Xem mẫu

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2022-0005 Educational Sciences, 2022, Volume 67, Issue 1, pp. 48-55 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn DẠY KĨ NĂNG TƯ DUY (THINKING SKILLS) VÀ VẬN DỤNG TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG Ninh Thị Hạnh Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Tóm tắt. Dạy tư duy như một kĩ năng (thinking skills) là một trong những cách tiếp cận quan trọng của giáo dục thế kỉ XXI. Những chuyển biến mạnh mẽ về công nghệ, thông tin trong xã hội hiện đại, đòi hỏi mỗi cá nhân cần có khả năng đưa ra quyết định dựa trên hệ thống dữ liệu khổng lồ, phức tạp và luôn thay đổi, thay vì phát triển khả năng ghi nhớ thông tin. Mặc dù vẫn còn những tranh luận như: Liệu có thể dạy tư duy cho người học?. Làm thế nào để dạy được tư duy?... Nhưng trên thực tế, việc dạy kĩ năng tư duy trong các khoá học chuyên về tư duy hoặc dạy kĩ năng tư duy đan xen với các mục tiêu khác trong môn học đang mang lại hiệu quả cụ thể. Dạy kĩ năng tư duy giúp người học phát triển khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề, tự học,... bắt kịp với sự chuyển đổi mạnh mẽ của xã hội công nghệ. Bài viết giới thiệu khái quát tư duy và dạy kĩ năng tư duy trong giáo dục. Từ đó, gợi ý vận dụng một số kĩ thuật tư duy trong dạy học lịch sử trước bối cảnh Việt Nam đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ khoá: dạy tư duy, kĩ năng tư duy, dạy học lịch sử, tư duy lịch sử. 1. Mở đầu Năm 2018, báo cáo thống kê cho thấy hơn 2,5 nghìn tỉ byte dữ liệu được tạo mỗi ngày và chỉ trong hai năm, 90% dữ liệu trên thế giới đã được tạo ra [1]. Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng lần thứ tư đang phát triển theo cấp số nhân. Do vậy, lối dạy học truyền thụ kiến thức không còn phù hợp khi kiến thức và thông tin ngày càng phức tạp và sớm bị lỗi thời hơn. Người học cần được phát triển kỹ năng tư duy để thu thập, phân tích và sử dụng thông tin; đánh giá các lựa chọn; xác định và giải quyết vấn đề; cùng hợp tác với người khác; đề xuất ý tưởng đổi mới sáng tạo;... Trên thế giới, việc dạy kĩ năng tư duy trong nhà trường rất được quan tâm. Từ những năm 80 của thế kỉ XX, dạy kỹ năng tư duy đã được các chuyên gia hàng đầu về tư duy như: Edward De Bono, Kagan, John Dewey khẳng định: Đó không phải là giấc mơ của tương lai mà chính là hiện tại [2,4]. Kỹ năng tư duy là yếu tố cần thiết, nếu không muốn nói là quan trọng nhất của một chương trình giáo dục tốt ở thế kỷ 21 [3]. Tư duy cũng là phương pháp học tập thông minh, phương pháp này hữu dụng và bổ ích cho trí óc [4,159]. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít GV coi tư duy như một sản phẩm phụ của kiến thức, không thể và không cần được đào tạo [5]. Họ ít khi tập trung vào phát triển kĩ năng tư duy bởi vì quá bận bịu với việc truyền tải kiến thức [6]. Ở Việt Nam, nghiên cứu về dạy tư duy như một kĩ năng trong các môn học nói chung và dạy học tư duy như một kĩ năng trong môn Lịch sử nói riêng còn khá mới mẻ. Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử 2018 bắt đầu được triển khai từ năm học 2021 - 2022 coi “phát triển cho học sinh tư duy lịch sử, tư duy hệ Ngày nhận bài: 21/11/2021. Ngày sửa bài: 29/12/2021. Ngày nhận đăng: 10/1/2022. Tác giả liên hệ: Ninh Thị Hạnh. Địa chỉ e-mail: ninhhanhhpu2@gmail.com 48
