Xem mẫu

  1. 125 ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY - CÔNG NGHỆ CỐT LÕI THÚC ĐẨY QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ ThS. Phạm Văn Minh, TS. Phạm Xuân Lâm, ThS. Đặng Đình Hải Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân TÓM TẮT Chuyển đổi số là một hướng đi không thể bỏ qua của mỗi tổ chức, doanh nghiệp khi muốn trụ vững trong một nền kinh tế công nghệ, nhanh nhạy và đầy cạnh tranh. Các tổ chức, doanh nghiệp này sẵn sàng thay đổi, ứng dụng các công nghệ hiện đại để theo kịp xu thế. Tuy nhiên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) thực sự là một rào cản lớn. Nó không những kéo theo khó khăn về tài chính mà cả sự chấp nhận thay đổi quy trình, hoặc mô hình kinh doanh. Công nghệ Đám mây (Cloud) với nhiều tuỳ biến, đa dạng và sẵn có về dịch vụ cung cấp là một giải pháp cứu cánh cho mỗi doanh nghiệp. Công nghệ đám mây đóng vai trò quan trọng trong việc ứng dụng CNTT nhằm thay đổi và hiện đại hoá quy trình hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Bài viết đánh giá tầm quan trọng, lợi ích, đồng thời đưa ra chiến thuật để triển khai, các bài học thành công cũng như các khó khăn mà các doanh nghiệp tổ chức có thể gặp phải khi triển khai nền tảng Cloud trong quá trình chuyển đổi số. Từ khoá: Chuyển đổi số, Công nghệ đám mây, Điện toán đám mây, Công nghệ cốt lõi 1. TỔNG QUAN Trong nền kinh tế ngày nay, các doanh nghiệp sử dụng các công nghệ hiện đại không chỉ hỗ trợ cho việc kinh doanh mà còn để thúc đẩy và tạo ra lợi thế cạnh tranh với các đối thủ. Các doanh nghiệp đang cảm thấy cấp bách phải bắt đầu chuyển đổi số khi nhu cầu của người dùng tăng lên và môi trường kinh doanh ngày càng trở lên cạnh tranh (Clohessy, Acton, & Morgan, 2017; Hess, Matt, Benlian, & Wiesböck, 2016) (Ustundag & Cevikcan, 2017). Những tổ chức đang đối mặt với những xu hướng này và sẵn sàng đẩy mạnh đầu tư công nghệ là những tổ chức đang trải qua quá trình chuyển đổi và tăng trưởng, trong khi những tổ chức không thoát ra khỏi phương pháp truyền thống đang bắt đầu gặp vấn đề. Đối với nhiều doanh nghiệp, thành công hay thất bại liên quan trực tiếp đến hiệu quả của việc ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT). Trong đó, công nghệ Đám mây (Cloud) là nền tảng cho một nền kinh tế cũng như các loại hình kinh doanh giản đơn, gọn nhẹ và linh hoạt (Hess et al., 2016). Cloud cho phép phát triển nền tảng nhanh chóng. Các cơ sở hạ tầng được cung cấp bởi công nghệ Cloud chính là chìa khoá để tạo ra một công cụ kết nối và
  2. 126 truy cập linh hoạt các tài nguyên, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp (Al-Ruithe, Benkhelifa, & Hameed, 2018; Clohessy et al., 2017). Nó cho phép các tổ chức dễ dàng điều chỉnh, mở rộng hạ tầng CNTT tương ứng với tập khách hàng và nhu cầu sử dụng, đồng thời giảm rủi ro lãng phí tài nguyên khi đầu tư và triển khai một dịch vụ mới. Theo điều tra của IDG năm 2018, gần ba phần tư (73%) các doanh nghiệp và tổ chức có ít nhất một ứng dụng hoặc sử dụng hạ tầng điện toán đám mây. Đến năm 2019 con số này tăng lên chín phần mười (90%) và Cloud trở thành xu hướng tất yếu của mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Cloud cung cấp tài nguyên CNTT linh hoạt giúp chuyển đổi mô hình kinh doanh, thời gian đưa ra thị trường nhanh chóng và khả năng thử nghiệm mà không cần căng thẳng. Và ngoài những lợi ích vốn có của nó, điện toán đám mây đang thực sự thúc đẩy việc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Mặc dù việc chuyển đổi số không chỉ là việc số hóa hay thay đổi về ứng dụng công nghệ mà là cả một sự chuyển đổi về mô hình hoạt động, văn hóa kinh doanh, việc ứng dụng Cloud vẫn vô cùng quan trọng. Nói cách khác, Cloud chính là công nghệ cốt lõi, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, là yếu tố đảm bảo sự thành công trong quá trình chuyển đổi số (Hess et al., 2016). 