Xem mẫu

  1. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN | 12/2019 DIỄN NGÔN LỊCH SỬ TRONG TIỂU THUYẾT MƯA ĐỎ CỦA CHU LAI NHÌN TỪ NHÂN VẬT LỊCH SỬ PHẠM LÊ HUỲNH ANH*, LƯU BẢO NGỌC Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế * Email: phamlehuynhanh149@gmail.com Tóm tắt: Trong địa hạt văn chương, tiểu thuyết lịch sử bao giờ cũng đóng một vai trò thiết yếu, được định danh như một góc nhìn đa chiều của quá khứ. Với Chu Lai, những cuốn tiểu thuyết lịch sử ra đời là kết quả của một quá trình hoài thai đầy gian nan và cẩn trọng. Trên tinh thần đó, “Mưa đỏ” được đánh giá là sự phối kết hài hòa của những thành tố ở cả khía cạnh văn chương lẫn lịch sử mà nổi bật hơn hết vẫn nằm ở góc nhìn nhân vật lịch sử. Dưới đôi mắt của một người từng trải qua những trận mạc cam go, Chu Lai đã phân tách và giải mã hệ thống nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết “Mưa đỏ” dựa trên những biểu hiện tâm lí, tính cách, bản năng vốn có của con người. Thông qua các nhân vật này, Chu Lại đã kiến tạo diễn ngôn lịch sử trong văn học với cảm quan mới, ý niệm mới. Từ khóa: Diễn ngôn lịch sử, nhân vật lịch sử, Mưa đỏ, Chu Lai. 1. MỞ ĐẦU Diễn ngôn, diễn ngôn trong văn học là vấn đề phức tạp đã nhận được sự quan tâm từ sớm của các nhà nghiên cứu. Nhờ đó, khái niệm diễn ngôn nói chung, diễn ngôn về con người, văn hóa, chính trị, lịch sử, thân thể, tính dục... nói riêng đã được chú trọng tìm tòi, đào sâu, khai phá trong bối cảnh văn học hiện đại, là cơ hội để người cầm bút có điều kiện mở rộng tầm nhìn, khả năng tư duy, tiếp thu tinh hoa văn hóa/ văn học và lí luận nước ngoài để làm giàu trí tuệ và khai phóng sức sáng tạo của mình. Giữa muôn vàn lực hấp dẫn của các hệ hình diễn ngôn, vấn đề diễn ngôn lịch sử trong các tiểu thuyết lịch sử luôn hứa hẹn sẽ mở ra nhiều chiều kích lí giải và khám phá từ nhiều góc độ, đem đến cho độc giả những trải nghiệm lí thú. Đó cũng là phương thức tiếp cận văn học từ cách tiếp cận liên ngành, đi sâu vào việc khám phá những định tính của lịch sử, những định chế của thời đại được phản ánh qua tiếng nói văn chương. Mỗi cuốn tiểu thuyết lịch sử ra đời là mỗi sự nghiêm túc trong cách nhìn nhận về lịch sử, trong nhận thức muốn tìm ra các giá trị và chân lý của quá khứ một cách sâu sắc, toàn diện; để đem đến thế giới hiện tại những câu chuyện chân thực nhất, chính xác nhất; đồng thời mở hướng khai sáng cho tương lai. Nghiên cứu về diễn ngôn lịch sử trong thể loại tiểu thuyết không chỉ xuất phát từ yếu tố không - thời gian lịch sử, dưới góc độ biểu tượng hay điểm nhìn trần thuật, mà hệ thống nhân vật lịch sử với những bản năng nội tại, những tính cách tái sinh, những tâm lý biến đổi, những góc khuất số phận luôn là vấn đề bức thiết cho những ai quan tâm đến mảng đề tài này. Có thể thấy rằng, khái niệm diễn ngôn lịch sử ngày càng ưu ái nhận được những sự quan tâm, nghiên cứu của các học giả. Khác với mục đích tìm về bản nguyên vốn có của lịch sử, diễn ngôn lịch sử trong văn học là sự nhìn nhận và đánh giá lịch sử dựa trên yếu tố cảm quan con người. Trong bài viết “Những hình thái diễn ngôn mới trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau đổi mới”, Nguyễn Văn Hùng đã chỉ ra bản chất của nghiên cứu diễn ngôn lịch sử nhằm nhận thức được rằng: “Không có một thứ chân lí lịch sử duy nhất, không có một diễn ngôn thống trị, trung tâm, mà chỉ có lịch sử trong cảm nhận, hình dung chủ quan của cá nhân nhà văn, và sự tồn tại đa dạng, bình đẳng của các diễn ngôn về lịch sử. [...] Văn học đã đi đúng vào bản chất, khám phá lịch sử, văn hóa và con người ở tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp, ý thức và vô thức, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường” [1]. 3
