Xem mẫu

  1. ĐỌC TÍCH CỰC (POSITIVE READING) NHƯ MỘT KỸ NĂNG DÀNH CHO VIỆC TỰ HỌC TRƯƠNG DĨNH Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Bài viết giới thiệu các mô hình và giải pháp đọc hiểu tích cực trong việc tự học nhằm giúp sinh viên phát triển kỹ năng này một cách có hiệu quả. Từ khóa: đọc tích cực, kỹ năng, tự học 1. MỞ ĐẦU Có nhiều người trong chúng ta không nhớ nổi nội dung một bài báo, một cuốn sách, một tài liệu cần thiết cho việc học tập và nghiên cứu. Chúng ta quên một nội dung đã đọc sau một vài giờ. Chính do quá trình quên nhanh chóng, chúng ta không liên kết nổi kiến thức, không thể thành công trong kỳ thi hay hoàn thành công việc nghiên cứu của mình. Nguyên nhân là do chúng ta đọc - học bằng văn bản một cách thụ động. Cặp mắt chúng ta vẫn lướt trên tài liệu, nhưng bộ não chúng ta lại đang “nhảy múa” với các ý tưởng khác nhau hoặc do ta đọc hờ hững với tài liệu. Học sinh có thể đọc ra rả bài học nhưng trí não không vận động, nói cách khác, họ dùng biện pháp “cơ học”, “cưỡng bức” để bắt bộ não phải ghi nhớ, nhưng “chữ thầy lại trả cho thầy”. Theo điều tra về tâm lý hoạt động của não bộ, ta sẽ hiểu và nhớ lâu hơn khi chú tâm một cách tích cực vào tài liệu đang đọc với một ý thức đọc - học rõ rệt. Ở một khía cạnh khác, có khi việc đọc lại quá vội vàng không tuân thủ quy trình từ chuẩn bị đọc, qua đọc và sau khi đọc xong. Hiện nay, các hệ đào tạo (đại học chính quy, đại học tại chức, đại học từ xa, giáo dục thường xuyên...) đều có những đổi mới nhằm vào khả năng tự đọc, tự học của học sinh (HS) và sinh viên (SV), học viên (HV). Trên cơ sở các tài liệu được phát hoặc tự sưu tầm, tự học, tự đào tạo từ kỹ năng đọc văn bản hoặc tài liệu khác không phải là vấn đề quá mới. Từ nhiều năm trước, đã có những tấm gương tự học và thành đạt như Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Hoàng Tụy... Giáo sư Trần Văn Giàu từng nói về Đại học: “Đại học là tự học”. Ngoài ra, cũng đã có các chuyên đề về tự học được tổ chức, in thành sách, góp phần nâng cao vấn đề tự học lên trình độ một khoa học trong đó nhấn mạnh vấn đề đọc để học, học phải đọc. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nhân lực có trình độ cao từ khả năng tự học chưa thể hiện rõ, không phải các hệ đào tạo không đề cao vấn đề tự học (trong đó kỹ năng đọc - học là chủ yếu), không cố gắng cung cấp tài liệu tự đọc nhưng người học không muốn đọc hoặc không biết cách đọc. Họ chỉ chờ đến đợt tập trung để nghe giảng và cho câu hỏi ôn tập. 63
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Trong xu hướng đổi mới hiện nay, việc tự học được đề cao trong đó kỹ năng đọc văn bản phải được đặc biệt chú ý. Kỹ năng đọc tích cực (ĐTC) (positive reading) có qui trình, có chiến thuật cần phải nghiên cứu sâu. 2. KHÁI NIỆM CÁC MÔ HÌNH ĐỌC HIỂU 2.1. Khái niệm Đọc là một hoạt động nhận thức có tính nội tâm, người ngoài không thể quan sát một cách trực tiếp được những vận động bên trong của người đọc, thậm chí bản thân người đọc cũng không chú ý hoặc không có khả năng chú ý đến quá trình bên trong đó của mình. Cuối cùng, vấn đề đọc, đặc biệt là vấn đề đọc tích cực (ĐTC) vẫn còn là vấn đề bí ẩn, cần được nghiên cứu phục vụ cho việc cải tiến dạy và học theo phương hướng đổi mới toàn diện và tích cực sắp tới. Từ một mô hình đọc hiểu tổng quát hiện nay đối với việc đọc hiểu văn bản, cần có sự nghiên cứu của các nhà khoa học và cán bộ giảng dạy trong nhà trường, nhất là ở các trường Đại học. ĐTC là một mô hình đọc có qui trình, có chiến thuật theo công thức SQ3R (Survey