Xem mẫu

DẤU ẤN CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI
TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THUẬN
LÊ THỊ QUỲNH TRANG
Trường THPT Chuyên Quốc học, Huế
LÊ THỊ HƯỜNG
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
Tóm tắt: Sự giao lưu văn hóa một cách cởi mở cả về chiều rộng lẫn chiều
sâu từ nửa sau thế kỷ XX đã tạo điều kiện phát triển cho văn chương nghệ
thuật. Văn học Việt Nam mở rộng biên giới, các tác giả và tác phẩm từ ngoại
quốc được xem như một bộ phận văn học quan trọng. Trong bối cảnh đó, sự
xuất hiện của những nhà văn như Thuận có ý nghĩa rất lớn với đời sống văn
học. Tiếp cận tiểu thuyết của Thuận dưới góc nhìn dấu ấn chủ nghĩa hậu hiện
đại là một cách để hiểu thêm về nữ văn sĩ độc đáo này của văn học đương
đại Việt Nam. Dấu ấn chủ nghĩa hậu hiện đại thể hiện đậm nét trong tiểu
thuyết của Thuận qua các phương diện như: cảm quan hậu hiện đại, kiểu
nhân vật mảnh vỡ, kết cấu lắp ghép - liên văn bản, cấu trúc mở, người kể
chuyện với giọng điệu vô âm sắc...

Sự giao lưu văn học - văn hóa từ nửa sau thế kỷ XX trong môi trường hội nhập đã tạo
cơ hội cho văn học Việt Nam tiếp thu tinh hoa văn học thế giới. Không ít nhà văn trong
các sáng tác của mình ghi đậm dấu ấn của chủ nghĩa hiện đại, văn học phi lý, phân tâm
học, tiểu thuyết mới... và cả chủ nghĩa hậu hiện đại. Vậy văn học Việt Nam đã thực sự
có tiểu thuyết hậu hiện đại chưa? Phải khẳng định rằng, trào lưu văn học hậu hiện đại
phát triển mạnh mẽ ở phương Tây nhưng chưa định hình ở Việt Nam. Văn học Việt
Nam chưa có tiểu thuyết hậu hiện đại theo đúng nghĩa của nó, mà chỉ mới xuất hiện
những yếu tố, những dấu ấn theo hướng hậu hiện đại như là một hướng tìm tòi để đổi
mới cách viết tiểu thuyết. Sinh ra ở Hà Nội nhưng Thuận học tập và sinh sống ở Pháp.
Cùng với cảm thức lạc loài, luôn hướng về Hà Nội da diết, nồng nàn ở từng nhân vật,
từng câu chuyện là những trang văn mang bầu không khí của nước Pháp hào hoa. Chủ
nghĩa hậu hiện đại xuất hiện đầu tiên ở Pháp - đất nước của một nền văn học luôn đi tiên
phong trong lịch sử nhân loại - cũng để lại những dấu ấn trên trang viết của Thuận,
trước hết ở cảm quan hậu hiện đại.
1. Cảm quan hậu hiện đại là một “kiểu cảm nhận thế giới đặc biệt, là sự phản ánh thời
hậu hiện đại vốn đã trở thành đối tượng bàn luận của các nhà triết học và văn hóa học
phương Tây những năm 80 của thế kỷ XX” [3, tr. 8]. Đó là một kiểu cảm nhận đời sống
đặc thù thể hiện trạng thái tinh thần của thời đại: nhận thấy sự đổ vỡ của những trật tự
đời sống, tính áp đặt của cái chính thống, của các phát ngôn lớn, sự đảo lộn trong các
thang bảng giá trị đời sống, sự mất niềm tin, bơ vơ, lạc loài, vong thân; tâm trạng hồ
nghi tồn tại và tình trạng bất an của con người. Sự cảm nhận này đã manh nha từ đầu
thế kỷ với những hiện tượng như F. Kafka, A. Camus... khi hiện thực cuộc sống có
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 01(21)/2012: tr. 49-56

