Xem mẫu

  1. ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN - NHÂN TỐ QUAN TRỌNG TRONG SỰ CHUYỂN ĐỔI MẠNH MẼ CỦA HỆ THỐNG GIÁO DỤC Ở PHẦN LAN HOÀNG LÊ MAI PHƯƠNG Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Tóm tắt: Hệ thống giáo dục của Phần Lan là một trong những hệ thống giáo dục tiên tiến nhất và luôn dẫn đầu các nước OECD về thành tích giáo dục. Khi xem xét các nguồn lực giáo dục lớn mạnh của Phần Lan có thể thấy một yếu tố quan trọng hơn cả trong sự thành công của nền giáo dục Phần Lan - đó chính là đội ngũ giáo viên xuất sắc. Nghiên cứu tập trung phân tích những chính sách của Phần Lan nhằm tạo nên sức ảnh hưởng của đội ngũ giáo viên như xây dựng vị trí danh giá của nghề giáo viên trong xã hội; xây dựng các tiêu chuẩn, chương trình lựa chọn đầu vào và đào tạo đội ngũ giáo viên; xây dựng công cụ, thẩm quyền và trách nhiệm mà giáo viên được giao trong hoạt động giảng dạy. Từ khoá: đào tạo, giáo viên, giáo dục, Phần Lan. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Với trình độ giáo dục cao, Phần Lan được coi là một trong những xã hội có học thức cao nhất thế giới. Hơn 98% tham gia các lớp học mầm non; 99% hoàn thành giáo dục cơ bản bắt buộc; và 94% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Tỷ lệ hoàn thành trong trường phổ thông dạy nghề cũng đạt gần 90%. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Phần Lan đã nổi lên dẫn đầu các nước OECD về thành tích giáo dục khi luôn đứng đầu trong nhiều kì đánh giá học sinh quốc tế PISA. Làm thế nào mà một quốc gia có một hệ thống giáo dục tầm thường trong những năm 1980 vươn lên đứng đầu chỉ trong vài thập kỷ? Qua nghiên cứu có thể thấy rằng, kỳ tích chuyển mình này xuất phát từ những thay đổi chính sách, thay đổi về triết lý giáo dục và yếu tố đặc biệt quan trọng và nổi bật hơn hẳn các quốc gia khác đó chính là: đội ngũ giáo viên xuất sắc. Vậy xã hội Phần Lan nhìn nhận nghề giáo viên ra sao? Việc đào tạo và phát triển chuyên môn cho đội ngũ giáo viên ở Phần Lan được thực hiện như thế nào? Và những công cụ và đặc quyền mà ngành giáo dục Phần Lan đã dành cho đội ngũ giáo viên là gì? 2. NỘI DUNG 2.1. Tổng quan hệ thống giáo dục của Phần Lan Phần Lan có một hệ thống giáo dục tiên tiến: theo kết quả của các cuộc kiểm tra PISA, kết quả học tập của học sinh Phần Lan độ tuổi 15 luôn được đánh giá là nước xuất sắc nhất. Các trường học ở Phần Lan không chỉ đứng đầu về trắc nghiệm của tổ chức OECD mà còn thành công trong việc giáo dục các học sinh yếu kém và làm giảm mức chênh lệch học tập giữa nam sinh và nữ sinh. Các trường ở Phần Lan có độ chênh lệch kiến thức rất nhỏ. Các học sinh yếu luôn có cơ hội vươn lên. 396
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 Hệ thống giáo dục Phần lan được thiết kế tương đối đơn giản, thuận tiện cho việc lựa chọn và thay đổi nguyện vọng của người học. Khả năng chuyển đổi con đường học tập được đảm bảo theo triết lý học tập suốt đời. Hệ thống giáo dục của Phần Lan hiện nay bao gồm:  Các chương trình cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi (cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi) và chương trình cho trẻ độ tuổi mầm non (hoặc mẫu giáo cho trẻ đến sáu tuổi);  Chương trình giáo dục cơ bản toàn diện bắt buộc kéo dài chín năm (bắt đầu từ lúc bảy tuổi và kết thúc ở tuổi mười lăm);  Giáo dục đại học và dạy nghề sau phổ thông bắt buộc; giáo dục đại học (đại học và đại học khoa học ứng dụng); và giáo dục cho người lớn (suốt đời, liên tục). Sau thời gian giáo dục cơ bản chín năm tại một trường học phổ thông hỗn hợp, học sinh ở độ tuổi 16 có thể chọn tiếp tục học tại trường đại học (lukio) hoặc theo