Xem mẫu

  1. DẠY VÀ HỌC CHUYÊN NGÀNH BẰNG TIẾNG NHẬT CỦA SINH VIÊN NĂM THỨ BA - KHOA NGÔN NGỮ & VĂN HÓA NHẬT BẢN1 Thân Thị Mỹ Bình, Đỗ Bích Ngọc2 Tóm tắt: Bài viết trình bày nghiên cứu việc dạy và học chuyên ngành bằng tiếng Nhật với đối tượng là sinh viên năm thứ ba tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản – Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Trên cơ sở lý luận sử dụng ngoại ngữ, mà cụ thể là tiếng Anh làm phương tiện dạy/học chuyên ngành (EMI English as Medium of Instruction), nhóm tác giả phân tích kết quả điều tra với 232 sinh viên năm thứ ba sau khi kết thúc học kỳ I năm 2018-2019, và những ghi chép từ sổ tay nghiên cứu (field note) của chính nhóm tác giả làm nghiên cứu này qua 30 buổi dạy, qua đó làm rõ thực trạng việc dạy và học môn chuyên ngành Giao tiếp liên văn hóa bằng tiếng Nhật có gặp nhiều vấn đề khó khăn như trình độ tiếng Nhật của sinh viên, tài liệu tham khảo, số lượng sinh viên, trang thiết bị và phương pháp giảng dạy của giáo viên... Từ kết quả phân tích, nhóm tác giả đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao chất lượng dạy - học của học phần Giao tiếp liên văn hóa cũng như với các môn học chuyên ngành tiếp theo. Từ khóa: Tiếng Nhật, ngoại ngữ chuyên ngành, dạy, học. 1. DẪN NHẬP Trong những năm gần đây, Việt Nam đang dần từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế nhờ tiến trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Sự hội nhập của đất nước mở ra nhiều khả năng hợp tác, giao dịch với nước ngoài nhưng cũng đòi hỏi ở nguồn nhân lực có năng lực sử dụng ngoại ngữ ở môi trường làm việc quốc tế mang tính chuyên ngành cao. Đáp ứng những đòi hỏi khắt khe về nguồn nhân lực, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN đã triển khai chương trình dạy và học chuyên ngành bằng Tiếng Nhật cho sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư nhằm củng cố thêm năng lực ngoại ngữ, đồng thời bổ sung từ ngữ chuyên ngành cho sinh viên. 1 Bài viết đã được nhóm tác giả trình bày tại Hội thảo “Dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Lý luận và thực tiễn”, ngày 17 tháng 11 năm 2018. Bài viết đã điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết theo góp ý hướng dẫn tại hội thảo. 2 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN, Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam; Email: lora811@gmail.com, Email: tamaulis@gmail.com
  2. DẠY VÀ HỌC CHUYÊN NGÀNH BẰNG TIẾNG NHẬT CỦA SINH VIÊN NĂM THỨ BA - KHOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA NHẬT BẢN 51 Các học phần chuyên ngành được giảng dạy cho sinh viên chủ yếu vào năm thứ ba và năm thứ tư. Học phần “Giao tiếp liên văn hóa” tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản là học phần được đưa vào chương trình học kỳ I của năm thứ ba. Đây là học phần bao hàm nhiều nội dung liên quan tới mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa và ngôn ngữ. