Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2013, Vol. 58, No. 6, pp. 146-153 ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC KHU CÔNG NGHIỆP VÀ KHU KINH TẾ Ở TỈNH THANH HÓA Lê Thị Lệ Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Tóm tắt. Đến hết năm 2012 Thanh Hóa có 1 khu kinh tế (KKT) và 4 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Trong quá trình hình thành và phát triển các KKT và KCN đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và của vùng Bắc Trung Bộ nói chung. Bài viết đã đánh giá hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN Thanh Hóa trên cơ sở phân tích các tiêu chí về khả năng thu hút dự án và vốn đầu tư, tình hình sản xuất kinh doanh, vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho địa phương có KCN, KKT. Qua đánh giá cho thấy hiệu quả tích cực của sự phát triển của các KCN, KKT Thanh Hóa. Tuy nhiên trong quá trình phát triển các KKT, KCN của tỉnh còn tồn tại nhiều khó khăn và hạn chế, vì vậy cần phải có giải pháp khắc phục để các KCN và KKT phát huy tối ưu những lợi điểm mà nó mang lại. Từ khóa: Khu công nghiệp, khu kinh tế, tỉnh Thanh Hóa, đánh giá hiệu quả hoạt động. 1. Mở đầu Hiện nay Thanh Hóa có 4 KCN và 1 Khu kinh tế đang hoạt động gồm các KCN Lễ Môn, Lam Sơn, Bỉm Sơn, Đình Hương - Tây Bắc Ga và KKT Nghi Sơn mới được thành lập theo Quyết định số 1364/QĐ-TTg ngày 10/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Từ khi KCN đầu tiên là Lễ Môn được thành lập năm 1998 đến nay, các KCN đã phát huy vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm của tỉnh Thanh Hóa cũng như của vùng Bắc Trung Bộ. Nghiên cứu về tình hình hoạt động của các KCN, KKT Thanh Hóa đã có một số nghiên cứu về hiện trạng phát triển các KCN tỉnh Thanh Hóa [2, 1, 4]. Tuy nhiên phần lớn các nghiên cứu là phân tích thực trạng phát triển của các KCN khi chưa thành lập KKT hoặc các số liệu báo cáo về hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong các KCN, KKT, chưa có các đánh giá về hiệu quả hoạt động của các KCN, KKT Thanh Hóa. Do vậy Ngày nhận bài 11/2/2013. Ngày nhận đăng 28/06/2013. Liên lạc Lê Thị Lệ, e-mail: lethile80@yahoo.com 146
  2. Đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp và khu kinh tế ở tỉnh Thanh Hóa phân tích hiệu quả hoạt động của các KCN, KKT Thanh Hóa sẽ đánh giá đúng sự hình thành và phát triển của các KCN, KKT, điều này sẽ giúp các nhà quản lí hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế của địa phương và tìm kiếm các giải pháp cho sự phát triển các KCN, KKT trên địa bàn. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Tiêu chí đánh giá Một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam (Lê Thông, Nguyễn Minh Tuệ, Nguyễn Viết Thịnh, Lê Thế Giới. . . ) đã cho rằng đánh giá hiệu quả hoạt động của KCN và KKT được thể hiện ở khả năng thu hút đầu tư vào các dự án trong KCN, KKT, tổng giá trị sản xuất và doanh thu mà các KCN, KKT tạo ra. Bên cạnh đó là vấn đề giải quyết việt làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương có KCN, KKT. Thực tế khảo sát tại một số địa phương tích cực phát triển các KCN, những mục đích đầu tiên mà các nhà quản lí đưa ra là chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phướng theo hướng công nghiệp hóa, sau đó là các lợi ích về mặt xã hội khác như: tạo việc làm, thu nhập, mức sống và vấn đề bảo vệ môi trường xung quanh Trên cơ sở vận dụng các đánh giá của các nhà nghiên cứu và thực tế khảo sát sự phát triển của các KCN, KKT tác giả sử dụng một số tiêu chí tổng hợp (TC) để đánh giá hiệu quả hoạt động của các KCN, KKT như sau: - TC1: Khả năng thu hút đầu tư vào KCN, KKT Tiêu chuẩn 