Xem mẫu

  1. Phạm Thị Ngọc Ly Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum Tóm tắt: Để phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, robot, công nghệ nano, công nghệ sinh học… các cơ sở giáo dục nói chung cũng như các cơ sở đào tạo nghề nói riêng phải có những kế hoạch đổi mới, định hướng phát triển nhằm tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh mới của thế giới. Trên cơ sở đó, bài viết tìm hiểu tác động của CMCN 4.0 đối với lĩnh vực giáo dục đại học từ đó kiến nghị một số giải pháp đổi mới giáo dục đại học trong thời đại hiện nay. Từ khóa: CMCN 4.0, chuyển đổi số, giáo dục đại học, nguồn nhân lực. 1. Đặt vấn đề Nhịp độ phát triển của đất nước không chỉ lệ thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế, của khoa học kỹ thuật mà còn phụ thuộc vào nhịp độ phát triển của giáo dục, đào tạo. Giáo dục trong thời đại CMCN 4.0 cần phải được ưu tiên phát triển trong đó có giáo dục đại học. Mô hình giáo dục đại học 4.0 là mô hình giáo dục thông minh, liên kết nhà trường - nhà quản lý - doanh nghiệp với nhau, đưa tiến bộ công nghệ thông tin vào trường học để nâng cao hiệu quả đào tạo, giúp việc dạy và học diễn ra mọi lúc mọi nơi. Trường đại học theo chuẩn giáo dục 4.0 không chỉ là nơi đào tạo – nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, nâng cao năng suất lao động nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Thùy Trang;2018). Theo các chuyên gia trong ngành giáo dục, trong thời đại mới, người ta sẽ không còn quá quan trọng đến một tấm bằng một cách hình thức, đến nguồn gốc xuất thân hay những mối quan hệ, vấn đề là kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng... Trong cuộc CMCN 4.0, cơ hội dành cho tất cả mọi người là như nhau. Ai có năng lực thực sự, có trình độ chuyên môn tốt, có kỹ năng và có thể tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, người đó sẽ thành công. Đối với các trường đại học, CMCN 4.0 đòi hỏi phải đào tạo ra nguồn nhân lực có các kỹ năng mới và trình độ giáo dục cao hơn, nguồn nhân lực này phải có những kiến thức, kỹ năng và khả năng sáng tạo, có thể thích nghi nhanh với sự thay đổi của công nghệ, làm việc hiệu quả trong môi trường có tính kết nối cao, giữa các lĩnh vực, giữa thế giới ảo và 82
  2. thật. Vì vậy tìm hiểu tác động của CMCN 4.0 đối với lĩnh vực giáo dục đại học từ đó kiến nghị một số giải pháp đổi mới giáo dục đại học để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho CMCN 4.0 là cần thiết. 2. Tác động của CMCN 4.0 đối với lĩnh vực giáo dục đại học Một là, thay đổi nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực: một trong những yêu cầu để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới. Điều này đặt ra cho giáo dục và đào tạo sứ mệnh to lớn là chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Vấn đề mà nhiều quốc gia đều nhận thấy và đặt ra đó là chuyển từ một nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học sang một nền giáo dục giúp phát triển năng lực, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cho người học, đáp ứng những yêu cầu đặt ra cho công dân trong thời đại CMCN 4.0 (B. Abersek;2017) Hai là, thay đổi mô hình học tập và phương pháp dạy học: với dòng chảy của các mô hình học tập mới cùng sự phát triển của khoa học công nghệ, các phương pháp giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ chịu nhiều thách thức. Một trong những điểm nổi bật là sự phân hóa đến từng đối tượng người học. Mỗi người học có nhu cầu và khả năng học tập khác nhau. Các tiến bộ về công nghệ cho phép các trường đại học thiết kế lộ trình học tập riêng biệt phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Các phần mềm giáo dục đã được đưa vào sử dụng có khả năng thích nghi với năng lực của mỗi người học và cho phép người học theo học với tốc độ phù hợp với nhu cầu của bản thân. Tại nhiều nước, các phần mềm học tập thích ứng này đã nhanh chóng thay thế từng phần hoặc toàn bộ vai trò của sách giáo trình trong lớp học. Những sáng kiến về giáo dục mở với sự xuất hiện của các khóa học trên các nền tảng trực tuyến MOOCs như Coursera, Udemy, edX, về học liệu mở với sự ra đời của các chương trình ứng dụng học tập, kiểm tra thích ứng (adaptive learning and assessment apps) như Acellus, IXL, Mathletics, và khoa học mở với các cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học trực tuyến chia sẻ miễn phí (Open Access databases). Sự ra đời và ngày càng phát triển về cả thị trường và công nghệ cho những nền tảng này cho thấy ‘giáo dục số’ có lý do để tồn tại, và hoàn toàn có tiềm năng là tương lai của giáo dục. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết dẫn đến một câu hỏi mà các nhà giáo dục cần phải trả lời là xác định kiến thức cốt lõi mà người học cần được trang bị trong tương lai. Trong khi các mô hình giáo dục trong quá khứ tập trung vào việc cung cấp cho người học các kiến thức, kỹ năng cần thiết để giúp họ trở thành những người có tay nghề chuyên môn cao, các nhà giáo dục ngày nay quan tâm nhiều hơn đến việc dạy người học cách tự học, cách 83