  2. Dạy kĩ năng tư duy (Thinking skills) và vận dụng trong dạy học Lịch sử ở trường phổ thông thống, tư duy phản biện, kĩ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu, nhận thức và trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại” là một trong những đặc điểm chính của môn học [7, 3]. Do đó, trong những năm học tới, vận dụng các chiến lược để phát triển tư duy như một kĩ năng trong môn Lịch sử là một gợi ý quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái quát về tư duy và dạy kĩ năng tư duy trong giáo dục * Quan niệm về tư duy Tư duy là một khái niệm rộng và tương đối trừu tượng, được thảo luận và định nghĩa theo nhiều biến thể. Dưới đây là một số quan niệm về tư duy được sử dụng rộng rãi trong giáo dục. Tư duy theo Edward De Bono là: “kĩ năng định hướng trí thông minh hoạt động dựa trên trải nghiệm” [8, 6]. J.H.M. Hamers và B. Csapó giải thích một cách cụ thể hơn về bối cảnh xuất hiện tư duy: “Tư duy xảy ra khi một người gặp vấn đề, hoặc nhiệm vụ mà giải pháp cho vấn đề, nhiệm vụ đó không có sẵn. Người đó sẽ phải đánh giá, xem xét các khía cạnh khác nhau và tìm ra giải pháp hợp lý, thấu đáo” [9, 20]. Theo nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kĩ năng và Học tập của Anh (LSRC - the Learning and Skills Research Centre), tư duy được hiểu là: “quá trình hướng đến mục tiêu một cách có ý thức, chẳng hạn như ghi nhớ, hình thành khái niệm, lập kế hoạch về những gì cần làm và nói, tưởng tượng các tình huống, lập luận, giải quyết vấn đề, đánh giá các quan điểm, đưa ra quyết định, phán đoán, và đề xuất cách tiếp cận mới” [10, 3]. Như vậy, trong dạy học “tư duy” có thể được hiểu là: quá trình HS sử dụng các thao tác của trí não: ghi nhớ, hình thành khái niệm, lên kế hoạch, lập luận, đưa ra quyết định, phán đoán, đề xuất… một cách có chủ đích để giải quyết một nhiệm vụ, tình huống cụ thể. * Quan niệm và xu hướng dạy kĩ năng tư duy trong giáo dục Quan niệm có thể dạy kỹ năng tư duy cho người học, hoặc ít nhất có thể nuôi dưỡng tư duy một cách hiệu quả có từ thời cổ đại. Khởi nguồn với những nỗ lực của Plato và sự ra đời của đối thoại Socrate, việc cải thiện trí thông minh và thúc đẩy tư duy hiệu quả là một xu hướng giáo dục lặp đi lặp lại qua các thời đại [11, 775]. Đầu thế kỷ 20, Dewey (1933) một lần nữa gây chú ý ở Bắc Mỹ khi coi tư duy như một mục đích giáo dục. Từ đó đến nay, nhiều chương trình, dự án cụ thể được thiết kế để dạy kĩ năng tư duy trong nhà trường với hai xu hướng nổi bật gồm: dạy kĩ năng tư duy là một cách tiếp cận sư phạm và dạy kĩ năng tư duy như một phương pháp dạy học. Thứ nhất, dạy kĩ năng tư duy là một cách tiếp cận sư phạm thông qua các khoá học chuyên về tư duy Theo LSRC, dạy kỹ năng tư duy là một cách tiếp cận sư phạm, trong đó người học được dạy để sử dụng thành thạo các chiến lược, quy trình tư duy một cách có chủ đích giúp khả năng tư duy trở nên hiệu quả hơn” [10, 4]. Với cách tiếp cận này, kĩ năng tư duy được xem như một chương trình cụ thể, đòi hỏi GV phải xây dựng nội dung và bài học mới chuyên về các kĩ năng tư duy. Có thể kể đến, khóa học về tư duy CoRT (Cognitive of Research Trust) ra đời cuối những năm 60 thế kỉ XX của Edward de Bono, với 60 bài học phát triển kỹ năng tư duy cho người học. Trong đó, GV có thể được đào tạo để sử dụng 6 công cụ CoRT gồm: Mở rộng; Tổ chức; Tương tác; Sáng tạo; Thông tin và cảm nhận; Hành động. Hiện tại, khóa học đã được áp dụng rộng rãi tại hơn 30 quốc gia gồm Anh, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản, Singapore, Venezuela và Ireland… với khoảng 7 triệu HS sử dụng. Ở Venezuela, đã được tích hợp vào các khóa học thường xuyên trong nhà trường [12]. Ngoài CoRT, De Bono cũng phát triển các công cụ tư duy 49