1 gồm số dự án đầu tư và tổng vốn đầu tư: Xác định số dự án và tổng vốn đầu tư vào từng KCN, KKT, thể hiện khả năng thu hút đầu tư và là tiêu chí so sánh hiệu quả khai thác giữa các KCN với nhau. - TC2: Tình hình sản xuất kinh doanh của KCN, KKT Tiêu chuẩn 2 gồm tổng giá trị sản xuất KCN, phản ánh quy mô sản xuất của KCN, KKT cũng như so sánh với giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Tổng doanh thu phản ánh hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn KCN khi so sánh giữa các KCN với nhau và so với doanh thu ngành công nghiệp của tỉnh. Ngoài ra để đánh giá hiệu quả sản xuất của các KCN, KKT còn có các chỉ số khác như: lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách nhà nước, chỉ tiêu xuất khẩu. - TC3: Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và giải quyết việc làm của KCN, KKT Tiêu chuẩn 3 liên quan đến đóng góp của KCN, KKT vào giá trị sản xuất công nghiệp, nâng cao tỉ trọng của ngành công nghiệp trong cơ cấu GDP của địa phương. Vấn đề giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân trong vùng có KCN, KKT. - TC4: Vấn đề bảo vệ môi trường KCN, KKT Tiêu chuẩn 4 tập trung vào việc đánh giá các tác động môi trường của các dự án và số dự án đang hoạt động có hệ thống xử lí chất thải, mức độ ảnh hưởng của sự phát triển 147
  3. Lê Thị Lệ KCN, KKT đối với môi trường khu vực. 2.2. Kết quả nghiên cứu 2.2.1. Hiệu quả thu hút dự án và vốn đầu tư vào các KCN, KKT tỉnh Thanh Hoá Do làm tốt các công tác về vận động thu hút đầu tư, ban hành các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư và những cải cách trong thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư, cùng với việc xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, trong những năm qua Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hình thức vận động thu hút đầu tư vào KKT và các KCN, nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN, KKT trên các lĩnh vực như: dầu khí, luyện cán thép, nhiệt điện, xây dựng cảng biển, may mặc, chế biến thuỷ hải sản, đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng các KCN... Đặc biệt có các dự án trọng điểm như: Khu liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn, KCN luyện kim, Công nghiệp sản xuất xi măng, Cảng biển ... Năm 2012 đã có 209 doanh nghiệp đầu tư tại KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh hoạt động trong các lĩnh vực như lọc hóa dầu, luyện kim, điện, may mặc, da giầy, thức ăn gia súc, chế biến nông lâm thủy sản, vật liệu xây dựng, cảng biển; Tổng vốn đăng kí đầu tư 308.270,2 tỉ đồng tương đương khoảng 14,67 tỉ USD; trong đó lớn nhất là KKT Nghi Sơn có 60 dự án với vốn đăng kí đầu tư là 298.651 tỉ đồng (chiếm 96,8% tổng vốn đầu tư của KKT, KCN Thanh Hóa) do có các dự án đầu tư vào công nghiệp lọc hóa dầu có vốn đầu tư nước ngoài, công nghiệp vật liệu và năng lượng nên nguồn vốn đầu tư lớn. Một số KCN có số dự án đăng kí nhiều như Đình Hương - Tây Bắc Ga nhưng vốn đầu tư không lớn do các dự án đầu tư vào các KCN này chủ yếu là các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng, ngành công nghiệp cơ khí lắp ráp, sữa chữa. Bảng 1. Tình hình thu hút vốn đầu tư vào các KKT, KCN ở tỉnh Thanh Hoá năm 2012 Tổng vốn đầu tư TT Tên khu công nghiệp, khu kinh tế Số dự án (tỉ đồng ) 60 (06 DA đầu tư 1 KKT Nghi Sơn 298.651,0 nước ngoài) 33 (trong đó 07 DA 2 KCN Lễ Môn 2.684,3 đầu tư nước ngoài) 3 KCN Đình Hương- Tây Bắc Ga 96 1.093,2 03 (trong dó 02 DA 4 KCN Hoàng Long 2.268,0 đầu tư nước ngoài 5 KCN Bỉm Sơn 22 2.584,6 6 KCN Lam Sơn – Thọ Xuân 7 989,1 Tổng cộng 221 308.270,2 Nguồn: Ban quản lí Khu kinh tế Nghi Sơn Thanh Hoá Các KCN, KKT Thanh Hóa đã thu hút 15 dự án đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực 148