  3. tư duy, cách đánh giá các tình huống, các vấn đề phức tạp trong cuộc sống, qua đó hình thành năng lực giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, khi vẫn còn có lựa chọn khác, giáo dục theo phương thức truyền thống vẫn còn có thể, thì vẫn còn có lý do để từ chối chuyển đổi số, giáo dục trực tuyến vẫn chỉ là phụ thêm khi có hoặc thiếu một số điều kiện. Ba là, thay đổi vai trò của giảng viên và công tác quản lý: công nghệ phát triển có ảnh hưởng lớn đến vai trò của người giảng viên trong lớp học. Hệ thống quản lý trường học với sự hỗ trợ của công nghệ có thể cung cấp hệ thống dữ liệu giúp giảng viên theo dõi sự tiến bộ của mỗi lớp học, qua đó có những phản hồi ngay lập tức với những khó khăn mà người học đang gặp phải. Nhưng công nghệ dù hiện đại và quan trọng đến đâu cũng không thay thế được vai trò của giảng viên hoặc biến người giảng viên thành rô-bốt. Bởi vậy, làm thế nào để tận dụng và làm chủ công nghệ, để công cụ này hỗ trợ và tạo ra sự tự do, sáng tạo trong giáo dục đại học là một thách thức với mỗi giảng viên và cơ sở giáo dục. 3. Đổi mới giáo dục đại học trong thời đại CMCN 4.0 3.1. Về phía nhà trường: Một là, nâng cao năng lực và mở rộng vai trò của các trường đại học. Bên cạnh việc không ngừng phát triển công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy, các trường đại học cần thể hiện vai trò tiên phong của mình trong việc thực hiện sứ mệnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Tác động của một trường đại học sẽ không còn giới hạn trong việc giáo dục và thay đổi cuộc sống của sinh viên. Đại học phải là bệ đỡ thúc đẩy sáng tạo, cung cấp một bệ phóng cho các doanh nhân trong tương lai và các công ty khởi nghiệp, giữ nhịp phát triển cho các ngành công nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30-10-2017); chỉ đạo các trường đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo, trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo; hỗ trợ việc phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc đào tạo; chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Các trường đại học cũng cần đón đầu xu hướng là thời gian đào tạo người lao động trình độ cao sẽ không chỉ giới hạn trong 4 hay 5 năm, mà là trong suốt cuộc đời lao động của họ, khi người học tiếp tục quay trở lại để có thêm kiến thức và kỹ năng sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, tư duy cũ của nền giáo dục đón đầu sẽ thay đổi, khi các trường đại học xác định quá trình học tập suốt đời như là một phần của sứ mệnh của mình. Để giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy khả 84
  4. năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường cạnh tranh và đa dạng hóa các loại hình giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của đất nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương xây dựng Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trình Quốc hội phê duyệt và tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sau khi được sửa đổi. Bộ cũng đã trình Chính phủ Nghị định về tự chủ đại học thay thế cho Nghị quyết số 77/NQ-CP, chính thức hóa tự chủ đại học là con đường tất yếu của giáo dục đại học Việt Nam. Hai là, gắn việc dạy và học với thực tiễn. Giáo dục cần phải mô phỏng và chuẩn bị cho người học bước vào cuộc sống thực tiễn càng nhiều càng tốt khi công nghệ đã làm cho khả năng tiếp cận kiến thức trở nên dễ dàng khiến kiến thức không còn mang ý nghĩa “bảo hiểm” cho tương lai của người học như trước đây (FICCI;2017). Một trong những cách tiếp cận phù hợp là tăng cường giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (giáo dục STEM) trong nhà trường. Theo đó, người học sẽ được trang bị kiến thức gắn liền với những ứng dụng của chúng trong thực tiễn; được trải nghiệm tìm tòi, khám phá công nghệ gắn với kiến thức được học trong chương trình giáo dục; được khuyến khích sáng tạo khoa học, kỹ thuật nhằm