Xem mẫu

VJE

Tạp chí Giáo dục, Số 440 (Kì 2 - 10/2018), tr 54-57

DẠY HỌC VÀ KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ CÁC MÔN LÍ LUẬN CHÍNH TRỊ
THEO HƯỚNG TIẾP CẬN NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Phạm Đức Minh - Trường Chính trị tỉnh Hải Dương
Ngày nhận bài: 10/08/2018; ngày sửa chữa: 20/08/2018; ngày duyệt đăng: 26/08/2018.
Absatrct: In universities, professional skill improvement is an important objective because there
are many good graduates cannot meet the demand of the job and affirm their position in work and
society. Therefore, it is not only the duty of professional subject but also political thesis to improve
student’s professional skill. The article presents the teaching, testing and assessing political theory
subjects according to professional skill in universities.
Keywords: Testing, assessing, political thesis, approach capacity, occupation.
1. Mở đầu
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục toàn cầu, Việt Nam
cũng đang thực hiện đổi mới GD-ĐT theo định hướng
đánh giá năng lực. Vì vậy, dạy học theo hướng tiếp cận
năng lực đã và đang trở thành một trong những vấn đề
thời sự, một chủ trương lớn của ngành giáo dục và của
xã hội. Bài viết tập trung nghiên cứu về vấn đề dạy học
và kiểm tra, đánh giá các môn Lí luận chính trị (LLCT)
theo hướng tiếp cận năng lực nghề nghiệp ở các trường
đại học hiện nay.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Dạy học theo hướng tiếp cận năng lực nghề nghiệp
Về cơ bản, các nhà nghiên cứu giáo dục phân chia
chương trình dạy học thành 2 loại: dựa vào nội dung và
năng lực. Chương trình dạy học dựa vào nội dung xuất
phát từ quan niệm: dạy học là quá trình truyền thụ tri
thức. Nhìn vào chương trình dạy học này, người dạy sẽ
biết mình phải dạy những gì và học sinh sẽ biết mình phải
học những gì. Chương trình dạy học dựa vào năng lực
xuất phát từ quan niệm: dạy học là quá trình chuẩn bị cho
người học những năng lực cần thiết bước vào cuộc sống.
Do đó, chương trình môn học sẽ tập trung xác định đầu
ra những năng lực (năng lực chung và năng lực chuyên
biệt) cần đạt được ở người học. Qua đó, người dạy và
người học sẽ xác định được những năng lực được hình
thành ở người học. Như vậy, dạy học theo hướng tiếp cận
năng lực là chương trình dạy học nhằm khắc phục những
nhược điểm của dạy học định hướng nội dung “hàn lâm,
kinh viện”.
Theo Đại Từ điển Tiếng Việt: “Năng lực là khả
năng đủ để thực hiện tốt một công việc” [1; tr 1087]. Các
nhà nghiên cứu với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau nên
chưa đưa ra định nghĩa thống nhất về năng lực. Tuy
nhiên, các quan niệm đều đã chỉ ra những đặc trưng bản
chất của năng lực, đó là: - Năng lực là sự tổng hợp các
yếu tố kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm, kinh nghiệm

