Xem mẫu

  1. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN | 12/2019 ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC Ở THUỘC ĐỊA INDONESIA (1901-1929) NGUYỄN THỊ THƯƠNG Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế Email: nguyenthuong19989611@gmail.com Tóm tắt: Từ những chuyển biến về kinh tế, chính trị, xã hội vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chính phủ Hà Lan phải ban hành “Đường lối mới” (New policy) ở thuộc địa Indonesia để duy trì sự cai trị của mình. Lĩnh vực giáo dục và y tế thuộc địa được chú trọng hơn. Từ đó, hệ thống giáo dục ở Indonesia được hoàn thiện dần, trong đó việc đào tạo giáo viên cho nhiều chương trình giáo dục tiểu học khác nhau được hình thành và mở rộng. Bài báo tập trung nghiên cứu về nguyên nhân, quá trình hình thành và phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học (1901 - 1929) cũng như tác động của chính sách này đối với nền giáo dục Indonesia trong những giai đoạn tiếp theo. Từ khóa: Indonesia, Hà Lan, Đào tạo giáo viên tiểu học, Đường lối mới (chính sách đạo đức), Giáo dục hướng nghiệp. 1. MỞ ĐẦU Indonesia, quốc gia giàu có về hương liệu, gia vị, nằm ở vị trí quan trọng trên con đường hàng hải từ phương Đông sang phương Tây, lại bị chia rẽ bởi các tiểu quốc Hồi giáo1 và sự khủng hoảng của vương triều Majapahit vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI; điều này đã tạo cơ hội cho các cường quốc phương Tây xâm nhập và thống trị Indonesia từ nửa đầu thế kỷ XVI trở đi. Từ thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nước Cộng hòa Hà Lan ra đời, sản xuất theo phương thức tư bản chủ nghĩa ngày càng phát triển dẫn đến Hà Lan trở thành một cường quốc ở Tây Âu, mệnh danh là đế quốc thương mại biển vào giữa thế kỷ XVII. Với vị thế mới, Hà Lan có điều kiện cạnh tranh và xâm nhập vào khu vực Đông Nam Á nói chung và Indonesia nói riêng. Indonesia bị các cường quốc phương Tây tranh giành quyết liệt, đi đầu là Bồ Đào Nha, tiếp đến là Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, nhưng cuối cùng vào đầu thế kỷ XVII, với ưu thế về nhiều phương diện công ty VOC2 của Hà Lan (được chính phủ cho phép) đã thiết lập được quyền lực của Hà Lan ở quốc gia này. Quá trình xâm nhập và thống trị Indonesia của Hà Lan có thể chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 1602-1799 là giai đoạn chính phủ giao cho công ty VOC toàn quyền quản lý, chính sách cai trị của công ty VOC chủ yếu tập trung khai thác về kinh tế, mua bán hương liệu, gia vị, giành giật thị trường với các cường quốc phương Tây khác mà ít chú trọng đến lĩnh vực xã hội như: giáo dục, y tế,... Giai đoạn thứ hai, chính quyền Hà Lan trực tiếp cai trị Indonesia trên tất cả các mặt. Trong đó, “chế độ canh tác” mà những nhànghiên cứu thường gọi là “chế độ cưỡng bức trồng trọt” vào thế kỷ XIX đã mang lại nhiều lợi nhuận cho chính quyền thuộc địa Indonesia cũng như chính quyền Hà Lan. “Trong 40 năm (1830-1870) thi hành chính sách này, Chính phủ Hà Lan đã thu được khoản lợi nhuận khổng lồ bằng số thu nhập của Công ty Đông Ấn Hà Lan trong suốt 200 năm” [5, tr.395]. Nhưng đồng thời chế độ này cũng gây ra nạn đói liên miên cho nhân dân Indonesia dẫn đến nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân Indonesia nổ ra như: năm 1821, ở Tây bộ Sumatra 1 Vào những năm 20 của thế kỷ XVI, Indonesia bị phân chia thành hàng chục các tiểu quốc Hồi giáo như:Goa, Bone, Tecnate,… 2 VOC: viết tắt của tiếng Hà Lan Vereenigde Oost-Indische Compagnie, thường gọi là Công ty Đông Ấn Hà Lan, một công ty thương mại, thành lập năm 1602. Công ty này được chính quyền Hà Lancho phép sở hữu gần như toàn bộ quyền lực của chính phủ như: phát động chiến tranh, bỏtù và hành hình các tù nhân, thay mặt chính phủ trong các đàm phán hiệp ước, đúc tiền và thành lập thuộc địa. 55
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKH 2019 đã bùng lên cuộc khởi nghĩa của nông dân Menangkabau,… Vì lẽ đó vào năm 1901, chính quyền thuộc địa phải ban hành “Đường lối mới” (New policy) ở Indonesia. Trong “Đường lối mới” này, giáo dục và y tế được chú trọng đặc biệt, tức là quan tâm đến quyền lợi của đông đảo nhân dân Indonesia nên các nhà nghiên cứu thường gọi đây là “Chính sách đạo đức”. 2. VỀ NGUYÊN NHÂN ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC Ở THUỘC ĐỊA INDONESIA (1901-1929) Từ những chuyển biến về chính trị, kinh tế, xã hội ở thuộc địa Indonesia cũng như ở chính quốc Hà Lan, đăc biệt là cuộc đấu tranh trong nội bộ cầm quyền của các đảng phái chính trị Hà Lan trong đó phái dân chủ - những người đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân thuộc địa chiếm đa số, buộc chính quyền thực dân Hà Lan phải ban hành “Đường lối mới” hay “Chính sách đạo đức” vào năm 1901. Với tinh thần “Chính quyền của Indonesia vì Indonesia”, theo đó người dân Indonesia dần dần được trao quyền tự cai trị và được bình đẳng hơn trong các hoạt động xã hội. Để thực hiện “Đường lối mới” này, chính quyền Hà Lan“thành lập nên các ngân hàng nhân dân, cung cấp tín dụng ưu đãi cho người dân, chú ý đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí cho người bản xứ thông qua thiết lập, củng cố và mở rộng hệ thống giáo dục, mạng lưới y tế dịch tễ công theo kiểu phương Tây” [3, tr.247]. Việc ban hành, thực hiện “Đường lối mới” đã giảm thiểu mâu thuẫn giữa nhân dân Indonesia với chính quyền Hà Lan. Khi thực hiện “Đường lối mới”, Hà Lan chú ý đến giáo dục và y tế như một phương tiện, một nỗ lực cần thiết để bù lại những thiệt thòi to lớn về nhiều mặt mà những người bản xứ đã phải chịu đựng từ chính sách cai trị hà khắc trước đó.Từ đây, hệ thống giáo dục được mở rộng hơn, gồm có: Giáo dục bản địa Indonesia và giáo dục theo định hướng phương Tây cùng song hành tồn tại, nên người ta thường gọi là hệ thống “giáo dục kép”. Từ nửa sau thế kỷ XIX nhất là từ đầu thế kỷ XX trở đi, chính quyền thuộc địa đã thành lập rất nhiều trường tiểu học ở các làng xã Indonesia. Hệ thống giáo dục tiểu học bản địa Indonesia: + Trường tiểu học hạng Nhất và trường tiểu học hạng Hai: Vào nửa sau thế kỷ XIX, Hà Lan thành lập trường tiểu học cho người bản địa Indonesia, nhưng số con em của tầng lớp trên, giàu có không đến trường vì cha mẹ của họ cho rằng con em của mình thuộc đẳng cấp trên, cao quý hơn không thể học chung trường lớp với con em nghèo khó của tầng lớp dưới, thấp hèn; vì lẽ đó đến năm 1893 Hà Lan thành lập Trường tiểu học hạng Nhất và trường tiểu học hạng Hai.