Xem mẫu

  1. ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC ĐÀO TẠO LIÊN KẾT GIỮA CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP VÀ DOANH NGHIỆP Nguyễn Trọng Khanh* TÓM TẮT: Liên kết đào tạo giữa hai hay nhiều đơn vị khác nhau đã được nghiên cứu và triển khai từ lâu nhưng phương thức liên kết thường vẫn chỉ dừng ở mức liên kết nhằm hỗ trợ nhau, nhằm quảng bá thương hiệu hoặc nhằm cùng thụ hưởng kinh phí đào tạo. Vì thế, chất lượng và hiệu quả đào tạo liên kết không cao. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thì cần đổi mới về chất sự liên kết này. Việc liên kết đào tạo giữa nhà trường nâng cao chất lượng cần phát triển thêm nhiều phương diện khác như: cùng xây dựng chương trình đào tạo, cùng tổ chức nghiên cứu khoa học, cùng chịu trách nhiệm thực hiện chương trình đào tạo và cùng chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Từ khóa: liên kết đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, đổi mới, phương thức đào tạo I. ĐẶT VẤN ĐỀ Liên kết đào tạo giữa hai hay nhiều đơn vị khác nhau đã được nghiên cứu và triển khai từ lâu nhưng phương thức liên kết thường vẫn chỉ dừng ở mức liên kết nhằm hỗ trợ nhau, nhằm quảng bá thương hiệu hoặc nhằm cùng thụ hưởng kinh phí đào tạo. Vì thế, chất lượng và hiệu quả đào tạo liên kết không cao. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thì cần đổi mới về chất sự liên kết này. Việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp cần phát triển thêm nhiều phương diện khác như: cùng xây dựng chương trình đào tạo, cùng tổ chức nghiên cứu khoa học, cùng chịu trách nhiệm thực hiện chương trình đào tạo và cùng chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. II. NỘI DUNG ĐÀO TẠO LIÊN KẾT 1. Khái niệm Trong các loại hình đào tạo ở nước ta hiện nay, công việc đào tạo do nhà trường chủ động, độc lập thực hiện hoặc nếu có sự liên kết với một cơ sở khác thì nhà trường vẫn là cơ sở chủ động thực hiện và hoàn toàn chịu trách nhiệm về quá * Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 310
  2. trình đào tạo và chất lượng đào tạo. Sự liên kết trong đào tạo thường chỉ dừng ở mức hợp tác từng mặt, phân công nhau chịu trách nhiệm về giảng dạy, cơ sở thực hành, thí nghiệm hoặc thực tập và phân chia nhau về tài chính mà chưa có sự ràng buộc trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Mô hình liên kết này cần được đổi mới. Sự liên kết đào tạo khi cả hai cơ sở liên kết cùng phối hợp xây dựng mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo; cùng chuẩn bị các nguồn lực và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện; cùng chịu trách nhiệm thực hiện đào tạo và về chất lượng đào tạo,… được coi là một mô hình đào tạo mới và có thể được gọi là mô hình hoặc phương thức “Đào tạo liên kết”. Trong mô hình đào tạo này, người học sẽ được học tập nghiên cứu ở tất cả các cơ sở tham gia liên kết. Như vậy có thể hiểu: Đào tạo liên kết là một mô hình đào tạo mà các bên tham gia cùng có trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện mục tiêu, chương trình, kế hoạch đào tạo; cùng có trách nhiệm trong việc chuẩn bị và cung cấp các nguồn lực tham gia đào tạo; cùng chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả đào tạo, cùng được hưởng quyền lợi từ sản phẩm đào tạo. 2. Đào tạo liên kết do nhà trường với doanh nghiệp thực hiện Hiện nay ở Việt Nam, mô hình đào tạo liên kết do cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cùng thực hiện chưa phổ biến và còn khá lúng túng trong triển khai thực hiện. Bài viết này tập trung nghiên cứu về mô hình đào tạo này và sau đây khi đề cập tới “Đào tạo liên kết” chính là nói về sự liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp. Sự liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp sẽ khắc phục được mâu thuẫn giữa sự phát triển của khoa học công nghệ, sản xuất và dịch vụ ngày càng mạnh mẽ với sự chậm chạp đáp ứng và khó khăn của các cơ sở đào tạo. Do đặc điểm của nhà trường là nội dung và chương trình đào tạo thường đi sau sự phát triển của thực tiễn, nhất là các nội dung về khoa học và công