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKH 2019 Quá trình nhìn nhận và đánh giá lịch sử dựa trên yếu tố cảm quan con người luôn đem lại những trải nghiệm mới lạ, những góc độ khác nhau, những chiều kích đa dạng cho độc giả tiếp nhận. Có lẽ vậy mà thể loại tiểu thuyết lịch sử ở địa hạt văn chương luôn chiếm lĩnh một vị trí độc tôn trong lòng khán giả. Giữa những sự sinh sôi nảy nở của thể loại tiểu thuyết này, Chu Lai hiện lên với dáng hình của người lính cầm bút. Bằng tất cả những chiêm nghiệm, suy ngẫm trong tâm thức của một người từng trải, Chu Lai đã “sinh” ra cho cuộc đời những “đứa con tiểu thuyết” thấm đẫm giá trị nhân sinh. Từ việc khám phá vấn đề diễn ngôn lịch sử trong “Mưa đỏ”, chúng tôi đi sâu vào tìm hiểu quá trình kiến tạo diễn ngôn lịch sử của Chu Lai đặt dưới góc nhìn hệ thống nhân vật. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi khảo sát và phân tích các kiểu nhân vật lịch sử mà nhà văn Chu Lai đã phác họa trên nhiều bình diện khác nhau: Nhân vật lịch sử với hoài bão lý tưởng, nhân vật lịch sử với sự chấn thương tâm lý, nhân vật lịch sử với sự chuyển biến tính cách, nhân vật lịch sử từ góc nhìn phản diện. 2. NỘI DUNG Văn học là hình thái ý thức xã hội đặc thù, là một loại hình nghệ thuật của sự tinh vi, thâm thúy nhằm thâm nhập và khám phá thế giới tâm hồn con người. Văn học có thể hiểu và cắt nghĩa những khía cạnh khác nhau của con người một cách duy lý – điều mà các bộ môn khoa học khác khó có thể giải thích được. Tìm hiểu và khám phá về con người trong văn học cũng là cách đào sâu khai thác những tính cách, số phận, cuộc đời của nhân vật. Trong công trình “Lý luận văn học”, tác giả Phương Lựu đã cho rằng: “Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong tác phẩm. Chức năng của văn học là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao và kỳ vọng về con người. Nhà văn sáng tạo ra nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và thể hiện quan điểm về các cá nhân đó. Nói cách khác, nhân vật là phương tiện khái quát các tính cách, số phận con người và các quan điểm về chúng” [2; tr.277]. Trên cơ sở tìm hiểu các vấn đề xoay quanh nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết “Mưa đỏ”, chúng tôi sẽ tiến hành đi sâu vào phân tích các kiểu nhân vật dưới nhiều góc nhìn khác nhau, đó cũng là phương thức duy nhất truyền đạt nội dung tác phẩm, thể hiện thế giới tư tưởng, tình cảm và lý tưởng của nhà văn. “Mưa đỏ” là cuốn tiểu thuyết thoát thai từ những trải nghiệm chân thực, xúc động của nhà văn Chu Lai trong những năm tháng chiến tranh đau thương. Tác phẩm là sự phối kết hài hòa giữa các cung bậc cảm xúc của những người lính chiến đấu bảo vệ Thành Cổ. Bảy con người trong một tiểu đội là bảy tính cách, bảy số phận, bảy tâm trạng, bảy nỗi niềm, bảy điểm xuất phát cùng tụ hội về đây có nhiệm vụ trấn giữ một góc Thành Cổ. Họ là sinh viên, là kỹ sư, là thợ thuyền, là nông dân, là tiểu tư sản, người thơ ngây người dạn dầy, người mềm mại người trực tính, người dao động người can tràng, người mộng mơ người thực tế. Nhưng 81 ngày đêm khốc liệt đã gắn kết họ thành một gia đình, một pháo đài bất khả xâm phạm, để rồi đến ngày cuối cùng, từng người từng người một đã lặng lẽ ra đi vào lòng đất vĩnh hằng. 2.1. Nhân vật lịch sử với hoài bão lý tưởng Chiến tranh chưa bao giờ là một mỹ từ đối với nhân loại. Sự chết chóc, tang thương, đau đớn, thù hằn, man rợ... luôn là những sắc thái dễ thấy và dễ hiểu ở bất cứ một thể thức chiến đấu nào. Tuy nhiên, giữa những trận đồ bát quái của một cuộc đấu sức đầy cam go khốc liệt, đâu đó vẫn ẩn tàng những con người với ánh sáng lý tưởng huyền nhiệm. Mặc dù mục đích của mỗi người khi chạm chân vào vòng tuyến đẫm máu này là khác nhau, nhưng điều lớn lao nhất xuất phát từ bản ngã của họ vẫn là lý tưởng – những lý tưởng cao đẹp cả ở phía ta lẫn phía địch, cả phía bên này hay bên kia. Đã là con người thì ai cũng phải mang trong mình những khát khao, những ham muốn rực lửa giành lấy phần thắng lợi trong bất cứ một cuộc tranh tài nào. Và ở ranh giới của cuộc 4
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN | 12/2019 chiến tranh, hiển nhiên niềm khao khát ấy sẽ được thổi phồng hơn nữa nhờ vào tinh thần tự tôn dân tộc, lòng quyết chiến quyết thắng để chiếm lĩnh thế thượng phong trong vòng vây chính trị. Với ý chí hào hùng ấy, bảy con người trong tiểu đội với những tính cách và nỗi niềm khác nhau đã tạo nên một khúc ca bi tráng cho bản hùng ca “Mưa đỏ”. Đó là tiểu đội trưởng Tạ, là chàng sinh viên học viện âm nhạc tên Cường, là tiểu đội phó Sen, là Bình vẩu, là Hải gù, là Tú và Tấn với tuổi đời vô cùng ngây ngô, non nớt. Những mảnh ghép số phận đã hòa lại làm một, đã cùng nhau vẽ nên một bức tranh với nhiều gam màu cảm xúc, lưu đọng những giá trị sâu sắc trong khoảng thời gian 