2. TẦM QUAN TRỌNG VÀ LỢI ÍCH CỦA CLOUD TRONG VIỆC CHUYỂN ĐỔI SỐ Theo báo cáo của Sommer Figone, 80% các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh coi Cloud là một phần tích hợp trong hướng chuyển đổi số. Cloud đã tạo ra một xu thế mới trong môi trường kinh doanh và nó giúp kết nối CNTT với phần còn lại của doanh nghiệp tốt hơn. Việc kết nối này là rất cần thiết khi ngày nay CNTT chịu trách nhiệm duy trì hoạt động của một doanh nghiệp. Một trong những lợi ích có thể thấy được khi sử dụng Cloud đó là chi phí. Dễ thấy, việc chuyển đổi số yêu cầu sử dụng nền tảng công nghệ để đáp ứng các dịch vụ mới, phù hợp với sự thay đổi của thị trường. Điều đó có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi đang sử dụng một nền tảng hệ tầng CNTT lạc hậu, cũ kỹ (Ustundag & Cevikcan, 2017). Các doanh nghiệp này không thể chi tiêu một khoản lớn lợi nhuận cho các hạ tầng CNTT, kịp để đáp ứng nhu cầu. Nền tảng hạ tầng đòi hỏi thường phức tạp khiến cho các doanh nghiệp thường không theo kịp. Trên thực tế các nền tảng CNTT truyền thống không phù hợp với việc chuyển đổi số. Chúng không có sự linh hoạt cần thiết, và cần chi phí lớn để duy trì. Trong khi đó nền tảng Cloud phù hợp với việc chuyển đổi này, với các lý do sau đây (Hess et al., 2016): • Chi phí thấp và hợp lý phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp • Sử dụng được các tài nguyên lớn, mạnh mẽ và hiện đại khi cần thiết
  3. 127 • Thay thế các bộ ứng dụng cũ bằng cách dùng các ứng dụng Cloud mới với chi phí thấp. • Dễ dàng tích hợp và cho phép khách hàng được trải nghiệm các dịch vụ số • Tuỳ vào nhu cầu kinh doanh mà dễ dàng tăng giảm một cách linh hoạt việc sử dụng CNTT • Dễ dàng tích hợp với nền tảng IoT (Internet of Things), cảm biến, thay thế một số công việc bằng máy móc khi quy mô sản xuất, dịch vụ tăng đột biến • Dễ dàng kết hợp với trí tuệ nhân tạo hoặc các hệ thống phân tích thông minh khác để đưa ra các định hướng kinh doanh, đưa ra giải pháp để giải quyết các vấn đề khó khăn. Mục tiêu chính của chuyển đổi số là mở rộng tiềm năng kinh doanh bằng cách áp dụng các quy trình mới, hiện đại, hợp lý với xu hướng (Minh Khương, 2019). Hiệu quả và nhanh nhạy là những yếu tố rất quan trọng mang đến sự thành công của một tổ chức, công ty, điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc đơn giản hóa và tự động hóa các quy trình công việc quan trọng. Ngoài ra, việc sử dụng Cloud mang đến những lợi ích quan trọng dẫn tới sự thành công, các khía cạnh lợi ích cần được xem xét bao gồm (Clohessy et al., 2017; Hess et al., 2016): • Về mặt Quản trị: Một lượng lớn thời gian và tiền bạc bị lãng phí vào việc cập nhật tài liệu, cơ sở dữ liệu, trang web, số lượng hàng tồn kho và hơn thế nữa. Tất cả các tác vụ này có thể được tự động hóa thông qua Cloud, giải phóng thời gian quý báu của nhân viên. • Về mặt xây dựng, triển khai: Truy cập tức thì vào phần cứng máy chủ là một trong những lợi ích đáng kể nhất của Cloud. Điều này cho phép các nhóm phát triển xoay vòng, sử dụng hoặc triển khai các phiên bản một cách nhanh chóng, thay vì phải thực hiện quá trình thiết lập, cấu hình cho mỗi lần. Điều này có thể giảm thời gian ngừng hoạt động toàn hệ thống bằng cách thử nghiệm các tính năng mới trong môi trường riêng biệt (Test server) với các phiên bản máy chủ đang hoạt động (Live server). Khi hệ thống mới hoặc các tính năng, dịch vụ mới đã chạy ổn định, doanh nghiệp có thể chuyển hướng lưu lượng truy cập chỉ bằng những thao tác đơn giản, giúp giảm đáng kể rủi ro và sự phức tạp của quá trình phát triển. • Về tính an toàn và bảo mật: Dễ dàng chạy các bản sao lưu hệ thống thường xuyên với tài nguyên lưu trữ trên Cloud. Điều này có thể rất có lợi cho cơ sở dữ liệu, nơi việc hoàn nguyên về bản sao lưu trước đó rất dễ dàng. Điều này ngăn chặn việc mất dữ liệu khách hàng quan trọng. Nhà cung cấp cũng phải thay thế doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo trì và nâng cấp hệ thống. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây cũng luôn đưa ra các phần mềm và phần cứng cập nhật có khả năng chống lại các cuộc tấn công mạng tốt hơn.