nghệ. Thông thường, khi trong xã hội đã xuất hiện công nghệ, thiết bị, quy trình mới thì nhà trường mới biên soạn nội dung để đưa vào giảng dạy, và do kinh phí hạn hẹp nên sau đó mới đến khâu trang bị thiết bị đào tạo. Thực tiễn hiện nay cho thấy hầu như không có nhà trường nào, dù được trang bị hiện đại đến đâu cũng có đủ những thiết bị mà thực tế ở các doanh nghiệp đang sử dụng. Mặt khác, khi khoa học công nghệ phát triển từng ngày, từng giờ thì không phải tất cả các giảng viên, giáo viên của nhà trường đều kịp thời hoặc có điều kiện cập nhật để có đủ kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành tương ứng. Về phía các doanh nghiệp thì ngược lại, các cán bộ kỹ thuật, công nhân được tiếp xúc với máy móc thiết bị mới, phải giải quyết các quy trình công nghệ mới nên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nhưng lại thiếu kiến thức lý thuyết cần thiết nên 311
  3. thường gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề thực tiễn. Do vậy, đào tạo liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo cho nhà trường mà còn giúp cho cả nhà trường và doanh nghiệp khắc phục được hạn chế, khó khăn của mình. Đây là hình thức hợp tác hai bên cùng thực hiện mục tiêu đào tạo của nhà trường theo hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; trong sự hợp tác này hai bên khai thác triệt để thế mạnh của mình và cũng có điều kiện để khắc phục được những hạn chế của mình. Tuy nhiên, vị thế của mỗi cơ sở vẫn có sự khác nhau. Đào tạo liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp là mô hình đào tạo được thực hiện qua sự liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp ở tất cả các nội dung, các bước trong quy trình đào tạo, trong đó nhà trường đóng vai trò chủ đạo. Đào tạo liên kết là sự tham gia phối hợp toàn diện trong quá trình đào tạo của các bên tham gia và cùng phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo và cùng được hưởng quyền lợi từ sản phẩm đào tạo. 3. Đặc điểm đào tạo liên kết Đào tạo liên kết do nhà trường và doanh nghiệp thực hiện có một số đặc điểm sau: - Hai bên đều có trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo. Mục đích chủ yếu của sự liên kết là chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội, còn mục đích kinh tế được đặt ở hàng thứ yếu. - Mục tiêu, chương trình đào tạo của nhà trường không hoàn toàn do nhà trường tự xác định mà cần phải tham khảo ý kiến của doanh nghiệp. Khi xây dựng mục tiêu, chương trình, nội dung và kế hoạch đào tạo, nhà trường không chỉ căn cứ vào nhiệm vụ được giao, năng lực đào tạo có sẵn mà còn căn cứ vào nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai. - Lực lượng tổ chức, tham gia giảng dạy, hướng dẫn chuyên môn bao gồm nhân lực của cả hai bên. Đội ngũ giáo viên lý thuyết, giáo viên thực hành, kỹ thuật viên không hoàn toàn là cán bộ của nhà trường mà còn có cả cán bộ của doanh nghiệp tham gia. Để khắc phục hạn chế của cán bộ tham gia đào tạo mỗi bên, có thể tổ chức thảo luận, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ. - Kế hoạch đào tạo do hai bên phối hợp thực hiện, doanh nghiệp đóng vai trò như một đơn vị thành viên tham gia đào tạo. Mỗi bên, nhất là bên doanh nghiệp cần có kế hoạch thực hiện kế hoạch đào tạo đã ký kết để đảm bảo việc thực hiện chương trình đào tạo có chất lượng và đúng kế hoạch đã định. - Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo đầy đủ và hiện đại tiếp cận 312
  4. được với sự phát triển của khoa học và công nghệ. - Giải quyết được mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng là cơ sở để sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay và đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng. 4. Những điều kiện đảm bảo của đào tạo liên kết Để quá trình đào tạo, liên kết đạt được chất lượng và hiệu quả cao, các bên tham gia đào tạo liên kết phải đảm bảo được các điều kiện cơ bản sau: - Xác định được nhu cầu đào tạo về số lượng, ngành nghề và trình độ đào tạo của doanh nghiệp. - Đảm bảo yêu cầu về đội ngũ giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật tham gia đào tạo