà Kinh Thánh đã không kể, là ký ức về mẹ mà những người con gái đánh mất và lãng quên trong u mê nô lệ trước quyền lực của nam giới. Tác phẩm là một cuộc đối thoại mạnh mẽ về vấn đề tính nữ từ những tín điều đã xác quyết hàng ngàn năm trong cuốn sách tôn giáo, văn hóa, xã hội đồ sộ – Kinh Thánh. Trong Lều đỏ, hình tượng nhân vật trung tâm Dinah cùng bốn bà mẹ của mình xuất hiện như một thế giới đối trọng với Jacob và các con trai – những vai chính trong Kinh Thánh. Đặc biệt, để làm nổi bật tính đối thoại trong thế tương quan với Kinh Thánh, cuốn tiểu thuyết đã đi sâu khai thác những khía cạnh mang tính bản thể nữ như tình dục và sinh con. Qua đó, tác phẩm hiện lên với ý nghĩa nữ quyền mạnh mẽ của mình. Từ khóa: Tiểu thuyết Lều đỏ của Anita Diamant; Đối thoại tính nữ; Kinh Thánh, Nữ quyền 1. MỞ ĐẦU Ngay những dòng đầu tiên, cuốn tiểu thuyết Lều đỏ của nữ nhà văn Mỹ Anita Diamant đã lấp ló bóng dáng một tuyên ngôn nữ quyền, khơi gợi lên từ nỗi đau bản thể sâu sắc: “Mối dây kết nối người mẹ với con gái đã bị cắt đứt, chỉ có lời nói của người đàn ông mới có giá trị, những người không có ý thức gì về hiểu biết. Đó là lý do khiến tôi trở thành một kẻ bên lề” [4, tr. 5]. Luôn luôn trong những câu chuyện, địa vị bên lề ấn định người phụ nữ vào phần bóng tối câm lặng. Ký ức về họ bị lãng quên trong miền tối đó. Lịch sử là những trang mô tả thế giới trong thế bất đối xứng tạo nên bởi sự thiên lệch giữa hai nửa đàn ông và đàn bà. Phản ứng với sự bất công đó, Lều đỏ của Anita Diamant làm sống dậy cuộc đấu tranh của người phụ nữ, bằng cách riêng của mình để gìn giữ lại ký ức – hay chính là tên tuổi, cuộc đời mình – vào dòng chảy thời gian. Tác phẩm là một cuộc đối thoại mạnh mẽ về vấn đề tính nữ từ những tín điều đã xác quyết hàng ngàn năm trong cuốn sách tôn giáo, văn hóa, xã hội đồ sộ – Kinh Thánh. Từ câu chuyện cuộc đời nhân vật Dinah, Lều đỏ mở ra một không gian văn hóa tràn đầy tính nữ. Đặc biệt, để làm nổi bật tính đối thoại trong tương quan với Kinh Thánh, cuốn tiểu thuyết đã đi sâu khai thác những khía cạnh mang tính bản thể nữ như tình dục và sinh con. Vậy nên, trong giới hạn bài viết, chúng tôi muốn tập trung vào hai khía cạnh đặc sắc này. 2. TỪ TÍNH CHẤT NAM QUYỀN CỦA KINH THÁNH ĐẾN TINH THẦN PHẢN ĐỀ CỦA TIỂU THUYẾT LỀU ĐỎ Kinh Thánh, đặc biệt Cựu Ước, là cuốn sách nền tảng, có mối liên hệ chặt chẽ tới sự hình thành của ba tôn giáo lớn: Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo [2], [3]. Tuy nhiên, cũng như thánh kinh của nhiều tôn giáo khác, Kinh Thánh áp đặt một địa vị thấp kém, phụ thuộc cho phái nữ [6]. Ngay trong những chương đầu tiên, Cựu Ước đã xác lập vị thế của người đàn bà: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” [Sáng thế 3:16]. Lời ấy, tựa như âm thanh tiếng trống hiệu lệnh đầu tiên vang lên trước đội quân khổng lồ những diễn ngôn đàn áp giới nữ, vùi họ câm lặng trong một lịch sử đầy những bất công, rẻ rúng. Bởi tiếp ngay sau Cựu Ước, Tân Ước cũng tuyên bố tương tự: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sau Đại học lần thứ hai Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2014: tr. 356-362