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị. Bức tranh ấy là hiện sinh của sự sống, của nhân chứng sống, của những lý tưởng sống vẫn còn tồn nguyên suốt bao nhiêu năm qua. Chu Lai đã phác họa nguyên mẫu tầm vóc lý tưởng cao đẹp từ hình ảnh nhân vật Tạ - “tiểu đội trưởng i nốc, tám năm không lên nổi một cấp, nông dân trăm phần dầu, văn hóa lèng phèng”. [3; tr.45] Chất mộc mạc, chân quê như thấm đẫm vào sâu trong tâm hồn của người tiểu đội trưởng bộc chẹt, bỗ bã. Tạ xung phong gia nhập chiến tuyến trong cái mong muốn khiến con mình phải tự hào vì bố nó là một người lính anh dũng. Ở Tạ có cái nét điềm nhiên, thẳng đuột làm thế giới tinh thần và những biến chuyển xung đột nội tâm của nhân vật này cũng nhẹ nhàng hơn. Vốn không phải là nhân vật trung tâm trong tác phẩm, nhưng Tạ có sự kết dính các chuỗi nhân vật khác lại với nhau. Với vai trò là một người tiền bối, một người anh, thậm chí như một người cha luôn lo lắng quan tâm đến những góc khuất đời tư, những biến động tâm lý của các thành viên trong tiểu đội của mình, Tạ là hiện sinh của một người anh hùng lý tưởng – anh hùng trong những trận đánh gian lao, luôn cầm đầu và chỉ huy tiểu đội một cách tháo vát, biết nhận sai và sửa lỗi, “bất sỉ hạ vấn”; và còn anh hùng trong tính cách cương thường, trong cái chính trực mà một người lính cần phải có: “có lần tao đã cho thằng cha xã đội trưởng chỗ đóng quân một cái bạt tai vẹo mặt vì dám tòm tem với vợ của một cậu đi B, thế là đang thượng sĩ tụt xuống trung sĩ, tức nhưng không tiếc” [3; tr.170]. Xuyên suốt tác phẩm, chất lính uy hùng trong con người Tạ luôn trỗi dậy một cách mạnh mẽ, điều này không chỉ xuất phát từ lý tưởng to lớn mà bản thân Tạ đang theo đuổi, mà nó còn thể hiện ở tinh thần đồng đội, sự đồng cảm và thấu hiểu, sự san sẻ yêu thương lẫn nhau trong hoàn cảnh khốn cùng, trong lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết nơi chiến trận ác liệt. Với chàng sinh viên học viện âm nhạc tên Cường, chất lý tưởng trong con người anh bừng sáng qua rất nhiều lần thử thách giữa cái tôi can đảm với cái tôi đớn hèn. Chấp nhận rời xa mẹ và bị người yêu từ bỏ bởi “anh gàn, anh chơi trội, anh thích biểu diễn lòng yêu nước, biểu diễn chí nam nhi” [3; tr.20,21]. Đứng giữa hai sự lựa chọn đầy khó khăn ấy, Cường vẫn kiên quyết ra đi bởi “cách sống của anh không phải do anh chọn mà hình như lịch sử nước mình, con người nước mình nó thế, có muốn làm khác cũng không được” [3; tr.21]. Anh nghe theo những thanh âm của Tổ Quốc vẫy gọi, anh gạt bỏ những vui buồn cá nhân để lo liệu cho đất nước trong những năm tháng cơ hàn. Lý tưởng làm nên người anh hùng, và anh hùng làm nên lịch sử đất nước. Cường đã sống và chiến đấu cùng với lý tưởng vĩ đại, với suy nghĩ và tiềm thức trong bản ngã của một anh hùng chân chính. Thậm chí, khi anh đã thực sự bước chân vào trận mạc sinh tử ấy, vị Tổng Tư lệnh vẫn cho anh một cơ hội từ bỏ, một con đường lùi về sau để không phải giao phó mạng sống của mình cho cái dạ dày “chiến tranh” lúc nào cũng đói khát. Tuy nhiên, tinh thần và ý chí của một người lính thực thụ đã không quật ngã được anh, không khiến anh mềm lòng bởi những sự ưu ái như vậy. Cường luôn tự nhận thức được giá trị chân thực của lý tưởng, điều đó khiến anh không dễ dàng thỏa hiệp với những yêu cầu mang tính chất “đê hèn”. Ít nhất trong cuộc chiến này, thứ mà Cường có được là khí chất của một người anh hùng thực thụ - cái khí chất sáng lòa khiến Quang không thôi nghĩ về. Ít nhất, Cường cũng đã sống và chết như ước nguyện của anh, như sự quả cảm cương thường mà không phải ai là lính cũng có thể có được. Hình ảnh của Cường là biểu tượng của những nguyên lý cao đẹp, là 5