liên kết đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu đào tạo của khóa học. - Đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị để phục vụ dạy học, thực hành, thực tập, đảm bảo môi trường sư phạm trong quá trình đào tạo. 5. Những công việc chính trong đào tạo liên kết Trong quá trình thực hiện đào tạo liên kết, nhà trường và doanh nghiệp phải xây dựng một cơ chế hợp tác thể hiện được quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên. Hơn thế nữa nó phải được xây dựng không chỉ dựa trên lợi ích của nhà trường và doanh nghiệp mà còn phải dựa trên lợi ích của người học và xã hội. Đào tạo liên kết do nhà trường và doanh nghiệp cùng thực hiện bao gồm một số công việc chính sau đây: - Xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo. Khi thực hiện nội dung này cả hai bên cần nghiên cứu mục tiêu giáo dục và đào tạo của quốc gia, của ngành, của địa phương; nghiên cứu phương hướng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của quốc gia, của địa phương; khảo sát năng lực của nhà trường và của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, hai bên thống nhất mục tiêu, nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo. - Xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi trong đào tạo. Nội dung này khá quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới chất lượng của sự liên kết. Hai bên cần làm rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc thực hiện chương trình, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, cơ cấu đội ngũ giáo viên và cùng chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Từ đó có thể xác định được quyền lợi của mỗi bên. - Tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo. Căn cứ vào chương trình, kế hoạch đào tạo và trách nhiệm của mình, mỗi bên có kế hoạch chuẩn bị cả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo kế hoạch đào tạo chung. Hai bên cùng thành lập một ban điều hành để điều phối các hoạt động đào tạo, cùng bàn bạc, 313
  5. giải quyết các tình huống xảy ra. - Hợp tác trong nghiên cứu khoa học, tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, cán bộ công nhân viên của cả hai bên. Nhà trường xác định, lựa chọn các đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực; khai thác sự hỗ trợ về vật chất và kinh phí của doanh nghiệp; lập kế hoạch nâng cao năng lực nghiên cứu, kiến thức thực tiễn, kỹ năng thực hành cho cán bộ, giáo viên.vv… Doanh nghiệp đề xuất các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đề xuất các cải tiến quy trình kinh doanh, sản xuất, thiết kế, chế tạo sản phẩm mới; đề xuất nhà trường bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp v.v… 6. Quy trình xây dựng và thực hiện mô hình đào tạo liên kết Khó khăn lớn nhất và đầu tiên trong việc triển khai thực hiện phương thức đào tạo liên kết là hai bên tham gia liên kết trong đào tạo tiến hành xây dựng mô hình. Trong quá trình thực hiện cần có sự tôn trọng kế hoạch và sự phối hợp của mỗi bên, đồng thời cần thường xuyên giám sát, tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để có sự điều chỉnh kịp thời. Quy trình xây dựng và thực hiện mô hình đào tạo liên kết bao gồm 4 bước như trên sơ đồ ở Hình 1. Hình 1. Quy trình xây dựng và thực hiện phương thức đào tạo liên kết 314
  6. * Bước 1: Thành lập Ban điều hành và xác định nội dung hoạt động của Ban điều hành Công việc đầu tiên của quá trình thực hiện đào tạo liên kết là thành lập Ban điều hành. Trong quá trình thực hiện đào tạo liên kết, nhà trường đóng vai trò chủ động nên Ban điều hành do nhà trường chủ động thành lập. Ban điều hành bao gồm thành viên của cả hai bên, trong đó một thành viên trong lãnh đạo của nhà trường làm Trưởng ban, một thành viên trong lãnh đạo của doanh nghiệp làm Phó ban. Ban điều hành có nhiệm vụ như sau: - Xây dựng nội dung và kế hoạch công tác chuẩn bị liên kết. Nội dung công tác chuẩn bị bao gồm xác định các ngành đào tạo cần thực hiện đào tạo liên kết; khảo sát các doanh nghiệp có khả năng thực hiện đào tạo liên kết; xây dựng bản dự thảo nội dung liên kết. Các nội dung trên