Xem mẫu

  1. Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA NGƯỜI SI LA - NGUỒN LỰC TRONG PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG VÀ BẢO TỒN BẢN SẮC VĂN HÓA TỘC NGƯỜI Phan Mạnh Dương Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Email: Duongvicas@gmail.com Tóm tắt: Phát triển cộng đồng và bảo tồn bản sắc tộc người đang được rất nhiều nhà khoa học ở những quốc gia đang phát triển quan tâm nghiên cứu. Di sản văn hóa phi vật thể giúp cho cộng đồng tận dụng được những nguồn lực sẵn có để phục vụ cho lợi ích của họ. Một trong những nguồn lực dồi dào đó chính là di sản văn hóa phi vật thể mà cộng đồng đang sở hữu thường bị lãng quên trong đời sống hiện tại. Bài viết này dựa trên trường hợp nghiên cứu cụ thể là di sản văn hóa phi vật thể của người Si La ở Việt Nam để chỉ ra rằng cách tốt nhất là để di sản văn hóa “được sống” trong chính cộng đồng và trở thành nguồn lực trong phát triển và bảo tồn bản sắc tộc người. Bài viết dựa trên cơ sở lý thuyết về phát triển cộng đồng và bản sắc văn hóa để thấy được di sản văn hóa phi vật thể của người Si La như một nguồn lực để phát triển cộng đồng và giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người trong phát triển đất nước hiện nay. Từ khóa: Di sản văn hóa, nguồn lực phát triển, bản sắc văn hóa, người Si La. 1. MỞ ĐẦU Ngày nay, di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đang được xem như là một nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển xã hội và giữ gìn bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Nhưng những nghiên cứu DSVHPVT như là nguồn lực trong phát triển cộng đồng chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức. Các nhà nghiên cứu về phát triển cộng đồng như Murray. G. Ross (1970), Jerry W. Robinson, Gary Paul Green (2011), Alan W. Barton, Theresa Selfa (2011), Nguyễn Thị Oanh (2000), Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang (2000), Phạm Huỳnh Thanh Vân (2006), Trần Quang Tiến (2010), Susan O. Keitumetse (2013) quan tâm đến nguồn lực giúp triển khai các kế hoạch phát triển trong cộng đồng song chưa có sự lưu tâm thỏa đáng đến nguồn lực di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể mặc dù nó luôn được khẳng định có vai trò rất lớn trong sự tồn tại và phát triển của một cộng đồng nhất định. Còn các nhà nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Nguyễn Quốc Hùng (2001, 2007), Đặng Văn Bài (2005, 2007), Nguyễn Chí Bền (2007), Lê Thị Minh Lý (2010), Nguyễn Văn Huy (2012), Lưu Trần Tiêu (2014) luôn khẳng định việc gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể hữu hiệu nhất là trong cộng đồng song chưa đề cập đến giá trị của di sản văn hóa phi vật thể như là nguồn lực trong phát triển cộng đồng. Còn những nghiên cứu về “bản sắc văn hóa” và “bản sắc văn hóa tộc người” đã được nhiều học giả bàn luận tới trong các diễn ngôn đa chiều về việc hiểu thế nào là bản sắc văn hóa, bản sắc văn hóa tộc người và sự thể hiện của nó như Steward Hall (1990), Keyes, Charles F (1995), Eriksen, Thomas H (2001), Phan Ngọc (2005), Trần Ngọc Thêm (2006), Jamieson (2010), Nguyễn Thị Hiền (2014), Nguyễn Văn Chính (2016). Dưới góc độ lý luận và thực tiễn, các công trình nghiên cứu trên đều tiếp cận phát triển cộng đồng và bản sắc văn hóa trên phương diện tổng thể, mà chưa đề cập đến các nguồn lực giúp cộng đồng phát triển về tài nguyên văn hóa nhân văn mà trong đó di sản văn hóa đóng một vai trò quan trọng. Đặng Văn Bài (2005) đã phát biểu rằng “chúng ta mới chỉ nhìn nhận di sản dưới góc độ là mục tiêu của phát triển xã hội mà chưa hiểu rõ và mạnh dạn khai thác di sản văn hóa với tư cách là động lực phát triển kinh tế - xã hội” (tr.28). Khoảng trống của những công trình nghiên cứu đi trước đặt ra nhiệm vụ cho nghiên cứu khoa học và công tác quản lý di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay là sự quan tâm thích đáng đến vấn đề mối quan hệ giữa phát huy di sản văn hóa phi vật thể và phát triển cộng đồng. Từ việc xác định được mối quan hệ giữa DSVHPVT và phát triển cộng đồng, Nhà nước mới xây dựng được quy trình đánh giá khả năng phát triển cộng đồng của DSVHPVT để lựa chọn di sản phù hợp nhất cho các dự án phát triển cộng đồng trong điều kiện thực tế. Đây chính là vấn đề thực tiễn của công tác quản lý di sản văn hóa đang đòi hỏi một cách cấp thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Qua những đợt điền dã nghiên cứu, quan sát tham dự lấy tư liệu tại cộng đồng tôi nhận thấy giá trị của DSVHPVT của tộc người Si La là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người. Bài viết kế thừa những nghiên cứu của các học giả đi trước, dựa trên trường hợp nghiên cứu cụ thể là DSVHPVT của người Si La ở Việt Nam, để chỉ ra rằng cách tốt nhất là để di sản văn hóa “được sống” trong chính cộng đồng là trở thành nguồn lực trong phát triển và