  4. 128 • Về việc cân bằng tải: Đối với các ứng dụng chuyên sâu về hiệu suất, Cloud là một lựa chọn lý tưởng. Việc triển khai máy chủ nội bộ truyền thống không thể mở rộng quy mô, dẫn đến các hạn chế về xử lý chỉ có thể được khắc phục thông qua nâng cấp phần cứng. Dịch vụ trên Cloud có thể thực hiện phân tích liên tục khối lượng công việc của hệ thống. Các công cụ tự động hóa cho phép mua thêm sức mạnh tính toán và dung lượng lưu trữ khi việc sử dụng hệ thống ở mức cao nhất, và mở rộng quy mô song song với tăng trưởng kinh doanh. • Về việc mở rộng quy mô: Khi mới thành lập, các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, tuy nhiên không có khả năng tăng trưởng ngay lập tức. Trong khi các doanh nghiệp đang trên đà phát triển, thay đổi, hoặc thử nghiệm các dịch vụ mới phải đầu tư thêm hạ tầng phù hợp. Điều này dẫn tới việc bộ phận CNTT gặp khó khăn trong việc tính toán, lựa chọn tài nguyên hệ thống cho phù hợp. Cloud khắc phục vấn đề này với tính năng tự động mở rộng quy mô. Trong thời gian nhu cầu thấp, có thể tự động giảm số lượng tài nguyên Cloud và cung cấp thêm tài nguyên trong thời gian nhu cầu cao, đảm bảo chất lượng dịch vụ và thời gian hoạt động cao cho người dùng cuối. 3. CHIẾN THUẬT ĐỂ TRIỂN KHAI CLOUD CHO CÁC DOANH NGHIỆP Cloud đóng góp trong việc chuyển số, nó thay đổi hoàn toàn hoạt động của tổ chức bằng cách đưa ra những giải pháp mới, tối ưu và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chuyển đổi số sẽ không xảy ra cùng một lúc. Nó cần có kế hoạch và có thể sẽ diễn ra theo từng giai đoạn. Điều quan trọng đối với một doanh nghiệp là phải bắt đầu với những điều cơ bản, chẳng hạn như chuyển đổi các chức năng cơ bản như e-mail, chia sẻ tệp hoặc hệ thống điện thoại sang Cloud và đảm bảo chúng hoạt động mà không gặp sự cố. Sau đó, tổ chức mới thực hiện chuyển sang bước tiếp theo trong lộ trình số, sẽ khác nhau giữa các công ty. Bằng cách chuyển đổi các chức năng sang Cloud, bộ phận CNTT có thể tập trung nhiều hơn vào các sáng kiến và đổi mới tạo sự khác biệt cho doanh nghiệp. Và trong suốt quá trình chuyển đổi, một doanh nghiệp sẽ trải qua sự ổn định, khả năng mở rộng, giảm chi phí, tính linh hoạt và các lợi ích chính khác giúp tổ chức hoạt động trong vô số lĩnh vực. Để duy trì tính cạnh tranh, các doanh nghiệp cần tập trung vào cách họ có thể tận dụng Cloud để cho phép chuyển đổi số, thay đổi cách họ kinh doanh và phá vỡ thị trường (Vial, 2019). Việc triển khai và sử dụng hạ tầng điện toán đám mây để thúc đẩy chuyển đổi số của công ty bắt đầu bằng việc đưa ra các mô hình kinh doanh. Nhà điều hành phải phải tính toán và đưa cơ sở cho việc ứng dụng Cloud trong quá trình chuyển đổi số. Điều này bao gồm việc nêu rõ cách thức chuyển đổi số của công ty sẽ định hình lại hoạt động kinh doanh tốt hơn, cách nó sẽ nâng tầm công ty hoặc đóng vai trò là chất xúc tác để đổi mới hoạt động