54

và nhiều nguồn lực tinh thần khác; - Nói đến năng lực là
nói đến khả năng thực hiện, khả năng hành động có thể
đo đếm, xác định được chứ không chỉ dừng lại ở biết và
hiểu; - Nói đến năng lực là nói đến hiệu quả của việc vận
dụng những kiến thức, kĩ năng… để giải quyết các vấn
đề đặt ra trong cuộc sống.
Năng lực nghề nghiệp là tổng hợp những kiến thức, kĩ
năng, thái độ của con người về nghề để đáp ứng những yêu
cầu do nghề nghiệp đặt ra. Ví dụ, năng lực nghề nghiệp
của người giáo viên là sự tổng hợp của 3 yếu tố: kiến thức
chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và thái độ đối với nghề
dạy học. Đào tạo giáo viên chính là quá trình làm thế nào
để giúp người học đạt được 3 yếu tố này theo yêu cầu của
nghề; từ đó, hình thành những năng lực đáp ứng yêu cầu
của nghề, như: năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường
giáo dục, năng lực dạy học, năng lực giáo dục, năng lực
phát triển nghề... Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với các trường
đại học là thiết kế và tổ chức thực hiện chương trình đào
tạo cần căn cứ vào hệ thống năng lực nghề nghiệp mà nghề
đòi hỏi; hay nói cách khác, các trường cần dạy học theo
hướng tiếp cận năng lực nghề nghiệp.
Cơ sở để xác định mục tiêu đào tạo theo hướng tiếp
cận năng lực là những quy định cho một nghề. Ví dụ, đối
với giáo viên trung học là Chuẩn nghề nghiệp của giáo
viên trung học cơ sở và trung học phổ thông do Bộ GDĐT ban hành kèm theo Thông tư số 30/2009/TTBGDĐT ngày 22/10/2009 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT;
đối với giáo viên tiểu học là Chuẩn nghề nghiệp giáo viên
tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo Quyết định
số 14/2007/QĐ-BGDĐT ngày 04/5/2007 của Bộ trưởng
Bộ GD-ĐT…
2.2. Vận dụng dạy học theo hướng tiếp cận năng lực
nghề nghiệp vào các môn Lí luận chính trị ở trường
đại học
2.2.1. Xác định mục tiêu môn học theo hướng tiếp cận
năng lực nghề nghiệp
Email: dm.kinhte@gmail.com

VJE

Tạp chí Giáo dục, Số 440 (Kì 2 - 10/2018), tr 54-57

Trên cơ sở mục tiêu các môn LLCT được ban hành
theo văn bản của Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội và chuẩn năng lực của nghề, giảng viên (GV)
các môn LLCT xác định rõ môn học, tiết học sẽ góp phần
hình thành những năng lực nghề gì cho sinh viên (SV).
Đặc thù của các môn học là trang bị kiến thức cơ bản về
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối
cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam...; từ đó, sẽ góp
phần hình thành cho SV những năng lực nghề: - Hình
thành thái độ đúng đắn với nghề (đây là một thành tố quan
trọng cấu thành toàn bộ các tiêu chuẩn, tiêu chí của năng
lực nghề); - Hình thành những năng lực nghề chung cho
mọi nghề (năng lực phát hiện và giải quyết những vấn đề
của nghề theo tư duy biện chứng…); - Rèn luyện những
năng lực nghề chuyên biệt (hát, đóng kịch, kể chuyện của
giáo viên mầm non, thuyết trình của nghề hướng dẫn viên
du lịch…).
2.2.2. Tổ chức dạy học
- Lựa chọn kiến thức giảng dạy: GV lựa chọn kiến thức
theo hướng tích hợp kiến thức của môn học với khối kiến
thức ngành, với thực tế ngành nghề đào tạo của SV, giúp
SV vận dụng kiến thức của các môn LLCT vào nghề
nghiệp của mình. Ví dụ, đối với ngành Sư phạm Mầm non,
GV có thể gắn kiến thức các môn LLCT với những chủ đề
ở trường mầm non (chủ đề gia đình, động vật, thực vật...);
đối với ngành Quản trị kinh doanh có thể gắn với các quy
luật xã hội, quy luật kinh tế, quy luật tâm lí trong tuyển
dụng, quản trị nhân lực...; GV cũng có thể cho SV xem
những hình ảnh, phim, video clip... về thực tế diễn ra trong
ngành nghề đào tạo, từ đó hướng dẫn SV khái quát, rút ra
kiến thức của các môn LLCT.
- Lựa chọn phương pháp giảng dạy: khi bắt đầu vào
học học phần các môn LLCT, GV giao cho SV nội dung
tự học ở nhà của cả học phần. Nội dung này được thiết kế
gắn chặt với việc hình thành năng lực nghề nghiệp của
người học. Vì vậy, cùng một môn học nhưng GV sẽ phải
xây dựng những nội dung tự học khác nhau cho những
ngành đào tạo khác nhau. Ví dụ, yêu cầu SV ngành Sư
phạm Mầm non xuống trường mầm non quan sát các hoạt
động giáo dục để nhận xét về tính toàn diện trong giáo dục
trẻ Mầm non; SV ngành Môi trường tìm hiểu, quan sát sự
tác động của môi trường với con người để thuyết trình về
mối liên hệ, tác động qua lại giữa các sự vật, hiện tượng;
SV ngành Kế toán thảo luận nhóm để nhận xét về tính
khách quan trong các báo cáo kế toán, tài chính... Những
công việc này SV phải chuẩn bị ở nhà trước khi lên lớp.
Ở trên lớp, trên cơ sở kết quả chuẩn bị bài ở nhà của
SV, GV tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học
tích cực như thảo luận, đối thoại… Chẳng hạn, khi dạy
về Nguyên lí mối liên hệ phổ biến (môn Những nguyên lí
cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chương II: Phép biện

55

chứng duy vật) trên cơ sở nội dung tự học đã giao cho
SV chuẩn bị ở nhà từ trước, GV cho SV ngành Sư phạm
tiểu học kể chuyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi’’; cho
SV ngành Môi trường thuyết trình về sự tác động qua lại
giữa môi trường và con người để thấy được cần có quan
điểm toàn diện trong nhận thức và hành động; đồng thời
phê phán quan điểm phiến diện…
Bản chất và yêu cầu của tiếp cận năng lực là biết làm,
biết vận dụng kiến thức và kĩ năng để giải quyết một vấn
đề trong học tập, cuộc sống. Vì vậy, SV cần được luyện
tập vận dụng kết hợp các thành phần kiến thức, kĩ năng,
thái độ trong những tình huống ứng dụng nghề nghiệp. Để
đáp ứng điều này, khi dạy học các môn LLCT, GV cần
tăng cường nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng các tình huống,
các trường hợp điển hình gắn với nghề nghiệp đang học.
Những tình huống đó chứa đựng vấn đề cần giải quyết và
để giải quyết được đòi hỏi phải có những quyết định dựa
trên cơ sở lập luận. Kiến thức của chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối của Đảng cộng sản
Việt Nam lúc này là những định hướng, phương pháp luận
chung nhất để giải quyết vấn đề.
2.2.3. Việc học của sinh viên
Dạy và học là 2 hoạt động thống nhất biện chứng với
nhau, sự thay đổi vế phương pháp giảng dạy của GV kéo
theo sự thay đổi của phương pháp học. Trong các môn
LLCT, việc giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực nghề
nghiệp dẫn đến việc học cũng gắn theo định hướng này.
SV luôn phải tìm hiểu, nắm bắt thực tế, kĩ năng nghề
nghiệp của ngành đào tạo để tích hợp trong việc học các
môn LLCT. SV không thể học thuộc “máy móc” mà phải
tư duy sáng tạo trong học tập; cũng không thể chỉ học
trong giáo trình mà phải tích cực đi thực tế, lên thư viện,
lên mạng tra cứu, tìm kiếm, cập nhật thông tin phục vụ
cho việc học tập. Tất cả những điều này làm cho quá trình
truyền thụ tri thức “một chiều” của GV trở thành quá
trình tự học có hướng dẫn và quản lí của GV; từ đó góp
phần tiếp cận các năng lực nghề nghiệp chung của người
học như năng lực sáng tạo, tự cập nhật, tự nghiên cứu…
2.2.4. Tổ chức kiểm tra, đánh giá
Cùng với việc dạy học, kiểm tra, đánh giá cũng góp
phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và
học tập các môn LLCT. Theo định hướng tiếp cận năng lực,
việc đánh giá kết quả học tập không lấy việc kiểm tra khả
năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm của việc đánh
giá mà cần chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức
trong những tình huống ứng dụng khác nhau. Vấn đề đặt ra
trong đánh giá ở các môn LLCT là cần phải xây dựng được
hệ thống câu hỏi vừa kiểm tra, đánh giá được việc nắm tri
thức của SV, lại vừa kiểm tra, đánh giá được sự vận dụng
những tri thức đó vào thực tế xã hội, ngành nghề đào tạo.