  3. Ninh Thị Hạnh nổi tiếng như: 6 chiếc mũ tư duy, tư duy đa chiều,… không chỉ được sử dụng trong giáo dục mà còn phổ biến trong nhiều lĩnh vực xã hội khác. Thứ hai, dạy kĩ năng tư duy như một phương pháp dạy học thông qua các môn học trong nhà trường Spencer Kagan coi dạy kĩ năng tư duy như một phương pháp dạy học, theo đó các kỹ năng tư duy như một quá trình và đòi hỏi GV phải dạy nội dung kiến thức đã có bằng cách sử dụng các chiến lược, kĩ thuật dạy học cụ thể để thúc đẩy tư duy [3]. Trong phạm vi bài nghiên cứu, chúng tôi sử dụng quan niệm dạy kĩ năng tư duy như một phương pháp dạy học. Năm 2003, nhóm nghiên cứu của Kagan đã phát triển một loạt các chiến lược, kĩ thuật dạy học được gọi là “cấu trúc Kagan” để phát triển từng kỹ năng trong số 15 kỹ năng tư duy cơ bản (Hình 1). Spencer Kagan dựa vào cách tiếp cận và xử lý thông tin của tư duy, chia kỹ năng tư duy thành ba loại: hiểu thông tin, sử dụng thông tin và tạo ra thông tin. Cấu trúc Kagan (Kagan Structures) cũng đề xuất hơn 60 kĩ thuật dạy học để phát triển kỹ năng tư duy. Tiếp đó, phải kể đến Đề án số Không (Project Zero) của Đại học Harvard được thực hiện từ năm 1971 đến nay (năm 2022). Đề án đang triển khai nhiều nghiên cứu, trong đó có lĩnh vực nhận thức, tư duy và sự hiểu biết. Đề án cung cấp hơn 80 kĩ thuật dạy học hỗ trợ phát triển thói quen tư duy cho người học ở các nhóm tuổi, ngành học, quan điểm và năng lực khác nhau. Các kĩ thuật dạy học này được sắp xếp vào 10 nhóm tư duy gồm: Tư duy cốt lõi; thống kê và so sánh; quan điểm, tranh luận và giải quyết tình huống; bộ phận và tổng thể; thể hiện quan điểm; nghệ thuật hoặc chủ thể; tư duy hội tụ; tổng hợp và sắp xếp ý tưởng; tìm hiểu và khám phá ý tưởng; tư duy toàn cầu (Hình 2). Hình 1. Nhóm kĩ năng tư duy theo Hình 2. Nhóm kĩ năng tư duy theo cấu trúc Kagan [3] Đề án số Không [13] Việc sắp xếp các kĩ thuật tư duy tương ứng với mỗi loại tư duy thể hiện ưu thế nổi bật của các kĩ thuật và mang tính chất định hướng. Trong quá trình triển khai thực tế, GV hoàn toàn có thể chủ động, linh hoạt lựa chọn kĩ thuật tư duy phù hợp với đặc thù bộ môn để mang lại hiệu quả dạy học cao nhất. 2.2. Vận dụng việc dạy kĩ năng tư duy trong dạy học Lịch sử Việc dạy học Lịch sử ở Việt Nam trong những năm gần đây có “hạn chế nặng nề nhất đó là phần lớn học sinh không thích môn Lịch sử, coi đó là môn học của các sự kiện và năm tháng và của trí nhớ, khô khan, nhàm chán” [14, 6]. Một trong những lý do chính là phương pháp dạy học của GV đơn thuần mang tính truyền thụ kiến thức, với 70% GV thường chọn phương pháp 50
  4. Dạy kĩ năng tư duy (Thinking skills) và vận dụng trong dạy học Lịch sử ở trường phổ thông thuyết trình trong giờ dạy [15, 93]. Trên thực tế, người học vẫn có thể học khi không có kĩ năng tư duy sâu sắc. Nhưng nếu, người học tư duy hời hợt, chỉ ghi nhớ kiến thức máy móc thì kiến thức đó sẽ trở nên vô ích. Do đó, GV nên áp dụng kĩ thuật tư duy trong tiến trình dạy học các môn học nói chung và môn Lịch sử giúp người học được thực hành các thao tác tư duy một cách thường xuyên, đến mức trở thành quán tính. Căn cứ vào một trong những đặc điểm quan trọng của môn Lịch sử trong Chương trình 2018 là: “hình thành, phát triển cho học sinh tư duy lịch sử, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kĩ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu, nhận thức và trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại” [7, 3] và định hướng tổ chức