Xem mẫu

  1. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM 2015 VÀ CÁC DỰ BÁO 2016 PGS.TS. Đặng Ngọc Đức TS. Lê Thanh Tâm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Năm 2015 có thể coi là năm quan trọng nhất của ngành ngân hàng Việt Nam, năm khép lại một giai đoạn phát triển 2011-2015 và năm đánh giá sự “về đích” của việc thực hiện Đề án 254. So với mục tiêu đặt ra, ngành ngân hàng đã đạt được rất nhiều thành tựu vô cùng ấn tượng, thậm chí hơn cả mục tiêu ban đầu. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) một cách xuất sắc trong năm 2015, với các mục tiêu chính sách tiền tệ năm 2015 về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán nhìn chung đã được hoàn thành. Thứ hai, hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam năm 2015 đã đạt được những kết quả rất ấn tượng: tính thanh khoản của cả hệ thống được đảm bảo tốt, mức độ đảm bảo an toàn cao, niềm tin của người dân vào hệ thống tăng lên. Thứ ba, việc thực hiện đề án cơ cấu lại các TCTD hầu như đã hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn hệ thống, xử lý nợ xấu và tái cấu trúc các TCTD yếu kém. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong hoạt động của hệ thống các TCTD như sau. Về việc thực thi CSTT: (i) nhiều công cụ CSTT trực tiếp vẫn đang được sử dụng, sự độc lập tương đối trong chính sách tiền tệ chưa thể hiện rõ; (ii) chính sách lãi suất và ngoại hối cần được hoàn thiện hơn. Về hoạt động của các TCTD, (i) quy mô vốn của nhiều TCTD nhìn chung còn khá thấp; (ii) hoạt động tín dụng vẫn chưa tăng trưởng ổn định; (iii) lợi nhuận của các TCTD còn khá thấp so với khu vực và trên thế giới; (iv) vẫn còn tình trạng vi phạm, tồn tại, yếu kém của một số TCTD, chưa được xử lý triệt để. Về việc thực hiện đề án cơ cấu lại TCTD, (i) mức độ an toàn, hiệu quả của hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là theo Basel II, chưa hoàn toàn được đảm bảo; (ii) mục tiêu “phấn đấu đến năm 2015 hình thành được 1-2 ngân hàng thương mại nhà nước đạt trình độ khu vực về quy mô, quản trị, công nghệ và khả năng cạnh tranh” chưa được hoàn thành đầy đủ; (iii) nợ xấu tuy được xử lý về dưới ngưỡng an toàn song chưa triệt để và vẫn còn 85
  2. nguy cơ tiềm ẩn; (iv) vấn đề cổ phần hóa các NHTM nhà nước và tiến độ thoái vốn đầu tư của DNNN trong lĩnh vực ngân hàng còn chậm. Với triển vọng kinh tế hồi phục nhưng có nhiều bất ổn và mục tiêu cụ thể về kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng năm 2016, cả NHNN và các TCTD còn nhiều việc phải làm nhằm phát huy hơn nữa các thành tựu đã đạt được và xử lý các hạn chế phát sinh, vì mục tiêu phát triển bền vững hệ thống các TCTD - huyết mạch của nền kinh tế. Từ khóa: cơ cấu lại, xử lý nợ xấu, chính sách tiền tệ, tổ chức tín dụng, điều hành, sinh lời 1. Đặt vấn đề Với ngành ngân hàng Việt Nam, 2015 là một trong những năm quan trọng nhất trong giai đoạn 2010-2015 và thậm chí cả giai đoạn 2010-2020: là năm cuối cùng cho việc thực hiện Đề án 254 “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 254/QĐ-Ttg; là năm cần hoàn thành các mục têu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011- 2015 và lập kế hoạch cho 5 năm tiếp theo 2016-2020. Đã có một số nghiên cứu, hội thảo tổ chức đánh giá tổng kết về từng nội dung như việc thực hiện đề án tái cơ cấu, đánh giá công tác xử lý nợ xấu, công tác chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ 2015… Với phương diện đánh giá độc lập, bài viết này có mục tiêu (1) phân tích, đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam trong năm 2015 theo các mục tiêu đã đề ra; và (2) đề xuất một số khuyến nghị cho năm 2016. 2. Đánh giá hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam năm 2015 theo các mục tiêu Phần này đánh giá hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam năm 2015 so với mục tiêu đặt ra đầu năm theo 3 nội dung: thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, thực hiện chính sách tiền tệ, và kết quả hoạt động của hệ thống năm 2015. Với mỗi nội dung, chúng tôi tập trung đánh giá các kết quả đạt được và hạn chế, là tiền đề cho các đề xuất tiếp theo. 2.1. Về thực thi chính sách tiền tệ 2.1.1. Kết quả đạt được Các mục tiêu chính sách tiền tệ năm 2015 về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán nhìn chung đã được hoàn thành xuất sắc. 86