  4. Đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp và khu kinh tế ở tỉnh Thanh Hóa Biểu đồ 1. Tổng vốn và số dự án đầu tư vào KCN ở tỉnh Thanh Hoá hàng may mặc, giầy dép, xi măng, lọc hóa dầu. . . do các Công ty của châu Á đầu tư, gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, nguồn vốn vay và đầu tư trực tiếp FDI từ Ngân hàng phát triển Châu Á. Phần lớn các dự án triển khai đúng tiến độ và đi vào hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án đang trong giai đoạn triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ quy định do mới thu hút đầu tư (như các dự án lọc hóa dầu tại KKT nghi Sơn) hay công tác giải phóng mặt bằng chậm, năng lực huy động vốn của chủ đầu tư hạn chế, khó khăn trong tìm kiếm thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm... 2.2.2. Tình hình sản xuất kinh doanh của các KCN Thanh Hoá Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp của các KKT, KCN Thanh Hoá là 12.315,5 tỉ đồng (chiếm hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2012 là: 20.882 tỉ đồng) trong đó đóng góp lớn nhất là KKT Nghi Sơn: 6015,5 tỉ đồng, KCN Tây Bắc Ga 2.499 tỉ đồng, thấp nhất là KCN Lam Sơn đạt 493,8 tỉ đồng. Bảng 2. Giá trị sản xuất công nghiệp tại một số KCN ở tỉnh Thanh Hoá năm 2012 (đv: tỉ đồng) TT Khu công nghiệp Giá trị sản xuất Doanh thu 1 KKT Nghi Sơn 6.015,5 6.111,9 2 KCN Lễ Môn 1.705,0 1.919,0 3 KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga 3201,2 3201,1 4 KCN Lam Sơn – Thọ Xuân 493,8 493,8 5 KCN Bỉm Sơn 900,0 900,0 Tổng số 12.315,5 12.625,8 Nguồn: Ban quản lí Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hoá 149
  5. Lê Thị Lệ Mặc dù phần lớn các KCN mới được thành lập và đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật, nhưng trong năm vừa qua tình hình sản xuất kinh doanh của các KCN, KKT cũng đã có bước phát triển đáng kể, doanh thu của các KCN, KKT năm 2012 đạt 12.625,8 tỉ đồng. Biểu đồ 2. Doanh thu các KCN ở tỉnh Thanh Hoá năm 2012 Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của các doanh nghiệp đạt xấp xỉ 658,5 triệu USD và 337,1 triệu USD. Các doanh nghiệp cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước với hơn 116,5 tỉ đồng. 2.2.3. Đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm Tuy quy mô phát triển các KCN trong vùng còn nhỏ song đã góp phần đáng kể trong phát triển sản xuất công nghiệp trong vùng, góp phần đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch khá nhanh, tỉ trọng đóng góp của công nghiệp - xây dựng vào GDP tăng nhanh (từ 37,8% năm 2007 lên 41,7% năm 2010). Sự phát triển các KCN Thanh Hóa phát triển đã thu hút hơn 80% lao động tại địa phương, đặc biệt là số lao động nữ cho các dự án là các ngành công nghiệp nhẹ (may mặc, dệt, giày dép. . . ). Phần lớn lực lượng lao động là trẻ, có sức khoẻ và khả năng tiếp thu nhanh chóng những kĩ thuật mới và làm việc lâu dài tại KCN. Hiện nay số lao động đang được sử dụng trong các dự án của KCN Thanh Hoá trên 27 nghìn lao động [1], số lao động này sẽ không ngừng tăng lên trong các năm tới khi các dự án đầu tư mới vào KCN đi vào sản xuất. Lao động tập trung chủ yếu ở một số KCN được thành lập sớm và những KCN được thành lập dựa trên các xí nghiệp công nghiệp đang hoạt động, sau đó được xắp xếp lại cho phù hợp với quy hoạch như: KCN Bỉm Sơn (1.255 lao động), Lễ Môn (15.345 lao động ), Đình Hương (2.179 lao động), Tây Bắc Ga (2.428 lao động), Lam Sơn (1.899 lao động).Thu nhập bình quân của người lao động trong các KCN khoảng 2.000.000 đồng/ tháng. 150