  5. 129 của công ty (Clohessy et al., 2017). Việc triển khai, người chịu trách nhiệm phải thuyết phục lãnh đạo công ty dựa trên những gì Cloud mang lại: • Ổn định: để truy cập tài nguyên ở đâu và khi nào chúng cần thiết. • Tính linh hoạt: tăng hoặc giảm tài nguyên máy tính theo yêu cầu. • Bảo mật: từ các Cloud riêng kết nối các hệ thống kế thừa thông qua mạng diện rộng của công ty và đảm bảo tính bảo mật dữ liệu • Sự nhanh nhẹn: một nơi thử nghiệm dễ tiếp cận cho các sản phẩm và dịch vụ mới. • Tiếp cận các công nghệ đổi mới: các nhà cung cấp dịch vụ Cloud cung cấp các ứng dụng mới nhất, được cập nhật tự động Sau khi xác định lợi ích của việc chuyển đổi sang Cloud, các nhà lãnh đạo của công ty phải đánh giá môi trường hiện tại của họ. Hệ thống hạ tầng CNTT hiện tại của tổ chức đã sẵn sàng đến mức nào? Cần những gì để đạt được trạng thái mong muốn trong tương lai? Đối với mỗi vấn đề dưới đây, giám đốc điều hành cần xác định các yêu cầu hiện tại, dự kiến các yêu cầu trong tương lai và xác định sự khác biệt giữa các trạng thái mong muốn đó và điều kiện hiện có của công ty. Các vấn đề bao gồm: • Các tình huống và cách giải quyết: Các công ty cần đưa ra một danh sách các tình huống và cách thức giải quyết khi triển khai. Điều quan trọng là cần có dự phòng cho cơ sở hạ tầng Cloud để đảm bảo các hoạt động liên tục của họ chạy trơn tru, các ứng dụng và dịch vụ hiện có được duy trì và cải tiến. • Các ứng dụng: bao gồm các ứng dụng quản lý đang sử dụng (như ERP, CRM, chuỗi cung ứng), các công cụ văn phòng, hệ thống thoại trả lời chăm sóc khách hàng, cũng như phân tích và các ứng dụng khác hỗ trợ doanh nghiệp. Công ty cần hiểu các phân nhánh cụ thể để hỗ trợ các ứng dụng này với cơ sở hạ tầng Cloud mới và cách đảm bảo dịch vụ liên tục cho nhân viên và khách hàng. • Cơ sở hạ tầng: công ty nên phác thảo các khả năng hiện có của mình và những gì họ sẽ cần cho quá trình chuyển đổi số. Cloud đầy hứa hẹn, tuy nhiên, việc chuyển đổi hệ thống từ trung tâm dữ liệu của công ty sang Cloud phải được lên kế hoạch cẩn thận. Nếu việc lập kế hoạch không phù hợp, nó sẽ có nguy cơ làm gián đoạn hệ thống thông tin và dịch vụ. Bởi vì chuyển đổi số là tương lai của doanh nghiệp, nên việc lập kế hoạch hỗ trợ nó phải phụ thuộc vào chiến lược của doanh nghiệp. Đồng thời việc chuyển hệ thống sang Cloud, tổ chức phải tập trung tối đa
  6. 130 vào những người sẽ trải nghiệm các hệ thống mà Cloud của họ hỗ trợ cả nội bộ của tổ chức và khách hàng. Các mô hình Cloud sẽ sử dụng là vô cùng quan trọng: liệu có nên sử dụng nhà cung cấp Cloud công cộng (public cloud), máy chủ lưu trữ Cloud riêng (private cloud) hay mô hình kết hợp (hybrid cloud) sẽ phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, tổ chức. Các mô hình Cloud riêng hoặc sử dụng cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS- Infrastructure as a Service) thường áp dụng cho các doanh nghiệp lớn, hướng tới Cloud và sử dụng hầu hết các dịch vụ trên Cloud riêng. Trong khi đó việc lựa chọn nền tảng như một dịch vụ (PaaS - Platform as a Service) cho phép các nhóm phát triển và thử nghiệm các ứng dụng, sản phẩm và dịch vụ mới. