Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào/Cambodia
Người viết: Phạm Văn Dũng

1. Thông tin chung về đầu tư của Việt Nam tại Lào và Cambodia
Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam bắt đầu xuất hiện sau khi có chính sách đổi mới từ cuối
những năm 80 của Thế kỷ 20. Trong giai đoạn từ 1989 – 1998 cả nước chỉ có 12 dự án đăng kí
đầu tư ra nước ngoài. Đầu tư ra nước ngoài bắt đầu tăng trong giai đoạn 1999-2005, khi có 128
dự án đăng kí theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (VnEconomy, 2013).
Tính đến đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 21,4 tỉ đô la Mỹ với 1.188 dự án của
các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hai quốc gia nhận đầu tư
lớn nhất là Lào và Cambodia, với tổng số vốn lần lượt là 5,12 tỉ đô-la (trong 270 dự án) và 2,89
tỉ đô-la (191 dự án). Ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam còn đầu tư ra một số quốc gia khác
như Nga, châu Phi (Viet Nam News, 2017).
Những người ủng hộ đầu tư xuyên biên giới thường nhấn mạnh yếu tố giao lưu văn hoá, hiện đại
hoá ngành nông nghiệp, và xây dựng đất nước thịnh vượng. Nhưng đằng sau đó là nhu cầu của
nền kinh tế. Việt Nam là nước sản xuất hàng đầu về cao su, gỗ và giấy xuất khẩu, và các yếu tố
lịch sử, xã hội, dân số đa dạng giúp các công ty Việt Nam tìm kiếm được nguồn nguyên liệu gỗ
và đất đai được nhiều hơn so với ở trong nước (Nguyen 2012; Sikor 2012). Với khoảng 80% gỗ
tròn và gỗ xẻ nhập khẩu, Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào lượng gỗ từ Cambodia và Lào
(Dwyer, 2015, trang 17).
Trong đầu tư vào nông nghiệp, canh tác quy mô lớn, thì đáng chú ý là các dự án trồng cao su.
Việt Nam có 72 dự án đầu tư trồng cao su, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,2 tỉ đô-la Mỹ. Tập
đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) bắt đầu tiến hành khảo sát từ năm 2007 và hướng tới
trồng 100.000 ha cao su ở Lào và Cambodia (VnEconomy, 2013). Tính đến đầu năm 2017, đã có
23 dự án đầu tư trồng cao su tại Lào, Cambodia, trong đó Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai
có bốn dự án trồng cao su (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 2017).
Theo một nghiên cứu của Oxfam năm 2016, đầu tư vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên là
hướng tập trung lớn của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và Cambodia, vì lợi thế tiếp giáp
biên giới với hai nước này. Trong khi đầu tư vào Cambodia tập trung vào khai thác đất trồng cao
su, thì đầu tư vào Lào khai thác nguồn đất đai và thuê đất đa dạng hơn, với các loại cây trồng,
hoa màu khác nhau và cả chăn nuôi (Oxfam, 2016, trang 11).
Có cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tư ở Lào và Cambodia.
Có 41 công ty đầu tư vào 51 dự án đầu tư nông nghiệp vào 2 nước này. Điều đáng lưu ý là phần
lớn các công ty đó có mối liên hệ với nhau, khi có 33 dự án do các doanh nghiệp thành viên của
Tập đoàn cao su (VRG) và 11 dự án có liên hệ mật thiết với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Động
lực chính để các doanh nghiệp đầu tư là do hai nước bạn có nguồn tài nguyên rừng phong phú
với giá rẻ, có tiềm năng khoáng sản, còn sẵn nguồn đất đai và công lao động rẻ. Đa số các công
ty bắt đầu đàm phán để lấy đất đầu tư trong giai đoạn 2005- 2008, khi đó giá cao su đang cao và