  3. Hình 1. Kế hoạch và thực hiện các mục tiêu chính sách tiền tệ chủ chốt năm 2015 Đơn vị: % Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ Bảo Minh (2015), NHNN (2015) Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biễn phức tạp khó lường, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các công cụ của CSTT một cách chủ động, linh hoạt, đạt đa mục tiêu gồm: kiểm soát lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm hỗ trợ xuất khẩu nhưng đảm bảo ổn định thị trường ngoại tệ, củng cố lòng tin vào VND, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thị trường tài chính phát triển. Do vậy, các mục tiêu lớn liên quan tới chính sách tiền tệ gồm lạm phát, tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng đều đạt vượt mức dự kiến. Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, mức 17% là phù hợp với nhu cầu tăng trưởng kinh tế (dự kiến 1% tăng trưởng GDP cần 3% tăng trưởng tín dụng hỗ trợ). Với các chính sách hợp lý về lãi suất, các mức lãi suất điều hành của NHNN đang ổn định ở mức thấp nhất kể từ 2011. Lạm phát thấp kỷ lục trong hơn 10 năm trở lại đây và thị trường tiền tệ ổn định hơn giúp NHNN có dư địa để thực hiện CSTT linh hoạt hơn (Phạm Thế Anh, 2015). Mặc dù chính sách tỷ giá của một số quốc gia lớn trên thế giới có sự biến động, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ vào giữa và cuối năm 2015, NHNN đã chủ động điều chỉnh tỷ giá ngay từ đầu năm với biên độ 2% và tăng lên 3%, bán ra dự trữ ngoại hối, giảm lãi suất huy động USD còn 0,25%/năm và 0%/năm vào cuối năm 2015. Do vậy, thị trường ngoại hối đã đạt được trạng thái ổn định, tâm lý được giải tỏa, thanh khoản cải thiện (NHNN, 2015). 87
  4. Thị trường vàng tiếp tục được quản lý chặt chẽ, theo đúng lộ trình chống “vàng hóa”, dư nợ cho vay bằng vàng của các TCTD đã giảm hơn 90% so với 2012. Toàn bộ rủi ro liên quan tới sự biến động giá vàng và tình trạng vàng hóa trong hệ thống các TCTD đã chấm dứt, giúp chuyển hóa nguồn lực bằng vàng sang VND để đưa vào sản xuất kinh doanh hoặc tăng tiết kiệm bằng VND (Trần Thọ Đạt, 2015). Điều này càng được hỗ trợ bởi sự suy giảm của thị trường vàng quốc tế. Chính sách tín dụng cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng. Năm 2015, tín dụng tăng trưởng tốt từ đầu năm, NHNN tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng, gắn kết với các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng tốt. 2.1.2. Hạn chế Tuy vậy, việc thực thi CSTT của NHNN vẫn còn một số hạn chế như sau: - NHNN vẫn đang áp dụng nhiều công cụ trực tiếp trong thực hiện các mục tiêu của CSTT, sự độc lập tương đối trong chính sách tiền tệ chưa thể hiện rõ. Các công cụ gián tiếp như OMO, lãi suất tái chiết khấu ít được sử dụng hơn. Tuy vậy, đây cũng chính là xu hướng mà các NHTW trên thế giới hiện áp dụng, kể cả tại châu Âu và Mỹ, đặc biệt khi các công cụ truyền thống chưa phát huy tác dụng do lãi suất đã về tiệm cận 0 (Casu và các cộng sự, 2015). Với trình độ nền kinh tế còn kém phát triển như Việt Nam, việc sử dụng nhiều công cụ trực tiếp hơn gián tiếp là phù hợp. - Về chính sách lãi suất: Mặc dù năm 2015, các công cụ trần lãi suất không trở thành điểm nóng, nhưng lãi suất cho vay chưa giảm được như kỳ vọng, và giảm thấp hơn lãi suất huy động. Mức lãi suất cho vay hiện tại năm 2015 ở mức 10-12%//năm. Lý do chính là (i) nhu cầu phát hành trái phiếu cao của Chính phủ hấp thụ mức vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế; (ii) các NHTM còn tương đối thận trọng sau “bão” nợ xấu, tính toán thêm mức độ rủi ro dự kiến, và các chi phí giao dịch cho khách hàng. Áp lực giảm lãi suất càng tăng khi lạm phát hiện ở mức rất thấp và giữ nguyên xu thế thấp trong năm 2016. - Về chính sách ngoại hối: Mặc dù các chính sách ngoại hối hiện tại khá hiệu quả, nhưng vẫn có những tiềm ẩn rủi ro, chủ yếu do các yếu tố khách quan. Fed có xu hướng tăng lãi suất, thâm hụt cán cân thương mại và quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn tương đối mỏng. Tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân vẫn còn. Đặc biệt, khi lãi suất huy động USD giảm xuống còn 0%, có thể nảy sinh tình trạng người dân rút ngoại tệ ra mà không bán lại cho TCTD. Những bất ổn trên thị trường quốc tế (hàng hóa tăng giá, chiến tranh tiền tệ…) có thể tạo ra áp lực không tốt về chính sách ngoại hối trong thời gian tới (Phạm Thế Anh, 2015). 88