  2. Di sản văn hóa phi vật thể của người Si La - nguồn lực trong phát triển cộng đồng 385 và bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người trong phát triển đất nước hiện nay. Bởi DSVHPVT không chỉ giúp cho cộng đồng tận dụng được những nguồn lực sẵn có để phát triển đời sống văn hóa, mà còn là một trong những nguồn lực dồi dào để phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh đời sống đương đại. 2. DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA NGƯỜI SI LA Ở HUYỆN MƯỜNG TÈ, TỈNH LAI CHÂU 2.1. Di sản văn hóa phi vật thể - nguồn lực trong phát triển cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người Là một trong số các tộc người nói ngôn ngữ Tạng - Miến, người Si La ở Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau: Cù Dề Sừ, Khả Pẻ, Khờ Pướ, Pờ Mạ và Si La là tên gọi chính thức được nhà nước Việt Nam công nhận. Hiện nay, ở Việt Nam người Si La có hơn 900 người sinh sống chủ yếu ở xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (482 người) đứng thứ 50 trên 54 dân tộc, là 1 trong 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người 11. Người Si La sinh sống tập trung thành những bản nhỏ, lấy canh tác nương rẫy, hái lượm, chăn nuôi gia súc, gia cầm làm nguồn sống chính. Người Si La sống trong những ngôi nhà trệt hai gian, hai chái, gian chủ nhà được bố trí phía trong cửa gần gian thờ tổ tiên có bếp lửa thiêng với một cửa chính để ra vào. Trong xã hội Si La truyền thống, quan hệ dòng họ đóng vai trò quan trọng. Đứng đầu mỗi họ là trưởng họ có nhiệm vụ giữ bếp lửa thiêng và chăm lo việc thờ cúng cho cả dòng họ. Người Si La có một kho DSVHPVT độc đáo, mang đậm bản sắc tộc người có thể kể đến nghi lễ tra hạt (cà si le), lễ thu hoạch (có du mía lố), lễ mừng cơm mới (ồ mí khe ), lễ cúng vía gọi hồn, lễ lên nhà mới (ý đạ khệ), lễ cúng bản (Plạ khơ thú) và một loạt nghi lễ liên quan đến vòng đời người như: sinh đẻ, cưới xin và tang ma. Về văn học và diễn xướng dân gian dân tộc Si La có những câu chuyện cổ tích như Chàng mồ côi (Bu si me si ê dè), Chín dốt một khôn (Kỳ le Zhồ thừ le quẹ), Đổi cánh lấy lửa (à tố nẹ, mì dú phạ), Vì sao người Si La không có chữ (Pha bjọ mà xừ), cùng những làn điệu hát dân ca phong phú như: hát giao duyên (rề mì rề kho cha phụa), hát ru (rề mí i chì), hát đám cưới (rề mì khu), hát cầu mùa, hát về nguồn gốc dân tộc Si La, hát mừng năm mới, hát mừng nhà mới (í tư khe), những điệu múa dân gian như nhanh nhanh tay (nhăm nhăm pơ), múa vào mùa, múa cầu mùa. Hệ thống nhạc cụ của người Si La tiêu biểu có đàn bầu cán dài (tứ phề), đàn bầu cán ngắn (tứ phề là phu), đàn môi (dề phà), đàn nhị hai dây (tứ xi), sáo (là bí), trống (thồ phù), chiêng (kỳ khọ) được dùng nhiều trong các nghi thức tín ngưỡng và vui chơi giải trí. Đây là các yếu tố văn hóa phi vật thể tạo nên tính bền vững và bản sắc riêng cho cộng đồng tộc người Si La. Bên cạnh đó, các lễ hội dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, ẩm thực, trò chơi dân gian chính là nguồn lực tinh thần giúp cho cộng đồng tái tạo sức lao động sau những mùa vụ vất vả. Năm 2014 thực hiện chính sách di dân tái định cư thủy điện Lai Châu, người Si La di vén lên cao sát đường tỉnh lộ 217. Việc tái định cư có tác động không nhỏ đến toàn bộ đời sống của người Si La, trong đó có DSVHPVT. Những ngôi nhà tái định cư xây san sát làm mất đi các yếu tố truyền thống liên quan đến tập quán cư trú và tín ngưỡng dân gian. Văn hóa ẩm thực và trang phục truyền thống đã có những nét ảnh hưởng văn hóa của người Kinh. Những nghi lễ, lễ hội và nghệ thuật biểu diễn dân gian truyền thống ít được thực hành thường xuyên. Để di sản văn hóa phi vật thể của người Si La thực