“Một là loại Trường địa phương hạng Nhất, chuyên dành cho con em tầng lớp quý tộc, quan lại (Priyayi) và hai là Trường địa phương hạng Hai để dạy cho con em các tầng lớp khác nhau, chủ yếu cho dân nghèo nông thôn và thành thị” [6, tr.39]. Như vậy, chính quyền Hà Lan đã phải chấp nhận sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội bản địa Indonesia để mở trường tiểu học cho phù hợp với từng đối tượng, nhằm phát triển giáo dục cho nhân dân Indonesia nói chung theo tinh thần của “Đường lối mới”. So với trường hạng Hai thì trường hạng Nhất được chính quyền thuộc địa chú trọng hơn. Năm 1907, chính phủ đưa tiếng Hà Lan, trở thành một môn học; nhờ đó, trường hạng Nhất được chính phủ xếp vào trường Đạt chuẩn (Standard School). Đến năm 1914, trường hạng Nhất dần được chuyển đổi thành trường tiểu học Hà Lan - Indonesia (Hollands Inlandse School). Nếu như trường hạng Nhất chỉ dành cho con em quý tộc, tầng lớp giàu có nên chiếm số ít, còn trường hạng Hai dành cho con em thuộc tầng lớp dưới nghèo khổ chiếm số đông hơn; nên trường hạng Hai được thành lập hầu khắp làng xã Indonesia. Tính đến năm 1910,“chính quyền thuộc địa đã lập được 1.021 trường công lập hạng Hai ở Indonesia” [1, tr.57]. + Trường Làng (Desa): Nhằm góp phần phổ cập giáo dục tiểu học ở các làng xã, Thống đốc Van Heutsz quyết định thành lập trường Làng tại đảo lớn Java vào năm 1907. “Các trường 56
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN | 12/2019 hạng Hai và các trường Desa (trường Làng) nhanh chóng lan rộng ra trên Java và Sumatra trong khoảng thời gian từ 1917 đến 1919” [1, tr.64]. Từ 1927-1929, 450 ngôi trường Làng được xây dựng từ 16,5 triệu guiders mà chính phủ cung cấp. Hệ thống giáo dục tiểu học theo định hướng phương Tây: + Trường tiểu học Hà Lan - Indonesia1 (Hollands Inlandsche School, viết tắt là HIS) vốn là trường tiểu học hạng Nhất có đủ điều kiện được chuyển đổi thành trường tiểu học Hà Lan - Indonesia. “Năm 1914, 85 trong số 95 trường hạng Nhất đã được chuyển đổi thành HIS công khai và được lãnh đạo bởi một hiệu trưởng châu Âu” [1, tr.75]. + Trường tiểu học Hà Lan - Trung Quốc (Hollands Chinese School, viết tắt là HCS) chính phủ thuộc địa thành lập vào năm 1910, dành cho con em thuộc cộng đồng người Trung Quốc ở Indonesia. + Trường tiểu học châu Âu (Europeesche Lagere School, viết tắt là ELS) thành lập vào năm 1817 dành cho con em người châu Âu. Chương trình giáo dục dành cho các trường này là không giống nhau, trường hạng Hai và trường Làng không có giáo dục bậc cao giống như HIS, HCS và ELS2. Số lượng các trường tiểu học tăng nhanh trong những năm đầu thế kỷ XX ở Indonesia, đây cũng là tình hình chung của giáo dục tiểu học ở các thuộc địa Đông Nam Á lúc bấy giờ. Theo số liệu thống kê của tác giả Agus Suwignyo trong công trình “The breach in the dike: regime change and the standardization of public primaryschool teacher training in Indonesia, 1893-1969”: “Số trường tiểu học công lập tăng tới 117 trường trong 4 năm từ năm 1900 (533 trường) đến năm 1904 (650 trường)” [1, tr.72]. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để chính phủ đáp ứng nhu cầu về giáo viên cho phù hợp với sự phát triển của các kiểu trường tiểu học này. Ban đầu, việc cung cấp giáo viên cho các trường tiểu học ở Indonesia phụ thuộc vào số lượng giáo viên mà chính quyền thuộc địa đưa từ Hà Lan sang. Tuy nhiên, số lượng giáo viên vào thời điểm này không thể đáp ứng nhu cầu giáo dục tại Indonesia nhất là sau khi mở rộng các trường tiểu học công lập. Bên cạnh đó, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, nguồn nhân lực ở chính quốc Hà Lan thiếu hụt.Việc “tuyển quân trong Thế chiến thứ nhất đã tạo ra sự thiếu hụt giáo viên nghiêm trọng trong Hà Lan, từ đó ảnh hưởng đến việc gửi giáo viên Hà Lan đến Ấn Độ Hà Lan3” [1, tr.45]. Hơn nữa, việc đưa giáo viên tiểu học được đào tạo ở châu Âu sang dạy ở các trường tiểu học này tốn kém hơn nhiều so với đào tạo giáo viên tiểu học ở thuộc địa Indonesia4. Đây là hai yếu tố chính thúc đẩy chính phủ thành lập và phát triển các trườngtrung học sư phạm (đào tạo giáo viên tiểu học) ở Indonesia.Đào tạo giáo viên tiểu học người bản địa trở thành một nhu cầu cấp thiết đối với nhà cầm quyền. 1 Năm 1906, chính phủ Đông Dương của Pháp thực hiện cải cách giáo dục ở nước ta, trong đó có trường tiểu học Pháp-Việt ở nước ta tồn tại khắp cả ba kì. Đây là hình thức trường tiểu học phổ biến mà các cường quốc phương Tây đã thực hiện ở các thuộc địa Đông Nam Á. 2 Chương trình tiểu học mà các nước phương Tây áp dụng tại các thuộc địa Đông Nam Á gồm hai bậc: bậc sơ học từ lớp 1 đến lớp 3, cao đẳng tiểu học từ lớp 4 đến lớp 5. Học sinh muốn học lên hệ trung học thì phải tốt nghiệp cao đẳng tiểu học. 3 Ấn Độ Hà Lanchỉ Indonesia dưới thời thuộc địa Hà Lan. 4 “Chính phủ đã phải trả chi phí trước khi khởi hành (uitrusting) và cho chi phí vận chuyển giáo viên từ châu Âu đến Ấn Độ Hà Lan và trở về, khi nghỉ phép hoặc khi nghỉ hưu” [1, tr.82]. Như “năm 1912, mức lương thấp nhất của một giáo viên châu Âu bình thường ở Indonesialà Fl.250 mỗi tháng. Năm 1913, tiền lương của hiệu trưởng người Indonesia của trường hạng Nhất chỉ là Fl. 90 mỗi tháng; một giáo viên trợ giảng cho cao đẳng tiểu học đầu tiên (eerste- hulponderwijzer) là Fl.40; một giáo viên trợ giảng cho bậc sơ học tiểu học (hulponderwijzer) Fl.35 nếu giáo viên ấy đã có bằng tốt nghiệp kweekchool và FL.25 nếu giáo viên ấy không có bằng tốt nghiệp Kweekchool” [1, tr.83]. 57
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKH 2019 3. QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC Ở THUỘC ĐỊA INDONESIA (1901-1929) Đối với trường Làng: Để cung cấp giáo viên tại trường Desa, chính quyền thuộc địa thành lập trường đào tạo giáo viên Làng với khóa học kéo dài trong 2 năm, ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Malay hoặc tiếng bản địa. Người học được gọi là “Magang” và do hiệu trưởng giám sát. Theo quy định, vào buổi sáng các Magang sẽ học các kiến thức của một số môn học và buổi chiều sẽ được học phương pháp giảng dạy. Như vậy học kiến thức chuyên môn song song với phương pháp giảng dạy. Đối với các trường theo định hướng Phương Tây: Tại Hà Lan, hầu hết giáo viên Hà Lan dạy các trường tiểu học theo tiêu chuẩn châu Âu được đào tạo ở trường RK - Haarlem Hà Lan, nhưng tại Indonesia họ được đào tạo ở các trường The