học một trường dạy nghề (ammattikoulu), cả hai thường mất ba năm theo học. Giáo dục ở Phần Lan là một hệ thống giáo dục không thu học phí và trợ cấp bữa ăn đầy đủ phục vụ cho học sinh, sinh viên toàn thời gian. Phần Lan tạo điều kiện cho tất cả các học sinh không phân biệt xuất thân từ đâu, tất cả hệ thống giáo dục từ nhà trẻ đến đại học đều miễn phí cả sách giáo khoa, sách tham khảo, tiền xe bus... Ngân sách chi cho giáo dục do Nhà nước và Tòa Thị chính của các thành phố đảm nhiệm. Giáo dục Phần Lan vận hành theo một triết lý giáo dục độc đáo, thể hiện ở quan điểm coi học sinh và giáo viên là hai chủ thể quan trọng nhất của nhà trường do đó phải được quan tâm và tôn trọng hết mức.  Sự ưu ái học sinh thể hiện ở chỗ ngành giáo dục phải làm cho nhà trường trở thành thiên đường của trẻ em. Do vậy ở Phần Lan lũ trẻ không phải chịu bất cứ một sức ép nào trong học tập như những vấn đề cạnh tranh, xếp hạng giỏi kém trong học tập và các kỳ sát hạch thi cử. Luật pháp Phần Lan quy định không được dùng cách xếp hạng hoặc cho điểm để đánh giá các học sinh trước lớp 6. Nhiệm vụ của giáo viên là làm cho học sinh hào hứng học tập, say mê hiểu biết, quan tâm tập thể và xã hội. Học sinh Phần Lan chỉ có một kỳ thi duy nhất sau 12 năm học là kỳ thi đại học, cạnh tranh cũng rất quyết liệt nhưng khi ấy học sinh đã trưởng thành. Người ta cố gắng không để học sinh cạnh tranh với nhau quá sớm.  Chủ thể quan trọng thứ hai của giáo dục là giáo viên cũng phải được sống trong môi trường ít sức ép nhất. Thầy cô giáo phải được xã hội tôn trọng hết mức. Do vậy, đối với giáo viên, nhà trường áp dụng nguyên tắc không so sánh, không xếp thứ hạng hoặc cho điểm các giáo viên, không tổ chức thi tay nghề giảng dạy, cũng không làm bản nhận xét đánh giá giáo viên. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục Phần Lan nêu yêu cầu cực cao đối với chất lượng giáo viên, chỉ tuyển những người có tinh thần hết lòng phụng sự nhân dân và đạo đức nghề nghiệp cao thượng và hơn nữa còn tạo điều kiện tốt nhất để tiếp tục đào tạo họ. Ngành giáo dục thiết lập một hệ thống dựa trên tinh thần trách nhiệm, cho phép giáo viên được quyền tự do nhất định trong việc giảng dạy. Học 397
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Sinh cũng được quyền tự chọn phương thức học tập của mình. Giáo viên lên lớp bình quân 3 tiết mỗi ngày (so với 7 tiết ở Mỹ), do đó có nhiều thời gian để sáng tạo bài giảng truyền được cảm hứng cho học sinh. 2.2. Vị trí của nghề giáo viên trong xã hội Phần Lan Giáo dục luôn là một phần không thể thiếu của văn hóa và xã hội Phần Lan, và các giáo viên ở đây nhận được sự tôn trọng và tin tưởng vô cùng lớn. Phần Lan coi việc giảng dạy là một nghề nghiệp cao quý và có thanh thế - giống như y tế, luật hoặc kinh tế, và được thực hiện bởi mục đích đạo đức chứ không phải lợi ích vật chất. Đội ngũ giáo viên đóng vai trò chính giúp Phần Lan dẫn đầu quốc tế hiện nay về tỷ lệ biết chữ và các lĩnh vực khoa học, toán học. Cho đến những năm 1960, trình độ giáo dục của Phần Lan vẫn ở mức khá thấp. Chỉ có 1 trong số 10 người Phần Lan trưởng thành hoàn thành hơn 9 năm giáo dục cơ bản; việc đạt được trình độ đại học không phổ biển. Lúc đó, trình độ học vấn của quốc gia được so sánh với Malaysia hay Peru, và tụt lại phía sau so với các nước láng giềng Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển). Ngày nay, Phần Lan đã công nhận giá trị của đội ngũ giáo viên và tin tưởng những đánh giá chuyên môn của họ trong nhà trường. Nếu không có đội ngũ giáo viên xuất sắc chắc chắn rằng Phần Lan không thể có được những thành tựu quốc tế như hiện nay. Trong giới trẻ Phần Lan, giảng