Xem mẫu

  1. ĐỔI MỚI CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP TẠO MÔI TRƯỜNG THÂN THIỆN ĐỂ GIÁO DỤC HỌC SINH Hà Thị Vinh Tâm Giáo viên trường THPT Anh Sơn 2 Từ trước tới nay, Đảng và nhà nước đã rất quan tâm đến giáo dục và chú ý đến vấn đề giáo dục đạo đức học sinh. Luật Giáo dục chỉ rõ: "Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện... đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Nghị quyết 44/NQ-CP (9/6/2014) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT nêu "đổi mới chương trình GD theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học; chú trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức..."; Quyết định 1501/QĐ-TTg (28/8/2015) phê duyệt đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020" đã chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh... Tuy nhiên, vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh trong giai đoạn hiện nay có nhiều điều cần phải suy ngẫm. Ở bài viết này, chúng tôi không có ý định trao đổi lại những giải pháp, nhiệm vụ đã "mặc định" trong các tài liệu, trong các bài giảng qua các đợt tập huấn về giáo dục đạo đức HS mà muốn chia sẻ một số giải pháp đổi mới công tác chủ nhiệm nhằm tạo môi trường thân thiện để giáo dục học sinh rút ra từ thực tiễnhơn 10 năm chủ nhiệm của bản thân. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc về bạo lực học đường (đâm bạn, lột đồ bạn để đánh đập hay bắt bạn quỳ để dằn mặt,…), xâm hại tình dục, suy đồi đạo đức, lối sống của HS,… diễn ra làm cho xã hội nhức nhối và chúng ta không khỏi đau lòng, lo lắng thực sự. Chúng ta trăn trở: Giáo dục phải làm sao đây? Ai là người chịu trách nhiệm? Thầy cô nên làm gì? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Trong quá trình giáo dục đạo đức học sinh, có nhiều yếu tố chi phối, tác động trong đó công tác chủ nhiệm lớp đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Công tác chủ nhiệm là tổng thể hàng loạt những công việc liên quan đến khâu quản lý, tổ chức, điều hành, giám sát, kiểm tra, đưa ra kế hoạch hoạt động cho một tập thể học sinh trong một lớp học nhất định. Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) như một người tổng chỉ huy trên mặt trận giáo dục tại lớp mình. Để tạo được môi trường thân thiện góp phần tích cực giáo dục đạo đức HS, theo tôi cần tập trung ở bốn giải pháp sau: 229
  2. Một là, cần chú trọng đổi mới tiết sinh hoạt lớp. Từ trước đến nay, tiết sinh hoạt lớp diễn ra hàng tuần ở mọi lớp học. Đây là tiết học để GVCN điều hành sinh hoạt lớp. Trong tiết học này, lâu nay chủ yếu là GVCN làm việc với HS từ đầu đến cuối tiết, HS chỉ ngồi nghe, lĩnh hội và tuân thủ, chấp hành những việc GVCN giao. Một số GV chỉ dựa vào sổ đầu bài, từ đó chăm chăm truy tìm lý do, mạt sát, đe dọa HS. Đến giờ chủ nhiệm HS chỉ thấy lo sợ, chán ghét, thậm chí còn thấy ức chế, nặng nề. Vì thế, cả thầy cô giáo và trò đều cảm thấy áp lực, nhàm chán, mệt mỏi. Bởi vậy, chúng ta cần thay đổi cách thức tiến hành giờ sinh hoạt lớp như:Trao quyền cho học sinh điều hành tiết sinh hoạt lớp; Tổ chức tiết sinh hoạt lớp thành một buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm sống, giao lưu văn nghệ hoặc tổ chức trò chơi, tổ chức tiết sinh hoạt cho các em “lắng nghe” chính mình,… Điều quan trọng nhất là mỗi GVCN sẽ sáng tạo và đưa vào tiết sinh hoạt lớp những nội dung mới mẻ và cách thức hoạt động phù hợp nhất cho lớp mình chủ nhiệm. Mục đích của tiết sinh hoạt lớp là để để các em chủ động tự đưa ra lời đánh giá, nhận xét, nhận rõ ưu khuyết điểm của bản thân, bạn bè; bàn bạc thống nhất đưa ra kế hoạch hoạt động của lớp; thảo luận những vấn