50

LÊ THỊ QUỲNH TRANG – LÊ THỊ HƯỜNG

những biến động lớn, đặc biệt cùng với sự phát triển thần tốc của kinh tế, khoa học kỹ
thuật là sự tha hóa của con người hiện đại. Lúc này, tiểu thuyết truyền thống tỏ ra lỗi
thời, chủ nghĩa hiện thực vấp phải những nghịch lý trong khả năng phản ánh hiện thực.
Trong khi đó, những biến động xã hội khiến con người nảy sinh tâm lý bất an, hoài
nghi. Họ chất chứa khát vọng lùi sâu của bản thể để gìn giữ sự phong phú của tâm hồn
trước sự phá hủy của xã hội công nghiệp. Tất cả những điều đó đòi hỏi nhà văn phải
cách tân để chuyển tải được hiện thực và tình cảm trong giai đoạn lịch sử mới.
Cảm nhận cuộc sống trong sự bất an, hồ nghi, cô đơn là yếu tố nổi lên trong tác phẩm
của Thuận. Hiện thực trong các sáng tác của Thuận đều mang nỗi buồn trước sự khắc
nghiệt của cuộc sống. Mặt trái của nền kinh tế thị trường của xã hội tư bản Pháp khiến
những cô gái như Liên, Mai Lan, Pat (Paris 11 tháng 8) sống trong cảnh tù túng, khốn
khó về vật chất và tinh thần. Hay đời sống công chức tẻ nhạt với thời gian sống trở
thành một thời khóa biểu khiến cho T mất tích, khiến cho nhân vật tôi nhận ra tâm hồn
bị cùn mòn đến mức kiệt quệ (T mất tích). Dự cảm con người biến thành một thứ máy
móc trong xã hội hậu công nghiệp dường như càng ngày càng thể hiện rõ từ hiện thực
đến văn chương. Thêm vào đó là sự đảo lộn những chuẩn mực đạo đức, tính chất các
mối quan hệ và sự thay đổi liên tục các thang giá trị tạo nên sự cô đơn lạc lõng và sự
hoài nghi cho con người. Con người bị tha hóa về tâm hồn, hay tính cách bị bóp méo
theo những cám dỗ và khó khăn của cuộc sống mà họ không thể nhận thức, hoặc nhận
thức được mà không thể lý giải để rồi mặc nhiên chấp nhận, để rồi hoài nghi, đau khổ...
Cảm quan về đời sống hiện tại của các nhà văn như Thuận vì vậy có sự gặp gỡ, đồng
cảm với cảm quan hậu hiện đại. Ta vẫn thấy bàng bạc trong các tác phẩm cảm xúc, tâm
trạng chung của cả nhân loại trong kỷ nguyên được gọi là hậu hiện đại
2. Tiểu thuyết hiện đại đã khám phá con người theo cách riêng của nó, nói như Kundera
là “đi tìm ẩn mật của bản ngã” [5] bằng nhiều hình thức khác nhau. Hệ quả là sự thể
hiện con người trong văn học hậu hiện đại có những nét đặc thù khác tiểu thuyết truyền
thống. Về bút pháp tiểu thuyết, dấu ấn chủ nghĩa hậu hiện đại thể hiện trong tiểu thuyết
của Thuận rõ nhất qua phương thức xây dựng nhân vật – những nhân vật mảnh vỡ,
nhân vật bị tẩy trắng. Cùng với sự phá vỡ lối cấu trúc truyền thống, sử dụng cấu trúc
phân mảnh là hệ thống nhân vật được tái hiện qua những “mảnh vỡ” của lát cắt thời
gian, của số phận, của tính cách, để rồi đến cuối tác phẩm, người đọc vẫn không thể
hình dung được một chân dung nhân vật toàn vẹn.
Trong Chinatown, nhân vật Thụy đã bước ra khỏi cuộc đời nhân vật chính (“tôi”) từ
một khúc đoạn xa vời trong quá khứ, song cái tên Thụy lại in dấu vào từng trang truyện,
thấm đẫm những giấc mơ của “tôi”. Thụy chưa bao giờ hiện diện một cách trực tiếp và
thực tại trên văn bản mà hầu như chỉ tồn tại ở thì quá khứ, ở dạng phủ định: “Thụy
không có quê”; “Không bao giờ Thụy viết thư cho tôi”, “Nước Nga buồn và lạnh (…)
Tôi không có một tin tức nào của Thụy. Sau này tôi hay hỏi Thụy sao Thụy không viết
thư. Thụy cười không nói”; “Những ngày ấy thằng Vĩnh mới một tháng. Nó biết lẫy.
Biết bò. Biết đi. Không thấy Thụy đâu. Nó đau răng. Cai sữa. Lên sởi. Không thấy Thụy
đâu. Nó bị kiến lửa đốt vào tai, sốt 39 độ một tuần liền. Không thấy Thụy đâu. Nó nuốt