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ Cloud công cộng như Amazon Web Services, Microsoft Azure và Google cung cấp khả năng mở rộng cho “dynamic burst” - khả năng xử lý các công việc xử lý trong thời gian khối lượng cao nhất (chẳng hạn như đơn đặt hàng thương mại điện tử trong mùa lễ của nhà bán lẻ). Các nhà cung cấp phần mềm như một dịch vụ, chẳng hạn như các ứng dụng quản lý quan hệ khách hàng của Salesforce.com, lưu trữ các khả năng kinh doanh cụ thể và dữ liệu liên quan. Các nhà điều hành cũng nên xem xét liệu các Cloud kết hợp (hybrid cloud), một mô hình kết hợp các yếu tố của tài nguyên Cloud công cộng và riêng tư, có phù hợp với việc chuyển đổi số của họ hay không. Mô hình này là một lựa chọn phổ biến vì các công ty có thể chạy các phiên bản của hệ thống hiện có của họ trong khi tận dụng tối đa các nguồn lực và công nghệ bổ sung (Vial, 2019). Cho dù lựa chọn cách thức nào, các lãnh đạo trong tổ chức, doanh nghiệp nên thực hiện phân tích tổng chi phí sở hữu bao gồm chi phí lao động, công nghệ và các chi phí khác so với các điều kiện hiện có cũng như tính toán các dự báo về lợi nhuận kỳ vọng (Clohessy et al., 2017; Vial, 2019). Việc chuyển đối số và ứng dụng Cloud thành công đòi hỏi sự hợp tác giữa những người lãnh đạo ra quyết định, những người triển khai và những người sử dụng hệ thống sau chuyển đổi (có thể là nhân viên hoặc khách hàng). Một số điều kiện đảm bảo và thách thức cần phải vượt qua để chuyển đổi thành công bao gồm (Vial, 2019): • Tuân thủ quy định: việc triển khai cơ sở hạ tầng Cloud phải tuân theo các quy tắc kế toán hiện hành liên quan đến dữ liệu tài chính, cũng như các quy tắc bảo mật cho khách hàng thông tin. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong kinh doanh và các đối tác cơ sở hạ tầng Cloud. Các bên phải xác nhận sự tuân thủ trước khi hệ thống hoạt động. Ví dụ, họ cần xác nhận các bộ dữ liệu tương ứng với từng thực thể kinh doanh được lưu trữ đúng cách trong các hệ thống và ứng dụng phù hợp. • Tuân thủ bảo mật. Trong quá trình chuyển đổi sang cơ sở hạ tầng Cloud, công ty và đối tác Cloud phải xác nhận rằng dữ liệu được xử lý tuân thủ các quy tắc của chính phủ,
  7. 131 chính sách của công ty và thỏa thuận với khách hàng. Ví dụ: các tính năng bảo mật có thể bao gồm mã hóa dữ liệu và giám sát truy cập dữ liệu ngoài các tính năng bảo mật hệ thống và mạng mà nhà cung cấp Cloud nên cung cấp. • Thay đổi cách quản lý. Việc chuyển đổi sang cơ sở hạ tầng Cloud nên kết hợp tất cả các nỗ lực đào tạo và quản lý thay đổi để đưa vào bất kỳ triển khai CNTT thành công nào ảnh hưởng đến quy trình kinh doanh và công việc của người dùng cuối. 4. NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC TRONG VIỆC SỬ DỤNG CLOUD CHO QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ Mặc dù Cloud có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi số, nhưng có một số vấn đề cần lưu ý: Thứ nhất là việc đầu tư cho Cloud, mặc dù cloud được đánh giá chi phí đầu tư ban đầu rẻ, tuy nhiên chi phí vận hành vẫn là cả một vấn đề. Với hạ tầng tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, được cập nhật liên tục các doanh nghiệp tổ chức phải dành một phần lợi nhuận hàng tháng để chi trả cho các hoá đơn sử dụng dịch vụ Cloud. Điều này có thể vấn đề cho một số doanh nghiệp, tổ chức nhỏ. Tuy nhiên các nền tảng Cloud như Google, Amazone Web Service, hoặc Microsoft Azure luôn có các gói sử dụng thử nghiệm hoặc hỗ trợ cho các tổ chức nghiên cứu, giáo dục, y tế, khởi nghiệp. Thứ hai là việc cập nhật công nghệ, sự phát triển công nghệ được đẩy nhanh. Điều