đất đai đang sẵn có với giá thấp. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nhà đầu tư sử dụng đất trên
thực tế và giấy chứng nhận về đất ít hơn nhiều so với hợp đồng tô nhượng đất (Oxfam, 2016,
trang 15).
Trong khi các đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam có bằng chứng về việc cải thiện về hạ tầng
cơ sở, thì số lao động tuyển dụng không được đề cập đầy đủ. Đặc biệt ở Cambodia, việc tuyển
dụng lao động địa phương còn hạn chế, khi chỉ có 3% số dân ở các huyện có gắn kết với đầu tư
nông nghiệp (Oxfam, 2016, trang 26).
Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những tác động đến địa phương. Năm 2013, Tổ
chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) có thông tin cho rằng VRG vi phạm các vấn đề liên
quan đến đất đai, môi trường sống và pháp luật tại Lào, Cambodia (SHS, 2013). Mặt khác, người
dân địa phương thường không được tham vấn trong quá trình thu hồi đất và bồi thường theo quy
định trong Đồng thuận tự do có thông tin đầy đủ, chủ động (FPIC) cũng như các biện pháp giảm
nhẹ tác động cho đến nay. Các công ty không gắn kết trực tiếp với các cộng động bị ảnh hưởng;
cũng như không thấy trách nhiệm của mình trước cộng đồng, mà coi đó là trách nhiệm của chính
quyền (Oxfam, 2016, trang 29).

2. Thông tin doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào đã có tăng trưởng liên tục cả về lượng tiền và phạm vi
đầu tư. Năm 2004 có 29 dự án cấp phép đầu tư với trị giá khoảng 18,9 triệu USD, phần lớn do
các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đầu tư, thuộc lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến
gỗ, thuốc chữa bệnh, nông nghiệp (Việt Báo, 2004). Từ tháng 8/1993 đến tháng 3/2007, Việt
Nam đã cấp phép cho 70 dự án đầu tư sang Lào với số vốn 461 triệu USD. Tính đến năm 2007,
có khoảng 80 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Lào dưới các hình thức công ty liên doanh,
văn phòng đại diện, cửa hàng, siêu thị.... với số vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD. Đến lúc này đầu tư
đã vươn ra hầu hết các lĩnh vực kinh tế của Lào như nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp,
viễn thông, thuỷ điện, chế biến gỗ, khai khoáng, thương mại, khách sạn-nhà hàng, ngân hàng...
(VnEconomy, 2007). Năm 2011 đã có 203 dự án đầu tư tại Lào, đạt trên 3,3 tỷ USD (Đất Việt,
2016). Đến hết tháng 9/2012, Việt Nam đã có 222 dự án được cấp phép đầu tư tại Lào với tổng
vốn đăng kí đầu tư là 3,8 tỷ USD (VnEconomy, 2013). Đến năm 2014 có 253 dự án với tổng số
vốn FDI đạt hơn 5,1 tỷ USD. Tính đến tháng 8/2015, đã có 261 dự án đầu tư của doanh nghiệp
Việt Nam với tổng số vốn 5,2 tỷ USD rót vào Lào (Đất Việt, 2016). Theo số liệu mới nhất tính
đến tháng 1/2017, doanh nghiệp Việt Nam có 270 dự án với số vốn đăng ký đầu tư tại Lào là
5,12 tỉ đô-la (Viet Nam News, 2017).
Tính đến đầu năm 2016, Việt Nam đã rót số vốn 2,2 tỉ đô-la vào Lào trên thực tế, chiếm tỉ lệ
khoảng 42% so với số vốn đăng ký. Có 350 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành nghề
như năng lượng, khai thác mỏ, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngân hàng, viễn thông tại Lào. Đầu tư
tại Lào chiếm đến ¼ so với tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài, và Lào chính là đất nước nhận vốn
đầu tư lớn nhất của Việt Nam (Viet Nam News, 2016). Trong những năm gần đây, Việt Nam là 1
trong 3 quốc gia đầu tư lớn nhất vào Lào. Riêng tại 4 tỉnh Nam Lào, các doanh nghiệp Việt Nam
đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD, trong đó Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chiếm hơn 90% vốn đầu tư
(Đất Việt, 2016). Tính đến tháng 6/2013, VRG có 8 dự án trồng cao su và diện tích trồng đạt
27.096 ha tại Lào (SHS, 2013). Tuy vậy, việc đóng góp tạo công ăn việc làm không được như
mong đợi bởi còn thiếu lao động có kỹ năng cao ở địa phương (Oxfam, 2016, trang 26).
2

Với vai trò tập hợp, kết nối, chia sẻ thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, Hiệp hội các
nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) được thành lập và họp Đại hội lần thứ nhất vào ngày
18/11/2011 (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 2011). Tính đến năm 2016, đã có trên 300 doanh nghiệp
thành viên của Hiệp hội hoạt động trên khắp đất nước bạn (Bộ Công thương, 2016).