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phân tích kết quả khảo sát thông qua phiếu điều tra của 232 sinh viên năm thứ ba (QH.2016) của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, học kỳ I năm học 2018 – 2019 đối với học phần “Giao tiếp liên văn hóa” từ tuần thứ 1 đến tuần thứ 15. Trên cơ sở phân tích định lượng và định tính, chúng tôi phân tích thực trạng, nguyên nhân và đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng dạy – học học phần này. Giáo trình được sử dụng trong học phần này là giáo trình “異文化コミュニケーション- Nhập môn giao tiếp liên văn hóa” của tác giả Itsuo Harasawa, xuất bản năm 2015 của Nhà xuất bản Kenkyusha (Nhà xuất bản chuyên về các giáo trình, sách nghiên cứu trong các lĩnh vực của các trường đại học của Nhật Bản). Đây là cuốn giáo trình cung cấp cho sinh viên nhiều khái niệm và chủ đề văn hóa phong phú, dễ hiểu dành cho sinh viên nước ngoài du học tại Nhật Bản. 2. VÀI NÉT VỀ VIỆC SỬ DỤNG NGOẠI NGỮ LÀM PHƯƠNG TIỆN DẠY/HỌC CHUYÊN NGÀNH Norris (2006, p577) đã chỉ ra rằng, mục tiêu của hầu hết các ngoại ngữ được dạy trong các trường đại học ở Hoa Kỳ được xây dựng nên bởi 3 yếu tố chính: đạt được những kĩ năng ngôn ngữ để sử dụng cho mục đích giao tiếp chung, đặt người học vào những nền văn hoá khác, ý tưởng khác và bồi dưỡng sự khác biệt văn hoá và trong cách suy nghĩ. Mặc dù mỗi yếu tố được nêu ra phía trên đều là kết quả mong muốn của nhà trường cũng như là nhu cầu chính của các sinh viên đang theo học ngoại ngữ thì trên thực tế sinh viên vẫn còn mơ hồ về những gì mình có thể làm với ngoại ngữ khi họ đã rời khỏi lớp học. Đối với chuyên ngành cụ thể, sinh viên cần học ngoại ngữ chuyên ngành để có thể sử dụng trực tiếp trong lĩnh vực đặc thù, đương nhiên dựa trên những kiến thức ngoại ngữ tổng quát. Để giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành thì có rất nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau đã và đang được áp dụng. Trong đó phải kể đến 3 phương pháp chính: Giảng dạy ngoại ngữ căn cứ vào nội dung chuyên ngành (Content Based Instruction), Học tích hợp cả ngoại ngữ và chuyên ngành (Content and Language Integrated Learning) và Sử dụng tiếng Anh làm phương tiện dạy/học chuyên ngành (English as Medium of Instruction). Trên thực tế, phương pháp EMI đã được áp dụng tại các trường đại học Việt Nam từ những năm 2000. Tuy nhiên, việc đưa phương pháp EMI vào giảng dạy đi cùng với rất nhiều thách thức và vấn đề, ví dụ như những vấn đề về mặt nội dung giảng dạy, chất lượng giảng dạy, nhân lực giảng dạy… Những vấn đề này được đề cập tới rất nhiều trong các nghiên cứu từ những năm 2000 trở lại đây.
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ GẮN VỚI CHUYÊN NGÀNH 52 TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ: LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN Theo như khảo sát trong nghiên cứu của Vũ T.T Nhã và Anne Burns (2014) tại 7 trường đại học đang áp dụng phương pháp giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh đã chỉ ra rằng việc sử dụng EMI tại Việt Nam đang gặp phải 5 khó khăn chính, cụ thể như sau: (1) Sự thành thạo tiếng Anh của sinh viên, (2) Phương pháp học tập của sinh viên, (3) Năng lực giảng dạy tiếng Anh của người hướng dẫn, (4) Nội dung giảng dạy và (5) Môi trường giảng dạy và học tập. Trong các vấn đề được nêu ra trong nghiên cứu này, thì sự nghèo nàn trong năng lực tiếng Anh của sinh viên được coi là vấn đề lớn nhất. Từ việc xác định những khó khăn trong việc giảng dạy và học tập chuyên bằng tiếng Anh, Lâm Quang Đông (2011) đã đưa ra một số giải pháp khắc phục như “đối với những