Xem mẫu

  1. DẤU ẤN VĂN HÓA TRONG TRUYỆN NGẮN QUẾ HƯƠNG NHÌN TỪ NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU VÕ THỊ NGỌC LAN Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Với phong cách lặng lẽ, trong đời thường và trong văn chương, Quế Hương đã cống hiến những tác phẩm có giá trị cho văn học Việt Nam đương đại. Truyện ngắn của Quế Hương đặc sắc nhờ sự lưu giữ, dung hợp văn hóa Huế với văn hóa nhiều vùng đất khác, thể hiện trên nhiều phương diện. Trong đó, ngôn ngữ và giọng điệu mang đậm dấu ấn văn hóa và biểu hiện rõ nhất đặc trưng phong cách của nhà văn. Từ khóa: văn hóa, ngôn ngữ, giọng điệu. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Sinh ra và lớn lên ở Huế, dù sau này chuyển vào Hội An và bây giờ sinh sống ở Đà Nẵng, nhưng trong những sáng tác của mình, Quế Hương đã mang đến cho người đọc những câu chuyện, những bức tranh tinh tế nhất về Huế. Đọc văn Quế Hương ta nhận ra những nét riêng của Huế không lẫn vào đâu được. Chất Huế thấm vào từng trang văn của chị, Huế của những ngày xưa, Huế từ trong vô thức vẫn luôn ẩn trong sâu thẳm để khi có cơ hội lại bộc phát. Những người con của Huế được sinh ra và lớn lên ở đây, dù có đi đâu, quê hương vẫn luôn thao thức trong tâm hồn những người con xa quê. Với Quế Hương, Huế là sự thổn thức tìm về những ngày xưa, sự ám ảnh về hình bóng những con người từ trong quá khứ đến hiện tại. Không chỉ thế, truyện ngắn của Quế Hương còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng nơi bà đang sinh sống và một vài nét văn hóa khác của đất Việt. Chính vì thế mà ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện của chị không chỉ mang âm hưởng của vùng đất Huế nói riêng mà còn rộng ra miền Trung. 2. NỘI DUNG 2.1. Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương nhìn từ ngôn ngữ Ngôn ngữ chính là sự biểu hiện cho văn hóa, khi nói về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên đã nói “Mỗi nền văn hóa lại có ngôn ngữ riêng của mình với hệ thống ngữ pháp và quy tắc riêng… Ngôn ngữ không định danh một thực tế đã được sắp đặt rõ ràng; vai trò của nó còn mạnh mẽ và phức hợp hơn. Chức năng của ngôn ngữ là tổ chức, kiến tạo và thực sự nó cung cấp cho chúng ta khả năng duy nhất tiếp cận với thực tế” [6; tr. 57]. Trong truyện ngắn Quế Hương, điều đó có thể được thấy rất rõ ràng qua hệ thống ngôn ngữ đậm màu sắc văn hóa Huế, và sự dung hợp văn hóa vùng miền Việt Nam. Huế là cái nôi nuôi Quế Hương lớn lên và chất Huế đã thấm sâu tâm hồn chị cho nên khi đọc văn chị ta cảm nhận được cái hồn của người Huế qua lời ăn tiếng nói của các nhân vật. Phải kể đến đầu tiên là tiếng “dạ thưa” ngọt lịm làm say lòng người. Con gái Huế nhẹ nhàng, thích những cái hài hòa, không thích những gì quá đối chọi gay gắt. Chính vì thế mà thái độ ứng xử của họ cũng nhẹ nhàng, dùng tiếng “dạ” để làm bình phong cho sự từ chối, từ chối nhẹ nhàng nhưng không kém phần quyết liệt. Chỉ trong cùng một truyện ngắn Ga xép, chỉ với một từ “dạ” mà đã chứa biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc và thái độ khác nhau khi nói ra, vui cũng “dạ”, buồn cũng “dạ”, đồng ý cũng “dạ” mà từ chối cũng “dạ” luôn và cách nhận biết chỉ có một là dựa vào sắc thái, âm điệu khi nói. Tiếng “dạ” ngập ngừng ấy còn thể hiện sự phản ứng chậm của người Huế. Đó là quãng nghỉ cho sự e dè, cân nhắc trong giao tiếp, trước khi định nói điều gì cần phải suy nghĩ thật kỹ càng, cũng là lễ nghĩa cần có khi giao tiếp. Người phụ nữ Huế thường 5