VJE

Tạp chí Giáo dục, Số 440 (Kì 2 - 10/2018), tr 54-57

Để việc kiểm tra, đánh giá các môn LLCT theo hướng
tiếp cận năng lực nghề nghiệp, GV cần: dựa vào chuẩn
năng lực nghề để ra đề, phải cung cấp phản hồi kịp thời
để người học tự hoàn thiện năng lực.
Sau đây, chúng tôi đưa ra một số ví dụ về đề kiểm tra
theo hướng tiếp cận năng nghề nghiệp của môn Những
nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Khi giảng
về cùng 1 nội dung Ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ
mối quan hệ vật chất và ý thức (Chương I: Chủ nghĩa duy
vật biện chứng), với những ngành khác nhau, GV có thể
đưa ra những đề kiểm tra khác nhau như sau:
- Đề kiểm tra dành cho SV khối ngành Sư phạm
(ngành Tiểu học):
Anh (chị) hãy đọc bài viết sau:
Thiên vị con giáo viên - phỏng vấn người trong cuộc
Nhiều bạn bức xúc với hiện tượng cô giáo thiên vị
con giáo viên. Bạn Phạm Đức Duy, phóng viên nhỏ
(PVN) CLB Nhà Thiếu nhi tỉnh Hưng Yên đã có cuộc
phỏng vấn mẹ bạn - một giáo viên trường tiểu học Quảng
Châu - thành phố Hưng Yên về chủ đề này. Sau đây là
nội dung cuộc phỏng vấn:
PVN Duy: - Thưa mẹ, có không ít bạn học sinh bức
xúc về việc giáo viên thiên vị con thầy cô giáo. Mẹ nghĩ
gì về việc này?
Giáo viên (Mẹ Duy): - Hành động này là không tốt,
vì muốn con giáo viên ngoan, học giỏi phải càng nghiêm
khắc để không tạo nên thói ỷ lại cho con em, nhất là con
giáo viên.
PVN Duy: - Trong thời gian qua, mẹ có thiên vị con
giáo viên không ạ?
Giáo viên (Mẹ Duy): - Mẹ đã thực hiện nguyên tắc là
không thiên vị bất cứ em học sinh nào, dù là con giáo
viên hay không.
PVN Duy: - Nếu thấy đồng nghiệp của mẹ làm như
vậy, mẹ sẽ làm gì?
Giáo viên (Mẹ Duy): - Mẹ sẽ gặp trực tiếp thầy giáo
cô giáo ấy, giải thích cho đồng nghiệp hiểu cái sai và tác
hại của hành vi này, khuyên họ phải công bằng trong đối
xử với học sinh, tránh làm hại chính các em học sinh là
con của giáo viên.
PVN Duy: - Con cảm ơn mẹ ạ!.
(Theo http://www.cmvn.org.vn/ ngày 15/3/2011)
Câu hỏi:
1. Anh (chị) có đồng tình với quan điểm của mẹ Duy
không? Vì sao?
2. Việc thiên vị con giáo viên vi phạm nguyên tắc gì
của chủ nghĩa duy vật biện chứng? Nguyên tắc này có
yêu cầu gì?