ngành có thể xác định được công việc cụ thể thì EOP (English for Occupational/ Vocational Purposes - tiếng Anh cho mục đích nghề nghiệp) cần được coi là chủ đạo”. “Đối với những ngành mà công việc cụ thể khó xác định” thì “nên chú trọng EAP-tiếng Anh học thuật với trọng tâm là kĩ năng đọc và viết một số thể loại căn bản”, “lưu ý phát triển kĩ năng thuyết trình/ trình bày với công cụ Powerpoint”. Về từ vựng chuyên ngành, “cần giới hạn số lượng tối thiểu và tối đa thuật ngữ chuyên ngành xuất hiện ở từng bài tạo điều kiện cho người giảng dạy và sinh viên”. Như vậy, EMI đã được sử dụng từ sớm ở các trường đại học Việt Nam và có nhiều nghiên cứu về phương pháp dạy và học bằng ngoại ngữ này. Yếu tố quan trọng cho việc hình thành phương thức giảng dạy này tại Việt Nam là hầu hết các em đã được đào tạo EFL từ phổ thông. Khác với Tiếng Anh, Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Nhật Bản áp dụng phương pháp dùng tiếng Nhật giảng dạy trong các tiết học chuyên ngành đối với sinh viên năm thứ 3, 4 (JMI- Japanese as Medium of Instruction). Nguyên nhân là hầu hết sinh viên bắt đầu học tiếng Nhật từ con số 0 và cần rèn luyện khả năng thực hành tiếng cơ bản trong suốt 2 năm đầu tiên. Khoảng thời gian 2 năm là được coi là rất ngắn và khó khăn để có thể đạt được trình độ tham dự các tiết học áp dụng phương pháp JMI với Tiếng Nhật - ngoại ngữ được cho là một trong những ngôn ngữ khó nhất thế giới. Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu căn cứ vào phương pháp luận Sử dụng tiếng Anh là phương tiện dạy/học chuyên ngành – EMI, để tích hợp và phân tích việc sử dụng tiếng Nhật là phương tiện dạy/học chuyên ngành (JMI). Theo đó, nhóm tác giả phân tích thực trạng dạy và học tiếng Nhật với học phần giao tiếp liên văn hóa theo tiêu chí chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các học phần. Tuy nhiên, ở bài viết này, nhóm tác giả tập trung phân tích dạy và học trên cơ sở lý luận của EMI và các nghiên cứu của Vũ T.T Nhã và Anne Burns (2014), để đưa ra khung phân tích như Bảng 1 sau đây:
  4. DẠY VÀ HỌC CHUYÊN NGÀNH BẰNG TIẾNG NHẬT CỦA SINH VIÊN NĂM THỨ BA - KHOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA NHẬT BẢN 53 Bảng 1: Dạy và học chuyên ngành bằng tiếng Nhật Người dạy Năng lực tiếng Nhật của người dạy Phương pháp giảng dạy Nội dung giảng dạy Người học Năng lực tiếng Nhật của sinh viên Mức độ hiểu bài giảng Mức độ hứng thú với giờ học Cảm nhận của sinh viên về hoạt động dạy và học bằng tiếng Nhật Môi trường giảng dạy và học tập Nỗ lực của thay đổi trong hoạt động dạy và học chuyênh ngành bằng tiếng Nhật. 3. THU THẬP DỮ LIỆU VÀ PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG DẠY VÀ HỌC BẰNG TIẾNG NHẬT VỚI MÔN CHUYÊN NGÀNH 3.1. Thu thập dữ liệu Dữ liệu của nghiên cứu này là kết quả tổng hợp bảng hỏi với 232 sinh viên năm thứ ba của khoa Ngôn ngữ & văn hóa Nhật Bản. Bảng hỏi tập trung vào các chủ đề liên quan tới năng lực ngôn ngữ của sinh viên, mức độ hiểu bài giảng, mức độ hứng thú với giờ học, cảm nhận về môn học, đánh giá mức trình bày của giáo viên, các hoạt động yêu thích trong lớp học và những ý kiến, đề xuất của sinh viên với môn học. Ngoài ra, chúng tôi cũng căn cứ vào những ghi chép của người trực tiếp giảng dạy học phần này, đồng thời là một trong những người thực hiện nghiên cứu này theo phương pháp sổ tay nghiên cứu (Field Note). Sổ tay nghiên cứu được thực hiện sau buổi học trong suốt học kỳ I của năm học 2018 – 2019. 