dạy đã trở thành nghề được ngưỡng mộ nhất trong cuộc thăm dò ý kiến thường xuyên của sinh viên tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc trở thành một giáo viên tiểu học ở Phần Lan là một quá trình rất cạnh tranh, và chỉ những người tốt nhất và sáng giá nhất của Phẩn Lan mới có thể hoàn thành những ước mơ nghề nghiệp đó. Mỗi năm, hàng ngàn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông nộp đơn tại phòng đào tạo giáo viên ở 8 trường đại học Phần Lan. Thông thường việc hoàn thành bậc trung học phổ thông và vượt qua một kỳ thi tuyển đại học nghiêm ngặt vẫn chưa đủ, các ứng viên được chọn phải là những người có số điểm cao nhất và kỹ năng giao tiếp tốt. Hàng năm chỉ có khoảng 1 trong số 10 ứng viên được nhận vào học để trở thành một giáo viên tiểu học ở Phần Lan. Có hai giai đoạn trong quá trình lựa chọn đào tạo giáo viên tiểu học. Thứ nhất, một nhóm các ứng viên được lựa chọn dựa trên kết quả trúng tuyển kỳ thi đại học, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, và các hồ sơ liên quan đến thành tích bên ngoài nhà trường. Trong giai đoạn thứ hai:  Ứng viên hoàn thành một bài thi viết về những cuốn sách sư phạm được chỉ định.  Các ứng viên tham gia một hoạt động lâm sàng được quan sát trong các tình huống học đường, nơi mà sự tương tác và kỹ năng giao tiếp xã hội được đưa vào.  Các ứng viên lọt vào tốp đầu được phỏng vấn và giải thích lý do họ quyết định trở thành giáo viên. Những ứng viên có năng lực này sẽ hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên nghiêm khắc với chi phí của chính phủ. 398
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 Cho đến giữa những năm 1970, các giáo viên tiểu học được đào tạo tại các trường cao đẳng sư phạm còn các giáo viên trung học và phổ thông được học tại các khoa bộ môn ở các trường đại học Phần Lan. Vào cuối những năm 1970, tất cả các chương trình đào tạo giáo viên đều chuyển đổi thành quy mô đại học. Đồng thời, nội dung khoa học và phương pháp nghiên cứu giáo dục bắt đầu được đưa vào để làm phong phú thêm chương trình đào tạo giáo viên. Ngày nay, đào tạo giáo viên dựa trên nghiên cứu tức là nó phải được hỗ trợ bởi những kiến thức khoa học và tập trung vào quá trình tư duy và kỹ năng nhận thức được sử dụng trong nghiên cứu. Yêu cầu đầu vào hiện nay cho công việc giáo viên ở các trường học phổ thông Phần Lan là tấm bằng thạc sỹ. Các giáo viên mầm non và mẫu giáo cũng phải có bằng cử nhân. Tiền lương không phải là lý do chính khiến cho những bạn trẻ mong muốn trở thành giáo viên ở Phần Lan. Mức lương giáo viên ở Phần Lan rất gần với mức lương trung bình của quốc gia. Điều quan trọng hơn cả tiền lương chính là những yếu tố như thanh thế xã hội cao, sự tự chủ chuyên môn trong nhà trường, và các đặc tính của việc giảng dạy như một dịch vụ cho xã hội và hàng hóa công cộng. Vì vậy, những người trẻ Phần Lan xem việc dạy học như một nghề nghiệp ngang tầm với các ngành nghề khác nơi mà mọi người làm việc một cách độc lập và dựa trên các kỹ năng và kiến thức khoa học họ có được trong trường đại học. 2.3. Đào tạo giáo viên ở Phần Lan Chỉ số quốc tế cho thấy Phần Lan là một trong những xã hội tri thức tiên tiến nhất. Các trường học đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi Phần Lan từ một quốc gia công nghiệp - nông nghiệp truyền thống sang một nền kinh tế tri thức đổi mới hiện đại. Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự cải thiện đáng kể trong cách thức đào tạo đội ngũ giáo viên ở Phần Lan. Các tiêu chuẩn chung cho đào tạo giáo viên ở Phần Lan khá cao Ở Phần Lan, tất cả các giáo viên phải có trình độ thạc sỹ. Các giáo viên tiểu học tập trung vào việc giảng dạy, trong khi các giáo viên ở cấp cao hơn tập trung vào những nghiên cứu của họ ở một môn học cụ thể như toán học cũng như là phương pháp sư phạm, bao gồm các kiến thức nội dung sư phạm cụ thể cho từng môn học. Đào tạo giáo viên hướng đến mục tiêu phát triển cân đối năng lực cá nhân và chuyên môn của giáo viên. Đặc biệt tập trung vào việc xây dựng kỹ năng tư duy sư phạm cho phép các giáo viên quản lý quá trình giảng dạy phù hợp với kiến thức giáo dục hiện đại và thực tiễn. Các ứng viên tham gia đào tạo giáo viên tiểu học sẽ được đào tạo ở 3 lĩnh vực chính: (1) Lý thuyết về giáo dục, (2) Kiến thức sư phạm, và (3) Phương pháp giảng dạy môn học và thực hành. Mỗi sinh viên phải hoàn thành một luận văn thạc sỹ. Các giáo viên tiểu học tương lai thường hoàn thành luận văn của họ trong lĩnh vực giáo dục. Các giáo viên trung học chọn một chủ đề trong chuyên môn của mình [11]. 399
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Hiện nay, các trường đại học Phần Lan cung cấp một chương trình học hai cấp. Chương trình bằng cử nhân 3 năm bắt buộc được theo sau bởi chương trình bằng thạc sỹ hai năm. Hai bằng cấp này được cung cấp trong các chương trình đa ngành bao gồm các nghiên cứu đối với ít nhất hai vấn đề. Các nghiên cứu được định lượng theo các đơn vị tín chỉ trong hệ thống tích lũy và chuyển đổi tín chỉ châu Âu (ETCS) được sử dụng ở 46 quốc gia châu Âu. ETCS được dựa trên giả định rằng 60 tín chỉ đo lường khối lượng công việc của một sinh viên toàn thời gian trong một năm học, và mỗi tín chỉ ECTS đại diện cho khoảng 25-30 giờ học. Việc đào tạo giáo viên đòi hỏi 180 tín chỉ ECTS cho bằng cử nhân sau đó là 120 tín chỉ ECTS cho bằng thạc sỹ. Để hoàn thành xuất sắc bằng thạc sỹ sư phạm (bao gồm cả bằng cử nhân) thông thường phải mất từ 5 đến 7 năm rưỡi [5]. Sự chuẩn bị tốt về nội dung và phương pháp sư phạm Ở Phần Lan, chương trình học đảm bảo cân bằng giữa kiến thức và kỹ năng về cả lý thuyết và thực hành cho giáo viên. Nó cũng giúp giáo viên tương lai có cái nhìn chuyên môn sâu sắc về giáo dục từ một vài góc độ, bao gồm tâm lý và xã hội học giáo dục, lý thuyết chương trình giảng dạy, đánh giá, giáo dục theo nhu cầu đặc biệt, và kiến thức sư phạm trong lĩnh vực chuyên môn đã lựa chọn. Tất cả tám trường đại học Phần Lan đều có chiến lược và chương trình đào tạo giáo viên của riêng họ và được hợp tác trên toàn quốc để đảm bảo sự gắn kết, nhưng được điều chỉnh theo địa phương để đảm bảo sử dụng tốt nhất nguồn lực của trường đại học và các nguồn lực khác. Như một quy luật chung, đào tạo giáo viên tiểu học bao gồm 60 tín chỉ ECTS về các nghiên cứu sư phạm và ít nhất là hơn 60 tín chỉ ECTS cho các khóa học khác trong các ngành khoa học giáo dục. Luận văn thạc sĩ đòi hỏi nghiên cứu độc lập, việc tham gia vào các hội thảo nghiên cứu, và cuối cùng là trình bày một nghiên cứu giáo dục. Tỷ trọng tín chỉ dành cho công việc nghiên cứu này ở tất cả các trường đại học thông thường là 40 tín chỉ ECTS. Chương trình giảng dạy đào tạo giáo viên đổi mới ở Phần Lan kỳ vọng rằng các ứng viên giáo viên tiểu học có thể hoàn thành một phần lớn tín chỉ trong khoa học giáo dục và tổng cộng 60 tín chỉ ECTS cho các nghiên cứu bộ môn nhỏ bao gồm trong khung chương trình giảng dạy quốc gia cho nhà trường cơ bản [7]. Đào tạo giáo viên bộ môn cũng theo các nguyên tắc giống như đào tạo giáo viên tiểu học nhưng nó được sắp xếp khác nhau. Một giáo viên bộ môn tương lai tập trung vào lĩnh vực mà anh ấy hoặc cô ấy sẽ giảng dạy (ví dụ như toán học hay âm nhạc). Đối với bộ môn chính này sẽ đòi hỏi 90 tín chỉ ECTS cho việc nghiên cứu nâng cao. Ngoài ra, môn