56

3. Trong nhà trường Tiểu học, còn có những biểu
hiện nào vi phạm nguyên tắc trên? Hãy phê phán và đề
xuất biện pháp khắc phục.
- Đề kiểm tra dành cho SV khối ngành Kinh tế (ngành
Kế toán):
Anh (chị) hãy đọc thông tin sau:
Hiện nay, bằng nhiều cách lách luật khác nhau, các
doanh nghiệp mỗi năm đang trốn thuế nhà nước hàng
trăm tỉ đồng, có doanh nghiệp còn kê khai lỗ nhiều năm
liền, trong khi đó lại đầu tư mở rộng kinh doanh.
Thủ đoạn mà các doanh nghiệp thường làm để trốn
thuế là kê giá nguyên liệu đầu vào rất cao, đồng thời tìm
mọi cách khai tăng chi phí quảng cáo, khuyến mãi nhằm
triệt tiêu lợi nhuận. Ở một trình độ cao hơn, doanh nghiệp
còn thành lập một nhóm nhiều doanh nghiệp, trong đó có
doanh nghiệp đặt ở TP. Hồ Chí Minh, có doanh nghiệp
đặt ở các tỉnh, thành khác được ưu đãi thuế. Những doanh
nghiệp trong nhóm chuyển lãi qua doanh nghiệp được
hưởng ưu đãi thuế để doanh nghiệp này không phải đóng
thuế hoặc đóng rất ít, những doanh nghiệp còn lại thì
không phải đóng thuế do không có lãi. Điều này đồng
nghĩa với việc nhà nước không chỉ thất thu một khoản
thuế lớn mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh
giữa các doanh nghiệp.
(Theo VOV.VN ngày 13/8/2011)
Câu hỏi:
1. Hãy dùng nguyên tắc khách quan của chủ nghĩa
duy vật biện chứng để phân tích việc trốn thuế của các
doanh nghiệp trong thông tin trên.
2. Sau này trở thành nhân viên kế toán, anh (chị) sẽ
vận dụng yêu cầu của nguyên tắc khách quan vào nghề
nghiệp của mình như thế nào?
- Đề kiểm tra dành cho SV khối ngành Khoa học xã
hội và nhân văn (ngành Quản lí văn hoá):
Anh (chị) hãy đọc bài viết sau:
Hơn chục năm qua, TS. Bùi Quang Thắng được
VICAS giao cho tổ chức, phục dựng nhiều lễ hội truyền
thống. Trong quá trình tổ chức lễ hội, ông luôn tuân thủ
nguyên tắc: không áp đặt ý chí chủ quan của mình vào
cộng đồng. Từ việc xây dựng kịch bản tổng thể đến kịch
bản chi tiết ở từng nghi thức của lễ hội, từ phân công thực
hiện đến việc luyện tập, ông cùng êkíp của mình luôn
thảo luận cùng với địa phương và những người đại diện
cho các cộng đồng. Điều đó đã tạo được lòng tự hào của
người dân về lễ hội mà họ đã góp công, góp sức xây dựng
nên. Đó cũng chính là sức mạnh tinh thần để lễ hội sống
trong lòng cộng đồng.
(Theo http://vicas.org.vn/ ngày 18/2/2011)
Câu hỏi:

VJE

Tạp chí Giáo dục, Số 440 (Kì 2 - 10/2018), tr 54-57

1. Dựa vào ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ mối
quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức, anh (chị) hãy
phân tích ưu điểm của kinh nghiệm trên.
2. Từ vấn đề trên, anh (chị) rút ra bài học gì để vận
dụng vào công tác quản lí văn hóa của anh (chị) sau này?
- Đề kiểm tra dành cho SV khối ngành Khoa học kĩ
thuật - Công nghệ (ngành Môi trường):
Anh (chị) hãy đọc những thông tin sau:
Môi trường là vấn đề thách thức lớn nhất đối với toàn
cầu, mỗi quốc gia và khu vực trong thế kỉ XXI, đặc biệt
ở những thành phố đông dân cư như Hà Nội. Chính vì
vậy, công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng, Nhà
nước và Chính phủ cũng như Đảng và chính quyền Thủ
đô đặc biệt quan tâm. Ngày 15/11/2004 Bộ Chính trị đã
ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về Bảo vệ môi trường
trong thời kì CNH, HĐH đất nước. Nghị quyết đề ra
nhiệm vụ: Đối với đô thị và ven đô thị cần chấm dứt nạn
đổ rác và xả nước thải chưa qua xử lí, khắc phục tình
trạng mất vệ sinh nơi công cộng; trong quy hoạch bố trí
diện tích đất hợp lí cho các nhu cầu về cảnh quan môi
trường; tăng lượng cây xanh dọc các tuyến phố… Đối
với vùng nông thôn: Hạn chế sử dụng hoá chất trong
canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; thu gom và
xử lí hợp vệ sinh đối với các loại bao bì chứa đựng hoá
chất sau khi sử dụng; bảo vệ chất lượng các nguồn nước,
đặc biệt chú ý khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng
bừa bãi, gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngầm; Hình
thành nếp sống hợp vệ sinh gắn với việc khôi phục phong
trào xây dựng “ba công trình vệ sinh” của từng hộ gia
đình phù hợp với tình hình thực tế…
(Theo http://thuvienphapluat.vn/)
Câu hỏi:
1. Bằng nguyên tắc khách quan trong chủ nghĩa duy
vật biện chứng, anh (chị) hãy lí giải việc Nghị quyết số
41-NQ/TW đưa ra các giải pháp khác nhau trong bảo vệ
môi trường của vùng đô thị, ven đô thị và vùng nông thôn.
2. Rút ra ý nghĩa đối với người cán bộ môi trường.
Với cách đánh giá như trên, đề kiểm tra, thi được ra
rất đa dạng, phong phú, nội dung đề có tính hấp dẫn đối
với cả GV và SV; vừa đánh giá được mức độ nắm kiến
thức, vừa đánh giá được khả năng vận dụng kiến thức
của các môn LLCT vào thực tế nghề nghiệp của người
học. Về phía SV, thay vì đơn thuần là tái hiện kiến thức
đã được học thì phải tổng hợp những kiến thức này để
phân tích những vấn đề thực tiễn trong ngành mình, dùng
kiến thức của các môn LLCT là những định hướng chung
để tiếp cận ngành nghề đào tạo, góp phần hình thành
năng lực nghề cho SV.
Tuy nhiên, với cách ra đề kiểm tra, thi như trên, GV
phải mất nhiều thời gian, phải đào sâu suy nghĩ, phải có