Question  Read  Recite Review) đi từ khảo sát (S), đặt câu hỏi (Q) qua đọc (R) đến thuật (Recite) và ôn tập (Review). SQ là khâu chuẩn bị, R là khâu chủ yếu và 2R là khâu củng cố, ghi nhớ. 2.2. Các mô hình đọc hiểu a. Mô hình chú ý chủ yếu đến việc giải mã được coi là mô hình từ thấp đến cao (bottom - up). Theo mô hình này, người ta hiểu một văn bản bằng cách tiếp cận trước hết các yếu tố nhỏ nhất của văn bản (chữ, vần, từ...) lập mã nội tâm các yếu tố, cuối cùng phối hợp chúng vào các đơn vị lớn dần lên. Kỹ năng lập mã, giải mã chiếm vị trí hàng đầu với mô hình trên. Kết quả của việc đọc hiểu phải giống nhau ở mọi người đọc vì văn bản là duy nhất. Nhiều vấn đề được đặt ra với mô hình đọc từ thấp đến cao: Việc đọc có khi không cần bắt đầu từ việc giải mã từng từ, từng câu mà có khi phải thâm nhập ngay các đoạn. Ngoài ra, mô hình này đòi hỏi nhiều thời gian, nó chỉ có thể vận dụng vào các tài liệu đọc hiểu khó. b. Mô hình chú ý đến đọc từ cao xuống thấp (top - down) Mô hình này chú ý đến hoạt động trí tuệ phức tạp như sự tiên đoán, sự tích hợp, sự suy lý hơn là giải mã được coi là cần thiết nhưng chưa đầy đủ. Mô hình đòi hỏi người đọc một trình độ học vấn cao, biết giả thiết, biết tiên đoán từ vốn học vấn của mình. Như vậy, việc đọc từ cao xuống thấp phần nào giống như một quá trình khai triển và kiểm nghiệm giả thiết từ các kiến thức cũ lưu trữ trong ký ức người đọc. Người đọc áp 64
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 đặt một cấu trúc nhận thức đối với văn bản vừa làm trỗi dậy kiến thức cũ đã lưu trữ. Mô hình này giải thích tại sao một văn bản lại có cách hiểu khác nhau do vốn hiểu biết riêng và cách đọc riêng. Có thể nói mô hình này biến quá trình đọc thành một quá trình hiểu biết sáng tạo. Mô hình này có thể áp dụng với các văn bản vừa tầm, dễ đọc, không cần quá nhiều thời gian. 3. NHẬN DIỆN CÁC KHÓ KHĂN CỦA SINH VIÊN (SV) VÀ HỌC SINH (HS) TRONG VIỆC ĐỌC HIỂU VĂN BẢN 1. Lầm lẫn trong việc giải mã các yếu tố ngôn ngữ (từ vựng, ngữ pháp, ngữ nghĩa, tu từ...) ở các SV yếu kém về tiếng Việt hoặc SV nước ngoài. 2. Lầm lẫn trong việc giải mã khi văn bản quá trừu tượng, quá phức tạp hoặc quá khép kín. 3. Khó khăn khi phải thực hiện những thao tác nhận thức thích đáng (hiểu nghĩa từ trong văn cảnh, hiểu được các ý mập mờ hoặc nêu ra các giả thiết để hiểu). 4. Khi phải rút ra ý chính của văn bản đối với các văn bản có cấu trúc vĩ mô trong đó tác giả triển khai quá xa theo yêu cầu đọc hiểu thông thường. 5. Vốn hiểu biết tiềm năng quá ít so với đề tài văn bản đến nỗi không thể hiểu một số thuật ngữ hoặc bất lực khi rút ra ý nghĩa tổng quát của từng chương, mục hay toàn văn bản. 6. Thiếu sự hiểu biết chung để hiểu các thí dụ đối với các văn bản có văn cảnh văn hóa tiềm ẩn, xa lạ. Khó khăn này thuộc về người đọc thiếu vốn văn hóa chung, đặc biệt là vốn ngoại ngữ. 7. Chiến lược đọc và xử lý thông tin không phù hợp với hoàn cảnh đọc (HCĐ) của mình. 4. CÁC GIẢI PHÁP THUỘC CHIẾN LƯỢC ĐỌC SQ3R 4.1. Trước hết, người đọc cần xác định HCĐ (reading situation) của mình. Có thể hiểu HCĐ bao gồm các yếu tố sau đây: 1. Nội dung đọc (đọc cái gì?). 2. Mục đích đọc (đọc để làm gì?). 3. Thời gian đọc (đọc trong bao lâu?). 4. Môi trường đọc (đọc ở đâu?). 5. Tâm thế đọc (đã sẵn sàng đọc chưa?). Tùy theo HCĐ của mình (thường là không tối ưu), người đọc chọn cho mình một chiến thuật đọc thích hợp nhất. Đó là qui trình SQ3R với cách đọc uyển chuyển (DDU9) (Flexible reading). 65