3.2. Thực trạng dạy và học bằng tiếng Nhật với môn chuyên ngành Ở phần này, chúng tôi chia làm ba ý chính là người dạy, người học và môi trường dạy học theo khung phân tích ở Bảng 1 mục 2 nêu trên. 3.2.1. Người dạy Về người dạy, có nhiều yếu tố liên quan nhưng để tránh tản mạn, nghiên cứu này tập trung vào phương pháp giảng dạy của giảng viên, nội dung giảng dạy và năng lực tiếng Nhật của người dạy. 3.2.1.1. Phương pháp giảng dạy của giảng viên Về phương pháp giảng dạy, theo tinh thần và mục tiêu môn học cũng như căn cứ vào tiêu chí cần thiết về năng lực đạt được của sinh viên sau 2 năm chuyên thực thành tiếng, giảng viên đã thiết kết các giờ học bằng phương pháp giảng dạy tương tác với ngôn ngữ sử dụng trực tiếp bằng tiếng Nhật. Hoạt động giảng dạy tương tác gồm các tiêu chí chính như sau:
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ GẮN VỚI CHUYÊN NGÀNH 54 TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ: LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN - Tranh luận - Thảo luận - Giải quyết vấn đề - Công não (Brainstorming) - Học nhóm. 3.2.1.2. Về nội dung giảng dạy Nội dung giảng dạy của học phần này căn cứ theo đề cương môn học. Đề cương được soạn thảo theo tiêu chuẩn chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, với mục tiêu của môn học về kiến thức, kỹ năng, thái độ tóm lược như sau: - Kiến thức: Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về Giao tiếp liên văn hóa, mối quan hệ giữa Ngôn ngữ và Văn hóa, tầm quan trọng của việc nhận thức sự khác biệt về văn hóa trong quá trình giao tiếp, hiểu được sự tương đồng và khác biệt trong văn hóa giao tiếp của người Nhật Bản và văn hóa giao tiếp của người Việt Nam. - Kĩ năng: Có kĩ năng phân tích, phân tích đặc thù văn hóa của các đối tượng giao tiếp. Có kĩ năng so sánh, đối chiếu, tiếp nhận và dung hòa sự khác biệt về văn hóa để nâng cao hiệu quả giao tiếp, cũng như có khả năng đối ứng, xử lí tình huống giao tiếp bằng văn bản và lời nói trong môi trường đa văn hóa nói chung và với người Nhật Bản nói riêng. - Thái độ, chuyên cần: Rèn luyện cho người học phẩm chất khoan dung, cảm thông, chia sẻ, cởi mở với mọi người và phương pháp làm việc khoa học, tạo thói quen làm việc nhóm, đồng thời chủ động tích cực nâng cao năng lực giao tiếp, năng lực ngoại ngữ cũng như các kiến thức về xã hội, văn hóa, ngoại ngữ và ứng xử. Trên cơ sở đề cương môn học dựa trên chuẩn đầu gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giảng viên linh hoạt thay đổi nội dung giờ học cho phù hợp với đa số đối tượng sinh viên sau 1, 2 tuần học thử ban đầu. 3.2.1.3. Năng lực tiếng Nhật của giảng viên Giảng viên được tuyển chọn theo tiêu chí tuyển dụng giảng viên quy định và đã được xác định có đủ năng lực về ngoại ngữ và chuyên môn để tiến hành học này. Giảng viên đảm nhiệm môn học này là người có kinh nghiệm sống, học tập, làm việc 8 năm ở Nhật Bản. Ngoài ra, giảng viên là người có chuyên môn về môn học giao tiếp liên văn hóa, Nhật Bản học và nghiên cứu về giáo dục song ngữ dành cho trẻ em Việt Nam sinh ra tại Nhật Bản.