học thứ hai sẽ yêu cầu đủ 60 tín chỉ ECTS. Có hai cách chính để trở thành một giáo viên bộ môn. Trước tiên, hầu hết sinh viên sẽ hoàn thành bằng thạc sĩ với một bộ môn chính và một hoặc hai bộ môn phụ. Sau đó, các sinh viên ứng tuyển tại sở đào tạo giáo viên với bộ môn tập trung của họ. Một năm học (60 tín chỉ ECTS) sẽ được dành cho các nghiên cứu sư phạm, tập trung vào các chiến lược giảng dạy môn học theo định hướng [7]. Một cách khác để trở thành một giáo viên bộ môn là ứng tuyển trực tiếp vào chương trình đào tạo giáo viên để học một 400
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 bộ môn. Thông thường, sau năm học thứ hai của các nghiên cứu bộ môn, sinh viên bắt đầu các nghiên cứu sư phạm trong ngành giáo dục. Những bài giảng trong ngành đào tạo giáo viên Phần Lan được bố trí để phản ánh các nguyên tắc sư phạm được chuẩn bị cho các giáo viên để thực hành trong lớp học của mình. Mặc dù mỗi giảng viên đại học có đầy đủ quyền tự chủ sư phạm, nhưng mỗi sở đào tạo giáo viên ở Phần Lan vẫn phải có một bài giảng chi tiết và thường ràng buộc với chiến lược nhằm nâng cao chất lượng chương trình giáo dục của nó. Phương pháp sư phạm tập trung vào bộ môn và những lĩnh vực nghiên cứu của nó, ví dụ, giáo dục khoa học giáo dục đã được nâng cao trong các trường đại học của Phần Lan. Chiến lược học tập hợp tác và dựa trên vấn đề, thực hành phản xạ và giáo dục có hỗ trợ của máy tính đã phổ biến ở tất cả các trường đại học của Phần Lan. Tích hợp lý thuyết, nghiên cứu và thực hành Cam kết của Phần Lan đối với việc đào tạo giáo viên dựa trên nghiên cứu có nghĩa rằng những lý thuyết giáo dục, phương pháp nghiên cứu và thực hành đều đóng vai trò quan trọng trong chương trình giảng dạy. Chương trình đào tạo giáo viên được thiết kế một cách có hệ thống từ các cơ sở tư duy giáo dục đến các phương pháp nghiên cứu giáo dục và sau đó đến các lĩnh vực cao hơn của các ngành khoa học giáo dục. Mỗi sinh viên từ đó xây dựng sự hiểu biết về tính hệ thống, tính chất liên ngành của thực hành giáo dục. Sinh viên Phần Lan cũng được tìm hiểu các kỹ năng để thiết kế, thực hiện và trình bày nghiên cứu ban đầu về các khía cạnh thực hành hay lý thuyết của giáo dục. Một yếu tố quan trọng của đào tạo giáo viên dựa trên nghiên cứu của Phần Lan là việc đào tạo thực hành trong các trường học, đây là một thành phần quan trọng của chương trình giảng dạy, tích hợp với nghiên cứu và lý thuyết. Thực hành giảng dạy được tích hợp vào cả nghiên cứu lý thuyết và phương pháp luận. Qua chương trình năm năm, các ứng cử viên nâng cao từ thực hành cơ bản đến thực hành nâng cao và sau đó đến thực hành chính thức. Trong mỗi giai đoạn, sinh viên quan sát bài học của các giáo viên giàu kinh nghiệm, thực hành giảng dạy dưới sự quan sát của các giáo viên giám sát, và cung cấp những bài học độc lập với các nhóm học sinh khác nhau dưới sự đánh giá của các giáo viên giám sát và các giáo sư, giảng viên Sở đào tạo giáo viên [3]. Có hai bài thực tập chính trong các chương trình đào tạo giáo viên ở Phần Lan. Thứ nhất là một phần đào tạo lâm sàng phụ được diễn ra trong các cuộc hội thảo và các lớp nhóm nhỏ tại Sở Giáo dục, nơi sinh viên thực hành các kỹ năng giảng dạy cơ bản trước mặt đồng nghiệp của họ. Thứ hai là bài thực hành giảng dạy chính diễn ra chủ yếu ở các trường đào tạo giáo viên đặc biệt được quản lý bởi các trường đại học, trong đó có chương trình giảng dạy và thực hành tương tự các trường công lập. Một vài sinh viên cũng thực hành trong một mạng lưới các trường đặc thù được lựa chọn. Các sinh viên được đào tạo giáo viên tiểu học dành khoảng 15% thời gian học tập dự định của họ (khoảng 40 tín chỉ ECTS) để thực hành giảng dạy trong các trường học. Trong việc đào 401