dạy học tập trung vào hoạt động học của Bộ Giáo dục và Đào tạo [16], bài viết lựa chọn các kĩ thuật tư duy Kagan và Đề án số Không để đưa ra gợi ý vận dụng vào tiến trình tổ chức hoạt động dạy học, tập trung ở ba hoạt động chính là: Hoạt động mở đầu; Hoạt động hình thành kiến thức mới và Hoạt động luyện tập. Việc sử dụng các kĩ thuật này thường xuyên trong quá trình dạy học Lịch sử có ưu thế để góp phần hình thành và phát triển các biểu hiện cụ thể của năng lực lịch sử như: hiểu được nội dung, khai thác và sử dụng được tư liệu lịch sử trong quá trình học tập; so sánh sự tương đồng và khác biệt giữa các sự kiện lịch sử, lí giải được mối quan hệ nhân quả trong tiến trình lịch sử; Đưa ra được những ý kiến nhận xét, đánh giá của cá nhân về các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử trên cơ sở nhận thức và tư duy lịch sử; biết suy nghĩ theo những chiều hướng khác nhau khi xem xét, đánh giá, hay đi tìm câu trả lời về một sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử; phát triển năng lực sáng tạo, có khả năng tiếp cận và xử lí thông tin từ những nguồn khác nhau [7, 7]. Thứ nhất, dạy kĩ năng tư duy trong hoạt động mở đầu bài học. Hoạt động mở đầu được ví như một “cái móc câu” thu hút sự chú ý, kích thích trí tò mò và tạo hứng thú của HS với vấn đề/nội dung bài học. Để thực hiện được mục tiêu này, GV cần kích hoạt được kiến thức cơ bản HS đã biết hoặc kết nối những trải nghiệm của HS với nội dung/chủ đề bài học thông qua việc sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp. Với những đặc trưng đó, GV có thể áp dụng các kĩ thuật tư duy như: Think - Puzzle - Explore, Động não (Brainstorming), Think - Pair - Share; See - Think - Wonder (Hình 3), Chalk talk (Hình 4); Gọi tên - Mô tả - Diễn giải, 3-2-1 bắc cầu, Tưởng tượng nếu (Imagine if…)…, để hướng dẫn HS quan sát, khai thác tư liệu: tranh ảnh, video, trích dẫn… và kết nối với nội dung bài học. Hình 3. Sử dụng kĩ thuật See - Think – Hình 4. Sử dụng kĩ thuật Chalk talk hướng Wonder hướng dẫn HS khai thác hình ảnh dẫn HS nêu ý tưởng mở đầu chủ đề: Một số nền văn minh thế giới thời cổ - trung đại Ví dụ: Với chủ đề: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), GV có thể mở đầu bài học bằng hình ảnh chiếc xe đạp thồ và sử dụng kĩ thuật See - Think - Wonder (STW) theo nhóm nhỏ/theo cặp/cá nhân. Bước 1. See: Kể ra tất cả những điều HS quan sát được trong hình ảnh (tập trung vào những điểm khác biệt của xe đạp trong hình và xe đạp thông thường 51
  5. Ninh Thị Hạnh như: cấu trúc, hình dạng, kích thước, màu sắc…). Bước 2. Think: Nêu những suy nghĩ của HS rút ra được từ quan sát hình ảnh (tập trung nêu các kết luận, nhận định với dẫn chứng từ hình ảnh). Bước 3. Wonder: Nêu câu hỏi hoặc băn khoăn của HS khi quan sát hình ảnh. Bước 4. Từ những nhận định, băn khoăn của HS, GV sẽ kết nối với nội dung bài học bằng nhận định của nhà báo Giuyn- Roa, nguyên đại tá quân đội Pháp: “... không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà đó là những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200-300 kg hàng, do những dân công ăn không no, ngủ trên những tấm ni lon trải ngay trên mặt đất.” [17, 284]. Sử dụng kĩ thuật STW trong hoạt động này hướng dẫn được HS quan sát, nghiên cứu sâu tư liệu, hiểu được nội dung, khai thác và sử dụng được tư liệu lịch sử trong quá trình học tập.Thứ hai, dạy kĩ năng tư duy trong hoạt động tìm hiểu kiến thức mới Đây là hoạt động chính trong tiến trình bài dạy với mục đích giúp HS chủ động tìm hiểu, khám