  2. ĐỐI THOẠI TÍNH NỮ TRONG LỀU ĐỎ (ANITA DIAMANT) TỪ TƯƠNG QUAN KINH THÁNH 357 Thánh” [Êphêxô 5:22-24]. Mối tương quan giữa nam và nữ là tương quan giữa chủ nhân và nô lệ, giữa đầu óc và chân tay. Trong Cựu Ước, câu chuyện về Adam và Eve đã trở thành một minh chứng nguồn cho địa vị phụ thuộc của người phụ nữ hàng ngàn năm qua. Người phụ nữ được tạo nên từ xương sườn của người đàn ông, là một bộ phận và sinh ra bởi nhu cầu của anh ta: “Ðức Chúa là Thiên Chúa phán: "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”… Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra."” [Sáng thế 2:18-23]. Bên cạnh đó, hình ảnh Eve như một kẻ dụ dỗ Adam làm trái lời Chúa gây nên tội tổ tông trong Cựu Ước cũng gây nên một ấn tượng cực kỳ không tốt về phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ tượng trưng cho sự cám dỗ xấu xa ăn sâu vào tiềm thức tín đồ Kinh Thánh. Tất cả phụ nữ đều được tin là không đáng tin cậy, thua kém về đạo đức. Chính bởi họ mà Adam – con người đầu tiên – mắc tội với Thiên Chúa. Do vậy, kinh nguyệt, thai nghén và sinh nở được coi là hình phạt vĩnh viễn cho tội lỗi của người đàn bà. Với những tín điều bất công ấy trong Kinh Thánh, Thiên Chúa dường như được tạo nên để phủ lên người phụ nữ cùng tất cả những gì tượng trưng cho họ một tấm màn nguyền rủa, một ấn tượng xấu xa, một nguyên nhân để nữ giới phải tùng phục nam giới. Cái nhìn kỳ thị phái nữ từ Kinh Thánh đã đặt ra một vấn đề quan trọng cho chủ nghĩa nữ quyền. Và Lều đỏ là một sự theo đuổi đầy thuyết phục vấn đề ấy. Lấy cảm hứng từ một câu chuyện trong Sáng thế ký – câu chuyện về Jacob và mười hai người con trai – nhưng Lều đỏ của Anita Diamant đã trao lời cho một ngôi kể nữ: Dinah, con gái Jacob. Chính sự xuất hiện thấp thoáng của nhân vật này trong Kinh Thánh đã tạo không gian cho Diamant thực hiện một cuộc dịch chuyển ngoạn mục địa vị của cô trong hai tác phẩm: từ ngoại vi đến trung tâm diễn ngôn. Câu chuyện quen thuộc trong Cựu Ước nay hiện lên đầy tươi mới qua một góc nhìn nữ. Lấy căn lều màu đỏ - hình ảnh tượng trưng cho kinh nguyệt - làm hình tượng trung tâm, tác phẩm của Diamant trở thành cuốn tự truyện của Dinah, nơi nàng chia sẻ câu chuyện của mình, đồng thời cũng nói thay tâm sự của những người phụ nữ bị bỏ rơi khỏi những câu chuyện trong Kinh Thánh. Toàn bộ câu chuyện đã biết trong Cựu Ước nay sẽ được kể lại một lần nữa qua đôi mắt và sự phán xử của một người thuật truyện nữ: Dinah. Đặc biệt, từ đôi mắt người phụ nữ, những vấn đề bản thể như tình dục, kinh nguyệt, thai nghén, sinh con sẽ được nhìn nhận lại, hòng đem tới một cuộc đối thoại công bằng với những tín điều bất công đã tồn tại bao lâu từ trong Kinh Thánh. Bằng việc trao trả lại hôm nay thế giới nữ ngàn xưa trong Kinh Thánh, Lều đỏ hiện lên trong ý nghĩa nữ quyền mạnh