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKH 2019 đại diện cho những con người xem nhẹ cái chết, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ giá trị toàn năng của tự do, hòa bình và hạnh phúc. Khác với Tạ hay Cường, khác với những người lính hào hùng trong trận chiến Thành Cổ, Quang là nhân vật đại diện cho phía bên kia – nơi được cho là nguồn cơn, là căn nguyên khơi mào cuộc chiến. “Con người khi sinh ra có ba điều không chọn được là mẹ, quê hương và chiến tuyến”, Quang đã sống và hết lòng phục vụ cho quyền năng của địch. Đó cũng là một loại lý tưởng, dù cho lý tưởng ấy được xuất phát từ những điều phi nghĩa trong quy luật cuộc đời. Không ai hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu trong chiến tranh, cũng không bên nào hoàn toàn thắng lợi hay thua cuộc sau khi kết thúc. Điều duy nhất chúng ta thấy được là lý tưởng nằm ở mỗi người – họ đã sống và cống hiến, thậm chí đã hy sinh như thế nào để bảo vệ những giá trị mà họ hằng theo đuổi. Tạo hình nhân vật Quang trong “Mưa đỏ” được Chu Lai chấm phá với những nét tính cách, bản năng và tâm lý của một con người lưỡng diện. Xuyên suốt tác phẩm, độc giả dễ dàng nhận thấy ý chí quyết tâm của Quang khi muốn giết sạch những người lính bảo vệ Thành Cổ. Quang là điển hình của những tên giặc khát máu, nuôi lý tưởng “cao đẹp” bằng cách xâm lăng và bành trướng để phục vụ cho cái mưu đồ chính trị thối nát kia. Tuy nhiên, đó chỉ là những sắc thái nằm trong phạm vi trận mạc. Bước ra khỏi phạm vi ấy, Quang gột rửa hình ảnh của một kẻ “man rợ”, trở về tâm thức của một con người có lòng thương, ít nhất là đối với người dân vô tội: “Tiên sư bọn Mẽo! Chúng mày lòi tròng hả? Đạn rơi hết vào đầu dân rồi! Chuyển làn sang phải đi!”[3; tr.56]. Thậm chí trong cơn say, Quang cũng tự hạ mình đem lòng ngưỡng mộ, khâm phục những “kẻ địch phía bên kia” – những con người với phong thái oai hùng, gan dạ đã khiến Quang không thể nào dứt bỏ suy nghĩ: “Cậu thấy cái đầu tôi kỳ cục không? Khi tôn vinh tôi là một sĩ quan hắc báo có tư tưởng chống Cộng khét tiếng nhưng họ đâu có biết rằng, ít nhất hai người phía bên kia đã khiến tôi ám ảnh, thậm chí cảm phục và ... yêu thương” [3; tr.178]. Ở Quang có một sự minh bạch trong lý tưởng, rạch ròi trong ý niệm. Không phải lúc nào đối phương cũng xứng đáng nhận lại những điều cực đoan và miệt thị, không phải lúc nào đồng đội mình cũng toàn những người cao đẹp. Quang đã sống và chiến đấu hết lòng cho lý tưởng mà mình mang theo, trong cái bản năng thích thử thách, thích chiến đấu, dám thể hiện bản thân mình trên trận chiến một mất một còn. Dù là phía ta hay phía địch, dù là bên này hay bên kia, khi đã lựa chọn cho mình một chiến tuyến nhất định thì các nhân vật luôn hết lòng phục vụ cho cái gọi là “lý tưởng”. Lý tưởng có thể sai trong mắt người này, nhưng là giá trị chân chính trong quan điểm của người khác. Suy cho cùng, Chu Lai đã cởi trói cho tâm thức người đọc, mở ra một cách nhìn hoàn toàn khác khi tiếp cận từng nhân vật trong tác phẩm. Ở “Mưa đỏ” không còn tồn tại lý tưởng tuyệt đối, mà điều còn lại sau tất cả là giá trị tuyệt đối của con người. Quá khứ hay hiện tại, lịch sử hay văn chương, dẫu ở bất cứ khía cạnh nào cũng luôn cần có ánh sáng lý tưởng, con người lý tưởng. Việc xây dựng kiểu nhân vật lý tưởng trong “Mưa đỏ” đã khắc họa sâu sắc những ý niệm của nhà văn Chu Lai trong quá trình phục dựng con người và lịch sử. Ở đó, Chu Lai đã nhìn nhận và tái tạo lịch sử bằng đôi mắt thẩm mỹ đa chiều của mình, đem đến cho độc giả một cảm quan mới trong hình dung về dáng vẻ anh hùng của người lính đi từ những trận chiến chân thực vào tác phẩm văn chương. Đồng thời, nhà văn cũng đã sâu kín gửi gắm vào tác phẩm cách nhìn nhận của riêng mình, tái hiện diễn ngôn lịch sử thông qua kiểu nhân vật lý tưởng từ góc nhìn của sự diễn giải, của số phận và mục đích của mỗi cá nhân. 2.2. Nhân vật lịch sử với sự chấn thương tâm lý Hầu hết các nhân vật trong tác phẩm của Chu Lai đều là những nhân vật được tái hiện từ góc nhìn tâm lý. Nhà văn đi sâu vào khám phá, mổ xẻ những chiều kích tâm lý khác nhau nhằm 6
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN | 12/2019 lý giải cho hành động của chính nhân vật đó. Và hiển nhiên, đời sống nội tâm của các nhân vật cũng được biến động không ngừng, tạo nên một thế giới bên trong con người đa chiều, đa sắc. Ở “Mưa đỏ”, Chu Lai không chỉ đào sâu vào góc khuất tâm lý của các nhân vật mà ông còn truy nguyên quá khứ, tìm ra cội nguồn làm nên những chấn thương tâm lý nghiêm trọng. Cuốn tiểu thuyết đã khiến cho bất cứ ai trong số chúng ta cũng có cảm giác “chưng đọng tâm hồn”. Sự tài tình trong cách miêu tả tâm lý nhân vật của Chu Lai đã chạm đáy nỗi đau của nhiều người, chạm đến những vấn đề nhạy cảm nhất nhưng chân thực nhất. Đó là khi người đọc tình cờ biết được thế giới nội tâm phức tạp của Bình vẩu hay Hải gù trong những đêm chiến tranh khó