cải thiện phát triển công nghệ mới. Đây là một cách tiếp cận liên môn nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng để người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Đồng thời, cần phải tập trung vào phát triển phẩm chất và năng lực của người học thông qua việc định hướng các con đường phù hợp nhất cho các nhóm sinh viên khác nhau để giúp họ phát huy được tiềm năng của mỗi cá nhân. Thành công của một trường đại học không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên hay vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế, mà còn là sự phát triển bền vững và lâu dài của sinh viên, khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, năng lực đổi mới và sáng tạo của sinh viên. Ba là, đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và quản lý. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dạy và học ngoại ngữ với hệ thống học liệu điện tử phù hợp mọi đối tượng để người học có thể học ngoại ngữ, tiếp cận tiếng bản ngữ mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi phương tiện, đặc biệt trong phát triển kỹ năng nghe và kỹ năng nói. Tạo môi trường học ngoại ngữ trong nhà trường, gia đình và xã hội để giảng viên, thành viên gia đình và người học cùng học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, đào tạo trực tuyến là một trong những cách thức tổ chức giảng dạy của đại học số, đại học thông minh, là xu thế hội nhập giáo dục đại học toàn 85
  5. cầu. Linh hồn của đào tạo trực tuyến dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin vì vậy chương trình giáo dục cần bảo đảm cho người học được trang bị những hiểu biết về kỹ thuật số và công nghệ để dễ dàng tiếp cận những tiến bộ về khoa học công nghệ và ứng dụng trong học tập, nghiên cứu. Đồng thời việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cũng cần được đặc biệt chú trọng. 3.2. Về phía giảng viên: Trong xã hội thông tin, giảng viên phải giúp sinh viên điều chỉnh định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin, phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp có đầu óc sáng tạo, biết phê phán, tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả giữa người học với những gì họ muốn biết, là người cung cấp cách hiểu mới cho người học. Đồng thời phải quan tâm đến từng người học, nhiệm vụ chính của giảng viên là tạo môi trường học tập, tạo điều kiện để người học có cơ hội học tập theo phương pháp tích cực và sáng tạo bởi hiện nay có sự biến đổi lớn về vai trò người dạy đó là từ việc truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối, người dạy phải chuyển sang chức năng hướng dẫn người học. Để làm được như vậy giảng viên cần phải: - Thứ nhất là có năng lực sử dụng các phương tiện công nghệ phục vụ quá trình dạy học. Người giảng viên phải có năng lực quản lý tài nguyên mạng, có khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ phục vụ quá trình dạy học. - Thứ hai là bồi dưỡng năng lực chuyên môn nghiệp vụ với các hình thức đào tạo tiên tiến, mô hình trực tuyến. Hiện nay, nhiều giảng viên chưa tiếp cận được với các mô hình dạy học mới sẽ làm hạn chế việc rèn kỹ năng nghề cho sinh viên. Vì thế cần tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ kết hợp với các mô hình đào tạo tiên tiến 4.0, đào tạo trực tuyến, từ xa để vừa nâng cao trình độ chuyên môn, vừa tiếp cận các mô hình dạy học mới. Các hình thức dạy học này sẽ giúp giảng viên bổ sung vào kiến thức nghiệp vụ, làm phong phú hơn các hình thức dạy học của mình. - Thứ ba là bên cạnh việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn nghiệp vụ, giảng viên cần phải bồi dưỡng năng lực NCKH. Để đạt được thành công trong NCKH yếu tố số một là có năng lực nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học là tìm tòi, phát hiện sáng tạo ra tri thức mới, công nghệ mới. Vì thế, năng lực nghiên cứu là khả năng sáng tạo, phát hiện cái mới; tư duy thoáng không rập khuôn, sao chép; khả năng đưa ra các giải pháp độc đáo và hiệu quả để giải quyết một vấn đề khó. Hiện nay gắn kết NCKH với đào tạo tiến sĩ là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động KHCN cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. NCKH là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo tiến sĩ và ngược lại, chương trình đào tạo tiến sĩ sẽ đặt ra những vấn đề mà NCKH phải đáp ứng. 86