sự là nguồn lực để phát triển cộng đồng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện những chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT tiêu biểu của người Si La đang có nguy cơ mai một như: Truyền dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống và truyền dạy ca, vũ, nhạc dân gian dân tộc Si La tại bản Seo Hai năm 2010 do Quỹ trao đổi và phát triển văn hóa Đan Mạch - Việt Nam tài trợ; Tổng điều tra văn hóa phi vật thể dân tộc Si La, bảo tồn Lễ cúng cơm mới của người Si La ở Điện Biên năm 2012; sưu tầm, biên soạn giới thiệu ấn phẩm “Dân tộc Si La tỉnh Lai Châu” năm 2013; dự án “Bảo tồn lễ cúng bản của người Si La bản Sì Thau Chải năm 2014. Đây là những dự án hỗ trợ ban đầu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT của người Si La trong bối cảnh hiện nay. Bởi DSVHPVT có khả năng gắn kết các cá nhân trong xã hội, từ đó làm tăng tính cố kết cộng đồng xã hội, làm cho mỗi cá nhân cảm thấy mình là một phần của cộng đồng. Bên cạnh đó, DSVHPVT của người Si La đại diện cho bản sắc của tộc người, thể hiện được những nét đẹp riêng vốn có về văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng. Trong quá trình phát triển của kinh tế - xã hội sự tác động của nhiều yếu tố khiến cho địa vực cư trú bị phá vỡ, sinh kế thay đổi nhưng sự ăn sâu bám rễ của DSVHPVT và ý thức tộc người đã giúp cho cộng đồng người Si La vẫn giữ được nét văn hóa riêng của họ. Bởi các yếu tố văn hóa được coi là dấu hiệu nhận diện của mỗi tộc người cho nên các nhà quản lý, cộng đồng cần xem xét lựa chọn di sản văn hóa nào có thể trở thành nguồn lực phục vụ phát triển cộng đồng. “Cộng đồng” trong bài viết này được hiểu là “một tộc người cùng sinh sống trong một địa 11 Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019), Tổng điều tra Dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019: Tổ chức thực hiện và Kết quả sơ bộ, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
  3. 386 Phan Mạnh Dương vực nhất định, có cùng các giá trị và tổ chức xã hội nhất định và có chung những mối quan tâm cơ bản, nghĩa là cộng đồng có thể được biến đổi bởi quá trình vận động của lịch sử, làm cho các thành viên của cộng đồng cũng phải biến đổi nhận thức và hành vi” (Tô Duy Hợp & Lương Hồng Quang, 2000, tr. 15). Chúng tôi cho rằng thành phần chính tạo lập nên một cộng đồng tộc người gồm yếu tố địa vực, yếu tố kinh tế và yếu tố văn hóa. Trong đó, yếu tố văn hóa được coi là biểu thị có tính tổng hợp khi nhận biết cộng đồng, đặc biệt chú ý đến các khía cạnh như: truyền thống, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, hệ thống giá trị, chuẩn mực, phong tục tập quán giúp phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác, dân tộc này và dân tộc khác. Đặng Văn Bài (2007) phát biểu rằng “Đa dạng văn hóa được thể hiện không chỉ bằng những cách thức khác nhau, trong đó di sản văn hóa không những được thể hiện, bồi đắp và truyền tải qua nhiều thể loại biểu đạt văn hóa, mà còn được thể hiện bằng những cách thức sáng tạo nghệ thuật sản xuất, phổ biến, phân phối và hưởng thụ cho dù sử dụng bất cứ phương tiện và công nghệ nào (tr. 4). Chúng tôi cho rằng sự phát triển của cộng đồng dựa trên nền tảng của DSVHPVT sẽ duy trì được tính đa dạng như là “những công cụ chuyển tải bản sắc, các giá trị và ý nghĩa” và tính bền vững trong nguyên lý phát triển cộng đồng (UNESCO, 2005, tr. 4). Dựa trên triết lý tham dự của lý thuyết phát triển cộng đồng, lợi thế được đặt ra chính là lôi kéo nhiều nhất sự tham gia của cộng đồng để phục vụ lợi ích của chính họ. Khi đó, các bên liên quan cộng đồng chủ thể, nhà quản lý và các nhân tố xã hội khác nhất thiết phải coi di sản văn hóa là một nguồn lực. Bởi nguồn lực phục vụ cho sự phát triển được hiểu là tổng thể các yếu tố con người, thể chế và di sản trong gìn giữ, phát huy giá trị của di sản văn hóa được thực hiện theo quy luật khách quan. Đặng Văn Bài (2005) cho rằng: “do chưa nhận thức hết giá trị vật chất, lợi ích kinh tế mà di sản văn hóa có khả năng đưa lại, cho nên trong các dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa chúng ta chỉ xác định đầu ra của dự án về mặt tinh thần, hoặc bị ẩn dưới nguồn thu của ngành khác. Và do đó chúng ta chưa mạnh dạn đầu tư thỏa đáng cho các dự án để tạo