  5. 2.2. Về kết quả hoạt động của các tổ chức tín dụng 2.2.1. Kết quả đạt được Với năm bản lề hoàn thành thực hiện đề án cơ cấu lại, mục tiêu hoạt động đối với các TCTD theo nghị quyết của Quốc Hội và Chính phủ năm 2015 tập trung vào “đảm bảo thanh khoản… tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD… tăng dư nợ tín dụng phù hợp và đảm bảo chất lượng tín dụng,…” (NHNN, 2015). Theo Quyết định 254/QĐ-TTg, các TCTD cần “Đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế tiên tiến, đặc biệt tăng cường hiện đại hóa hệ thống quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ để các ngân hàng thương mại nhà nước có khả năng tự kiểm soát một cách có hiệu quả các loại rủi ro trong hoạt động, trước hết là chất lượng tín dụng và khả năng thanh khoản.” (Chính phủ, 2012) Mặc dù nền kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động khó lường, hoạt động của hệ thống các TCTD Việt Nam trong giai đoạn 2012-2015, đặc biệt là năm cuối 2015 đã đạt được những kết quả khá ấn tượng. Bảng 1. Một số chỉ tiêu hoạt động của hệ thống các TCTD Việt Nam giai đoạn 2012-2015 Đơn vị: % Chỉ tiêu 2012 2013 2014 2015 Tăng trưởng huy động vốn 10.7 14.8 15.8 13.49 Tăng trưởng tín dụng 8.9 12.5 14.1 17.02 CAR 13.75 13.25 12.75 13.14 ROE 6.31 5.18 6.2 5.79 Tỷ lệ cho vay/vốn huy động 90 85 83.6 69.95 Tỷ lệ nợ xấu 4.08 3.61 4.83 2.72 Tỷ lệ tiền mặt/tổng PTTT 13 12.6 12.06 12 Nguồn: Nhóm tác giả tính toán từ NHNN (2015), Trần Thọ Đạt (2015), Cấn Văn Lực (2015). Cụ thể: - Tính thanh khoản của cả hệ thống được đảm bảo tốt: Lãi suất huy động giảm cả với VND và USD, từ trung bình 8% đầu năm xuống 5% vào cuối năm với VND và 0% với USD. Tuy vậy, quy mô tăng trưởng huy động vốn vẫn rất ấn 89
  6. tượng, trên 13%. Dự trữ thanh khoản của hệ thống bình quân đạt 19.4%, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn đạt 29.4%, nằm trong giới hạn cho phép theo thông tư 36/2014/TT-NHNN. Mặc dù 3 NHTMCP bị mua lại 0 đồng và NH Đông Á bị đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt năm 2015, NHNN không phải cho vay hỗ trợ thanh khoản, tình trạng rút tiền gửi ròng bị chấm dứt. Đến tháng 11/2015, 3 ngân hàng 0 đồng đều có vốn khả dụng khá lớn, sẵn sàng phục vụ nhu cầu thanh khoản của khách hàng, đồng thời có thể tiến hành các hoạt động cấp tín dụng (NHNN, 2015). - Các TCTD tuân thủ việc thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu rốt ráo do NHNN đề ra, thông qua 6 hình thức khác nhau, gồm: cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi và phí tín dụng, sử dụng quỹ DPRR để xử lý, xử lý - phát mại TSBĐ để thu hồi nợ, chuyển nợ thành vốn góp, mua bán nợ qua VAMC và DATC. Do vậy, tỷ lệ nợ xấu đã đạt như mục tiêu kỳ vọng ban đầu. Đây chính là một trong những thành tựu nổi bật của hệ thống các TCTD trong 3 năm qua, với năm chốt 2015. - Mức độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống được đảm bảo khá tốt. Tín dụng tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm, các TCTD có sự chủ động lớn trong việc tăng trưởng tín dụng. Chính sách tín dụng của các TCTD nhìn chung đều hướng đến khách hàng, tăng tỷ trọng cho khu vực sản xuất vật chất. Hoạt động kinh doanh của các TCTD được tái cấu trúc theo hướng phát triển dịch vụ và đầu tư cho các lĩnh vực an toàn, các khu vực ưu tiên của nền kinh tế. Có tới 18 chương trình tín dụng ưu đãi được phát triển, định hướng cho sự phát triển tín dụng cho các TCTD, giúp hỗ trợ nền kinh tế phát triển, tạo tiền đề phát triển bền vững hoạt động của các TCTD. Trong đó, 7 chương trình tín dụng trọng điểm trong năm 2015 là: chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông thôn, cho vay hỗ trợ nhà ở, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng, cho vay bình ổn giá, tín dụng xanh và tín dụng chính sách. Tất cả các chương trình này đều đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2015 (NHNN, 2015). - Vốn và mức độ an toàn vốn vẫn được đảm bảo mặc dù công tác thoái vốn và giảm sở hữu chéo được thực hiện rốt ráo. Hầu hết các TCTD đều đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định, trừ một số TCTD đang trong quá trình tái cơ cấu. Năng lực tài chính của các TCTD được cải thiện. Vốn điều lệ tăng 5%, vốn chủ sở hữu tăng 3,35% so với 2015. Việc thoái vốn đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, sở hữu vốn trong các TCTD khác và doanh nghiệp được thực hiện khá tốt. Đến tháng 9/2015, các TCTD đã thoái vốn được 1.638,5 tỷ đồng vốn đầu tư ở TCTD khác. Các tập đoàn, tổng công ty, DNNN đã thoái vốn được 3.056,2 tỷ tại các TCTD, đặc biệt năm 2015 thoái được 1745 tỷ VND (NHNN, 2015). 90
  7. 2.2.2. Hạn chế Mặc dù đã đạt được những kết quả ấn tượng trên, hoạt động của các TCTD hiện còn một số hạn chế như sau: - Quy mô vốn của nhiều TCTD nhìn chung còn khá thấp. Tổng vốn của 12 NHTM nhỏ nhất có vốn chưa bằng ngân hàng lớn nhất - Vietinbank. Hệ thống NHTM đang chia thành 3 nhóm: nhóm 1 gồm 9 NHTM có vốn trên 10 ngàn tỷ, nhóm 2 gồm 10 NHTM có vốn từ 5-10 ngàn tỷ, và nhóm 3 gồm 15 NHTM có vốn dưới 5 ngàn tỷ (Kim Tiền, 2015). Do vậy, sức mạnh tài chính của nhiều TCTD chưa được đảm bảo, đặc biệt trong điều kiện các yêu cầu đầu tư về công nghệ, quản trị, các tỷ lệ an toàn… đều gắn liền với quy mô vốn chủ sở hữu. Việc tăng vốn điều lệ của nhiều TCTD chưa đạt mục tiêu trong bối cảnh thị trường tài chính khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư trong nước hạn chế, nhà đầu tư nước ngòa chưa thực sự sẵn sàng tham gia vào thị trường này. - Hoạt động tín dụng vẫn chưa tăng trưởng ổn định. Tín dụng cho khu vực công nghiệp, thương mại, viễn thông chỉ tăng khiêm tốn ở mức 6,7% và 7,2%, trong khi tín dụng cho xây dựng là 14,3%. Như vậy, sự hồi phục của nền kinh tế chưa vững chắc, đặc biệt khu vực sản xuất vật chất, doanh nghiệp chưa thực sự hoàn toàn lạc quan vào triển vọng hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế. Lạm phát thấp, mặc dù không phải là giảm phát, nhưng cũng tạo nên áp lực tâm lý lo ngại cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa do sức mua giảm sút. - Lợi nhuận của các TCTD còn khá thấp so với khu vực và trên thế giới. Hình 2. ROE của các TCTD Việt Nam so với các khu vực khác trên thế giới năm 2015 Đơn vị: % Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ (NHNN, 2015), www.thebankerdatabase 91
  8. So với khu vực châu Á, ROE của các TCTD Việt Nam thấp hơn 3,2 lần. Mức độ sinh lời của các TCTD Việt Nam chỉ cao hơn khu vực Eurozone, với mức 4,61%. Tuy vậy, tại khu vực này, các yêu cầu về đảm bảo an toàn đã áp dụng theo Basel III, cộng với lãi suất tái chiết khấu gần mức 0% trong nhiều năm, nền kinh tế nhiều quốc gia chỉ tăng trưởng ở mức 0-2%. Do vậy, mức độ sinh lời như vậy tại khu vực này cũng vẫn được đánh giá là rất ấn tượng. Lý do chính của mức độ sinh lời thấp này đối với các TCTD Việt Nam là (i) năm 2015, nhiều TCTD tập trung xử lý nợ xấu bằng các biện pháp khác nhau nên chi dự phòng RRTD tăng lên, thu lãi giảm. NIM của cả hệ thống năm 2015 chỉ đạt 30,35 ngàn tỷ, giảm 0,21% so với 2014); (ii) các dịch vụ phi tín dụng chưa đa dạng, do vậy thu phi lãi còn chiếm tỷ trọng thấp; (iii) một số TCTD tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp công nghệ hiện đại, đặc biệt là 10 NHTM thực hiện thí điểm theo Basel II, nên chi đầu tư tăng lên; (iv) trình độ quản lý và điều hành hoạt động của nhiều TCTD còn thấp, chưa chuyên nghiệp, do vậy việc tối ưu hóa nguồn lực tài chính và giảm chi phí chưa được thực hiện có hiệu quả. - Vẫn còn tình trạng vi phạm, tồn tại, yếu kém của một số TCTD, chưa được xử lý triệt để. Một số TCTD có xu hướng gia tăng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tập trung tín dụng vào một số khách hàng và lĩnh vực, hoặc mở rộng tín dụng trung dài hạn chưa phù hợp với quy mô, cơ cấu kỳ hạn của nguồn vốn. Năng lực tài chính, quản trị điều hành của một vài tổ chức còn chưa cao, rủi ro tiềm ẩn (NHNN, 2015). 2.3. Về việc thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng Mặc dù việc thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã thực hiện từ 2012, nhưng 2015 là năm phải hoàn thành hầu hết các mục tiêu. Sau đây là phần đánh giá các kết quả đạt được và hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện đề án theo các mục tiêu đã đưa ra trong Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 2.3.1. Kết quả đạt được Có thể kết luận là hầu hết các mục tiêu của đề án cơ cấu lại đã được hoàn thành đúng thời hạn. Việc cơ cấu lại được thực hiện đối với tất cả các tổ chức tín dụng trong hệ thống, theo những định hướng phát triển rõ ràng, phù hợp với năng lực và điều kiện của từng loại hình TCTD. Nhiều nghiên cứu, đánh giá, hội thảo chuyên đề, tổng kết… đã được thực hiện trong năm 2015 về vấn đề này (Ngân hàng Nhà nước, 2015); (Quốc Hội, 2015), (Đại học Kinh tế, 2015), (Trần Thọ Đạt, 2015)… Nhận định chung của các nghiên cứu trên là đề án đã thành công và 92
  9. đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Sau đây là tổng kết các mục tiêu và kết quả thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD Việt Nam 2011-2015. Bảng 2. Đánh giá mục tiêu, thông lệ quốc tế và kết quả thực hiện tái cơ cấu các TCTD của Việt Nam đến hết 2015 Theo STT Mục tiêu tái cơ cấu Kết quả thực hiện thông lệ 1 Lành mạnh hóa tình trạng tài X Đã thực hiện được phần lớn mục tiêu thông chính và năng lực hoạt động qua: Xử lý các TCTD yếu kém, giảm 19 của các TCTD TCTD theo các phương thức khác nhau (a). 2 Cải thiện mức độ an toàn và X Đã thực hiện được phần lớn mục tiêu. Mức hiệu quả độ an toàn và hiệu quả của các TCTD đều có xu hướng được cải thiện. Năm 2015: CAR hệ thống đạt 13,14%, ROA 0,52%, ROE 5,79 %. 3 Hình thành 1-2 NHTM có Không Đạt một phần. Về quy mô: 10 NHTM trong quy mô, trình độ khu vực đặt vấn top 1000 NHTM của the Banker. 