DẤU ẤN CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THUẬN

51

phải hột chôm chôm cấp cứu (…) Không thấy Thụy đâu. Nó bị thằng bạn cùng nhà trẻ
cắn rách mũi (…) Không thấy Thụy đâu. Không thấy Thụy đâu”... Nhưng đồng thời,
Thụy vẫn là nhân vật chính của tác phẩm: tên Thụy xuất hiện đến 671 lần, là nguyên
nhân hạnh phúc và đau khổ của cuộc đời nhân vật tôi, hiện hữu trong tất cả các khoảnh
khắc hiện tại của cô: “Mười hai năm nay, các giấc mơ của tôi, buồn rầu một phút hay
vui nhộn suốt đêm, luôn có thằng Vĩnh, có tôi, có Thụy”. Chỉ xuất hiện qua những
mảnh ký ức của nhân vật tôi nhưng Thụy cũng đủ sức ám ảnh người đọc. Song khác với
các nhân vật trong tiểu thuyết truyền thống, cho dù là hồi tưởng qua dòng tâm trạng thì
vẫn hiện lên với đầy đủ lai lịch, tiểu sử, tính cách, kể cả những chi tiết như sở thích, thói
quen. Thụy ở đây là một nhân vật không trọn vẹn chân dung bởi dòng hồi ức chắp nối,
đứt quãng, khi liền mạch khi vỡ vụn của tôi. Không đơn thuần chỉ là một quan niệm
mới về thể loại hay quan niệm nghệ thuật về con người, nhân vật mãnh vỡ trong tiểu
thuyết hiện đại còn là một sự khám phá mới về con người. Con người luôn phức tạp và
sinh động với dòng chảy ý thức chứ không phải là sự đơn giản của hồi tưởng, nhớ
mong… Hiện thực của dòng tâm trạng là sự hỗn độn, là những mảnh thời gian - không
gian - sự kiện không trọn vẹn, đôi khi vô nghĩa lý chứ không phải là dòng chảy một
chiều. Sự phân rã tính cách nhân vật và hiện thực ở đây được hiểu theo nghĩa là nhà văn
không có tham vọng giải thích nó trong sự toàn vẹn, không “ghi lại quá trình hình
thành và phát triển các tính cách nhân vật theo lịch sử và biến cố” [1, tr. 390]. Điều đó
cũng là một thách thức với người đọc, để hiểu về con người - nhân vật mảnh vỡ, cần