ra những sản phẩm văn hóa có giá trị, đồng thời là một sản phẩm du lịch đặc thù có sức hút, hấp dẫn đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế” (tr. 28). Như vậy, việc coi DSVHPVT của người Si La là nguồn lực để phát triển cộng đồng là một xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển nói chung, trong công tác quản lý văn hóa nói riêng. Khi đưa DSVHPVT vào khai thác phục vụ phát triển cộng đồng, công tác quản lý văn hóa phải hướng đến các mục tiêu mà phát triển cộng đồng đặt ra như: tăng trưởng kinh tế, cải thiện điều kiện văn hóa, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc lựa chọn nguồn lực nào giúp mang lại hiệu quả cho phát triển cộng đồng lại không đơn giản. Dựa trên các tiêu chí phản ánh sự phát triển mà các công trình nghiên cứu về phát triển cộng đồng đưa ra, chúng tôi đề xuất quy trình đánh giá khả năng phát triển cộng đồng dựa vào nguồn lực DSVHPVT như sau: Việc nhận diện DSVHPVT như một nguồn lực phát triển cộng đồng được xem xét trên các tiêu chí đó là: DSVHPVT phải được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác; không ngừng được tái tạo và người thực hành di sản luôn ý thức về bản sắc và sự kế tục (Rieks Smeets; 2004). Sự phát triển của cộng đồng chỉ có thể đạt được khi có sự cải thiện về điều kiện kinh tế, điều kiện văn hóa, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Trong quá trình hình thành và phát triển, dân tộc Si La đã không ngừng sáng tạo và để lại kho tàng di sản văn hóa độc đáo và đa dạng. Đây là những kết tinh giá trị được trao truyền, kế thừa và tái tạo từ nhiều thế hệ cho tới ngày nay. Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể như nhà cửa, trang phục, kho tàng di sản văn hóa của người Si La còn bao gồm những DSVHPVT là những sản phẩm tinh thần là hạt nhân và những nguyên tố cơ bản, thể hiện sức sáng tạo, bản sắc văn hóa tộc người. Kho tàng DSVHPVT ngưng đọng những tri thức, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết, kho tàng văn học dân gian, các hình thức văn nghệ, ca, múa, nhạc truyền thống, diễn xướng dân gian, lễ hội, nghề thủ công, tri thức chữa bệnh dân gian, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống của người Si La, thể hiện thế ứng xử giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người. Dân tộc Si La sinh sống ở vùng núi cao, cuộc sống vật chất và tinh thần còn gặp nhiều khó khăn, văn hóa phi vật thể chính là “nguồn lực tại chỗ” để tiếp sức cho cuộc sống cộng đồng. Ringer (1998) đã lập luận rằng “di sản văn hóa được xem như một nguồn lực về kinh tế thông qua các hỗ trợ, trực tiếp hoặc gián tiếp cho các hoạt động kinh tế ấy” (tr. 63). UNESCO (2011) trong đánh giá “Di sản văn hóa phi vật thể và Phát triển bền vững” cho rằng “xã hội loài người không ngừng phát triển và biến đổi DSVHPVT của họ, bao gồm các tri thức và thực hành liên quan đến tự nhiên cũng như xã hội, để thích nghi và giải quyết các nhu cầu cơ bản và vấn đề xã hội theo thời gian và không gian. Những thực hành truyền thống về chăm sóc sức khỏe y tế, ẩm thực, quản lý nguồn nước, các buổi hội họp, lễ hội và hệ thống chuyển giao tri thức đóng vai trò thiết yếu để cộng đồng đạt tới sự phát triển xã hội toàn diện” (tr. 3). Cho nên, những thực hành truyền thống về chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, quản lý nguồn nước, sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, nhà ở, nghề thủ công và những sinh kế khác là những di sản quý giá của người Si La. Người Si La đã biết dựa vào những tri thức bản địa để “canh tác làm tăng độ phì nhiêu màu mỡ của đất, tạo ra chế độ ăn uống phong phú, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và đem lại sức khỏe tốt hơn. Việc liên tục tăng cường sức sống của những hệ thống tri thức này là rất quan trọng để đảm bảo đầy đủ lương thực, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực và chất lượng dinh dưỡng cho các cộng đồng trên thế giới” (UNESCO, 2011, tr. 3). Đây là những hoạt động