4 NHTM đề nhà nước có quy mô vốn điều lệ trên 1 tỷ USD, trong đó Vietinbank đạt 1,65 tỷ. 4 Không để xảy ra đổ vỡ, hạn Không Đã hoàn thành. Không có đổ vỡ hệ thống. Xử chế tối đa tổn thất và chi phí đặt vấn lý tái cơ cấu chưa sử dụng ngân sách (b). ngân sách đề 5 Tái cơ cấu: tài chính, hoạt X Đã và đang thực hiện tái cơ cấu theo 7 động, quản trị, pháp nhân, sở phương thức ở các mức khác nhau, nhưng kết hữu theo 7 phương thức: quả chưa toàn diện. - Phân nhóm TCTD X - Hỗ trợ thanh khoản -> Đã thực hiện từ 2012 (c) X - Sáp nhập, hợp nhất, mua -> Đã và đang thực hiện (d) X lại -> Đã thực hiện 9 thương vụ Không - NHNN mua lại -> 3 NHTM được mua lại 0 đồng (e) đặt vấn - Chuyển nhượng cổ phần đề -> Một số tập đoàn thoái vốn tại một số công cho NHNN, sau đó thoái vốn. ty tài chính, chưa chuyển nhượng cổ phần cho X NHNN Hạn chế - Cho phép tham gia của hơn -> Chưa thực hiện, mặc dù TCTD nước ngoài TCTD nước ngoài được phép sở hữu room ngân hàng lên 30%. X - Tăng vốn chủ sở hữu, nâng Đã và đang thực hiện Rộng hơn cao hiệu quả hoạt động - Thoái vốn, giảm sở hữu -> Đã thực hiện giảm sở hữu chéo theo thông chéo tư 36/2014/TT-NHNN. 6 Xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu X Đã cơ bản hoàn thành (f). của các NHTM xuống 3% Nợ xấu đã được xử lý theo 6 phương thức - Cơ cấu lại nợ - Miễn giảm lãi và phí tín dụng - Sử dụng quỹ DPRR để xử lý - Xử lý, phát mại TSBĐ để thu hồi nợ 93
  10. - Chuyển nợ thành vốn góp - Mua bán nợ qua VAMC và DATC 7 Phạm vi: Tái cơ cấu cả các VN rộng Đã và đang thực hiện đối với một số công ty TCTD khác hơn tài chính, hệ thống QTDND. Đang thực hiện với các TCTCVM. Mới bắt đầu với NHCSXH (g). 8 Phạm vi cải cách thể chế: VN hẹp Đang thực hiện. Luật tái cơ cấu, vai trò bảo hơn hiểm tiền gửi, thành lập cơ quan tái cơ cấu hệ thống tài chính, AMC Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ Chính Phủ (2011), Cấn Văn Lực (2015), Ngân hàng Nhà nước (2015), Trần Thọ Đạt (2015) Chú thích: - (a): Tính đến 2015, đã có 19 tổ chức giảm thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại, giải thể, thu hồi giấy phép so với cuối năm 2011. Ngoài ra, 02 chi nhánh NHNN đang trong quá trình đóng cửa, thu hồi giấy phép. Đặc biệt, trong năm 2015, có tới 09 thương vụ mua bán, hợp nhất, sáp nhập được thực hiện (NHNN, 2015; Cấn Văn Lực, 2015; Nguyễn Đắc Hưng, 2015). - (b), (d): Thanh khoản ổn định, hệ thống tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ là một trong những mục tiêu quan trọng nhất đã đạt được của đề án cơ cấu lại. So với giai đoạn trước 2012, hệ thống NHTM Việt Nam đã có những thời điểm rơi vào khủng hoảng thanh khoản trầm trọng, với lãi suất liên ngân hàng có thời điểm >30%, lãi suất huy động dân cư 18-20%. Với các chính sách quản lý thanh khoản đúng thời điểm và phù hợp, tình trạng này đã chấm dứt từ cuối 2012, và đạt sự bền vững thanh khoản trong các năm 2014-2015. Tỷ lệ tăng trưởng huy động vốn năm 2014 là 15,8% và 2015 là 13,49%, mặc dù lãi suất huy động có xu hướng giảm xuống (Trần Thọ Đạt, 2015; NHNN, 2015). - (c) Hoạt động phân nhóm TCTD đã được thực hiện ráo rốt từ 2011-2012, với 4 nhóm TCTD, trong đó chỉ nhóm 1 và 2 được thực hiện tăng trưởng tín dụng. Có 9 NHTM cổ phần thuộc nhóm 4 bị đánh giá là yếu kém cần cơ cấu lại, đã được xác định và khoanh vùng là: SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, Tienphong Bank, GPBank, NaviBank, Trustbank và Western Bank. Đến 2015, tất cả các TCTD này đều đã được cơ cấu lại (Trần Thọ Đạt, 2015, tr 87). - (e) Ba ngân hàng bị NHNN mua lại với giá 0 đồng là: VNCB (2014), Oceanbank và GPBank (2015). Có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề pháp lý và các lựa chọn khác nhau cho vấn đề này. Tuy vậy, theo ý kiến của nhiều luật sư, đây là giải pháp tốt nhất, với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất, đảm bảo tính 94
  11. pháp lý phù hợp cho 3 ngân hàng này (Lê Thị Nga, 2015; Trương Thanh Đức, 2015; Đặng Dung, 2015). - (f) Giảm nợ xấu là một trong những thành tựu nổi bật của quá trình tái cơ cấu. Với mục tiêu “không sử dụng tiền NSNN để đảm bảo không đổ gánh nặng nợ xấu lên người đóng thuế”, NHNN đã thực hiện 6 nhóm biện pháp khác nhau như trên nhằm giảm mức nợ xấu từ 465 ngàn tỷ (trên 10% dư nợ) năm 2012 xuống còn 2,72% năm 2015. Số lượng nợ xấu được xử lý trong 10 tháng đầu năm 2015 là 157 ngàn tỷ, tính lũy kế từ 2012 đến 10/2015 đạt 463 ngàn tỷ. Như vậy, 99,6% nợ xấu đã được xử lý (NHNN, 2015; Cấn Văn Lực, 2015; Trần Thọ Đạt, 2015). - (g) Các TCTD phi NH cũng được tái cơ cấu toàn diện. Các công ty tài chính/cho thuê tài chính yếu kém đều được đánh giá và có phương án tái cơ cấu cụ thể, nhiều công ty có định hướng chiến lược hoạt động theo mô hình công ty tài chính tiêu dùng và hoạt động tương đối hiệu quả (NHNN, 2015). Ngân hàng Hợp tác xã được thành lập trên cơ sở nâng cấp Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) Trung ương (7/2013) khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển, tăng tính liên kết hệ thống QTDND. Các QTDND đang tiếp tục tái cơ cấu, chấn chỉnh, củng cố hoạt động (NHNN, 2015; Cấn Văn Lực, 2015). 