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 kín đáo, không bộc lộ tâm tình của mình cho người khác biết, huống chi đây là với một người lạ. Tiếng “dạ, thưa” ấy đã làm nên ấn tượng đặc sắc, gợi nhớ về xứ Huế không thua gì sông Hương, núi Ngự. Ngoài tiếng dạ thưa, truyện ngắn Quế Hương còn sử dụng những từ, những khẩu ngữ mà chỉ ở Huế mới có. Ngôn ngữ biểu hiện rất rõ thái độ của mình với người khác, xứ Huế có từ rất đặc biệt là “đồ”: “Người mà họ không thích, “không trọng vọng” cho lắm thì thường được họ kêu là “đồ”. Chúng tôi đã đếm được 176 “đồ” liên tiếp trên 7 trang trong quyển Từ Điển Tiếng Huế, đi từ “Đồ ăn không ngồi rồi, Đồ ba cha tám mẹ” cho đến “Đồ yêu ma quỷ quái, Đồ yêu tinh hà bá” [1]. Trong truyện ngắn Trần gian có mưa chúng ta bắt gặp “đồ mặt mo” hay “đồ xạo”, “đồ điêu” trong Ẩn lan,… Hay những khẩu ngữ Huế mà người đàn ông Việt kiều trong Chiếc lá hình giọt lệ mải mê đi tìm những từ cổ lỗ sĩ ấy rồi tìm được “ăn như thúng lủng khu”. Và những từ xưng hô trong đời thường tạo nên một lớp từ vựng của riêng xứ Huế: “ôn, mụ, mạ, mệ, o…” Ngôn ngữ độc thoại nội tâm được Quế Hương ưu ái sử dụng rất nhiều để khắc họa tâm lý, tính cách con người. Nhân vật của Quế Hương thường sống với hoài niệm, quá khứ của chính mình. Phố Hoài là tiếng gọi của những kỷ niệm từ quá khứ hiện về, dắt díu người ta bước theo. Ngày đi lạc là hành trình của một người chia làm hai nửa tỉnh táo - quá khứ, điên - hiện tại vì một mối tình si. Chiếc lá hình giọt lệ là hình ảnh của một chị Thời yêu âm thầm, lặng lẽ mà sâu nặng… Nhân vật trong truyện ngắn Quế Hương bộc lộ rõ nhất qua những dòng hồi tưởng, và bề ngoài lặng lẽ nhưng tâm hồn bên trong tràn đầy mơ mộng. “Văn hóa nằm trong các tâm trí, sống động trong các tâm trí, mà các tâm trí thì đều nằm trong văn hóa, sinh tồn trong văn hóa” [4; tr. 37]. Đây cũng chính là nét đặc trưng trong tính cách của người Huế, tạo nên tính hoài cổ và thủ cựu. Vì thế mà có lẽ ở trên dải đất hình chữ S này, Huế chính là nơi mà cái mới và lạ khó du nhập nhất, cần một khoảng thời gian rất dài con người mới có thể chấp nhận và thích nghi. Phần lớn các nhân vật của Quế Hương thường kiệm lời, và các nhân vật thường xoay quanh những mẩu đối thoại ngắn. Điều này cũng rất dễ hiểu bởi “Người Huế trọng đạo lý, trọng một nếp sống trong khuôn khổ Khổng Mạnh. Do đó, lối nói văn hóa của họ là phương tiện để dạy dỗ con cháu và họ hàng, nói ít mà hiểu nhiều, nói súc tích, không cần nói dông dài, để dễ sinh chán nghét.” [1] Chẳng hạn như một đoạn đối thoại giữa người dẫn đường và người đi tìm một Cội mai lưu lạc, tìm lại một thời quá khứ cho người mẹ quá cố: - Rồi răng nữa chị? - Rứa chớ răng! - Chị trêu tôi bằng cái giọng Huế đặc như để nén tiếng thở dài. [3; tr. 321] Ngôn ngữ của người xứ Huế thường tinh tế, sâu lắng, do đặc trưng văn hóa cung đình của xứ sở đất thần kinh. Truyện ngắn Quế Hương không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa Huế mà còn giao thoa với văn hóa miền Trung với sự xuất hiện dày đặc ngôn ngữ miền Trung với “mô, tê, răng, rứa,…” Tuy không để lại dấu ấn đậm nét như ngôn ngữ Huế nhưng đôi lúc ta cũng bắt