  4. Di sản văn hóa phi vật thể của người Si La - nguồn lực trong phát triển cộng đồng 387 và bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người có vai trò rất quan trọng trong ổn định cuộc sống của người Si La và là biện pháp chính trong phòng chống nghèo đói ở cộng đồng. Với tri thức bản địa được tích lũy từ bao đời, người Si La biết tìm nơi có nguồn nước để lập bản, lập làng, biết chọn đất để canh tác nương rẫy, khai thác những sản vật sẵn có nơi rừng núi để cải thiện cuộc sống. Truyền thống canh tác nương rẫy của người Si La là lối canh tác kết hợp hài hòa của tri thức bản địa như giống, nguồn nước, đất đai, thời tiết để có nguồn lương thực tại chỗ, không phá rừng làm rẫy, ổn định cuộc sống. Điều này cho thấy loại hình di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến tri thức bản địa về trồng trọt, canh tác nương rẫy góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực cho tộc người. Dựa vào quy trình đánh giá khả năng phát triển cộng đồng dựa vào nguồn lực DSVHPVT như kho tàng văn nghệ dân gian, nghi lễ cúng cổng bản, những điệu múa dân gian, đám cưới, nghi lễ cúng chữa bệnh của người Si La với đặc điểm và giá trị của nó hoàn toàn có thể được xem xét như một nguồn lực phát triển cộng đồng. Đó là những di sản văn hóa phi vật thể điển hình khi bắt nguồn trong dân gian, phản ánh đời sống sinh hoạt và tâm linh của cộng đồng người Si La nên nó mang tính truyền thống, bắt nguồn trong quá khứ nhưng vẫn được gìn giữ, duy trì trong xã hội hiện nay không ngừng tái tạo để đáp ứng nhu cầu thời đại nên nó được coi là di sản “đang sống”, một dạng thực hành văn hóa. Cộng đồng tộc người Si La hiện nay thực hành DSVHPVT không chỉ vì nó mang lại lợi ích thiết thực mà còn như sự ý thức về bản sắc văn hóa tộc người. Với những giá trị thiết thực mà DSVHPVT mang lại cho người Si La, nó được cộng đồng tự nguyện bảo vệ, gìn giữ. Bên cạnh đó, cũng cần sự quản lý sâu rộng của Nhà nước để những giá trị DSVHPVT được phát huy hơn nữa, phục vụ nhiều hơn nữa cho lợi ích của cộng đồng tộc người. Nếu nhìn nhận việc tìm hiểu đặc điểm và giá trị của DSVHPVT trong đời sống của người Si La xưa và nay như bước đầu tiên trong quá trình đánh giá nguồn lực DSVHPVT phục vụ phát triển cộng đồng, những di sản này có thể trở thành một nguồn lực đầy tiềm năng. DSVHPVT phản ánh bức tranh về đời sống sinh hoạt, đời sống tâm linh của tộc người Si La và của vùng văn hóa Tây Bắc, với tính đại diện sâu sắc đó DSVHPVT của người Si La hoàn toàn có thể được xem xét, đánh giá khả năng như một nguồn lực phục vụ phát triển cộng đồng. 2.2. Di sản văn hóa phi vật thể - nguồn lực trong phát triển bền vững DSVHPVT nói chung và DSVHPVT của người Si La nói riêng có nguồn gốc sâu xa trong quá khứ, trường tồn trong trí nhớ và sự truyền thụ trong cộng đồng người, thể hiện đầy đủ và vẹn nguyên đời sống văn hóa của một cộng đồng người trong không gian và thời gian nhất định. Nhưng vì tính chất khó nắm bắt và luôn biến đổi của DSVHPVT mà nó luôn đứng trước nguy cơ mai một hoặc biến mất. Do đó, việc bảo vệ các DSVHPVT luôn là đòi hỏi cấp thiết đối với mỗi quốc gia. Công ước 2003 của UNESCO ra đời nhằm tôn vinh giá trị của chúng và ràng buộc các quốc gia, cộng đồng vào trách nhiệm bảo vệ loại hình di sản quý giá này. Bởi di sản văn hóa là sản phẩm sáng tạo của con người không chỉ đóng vai trò mang tính quyết định đem lại sự phát triển kinh tế bao trùm, giúp xóa đói giảm nghèo, tạo ra sự thịnh vượng về mặt kinh tế, mà nó còn là nền tảng tạo ra sự gắn kết xã hội, bảo đảm sự phát triển bình đẳng, nhân văn và có bản sắc. Ở Việt Nam, Luật Di sản văn hóa đã xác định: “di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại” (Luật Di sản Văn hóa, 2001). Nguyễn Duy Bắc cho rằng: “Di sản văn hóa dân tộc là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa”. Chúng tôi cho rằng quan điểm coi văn hóa là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người là quan điểm khoa học, hiện đại và mang tính thực tiễn cao, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế hiện nay. Đảng và Nhà nước xác định văn hóa và đa dạng văn hóa là nguồn lực trong phát triển, tương đồng với quan điểm về phát triển văn hóa của Liên Hợp Quốc. Khi nghiên cứu về Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể - từ góc nhìn toàn cầu hóa Đặng Văn Bài (2007) nhận định rằng “di sản văn hóa Việt Nam mang “tính dân gian” rất rõ rệt và “tính dân gian” trong di sản văn hóa phi vật thể lại càng đậm đặc hơn. Văn hóa dân gian cho ta khả năng khai thác kho tàng tri thức bản địa hay “túi