này chắc chắn gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức khi kiến thức của nhân viên của đã lỗi thời, hoặc không có kiến thức căn bản về Cloud. Công nghệ Cloud là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất thế giới, khiến việc theo kịp là vô cùng khó khăn. Các tổ chức nên có một lộ trình chuyển đổi, việc ứng dụng cần theo từng bước đồng thời có kế hoạch đào tạo phụ hợp. Thứ ba là vấn đề về bảo mật, đặc biệt khi thiết kế và bảo mật Cloud kết hợp (Hybird) - Với tất cả các máy chủ của trên Cloud, tổ chức được hưởng lợi từ tính năng bảo mật mạng được tích hợp sẵn thông qua nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, khi tồn tại những kết nối giữa hạ tầng CNTT với nền tảng Cloud thì sẽ luôn tồn tại những vấn đề về bảo mật. Một điều hiển nhiên có thể thấy được đó là tính bảo mật của toàn bộ hệ thống chỉ mạnh bằng liên kết yếu nhất và liên kết này tạo ra một điểm xâm nhập khác cho những kẻ tấn công. Một trong những giải pháp cho vấn đề này là sử dụng mạng riêng ảo đám mây (Virtual Private Cloud - VPC) kết hợp sử dụng mạng riêng ảo VPN cấp doanh nghiệp. Ngoài ra người quản trị nên sử dụng nguyên tắc đặc quyền ít nhất bằng cách sử dụng quản lý truy cập danh tính (IAM).
  8. 132 Bên cạnh những vấn đề nổi bật như trên, việc ứng dụng Cloud trong quá trình chuyển đổi số còn mang đến nhiều khó khăn khác khi mô hình hoạt động thay đổi, điều này đòi hỏi sự nhất trí và quyết tâm cao của đội ngũ lãnh đạo, đồng thời sự đồng lòng hướng tới mục tiêu chung của mỗi cá nhân trong tổ chức. (Al-Ruithe et al., 2018) (Clohessy et al., 2017) 5. KẾT LUẬN Chuyển đổi số từng là một mục tiêu xa để giúp các doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh, nhưng ngày nay nó trở lên thực tế hơn với nhiều nền tảng sẵn có trong đó đặc biệt là sự hỗ trợ của các công nghệ đám mây (Cloud). Mặc dù còn tồn tại một vài khó khăn thử thách nhưng Cloud đã nhanh chóng trở thành một công cụ thay đổi cuộc chơi quan trọng trong nền công nghiệp 4.0. Các doanh nghiệp nên sử dụng Cloud như một yếu tố thúc đẩy chuyển đổi số và một nguồn lực cho sự tăng trưởng và đổi mới. TÀI LIỆU THAM KHẢO Al-Ruithe, M., Benkhelifa, E., & Hameed, K. (2018). Key issues for embracing the Cloud Computing to adopt a digital transformation: A study of Saudi public sector. Procedia computer science, 130, 1037-1043. Clohessy, T., Acton, T., & Morgan, L. (2017). The impact of cloud-based digital transformation on IT service providers: evidence from focus groups. International Journal of Cloud Applications and Computing (IJCAC), 7(4), 1-19. Hess, T., Matt, C., Benlian, A., & Wiesböck, F. (2016). Options for formulating a digital transformation strategy. MIS Quarterly Executive, 15(2). Minh Khương, V. (2019). Doanh nghiệp Việt Nam trước công cuộc chuyển đổi số: Thấu hiểu xu thế toàn cầu và nâng tầm tư duy chiến lược. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam(11A), 44. Ustundag, A., & Cevikcan, E. (2017). Industry 4.0: managing the digital transformation: Springer. Vial, G. (2019). Understanding digital transformation: A review and a research agenda. The Journal of Strategic Information Systems, 28(2), 118-144.
nguon tai.lieu . vn