đề mà xã hội, giới trẻ quan tâm; đưa những chủ đề liên quan đến dịp kỷ niệm những ngày lễ quan trọng để tổ chức sinh hoạt văn nghệ; bồi dưỡng kỹ năng sống thông qua buổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và các trò chơi. Nội dung chủ yếu là những vấn đề nóng của giới trẻ ngày nay mà xã hội quan tâm như: Suy nghĩ về tình yêu tuổi học trò, vấn đề nói chuyện riêng hay ăn quà vặt đối với HS THPT, trách nhiệm của bản thân em đối với vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở địa phương, vấn đề chụp ảnh kỷ yếu đối với học sinh 12, sức khỏe sinh sản vị thành niên, bạo lực học đường, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, nụ cười an toàn giao thông, lời cảm ơn và xin lỗi,… Hoặc đơn giản tôi cho HS xem một số trích đoạn của các bộ phim về giáo dục như: Bước ngoặt đáng nhớ, Bệnh nhân người Anh, Bậc thầy của những ước mơ, Cậu bé Karate,…hay những video truyền động lực như: Gương thầy cô giáo, Những khoảnh khắc đẹp,… Từ đó, tôi cho HS thảo luận về chi tiết em thích nhất từ bộ phim (video), bài học ý nghĩa nhất mà em rút ra được sau khi xem bộ phim (video). Có khi tôi tổ chức tiết sinh hoạt để các em “lắng nghe chính mình”, tôi thường cho các em viết thư hoặc ghi vào tờ note gửi thầy (cô), bố (mẹ), cho chính mình hiện tại và tương lai (mấy chục năm sau này). Đó là những dòng tâm 230
  3. sự về cuộc sống, về những người xung quanh (bố mẹ, thầy cô, bạn bè), về những gì đang diễn ra, về ước mơ, về tương lai của bản thân,… với những chủ đề: Mưa điều ước, Thư gửi thầy /cô, Thư gửi bố / mẹ (hoặc bố mẹ), Gửi tôi ở tương lai,… GVCN sẽ là người lưu giữ những bức thư này đến mai sau hoặc cuối năm trao cho các em để các em giữ. Hoặc áp dụng phương pháp: think (nghĩ) - pair (bắt cặp)- share (chia sẻ)… tạo nên bầu không khí dân chủ, thoải mái, tích cực, đầy hứng khởi cho giờ chủ nhiệm. Hai là, đổi mới cách thức họp phụ huynh. Trong thực tế, nhiều phụ huynh tâm sự không muốn đi họp cho con vì con suốt ngày bị phê bình, học lực không được bằng bạn bè, hơn nữa, đi họp cơ bản chỉ ngồi nghe, có một phần thảo luận nhưng rất căng thẳng hoặc mang tính hình thức, nặng về hành chính. Xong họp là nộp các khoản đóng góp rồi về nên đi chủ yếu mang tính trách nhiệm, nghĩa vụ. Bởi vậy, chúng ta cần chú ý: Trước khi chuẩn bị họp phụ huynh, GVCN nên tổ chức cho HS viết những dòng tâm sự vào tờ giấy note, bức thư gửi tâm nguyện của mình tới bố mẹ, thầy cô. Tất cả những điều này sẽ được trang trí đẹp, rõ ràng trên giấy A0 theo từng nhóm. Trong quá trình tổ chức cuộc họp, GVCN sẽ tổ chức trò chơi cho phụ huynh để phụ huynh tham gia tìm hiểu những nội dung liên quan đến lớp học, bạn bè của con mình; mời bố mẹ viết những dòng tâm sự về con, để cho cán bộ lớp báo cáo tình hình lớp và trao đổi với phụ huynh, cho phụ huynh ngồi thảo luận nhóm và đi tới góc trang trí của lớp để đọc tâm sự của con mình và được GVCN trao cho bức thư của con gửi cho bố mẹ. Mục đích của những hoạt động này là nhằm tăng thêm mối quan hệ tốt đẹp, sự giao lưu đồng cảm của bố mẹ với con cái, đồng hành cùng con và có sự kết hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng thuận cùng GVCN. Phụ huynh chủ động, tương tác nhiều hơn và cuộc họp phụ huynh sẽ trở nên sinh động, hấp dẫn. Ba là, đổi mới cách thức điều hành, chỉ đạo, quản lý lớp. Từ trước đến nay, cách điều hành, chỉ đạo, quản lý lớp truyền thống là: trực tiếp theo dõi, nhắc nhở HS, chỉ đạo qua đội ngũ cán bộ lớp, qua một số em thân cận để giám sát và nắm thông tin tình hình của lớp hoặc gần đây, GVCN còn sử dụng điện thoại và sổ liên lạc điện tử, tin nhắn hệ thống gửi đến phụ huynh. Tuy nhiên, việc quản lý này cần nhiều thời gian, công sức đồng thời mang tính cá nhân, ít có tính lan tỏa và cập nhật thông tin nhanh chóng. Bản thân tôi đã đổi mới cách điều hành, chỉ đạo, quản lý lớp bằng cách vận dụng mạng xã hội facebook, công cụ lưu trữ Google drive,… vào quản lý lớp chủ nhiệm. Tất cả mọi văn bản của 231