khôn dân gian” (tri thức về môi trường thiên nhiên, về lao động sản xuất, về dưỡng sinh trị bệnh và ứng xử xã hội, quản lý cộng đồng. Với vai trò quan trọng trong việc tạo cho cộng đồng một ý thức về bản sắc và sự kế tục, di sản văn hóa phi vật thể còn tăng cường sự gắn kết xã hội, một yếu tố không thể thiếu đối với quá trình phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người. Đảng ta cũng đã chỉ rõ “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước,… trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1998, tr. 56). Bản sắc văn hóa dân tộc không phải nhất thành bất biến mà nó mang tính lịch sử cụ thể, luôn tự đổi mới trên cơ sở loại bỏ những yếu tố tiêu cực và lạc hậu, sáng tạo và xây dựng các giá trị văn hóa mới thích ứng với yêu cầu biến đổi của thời đại. Ngày nay, không gian sinh hoạt truyền thống, những bản làng tự cung tự cấp không còn, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự giao lưu văn hóa rộng rãi, sự đi lại kết nối giữa các cộng đồng tộc người hết sức
  5. 388 Phan Mạnh Dương dễ dàng. Nhưng các yếu tố như “ngôn ngữ và đặc điểm văn hóa có thể dễ dàng tan biến trong quá trình hội nhập kinh tế - xã hội nhưng cái làm cho người ta nhận ra bản sắc của mình chính là ý thức về nguồn cội, về một lịch sử chung” (Nguyễn Văn Chính, 2016, tr. 139). Vì vậy, bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người phải gắn liền với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã nhấn mạnh đến văn hóa là động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp với các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta trong tình hình hiện nay. Bởi DSVHPVT được sinh ra và chỉ được nuôi dưỡng bởi chính cộng đồng đó nên phương thức bảo vệ thích hợp nhất là phát huy giá trị của di sản phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng. Chỉ khi cộng đồng phát triển nhờ giá trị của di sản họ mới có động lực để tiếp tục bảo vệ di sản đó. Mặt khác, vấn đề phát triển cộng đồng hiện nay đang được quan tâm, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển nơi có nhiều nguồn lực nhưng chưa biết cách khai thác, phát huy để cải thiện đời sống cộng đồng. Di sản văn hóa mà trong đó DSVHPVT là nguồn lực dồi dào, giúp nhận diện bản sắc của cộng đồng và sự tồn tại đến ngày nay khiến chúng có giá trị nhất định đối với đời sống đương đại. Bởi thế cần phải đặt ra vấn đề mối quan hệ giữa phát huy DSVHPVT và phát triển cộng đồng vừa để xác định một nguồn lực có đóng góp cho đời sống cộng đồng đương đại vừa để tìm ra các biện pháp bảo tồn và phát huy DSVHPVT. UNESCO đã “ghi nhận tầm quan trọng của tri thức truyền thống như một nguồn tài sản vật thể và phi vật thể, đặc biệt là hệ thống tri thức của các dân tộc bản địa, và đóng góp tích cực của nó đối với sự phát triển bền vững, (UNESCO, 2005, tr. 2). 3. KẾT LUẬN Bảo tồn phát huy DSVHPVT và phát triển cộng đồng là hai vấn đề có liên hệ chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau, là hai mặt của một thể thống nhất đều hướng tới mục tiêu chung là vì sự phát triển bền vững. DSVHPVT của người Si La là một loại tài sản to lớn và quý giá, một nguồn lực cho phát triển bền vững. Bởi quá trình phát triển bao gồm những tiến bộ về mặt vật chất, gắn với quá trình tăng trưởng kinh tế và những tiến bộ về mặt xã hội, bao gồm những tiến bộ về chất lượng cuộc sống, về các bảo đảm xã hội mà mỗi người dân được hưởng thụ, bảo đảm sự phát triển hài hoà giữa cá nhân và xã hội, giữa truyền thống và hiện đại, giữa nội sinh và ngoại sinh. Về mặt văn hóa, phát triển là quá trình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, xây dựng, sáng tạo những giá trị văn hóa mới hướng tới sự đa dạng và tôn trọng bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Đặng Văn Bài (2007) đã khẳng định vai trò không thể thay thế của “văn hóa phi vật thể trong việc xác định bản sắc của dân tộc, quốc gia, địa phương và việc giữ gìn các sắc thái văn hóa phi vật thể chính là động lực giúp dân tộc, quốc gia, địa phương thể hiện được sức mạnh nội lực trong quá trình hội nhập với quốc tế” (tr. 5). Di sản văn hóa phi vật thể của người Si La sẽ trở thành nguồn lực phục vụ phát triển cộng đồng nhưng cần sự nỗ lực từng mặt của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách và công tác quản lý di sản văn hóa. Cộng đồng nắm giữ di sản nhưng Nhà nước cần tham gia quản lý từng bước và từng giai đoạn phát triển qua các chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của người Si La. Từ đó, các cấp quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần nhận thức đầy đủ và toàn diện những giá trị mà di sản văn hóa phi vật thể mang lại cho dân tộc Si La. UNESCO (2005) khẳng định: “văn hóa là một trong những động lực thúc đẩy của phát triển, các khía cạnh văn hóa của phát triển cũng có tầm quan trọng như các khía cạnh kinh tế, mà các cá nhân và các dân tộc có quyền cơ bản được tham gia và thụ hưởng. Việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của người Si La chẳng những duy trì tốt cuộc sống vật chất và tinh thần mà còn rất có ý nghĩa thiết thực khi loại hình di sản này có khả năng đáp ứng nhu cầu “phát triển bền vững”. Di sản văn hóa phi vật thể của người Si La là nguồn lực dồi dào để định hướng chiến lược trong phát triển vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người ở Tây Bắc trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, hiệu quả của sự tác động qua lại giữa phát huy di sản văn hóa phi vật thể, bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người và phát triển cộng đồng chỉ có thể đạt được khi có sự tham gia và phát huy đầy đủ năng lực của các bên liên quan. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Alan W. Barton, Theresa Selfa. (2010). Community development and Natural Landcapes. [2]. Đảng Cộng sản Việt Nam. (1998). Văn kiện Hội nghị lần thứ năm khóa VIII. Hà Nội: Chính trị Quốc gia. [3]. Đặng Văn Bài (2005). Tiếp cận thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa. Trong Một con đường tiếp cận di sản văn hóa. (Tập 1, trang 23 - 32). Hà Nội: Thế giới. [4]. Đặng Văn Bài (2007). Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể - từ góc nhìn toàn cầu hóa. Tạp chí Di sản văn hóa, 4(21), 3 - 9.
  6. Di sản văn hóa phi vật thể của người Si La - nguồn lực trong phát triển cộng đồng 389 và bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người [5]. Eriksen, Thomas H. (2001). Ethnicity, national identity and intergroup conflict: The significance of personal experiences” in Ashmore, Jussim, Wilder chủ biên, Social identity, intergroup conflict, and conflict reduction. Oxford: Oxford University Press, 42-70. [6]. Jamieson, Neil. (2010). Một thế giới như nước: Bối cảnh và quá trình trong văn hóa Việt Nam. Trong Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học. (Tập 2, trang 463 - 484). Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. [7]. Jerry W. Robinson, Gary Paul Green. (2011). Introduction to community development: theory, practice, and service-learning. SAGE Publications, United Kingdom. [8]. Keyes, Charles F. (1995). “Who Are the Tai? Reflections on the Invention of Local, Ethnic and National Identities”. In Ethnic Identity: Creation Conflict, and Accommodation. Lola Romanucci-Ross & George A. De Vos. Third Edition. Walnut Creek, CA: Alta Mira Press. 136-60. [9]. Lê Thị Minh Lý (2010). Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể - quá trình nhận thức và bài học thực tiễn. Trong Một con đường tiếp cận di sản văn hóa. (Tập 5, trang 359 - 366). Hà Nội: Thế giới. [10]. Lưu Trần Tiêu (2014). Di sản văn hóa phi vật thể - Bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển”. (trang 596 - 606). Trong 10 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa Phi vật thể của UNESCO, Bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế. Hội An: Khoa học và kỹ thuật. [11]. Murray G. Ross. (1970). Community Organization: theory and practice. [12]. Nguyễn Chí Bền (2007). Di sản văn hóa phi vật thể từ sưu tầm, nghiên cứu đến bảo tồn và phát huy. Trong Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. (trang 77 - 95), Viện Văn hóa - Thông tin xuất bản, Hà Nội. [13]. Nguyễn Duy Bắc (29/9/2018). Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) - Chiến lược văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Tuyên giáo. Truy xuất từ http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/nghi-quyet-trung-uong-5- khoa-viii-chien-luoc-van-hoa-cua-dang-trong-thoi-ky-doi-moi-115273, truy cập 22/2/2020. [14]. Nguyễn Hữu Nhân (2004). Phát triển cộng đồng. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội. [15]. Nguyễn Quốc Hùng (2001). Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể - khái niệm và nhận thức. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 4/2001, 14 - 21. [16]. Nguyễn Quốc Hùng (2017). Phát huy giá trị di sản văn hóa trong hệ thống các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Tạp chí Di sản văn hóa, 1 (58), trang 14 - 20. [17]. Nguyễn Thị Hiền (2014). Đặc sản Nghệ Tĩnh”: Dân ca Ví, Giặm và câu chuyện bản sắc văn hóa. Hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh). Tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. [18]. Nguyễn Thị Oanh. (2000). Phát triển cộng đồng. Đại học Mở Bán công thành phố Hồ Chí Minh. [19]. Nguyễn Văn Chính (2016). Lý thuyết về tộc người và những thách thức mới trong nghiên cứu tộc người ở Việt Nam. Tạp chí Dân tộc học, 1&2 (194), 131-146. [20]. Nguyễn Văn Huy (2012). Vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống: thảo luận về một số khái niệm cơ bản. Tạp chí Dân tộc học, 4, 44 - 54. [21]. Phạm Huỳnh Thanh Vân. (2006). Kỹ năng phát triển cộng đồng, Dự án PHE. An Giang: Đại học An Giang. [22]. Phan Ngọc. (1998). Bản sắc văn hóa Việt Nam. Hà Nội: Văn hóa - Thông tin. [23]. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (2001). Luật Di sản Văn hóa. QĐ số 28/2001/QH10, ngày 29/6/2001, Hà Nội. [24]. Ringer G. (ed). (1998). Destinations:Cultrual Landscapes of Tourism. London, Routledge.a. [25]. Rieks Smeets (2004). Bối cảnh, nhận thức và quá trình xây dựng Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa Phi vật thể. Trong Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. (Tập 1, trang. 131- 144), Hà Nội: Cục Di sản văn hóa. [26]. Sakkarin Sapu. (2009). Community participation in heritage conservation. [27]. Steward Hall. (1990). “Cultural Identity and Diaspora”. In Identity: Community, Culture, Difference. Jonathan Rutherford. London: Lawrence &wishart. [28]. Susan O. Keitumetse (2013). Cultural resources as sustainability enablers: towards a community-based cultural heritage resources management model.
  7. 390 Phan Mạnh Dương [29]. Tô Duy Hợp & Lương Hồng Quang (2000). Phát triển cộng đồng – lý thuyết và vận dụng. Hà Nội: Văn hóa thông tin. [30]. Trần Ngọc Thêm (2006). Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Hồ Chí Minh: Thành phố Hồ Chí Minh. [31]. Trần Quang Tiến (2010). Tập bài giảng Phát triển cộng đồng (chương trình trung cấp công tác xã hội, chuyên ngành công tác phụ nữ). Hà Nội: Phụ nữ. [32]. UNESCO (2003). Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể. Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL. Hà Nội. [33]. UNESCO. (2005). Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL. Hà Nội. [34]. UNESCO (2011). Di sản văn hóa phi vật thể và Phát triển bền vững. (Người dịch Vũ Thị Hồng Nga). Hà Nội. Văn phòng UNESCO. INTANGIBLE CULTURAL HERITAGE OF THE SILA – A RESOURCE TO COMMUNITY AND ETHNIC IDENTIFY PRESERVATION Phan Manh Duong The National Institution of Culture and Arts Studies Email: Duongvicas@gmail.com Abstract: Scholars in developing countries have paid significant attention to the issue of community development and ethnic identity preservation. Intangible cultural heritage can help the community make use of availabe resources at the locale to serve their own interests. One of these rich resources is intangible cultural heritage owned by the community but normally forgotten in the present life. This paper is developed as a result of a case study concerning the intangible cultural heritage of the Si La in Vietnam. Its goal is to confirm that the best way to treat cultural heritage is to guarantee its aliveness in the contemporary life of the owning comminity and to make it a resource to ethnic identity preservation and development. Using the approach offered by community development and cultural identity theories, this paper examines the intangible cultural heritage of the Si La as a resource to community development and cultural identity preservation during the current development of the country. Keywords: Cultural heritage, development resource, cultural identity, the Si La.
nguon tai.lieu . vn