phá kiến thức mới. Phụ thuộc vào mục tiêu và nội dung kiến thức của bài học, GV có thể tổ chức thành nhiều hoạt động nhỏ: viết, vẽ, đọc, sáng tác, làm mô hình, thuyết trình, tranh luận, trình bày quan điểm, thảo luận nhóm… tương ứng với vấn đề cần giải quyết hoặc cấu trúc của bài học, đảm bảo người học chủ động lĩnh hội được kiến thức thông qua việc tương tác với bạn học, với phương tiện và tài liệu học tập. Ở hoạt động này, GV nên sử dụng đa dạng, linh hoạt các kĩ thuật tư duy phù hợp với mục đích của từng loại hoạt động học. Cụ thể, với các hoạt động có sự tương tác của người học với nhau, GV có thể sử dụng kĩ thuật: Suy nghĩ - Thảo luận theo cặp - Chia sẻ (Think, Pair, Share), Chalk Talk, Kéo co (Tur of war), Vòng tròn hoạt động (Circles of Action)…; Tương tác với phương tiện, tài liệu học tập: Quan sát - Tư duy - Đặt câu hỏi (See, Think, Wonder), Compass Points, Tư duy - Cảm nhận - Quan tâm (Think, Feel, Care), Màu sắc - Hình dạng - Đường nét (Colors, Shapes, Lines), Quan sát: 2 lần 10 (Looking: Ten Times Two),…; Thể hiện quan điểm: Dừng lại - Quan sát - lắng nghe (Stop, Look, Listen), Giống và khác (Same and Different), Sự thật cho ai (True for Who?), 3 câu hỏi Tại sao (The 3 Whys)… Ví dụ: Để thực hiện mục tiêu: “Nêu được ý nghĩa của những thành tựu cơ bản của văn minh thời Phục hưng: tư tưởng, văn học, nghệ thuật, khoa học kĩ thuật, thiên văn học” thuộc chủ đề: Một số nền văn minh thế giới thời kì cổ - trung đại, Lịch sử 10 [7, 16], cụ thể với thành tựu nghệ thuật, GV có thể sử dụng kết hợp kĩ thuật: Quan sát: 2 lần 10 và So sánh điểm giống, khác nhau giữa hai bức tranh thời Trung cổ (Hình 5) và thời Phục hưng (Hình 6). Hình 5. Madonna and Child (1290–1300) [18] Hình 6. Madonna and Child (1628–1630) [19] Bước 1: HS quan sát hai bức tranh và liệt kê 10 từ/cụm từ mô tả đặc trưng cơ bản của mỗi bức tranh. 52
  6. Dạy kĩ năng tư duy (Thinking skills) và vận dụng trong dạy học Lịch sử ở trường phổ thông Bước 2: Lặp lại bước 1 và cố gắng liệt kê nhiều hơn 10 từ/cụm từ mô tả đặc trưng cơ bản của mỗi bức tranh. Bước 3: So sánh điểm giống, khác nhau của hai bức tranh và trình bày quan điểm của mình. Với việc quan sát kĩ lưỡng và so sánh điểm giống và khác nhau của hai bức tranh, giúp HS học sâu, khám phá ra đặc trưng và ý nghĩa của nghệ thuật thời Phục Hưng. Thời Trung cổ, các bức vẽ thường thể trên một mặt phẳng. Chủ đề/nhân vật mang vẻ đẹp thần thánh, tôn giáo. Trong hình 5, Madonna mang vẻ đẹp của thần thánh với vầng hào quang quanh đầu. Sự dịu dàng và vẻ đẹp của Madonna như một phương tiện truyền cảm hứng cho tôn giáo. Thời Phục hưng, với phối cảnh tuyến tính lần đầu tiên được sử dụng, tạo chiều sâu cho bức vẽ. Bức vẽ ở hình 6 thể hiện Madonna đang cho con bú. Bà có tỷ lệ hoàn hảo và màu da tự nhiên. Bằng cách miêu tả Madonna như một người mẹ, khiến bà có vẻ thực hơn, nhân bản hơn. Như vậy, thông qua hoạt động quan sát và so sánh 2 bức vẽ, HS sẽ tìm ra ý nghĩa và đặc trưng của nghệ thuật hội hoạ thời Phục hưng thể hiện ở kĩ thuật phối cảnh tuyến tính và tinh thần nhân văn, nhân bản. Thứ ba, dạy kĩ năng tư duy trong hoạt động luyện tập Hoạt động luyện tập được thực hiện ở phần cuối mỗi bài học. Mục đích của hoạt động là giúp HS ghi nhớ, hệ thống lại kiến thức trọng tâm toàn bài và giúp GV lấy được phản hồi nhanh của HS về hiệu quả giờ học. GV có thể sử dụng các kĩ thuật tư duy thuộc nhóm: Tổng hợp và sắp xếp ý tưởng như: Ghi chú (Take Note), Màu sắc - Biểu tượng - Hình ảnh (Color, Symbol, Image - CSI), Tiêu