gặp con người xứ khác trong truyện ngắn Quế Hương. Đã từng sống ở Quảng Nam một thời gian nên những từ ngữ đặc trưng của người Quảng được Quế Hương sử dụng rất tài tình, chị người Quảng trong cuộc tranh luận thể hiện niềm tự hào đất Quảng về ẩm thực đã thốt lên “Trong tui cũng săn chắc ngọt mềm! Không ngon răng người ta chở nhau đi en rần rần…” [2; tr. 46]. Ăn gọi là en chỉ có ở Quảng Nam - Đà Nẵng mà thôi. Cả lời chê trách của chị Rêu - người mê mẩn với những bức tường rêu của phố cổ Hội An, dành cho thằng Dậu “Con trai mà mu khóc tham ăn. Mi ăn hoài để cho đứa khác ăn với chớ! Con khỉ!” [3; tr. 348]. Cả câu thở dài của người mẹ “Nỏ thấy lên tí mô! Không biết tại răng? Và mẹ rưng rưng nước mắt” [2; tr. 316] mang nặng ngôn ngữ Nghệ Tĩnh. Quế Hương đã sử dụng tiếng Việt quá tinh tế đến nỗi vận dụng ngôn ngữ địa phương để tạo nên tính đa ngôn ngữ, đa văn hóa trong truyện ngắn của chị. 6
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 Ngoài ra, Quế Hương hay đưa những câu hát, lời thơ, lời văn của người khác vào tác phẩm của mình. Để lý giải cho điều này, Quế Hương từng nói: “Không phải tôi vô tình hay cố ý nhặt nhạnh những câu văn, lời thơ, nhận định của người khác để đem vào những truyện của mình đâu. Tâm hồn tôi vốn được lớn lên, nuôi dưỡng bằng vẻ sáng đẹp thẳm sâu của văn chương nên nó đã trở thành một phần máu thịt, tự nó phát ra”. [3; tr. 6-7]. Quế Hương đã mượn lời bài hát để lột tả rõ ràng nhất tâm trạng của các nhân vật, đó là nỗi nhớ không nguôi, là lời hẹn ước trong Câu hát tìm nhau “Duyên bén ngãi, văng vẳng tơ tình. Trước không phải, sau đền duyên ba sinh”, câu ca quan họ đặc trưng của một vùng văn hóa Kinh Bắc miên man, tha thiết; đó là câu hát gợi nhớ thương của những người con xa xứ, là cõi lòng hoang mang, vô định nơi quê người, gợi nhớ về một cơn mưa trong lời ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, là cơn mưa trong lòng người trong Nước mắt khô “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa. Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ. Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà…” Với Khúc chiều tà câu thơ “Mở hai hàng cỏ tháng ba/ Lễ là Đi Tiểu, hội là Vén Xiêm” (Ngày tháng ngao du - Bùi Giáng), thế giới phồn thực đầy hoang sơ đẹp hồn nhiên, sáng rực hiện ra, ấy là chúng ta đã biết gã Đớp xuất hiện, đưa thơ Bùi Giáng vào ngôn ngữ nhận dạng của gã Đớp, phải chăng chính tác giả đã thấy hình ảnh của một Bùi Giáng trong gã Đớp lang thang, bụi bặm, điên mà tỉnh. Chị đưa cả nhận xét của Nguyễn Yên Hà về tranh Phan Ngọc Minh “nền màu không thật, kiểu sắp đặt xô lệch lạ lùng” [3; tr. 266] để nói lên ấn tượng về nền kiến trúc độc đáo của văn hóa Champa cổ, là bức họa rõ nét về thánh địa Mỹ Sơn. Quế Hương còn trích dẫn cả những lời nói của người khác vào truyện mình “Thì tất cả chúng ta sinh ra từ cát bụi của các vì sao, là anh em họ hàng với động vật hoang dã, với hoa đồng cỏ nội” (Trịnh Xuân Thuận), đó là triết lí về mối quan hệ con người với thiên nhiên là một sự hòa hợp tuyệt vời. Không chỉ có ở những sáng tác trên mà trong rất nhiều sáng tác của Quế Hương, chúng ta rất dễ bắt gặp một câu hát, lời thơ, lời nhận định của người khác, truyện ngắn Quế Hương vì thế dễ dàng đọng sâu vào tâm trí người đọc bởi “lời ít ý nhiều”. Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương trên phương diện ngôn ngữ cho chúng ta thấy một nền đa văn hóa, đa ngôn ngữ, và giọng điệu cũng là một khía cạnh khác không thể thiếu để thể hiện sự dung hợp văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương. 2.2 Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn quế hương nhìn từ giọng điệu Nếu ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất thì giọng điệu chính là yếu tố tạo nên linh hồn cho tác phẩm. Trần Đình Sử đã nhận định rằng: “Giọng điệu nghệ thuật không chỉ là yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn, là phương tiện biểu hiện quan trọng của tác phẩm văn học, mà còn là yếu tố có vai trò thống nhất mọi yếu tố khác của hình thức tác phẩm vào một chỉnh thể. Các yếu tố tư tưởng, hình tượng chỉ được cảm nhận trong một phạm vi giọng điệu nào đó, và nhờ đó mà người đọc thâm nhập vào thế giới tinh thần của tác giả. Các tác phẩm văn học có giá trị đều thể hiện một giọng điệu đặc biệt, tiêu biểu cho thái độ, cảm xúc của tác giả, mà muốn hiểu tác phẩm người ta không thể bỏ qua được nó.” [9; tr. 258]. Ngôn ngữ trong truyện ngắn Quế Hương thấm đượm tinh thần văn hóa cho nên giọng điệu cũng như thế bởi nó luôn theo sát ngôn ngữ. Hòa trong sự vận động của văn học sau 1975, truyện ngắn của những nhà văn nữ đã mang một sức sống mới, trở nên đa giọng điệu. Mỗi nhà văn đều tạo cho mình một chất giọng riêng độc đáo và Quế Hương cũng vậy. Truyện ngắn Quế Hương xuất hiện dày đặc hệ thống ngôn ngữ miền Trung với những ngôn từ quen thuộc như: mô, tê, răng, rứa,… tuy nhiên chúng ta có sự phân biệt là căn cứ vào giọng điệu. Những cách nói như “rứa chơ răng”, “mần chi”, “trời ơi là… trời!” đọc vào không thể nhầm lẫn được đó là chất giọng, là cách nói rất riêng của người Huế. Văn chương cũng như con người Quế Hương, rất giàu nữ tính. Điều này thể hiện rõ qua giọng điệu trữ tình, đằm thắm trong truyện ngắn của chị như mặt nước dòng sông Hương lững lờ 7
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 trôi, như điệu Nam ai Nam bình sâu lắng, như tiếng dạ thưa ngọt ngào của người con gái Huế. Đọc văn chị, ta không khó để nhận ra những hình ảnh của xứ Huế mộng mơ với cầu Trường Tiền, đồi Thiên An, núi Ngự Bình, những con đường với hai hàng cây xanh lá,… Mỗi khi nói đến, chị đều nói bằng một tình cảm tha thiết, đầy hoài niệm và tự hào. Ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của xứ Huế mộng mơ với hình ảnh của các nữ sinh Đồng Khánh một thời: “Qua hết cầu khi mô tôi cũng quay nhìn lại. Một hàng vạt áo tung bay trong gió như đàn bướm trắng. Bướm bay về trăm ngả còn một “cái đuôi” lẽo đẽo theo người!” [2; tr. 129] để rồi thời gian rắc những bông hoa quên lãng, chỉ còn lại một hoài niệm đẹp đầy nuối tiếc một thuở. Đó cũng là giọng tự hào khi nói về một hình ảnh của xứ Huế trầm lặng, tịch mịch mà uy nghiêm cùng với lăng tẩm: “Khi hoàng cung của cõi chết hiện ra rõ ràng, diễm lệ dưới ánh dương quang, họa sĩ ngừng tay. Ông ngồi dựa vào thân cây, trang nghiêm, tịnh mặc như một kẻ thiền tọa, lắng nghe như uống từng giọt âm thanh mê hồn tắm đẫm hương sứ của lũ chim sớm.” [2; tr. 50]. Và các đặc sản của Huế hiện ra thật ngỡ ngàng dưới ngòi bút của chị với đĩa cá kho tiêu, món muối sả đậm đà sực nức không gian “nồi cơm nóng, tô canh chuối lá lốt nấu ruốc