một kiến thức sâu rộng về chính bản thân con người với một năng lực đồng cảm sâu sắc.
Chính sự tìm kiếm và khám phá ra hiện thực mới về con người - hệ quả của kiểu nhân
vật mảnh vỡ của chủ nghĩa hậu hiện đại là các nhà văn triệt để sử dụng nghệ thuật tẩy
trắng nhân vật, và thậm chí là đánh vắng nhân vật. Bởi, như Thuận phát biểu: “không
muốn đóng khung nhân vật vào những cái khung gỗ vuông lồng kính rồi treo lên tường”
và “luôn tìm cách tiến tới một quan hệ bình đẳng với các nhân vật của mình. Bình đẳng
theo cái nghĩa tôi toàn quyền tự do sáng tạo, họ toàn quyền tự do phát triển” (Thuận).
Trong tác phẩm của Thuận, ta gặp những cái tên như N, V, M (Vân Vy), T (T mất tích)...
Những cái tên chưa thành tên đó báo hiệu một chân dung nhân vật không trọn vẹn.
Những nhân vật đột ngột biến mất chỉ còn xuất hiện qua những sự chắp ghép thông tin
hay hổi ức như Thụy, Pat, hoặc T trong T mất tích.
Nhan đề T mất tích gợi một sự tò mò về câu chuyện mà trong đó, T là nhân vật trung
tâm tác phẩm. Những dòng chữ đầu tiên kéo ta vào thế giới của T: “T mất tích. Cảnh
sát, sau bốn mươi tám tiếng đúng quy định hình sự đã khẳng định như vậy và tung kế
hoạch truy tìm trên phạm vi toàn quốc”. Người đọc hồi hộp dõi theo như đang mong
chờ một câu chuyện trinh thám đầy kịch tính để xem kết quả cuối cùng T là ai và mất
tích như thế nào. Nhưng những trang sách tiếp theo, cho dù vấn đề trung tâm là cuộc
tìm kiếm T của sở cảnh sát thì chân dung về T không có gì ngoài cái tên viết tắt và sự cố
gắng chắp nối những dữ liệu về T của người chồng: “T thường rời công sở lúc 5h15,
đến mẫu giáo đón Hanah con gái của chúng tôi lúc 6h kém 5 vì đúng 6h là trường đóng
cửa, nội quy được hiệu trưởng thông báo ngay từ buổi họp phụ huynh đầu tiên (...) Vợ
tôi không có gia đình lẫn bạn thân. Người quen duy nhất là chị Xuân nhưng gọi điện thì