2.3.2. Các hạn chế trong thực hiện đề án Mặc dù đề án tái cơ cấu các TCTD đã đạt được những thành tựu nổi bật, vẫn còn một số hạn chế như sau chưa được xử lý: Thứ nhất: mức độ an toàn, hiệu quả của hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là theo Basel II, chưa hoàn toàn được đảm bảo. CAR của hầu hết các ngân hàng đều đạt >9%, và CAR hệ thống đạt mức 13,14%, nhưng cách tính CAR hiện nay của Việt Nam chưa đạt chuẩn Basel II, đặc biệt là cách tính hệ số rủi ro theo kết quả xếp hạng tín dụng (Lê Thanh Tâm, 2014). ROE của các ngân hàng cũng chưa tính hết chi phí trích lập dự phòng rủi ro, do cách phân loại nợ hiện nay mặc dù đã tiệm cận dần nhưng chưa theo tiêu chuẩn quốc tế. Hầu hết các NHTM Việt Nam mới đang áp dụng Basel I, mặc dù Basel II đã được áp dụng tại hầu hết các quốc gia trong khu vực. Trong năm 2014, NHNN đã lựa chọn 10 NHTM để thí điểm thực hiện phương pháp quản lý vốn và rủi ro theo Basel II đến cuối 2015, công tác này vẫn đang trong giai đoạn khởi tạo, và rất ít NHTM áp dụng được cách đánh giá rủi ro tín dụng theo xác suất vỡ nợ (Ngân Hà, 2015). Thứ hai, mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2015 hình thành được 1 - 2 ngân hàng thương mại nhà nước đạt trình độ khu vực về quy mô, quản trị, công nghệ 95
  12. và khả năng cạnh tranh” chưa được hoàn thành đầy đủ. Mặc dù số lượng ngân hàng có vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ thuộc top 1000 ngân hàng trên thế giới tăng lên 11 ngân hàng năm 2015, nhưng nhìn chung quy mô còn khá nhỏ. Ngân hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay là Vietinbank với vốn điều lệ 1,65 tỷ USD, vẫn còn nhỏ so với các ngân hàng Malaysia (Maybank: 4,1 tỷ; PPB: 2,4 tỷ), Thái Lan (Bangkok Bank: 3,2 tỷ; Siam Bank: 2,2 tỷ), Singapore (UOB: 6,3 tỷ; DBS: 9,6 tỷ) (The Bankers, 2015). Chưa ngân hàng nào ở Việt Nam được xếp hạng đạt trình độ cao trong quản trị, công nghệ và khả năng cạnh tranh (Moodys’ xếp hạng Vietinbank và BIDV triển vọng ổn định, MB, Techcombank triển vọng tích cực...) (Trần Thọ Đạt, 2015; NHNN, 2015). Thứ ba, nợ xấu vẫn ở mức tiềm ẩn, việc xử lý nợ xấu vẫn chưa thực sự triệt để và tận gốc. Nợ xấu Việt Nam ở mức dưới 3% là theo tiêu chuẩn Việt Nam, chưa theo tiêu chuẩn quốc tế do cách phân loại nợ theo thông tư 02/09 mới chỉ tiệm cận một phần tiêu chuẩn quốc tế. Việc xử lý nợ xấu chưa triệt để do những nguyên nhân sau. Thứ nhất, xử lý nợ xấu phụ thuộc vào việc bán các tài sản bảo đảm của khách hàng - chủ yếu liên quan tới thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Tuy vậy, hai thị trường này thời gian qua hoạt động bấp bênh, phục hồi chậm. Thứ hai, quy trình chuyên môn hóa và công nghệ xử lý nợ xấu của các TCTD còn chưa chuyên nghiệp. Vấn đề định giá nợ xấu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước, còn chưa rõ ràng. Một số TCTD hiện phải đi thuê công ty bên ngoài xử lý nợ xấu, mà chưa có các quy trình cụ thể. Thứ ba, quy trình xử lý tài sản bảo đảm, phát mại tại Việt Nam còn rất khó khăn, không hỗ trợ TCTD. Kể cả khi đưa được khách hàng ra tòa, các yêu cầu thủ tục rất rườm rà và khó thực hiện như: phải thông qua đấu giá, mất nhiều thời gian, khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản, không có mặt theo thời gian địa điểm thu giữ, khách hàng đã đi khỏi địa phương, bên đảm bảo không hợp tác trong vấn đề thỏa thuận giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức định giá. Sau khi thực hiện thu giữ tài sản, một số khách hàng khởi kiện tài sản có tranh chấp, làm kéo dài thời gian thi hành án. Thứ tư, phần lớn các khoản nợ xấu được chuyển giao cho công ty quản lý tài sản và khai thác nợ (VAMC) (luỹ kế đến 31/11/2015 là 227 ngàn tỷ với giá mua 199 ngàn tỷ cho 23 ngàn khoản nợ, trong đó năm 2015 mua 98,64 ngàn tỷ với giá mua 90,73 ngàn tỷ cho hơn 13 ngàn khoản nợ). Tuy đã nỗ lực trong rất lớn, tính đến cuối 2015, VAMC mới chỉ thu hồi được 14,8 ngàn tỷ nợ xấu, trong đó năm 2015 thu hồi được 9,8 ngàn tỷ (Nguyễn Quốc Hùng, 2015). Nhiều khoản nợ xấu do VAMC quản lý vẫn chưa xử lý được do: (i) việc cơ cấu nợ gặp khó khăn, TCTD không đồng ý cho doanh nghiệp miễn giảm lãi trong trường hợp TSBĐ có giá trị 96