3. Thông tin doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Cambodia
Tính đến tháng 12/2009, các doanh nghiệp Việt Nam tại Cambodia đã có 63 dự án đầu tư với
tổng vốn đăng ký 900 triệu USD (BIDV, 2009). Đến hết năm 2011, con số tăng lên 98 dự án đầu
tư vào Cambodia với tổng vốn 2,4 tỉ USD (VOV5, 2012). Đến năm 2013, Việt Nam có gần 90
dự án đầu tư trực tiếp vào Cambodia với tổng số vốn đạt trên 2 tỷ USD (TriVietsteel, 2013). Đến
năm 2016, doanh nghiệp Việt Nam tại Cambodia có 128 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn
đăng ký đạt 3,068 tỷ USD. Các dự án này tập trung trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, chiếm
50,58% tổng vốn đăng ký; năng lượng chiếm 27,05%; tài chính - ngân hàng - bảo hiểm chiếm
8,7%; viễn thông chiếm 5,1% tổng vốn đăng ký và các dự án còn lại nằm trong các lĩnh vực công
nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại xuất nhập khẩu, y tế, xây dựng,… chiếm
khoảng 2% tổng vốn đăng ký (Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, 2016).
Trong thời kỳ từ 1994 đến 2012, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư trên 1,5 tỷ USD vào
Cambodia trong tổng vốn 50 tỷ USD với 2.000 dự án đầu tư nước ngoài đã được Cambodia cấp
phép (VnEconomy, 2013).
Tính đến năm 2013, riêng tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) có 19 doanh nghiệp hoạt động tại
Cambodia, và tổng mức đầu tư các dự án trồng cao su ở nước ngoài là 1 tỷ USD. Năm 2012,
VRG đã trồng được 70.000 ha cao su và trồng mới 25.000 ha (VnEconomy, 2013). Tính đến
tháng 6/2013, VRG có 21 dự án trồng cao su đang được triển khai tại Cambodia (SHS, 2013).
Đến năm 2016, có 48 doanh nghiệp cao su của Việt Nam có dự án trồng cao su ở Cambodia,
trong đó có 19 doanh nghiệp thuộc VRG vận hành 19 dự án trên toàn quốc. Chính phủ Cambodia
đã giao hơn 200.000 ha đất cho các doanh nghiệp cao su Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam
đã trồng được hơn 180.000 ha, rải rác ở các tỉnh Kampong Thom, Preah Vihear, Siem Reap,
Molduklkiri, Ratanakiri. Có 3.000 ha cao su đã được thu hoạch nhựa (Vietrade, 2016).
Bất lợi lớn đối với nhiều nhà đầu tư Việt Nam khi Chính phủ Cambodia có sự thay đổi đột ngột
về chính sách đất tô nhượng, dừng cấp đất để thực hiện các dự án đầu tư nông- lâm nghiệp hoặc
thay đổi thời hạn giao đất từ 70 năm, 90 năm xuống còn 50 năm đối với tất cả các dự án, kể cả
dự án đã giao đất, cấp phép đầu tư trước đây; áp dụng hồi tố về thời hạn giao đất, cho thuê đất…
Điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Một số dự án cao su cũng gặp nhiều khó khăn do quỹ đất phía chính quyền Cambodia chưa cấp
đủ cho nhà đầu tư Việt Nam như thỏa thuận. Ngoài ra, còn khó khăn do lao động của Cambodia
tại vùng dự án thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, trong khi nhà đầu tư Việt Nam chỉ được
sử dụng 10% lao động Việt Nam theo quy định của Cambodia. Điều này đang gây khó cho một
số dự án, như dự án trồng 6.310 héc ta cao su của Công ty cổ phần Cao su Dầu Tiếng- Kratie, dự
án trồng cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk, dự án trồng và khai thác cao su của
Công ty TNHH Bất động sản Phú An (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 2017).
Hiệp hội các nhà đầu tư sang Cambodia (AVIC) được thành lập theo Quyết định số 1674/QĐBNV ngày 07/12/2009 của Bộ Nội vụ. Hiệp hội kết nối để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
3

hiệp lực và giúp đỡ lẫn nhau, kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan chức năng
của hai nước, góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt
Nam tại Cambodia. Tính đến năm 2012, AVIC có 75 Hội viên (trong đó: 72 Hội viên doanh
nghiệp, 02 Hội viên cá nhân và 01 Hội viên liên kết) hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực
ngân hàng, khai khoáng, trồng cây công nghiệp, thương mại… Có nhiều Tập đoàn, Tổng Công
ty lớn là thành viên của Hiệp hội, như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tập đoàn
Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Hoàng Anh Gia
Lai (AVIC, 2012). AVIC đã xây dựng trang tin điện tử (http://avic.com.vn/), nhưng các thông tin
cập nhật nhất từ năm 2012, và cho gần đây không thấy có thông tin mới trên trang web này.