  6. DẠY VÀ HỌC CHUYÊN NGÀNH BẰNG TIẾNG NHẬT CỦA SINH VIÊN NĂM THỨ BA - KHOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA NHẬT BẢN 55 3.2.2. Người học Ở phần này, bài viết tập trung phân tích khía cạnh người học theo các nhóm từ khóa như sau: năng lực ngôn ngữ của sinh viên, mức độ hiểu bài giảng, mức độ hứng thú với giờ học, đánh giá mức trình bày của giáo viên và những ý kiến, cảm nhận về việc trình bày hoạt động bằng tiếng Nhật, nỗ lực thay đổi trong giờ học. 3.2.2.1. Năng lực tiếng Nhật của sinh viên Biểu đồ 1. Năng lực tiếng Nhật của sinh viên Năng lực tiếng nhật của sinh viên (SV) được thể hiện như Biểu đồ 1, là kết quả tổng hợp phiếu điều tra từ sinh viên. Theo biểu đồ này, sinh viên có chứng chỉ N1 là 1 SV(0,4%), sinh viên có chứng chỉ N2 là 59 SV (25,4%), sinh viên ở trình độ N3 là 152 SV (65,5%), sinh viên ở trình độ N4 là 18SV (7,8%). Theo kết quả này, số sinh viên đạt trình độ nghe hiểu bài giảng chỉ là 18 người, chiếm 7,8%, và sinh viên có chứng chỉ N1 chỉ là 1 người, chiếm 0,4%. Đây là một con số ít ỏi trong tổng số 232 sinh viên của năm thứ 3. Đặc biệt, qua tìm hiểu trên giờ học của tác giả, thì phần lớn những sinh viên này đã có kinh nghiệm giao lưu học hỏi ở Nhật Bản theo chương trình trao đổi sinh viên 1 năm hoặc ngắn hạn, hoặc đi du học tự túc. Kết quả này cho thấy năng lực tiếng của sinh viên không đồng đều qua 2 năm chuyên tâm học tiếng ở năm thứ 1 và năm thứ 2. Đồng thời, cũng chứng tỏ rằng năng lực tiếng của sinh viên chưa đủ để đọc, nghe giảng và hiểu nội dung trong giáo trình viết bằng tiếng nước ngoài. 3.2.2.2. Mức độ hiểu bài giảng của sinh viên Biểu đồ 2. Mức độ hiểu bài của sinh viên
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ GẮN VỚI CHUYÊN NGÀNH 56 TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ: LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN Mức độ hiểu bài giảng của sinh viên được tổng kết thông qua bảng hỏi và thể hiện như Biểu đồ 2. Theo như kết quả này, chỉ có 6 SV (2.58%) hiểu 100% nội dung bài giảng, 88 SV (37,9%) hiểu 70%, 119 SV (51%) hiểu 50% , và 18SV (7.75%) chỉ hiểu 30% nội dung bài giảng. Theo kết quả này, số sinh viên hiểu bài giảng bằng tiếng Nhật còn hạn chế, hơn một nửa sinh viên chỉ hiểu 50% nội dung bài giảng. Điều này thể hiện hợp lý với năng lực tiếng Nhật của sinh viên đã trình bày ở mục 3.2.2.1. Đồng thời cũng chỉ rõ rằng, sinh viên chưa có trình độ tiếng Nhật đủ để hiểu bài giảng nội dung chuyên ngành bằng tiếng Nhật. Điều này cũng dẫn tới lo ngại việc sử dụng tiếng Nhật để giảng nội dung chuyên ngành và đòi hỏi phương pháp giảng dạy của giáo viên cần có những thay đổi trong hoạt động giảng dạy để phù hợp với năng lực ngoại ngữ của sinh viên. 3.2.2.3. Mức độ hứng thú với giờ học Biểu đồ 3. Mức độ hứng thú của sinh viên với giờ học Mức độ hứng thú của sinh viên với giờ học biểu thị ở Biểu đồ 3. Cụ thể, số sinh viên cho rằng hoạt động giảng dạy của môn học rất thú vị là 71 SV (30,6%), thú vị là 53 SV (22,8%), bình thường là 102 SV (43,9%), không thú vị là 3 SV (1,2%), không cho ý kiến là 3 SV (1,2%). Theo kết quả này, hơn 50% số sinh viên cho rằng giờ học hấp dẫn, thú vị và gần 50% có ý kiến rằng giờ học ở mức trung bình. Những ý kiến chia sẻ của sinh viên cho giờ học thú vị bao gồm các hoạt động trải nghiệm thực tế văn hóa như mặc áo Yukata của Nhật, được giao lưu với các sinh viên người Nhật, được trải nghiệm món ăn của các vùng miền, việc sử dụng hình ảnh và ví dụ thú vị trong giờ học, các hoạt động nhóm, bổ sung nhiều khái niệm mới và thấy được sự khác nhau về văn hóa của Việt Nam và Nhật Bản, được trình bày ý kiến của bản thân về nhiều vấn đề... Như vậy, phần lớn các ý kiến cho rằng trải nghiệm văn hóa và tiếp xúc trực tiếp với người bản địa có sức hút lớn trong giờ học. Điều này được các bạn cho rằng vừa là cơ hội trải nghiệm văn hóa vừa là cơ hội để rèn luyện năng lực ngoại ngữ. Bên cạnh những ý kiến trên, cũng có những sinh viên cho rằng giờ học sử dụng kiến thức hàn lâm bằng tiếng Nhật khó hiểu, mong nói chậm lại và có giảng giải thêm bằng tiếng Việt, hoặc có sinh viên đề nghị các slide trình chiếu phải có cả hai ngôn ngữ là tiếng Nhật và tiếng Việt, hoặc sử dụng hình ảnh, video nhiều hơn vì giờ học quá dài và nội dung khó...