mẽ của mình. 3. TÌNH DỤC, THAI NGHÉN – CỐT LÕI CỦA TINH THẦN ĐỐI THOẠI NỮ TRONG LỀU ĐỎ 3.1. Người phụ nữ và năng lượng tình dục Tính dục của con người là một trong những địa hạt cấm kị trong Kinh Thánh. Trong quan hệ giữa nam và nữ, Kinh Thánh không ngăn cấm tình dục hợp pháp (giữa vợ và chồng) – với mục đích “sinh sôi nảy nở” – nhưng lại răn dạy con người tiết chế bản năng tính dục. Hôn nhân cũng thường được xem như là phương cách để làm dịu bớt dục vọng, ngăn cản tính dục đi lệch đường, đặt nó dưới sự kiểm soát chặt chẽ của lề luật. Thánh Paul đã khuyên nhủ: “Nếu không tiết dục được, họ cứ kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt (bởi ngọn lửa dục vọng – NV)” [1 Côrintô 7:9], và lại thêm rằng: “Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói
  3. 358 HỒ THỊ TRÀ THƯƠNG thế này: họ cứ ở vậy, theo như tôi thì tốt cho họ” [1 Côrintô 7:8]. Con người đến với tình dục không phải để tìm kiếm khoái lạc mà chỉ cộng tác với Thiên Chúa để làm giàu thêm cho gia đình của Ngài. Tình yêu giữa người vợ và người chồng cũng được Kinh Thánh miêu tả nhuốm màu tôn giáo: “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh” [Êphêxô 5:25]. Đó là một kiểu tình yêu chung chung giữa người với người, “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Xuyên suốt những câu chuyện trong Kinh Thánh, niềm đam mê thân xác thậm chí dường như luôn đi kèm với những tai ương thảm khốc. Sự kiện ở thành Sechem, ở Sittim, hay câu chuyện về đam mê tội lỗi của vua David với nàng Bathsheba, về sai lầm của chàng Samson trước Delilah là những ví dụ. Thảng hoặc, khi nói đến mối quan hệ giữa nam và nữ, Kinh Thánh có nhắc đến tình yêu, như tình yêu của Jacob dành cho Rachel: “Vì cô Ra-khen, Gia-cóp đã phục vụ bảy năm, nhưng đối với cậu chỉ như vài ngày vì cậu quá yêu cô” [Sáng thế 29: 20]. Nhưng hoàn toàn không có yếu tố tính dục. Chẳng hạn, cuộc gặp gỡ đầu tiên của Jacob và Rachel được Kinh Thánh miêu tả: “Gia-cóp vừa nhìn thấy cô Ra-khen, con gái ông La-ban, anh của mẹ cậu, và chiên dê của ông La-ban, anh của mẹ cậu, thì cậu lăn tảng đá ra khỏi miệng giếng, và cho chiên dê của ông La-ban, anh của mẹ cậu, uống. Gia-cóp hôn cô Ra-khen rồi oà lên khóc. Gia-cóp nói cho cô Ra-khen biết cậu là anh em họ hàng với cha cô và là con trai bà Rê-bê-ca; cô liền chạy về báo tin cho cha” [Sáng thế 29: 10-12]. Chỉ đơn thuần là kể các sự việc nối tiếp nhau diễn ra. Trong Lều đỏ, cuộc gặp gỡ này vẫn được Diamant bảo toàn hầu như mọi chi tiết, thêm vào đó là những rung động nhục cảm của nhân vật: “Ông nhìn thẳng vào đôi mắt của cô và hoàn toàn bị khuất phục. Khi ông hôn cô, Jacob kêu lên như một người đàn ông đang ân ái với vợ mình. Tiếng kêu đó đã đánh thức Rachel khỏi tuổi thơ của cô” [4, tr. 18]. Nụ hôn mang tính chất xã giao trong Kinh Thánh đã biến thành nụ hôn mang đầy tính nhục thể trong Lều đỏ. Trong Lều đỏ, phần bản năng của các nhân vật Kinh Thánh được đánh thức. Ngay cả với Jacob. Có lẽ các tín đồ Do Thái