4. Doanh nghiệp và đầu tư có trách nhiệm tại Lào và Cambodia
4.1. Thực hành tốt, có trách nhiệm tại Lào:
Có thể tìm được nhiều thông tin đề cập kết quả kinh tế, hạ tầng cơ sở và phúc lợi xã hội của các
doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Với nhiều doanh nghiệp đang đầu tư tại Lào, việc sản xuất, kinh
doanh của họ còn gắn liền với các chương trình xã hội, từ quỹ phúc lợi đến các dự án xây tặng
nhà cho dân nghèo, các công trình cầu đường, bệnh viện, trường học là những chương trình,
công trình rất cần thiết với người dân sở tại. Công ty Cao su TP.HCM gắn với các chương trình y
tế cộng đồng, các chương trình khuyến nông và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Các
công trình phúc lợi có thể không lớn nhưng góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nơi doanh
nghiệp đi qua (Vietstock, 2012).
Một thí dụ khác là Công ty cao su hữu nghị Lào - Việt (LVF), một doanh nghiệp liên doanh giữa
Công ty CP cao su Bidiphar (Việt Nam) và Công ty CBF Pharma Co.Ltd (Lào). Được cấp giấy
phép đầu tư tháng 6 năm 2006, doanh nghiệp có chức năng khai hoang, trồng mới và chăm sóc
8.000 ha cây cao su, cây lấy gỗ và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại tỉnh Sê Kông. Vốn
điều lệ của Công ty là 20 triệu USD. Trong đó, phía Việt Nam góp 80%. Trụ sở chính của Công
ty đặt tại bản Chunla, huyện Thà Tèng, tỉnh Sê Kông. Qua sáu năm hoạt động, công ty LVF đã
góp phần duy trì, phát triển mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt. Công ty đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ
về giáo dục, y tế, kéo điện và chăm sóc sức khỏe cho người dân Lào. Cây cao su của công ty lan
rộng đến nơi nào thì nơi ấy người dân Lào có đường tốt để đi, có điện để dùng và được chăm sóc
sức khỏe chu đáo, con em họ được cắp sách đến trường. Công ty hỗ trợ học bổng cho sinh viên
Lào theo học tại trường Đại học Quy Nhơn và đóng góp vào quỹ khuyến học tại Lào. Công ty
LVF đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng từ 800 đến 1.500 lao động người Lào, với mức
thu nhập bình quân 1 triệu Kíp/ người/ tháng (tương đương gần 2,6 triệu đồng). Về chuyển giao
kỹ thuật, Công ty Bidiphar đã liên tục giúp đỡ, đào tạo và tập huấn để nâng cao trình độ quản lý
và nghiệp vụ cho cho cán bộ Công ty CBF cả ngắn hạn và dài hạn. Năm 1995, tổng số cán bộ
công nhân của CBF chỉ có 40 người nhưng cán bộ kỹ thuật của Bidiphar là 24 người, thì đến
năm 2012, Công ty CBF có 185 người nhưng hiện tại chỉ còn năm người Việt Nam tham gia
quản lý tài chính và cơ điện. Đến năm 2012, sản phẩm của CBF đã thâm nhập thị trường
Cambodia với khoảng 20% sản lượng, và công ty đã xúc tiến việc thâm nhập thị trường Thái Lan
cùng với việc tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng và nâng cấp mở rộng nhà máy (Nhân dân Điện
tử, 2012).
Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) đã tuyển dụng hơn 10.000 lao động địa phương tại Lào trong
năm 2013. VRG còn đầu tư hơn 750 căn nhà cho công nhân địa phương ở Lào cùng các công
4