  8. DẠY VÀ HỌC CHUYÊN NGÀNH BẰNG TIẾNG NHẬT CỦA SINH VIÊN NĂM THỨ BA - KHOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA NHẬT BẢN 57 3.2.3.4. Cảm nhận của sinh viên về việc sử dụng tiếng Nhật trong hoạt động dạy học Biểu đồ 4. Cảm nhận về việc sử dụng tiếng Nhật trong dạy học Khi được hỏi cảm nhận về việc sử dụng tiếng Nhật trong hoạt động dạy và học môn chuyên ngành thì hầu hết các sinh viên đều có phản hồi tích cực. Cụ thể như Biểu đồ 4. Theo đó, có 223 SV (96,12%) cho rằng việc sử dụng tiếng Nhật trong hoạt động dạy và học chuyên ngành có ý nghĩa trong việc củng cố và trau rồi kiến thức tiếng Nhật cũng như từ vựng. Chỉ có 5 trường hợp sinh viên trả lời là không có ý nghĩa và có 5 SV không trả lời cho câu hỏi này. Như vậy, có thể nói hầu hết sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của việc dạy, học bằng tiếng chuyên ngành và hưởng ứng giờ học dù có nhiều bạn chưa hiểu hết nội dung bài giảng. Theo chia sẻ của các bạn, thì việc được nghe tiếng Nhật ở môn học chuyên ngành giúp các bạn không bị mai một những kiến thức đã học ở 2 năm đầu vì từ năm thứ ba trở đi, sinh viên không còn các giờ học tiếng hàng ngày. Việc nghe giảng và phát biểu bằng tiếng Nhật tại các môn chuyên ngành cũng giúp các bạn mài giũa khả năng tư duy bằng tiếng Nhật như chia sẻ dưới đây của một sinh viên. “Trong giờ học em được nghe cô nói tiếng Nhật, việc này khiến em quen với tiếng Nhật hơn cũng như cách nghĩ, cách tư duy bằng tiếng Nhật của em được mài giũa” (Trích dẫn nguyên văn từ những ý kiến, đề xuất của sinh viên). Về một số ý kiến cho rằng việc sử dụng tiếng Nhật trong giờ giảng không có ý nghĩa nội dung bài học khá khó, cụ thể như sau: “Cô nên dùng tiếng Việt vì nội dung bài học khá khó, nếu cô nói tiếng Nhật quá nhiều thì sẽ không hiểu, tài liệu bằng tiếng Nhật là đủ rồi. Cô nên cung cấp, thiết kế bài giảng theo hướng mở rộng, đưa thêm nhiều ví dụ, thông tin... Hoặc từ những trải nghiệm của chính cô” (Trích dẫn nguyên văn từ những ý kiến, đề xuất của sinh viên). Những chia sẻ chính đáng và hết sức trân trọng của các sinh viên trên cho thấy các sinh viên thực sự nghiêm túc trong quá trình học tập, mong muốn có một giờ học ý nghĩa thu hút và thuyết phục. Những ý kiến chia sẻ của sinh viên cũng giúp giảng viên nỗ lực
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ GẮN VỚI CHUYÊN NGÀNH 58 TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ: LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN thay đổi hoạt động dạy học nhằm mang lại giờ học hiệu quả, đồng thời tăng cường, củng cố năng lực tiếng Nhật trong các giờ học của học phần giao tiếp liên văn hóa. Cụ thể như giảng viên đã điều chỉnh việc sử dụng từ ngữ chuyên môn, sử dụng từ ngữ tiếng Nhật dễ hiểu, slide trình chiếu có bổ sung thêm tiếng Việt, định nghĩa và ví dụ được dịch thêm tiếng Việt, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tăng cường các hoạt động giao lưu với sinh viên bản địa, mời chuyên gia tới giảng nội dung chuyên sâu... Tuy nhiên, ngoài những yếu tố chủ quan trên đây, còn có cả những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động dạy và học của học phần này, đó chính là yếu tố môi trường. 