khó có thể tưởng tượng một hình ảnh Jacob với những niềm đam mê trần tục: “…Zilpah thấy Jacob ở ngoài đồng cỏ, dựa lưng vào một thân cây, hai tay thủ dâm cho đến khi thỏa mãn sụp người xuống,… hàng đêm ông nằm mộng du ân ái với từng người trong số bốn chị em. Khi uống nước bên dòng suối ông cảm thấy mình đang nằm trong vòng tay Rachel. Khi nhấc bổng một tảng đá lớn lên ông nhìn thấy Leah nằm khỏa thân phía dưới… Ông bừng tỉnh mỗi buổi sáng, mồ hôi đầm đìa, dương vật căng cứng.” [4, tr. 50]. Đó là những khát khao chân thật và nguyên sơ nhất của con người. Vậy nên, thật tự nhiên khi Lều đỏ không phải là cuốn sách đầu tiên, cũng chẳng nên là tác phẩm cuối cùng khai thác khía cạnh ấy. Nhưng đặt nó vào một nhân vật trong Kinh Thánh quả là một điều táo bạo. Tái hiện câu chuyện trong tác phẩm tôn giáo Kinh Thánh, nhưng Lều đỏ của Anita Diamant lại dựng lên một không gian tràn ngập niềm đam mê thân xác. Hình ảnh thảo nguyên bao la rộn ràng trong nhịp sinh sôi, trong hoan lạc dục tình như một điệp khúc luôn trở đi trở lại làm nền cho những sự kiện trong đời sống của con người. Trong không gian đó, con người dễ dàng bị đánh thức những khát khao bản thể: “Tôi nhìn chăm chăm vào những con chim bé xíu của các cậu bé cởi truồng chạy loăng quăng, và nhìn trộm những con chó đang giao hợp. Tôi vặn vẹo người, lăn qua lăn lại trên tấm nệm của mình, đưa tay lên sờ ngực và giữa hai chân mình, rồi ngơ ngẩn” [4, tr. 267]. Và khi bóng tối phủ lên vạn vật, niềm khao khát ấy càng trở thành một sự thúc giục cháy bỏng: “Những âm thanh vọng lại từ những cuộc ái ân trong thế giới gần gũi trong những căn lều của chúng tôi đã khiến cô thức giấc giữa đêm, khiến cô trằn trọc không sao ngủ lại được” [4, tr. 85].
  4. ĐỐI THOẠI TÍNH NỮ TRONG LỀU ĐỎ (ANITA DIAMANT) TỪ TƯƠNG QUAN KINH THÁNH 359 Trong không gian ân ái đó, Lều đỏ dành những trường đoạn đầy gợi cảm đặc tả đam mê của các nhân vật. Những cảnh làm tình luôn được miêu tả bằng một cái nhìn cận cảnh qua cảm nhận thân thể của người phụ nữ: “Sau đó hai bàn tay ông bắt đầu sống lại. Chúng chậm rãi khám phá khuôn mặt mẹ, luồn qua mái tóc mẹ, rồi sau đó, ôi, chúng lần xuống hai bầu vú của mẹ, rồi xuống bụng, tới hai chân và nơi thầm kín của mẹ, nơi ông ấy khám phá bằng những cái vuốt ve nhẹ nhàng nhất. Giống như khi một người mẹ lần ngón tay theo vành tai trong của một đứa trẻ mới chào đời, một cảm giác thật ngọt ngào khiến mẹ bất giác mỉm cười” [4, tr. 55]. Tình dục trong Lều đỏ không còn là điều cấm kị. Trên con đường đến với nhau muôn đời giữa nam và nữ, những người nữ luôn chủ động kiếm tìm và đón nhận phần xúc cảm của bản thân. Trong khoảnh khắc thăng hoa của thân xác, những người phụ nữ trao đi và nhận lại khoái lạc. Tình yêu họ dành cho người đàn ông của mình luôn gắn liền với những đam mê tình dục nồng nàn. Trong niềm hoan lạc ngây ngất của sự giao hòa giữa nam và nữ, những người phụ nữ tìm thấy sức mạnh bản thể tuyệt đích của mình. Niềm khoái lạc tình dục