mục (Headlines), Từ khoá - Cụm từ khoá - Câu, Em đã từng nghĩ… Bây giờ em nghĩ (Hình 7),… Những kĩ thuật tư duy kể trên giúp HS có cơ hội hệ thống, khái quát nhanh nội dung trọng tâm của bài học và suy ngẫm về những gì đã được học. Ví dụ, sau khi hoàn thành nội dung bài học: Cách mạng tháng Tám năm 1945, Lịch sử 12 [7, 58], GV có thể sử dụng kĩ thuật CSI để hướng dẫn HS luyện tập (Hình 8). HS sẽ lần lượt hoàn thành ba nhiệm vụ: - Lựa chọn màu sắc đặc trưng cho sự kiện Cách mạng tháng Tám. Giải thích lý do lựa chọn màu sắc này; - Lựa chọn một biểu tượng đặc trưng cho sự kiện Cách mạng tháng Tám. Giải thích lý do lựa chọn biểu tượng này; - Lựa chọn hoặc phác hoạ một hình ảnh đặc trưng cho Cách mạng tháng Tám. Giải thích sự lựa chọn của mình. Hình 7. Kĩ thuật Em đã từng nghĩ… Hình 8. Kĩ thuật Color - Symbol - Image Bây giờ em nghĩ Để thực hiện được nhiệm vụ này, HS cần huy động tổng hợp kiến thức đã học trong bài để lựa chọn màu sắc, biểu tượng và hình ảnh đặc trưng cho sự kiện. Bên cạnh đó, sử dụng kĩ thuật này, giúp HS đưa ra được những ý kiến nhận xét, đánh giá của cá nhân về các sự kiện một cách trực quan, phát triển năng lực sáng tạo. 53
  7. Ninh Thị Hạnh 3. Kết luận Kiến thức không thể thay thế cho tư duy và tư duy cũng không thể thay thế cho kiến thức. Vấn đề đặt ra không bối cảnh hiện nay là giáo viên không có đủ thời gian để dạy tất cả nội dung kiến thức được cho là hữu ích với người học. Nhưng GV hoàn toàn có thể lựa chọn dạy kĩ năng tư duy trên nền tảng kiến thức cốt lõi của môn học. Để lựa chọn này phù hợp với thực tiễn dạy, GV cần lưu ý: Thứ nhất, để dạy kĩ năng tư duy cho HS đạt được hiệu quả GV cần sử dụng linh hoạt các kĩ thuật tư duy kết hợp trong hoạt động học đa dạng như: viết, vẽ, đọc, sáng tác, làm mô hình, thuyết trình, thiết kế, trình bày quan điểm,… Có như vậy, người học mới thực sự được tham gia vào quá trình học tập và trở thành một phần của nó. Kiến thức lịch sử vì thế cũng trở nên sống động và thiết thực hơn. Thứ hai, thay đổi cần có thời gian. Bản thân người học có thể chưa có kĩ năng tư duy nên khi được giao các nhiệm vụ học tập yêu cầu tư duy, trải nghiệm, HS sẽ lúng túng, kết quả thực hiện chưa đạt kì vọng. Thay vì từ bỏ, GV nên hướng dẫn người học thực thiện tuần tự từng bước một các kĩ thuật tư duy, trong một quá trình liên tục để người học được trải nghiệm và hình thành thói quen tư duy. Cuối cùng, kĩ năng tư duy không phải bẩm sinh. Nó phải được học và làm chủ bởi giáo viên trước khi GV có thể dạy cho HS. Để làm được việc này, GV cần không ngừng phát triển chuyên môn và tin tưởng vào chính mình để có thể dạy tư duy hiệu quả cho người học. Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam qua đề tài mã số B.2022-SP2-03. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bernard Marr, How Much Data Do We Create Every Day? The Mind-Blowing Stats Everyone Should Read (truy cập ngày 31.12.2021, https://www.forbes.com/) [2] De Bono, E., 1985. The direct teaching of thinking as a skill. Education, 2(1), 1-8. [3] Kagan, S. Kagan Structures for Thinking Skills. San Clemente, CA: Kagan Publishing. Kagan Online Magazine, Fall 2003. www.KaganOnline.com, truy cập ngày 7/2/2021 [4] John Dewey, 2001. Democracy and Education, The Pennsylvania State University. [5] Zhao Shu, Zhao Guoqing, Wang Qiong, 2011. “Teaching Thinking Directly -Construction and Practice of Thinking Skills Training Course”, 978-1-4244-5392-4/10/$26.00 ©2010 IEEE, [6] Peter Ellerton, Trung Hà dịch, Tầm quan trọng của việc dạy cách tư duy, truy cập ngày 1/2/2021, https://day-hoc.org/tam-quan-trong-cua-viec-day-cach-tu-duy/) [7] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018. Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử, (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). [8] Edward De Bono, 1993. Teach your child how to think, Penguin books. [9] J.H.M. Hamers, J.E.H. Van Luit, B. Csapó, 1999. Teaching and learning thinking skills, Swets & Zeitlinger. [10] David Moseley, Viv Baumfield, Steve Higgins, Mei Lin, Jen Miller, Doug Newton, Sue Robson, Joe Elliott, Maggie Gregson, 2004. Thinking Skill Frameworks for Post-16 Learners: An Evaluation. A Research Report for the Learning and Skills Research Centre [11] Keith J. Holyoak, Robert G. Morrison (edited - 2005. The Cambridge Handbook of Thinking and Reasoning, Cambridge University Press, (Ron Ritchhart, David N. Perkins, CHAPTER 3 2: Learning to Think: The Challenges of Teaching Thinking). [12] The Edward de Bono Foundation, The de Bono Thinking Tools (truy cập ngày 31/12/2021, http://www.edwarddebonofoundation.com) 54
  8. Dạy kĩ năng tư duy (Thinking skills) và vận dụng trong dạy học Lịch sử ở trường phổ thông [13] Harvard Graduate School of Education, Project Zero's Thinking Routine Toolbox, (truy cập ngày 31/12/2021, https://pz.harvard.edu/) [14] Phan Huy Lê, 2012. “Làm sao nâng cao chất lượng giáo dục môn Lịch sử trong trường phổ thông”, Hội thảo KH Quốc gia về dạy học Lịch sử ở trường phổ thông, tr. 6 -12. [15] Hoang Thanh Tu, 2015. “Orientations and realities of history teaching in Vietnam”, Revue internationale d'études de Sèvres , 69 | 2015, 89-96 [16] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2020. Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH: V/v xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường ngày 18 tháng 12 năm 2020. [17] Bộ Quốc phòng - Tổng cục Hậu cần, 1995. Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội Nhân dân. [18] Duccio di Buoninsegna, Madonna and Child (1290–1300), (truy cập ngày 31/12/2021 https://www.metmuseum.org/art/collection/search/438754) [19] Guido Reni, Madonna and Child (1628–1630), (truy cập ngày 31/12/ 2021, https://artsandculture.google.com/?hl=en) ABSTRACT Applying teaching thinking as a skill in the high school History classroom Ninh Thi Hanh Faculty of History, Hanoi Pedagogical University 2 The drastic changes in technology and information in modern society require that each need outstanding ability to make decisions based on a large amount of complex information, rather than developing the ability to remember information. Although there are still debates such as: Is it possible to teach thinking to learners?. How to teach thinking?... But in fact, teaching thinking skills in courses specializing in thinking or teaching thinking skills interwoven with other objectives in the subject is taking effect. Teaching thinking as a skill helps learners develop their creativity, problem-solving, self-study,... to keep pace with the extreme transformation of the technological society. The article introduces an overview of thinking and teaching thinking as a skill in education. In addition, the article has given specific suggestions to apply some thinking techniques in teaching history in the context that Vietnam is implementing the 2018 General educational curriculum. Keywords: teaching thinking, thinking skills, teaching history, historical thinking. 55
nguon tai.lieu . vn