  6. - Thứ tư là cần nâng cao trình độ ngoại ngữ. Để tiếp cận những tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến do sự phát triển của công nghệ 4.0 mang lại, con người không thể không thông thạo ngoại ngữ. Đây là điều cần thiết để giảng viên hội nhập với xu hướng kết nối toàn cầu, hội nhập với giáo dục đại học thế giới. Vì thế người giảng viên cần nâng cao trình độ ngoại ngữ bằng nhiều biện pháp khác nhau. 3.3. Về phía sinh viên: - Thứ nhất, có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn: ngay từ trên giảng đường đại học, sinh viên phải chủ động tích lũy tri thức về công nghệ thông tin, chủ động cập nhật kịp thời và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất của thế giới vào lĩnh vực học tập và trong cuộc sống thì bản thân mới có cơ hội cạnh tranh việc làm, thích nghi với điều kiện mới. - Thứ hai, tăng cường học ngoại ngữ: trau dồi vốn ngoại ngữ là yêu cầu mang tính cần thiết. Khả năng sử dụng ngoại ngữ sẽ tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với các tin tức, sách báo, tài liệu nước ngoài, giao tiếp, học hỏi văn hóa và tiếp thu tri thức nhân loại. Giữa xu thế “đa quốc gia hóa” của các công ty, biết ít nhất một ngoại ngữ sẽ giúp bản thân nổi bật, dễ dàng nhận được công việc phù hợp với khả năng, việc tìm kiếm các thông tin tuyển dụng sẽ mở rộng nhiều vị trí hấp dẫn. - Thứ ba, thành thạo kỹ năng mềm: kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người, không liên quan đến kiến thức chuyên môn nhưng kỹ năng mềm lại quyết định cá nhân là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc. Đặc biệt, kỹ năng quản lý thời gian sẽ giúp các sinh viên không sa đà vào mạng xã hội, giải trí mà học tập, làm việc thiếu hiệu quả, giảm năng suất. Trong quá tình học tập sinh viên cần khai thác và phát triển tối đa khả năng tiềm ẩn của mình. Hãy tham gia các chương trình ngoại khóa sôi nổi, các câu lạc bộ, các lớp học... là nơi sinh viên có thể rèn luyện kĩ năng mềm. - Thứ tư, có kinh nghiệm làm việc thực tế thông qua các kỳ thực tập và thực tế tại doanh nghiệp: doanh nghiệp thường yêu cầu tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm, chính vì vậy nhiều sinh viên ra trường thường không đáp ứng được. Nhưng cũng không ít sinh viên mới ra trường đã thích nghi với môi trường doanh nghiệp khi còn ở đại học bởi vì kỳ thực tập là thời điểm tốt nhất để sinh viên có thể học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực mà mình quan tâm. Vì vậy sinh viên cần tận dụng cơ hội này để tích lũy kinh nghiệm cho mình, đây sẽ là một lợi thế rất lớn giúp sinh viên vượt qua các kỳ tuyển dụng gắt gao cũng như không bị ngỡ ngàng khi bắt tay vào việc. 87
  7. 4. Kết luận Cuộc CMCN 4.0 tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong đời sống, kinh tế xã hội, đây chính là thách thức của ngành giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu mới của thời đại. Ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng cần phải có một tầm nhìn xa trong bối cảnh chuyển đổi liên tục của các hình thức tổ chức và các yêu cầu về kỹ năng. Theo đó, người lao động trong tương lai sẽ cần phải có khả năng học tập suốt đời để sẵn sàng cho các thay đổi. Các cơ sở giáo dục hiện nay chủ yếu là sản phẩm của kết cấu hạ tầng công nghệ và hoàn cảnh xã hội trong quá khứ. Trước bối cảnh đang thay đổi một cách nhanh chóng, các cơ sở giáo dục cần nhìn nhận lại để nâng cao khả năng đáp ứng. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng phải thích ứng với môi trường đang thay đổi và cần phải xác định tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thông qua hợp tác với các trường đại học. Để chuẩn bị cho thế hệ tương lai và tăng năng lực cạnh tranh của người Việt Nam, chúng ta cần xây dựng một hệ thống giáo dục thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập suốt đời và khả năng phát triển lâu dài của người học. Tài liệu tham khảo: [1]. B. Abersek (2017), Evolution of competences for new era or Education 4.0, The XXV conference of Czech Educational Research Association (CERA/CAPV) “Impact of Technologies in the Sphere of Education and Educational Research” [2]. Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30-10-2017, của Thủ tướng Chính phủ, Về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” [3]. FICCI (2017): Leapfrogging to Education 4.0: Student at the core, FICCI-EY Future of Skills and Jobs in India Report [4]. Thùy Trang (2018), Phú Yên: Giảng dạy trong thời đại CMCN 4.0, tải từ trang http://www.vusta.vn/vi/news/Trao-doi-Thao-luan/Phu-Yen-Giang-day-trong-thoi-dai- cach-mang-cong-nghiep-4-0-61884.html 88
nguon tai.lieu . vn