  4. trường về chế độ dành cho HS, lịch học thay đổi đột xuất hoặc nhắc nhở kế hoạch của lớp, phân công nhiệm vụ, những lời chúc mừng nhân các ngày lễ đặc biệt, những hình ảnh về hoạt động của lớp, những bí quyết học tập hiệu quả,… đều được công bố hoặc đưa ra thảo luận trên facebook lớp (trang cá nhận lớp hoặc qua messenge). Hơn nữa, việc tổng kết lớp học cũng được lớp trưởng tổng hợp từ các tổ trưởng, lớp phó để công khai, cập nhật thường xuyên về thành tích, về các lỗi vi phạm của từng cá nhân ngay trên trang facebook lớp. Các vấn đề thảo luận cũng được đưa ngay lên đó để giải quyết nhanh gọn, hiệu quả. Bên cạnh đó, bản thân GVCN và tất cả các thành viên trong lớp đều có thể cập nhật đưa lên trang facebook của lớp những thông tin, quan điểm, nhận xét, góp ý quan trọng. Đối với việc liên lạc, trao đổi với tập thể phụ huynh cũng được tiến hành thông qua mạng xã hội facebook. Thứ tư là, đổi mới cách thức phối hợp với Đoàn trường. Lâu nay, các hoạt động ngoại ngoại khóa, trải nghiệm, hoạt động vui chơi, giải trí chỉ tiến hành một chiều là Đoàn trường đề ra kế hoạch rồi GVCN đồng hành, thực thi theo nhưng với bản thân tôi thì GVCN là người cần chủ động đề xuất thực hiện một số kế hoạch của lớp với Đoàn trường để cùng Đoàn trường thực hiện một cách phù hợp nhất đồng thời mang lại hiệu quả cao nhất với lớp mình chủ nhiệm và có sự lan tỏa sâu rộng hơn, có sự nối kết với tuổi trẻ toàn trường. GVCN nên kết hợp với Đoàn trường tổ chức cho HS các hoạt động ngoại ngoại khóa - trải nghiệm, hoạt động vui chơi - giải trí như: Tổ chức các buổi nói chuyện về: Anh bộ đội cụ Hồ nhân ngày 22/12, Truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, Luật phòng cháy chữa cháy, Luật an toàn giao thông, An toàn sức khỏe sinh sản vị thành niên, Chống xâm hại tình dục,…; Tổ chức câu lạc bộ; Tổ chức các cuộc thi: Văn nghệ, Bóng đá, Làm tập san, báo tường, làm bánh, làm thiệp, cắm hoa, làm bánh dân gian; Tổ chức các trò chơi dân gian: Kéo co, nhảy bao bố,…; Tổ chức cắm trại và trải nghiệm kinh doanh; Đề xuất với Đoàn trường tổ chức biểu diễn bài nhảy Dân vũ của tập thể lớp hoặc tổ chức buổi phát thanh về chủ đề cụ thể, có ý nghĩa. Không những thế, GVCN cần kết hợp với Đoàn trường tổ chức tư vấn, tham vấn tâm lý cho học sinh. Lâu nay, GVCN cũng có những lúc thực hiện công việc tư vấn, tham vấn cho HS những chỉ dừng lại ở mức độ tìm hiểu, định hướng khi có vấn đề hoặc khi HS tìm đến mình, hơn nữa cách xử lý tình huống hoàn toàn mang tính kinh nghiệm, chủ quan. Đoàn trường có đôi lúc cũng tham gia khi GVCN phản ánh hoặc cần sự giúp đỡ. Nhưng bây 232
  5. giờ, chúng ta nên thay đổi cách làm: Khi các em khủng hoảng tinh thần, bắt gặp khó khăn trong tâm lý, GVCN và Đoàn trường không chỉ đưa ra lời khuyên, định hướng mà có lúc cùng nhập cuộc, cùng tháo gỡ khó khăn với các em hoặc can thiệp khi cần thiết để xử lý những tình huống nghiêm trọng. Khi bắt đầu nhận công tác chủ nhiệm, tôi sử dụng một quyển sổ hồ sơ nhật ký tâm lý lớp chủ nhiệm để ghi: đặc điểm hoàn cảnh gia đình, diễn biến tâm lý của học sinh, đặc biệt là với những em có hoàn cảnh đặc biệt, những HS cá biệt,… Trong buổi sinh hoạt lớp, tôi thường đưa ra các nội dung như: Có nên yêu ở tuổi học trò hay không? Nữ sinh cần chú ý điều gì khi ăn mặc, chăm sóc cơ thể? Làm gì khi bị người