ngủ. Họ đem câu chuyện cuộc đời mình để tâm sự, họ thản nhiên trải dài những kí ức không mấy vui tươi vào màn đêm hoang lạnh, trong cái thời khắc mà họ thấy cô đơn nhất, nhung nhớ nhất và bất lực nhất. Quá khứ của mỗi nhân vật dần hiện ra, phần nào cởi bỏ những lớp xiêm y can trường, cứng nhắc của một người anh hùng trên mặt trận. Thực chất, họ cũng chỉ là nạn nhân của những nỗi đau tinh thần, của những ẩn ức tâm lý không thể nào xóa nhòa được. Mà có lẽ, nếu phải vùi mình vào chiến trận đến ngạt thở, những kí ức đó cũng khó có thể rời khỏi tâm can. Nỗi lòng khó nói của Hải gù được bộc lộ trong một lần tâm sự với Cường. Khi anh nhất quyết không chấp thuận yêu cầu của Trung đoàn điều lên Ban tác chiến. Với Hải, được ở lại cùng với anh em không chỉ bởi vì tinh thần đồng đội, mà sâu xa ngọn ngành lại xuất phát từ mong muốn “rửa lý lịch” – lý do duy nhất thúc đẩy anh bước vào vòng tuyến đẫm máu này. Trong cái khốn cùng của một gia đình có tất cả nhưng không có tấm bằng liệt sĩ, Hải chấp nhận ra đi, để tìm lấy một cái chết, một sự hy sinh trên danh nghĩa liệt sĩ nhằm cứu rỗi cơn an nguy của gia đình. Nhưng khi thực sự đối mặt với cái chết, anh lại cảm thấy những mục đích trước đây quá đỗi tầm thường: “Rửa lý lịch ư? Sao lại phải rửa? Mà có cần phải rửa chăng nữa thì trước hết là rửa danh dự, rửa lòng tự trọng trước thế lực thù địch, trước tà khí đang hiện diện trước mặt kia” [3; tr.322]. Có lẽ, chính những sự khắc nghiệt và hoang tàn trong chiến tranh, chính cái vòng tròn sinh tử cứ lặp đi lặp lại, chính những buồn vui mất mát đến tột cùng trong những ngày vừa qua đủ khiến Hải nhận ra cái gì mới thực sự thiêng liêng, ý nghĩa. Và trước thời khắc có được tấm bằng liệt sĩ đặt lên bàn thờ cho bằng với người ta, Hải cũng đã không còn quan trọng quá nhiều đến nó nữa. Anh đã sống và chiến đấu như một người lính đầy nghĩa khí. Đến lúc chết, người lính ấy, không phải rửa, mà đã “hóa” đi lý lịch, quá khứ buồn đau của mình bằng một ngọn lửa tự tôn, anh hùng như thế. Rẽ vào thế giới nội tâm của Bình, đó không chỉ là niềm đau, mà còn là một sự nhục nhã, khủng khiếp hằn sâu trong tâm thức của chàng thanh niên mười chín tuổi. Thời đó, cái nghèo đeo bám anh, khiến anh phải lún sâu vào con đường “tội lỗi”, trong mối quan hệ yêu đương trụy lạc cùng người đàn bà giàu có“hơn anh gần hai chục tuổi đã ly dị chồng nhưng còn đẹp, còn mỡ màng” [3; tr.164]. Dù thoát nghèo, nhưng dần dà anh trở nên sợ hãi. Và cũng từ những đêm truy hoan mang tính tra tấn ấy, Bình mất ngủ, tâm lý của anh ngày càng khủng hoảng và nặng nề hơn. Đỉnh điểm của sự chấn thương là khi anh nhận lại những câu nói táng tận lương tâm, độc địa và nhầy nhụa phun ra từ miệng của người đàn bà đã từng một thời ân ái. Trong sự nhục nhã đến vô tận, trong những vết thương tinh thần ngày càng lớn, Bình quyết định ra đi theo lệnh tổng động viên – ra đi như một kẻ trốn chạy quá khứ, như một sự cứu rỗi cuối cùng sau ngần ấy nỗi đau mà anh gánh chịu. Cả Bình vẩu và Hải gù là minh chứng hiện sinh cho một đời sống nội tâm dai dẳng nhưng phức tạp, bởi những tâm lý bị ảnh hưởng tiêu cực và chấn thương sâu sắc. Quá rõ ràng, Chu Lai đã mở ra trước mắt chúng ta những góc khuất của đời lính, đi từ thực tiễn đời sống vào văn chương. Những góc khuất ấy là khía cạnh thăm thẳm nhất, đau thương nhất, nhưng không kém phần chân thật nhất của một kiếp người. 7
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKH 2019 Phục dựng tâm lý con người với những nỗi đau và bi kịch vốn đã là một thử thách. Tuy nhiên, Chu Lai đã vượt ra khỏi ranh giới của thử thách ấy khi ông đã toàn vẹn gửi gắm tất cả những tâm tình, những góc khuất, đời tư và số phận của người lính từ hiện thực vào văn chương. Nhờ vào kiểu nhân vật với sự chấn thương tâm lý, độc giả bất giác nhận ra những hiện thực trái ngang, bất hạnh và vô vàn cảm xúc trong phạm vi chiến trận – điều mà hiếm khi thấy được rõ nét ở một ấn phẩm văn chương nào. Thông qua đó, Chu Lai đã góp phần kiến tạo diễn ngôn lịch sử đi từ góc nhìn của những chấn thương tâm lý và bi kịch, của số phận con người, của những nỗi đau đời lính mãi mãi còn nguyên vẹn. 2.3. Nhân vật lịch sử với sự chuyển biến tính cách Tính cách là một đặc thù riêng biệt của mỗi nhân vật được nhà văn ưu ái xây dựng và tạo lập một