3.2.3.5. Môi trường hoạt động dạy học Có nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng tới hoạt động dạy và học. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, chúng tôi tập trung phân tích yếu tố tiêu biểu là số lượng sinh viên và cơ sở vật chất. 1) Số lượng sinh viên Số lượng sinh viên của 4 lớp học cụ thể như Bảng 2 sau: Bảng 2. Số sinh viên tham gia học phần STT Tên lớp Số SV Ghi chú 1 Lớp 1 71 SV năm thứ ba 2 Lớp 2 44 SV năm thứ ba 3 Lớp 3 71 SV năm thứ ba 4 Lớp 4 46 SV năm thứ ba Tổng cộng 232 Với số lượng SV trong một lớp đông như trên, khó có thể bố trí các hoạt động nhóm hiệu quả cũng như có thể sâu sát tới từng SV. Số lượng SV đông cùng với trình độ tiếng Nhật không đồng đều như phân tích ở mục trên (Mục 3.2.2.1) là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng của hoạt động dạy và học của học phần này. 2) Trang thiết bị dạy học Tình trạng loa kém chất lượng, máy chiếu hỏng hoặc mờ, trục trặc trong các giờ học thường xuyên xảy ra. Theo thống kê từ sổ ghi chép nghiên cứu của chính tác giả, sự cố về loa là 6/15 tuần, sự cố máy chiếu không trình chiếu được là 5/15 tuần. “Thứ 2 (1~3)1: Máy chiếu hỏng không dùng được lần 3, sĩ số SV 65/71. Học sinh sử dụng điện thoại tra từ mới cho nội dung bài mất quá nhiều thời gian ⇒ không đi hết nội dung bài”. (Theo sổ ghi chép nghiên cứu ngày 3 tháng 9 năm 2018). Tình trạng này được khắc phục ở nửa sau của học kỳ nhưng máy chiếu mờ và chất lượng kém khiến cho những SV ngồi cuối lớp không thể nhìn thấy nội dung trên slide Đây là ký hiệu cho các buổi học của 4 lớp học mà giảng viên sử dụng để ghi chép vào sổ tay nghiên cứu. “1~3” là 1 tiết học.
  10. DẠY VÀ HỌC CHUYÊN NGÀNH BẰNG TIẾNG NHẬT CỦA SINH VIÊN NĂM THỨ BA - KHOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA NHẬT BẢN 59 trình chiếu. Điều này cũng được chính SV bày tỏ nguyện vọng trong mục “ý kiến, đề xuất với giảng viên” của câu hỏi điều tra. “Em mong được cải thiện về mic và máy chiếu ạ. Mic rè và máy chiếu mờ lắm ạ” (Theo “ý kiến, đề xuất với giảng viên” trong bảng điều tra). 4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT Từ việc phân tích thực trạng của hoạt động dạy và học sử dụng tiếng Nhật với môn học chuyên ngành giao tiếp liên văn hóa, học kỳ I năm học 2018 – 2019, nhóm tác giả đã đúc kết một số vấn đề tồn đọng trong hoạt động dạy và học sử dụng tiếng Nhật. Đó là các vấn đề nổi trội về năng lực tiếng Nhật của sinh viên chưa có lượng từ vựng cũng như kiến thức nhất định để nghe, hiểu và bắt kịp nội dung giảng dạy chuyên sâu bằng Tiếng Nhật. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giảng viên chưa có sự điều chỉnh phù hợp trong việc thiết kế giờ giảng, lựa chọn từ ngữ chuyên ngành khi sử dụng tiếng Nhật để giảng dạy chuyên ngành. Vấn đề về số lượng sinh viên quá đông cũng như cơ sở vật chất cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng của hoạt động giảng dạy bằng ngoại ngữ. Đề cập đến giải pháp khắc phục khó khăn trong giảng dạy chuyên ngành nhưng sâu hơn với vấn đề đọc hiểu tài liệu tiếng Anh chuyên ngành, Nguyễn Thanh Tâm (2016) đã đề xuất một số biện pháp như sau: (1) Về phía người