khiến cho họ cảm thấy mình lớn lao, rộng rãi. Con người nhập làm một với tự nhiên bao la trong khoảnh khắc giao hòa nam và nữ. Bởi dường như khi đến trong nhau, họ tìm thấy thứ quyền lực tạo ra sự sống của các vị thần: “Những đêm bên nhau của họ ngập đầy những vì sao và những tiếng thở dài khoan khoái khi họ vào vai của nữ thần và nam thần. Mỗi cử chỉ âu yếm của họ tạo nên cả nghìn giấc mơ” [4, tr. 56]. Trong niềm cảm hứng tuyệt đích của thân xác, người phụ nữ biết rằng sự hiện tồn của mình là một phần của thế giới, trong một vị thế không hề thua kém người đàn ông. Lều đỏ gửi đến ta thông điệp cổ xưa của niềm hoan lạc trần tục mà thiêng liêng đó. Với những khai thác mạnh dạn khía cạnh bản thể – tính dục của con người, đặc biệt là của người phụ nữ, Lều đỏ đã mang tới cho ta cái nhìn rất mới về một câu chuyện cũ xưa trong Kinh Thánh. Đào sâu vào vùng đất bị cấm kỵ để rũ bỏ lớp áo thành kiến nặng nề, Lều đỏ của Diamant đã thực hiện một cuộc đối thoại giữa những chế định thần thiêng gò bó của Kinh Thánh và cái tự do trần tục của bản thân sự sống. Qua đó, tác phẩm đã trả lại cho những người nữ trong thánh kinh một cuộc sống tràn trề niềm vui, trong đó lạc thú trần tục cũng đồng thời là vẻ đẹp cao cả nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. 3.2. Người phụ nữ và cảm hứng về sự sinh sôi nảy nở – từ Lều đỏ đến Kinh Thánh Lều đỏ là áng ca tuyệt đẹp về sự sống, điều đó được đặc biệt kết tinh trong hình tượng người mẹ, mà trung tâm là bốn bà mẹ của nhân vật chính Dinah. Những lần mang thai, những cuộc vượt cạn được miêu tả một cách tỉ mỉ và trở đi trở lại trong Lều đỏ. Mang thai – sinh con là niềm khao khát của mỗi người đàn bà và là niềm hãnh diện vô bờ của người đàn ông. Hình ảnh Jacob hôn lên bàn tay Leah khi bà trao cho ông con trai của hai người mãi là một trong những hình ảnh đẹp nhất của thiên truyện. Sinh con, đặc biệt là con trai, đảm bảo địa vị cho người mẹ và nhất là sự lớn mạnh, giàu có cho gia tộc, cộng đồng. Bởi vậy, sinh nở trở thành một trong những vấn đề trung tâm của cả bộ lạc. Điều này nhắc ta nhớ lại một trong những lời răn của Thiên Chúa trong Cựu Ước mà sau này đã bị lãng quên trong Tân Ước: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” [Sáng thế 1:21]. Làm cho thế hệ tiếp theo ngày càng đông đúc trở thành một lời chúc phúc, cũng là sứ mệnh Thiên Chúa ban cho loài người. Tuy nhiên, cần thấy rõ điều này: trong Kinh Thánh, tạo ra sự sống là biểu hiện quyền năng của Đấng sáng tạo – Thiên Chúa. Chẳng hạn, Kinh Cựu Ước phần Sáng thế ký có đoạn viết: “Ðức Chúa thấy rằng bà Lê-a không được yêu, nên Người cho bà sinh đẻ, còn bà Ra-khen thì hiếm hoi [Sáng thế 29:31]… Khi bà Ra-khen thấy mình không sinh con cho ông Gia-cóp, thì ghen với chị và nói với ông Gia-cóp: "Cho tôi có con đi, không thì tôi chết mất!" Ông Gia-cóp nổi nóng với bà Ra-khen và nói: "Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa là Ðấng đã không cho bà sinh đẻ!" [Sáng thế 30:1,2].