  6. Đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp và khu kinh tế ở tỉnh Thanh Hóa 2.2.4. Vấn đề bảo vệ môi trường KCN, KKT Hiện nay tỉnh Thanh Hóa giao Ban quản lí KKT Nghi Sơn thực hiện công tác quản lí Nhà nước đối với KKT và các KCN trên địa bàn tỉnh và tổ chức thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường và xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án vì vậy sẽ hạn chế được những ảnh hưởng của các KCN đến môi trường khu vực. Trong tổng số 221 dự án đầu tư vào các KCN, KKT có tổng số 115 dự án đang hoạt động, phần lớn các dự án đầu tư đều có các đánh giá tác động môi trường của dự án. Tuy nhiên mới có khoảng 60% số dự án đang hoạt động có hệ thống xử lí chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. 2.2.5. Một số khó khăn, tồn tại và giải pháp phát triển KCN, KKT a. Khó khăn, tồn tại Bên cạnh những lợi thế mà các KCN, KKT mang lại, hiện nay sự phát triển của các KCN, KKT cũng đang gặp nhiều khó khăn và có những hạn chế như: - Xuất phát điểm của KKT Nghi Sơn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội KKT và KCN còn thiếu, xa các trung tâm kinh tế và không nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia nên sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chưa cao. - Thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, dự án có giá trị gia tăng cao vào KKT và các KCN chưa được nhiều; tiến độ triển khai một số dự án đầu tư xây kết cấu hạ tầng và dự án của nhà đầu tư vào KKT và các KCN còn chậm. - Việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ xây dựng KKT và các KCN còn gặp nhiều khó khăn và hết sức phức tạp; công tác triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. - Việc cung cấp lao động cho các doanh nghiệp KCN, KKT còn mâu thuẫn cung cầu, đó là thiếu lao động kĩ thuật, có tay nghề trong khi số lao động cần tạo công ăn việc làm còn rất dư thừa. Do lượng công nhân lớn trong khi hầu hết các KCN đều chưa chú trọng tới việc xây dựng nhà ở cho công nhân, phần lớn lao động phải thuê nhà, sống tạm bợ, điều này ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động và tới hiệu quả lâu dài của KCN, KKT. - Việc triển khai xây dựng và xúc tiến đầu tư chỉ mới tập trung vào thu hút nhà đầu tư vào các KCN, chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng đến môi trường trong KCN và khu vực phụ cận; việc đầu tư hạ tầng KCN chưa đồng bộ, một số KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý chất thải tập trung để xử lý chất thải. b. Giải pháp phát triển KCN, KKT Thanh Hóa - Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt hệ thống các cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí Nhà nước trong KKT và KCN. Triển khai thực hiện linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích 151
  7. Lê Thị Lệ đầu tư của Nhà nước và của Tỉnh đã ban hành; rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân tái định cư cho phù hợp; nghiên cứu bổ sung một số chính sách như: ưu đãi, tuyển dụng và sử dụng lao động tại chỗ; khuyến khích lao động có chuyên môn cao, tay nghề giỏi về làm việc tại KKT và KCN. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban quản lí KKT Nghi Sơn và các văn phòng đại diện của Ban QL KKT Nghi Sơn tại các KCN. - Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các khu chức năng, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng trong KKT và KCN, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhất là khu vực biển đảo. Trên cơ sở quy hoạch vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hoá, quy hoạch vùng của huyện Tĩnh Gia, nghiên cứu điều chỉnh, mở rộng quy hoạch KKT Nghi Sơn về phía Bắc gắn với việc khai thác