cần được Hội đồng Khoa học và Đào tạo của nhà trường thảo luận và thông qua. - Làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp về mục đích và nội dung liên kết, về thành lập Ban điều hành và khảo sát thực tế. Nội dung khảo sát chủ yếu nhằm kiểm tra đánh giá năng lực tham gia đào tạo của doanh nghiệp như: đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cơ sở vật chất, thiết bị, quy trình công nghệ,… phục vụ cho sinh viên tham quan, thực hành, thực tập. - Xây dựng bản dự thảo nội dung liên kết. Trên cơ sở mục tiêu của ngành đào tạo, năng lực của nhà trường và năng lực tham gia đào tạo của doanh nghiệp, Ban điều hành xây dựng bản dự thảo về nội dung liên kết, bao gồm: + Xây nội dung liên kết, bao gồm: xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình 315
  7. và kế hoạch đào tạo; phân công trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên; phân bổ quyền lợi của mỗi bên; thống nhất công việc phối hợp tổ chức thực hiện. + Xây dựng hợp đồng liên kết. Nội dung hợp đồng nêu rõ mục đích, nội dung, kế hoạch thực hiện, nhiệm vụ và quyền lợi của mỗi bên. + Nội dung điều hành các hoạt động đào tạo liên kết từ khâu tuyển sinh tới khâu kết thúc khóa đào tạo. * Bước 2: Xây dựng nội dung đào tạo liên kết Nội dung đào tạo liên kết bao gồm: - Xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo. Mục tiêu của đào tạo liên kết được xây dựng trên cơ sở mục tiêu đào tạo của nhà trường, có bổ sung điều chỉnh nội dung theo yêu cầu về năng lực, phẩm chất nguồn nhân lực của doanh nghiệp, của xã hội. Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở mục tiêu đào tạo, trong đó có tính đến năng lực đào tạo của doanh nghiệp (đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, quy trình công nghệ,…). - Xây dựng nguồn nhân lực thực hiện đào tạo. Đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình đào tạo liên kết gồm các giáo viên của nhà trường và đội ngũ cán bộ, kỹ sư có trình độ, có tay nghề của doanh nghiệp. Nhà trường và doanh nghiệp cần tổ chức các hội thảo, tập huấn để nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, giáo viên. Đội ngũ giảng viên giáo viên của trường thì được bồi dưỡng về kỹ thuật mới, về kỹ năng thực hành,… còn đội ngũ cán bộ ở doanh nghiệp sẽ được nhà trường bồi dưỡng về kiến thức lý thuyết và nghiệp vụ sư phạm v.v. - Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Với mô hình đào tạo liên kết, mỗi bên sẽ chuẩn bị theo năng lực sẵn có của mình. Nhà trường chuẩn bị phòng học lý thuyết, máy móc, thiết bị, giáo trình, tài liệu,… phục vụ chủ yếu cho học lý thuyết, thí nghiệm. Doanh nghiệp chuẩn bị cơ sở phục vụ dạy học thực hành, các hoạt động tham quan, thực tập v.v... - Xây dựng kế hoạch đào tạo. Kế hoạch đào tạo được lập trên cơ sở lôgic của chương trình đào tạo và nguồn nhân lực, vật lực của mỗi bên tham gia đào tạo. - Xác định quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên về kinh phí đào tạo. Việc phân bổ này không hoàn toàn vì lợi ích kinh tế trước mắt mà phải tính đến lợi ích lâu dài của nhà trường, doanh nghiệp và người học. Cần khai thác lợi thế của mỗi bên để có những định mức hợp lý. - Riêng nội dung liên kết về hợp tác trong nghiên cứu khoa học, tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, cán bộ công nhân viên của hai bên nếu chưa chuẩn bị được thì chỉ nêu khái quát. Trong quá trình liên kết sẽ bàn bạc thỏa thuận cụ thể sau. 316
  8. * Bước 3: Tổ chức thực hiện Căn cứ vào nội dung đào tạo liên kết đã xác định, các bên tham gia liên kết tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công. Tổ chức đào tạo liên kết bao gồm các nội dung cơ bản sau: - Tổ chức tuyển sinh: Công tác tuyển sinh hoàn toàn do nhà trường đảm nhiệm, thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đảm bảo chất lượng nguồn tuyển phù hợp trình độ đào tạo, trong đó có lưu ý đến yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài của doanh nghiệp. - Phân công giáo viên của nhà trường, cán bộ, kỹ sư của doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Tổ chức theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch đào tạo, nền nếp giảng dạy và học tập. - Quản lý sinh viên trong quá trình đào tạo theo các quy định hiện hành của nhà nước và các quy định riêng của nhà trường và doanh nghiệp. - Đánh giá kết quả học tập và rèn luyện, thi tốt nghiệp, bế giảng và cấp phát văn bằng tốt nghiệp… Việc đánh giá người học do nhà trường đảm nhiệm chính. Riêng đánh giá kết quả học tập tại doanh nghiệp do bên doanh nghiệp đảm nhận, có tham khảo tư vấn của nhà trường. * Bước 4: Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm Việc tổ chức triển khai thực hiện các bước công việc nêu trên phải được xem xét tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm. Kể cả việc cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư của doanh nghiệp, của đội ngũ giáo viên của nhà trường tham gia quá trình đào tạo. Những nội dung này phải được nhà trường và doanh nghiệp thống nhất đánh giá về ưu điểm, tồn tại, những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ của mỗi bên theo sự phân công trong hợp đồng liên kết đào tạo. Đây chính là cơ sở để nhà trường và doanh nghiệp rút kinh nghiệm cho sự hợp tác liên kết trong các khóa đào tạo tiếp theo. Trong quá trình thực hiện kế hoạch đào tạo, Ban điều hành cần thường xuyên kiểm tra, giám sát; kết thúc mỗi kỳ học, năm học và khoá học, Ban điều hành cần phải tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức triển khai các hoạt động liên kết đào tạo. Nội dung sơ kết, tổng kết bao gồm: - Mục tiêu, chương trình, kế hoạch đào tạo đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh và phát triển doanh nghiệp; - Chất lượng tuyển sinh; nguồn nhân lực đảm bảo cho quá trình đào tạo; hiệu quả và chất lượng của quá trình đào tạo; công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, thi tốt nghiệp và bế giảng khoá học đáp ứng yêu cầu quá trình liên kết trong đào tạo; 317
  9. - Cơ sở vật chất trang thiết bị, giáo trình, tài liệu, địa điểm học tập thực tập phục vụ đào tạo; - Công tác phối hợp quản lý sinh viên giữa nhà trường và doanh nghiệp; - Quyền lợi của các bên tham gia quá trình liên kết, trong đó có cả quyền lợi của người học. III. KẾT LUẬN Liên kết trong đào tạo không phải là vấn đề mới mẻ nhưng hiện tại ở nước ta thì sự liên kết vẫn còn mang tính hình thức, thiếu sự gắn kết, ràng buộc về trách nhiệm. Trong quá trình triển khai đào tạo, các cơ sở đào tạo nghề có liên kết với các doanh nghiệp nhưng sự liên kết này còn mang nặng tính “nhờ vả”, “xin cho” và các doanh nghiệp thường ít mặn mà với cơ sở đào tạo nghề. Đổi mới mô hình đào tạo liên kết vừa nâng cao chất lượng đào tạo vừa góp phần thực hiện cam kết đầu ra cho sinh viên khi doanh nghiệp vừa tham gia đào tạo vừa là nơi tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp. Ở cấp độ quản lý vĩ mô, nhà nước cần có cơ chế, chính sách để động viên, tạo điều kiện và gắn trách nhiệm cho các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho chính các doanh nghiệp. Các ý kiến trên đây cũng là một khuyến nghị với Nhà nước nói chung và các Bộ chủ quản nói riêng để có những cơ chế, chính sách thiết thực nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. 2018). Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH quy định về liên kết doanh nghiệp, nhà trường tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. 2. Chính phủ. (2015). Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2013). Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 4. Nguyễn Hồng Minh. (2017). Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, Tạp chí Khoa học dạy nghề số 40+41. 5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (2014). Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 (Luật số: 74/2014/QH13). 6. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (2018). Công văn số 589/TCGDNN-ĐTCQ, ngày 29/03/2018 về việc đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. 7. Vũ Xuân Hùng. (2016). Giáo dục nghề nghiệp trước thềm Cộng đồng ASEAN - Cơ hội và những thách thức, Tạp chí Khoa học Dạy nghề, số 28, 29 (số Tết 2015), tháng 1, 2/2016. 318
nguon tai.lieu . vn