  5. 360 HỒ THỊ TRÀ THƯƠNG Trong Lều đỏ, thiên chức nuôi dưỡng và tạo ra sự sống được trao lại cho những người phụ nữ. Đó là món quà được Innana, nữ thần của hoan lạc, người khiến nam và nữ tìm đến nhau khi đêm đến, vị thần mà những người phụ nữ coi là cụ tổ của mình, ban tặng. Tạo ra sự sống trở thành tài sản, niềm hãnh diện và cũng là gánh nặng của những người phụ nữ. Họ ý thức sâu sắc rằng “sự sống bắt nguồn từ giữa hai chân của chúng ta, và rằng sự sống phải trả giá bằng máu” [4, tr. 251]. Có lẽ bởi vậy nên câu chuyện về những lần hành kinh, những đam mê thân xác, những cuộc vượt cạn trở thành những trang viết dạt dào cảm hứng và đam mê nhất xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Lều đỏ trả lại một thế giới nơi phần bản thể nguyên sơ nhất của con người được trân trọng, nơi cái thiêng và cái tục hòa vào làm một, nơi thiên tính nữ được giữ gìn. Trong Lều đỏ, kỳ kinh nguyệt đầu tiên của một cô gái cũng trở thành một nghi lễ trang trọng không kém một buổi tế thần nào. Những người phụ nữ hát những bài hát báo hiệu sự sinh nở, cái chết và sự chín muồi. Họ tô màu lên đôi mắt cô và những người phụ nữ đeo tất cả món đồ trang sức họ tìm thấy vào ngón tay, ngón chân, khoeo chân và cổ tay của cô. Họ trùm lên đầu cô gái chiếc khăn thêu đẹp nhất. Cô gái được chuẩn bị một cách kỹ càng để bước vào nghi lễ “tới cùng sự giao hòa cổ xưa của đất, máu và bầu trời” [4, tr.277]. Những người phụ nữ vây quanh cô và hát những bài ca dành cho các vị nữ thần. Áp bụng vào lòng đất mẹ, hai tay dang rộng, cô trả lại những giọt máu đầu tiên về với đất, bởi máu của cô – trong lần đầu tiên – được xem như chất dịch quý báu, thứ sẽ kích thích cây cối nảy mầm ra hạt rất mạnh cho khu vườn. Trong thời khắc thiêng liêng của đời mình, cô gái được mở khóa con đường dẫn vào cổ tử cung và lần đầu tiên khám phá ra niềm hoan lạc muôn đời giữa nam và nữ. Sự kiện ấy trở thành ký ức không bao giờ quên đối với người con gái, với sự cảm nhận sâu sắc về cơ thể của mình, khi cô được chia sẻ về bí mật giữa đàn ông và đàn bà, về “cách cảm nhận sự hoan hỉ trong những đêm trăng, cách hòa nhập vào chu kỳ lặp đi lặp lại của cuộc sống” [4, tr. 76]. Đó là một khoảnh khắc tràn đầy hạnh phúc và tự hào: “Trở thành phụ nữ mới tuyệt làm sao!” [4, tr. 273]. Cái nhìn ấy của Lều đỏ không khỏi khiến chúng ta suy nghiệm về những điều Cựu Ước đã viết về kinh nguyệt của người phụ nữ. Sách Levi dạy rằng: “Khi một người đàn bà ra huyết, huyết từ thân thể chảy ra, thì nó sẽ ô uế bảy ngày vì có kinh. Bất cứ ai đụng vào nó, sẽ ô uế cho đến chiều. Mọi cái gì nó nằm khi có kinh, sẽ ra ô uế, mọi đồ vật nó ngồi lên, sẽ ra ô uế. Bất cứ ai đụng vào giường của nó, sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều” [Levi 15: 19-23]. Thậm chí, sau khi đã hết kinh, người phụ nữ cũng phải dâng lễ tế lên Thiên Chúa để thanh tẩy mình. Sự hành kinh của người nữ được xem như một việc không thanh sạch. Có lẽ điều này xuất phát từ quan niệm về tội tổ tông khi Thiên Chúa trừng phạt Eve – người đã dụ dỗ Adam ăn trái cấm trên vườn địa đàng. Kinh Thánh nhìn nhận kinh nguyệt như một sự nhắc nhở cho tội lỗi truyền đời người đàn bà. Từ một góc độ nào đấy, đó là cái nhìn có tính lăng nhục giới nữ. Và Lều đỏ thông qua sự vinh danh những kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là lần kinh nguyệt đầu tiên của người con gái đã trả lại phẩm hạnh chân chính cho phụ nữ. Khoảnh khắc đó thiêng liêng bởi nó đánh dấu khả năng làm mẹ của cơ thể người nữ. Không phải ngẫu nhiên mà xuyên suốt câu chuyện, hình ảnh những bà mẹ mang thai, những cuộc vượt cạn hạnh phúc lẫn kinh hoàng cứ luôn trở đi trở lại. Trong Lều đỏ, mỗi một lần vượt cạn là cả một câu chuyện. Sự ra đời của những đứa trẻ được mô tả một cách chi tiết. Từ những cơn co thắt ban đầu cho đến khi trở nên dữ dội hơn. Và cứ thế cho đến khoảnh khắc đứa trẻ chào đời: “Leah rặn mạnh, khuôn mặt cô đỏ bừng, hai mắt như lồi ra, long lanh, màu da trời và màu lục. Hai chân cô run bần bật như thể sắp khuỵu xuống bất cứ lúc nào… Leah kêu thét lên và sinh hạ đứa con trai của mình” [4, tr. 69]. Một sự sống mới ra đời luôn phải đổi bằng nước mắt, bằng máu, đôi khi bằng cả sinh mạng. Trong Lều đỏ không hiếm những cuộc vượt
  6. ĐỐI THOẠI TÍNH NỮ TRONG LỀU ĐỎ (ANITA DIAMANT) TỪ TƯƠNG QUAN KINH THÁNH 361 cạn cướp đi sinh mạng của người mẹ. Mỗi người phụ nữ bước đến con đường đó bằng một cách khác nhau nhưng chính trải nghiệm về nỗi đau cũng như niềm hạnh phúc sinh nở là điều giúp kết nối họ lại. Trong căn lều màu đỏ – căn lều của những kỳ kinh nguyệt và những cuộc vượt cạn, thời gian đếm nhịp bằng những lần sinh nở. Sinh nở được nhìn nhận như một thiên chức đặc biệt, riêng có của người phụ nữ, với tất cả hạnh phúc và đau đớn của nó: “Trong căn lều màu đỏ chúng tôi biết cái chết luôn như một chiếc bóng của sự sinh sản, là cái giá phải trả cho niềm vui tạo ra cuộc sống. Đó là cách đo nỗi đau khổ của chúng tôi” [4, tr. 82]. Bởi thế nó trở thành thiêng liêng. Đó là cái nhìn hoàn toàn mới mẻ khi ta trở lại với câu chuyện được ghi chép trong Sáng thế ký của Kinh Thánh, khi Adam và Eva trái lời Chúa ăn trái cấm ở vườn Địa Đàng, Chúa đã trừng phạt Eva: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con” [Sáng thế 3:16]. Như vậy, mang thai và sinh con là một hình phạt của Chúa đối với Eva và những người phụ nữ trên thế gian này cũng gánh chịu nỗi đau đó như một tội tổ tông. Đó là một cái nhìn mang nặng tư tưởng thiên kiến lệch lạc của duy lý đàn ông. Nó đã kéo theo một thái độ khinh rẻ dành cho những người phụ nữ. Martin Luther, nhà cải cách tôn giáo người Đức, người cổ vũ sự trở về với tính vô ngộ (không sai lầm) của Kinh Thánh từng nói về sự sinh con của những người phụ nữ: “Nếu họ mệt thậm chí chết đi, không vấn đề gì cả. Hãy để họ chết trong quá trình sinh đẻ, đó là lý do họ ở đây” [1]. Như vậy, trong quan điểm của nhà thần học này, người phụ nữ hoàn toàn không có giá trị. Họ chỉ là công cụ để Thiên Chúa đưa sự sống đến nhân gian. Cách nhìn đó, đến nay, với chúng ta trở nên thật khủng khiếp. Lều đỏ, với việc ngợi ca người phụ nữ trong thiên chức mang thai, sinh nở đã phủ nhận, đập tan thứ định kiến đầy méo mó đó. Có thể nói, nếu như Lều đỏ viết về hành trình mang thai, sinh nở của người phụ nữ với niềm tự hào mãnh liệt và cảm hứng ngợi ca thì trong Kinh Thánh, những điều đó ở người đàn bà lại tượng trưng cho tội lỗi, ô uế. Lều đỏ, bằng việc đưa đến một cách nhìn khác với những tín điều trong Kinh Thánh đã nói lên những bất công phủ lên người phụ nữ suốt hàng ngàn năm qua, hòng đem tới cho họ một sự nhìn nhận công bằng và nhân bản. 4. KẾT LUẬN Tái dựng lại từ một huyền tích nổi tiếng trong Kinh Cựu Ước, Lều đỏ là huyền thoại vừa lạ lẫm vừa thân quen, xa xưa nhưng lại cũng vô cùng gần gũi về những người phụ nữ, được tái hiện qua