khác giới có ý đồ xấu với mình? Thông thường tôi gặp riêng hoặc gọi điện thoại, nhắn tin cho những em HS tôi biết đang gặp phải vấn đề khó khăn, vướng mắc về tâm lý (tự mình phát hiện hoặc do thầy/ cô bộ môn trao đổi, hoặc do các bạn trong lớp kể lại). GVCN cùng cán bộ Đoàn trường tìm hiểu các mối quan hệ, hoàn cảnh của các em, cùng thảo luận và đưa ra giải pháp thích hợp nhất. Đoàn trường thường cung cấp thông tin về mối quan hệ bạn bè của các em (qua đội ngũ cán bộ đoàn, hộp thư liên lạc,…). Tôi thường mở đầu bằng cách gặp riêng học sinh để nói chuyện với sự đồng cảm, tin tưởng, yêu thương: “Cô thấy em dạo này hình như có chuyện gì đó buồn? Em có thể chia sẻ cùng cô để cô trò mình cùng tìm cách giải quyết. Cô rất yêu quý và tin tưởng em…, Cô nghĩ em nên… Cha mẹ/ bạn bè sẽ hiểu ý tốt của em,…”. Những trường hợp khó giải quyết, GVCN cần giới thiệu học sinh lên gặp tổ tư vấn tâm lý của nhà trường để được giúp đỡ một cách hiệu quả nhất. Từ những hoạt động trên, học sinh được hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực của “người học sinh mới” mà chương trình sách giáo khoa tổng thể đang hướng đến. Cụ thể là học sinh sẽ có dược những phẩm chất như: trung thực (tâm sự tất cả những điều bản thân nghĩ về những chủ đề liên quan), trách nhiệm (bản thân thấy được trách nhiệm đối với xã hội, với gia đình, thầy cô, bạn bè và với chính bản thân mình), nhân ái (yêu thương gia đình, thầy cô, bạn bè, lớp học và chính bản thân), yêu nước (liên quan đến chủ đề quê hương, đất nước, vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa,…), chăm chỉ (tự mình nhận ra những điều bản thân phải nỗ lực hoàn thiện về học tập, về kinh nghiệm cuộc sống),… Bên cạnh đó, học sinh được hình thành và phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác (kỹ năng trao đổi, hợp tác khi chia sẻ), năng lực tự chủ và tự học (tự biết nên tìm hiểu những thông tin liên quan đến vấn đề hội thảo, tự tìm 233
  6. cách thể hiện vấn đề tốt nhất cho nhóm và tự học thông qua việc tìm kiếm thông tin, làm việc nhóm, chủ động trình bày ý tưởng, quan diểm của mình và lắng nghe các ý kiến, chủ động học hỏi), năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo (tìm ra cách chia sẻ chân thực và ý nghĩa), năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội (tìm hiểu về thế giới tự nhiên và những vấn đề xã hội và chính bản thân mình,…), năng lực ngôn ngữ (năng lực diễn đạt để nói lên tất cả tâm tư của bản thân), năng lực thẩm mỹ (nhận biết các yếu tố về cái đẹp trong cuộc sống, ở những người xung quanh và chính mình, tìm cách trình bày, thiết kế các sản phẩm thuyết trình một cách hấp dẫn, ấn tượng), năng lực tính toán (khảo sát, thống kê số liệu khảo sát, sắp xếp công việc), năng lực tin học (tra cứu thông tin trên google, sử dụng mạng xã hội, google drive, trình bày qua powpoint, tờ rơi),… Thiết nghĩ, gieo những hành vi nhỏ sẽ tạo nên thói quen, gieo thói quen sẽ gặp tính cách, vì vậy tôi luôn quan tâm đặc biệt đến việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho HS từ những điều nhỏ nhặt nhất. Bằng cách đa dạng hóa hoạt động của công tác chủ nhiệm như trên, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa GVCN với học sinh và phụ huynh sẽ trở nên chặt chẽ, gắn kết. Mọi hoạt động được thực hiện trong một môi trường giáo dục thân thiện mà chúng ta đang tập trung xây dựng: “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Mọi thành viên, tổ chức đều được tôn trọng và trao quyền chủ động trong quá trình giáo dục học sinh. Điều này sẽ nâng cao vàtạo nênhiệu quả thiết thực, cụ thể đối với việc giáo dục học sinh./. 234
nguon tai.lieu . vn