khoảng trống để phát triển. Nhân vật tính cách là “một kiểu nhân vật phức tạp được miêu tả trong tác phẩm như một nhân cách, một cá nhân có tính nổi bật” [4; tr.232]. Tuy nhiên với “Mưa đỏ”, nhân vật của Chu Lai không chỉ dừng lại ở một đặc điểm tính cách nhất định, mà nó còn là sự dịch chuyển tính cách đi từ tốt đẹp về xấu xa, từ nghĩa khí đến đê hèn. Cũng có trường hợp, Chu Lai mặc nhiên cho nhân vật của mình phát triển tính cách theo chiều hướng tự thân, nghĩa là sau quá trình chịu ảnh hưởng và tác động từ những yếu tố bên ngoài, nhân vật ấy ngày càng biến đổi, rời xa những bản năng vốn có để trở thành một con người hoàn hảo hơn trong lý tưởng, trưởng thành hơn trong tinh thần. Trước hết, sự chuyển biến tính cách mang nghĩa tiêu cực, đi từ phẩm chất tốt đẹp về cái đớn hèn được biểu lộ rõ nhất qua nhân vật Sen. Ở Sen bộc lộ rõ sự khờ dại, cùng với “khoảng tối sâu thẳm” của lòng tham còn rơi rớt trong tâm hồn người lính sau tất cả những vinh quang hay chiến công lẫy lừng. Chu Lai đã đi sâu khám phá những ngóc ngách sâu kín bên trong nhân vật, và như một sự tình cờ có chủ ý, nhà văn khiến người đọc dần nhận ra một bức tranh chiến trận với đầy đủ các gam màu đại diện cho tư chất của đời lính. Bên cạnh những gam màu tươi sáng là biểu tượng của khí chất hiên ngang, sự dũng mãnh trí cường. Đâu đó vẫn ẩn tàng những gam màu tối tăm – gam màu của bi kịch, của sự khốn khổ, của những nhân cách xấu xa vẫn còn tồn đọng trong con người. Hình ảnh của Sen là một gam màu tăm tối như vậy! Ngay từ đầu, độc giả biết đến Sen như là nguyên mẫu của một lý tưởng chân chính. Từ việc chăm lo, giáo huấn, tôi luyện công tác tư tưởng cho anh em trong đội, đến những cách thức tiến công, những phương pháp đánh trận cũng được Sen vận dụng một cách thuần thục, phát huy tối đa vai trò của một tiểu đội phó can trường, là bức tường thành vững chắc cho lòng tin của đồng đội. Sen trong mắt mọi người là một cán bộ thích lí luận, nhưng những lí luận của anh xuất phát từ sự nhạy bén trong cách quan sát, từ tình yêu thương và lòng cảm thông bởi những thiếu thốn, những khó khăn trong không gian chiến trận. Khi đề cập đến thực trạng hôi của, Sen có sự phản kháng một cách mạnh mẽ: “Trong chiến đấu, hôi của là một hành vi không thể tha thứ được, nó làm tổn thương nghiêm trọng đến phẩm chất và nhuệ khí chiến đấu của người lính” [3; tr.130]. Ở Sen là sự nhất quán, nghiêm khắc về tư tưởng, về tính chất chính nghĩa của một người lính thực thụ. Nhưng thật đáng buồn khi tư cách đẹp đẽ ấy lại không thể kéo dài xuyên suốt tác phẩm. Trải qua nhiều trận chiến đẫm máu, cam go và ác liệt, sự ngay thẳng và chính trực của Sen dần dà bị thao túng bởi hiện thực chiến tranh phũ phàng. Nhân cách của anh trở nên tha hóa, con người của anh như bị hủy hoại. Sen bỗng nhiên điên rồ trong giả tưởng. Anh dần đánh mất đi những bản nguyên tốt đẹp, những chân lý mẫu mực trước đây của mình. Và trong sự lợi dụng cái điên rồ ảo giác ấy, Sen lại trở thành một người lính hôi của thực thụ. Những lon hộp, tiền bạc ngụy, đồng hồ, nhẫn xuyến, dây chuyền,... hiện ra như cái kết của một sự thật bẽ bàng. Cái kết của sự tha hóa. Cái kết vô nghĩa của lòng tham, của những góc khuất tăm tối trong chiến tranh. Cái kết của một kiếp người không còn sức gánh chịu sự tù túng, bất lực, không còn can đảm làm theo những chân lí sống, những giá trị sống như trước đây. 8
  7. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN | 12/2019 Tạm rời khỏi những biến chuyển tính cách mang hơi hướng tiêu cực, bất giác ta vẫn thấy được tình yêu và khát vọng của các nhân vật trong tác phẩm – là điểm tựa duy nhất để cải tạo con người. Nhân vật Tú xuất hiện khiến người đọc có niềm tin hơn trong quá trình tôi luyện và hoàn thiện bản thân. Vốn là một cậu bé chỉ mười sáu tuổi, chấp nhận khai gian để có thể hòa mình vào không khí của chiến trận. Tú được ví như một tượng đài của người anh hùng trẻ tuổi. Ở độ tuổi còn chưa thể định nghĩa được khái niệm sống – chết trong chiến tranh ác liệt như thế nào, nhưng sự gan dạ, can tràng đã khiến Tú dám bước chân vào vòng tuyến sinh tử, dám hòa mình vào những trận đánh khốc liệt. Tuy nhiên, vì cái bản năng trẻ con vẫn còn hiện diện trong mình, nên khi đợt pháo đầu tiên xuất hiện, “Tú hai tay bưng chặt lấy đầu, mỗi tiếng