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 tạo giáo viên bộ môn, thực hành giảng dạy chiếm khoảng một phần ba của chương trình giảng dạy [3]. 2.4. Học tập và phát triển chuyên môn Giáo viên Phần Lan sở hữu bằng thạc sĩ có quyền tham gia học sau đại học để phát triển chuyên môn của họ. Nhiều giáo viên tận dụng các cơ hội để theo đuổi nghiên cứu tiến sĩ trong giáo dục, thường là đồng thời trong khi dạy học. Đối với nghiên cứu tiến sĩ trong giáo dục, sinh viên phải hoàn thành các nghiên cứu nâng cao trong các ngành khoa học giáo dục. Điều này có nghĩa là các giáo viên bộ môn có nhiều thay đổi về trọng tâm chuyên môn của họ từ trọng tâm vào học thuật ban đầu, ví dụ, hóa học sang giáo dục, do đó, họ không chỉ hiểu được bộ môn chuyên môn của họ, mà còn hiểu cách để có thể giảng dạy tốt hơn. Ở Phần Lan, giáo dục tại chức cũng được quan tâm và có những thay đổi đáng kể. Các chính quyền thành phố, là người giám sát của các trường tiểu học, trung học và phổ thông, có trách nhiệm cung cấp các cơ hội học tập cho giáo viên dựa trên nhu cầu của họ. Trong khi một số thành phố của Phần Lan tổ chức chương trình tại chức thống nhất cho tất cả các giáo viên, thì ở những thành phố khác, nó phụ thuộc vào cá nhân các giáo viên hoặc quyết định của hiệu trưởng các trường về số lượng và những loại hình phát triển chuyên môn cần thiết và các can thiệp như vậy sẽ được tài trợ. Mặc dù trường học được tài trợ một cách công bằng, chính phủ trung ương vẫn có những ảnh hưởng nhất định đến các quyết định ngân sách được thực hiện bởi các thành phố hay trường học. Do đó, một số trường học được phân bổ cho việc phát triển chuyên môn và cải tiến trường học nhiều hơn những trường khác. Nhiệm vụ hàng năm của các giáo viên là dành ra ba ngày cho việc lập kế hoạch và phát triển chuyên môn. Theo một cuộc khảo sát quốc gia Phần Lan, các giáo viên dành khoảng bảy ngày làm việc trung bình mỗi năm để phát triển chuyên môn, khoảng một nửa đã được rút ra từ thời gian cá nhân của giáo viên. Khoảng hai phần ba giáo viên tiểu học và trung học tham gia vào phát triển chuyên môn hàng năm. Để khuyến khích các giáo viên tham gia phát triển chuyên môn, chính phủ Phần Lan đang có kế hoạch tăng ngân sách phát triển chuyên môn và tìm phương án để yêu cầu tất cả các giáo viên phải tham gia vào việc đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành được tài trợ bởi chính quyền. Ngân sách nhà nước hàng năm phân bổ khoảng 30 triệu USD để phát triển chuyên môn của giáo viên và hiệu trưởng các trường thông qua các hình thức giáo dục trước đại học và giáo dục thường xuyên hay khóa học nâng cao bồi dưỡng nghiệp vụ khác nhau [6]. Chính phủ xác định trọng tâm của công tác đào tạo phải dựa trên nhu cầu phát triển giáo dục quốc gia hiện nay, và việc đào tạo được ký hợp đồng để cung cấp dịch vụ trên cơ sở cạnh tranh. 2.5. Công cụ của giáo viên: Giáo trình và công tác đánh giá Trong quá trình cải cách giáo dục của Phần Lan, giáo viên đã yêu cầu nhiều quyền tự chủ và trách nhiệm để đánh giá chương trình giảng dạy và học sinh. Các thẩm quyển 402