trình điện, nước, trạm xá, trường học và hàng trăm km đường giao thông. Ở những nơi có dự án
của VRG, đời sống kinh tế-xã hội của người dân đã phát triển hơn so với trước khi có dự án
(SHS, 2013). Tính đến năm 2016, VRG đã triển khai 7 dự án, trồng được 28.000 ha cao su tại 3
miền Bắc, Trung và Nam Lào. Chủ trương của VRG khi đầu tư tại nước bạn là không đem lợi
nhuận về Việt Nam, mà dùng vào mục đích tái đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực
dự án đứng chân của nước sở tại. Tại các dự án ở Lào, Cambodia, DN trực thuộc VRG đã tuyển
dụng khoảng 10.000 lao động người Lào, chiếm hơn 95% tổng số lao động. Đặc biệt, tại huyện
Khamkout, tỉnh Bolikhamxay, Lào (giáp với Hà Tĩnh), năm 2012 Trung ương Đoàn thanh niên
Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp VRG thành lập Làng thanh niên hữu nghị biên giới Việt - Lào.
Tổng kinh phí dự án 60 tỷ đồng, quy mô trên 1.000 ha (Bình Phước online, 2016).
Bên cạnh đầu tư vào nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng công nghiệp và tiêu
dùng tạo ra việc làm đáng kể trong khi diện tích đất sử dụng không lớn bằng trồng cây công
nghiệp như cao su. Theo UNCTAD (2013, trang 31-32), 7 công ty Việt Nam đầu tư sản xuất ống
và dây cao su đã sử dụng 504,6 ha đất và tạo việc làm cho 1.800 lao động trong giai đoạn 20052008.
Một doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cho rằng họ đã thực hiện chính sách trách nhiệm xã hội
(CSR) khi đã đầu tư được 15 triệu đô-la so với tổng số cam kết là 30 triệu đô-la. Đóng góp CSR
trên thực tế ở Lào lớn hơn so với ở Cambodia. Những khoản đóng góp này thường được công ty
sử dụng để nâng cao vị thế chính trị trong nước cũng như ở nước nhận đầu tư (Oxfam, 2016,
trang 27).
Theo các con số thống kê vĩ mô, đầu tư của Việt Nam đã góp phần tăng thu ngân sách cho Lào
khoảng 200 triệu USD năm 2014 và đạt 240 – 260 triệu USD vào năm 2015 (Đất Việt, 2016).
Các dự án do Việt Nam đầu tư tạo việc làm cho 35.000 lao động (IPA Quảng Ninh, 2016). Đầu
tư của Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội tại 18 tỉnh của Lào
(Viet Nam News, 2016).

4.2. Thực hành tốt, có trách nhiệm tại Cambodia:
AVIC có vai trò quan trọng trong việc kêu gọi, vận động các doanh nghiệp thành viên tham gia
các chương trình an sinh xã hội tại Cambodia, như: hỗ trợ xây dựng trường học tại biển Hồ; hỗ
trợ nguồn kinh phí cho Hội chữ thập đỏ Cambodia; trao tặng máy tính, trang bị cơ sở vật chất
cho các trường học, cơ sở y tế, tặng quà cho các trại trẻ mồ côi, tàn tật, tham gia các hoạt động
hỗ trợ khắc phục thiên tai, hỗ trợ tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao nhằm tăng cường sự
giao lưu giữa các hội viên với các cơ quan Ban ngành và đối tác tại Cambodia. Đến năm 2012,
tổng số tiền đã thực hiện và cam kết tài trợ cho các hoạt động an sinh xã hội tại Cambodia lên tới
gần 10 triệu USD, tạo tiếng vang cho các doanh nghiệp đầu tư (AVIC, 2012). Các chương trình
an sinh xã hội góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân Cambodia và tạo dựng hình ảnh “doanh
nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng.” Tính đến năm 2014, tổng số tiền thực hiện cho chương
trình an sinh xã hội đạt trên 35 triệu USD (Báo Đồng Nai, 2014).
Tính đến năm 2013, VRG, một nhà đầu tư lớn ở Cambodia đã tuyển dụng hơn 20.000 lao động
địa phương. VRG còn đầu tư hơn 3.000 căn nhà cho công nhân địa phương ở Cambodia cùng
các công trình điện, nước, trạm xá, trường học và hàng trăm km đường giao thông (SHS, 2013).
Theo thống kê năm 2016, VRG quản lý hơn 90.569 ha, trong đó cao su kiến thiết cơ bản 89.332
ha, hơn 1.236 ha kinh doanh. VRG có 15 đơn vị thành viên đang triển khai thực hiện 18 dự án và
5

nguon tai.lieu . vn