rít lại khiến cậu co rúm lại, mỗi tiếng nổ lại làm toàn thân cậu giật nảy lên” [3; tr.92], rồi “đôi mắt trẻ thơ của Tú cũng kinh hãi dán vào đó, hai mắt bạc phếch như muốn lồi ra, toàn thân tê dại như nửa đêm phải đứng trước một cái xác sống kinh dị” [3; tr.96]. Tú trốn chạy về đằng sau – không phải vì hèn mà là vì sự thật của chiến tranh quá khác xa so với những gì cậu tưởng tượng. Bản chất ngây thơ của một cậu bé mới trưởng thành dường như không thể lí giải nổi cho những sự thật hoang tàn, tang tóc ngay trước mắt. Nhưng có lẽ nhờ vào những trải nghiệm đầu tiên mang tính chất thử thách ấy, Tú đã lột xác thành một người lính thực thụ, đã trưởng thành và đủ nhận thức được thế nào là chiến tranh. Quá trình lột xác ấy đã khiến Tú trở nên anh hùng lúc nào không hay – một anh hùng với trái tim non nớt, ngây thơ; một anh hùng có đôi mắt nhìn đời thật hồn nhiên, tích cực; và là một anh hùng sẵn sàng lao lên che đỡ luồng đạn cho người đồng đội thân thương của mình. Sự hy sinh của Tú giữa dòng sông sâu hoẳm, hoang lạnh là một biểu tượng bất diệt của lòng can đảm. Không chỉ trở thành người lính thực thụ, cậu bé Tú non nớt ngày nào còn là minh chứng hùng hồn cho lòng yêu nước, tinh thần đồng đội thiêng liêng, cho những chân lý vĩnh hằng không điều gì có thể thay đổi. Năm mười sáu tuổi, Tú đã mãi mãi ra đi, biến vào hư vô giữa dòng Thạch Hãn... Xét cho đến cùng, những sự chuyển biến tính cách của nhân vật trong “Mưa đỏ” phần nào đặc tả những góc khuất đa chiều của chiến tranh. Độc giả tiếp nhận tác phẩm trên một tinh thần sáng suốt và công minh nhất, bởi “Mưa đỏ” là sự tổng hòa của những mặt tốt – xấu, thiện – ác khác nhau. Cũng có thể nói, việc xây dựng hình tượng nhân vật hoàn thiện/ khuyết lấp nhân cách cũng là một phương diện thể hiện sâu sắc dụng ý nhà văn. Ở đó, mỗi nhân vật sẽ tự soi xét mình, khám phá bản thân, tự đem đến cho người đọc một thế giới tinh thần đa dạng, góp phần thế hiện tư tưởng nhân văn của tác phẩm. 2.4. Nhân vật lịch sử từ góc nhìn phản diện Nói về khái niệm nhân vật phản diện trong văn học, từ điển Bách khoa toàn thư đã nhận định: “Nhân vật phản diện là một hiện tượng lịch sử, hay còn gọi là nhân vật tiêu cực, nhằm nói đến những người mang phẩm chất xấu xa, trái với đạo lý và lý tưởng của con người, được nhà văn miêu tả trong tác phẩm với thái độ chế giễu, lên án, phủ định” [5]. Nhân vật phản diện không còn là một kiểu nhân vật xa lạ trong sự tiếp cận các tác phẩm văn chương từ xưa đến nay. Tuy nhiên theo thời gian, những tính chất và đặc điểm quy định một nhân vật phản diện cũng có sự thay đổi. Với “Mưa đỏ”, nhân vật phản diện không hẳn là những người mang lý tưởng chiến tranh phi nghĩa, cũng không phải kiểu người cầm súng tàn diệt mạng sống của đối phương. Bởi như chúng tôi đã đề cập ở trên, không một ai hoàn toàn tốt đẹp trong cuộc chiến và cũng chẳng có bên nào hoàn toàn xấu xa sau chiến tranh. Vậy nên, với quan điểm của người nghiên cứu, nhân vật phản diện xuất hiện trong tiểu thuyết “Mưa đỏ” là “kiểu người chuyên dùng những mưu mô, toan tính của bản thân để làm hại người khác, bất kể người đó có là địch hay đồng đội của mình”. Theo hướng khai thác trên, người đọc dễ dàng bắt gặp hình ảnh của Toán phó Thái trong vai trò là một nhân vật phản diện đầy mưu đồ thâm hiểm. 9
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKH 2019 Toán phó Thái xuất hiện với tư cách là một tên lính dưới quyền của Quang. Ở Thái có sự dã tâm tàn sát mạng sống con người, cùng với những tính cách man rợ của một gã “khát máu”. Dường như chính sự bạo tàn của con quỷ không có lòng thương đã khiến Thái luôn rơi vào trạng thái ganh ghét, phục thù người chỉ huy tên Quang của mình. Sự góp mặt của Thái trong “Mưa đỏ” như một dụng ý của Chu Lai nhằm khắc họa rõ nét những mảnh ghép của các kiểu người có thật trong thời đại chiến tranh. Ở không gian sục sôi máu lửa ấy, không phải ai là đồng đội cũng có thể hoàn toàn đặt niềm tin lẫn nhau. Không phải ai là lính cũng một lòng trung thành phục vụ vị tướng của mình. Thái là minh chứng cho những con người phản diện. Bởi ngay từ đầu, động cơ của Thái và Quang là hoàn toàn khác nhau. Nếu Quang gia nhập vào vòng tròn sinh tử chỉ vì bản tính muốn thử thách, thì Thái là đại diện những con người thích danh dự, quyền lực