52

LÊ THỊ QUỲNH TRANG – LÊ THỊ HƯỜNG

chị bảo nửa năm nay không gặp”. Thi thoảng, T về trong hình dung của người đọc bằng
những cảm nhận của nhân vật tôi như: “T không lãng mạn lắm”... Nhân vật T không
trọn vẹn một cái tên, không ngoại hình, không tính cách, không quá khứ, không tương
lai, còn hiện tại - chỉ gói gọn trong từ “mất tích”. Nhân vật chính của tiểu thuyết dường
như cũng mất tích dưới những hàng chữ bộn bề những sự kiện, việc làm, suy nghĩ của
nhân vật tôi - chồng T. Cùng với sự đảo lộn trong cuộc sống của nhân vật tôi và các mối
quan hệ với đại úy Delon, Paul - bạn đồng nghiệp, sếp Bruel, bố, mẹ kế và Anna- người
tình của ông bố... bức tranh hiện thực đời sống của xã hội Pháp hiện ra hết sức sinh
động. Để rồi cuối tác phẩm, sau một thời gian dài làm quen với cuộc sống một mình
nuôi con, nhân vật tôi nhận ra sự tù túng, tẻ nhạt của cuộc sống thường nhật khiến một
cô gái như T không thể chịu nổi. Anh kết luận: “Tôi ngờ rằng nếu tôi cố tình không hiểu
và kiên quyết lôi T về nhà thì cô ấy sẽ đành phải chạy trốn, và nếu như chạy trốn mà
cũng thất bại thì chỉ có con đường cuối cùng là tự sát. T không quay về Sài Gòn, cô ấy
chọn một nơi rất xa, thuê một căn phòng nhỏ, điện thoại không lắp, tài khoản không
mở, bạn bè không kết. Mai danh ẩn tích để được mãi mãi nằm trong danh sách mất tích
của sở nội vụ thành phố”.
Cho đến trang viết cuối cùng khép lại tác phẩm, người đọc vẫn hoàn toàn không có một
thông tin, một chân dung nào về T. Qua sự soi chiếu bằng tâm hồn và suy ngẫm của
nhân vật tôi, T để lại trong ta ấn tượng về một tâm hồn cá tính, bản lĩnh, dám rời bỏ
cuộc đời này để sống một cuộc đời khác cho riêng mình. T trong tiểu thuyết này như
một hình tượng ẩn dụ, ám dụ hơn là một hình tượng nhân vật. Hay nói cách khác, kiểu
nhân vật tiểu sử, đầy đặn về tính cách đã bị hạ bệ bằng sự lên ngôi của kiểu nhân vật ám
gợi. Nhân vật như một đề án mở bởi bút pháp tẩy trắng nhân vật: xóa mờ nhân dạng, để
ngỏ tính cách, nhân vật được trả lại quyền tự do, đứng ở vị trí bình đẳng với người đồng
sáng tạo ra nó.
3. Sự thay đổi trong quan niệm và nghệ thuật xây dựng nhân vật – tất yếu vừa là nguyên
nhân, vừa là hệ quả của những đổi thay trong cấu trúc tự sự. Chủ nghĩa hậu hiện đại
cũng để lại dấu ấn đậm nét trong tác phẩm của Thuận về phương diện kết cấu, kiểu kết
cấu lắp ghép - liên văn bản.
“Như một tập hợp lộn xộn những chất liệu dị loại nhau và những nguyên tắc cấu trúc
không thể dung hợp” (M. Bakhtin), lý thuyết hậu hiện đại đã ghi nhận “lắp ghép” (tiếng
Anh: montage) như là một cách thức phổ biến cấu kết nên tác phẩm. Dấu hiệu của
những đường ghép là sự chuyển đổi về nội dung, sự kiện trong những thời gian và
không gian khác nhau, có trong từng chương và ở giữa các chương. Tính đứt quãng, vọt
biến của thời gian là đặc điểm cơ bản nhất. Chính sự ghép mảnh này làm thao tác tóm
tắt tác phẩm gặp nhiều trở ngại và sự tóm tắt không làm ta thỏa mãn.
Paris 11 tháng 8 là cuốn tiểu thuyết lạ chính bởi sự đan xen giữa văn bản với văn bản,
giữa thể loại với thể loại. Bối cảnh câu chuyện diễn ra vào đợt nắng nóng cướp đi sinh
mạng 15000 người ở Pháp năm 2003. Hai mươi hai chương truyện được lồng ghép với
những bài tin tức, phóng sự được trích dẫn trên báo đài Pháp kiểu như: “Nước Pháp đã
kiệt quệ dưới cơn nóng khác thường từ mười lăm ngày nay, các đơn vị cứu thương, các