Kweekschool voor Inlandsche Onderwijzers/essen (gọi tắt là Kweekschool) và Hogere Kweekschool (HKS). Chính quyền thuộc địa quy định giáo viên tại các trường hạng Nhất và trường hạng Hai phải có bằng tốt nghiệp từ trường Kweekschool. + Trường đào tạo giáo viên Indonesia (Kweekschool, viết tắt là KS) KS là trường được thành lập ngay kể từ khi chính phủ thuộc địa thực hiện cải cách giáo dục vào năm 1893. “Số lượng trường KS tăng từ 4 trường năm 1893 lên 12 trường vào năm 1925” [6, tr.57]. “Đến năm 1904, có 5 trường Kweekscholen (Kweekschool) hiện có ở Indonesia - tại Bandung, Probolinggo (Đông Java), Fort De Kock (Sumatra), Amboina, và Yogyakarta đào tạo được 572 sinh viên tốt nghiệp” [6, tr.57]. Về thời gian đào tạo ở KS là 6 năm, trong đó 2 năm đầu chương trình dạy các kiến thức cơ bản và học tiếng Hà Lan, 4 năm còn lại sẽ học các môn học khác nhau và thực hành giảng dạy. Nội dung học tập gồm có: địa lí, lịch sử Indonesia, vật lí, sinh học, hóa học, đại số, hình học, lịch sử tự nhiên, mỹ thuật, khảo sát đất, lí thuyết và thực hành đọc, lí thuyết và thực hành viết, phương pháp sư phạm. Ngôn ngữ để giảng dạy là tiếng Malay hoặc tiếng địa phương. Được giám sát bởi một ủy ban trường bản địa (Inlandsche schoolcommissie). Năm 1914, do thiếu hụt giáo viên châu Âu, chính quyền thuộc địa càng đẩy mạnh đào tạo giáo viên theo tiêu chuẩn châu Âu. “Năm 1927, số lượng KS tiếp tục tăng lên 12 trường ở những nơi như Purwokerto, Magelang, Salatiga (dành cho nữ sinh)” [6, tr.58]. + Trường đào tạo giáo viên bậc cao (Hogere Kweekschool, viết tắt là HKS) Ngày 19/10/1914, chính quyền thuộc địa thành lập trường HKS tại Purworejo (Trung Java). Mục tiêu là đào tạo các hiệu trưởng người Indonesia và các giáo viên bậc 1 cho trường tiểu học HIS. Sau khi sinh viên đã vượt qua kỳ thi cuối cùng trong năm thứ tư mà xếp loại xuất sắc sẽ được nhận vào một khóa đào tạo nâng cao 3 năm tại HKS dưới sự giảng dạy của 4 giáo viên người châu Âu. Chương trình học tại HKS là 6 năm với các môn học tương tự như ở trường KS nhưng ở mức độ cao hơn. Tuy vậy, bằng tốt nghiệp của HKS không tương đương với bằng cấp giảng dạy như châu Âu. Cho nên, đến năm 1927, chính phủ cho thành lập trường đào tạo giáo viên Hà Lan - Indonesia (Holland Inlandse Kweekschool) thay cho trường HKS nhằm chuẩn hóa giáo viên Indonesia theo tiêu chuẩn châu Âu dạy các trường ELS, HIS. Đối với trường HCS thì chính quyền thuộc địa cho lập trường đào tạo giáo viên Hà Lan - Trung Quốc (Hollands Chinese Kweekschool viết tắt là HCK). + Trường đào tạo giáo viên Hà Lan - Indonesia (Holland Inlandse Kweekschool, viết tắt là HIK) Năm 1927, chính phủ thuộc địa đã thành lập trường HIK để thay thế cho trường KS và trường HKS. Chương trình đào tạo của HIK là 6 năm. Số lượng học sinh của trường HIK được 58