dạy: Cần “trang bị cho sinh viên kiến thức về một số kĩ năng trong quá tình đọc hiểu như đọc lướt, đọc quét, dự đoán…”, “tổ chức giờ học đọc tiếng Anh theo 3 giai đoạn Pre-reading, While-reading và Post- reading”, “điều chỉnh và thiết kế hệ thống bài tập” cũng như “thường xuyên thay đổi phong cách và phương pháp giảng dạy”. (2) Về phía người học, cần xây dựng thói quen “đọc sách”, “đọc sách có hiệu quả”, “ghi chép từ chuyên ngành”, “ghi chép khoa học”... Những biện pháp khắc phục với việc đọc hiểu tiếng Anh chuyên ngành trên không phải là dễ dàng với đối tượng ngôn ngữ là tiếng Nhật. Đặc biệt đối với những người mới học tiếng Nhật được 2 năm và phần lớn còn đang ở trình độ Sơ - Trung cấp như sinh viên năm thứ ba trong nghiên cứu này. Vì vậy, để khắc phục tình trạng dạy và học bằng tiếng Nhật với các môn chuyên ngành, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất như sau: + Củng cố năng lực, kiến thức tiếng Nhật cho sinh viên ngay từ những năm đầu tiên học tiếng Nhật. Tăng cường kiến thức từ vựng cho sinh viên. + Tăng cường các hoạt động đọc hiểu để mở rộng kiến thức xã hội, kiến thức văn hóa và nâng cao khả năng đọc hiểu ngay từ năm thứ 2 học tiếng Nhật. Khuyến khích sinh viên đọc nhiều các tài liệu trong thực tế để nâng cao kiến thức nền cũng như sự hiểu biết trong các lĩnh vực khác nhau. + Môn học tiếng cơ sở cần kết hợp với các môn học chuyên ngành, tìm những chủ đề gần gũi, tương đồng với các môn học chuyên ngành để sinh viên có thể sớm có nền tảng
  11. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ GẮN VỚI CHUYÊN NGÀNH 60 TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ: LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN từ vựng, kiến thức về môn chuyên ngành đó. Từ đó tạo nền tảng vững chắc cho năm thứ ba khi tiếp xúc với các nội dung chuyên sâu. + Tăng cường trao đổi với sinh viên về nội dung môn học, tạo điều kiện cho sinh viên có thể trao đổi ý kiến và giải đáp thắc mắc. + Cải thiện tình trạng cơ sở vật chất, bố trí số lượng sinh viên mỗi lớp học hợp lý. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt 1. Lâm Quang Đông (2011). “Tiếng Anh chuyên ngành-một số vấn đề về nội dung giảng dạy”. Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, 11 (193), tr.27-30. 2. Nguyễn Thanh Tâm (2016). Đọc hiểu tài liệu tiếng Anh chuyên ngành - khó khăn và giải pháp. http://huc.edu.vn/doc-hieu-tai-lieu-tieng-anh-chuyen-nganh-kho-khan-va-giai-phap-1583- vi.htm. Tiếng Anh 3. Cam Ngo & La Velle Hendricks (2018). “Teaching Content Using English as a Medium of Instruction at Universities in Vietnam: Issues and Solutions”. Journal of Research and Development, Vol 6, tr. 1-3. 4. Emerson,  R.  M.,  Fretz,  R.  I.  and  Shaw,  L.  L.  (1995).  Writing Ethnographic Fieldnotes. London: The University of Chicago Press. 5. Le Duc Manh (2012). “English as a Medium of Instruction at Tertiary Education System in Vietnam”. The Journal of Asia TEFL, Vol. 9, No. 2, tr. 97-122. 6. Nha T.T. Vu & Anne Burns (2014). “English as a Medium of Instruction: Challenges for Vietnamese Tertiary Lectures”. The Journal of Asia TEFL , Vol.11, No. 3, tr. 1-31.
nguon tai.lieu . vn