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 4.2. Qui trình SQ3R (Khảo sát  Câu hỏi  Đọc  Thuật  Ôn) a. Khảo sát: Trước khi đọc, cần quan sát bao quát tài liệu đọc: Tên tài liệu, mục lục, tác giả (cả lời tác giả nếu có), các tiêu đề chương, số trang, năm xuất bản, nhà xuất bản, tái bản hay in lần đầu. Hãy cố gắng đưa một ý kiến ban đầu là tài liệu này giúp ích gì cho việc học và nghiên cứu của mình? Bước khảo sát tạo cho ta một cảm xúc: sự xa lạ hay quen thuộc của tài liệu, tạo tâm thế đọc (hứng thú) hay sự chán nản (cần khắc phục ngay) và giúp ta xác định được chiến lược đọc phụ thuộc vào HCĐ đã được xác định. b. Câu hỏi: Đặt câu hỏi là khâu chuẩn bị, nhưng rất quan trọng. Câu hỏi gắn với mục đích đọc, trả lời được câu hỏi là đạt được mục đích đọc đã định. Có thể hỏi: tài liệu này sẽ giúp ích được gì cho ta trong việc học và nghiên cứu? Câu hỏi đặt trong một quan hệ lôgíc là con đường dắt dẫn nhận thức trong quá trình đọc. Tiếng Việt có từ học - hỏi. Học là phải hỏi - hỏi để học. Có người nói: bối rối khi đặt câu hỏi sẽ bối rối khi đọc. c. Đọc: ĐTC là khâu quan trọng nhất của kỹ năng đọc hiểu văn bản, còn được gọi là đọc - suy nghĩ (Thinking reading). ĐTC đòi hỏi sự uyển chuyển trong cách đọc. Platon đã từng nói: Người ta có thể vừa suy nghĩ, vừa đánh giá sự suy nghĩ của mình. ĐTC đòi hỏi sự uyển chuyển trong quá trình đọc, ngoài việc chọn mô hình và tốc độ, là việc đọc gắn với sự tự nhận thức về hành động đọc của mình. Nhiều tài liệu về đọc hiểu cũng đề cập vấn đề đọc uyển chuyển, sự tự ý thức, sự vận động tự thân (autonome) và khả năng siêu nhận thức (metacognition) trong quá trình đọc. Điều này là cần thiết vì việc đọc là một hoạt động đơn độc và người đọc là người duy nhất có thể kiểm soát các thao tác trí tuệ của mình. Từ lâu nay ta chỉ chú ý đến giọng đọc, tốc độ đọc và ghi chép khi đọc mà không chú ý đến kỹ năng tự nhận thức trong quá trình đọc. Kỹ năng ĐTC còn bao gồm các cặp kỹ năng song hành như kỹ năng đọc lĩnh hội (receptive reading) với kỹ năng đọc phản bác (critical reading - tức là vừa thu nhận kiến thức vừa có thể không đồng tình với một số quan điểm hay kiến thức mà mình không đồng tình hoặc cho là còn mù mờ). Còn cần phải có kỹ năng đọc liên tục (successive reading) cùng với kỹ năng đọc ngưng nghỉ (discontinuous reading) còn gọi là kỹ năng đọc trầm tư (meditative reading - tức là cách đọc một hơi và đôi khi dừng lại để thư giãn hoặc để tự thưởng thức về các điều mới vừa được tiếp thu). Đọc uyển chuyển còn cần có cách đọc ôn cố (review reading và đọc tri tân - new reading). Còn được gọi là cách đọc tích hợp (tức là cách đọc vừa ôn kiến thức và vừa tiếp thu kiến thức mới). d. Thuật lại Việc thuật lại văn bản được thực hiện trước hết bằng cách tóm tắt văn bản. Việc tóm tắt văn bản giúp người đọc khắc sâu các kiến thức cơ bản của văn bản một cách có 66
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 hệ thống. Qua nghiên cứu thực nghiệm, Brown đã quy định sáu nguyên tắc cơ bản của việc tóm tắt, tương ứng một cách đại thể với các quy tắc vĩ mô để hiểu văn bản của Kintsch và Van Dyk (1975). Cụ thể như sau: - Loại trừ các thông tin không quan trọng. - Loại trừ các thông tin quan trọng nhưng lặp đi lặp lại. - Thay các từ ngữ hay thành ngữ đặc thù bằng các phạm trù khái quát hơn. - Trong từng đoạn, chọn một câu “chìa khóa” chứa đựng các thông tin trong đoạn. - Nếu các đoạn của văn bản không có câu “chìa khóa” thì tự mình chọn một câu chứa đựng thông tin trong đoạn theo quy tắc khái quát hóa. Việc thuật lại có thể dựa vào các sơ đồ, biểu đồ hoặc bản đồ tư duy được xác lập sau khi