mỡ đậm đà và đĩa muối sả như gia vị cuộc đời đủ mặn ngọt bùi cay” [3; tr. 117]. Cách nói của người Huế mang một đặc sắc riêng không thể lẫn lộn với người nơi khác. Thử xem một anh chàng trong Ga xép đã tự hào biết bao về đặc sản quê hương xứ Huế của mình “Không phải mèo khen mèo dài đuôi chứ tui đi mô ăn cái chi cũng thấy không ngon bằng ở xứ mình. Con cá, con tôm ngọt lịm. Mực cửa Thuận An cũng ngọt hơn mực Nha Trang. Đừng nói chi miếng thịt phay ở Huế cũng đặc biệt hơn thịt luộc nơi khác, chấm mắm tôm kèm vả, khế, chuối chát cứ lịm người!” [2; tr. 45]. Giọng điệu trữ tình, đằm thắm tạo nên chất thơ cho các truyện ngắn Quế Hương, là nguồn mạch trữ tình đằm sâu trong sáng tác và bộc lộ nét tính cách dịu dàng rất Huế của chị. Một đặc trưng nữa trong truyện ngắn Quế Hương là nhân vật của chị thường sống trong sự hoài niệm, nuối tiếc về một thời đã qua, một tình yêu không thành vương vấn bằng một giọng khắc khoải, xót xa không nguôi. Lão Tầm Xuân đi tìm nửa câu quan họ, chơi vơi trong niềm nhớ “rồi cô ấy cũng phải đi lấy chồng. Bọn quan họ chúng tôi đến chia vui. Tôi đau lòng hát miên man” [3; tr. 245], Câu hát tìm nhau ấy vẫn hoang hoải trên đường về của lão, là sự nuối tiếc khôn nguôi trong lòng lão Tầm Xuân về mối tình tri kỷ. Thằng Dậu khắc khoải đi trong hoài niệm để tìm lại thời gian đã mất, tìm lại Phố Hoài của ngày xưa đầy ắp kỷ niệm “Phố không là quê nhưng là một mảng đời ông, một cuộc đời cứ như bị chặt khúc theo từng bước mưu sinh nhọc nhằn của mẹ. Cha bỏ mẹ. Mẹ bỏ làng với cái thai trong bụng”, và cả xót xa “Nước mắt chị mặn hơn nước biển cửa Đợi. Da chị mịn mướt hơn rêu Phố. Hắn vùi mặt trong tóc chị hít hương thơm dìu dịu, ngai ngái mùi hoa cỏ và cảm thấy dễ chịu đến bàng hoàng: “Thằng ranh, mi làm chi rứa?” - Chị ngạc nhiên xô hắn ra.” [3; tr. 354]. Xót xa cho mối tình lặng mà sâu của chị Rêu và cũng xót xa cho chính mối tình câm lặng của thằng ranh dành cho chị Rêu. Giọng xót xa khi nói đến đôi bàn chân của mẹ, Đôi chân biết khóc hằn sâu trong ký ức của Quế Hương, được lặp lại rất nhiều lần trong các trang viết của chị, đôi chân gầy héo, nổi rõ gân xanh với những vết nứt nẻ lấm tấm dấu vết lầm than và lần nào cũng xót xa như nhau, xót xa cho mẹ, cho chị và chung cho kiếp đàn bà nắng sớm mưa chiều tần tảo, “dấu vết lặn lội, lầm than, lăn lóc bám từ tóc tai, giọng nói, áo quần, nhiều nhất là đôi chân” [3; tr. 20]. Quế Hương không chỉ xót xa cho thân phận người phụ nữ, đau đáu về những mối tình chỉ còn là hoài niệm mà chị còn xót xa cho những mảnh đời không hoàn hảo. Hình ảnh Bà mụ của búp bê lỡ sinh, lỡ quên và gọi luôn là con Lỡ “Lại xấu xí! Lại gầy gò vì thiếu cân, thiếu tháng! Lại bị què sau trận sốt tê liệt khi lên hai!” [3; tr.202] nhưng tâm hồn của con Lỡ mới lành lặn, mới đẹp làm sao, nó mơ con nó sẽ đẹp giùm nó. Vua lũ đồ chơi, Tí bụi, cô chủ Quán Búp Bê,… đều có những hoàn cảnh xót xa, không khuyết thiếu về thể xác thì cũng chịu những tổn thương về tâm hồn. Viết về thế giới trẻ khuyết thiếu ấy, Quế Hương viết bằng tất cả tình thương, sự xót xa và cả tia hy vọng cho cuộc đời của họ. Quế Hương đã dùng “cái tâm” để sống và viết về những nhân vật của mình, đạo của Quế 8