  8. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 và quyền tự chủ chuyên môn mà các giáo viên có được ở Phần Lan là một yếu tố quan trọng trong việc giải thích tại sao rất nhiều người trẻ tuổi Phần Lan xem việc giảng dạy là một công việc tương lai được ngưỡng mộ nhất của họ. Trong khi các khung chương trình giảng dạy quốc gia cho trường cơ bản và các tài liệu tương tự đối với giáo dục trung học phổ thông cung cấp hướng dẫn cho các giáo viên, thì việc lập kế hoạch chương trình giảng dạy là trách nhiệm của nhà trường và chính quyền. Các chương trình giảng dạy cấp trường được phê duyệt bởi cơ quan giáo dục địa phương còn các giáo viên và hiệu trưởng các trường đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết kế chương trình giảng dạy. Quá trình đào tạo giáo viên đã cung cấp cho họ các kiến thức về chương trình giảng dạy tiên tiến và các kỹ năng lập kế hoạch phát triển. Cùng với thiết kế chương trình giảng dạy, các giáo viên đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá học sinh. Trường học Phần Lan không sử dụng bài kiểm tra tiêu chuẩn để xác định thành tích của học sinh. Có ba lý do chính cho điều này. Thứ nhất, trong khi việc đánh giá được căn cứ trên các chương trình giảng dạy quốc gia, thì chính sách giáo dục ở Phần Lan ưu tiên cho giáo dục cá nhân và sáng tạo. Do đó sự tiến bộ của từng học sinh trong trường được đánh giá dựa vào tiến độ và khả năng cá nhân của chúng hơn là dựa trên các chỉ số thống kê. Thứ hai, các nhà phát triển giáo dục nhấn mạnh rằng chương trình giảng dạy, giảng dạy và học tập nên trở thành quá trình thực hành của giáo viên trong trường học hơn là việc làm bài kiểm tra. Đánh giá học sinh trong các trường học của Phần Lan được đưa vào trong quá trình giảng dạy và học tập và được sử dụng để cải thiện hoạt động của cả giáo viên và học sinh trong suốt năm học. Thứ ba, việc xác định thành tích học tập của học sinh ở Phần Lan được xem như là một trách nhiệm của nhà trường, chứ không phải là người đánh giá bên ngoài. Trường học Phần Lan chấp nhận rằng có thể có một số hạn chế về khả năng so sánh khi giáo viên làm tất cả việc chấm điểm của học sinh. Đồng thời, Phần Lan tin rằng các vấn đề liên quan đến kiểm định tiêu chuẩn bên ngoài - việc thu hẹp các chương trình giảng dạy, giảng dạy để kiểm tra, và cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường học - có thể khó giải quyết hơn. Kể từ khi giáo viên Phần Lan phải thiết kế và tiến hành các đánh giá dựa trên chương trình giảng dạy thích hợp với sự tiến bộ học sinh, thì việc đánh giá lớp học và đánh giá dựa trên trường học là những bộ phận quan trọng của giáo dục và phát triển chuyên môn. Mặc dù công việc của giáo viên Phần Lan chủ yếu là giảng dạy ở lớp học, nhưng nhiều nhiệm vụ của họ vẫn nằm bên ngoài lớp học. Về hình thức, thời gian làm việc của giáo viên ở Phần Lan bao gồm giảng dạy lớp học, chuẩn bị cho lớp học, và hai giờ một tuần lập kế hoạch học tập với các đồng nghiệp [9]. Từ một quan điểm quốc tế, giáo viên Phần Lan dành ít thời gian để giảng dạy hơn là giáo viên ở nhiều quốc gia khác [9]. Ví dụ, một giáo viên trung học điển hình ở Phần Lan dạy chỉ ít hơn 600 giờ mỗi năm, tương ứng với khoảng bốn giờ học 45 phút một ngày [8]. Trong khi đó tại Hoa Kỳ, một giáo viên cùng cấp dành 1.080 giờ để giảng dạy hơn 180 ngày học [8]. Điều này có 403
  9. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 nghĩa rằng một giáo viên trường trung học tại Hoa Kỳ, trung bình dành khoảng gấp đôi thời gian để giảng dạy lớp học so với đồng nghiệp của mình tại Phần Lan. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giáo viên ở Phần Lan làm việc ít hơn là ở những nơi khác. Một phần quan trọng trong công việc giáo viên Phần Lan được dành cho việc cải thiện thực hành lớp học, cải thiện trường học và làm việc với cộng đồng. Bởi vì giáo viên Phần Lan đảm nhận trách nhiệm quan trọng cho chương trình giảng dạy và đánh giá, cũng như thử nghiệm và cải tiến phương pháp giảng dạy, nên một số khía cạnh quan trọng nhất trong công việc của họ được thực hiện bên ngoài lớp học. 3. KẾT LUẬN Hầu hết các nghiên cứu về kết quả