đôi mắt, giọng nói và ký ức của một ngôi kể nữ. Hình tượng nhân vật Dinah cùng bốn bà mẹ của mình xuất hiện như một thế giới đối trọng với Jacob và các con trai – những vai chính trong Kinh Thánh. Thế giới nữ trở thành vấn đề trung tâm, chiếm lĩnh toàn bộ nguồn cảm hứng của tác phẩm. Đó là bài ca thiên tính nữ, cất lên bởi vẻ đẹp và giá trị của người phụ nữ trong cuộc sống đời thường. Đặc biệt, những gì thuộc về bản thể nữ bao lâu nay vẫn chịu đựng sự cấm đoán, kỳ thị, bất công từ Kinh Thánh: tình dục, kinh nguyệt, sinh nở, thì nay lại được Anita Diamant vinh danh, ca ngợi. Câu chuyện từ hàng ngàn năm trước đã gửi lại cho ta tài sản quý giá nhất đối với người nữ: Niềm kiêu hãnh lặng thầm mà mãnh liệt khi tạo nên và nuôi dưỡng sự sống từ tử cung của mình. Đó chính là cốt lõi của tinh thần đối thoại Kinh Thánh của tiểu thuyết Lều đỏ. Với cái nhìn mang đậm tinh thần nữ quyền, tác phẩm của Diamant hiện lên một lời chất vấn, một phản đề với tính chất nam quyền của Kinh Thánh, đặc biệt khi sự trọng thị, thiên vị nam tính, đè nén, hạ thấp nữ tính vốn gây ra hậu quả nặng nề cho đời sống người phụ nữ suốt hàng nghìn năm nay.
  7. 362 HỒ THỊ TRÀ THƯƠNG TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Azeem Sharif Abdul (tiểu luận tại trường ĐH Queens, Kingston, Ontario, Canada) (Mieu Abbas và Fatihah Tran dịch), Phụ nữ Islam và phụ nữ Do Thái – Thiên Chúa giáo: chuyện hoang đường và sự thật, http://www.islamic-invitation.com. [2] Brinton Crane (Nguyễn Kiên Trường dịch) (2007). Con người và tư tưởng phương Tây, NXB Từ điển bách khoa. [3] Burns Edward McNall (2008). Văn minh phương Tây – lịch sử và văn hóa, NXB Từ điển bách khoa. [4] Diamant Anita (Lê Đình Chi dịch) (2010). Lều đỏ, NXB Phụ nữ. [5] Kishlansky Mark, Geary Patrick, O’Brien Patricia (Lê Thanh dịch) (2005). Nền tảng văn minh phương Tây, NXB Văn hóa thông tin. [6] Nguyễn Xuân Nghĩa (2005). “Phụ nữ, tôn giáo và vấn đề phát triển”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, (6), tr. 15-25. [7] Kinh Thánh (2009). Bản dịch của nhóm Các giờ Kinh phụng vụ, NXB Tôn giáo. Title: A DIALOGUE ABOUT FEMINEITY IN RELATION TO THE BIBLE IN “ THE RED TENT” (ANITA DIAMANT) Abstract: Being inspired by a story of the Old Testament, The Red Tent, however, has not been mentioned by The Bible, is about women whose memories of their mothers were lost and felt into oblivion by their ignorant slavery under their husbands’s power. That work is a robust dialogue related to female’s issues which have been identified for thousands of years by creeds in a great book of religion, culture and society known as Bible. In the The Red Tent, the main character named Dinah and his four mothers appear as a counterweight world to Jacob and his sons who are also main characters in The Bible. Especially, in order to highlight that subject – in the relation to The Bible, the novel has discovered deeply issues related to women such as sex and childbirth. Thereby, it rises strongly as a sense of women’s right. Keywords: Novel The Red Tent by Anita Diamant; A dialogue about femineity; The Bible; Women’s right. HỒ THỊ TRÀ THƯƠNG Đơn vị công tác: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị Học viên Cao học, chuyên ngành Lý luận văn học, khóa 21 (2012-2014), Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0979 153 060, Email: trathuonglqd@gmail.com
nguon tai.lieu . vn