  13. lớn, VAMC không thể chủ động tiến hành cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng khi TCTD chưa thống nhất; (ii) vấn đề thu hồi nợ đối với VAMC còn nhiều vướng mắc, do TCTD vẫn phải chịu trách nhiệm như trích DPRR, thu hồi, bán nợ, bán TSBĐ, thậm chí gánh chịu hậu quả nếu xảy ra thất thoát. TCTD vẫn xác định quyền chủ nợ của họ sau 5 năm, dẫn đến sự hợp tác không chặt chẽ với VAMC, thậm chí một số tổ chức không cần VAMC xử lý nợ; (iii) Thị trường mua bán nợ của VAMC chưa rõ ràng, việc định giá khoan nợ chưa có quy định cụ thể. Đối tượng được mua bán nợ hạn chế, sự kết hợp giữa VAMC và DATC chưa rõ ràng. Thứ tư, nợ xấu là hệ lụy của nền kinh tế kém phát triển, do vậy khi khách hàng còn chưa phát triển tốt, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, việc phát sinh nợ xấu mới có thể xảy ra. Thứ tư, vấn đề cổ phần hóa các NHTM nhà nước và tiến độ thoái vốn đầu tư của DNNN trong lĩnh vực ngân hàng còn chậm. Sau khi mua lại 0 đồng với 3 NHTM CP, số lượng NHTM nhà nước tăng lên 7, trong đó có 4 NHTM 100% vốn nhà nước. Tuy vậy, công tác cổ phần hóa của các NHTM nhà nước, đặc biệt là NHNo&PTNT chưa được triển khai rõ ràng. Việc cơ cấu lại một số TCTD phi ngân hàng yếu kém thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa đạt kế hoạch. Lý do chính là các nội dung này phải nằm trong đề án cơ cấu lại tổng thể của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tuy vậy, cho đến nay, các đề án trên vẫn chưa hoàn thành hoặc chưa thực hiện. 3. Một số khuyến nghị cho 2016 3.1. Dự báo và mục tiêu năm 2016 2016 là năm đầu tiên của giai đoạn thứ hai trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2010-2020. Nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhưng diễn biến phức tạp khó lường do những bất ổn chính trị tại một số khu vực nóng trên thế giới. Hoạt động thương mại quốc tế mở rộng với việc thực thi một loạt các hiệp định thương mại tự do toàn cầu. Ảnh hưởng của Trung Quốc tới toàn cầu càng trở nên mạnh mẽ, đặc biệt với chính sách đồng Nhân dân tệ yếu và việc đồng tiền này tham gia vào giỏ tiền tệ quốc tế. Trên cơ sở đó, NHNN đã xác định các mục tiêu và giải pháp trọng tâm để điều hành CSTT năm 2016 như sau: “Thực hiện CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%). Điều hành lãi 97
  14. suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng để tiếp tục hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế”. Định hướng điều hành: tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng 18-20% so với cuối năm 2015 và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp (NHNN, 2015). 3.2. Một số khuyến nghị Để thực hiện các mục tiêu 2016, tận dụng các thành tựu đã đạt được và giải quyết các hạn chế của 2015, một số khuyến nghị như sau được rút ra đối với các bên có liên quan trong hệ thống các TCTD. 3.2.1. Đối với Ngân hàng Nhà nước - Tiếp tục hoàn thiện việc sử dụng linh hoạt và chủ động các công cụ của chính sách tiền tệ trong thời gian qua. Đổi mới cơ chế điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất tỷ giá, cung cầu tiền tệ theo hướng tăng các công cụ gián tiếp, giảm các công cụ trực tiếp, kết hợp với bàn tay thị trường một cách phù hợp. Chủ động điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT nhằm tiếp tục đạt được các mục tiêu chính về lạm phát, tăng trưởng kinh tế như các năm trước. Nghiên cứu áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá phù hợp hơn với sự thay đổi của thị trường ngoại hối toàn cầu. - Đổi mới hoạt động thanh tra, giám sát hoạt động của các TCTD. Tăng cường sử dụng các yêu cầu và chuẩn mực đảm bảo an toàn trên thế giới, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hoàn thiện công tác thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro, ứng dụng các mô hình đánh giá xác suất và hệ thống cảnh báo sớm rủi ro. - Tiến hành tái cơ cấu, trở thành ngân hàng Trung ương thực sự theo mô hình NHTW ở các nước có nền kinh tế thị trường. - Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chưa hoàn thành của đề án cơ cấu lại các TCTD: phát triển các TCTD theo hướng an toàn, hiệu quả hơn theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là Basel II, nâng cao trình độ và khả năng cạnh tranh để có 1-2 NHTM đạt trình độ trung bình trong khu vực; xác định rõ hơn mục tiêu và mô hình ngân hàng thương mại sau tái cơ cấu. - Thực hiện xử lý nợ xấu triệt để hơn thông qua: xử lý rốt ráo hơn với nợ xấu hiện tại; phát triển thị trường mua bán nợ thứ cấp, mở rộng phạm vi hoạt 98