giáo dục xuất sắc của Phần Lan đều nhận ra rằng đội ngũ giáo viên xuất sắc đóng vai trò rất quan trọng. Những chính sách, hoạt động tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên của Phần Lan có thể chỉ ra như sau:  Sự phát triển của các chương trình đào tạo giáo viên nghiêm ngặt, dựa trên nghiên cứu để chuẩn bị cho giáo viên về nội dung, phương pháp sư phạm, và lý thuyết giáo dục, cũng như khả năng làm nghiên cứu riêng của họ;  Hỗ trợ tài chính đáng kể cho việc đào tạo giáo viên, phát triển chuyên môn, chế độ tiền lương hợp lý và công bằng, điều kiện làm việc được hỗ trợ;  Tạo ra một nghề được tôn trọng trong đó giáo viên có thẩm quyền và quyền tự chủ đáng kể, bao gồm cả trách nhiệm cho việc thiết kế chương trình giảng dạy và đánh giá học sinh và việc tự nâng cao thực hành. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Aho, E., Pitkänen, K. & Sahlberg, P. (2006). Policy development and reform principles of basic and secondary education in Finland since 1968, Washington, DC: World Bank. [2] Hannele NIEMI (2015), Teacher Professional Development in Finland: Towards a More Holistic Approach, University of Helsinki, Institute of Behavioral Sciences (Finland). [3] 3. Jakku-Sihvonen, R. & Niemi, H. (Eds.) (2006), Research-based teacher education in Finland: Reflections by Finnish teacher educators, Research Report 25. Turku: Finnish Educational Research Association. [4] Kumpulainen, T. (Ed.) (2008), Opettajat Suomessa 2008 [Teachers in Finland 2008], Helsinki: Opetushallitus. [5] Ministry of Education (2007). Opettajankoulutus 2020 [Teacher education 2020]. Committee Report 2007:44. Helsinki: Ministry of Education. [6] Ministry of Education (2009). Ensuring professional competence and improving opportunities for continuing education in education. Committee Report 2009:16. Helsinki: Ministry of Education. [7] OAJ (2008), Teacher education in Finland. Helsinki: The trade union of education in Finland. [8] OECD (2008). Education at a glance. Education indicators. Paris: OECD. 404
  10. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 [9] Sirkku Kupiainen, Jarkko Hautamaki, Tommi Karjalainen (2009), The Finish education system and Pisa, Ministry of Education Publications, Finland 2009:46. [10] Tuula Asunta (2007), Developments in Teacher Education in Finland. In-service Education and Training, Department of Teacher Education, University of Jyväskylä, Finland. [11] Westbury, I., Hansen, S-E., Kansanen, P. & Björkvist, O.(2005). Teacher education for research-based practice in expanded roles: Finland’s experience. Scandinavian Journal of Educational Research, 49(5), 475-485. Title: TEACHING STAFF–THE CRUCIAL FACTOR IN DRASTIC CHANGE OF FINLAND’S EDUCATION SYSTEM Abstract: Finland’s education system is one of the most advanced educational systems and always take the lead in OECD countries in educational achievements. In examining the strong educational resources of Finland, we can see one key element that has impacted Finland’s success above all others - that’s the excellent teaching staff. This article focuses on analyzing the policies of Finland to make the impact of the teaching staff: constructing the teachers’s prestigious position in Finnish society; building the standards, programs to select input and to train teachers; constructing the tools, authority and responsibilities that teachers are assigned in teaching activities. Keywords: training, teacher, education, Finland. ThS. HOÀNG LÊ MAI PHƯƠNG Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam ĐT: 0916.859.290, Email: hoanglemaiphuong@gmail.com 405
nguon tai.lieu . vn