57

kiến thức hiểu biết liên ngành. Mặt khác, với những SV
học khá, ham học hỏi thì rất hứng thú với kiểu ra đề kiểm
tra, thi này, nhưng với SV học trung bình, kém, quen thụ
động thì cho rằng những đề kiểm tra, thi như vậy là khó,
không biết cách làm, thậm chí chán nản trong học tập, vì
vậy nhà trường, GV cần có những biện pháp hỗ trợ
những các em.
3. Kết luận
Dạy học theo hướng tiếp cận năng lực nghề nghiệp
trong dạy học các môn LLCT ở các trường đại học không
chỉ trang bị những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của
Đảng, góp phần hình thành, bồi dưỡng cho SV thế giới
quan và phương pháp luận khoa học, định hướng suy nghĩ,
hành động cho thế hệ trẻ mà còn giúp SV đạt được năng
lực nghề nghiệp; trên cơ sở đó góp phần nâng cao chất
lượng dạy học các môn LLCT hiện nay.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên, 2011). Đại Từ điển Tiếng
Việt. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
[2] Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết số 29NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
[3] Nguyễn Văn Cường - Bernd Meier (2012). Lí luận
dạy học hiện đại. NXB Đại học Sư phạm.
[4] Tạ Thị Thúy Ngân (2013). Đào tạo sinh viên ngành
Giáo dục công dân theo hướng tăng cường kĩ năng
nghề nghiệp ở Trường Cao đẳng Hải Dương. Kỉ yếu
Hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức - công dân
trong giáo dục phổ thông Việt Nam, Trường Cao
đẳng Hải Dương, tr 79-85.
[5] Đỗ Ngọc Thống (2013). Xây dựng chương trình
giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực.
Tạp chí Khoa học giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục
Việt Nam, số tháng 5/2013; tr 25-28.
[6] Nguyễn Duy Bắc (2004). Một số vấn đề lí luận và
thực tiễn về dạy và học môn học Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học. NXB
Chính trị Quốc gia - Sự thật.
[7] Trần Văn Phòng (2016). Phương pháp giảng dạy
tích cực với việc nâng cao chất lượng giảng dạy các
môn Lí luận chính trị ở các trường đại học sư phạm
hiện nay. Kỉ yếu Hội thảo quốc gia “Nghiên cứu và
giảng dạy Lí lận chính trị trong xu thế toàn cầu hóa”.
NXB Lí luận chính trị, tr 183-189.
[8] Phạm Huy Kỳ (2010). Lí luận và phương pháp
nghiên cứu, giáo dục lí luận chính trị. NXB Chính
trị - Hành chính.

nguon tai.lieu . vn