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN | 12/2019 chuyển từ số học sinh tại trường KS và HKS. Theo quy định đào tạo, thời gian một tiết học của trường HIK chỉ 45 phút. Về môn học, trường HIK bao gồm các môn như ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Hà Lan, tiếng bản địa, Malay và các môn còn lại: lịch sử, địa lý, vật lý,… đều giống chương trình giảng dạy tại trường RK, nhưng với số giờ học tại các trường này lại nhiều hơn trường RK. Việc chính quyền Hà Lan lập ra trường HIK “mục đích của động thái này là để cho phép sinh viên tốt nghiệp tiến tới một khóa đào tạo nâng cao, ở Ấn Độ hoặc Hà Lan, nơi sẽ mang lại cho họ chứng chỉ châu Âu” [1, tr.45].“Sự hình thành của HIK đánh dấu sự ra đời của một trường đào tạo giáo viên được chuẩn hóa ở cấp độ Hà Lan. Đây có lẽ là trường hợp đầu tiên của quốc tế hóa giáo dục trong lịch sử Indonesia” [1, tr.45]. Trường HIK ra đời là một giải pháp lí tưởng để giảm chi phí vì chi phí của trường chắc chắn sẽ thấp hơn chi phí cho việc đưa giáo viên từ Hà Lan sang và HIK cũng sẽ đào tạo được đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao. Như vậy, từ năm 1901 đến 1929, chính quyền Hà Lan đã thực hiện chính sách đào tạo giáo viên tiểu học ở các cấp độ khác nhau cho người bản xứ ở để đáp ứng nhu cầu của các kiểu trường tiểu học được mở rộng ở Indonesia lúc bấy giờ. 4. KẾT LUẬN 4.1. Sau khoảng 30 năm thực hiện “Đường lối mới” (1901) Indonesia chứng kiến sự phát triển vượt bật về số lượng các trường tiểu học và các trường đào tạo giáo viên cho người bản xứ. 4.2. Chính quyền thuộc địa đã mở nhiều trường đào tạo giáo viên tiểu học khác nhau để họ giảng dạy ở các trường tiểu học có cấp độ khác nhau, quốc tịch khác nhau… Chú trọng đào tạo giáo viên tiểu học người bản địa để dần thay thế giáo viên người châu Âu ở các trường HIS, HCS,... 4.3. Trường đào tạo giáo viên tiểu học ở Indonesia có nhiều cấp độ khác nhau, nhưng chất lượng cao nhất là trường HIK (1927). Chuẩn đầu ra của trường này đạt tiêu chuẩn ở cấp độ Hà Lan, mang tầm quốc tế. Đây là một giải pháp lí tưởng cho việc đào tạo một đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, đồng thời khắc phục khó khăn về tài chính cho chính phủ thuộc địa. 4.4. Hệ thống giáo dục tiểu học ở Indonesia từ năm 1901 – 1929 đã góp phần nâng cao dân trí, tạo ra những tiền đề cần thiết cho sự phát triển của nền giáo dục nói chung và hình thành một nghề mới trong xã hội, đó là nghề giáo viên mà trước đó Indonesia chưa có. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Agus Suwignyo (2012),.The breach in the dike: regime change and the standardization of public primaryschool teacher training in Indonesia, 1893-1969, Universiteit Leiden. [2] D.G.E. Hall (1997). Lịch sử Đông Nam Á, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [3] Trần Khánh (Chủ biên) (2012). Lịch sử Đông Nam Á, tập IV, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. [4] Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Nghiêm Đình Vỳ, Đinh Ngọc Bảo, Trần Thị Vinh (2001). Lược sử Đông Nam Á, NXB Giáo dục. [5] Lương Ninh (Chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh (2015). Đông Nam Á lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. [6] Nguyễn Hữu Phúc (2018). Chính sách giáo dục của Hà Lan ở Indonesia thời thuộc địa (thế kỷ XVIII – XX), Luận văn Thạc sĩ sử học, Trường ĐHSP Huế. [7] Soewandi Ronodidjojo (1968). A study of occupational education in Indonesia, Indiana University, Inc. [8] Huỳnh Văn Tòng (1992). Lịch sử Indonesia (Từ thế kỷ XV - XVI đến những năm 1980), Viện đào tạo mở rộng. 59
nguon tai.lieu . vn