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 Hương chính là đạo người, là đạo từ tâm thấm nhuần màu sắc Phật giáo của xứ Huế. Sự xót xa trước những di tích văn hóa dân tộc bị mai một dần, trong Apsara hoang dại là sự xót xa về một quần thể kiến trúc độc đáo bằng đất nung và đá của vương quốc cổ Champa nay chỉ còn “một mảnh hình hài thương tật”, và điều đáng buồn hơn đó chính là cõi tâm linh huyền bí cũng bị xâm phạm “Xưa chỉ có những con người chay tịnh hằng tháng trời mới được đặt chân lên đất thánh. Giờ thì mọi du khách đều được khu du lịch “chắp cánh” để vào thung lũng thần linh” [3; tr. 265]. Trong Câu hát tìm nhau, lão Tầm Xuân tiếc nuối về một hội Lim với câu ca quan họ lúng liếng đắm say, chan tình lai láng của ngày xưa, còn bây giờ “Hội Lim giờ đâu như xưa nữa. Nhưng tôi vẫn nghe tiếng trống vào hội giục giã lòng tôi”, và cũng là sự tiếc nuối về một vẻ đẹp yên tĩnh không bị khuấy động của Phố Hoài xưa, những dấu vết đổ nát của cố đô xưa. Cùng với lối ngôn ngữ độc thoại nội tâm, giọng điệu xót xa, khắc khoải, văn Quế Hương đã lột tả được đời sống nội tâm của những con người rất Huế trong sáng tác của chị. Đồng thời, giọng văn Quế Hương còn ánh lên tinh thần nhân đạo, sự sẻ chia, lan tỏa nỗi ấm áp vào từng số phận nhân vật và len lỏi cả vào tâm hồn bạn đọc, khắc khoải, day dứt, xót xa. Cùng với giọng trữ tình đằm thắm, giọng khắc khoải xót xa, giọng triết lý đã góp phần làm nên phong cách nhà văn bởi nó đã thể hiện được tâm hồn của nhân vật trong tác phẩm mà nhà văn muốn gửi gắm đến và cả tâm hồn của nhà văn. Bằng sự nhạy cảm và trải nghiệm với cuộc đời, Quế Hương đã đúc kết được nhiều chiêm nghiệm và chị chuyển tải vào văn của mình. Triết lý trong truyện chị là những triết lý về thiên nhiên, cuộc đời, nhân sinh, cái chết. Triết lý về thiên nhiên “Thiên nhiên lớn lao vô lượng, lặng thầm mà tràn trề tình yêu và khát vọng. Tất cả đều biết nói nếu biết lắng nghe bằng cả trái tim.” [3; tr. 73]. Triết lý về cho - nhận trong cuộc đời “Cháu hãy cho nếu có dịp. Cho là sẽ được nhận”. Là một phụ nữ, thấm thía nỗi khổ cực và bổn phận của một người mẹ, người vợ, chị thấu suốt “Tôi tin Thượng đế tạo đàn bà với sáu đôi tay để họ có thể làm hết công việc bất tận có tên và không tên, trọng đại và tủn mủn… Cả mắt cũng vậy. Không chỉ đôi đằng trước, dưới trán.” [3; tr. 111]. Đàn bà mấy ai không khổ, là sự an phận - nét đặc trưng của người phụ nữ Huế và họ xoay quanh guồng quay tất bật với những việc không bao giờ hết, những việc từ bổn phận của người phụ nữ. Triết lý về sự vĩnh cửu của cuộc đời, cho nên tình yêu dưới con mắt của chị cũng là tình yêu vĩnh cửu “Yêu là thế sao? Là cuộc đời này tỏa sáng vào cuộc đời khác và người đó trở nên tốt hơn, mạnh hơn” [2; tr. 16] và người Huế yêu dai như mưa. Cuộc đời là vĩnh cửu, nên cái chết cũng thật nhẹ nhàng “chịu khó một chút rồi xong ngay mà” [2; tr. 284]. Triết lý của chị là châm ngôn về ý nghĩa cuộc đời “Cuộc sống có ý nghĩa không ở chỗ dài ngắn mà là ta đã làm được gì với nó” [2; tr. 285], triết lý này đã giúp cho Ruộng trong Thư gửi thời gian mạnh mẽ chiến đấu bệnh tật và sống có ý nghĩa đến từng giây trước khi chết. Tất cả những triết lý của chị đều hướng đến một thế giới vĩnh cửu, bởi chị đã nhìn thấy đời rộng mênh mông. Quế Hương có được nhân sinh quan quý giá ấy chính là nhờ vào mạch nguồn văn hóa tinh tế, giàu tính nhân đạo, và ảnh hưởng của triết lý đạo Phật thấm nhuần cả