và sự giàu có trong chiến tranh. Người đọc dễ dàng nhận ra ở Thái có một sự thèm khát, háo thắng trong mọi trận đánh. Và hiển nhiên, những sự toan tính thâm độc và háo thắng luôn nhận lại kết cục xứng tầm. Nhân vật Phan Thái là điển hình cho sự phản bội. Chính sự phản bội ấy đã kết liễu cuộc đời của hai con người đại diện cho hai lý tưởng khác nhau. Nòng súng của Thái rung lên, hướng thẳng vào Quang và Cường. Đó cũng là nòng súng của kẻ bất nhân, của những sự dã tâm khắc nghiệt. Ở phạm vi cuộc chiến, “có một kẻ thù can đảm còn hơn có một thằng bạn thấp hèn”. Và có lẽ nhờ vào sự thấp hèn này, độc giả mới có thể hiểu hết được thế nào là những đa diện trong tính cách con người. Chiến tranh muôn màu, lòng dạ muôn vẻ. Khó có thể đi hết thế giới của những sự đố kị hay lòng tham. Và giá như, nếu có thể dùng tình yêu thương để cảm hóa, thì con người đã không còn gánh chịu nhiều điều đớn đau đến thế! Không có trận chiến nào là tốt đẹp, cũng chẳng có con người nào là hoàn toàn xấu xa. Với Chu Lai, cái ranh giới giữa thiện và ác, giữa cao quý và thấp hèn, giữa chính diện và phản diện dường như trải ra đồng đều cho tất cả các bên. Phải chăng nhờ thế mà độc giả mới có cơ hội cảm nhận hết được những mặt tốt/ xấu của các nhân vật, định hình rõ hơn những quan niệm có thiên hướng sai lệch của mình. Với kiểu nhân vật phản diện, Chu Lai đã thể hiện rõ ràng một quan niệm hoàn toàn mới trong việc kiến tạo diễn ngôn nhân vật lịch sử: Dù là phía bên này hay bên kia, dù lý tưởng có chính nghĩa hay phi nghĩa, tuy nhiên, những con người với tâm tính xấu, với mưu đồ phản hại đồng đội, với lòng vị kỉ thấp hèn luôn xứng đáng nhận lại những kết cục bi thảm, bởi nhân cách là thứ ánh sáng duy nhất có thể duy trì niềm tin trên con đường mà ta đã chọn. Chu Lai đã vẽ ra một bức tranh đa diện về lòng tham con người, chân thật ở chiến trận lịch sử bao nhiêu thì soi chiếu vào trong văn học cũng sắc nét bấy nhiêu như thế! 3. KẾT LUẬN Từ những hướng tiếp cận vấn đề diễn ngôn lịch sử thông qua hệ thống nhân vật mà chúng tôi đã phân tích ở trên, Chu Lai đã giúp người đọc tìm ra được những bản nguyên con người trong lịch sử; tái hiện các góc khuất, đời tư, suy nghĩ, tính cách, nỗi niềm... của từng nhân vật dưới nhiều góc độ khác nhau. Góp phần kiến tạo và làm hoàn thiện hơn nữa lý thuyết diễn ngôn khi đem đối sánh với phạm vi của một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Khám phá thế giới nhân vật để đưa vào tác phẩm của mình, nhà văn đã thu nhỏ khoảng cách giữa khía cạnh lịch sử đến sự chi phối cách phê bình trong văn chương. Từ đó, nhà văn có thể tự tạo ra khoảng trống để người đọc có điều kiện chấp nhận cái nhìn đa nguyên, đa chiều về văn hóa và lịch sử. Nhờ việc nắm bắt tài tình cái vi mạch trong sự chuyển biến đa dạng các kiểu nhân vật lịch sử, Chu Lai đã mở ra trong thế giới người đọc những hướng tiếp cận khác nhau. Đồng thời, nhà văn đã ngầm khẳng định một nguyên lí bất di bất dịch trong quan niệm lý luận văn học hiện đại: Không có một chân lí lịch sử nào là hoàn toàn đúng, không có một hệ hình diễn ngôn lịch sử nào là hoàn toàn sai. Cái quan trọng đầu tiên và trước hết trong quan điểm tiếp nhận là phải xuất phát từ chủ 10
  9. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN | 12/2019 quan của con người. Diễn ngôn lịch sử cho phép độc giả sử dụng góc nhìn chủ quan, và chính góc nhìn đó sẽ tác động phần lớn đến quan điểm phê bình và luận giải tác phẩm. Các nhân vật trong tiểu thuyết “Mưa đỏ” đã dừng lại cuộc đời của họ, nhưng sự tiếp diễn trong tâm thức người đọc sẽ còn vang vọng mãi đến đời sau. Lịch sử vẫn còn, văn chương vẫn còn, và cái nhìn của độc giả đến mỗi nhân vật lịch sử sẽ mãi mãi nguyên vẹn như thế! TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Văn Hùng (2016). Những hình thái diễn ngôn mới trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau đổi mới, Tạp chí Sông Hương, số 326/4. [2] Phương Lựu (chủ biên) (2004). Lý luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. [3] Chu Lai (2018). Mưa đỏ, NXB Văn học, Hà Nội. [4] Tôn Phương Lan (2009). Nguyễn Minh Châu - Tác phẩm chọn lọc, NXB Giáo dục, Hà Nội. [5] Bách khoa toàn thư mở (2017). Nhân vật phản diện, 24/05/2017, https://tudienwiki.com/nhan- vat-phan-dien/. 11
nguon tai.lieu . vn