  15. động của VAMC, kết hợp tốt hơn hoạt động của VAMC và DATC; ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD. - Tiếp tục nghiên cứu vấn đề cổ phần hóa các NHTM nhà nước, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào công cuộc này. Nhanh chóng hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, xử lý tình trạng sở hữu chéo triệt để. 3.2.2. Đối với các TCTD - Tăng cường năng lực tài chính thông qua tăng vốn chủ sở hữu và giữ các tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn ở mức phù hợp. Sử dụng tối ưu các hình thức tăng vốn khác nhau, đặc biệt từ nội lực cổ đông, hiệu quả hoạt động và quản trị lợi nhuận - chi phí. - Hoàn thiện, thay đổi cơ chế quản trị điều hành theo hướng công khai, minh bạch hóa để tăng niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng, tối ưu hóa các nguyên tắc quản trị chuyên nghiệp của quốc tế. Tăng cường ứng dụng các chuẩn mực vốn mới theo Basel II và các nguyên tắc quản trị rủi ro hiện đại. - Tăng tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu trong hoạt động kinh doanh và cung cấp sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng hiện tại và tiềm năng, tăng cường ứng dụng công nghệ để giảm chi phí và quản lý rủi ro. Phát triển nền khách hàng ổn định, từ đó tăng thu phi lãi, hỗ trợ khách hàng và ngân hàng cùng phát triển bền vững. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bảo Minh (2015), Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo: Tăng trưởng năm 2015 ở mức 6,5%, lạm phát 2%, http://www.sggp.org.vn /kinhte/2015/10/401161/ 2. Cấn Văn Lực (2015), Đánh giá kết quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng Việt Nam - theo thông lệ quốc tế, Bài trình bày tại Hội thảo khoa học “Đánh giá tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu”, Ngày 6/10/2015, Hà Nội. 3. Casu, B., C. Girardone, and P.Molyneux (2015), Introduction to Banking, Harlow: Pearson. 99
  16. 4. Chính phủ (2012), Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 Phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015 của Thủ tướng Chính phủ. 5. Đại học Kinh tế (2015), Hội thảo khoa học Đánh giá tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu, Ngày 6/10/2015, Hà Nội. 6. Đặng Dung (2015), “Cơ sở pháp lý của việc NHNN mua các NHTM cổ phần yếu kém với giá 0 đồng”, Tọa đàm “Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập (WTO, TPP, AEC)”, Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, tháng 10/2015. 7. Kim Tiền (2015), http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/trat-tu-moi-trong- bang-xep-hang-von-cua-36-ngan-hang-hien-nay-20150913104230311.chn. 8. Lê Thanh Tâm (2014), “Tái cấu trúc các tổ chức tín dụng Việt Nam theo tiêu chuẩn Basel II: Kết quả sau 2 năm và một số khuyến nghị”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 207 (ii), tháng 9/2014, ISSN 1859-0012, trang 40-50. 9. Lê Thanh Tâm (2015), “Nhận diện rủi ro thông qua các chỉ tiêu an toàn vi mô - Lý thuyết, các mô hình định lượng và thực tiễn”, Đề tài nhánh thuộc Đề tài cấp Nhà nước của GS.TS. Trần Thọ Đạt “An ninh tài chính tiền tệ của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, KX 01.15/11-15, Hà nội. 10. Lê Thị Nga (2015), “Cơ sở pháp lý của biện pháp NHNN mua bắt buộc cổ phần của các NHTM cổ phần yếu kém”, Tọa đàm “Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập (WTO, TPP, AEC)”, Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, tháng 10/2015. 11. Ngân Hà (2015), http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/ngan- hang/ngan-hang-chay-dua-theo-chuan-basel-ii-3159566.html 12. Ngân hàng Nhà nước (2015), Báo cáo về Kết quả thanh tra, giám sát, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu năm 2015 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, Báo cáo số 350/BC-NHNN ngày 24/12/2015 phục vụ hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2016. 13. Nguyễn Đắc Hưng (2015), “Bàn thêm về tái cơ cấu tổ chức tín dụng ở Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng số 21, tháng 11/2015, trang 17-21. 14. Nguyễn Quốc Hùng (2015), “VAMC nhìn lại sau 2 năm hoạt động: Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu”, Hội thảo 100
  17. khoa học “Đánh giá tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu”, Ngày 6/10/2015, Hà Nội. 15. Phạm Thế Anh (2015), “Tổng quan kinh tế vĩ mô Việt Nam 2015 và triển vọng 2016”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 222, tháng 12/2015. 16. Quốc Hội (2015), Tọa đàm “Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập (WTO, TPP, AEC)”, Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, tháng 10/2015. 17. The Bankers (2015), http://www.thebanker.com/Top-1000-World- Banks/The-Banker-Top-1000-World-Banks-2015-ranking-WORLD- Press-IMMEDIATE-RELEASE. 18. Trần Thọ Đạt (chủ biên) (2015), Thực tiễn công tác quản lý và điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn 2011-2015, Sách tham khảo, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân. 19. Trương Thanh Đức (2015), “Bình luận pháp lý đối với việc NHNN mua 3 ngân hàng giá 0 đồng”, Tọa đàm “Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập (WTO, TPP, AEC)”, Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, tháng 10/2015. 101
nguon tai.lieu . vn