khu vực đảo Mê thành cảng chuyển tiếp. - Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu hút nhiều các dự án lớn, có công nghệ và hiệu quả inh tế - xã hội cao, thân thiện với môi trường vào KKT và các KCN. Tăng cường kiểm soát công nghệ đầu tư vào KKT và KCN, bảo đảm sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sạch. - Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KKT và KCN. Phấn đấu đến năm 2015 đầu tư hoàn chỉnh các tuyến giao thông chính trong KKT; xây dựng thêm 6 bến Cảng Nghi Sơn, trong đó có 2 bến Container; hoàn thành cảng phục vụ dự án Lọc hoá dầu vào năm 2013; hoàn thành đưa vào sử dụng sân bay dân dụng trước năm 2015. - Tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên môn kĩ thuật, lao động có tay nghề cao để phục vụ phát triển KKT và KCN. Phấn đấu đến năm 2015, tỉ lệ lao động tại KKT Nghi Sơn và các KCN có trình độ từ công nhân kĩ thuật trở lên chiếm 35% - 40%, đến năm 2020 đạt tỉ lệ từ 55% - 60% so với tổng số lao động của KKT và KCN. - Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo thuận lợi cho việc phát triển KKT và KCN tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào KKT và các KCN trên địa bàn tỉnh. 3. Kết luận Sự hình thành và phát triển các KKT và KCN Thanh Hóa đóng vai trò quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, sức hút đầu tư của tỉnh. Khắc phục những nhân tố khó khăn về điều kiện tự nhiên, đông dân và khả năng tìm kiếm việc làm của người dân địa phương và nền kinh tế chậm phát triển so với các vùng khác. Hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN Thanh Hóa cho thấy khả năng khai thác các tiềm lực về tự nhiên, nguồn nhân lực, sự chỉ đạo đúng đắn của các cấp chính quyền địa phương và trung ương. Trong quá trình phát triển lâu dài của các KKT, KCN vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn vì 152
  8. Đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp và khu kinh tế ở tỉnh Thanh Hóa vậy cần có những giải pháp tích cực để các KKT, KCN ngày càng đóng góp tích cực cho nền kinh tế xã hội của Thanh Hóa cũng như của cả nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ban quản lí Khu kinh tế Nghi Sơn Thanh Hóa. Số liệu về hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong KCN, KKT Thanh Hóa năm 2012. [2] Lê Thị Lệ, 2005. Hiện trạng phát triển các khu công nghiệp Thanh Hóa. Luận văn Thạc sĩ khoa học Địa lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. [3] Lê Thế Giới, 2008. Hệ thống đánh giá bền vững các khu công nghiệp Việt Nam. Tạp chí Khoa học và công nghệ Đại học Đà Nẵng. [4] Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, 2012. Báo cáo tổng kết tình hình xây dựng phát triển KCN, KKT tỉnh Thanh Hóa năm 2012. [5] Lê Thông, 2012. Việt Nam - Các vùng kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm. Nxb Giáo dục Việt Nam [6] Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, 12/2008. Quy định xếp hạng các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai. ABSTRACT An evaluation of the economic and industrial zones in Thanh Hoa Province At the end of 2012, Thanh Hoa province had one economic zone (EZ) and four industrial zones (IZ) that were functioning all of which have contributed much to the economy of Thanh Hoa province and North Central Vietnam. The industrial zones were created as a response to the need to further industrialization and modernization, change the economic structure and create jobs. However, there are still many difficulties and limitations. Solutions are needed for these problems so that these economic zones and industrial zones can operate at an optimal level. 153
nguon tai.lieu . vn