đọc. đ. Ôn: Để khỏi quên kiến thức, đừng quên khâu ôn. Người ta nói: văn ôn - võ luyện - Văn bản thuộc khái niệm văn. Thỉnh thoảng cần đọc lại bản tóm tắt, sẽ thấy rõ thêm các vấn đề cần tiếp tục đọc thêm. - Xét đến cùng, tất cả các kỹ năng thuộc về ĐTC được qui về kỹ năng siêu nhận thức. Siêu nhận thức là nhận thức về nhận thức của mình. Tâm lý học coi khả năng siêu nhận thức là khả năng tạo nên tính tự thân (TT) của mỗi người đọc - học. Theo Knowles, 4 định đề của khái niệm TT như sau: - Người đọc - học có thể tự mình quyết định việc đọc - học của mình. - Người đọc - học thực thi việc đọc - học bằng chiến lược đọc - học của mình, bằng vốn kinh nghiệm đã có. - Người đọc - học biết điều chỉnh việc đọc - học của mình theo hoàn cảnh đọc của mình. - Tâm lý học cho rằng, siêu nhận thức là khái niệm cốt lõi của khái niệm tự thân (TT) nằm trong khoa học tự học thường dành cho các người tự học theo sách, không cần thầy mà vẫn đạt được bằng cấp. 5. ĐIỀU KIỆN CẦN CÓ Đó là vấn đề tư liệu đọc và thư viện. Tài liệu đọc là điều kiện cần thiết cho việc đọc - học theo quy trình SQ3R. Tài liệu đọc - học giúp cho việc đọc tích cực (ĐTC) có thể thực hiện có hiệu quả. Từ lâu nay, các tài liệu, văn bản dành cho việc ĐTC được soạn theo cách tiếp cận hình tuyến, có hệ thống và chức năng hóa rõ rệt, điều đó thuận lợi cho việc đọc hiểu bình thường, không 67
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 phù hợp cho việc ĐTC. Các tài liệu đã “hạ cố” như vậy chỉ dạy cách đọc - học theo kiểu “mớm đút”. Các tài liệu khép kín đó chỉ thuận lợi cho các người đọc có trình độ thấp. Cần có các tài liệu “mở” cho các người đọc có trình độ, có “lối vào” và “lối ra” rõ rệt, nghĩa là trước khi đọc, người đọc đã có hứng thú với việc đọc, huy động được ngay kiến thức cũ của mình để có các giả thiết về tài liệu đọc và sau khi đọc, tài liệu mở ra các hướng nghiên cứu thêm. Thư viện là nơi đọc thỏa mãn được hai điều kiện của hoàn cảnh đọc, đó là sự yên tĩnh và sự cộng hưởng tâm thế với các bạn đọc trong phòng đọc. Ngoài ra việc sắp xếp các tài liệu đọc theo chủ đề cũng là điều kiện thuận lợi cho việc đọc tích cực. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Brown A. L. Learning how to learn form reading. In Langer J.H et Smith Burke. T (éd -1982). [2] Brown A.L. Metacognition. The development of selection attention strategies for learing from texts in Kamil. M. (éd). Direction in reading – Washington national reading imférme. [3] Brown A. L, Camfrime J. C et Day J. D. Learing to lesson on training students to learn from texts in Educational Researcher 1981. [4] France Henry - Anthony Kaye. Le savoir à domicite (chapitre: La lecture). Presses de l’ Université de Québec. Télé Université 1985. [5] Trương Dĩnh, Đọc hiểu văn bản với vấn đề tự học, Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục số 308 (4/2013). [6] Trương Dĩnh, Tự thân, khái niệm trung tâm của việc nghiên cứu phát triển tự - học. Kỷ yếu khoa học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, 1994. [7] Kỹ năng mềm dành cho giáo viên và học sinh. [8] www.centerteacher.com. [9] www.centerinfo@gmail.com. [10] www.giaovien.net. Title: POSITIVE READING IS LIKELY TO BE A SKILL FOR SELF-STUDYING Abstract: This article introduces models and solutions to positive reading in self-studying in order to help students develop this skill effectively. Keywords: positive reading, skill, self-studying PGS. TS. TRƯƠNG DĨNH Nguyên GV Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế 68
nguon tai.lieu . vn