thiên nhiên, con người xứ Huế. Giọng văn triết lý dẫn dắt các nhân vật đến sự suy tưởng, góp phần thể hiện tính cách kín đáo, sống thiên về nội tâm của người Huế. Nhà văn Tuốc-ghê-nhép từng nói: “Cái quan trọng nhất trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng của chính mình, không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ một người nào khác”. Nhìn vào những đóng góp của Quế Hương cho nền văn học nước nhà chúng ta có thể khẳng định chị đã thành công trong việc tạo nên một chất giọng riêng ngân nga trong lòng độc giả. 3. KẾT LUẬN Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn của Quế Hương được thể hiện qua nhiều khía cạnh, đặc biệt là qua ngôn ngữ và giọng điệu. Ngôn ngữ thể hiện dấu ấn văn hóa Huế và sự dung hợp văn 9
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 hóa qua những độc thoại nội tâm đưa con người về với cõi mê, cõi say của mình, thể hiện tính hướng nội của người Huế qua những đoạn đối thoại bộc lộ tính cách văn hóa con người và từ ngữ, cách nói địa phương được thể hiện khá rõ trong truyện ngắn Quế Hương. Cùng với ngôn ngữ, giọng điệu thể hiện dấu ấn văn hóa, trong đó rõ nét nhất là văn hóa Huế. Con người Huế vốn ăn nói nhỏ nhẹ, giọng nói như câu Nam ai Nam bình lãng đãng trên dòng Hương giang. Sự am hiểu về văn hóa đã khiến ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Quế Hương phảng phất cái hồn của văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa miền Trung trong đó rõ nét nhất là văn hóa Huế nói riêng. Từ đó khẳng định được phong cách, cá tính và đóng góp của nhà văn Quế Hương. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bùi Minh Đức (2005), Bản sắc của con người xứ Huế, http://www.ykhoahuehaingoai.com /ky/k_BANSACCONNGUOIXUHUE_BUIMINHDUC.html, truy cập ngày 15/08/2016. [2] Quế Hương (2004), 27 truyện ngắn của Quế Hương, Nxb Phụ nữ. [3] Quế Hương (2010), Đóa hoa không gai và con cừu không rọ mõm, Nxb Phụ nữ. [4] Edgar Morin (2008), Phương pháp 4. Tư tưởng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [5] Phan Ngọc (2000), Thử xét văn hóa văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Thanh niên. [6] Nguyễn Tri Nguyên (Chủ biên) (2015), Ký hiệu học văn hóa, Nxb Thông tin và Truyền thông. [7] Nhiều tác giả (1995), Huế - đẹp thơ, ngàn năm di sản, Nxb Đà Nẵng. [8] Hoàng Phủ Ngọc Tường (2002), Tính cách Huế, Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nxb Trẻ. [9] Trần Đình Sử (2005), Những công trình thi pháp học, Tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Title: CULTURAL LANDMARK IN QUE HUONG’S SHORT STORIES FROM LANGUAGE AND TONE Abstract: With silent style, in real life and in literature, Que Huong has contributed valuable pieces of literature work to the VietNam contemporary litersture. Her short stories are considered special thanks to the store, Hue cultural fusion with other lands culture, expressed in many ways. In particular, the language and tone of cultural imprints and clear manifestations characteristic style of the writer. Keywords: culture, language, tone. VÕ THỊ NGỌC LAN Học viên Cao học, chuyên ngành Văn học Việt Nam, khóa 23 (2014-2016), Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế. Số điện thoại: 01663237337/ 0934859018, Email: ngoclanvodhsp@gmail.com 10
nguon tai.lieu . vn