DẤU ẤN CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THUẬN

53

bệnh viện và các công ty lo liệu đám ma ngập đầu trong công việc. Nhiều dân cư của
các khu nhà cao tầng đã thông báo về những xác chết nạn nhân của hạn hán đang còn
nằm tại nhà mà chưa được ai để mắt tới. Báo Liberation ngày hôm qua đã nói về một
cuộc tàn sát’, còn báo Le Parisien thì sử dụng từ ‘thảm họa’. Theo cuộc điều tra do tờ
báo này tiến hành thì ‘riêng Paris và ngoại ô đã có khoảng hai nghìn người chết được
ghi sổ trong vòng tám ngày qua’. Bản tổng kết có thể sẽ còn nặng hơn rất nhiều trên
toàn lãnh thổ nước Pháp” (Đài Radio France, 15/08/2003). Thuận rất thông minh khi
không cần tốn quá nhiều ngôn từ cho việc dựng không gian nghệ thuật cho tác phẩm.
Những bài báo được cắt dán vào cuốn tiểu thuyết, tự nó đem lại không gian nóng bức,
ngột ngạt, tù túng đáng sợ một cách chân thực hơn bao giờ hết. Người đọc hình dung ra
xã hội Pháp sinh động theo tình hình thời tiết, hậu quả của đợt nắng nóng, thống kê số
người tử vong, miêu tả cảnh sống lay lắt của nhiều kiếp người... Trong môi trường đó,
những số phận nhân vật của tác phẩm hiện lên: Liên và Mai Lan, kể cả Pát - một phụ nữ
Cuba, những người phụ nữ cô độc, bị bỏ rơi, khả năng tự vệ kém mặc dù thường xuyên
sống bằng cách lợi dụng và bị lợi dụng. Một ngày nọ, một đợt nóng khác đến tìm, nóng
theo kiểu khác, không làm chết vì mất nước, sốt cao hoặc hỏng tim mạch nhưng lần lượt
khiến họ phát rồ, trong khi họ còn chưa già. My, con gái Mai Lan, nhảy qua cửa sổ tự tử
vì thất tình. Pát, sau những trận “sinh hoạt” vô độ, đột ngột biến mất mà theo dự cảm
của Liên là do chết vì AIDS. Mai Lan thì lâm vào cảnh cùng quẫn vì bị cắt trợ cấp nuôi
con. Còn Liên thì cuối cùng cũng kiếm được một ngoại kiều già trong một tâm trạng
chán đời, vô vọng.
Kết cấu lắp ghép liên văn bản trong Paris 11 tháng 8 phát huy hiệu quả một cách đắc
lực trong việc chuyển tải ý đồ nghệ thuật cũng như những vấn đề về thân phận, về kiếp
sống con người phía sau xã hội tư bản Pháp. Nó dẫn dắt người đọc không chỉ dõi theo
hành trình sống của nhân vật mà còn đi theo đời sống của cả nước Pháp, buộc người ta
phải tìm đến những văn bản ngoài tác phẩm.
Chianatown cũng có hiện tượng lắp ghép thể loại, truyện lồng truyện. Xen lẫn những
hồi ức của nhân vật tôi là câu chuyện dài I’m yellow. Hay trong Vân Vy cũng có sự đan
xen vào cốt truyện về nhân vật Vy bằng câu chuyện của Nicolas. Sự đan ghép giữa thể
loại tiểu thuyết và truyện ngắn trong một tác phẩm tăng tối đa hiện thực phản ánh. Nhà
văn có thể cùng trong một bối cảnh khắc họa nhiều số phận con người.
Theo Kristeva, văn bản không được hình thành từ những ý đồ sáng tác riêng của người
cầm bút mà chủ yếu là từ những văn bản khác đã hiện hữu trước đó: mỗi văn bản là một
sự hoán vị của các văn bản, nơi lời nói từ các văn bản khác gặp gỡ nhau, tan loãng vào
nhau và trung hoà sắc độ của nhau. Vì vậy, đọc mỗi quyển sách của Thuận bao giờ
người đọc, một cách rất tự nhiên, hồi cố về những tác phẩm của Thuận trước đó. Đọc T
mất tích, ta sẽ liên tưởng tới nhân vật Thụy trong Phố Tàu, cả hai tác phẩm đều có
môtip nhân vật “biến mất”, nhân vật “vắng mặt”. Hiện thực cuộc sống trong Vân Vy
được thấu hiểu hơn, sự bế tắc và đời sống tạp nham vô nghĩa của những con người trong
truyện được độc giả thông cảm, yêu thương hơn nhờ những góc khuất của xã hội được
chiếu rõ từ Paris 11 tháng 8. Sự liên kết siêu văn bản này đem lại rất nhiều tầng nghĩa

nguon tai.lieu . vn