Xem mẫu

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 10. ĐÁNH GIÁ DIỄN BIẾN KINH TẾ NĂM 2018: THÀNH TỰU VÀ HẠN CHẾ ThS. Nguyễn Thị Huyền* Tóm tắt Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng chỉ số thương mại bền vững (trong 19 nền kinh tế châu Á và Mỹ), nằm trong các nước được đánh giá cao về mức độ mở cửa thị trường. Theo đó, tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,08% - là mức tăng cao nhất trong 11 năm trở lại đây, trở thành quốc gia nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Điều này đến từ ngành chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng 12,98% cũng như mức tăng cao nhất của nông nghiệp trong giai đoạn 2012 - 2018, đạt 3,76%. Ngoài ra, khu vực đối ngoại cũng thiết lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 482 tỷ USD đi cùng mức xuất siêu 7,2 tỷ USD, tăng 147% so với năm 2017. Đáng chú ý, khu vực ngân sách nhà nước đạt dấu mốc đáng ghi nhớ khi lần đầu tiên Việt Nam vượt thu ngân sách so với dự toán 3,5 tỷ USD. Hơn thế, những con số tăng trưởng trên được tạo ra bởi nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát 3 năm liên tục được kiểm soát thấp ổn định dưới 4%. Rõ ràng, môi trường kinh doanh đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh kinh tế rực rỡ năm 2018 vẫn còn một số mảng tối nhất định. Từ khóa: Kinh tế, xuất siêu, cán cân thương mại, vốn đầu tư... * Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp 116
  2. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2019 Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng 1. NHỮNG THÀNH TỰU KINH TẾ NĂM 2018 Về tổng thể, năm 2018 tiếp tục là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch cả năm đề ra, với 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Tăng trưởng kinh tế GDP đạt mức cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (6,5 - 6,7%), gắn liền với cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng bước đầu được cải thiện theo hướng bền vững, hiệu quả, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, tạo ra động lực mới để phát triển. Điều này được thể hiện trong biểu đồ dưới đây: Biểu đồ 1: Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2018 (%) Nguồn: Tổng cục Thống kê Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với các nước khối ASEAN, vượt qua cả Trung Quốc. Biểu đồ 2: Việt Nam trong tương quan với các nước trong khu vực (%) Nguồn: Tổng cục Thống kê 117
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Tăng trưởng khu vực nông - lâm - nghiệp và thủy sản phục hồi rõ nét, ước tăng khoảng 3,67% nhờ tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành, vùng sản xuất theo 3 trục sản phẩm (quốc gia, cấp tỉnh, đặc sản địa phương). Tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 8,85%, trong đó công nghiệp tăng khoảng 7,24% tiếp tục xu thế tăng cao hơn mức tăng chung những năm qua. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo hướng bền vững hơn. Tăng trưởng khu vực dịch vụ tiếp tục ở mức cao, khoảng 7,03% với vai trò dẫn dắt từ các hoạt động bán buôn, bán lẻ khẳng định sức mạnh thị trường nội địa. Hoạt động du lịch tiếp tục có bước phát triển mạnh, cả năm thu hút khoảng 15 triệu lượt khách, tăng16,3%. Biểu đồ 3: Khách quốc tế đến Việt Nam (triệu lượt) Nguồn: Tổng cục Thống kê Năng suất, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt khoảng 5.555 nghìn tỷ đồng; quy mô GDP đạt khoảng 240,5 tỷ USD, tăng khoảng 7,5% so với năm 2017, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2540 USD/người, tăng khoảng 6,3% tức là khoảng 5 triệu đồng/người so với 2017. Đây mới chỉ tương đương mức trung bình nhóm thu nhập trung bình thấp, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực, phản ánh quy mô còn rất nhỏ bé của nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn về kinh tế, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ số lạm phát hàng tháng cơ bản biến động tương đối sát với định hướng điều hành của Chính phủ, thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân cả năm dưới 4%, vượt mục tiêu Quốc hội giao. Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng diễn biến phù hợp với định hướng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Các chỉ số 118
  4. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2019 Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế sát với định hướng đề ra. Mặt bằng lãi suất ổn định, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm; tỷ giá, thị trường, ngoại hối ổn định. Tỷ giá được kiểm soát, chỉ thay đổi 1,5%, ổn định so với phần lớn các đồng tiền khác. Các cân đối lớn về kinh tế tiếp tục được cải thiện và đảm bảo. Tổng thu cân đối ngân sách cả năm ước đạt 1.272,5 nghìn tỷ đồng, tăng 39,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017. Tổng chi ngân sách ước đạt 1.272,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2017. Bội chi ngân sách nhà nước được đảm bảo, ước đạt 3,67% GDP, vượt mục tiêu Quốc hội giao (3,7%). Cơ cấu ngân sách tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng chi đầu tư phát triển tiếp tục được nâng lên, năm 2018 ước đạt 26,8% tổng chi cân đối ngân sách nhà nước, cao hơn năm 2017 (25%), tỷ trọng chi thường xuyên (không bao gồm chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế) tiếp tục giảm xuống, năm 2018 ước đạt 615 tổng chi, thấp hơn năm 2017 (62%). Kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, nợ công 2018 đạt 61% GDP, giảm 0,4% so với năm 2017. Tỷ lệ nợ công có xu hướng giảm năm 2018 và với quy mô GDP hiện nay khoảng 5,1 triệu tỷ đồng, nợ công năm 2018 tương đương 3,13 triệu tỷ. Biểu đồ 4: Tỷ trọng nợ công của Việt Nam (% GDP) Nguồn: Bản tin Nợ công số 7 và Báo cáo tổng kết năm 2018 - Bộ Tài chính Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (theo giá hiện hành) thực hiện cả năm ước đạt 1.857 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 12,2%) và bằng 34% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội giao. Cơ cấu đầu tư toàn xã hội chuyển biến tích cực, vai 119
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA trò của kinh tế tư nhân được nâng lên thể hiện qua tỷ trọng đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm 42,4% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội (năm 2017 chiếm 40,6%). Biểu đồ 5: Tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế (nghìn tỷ đồng) Thu hút và giải ngân vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) đạt khá. Thu hút vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2018 là 1.856,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2017. Trong đó khu vực nhà nước chiếm 33,3% với 619,1 nghìn tỷ, khu vực ngoài nhà nước là 803,3 nghìn tỷ tương ứng 18,5%, khu vực FDI là 434,2 tỷ tương ứng 23,4%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài có 3.046 dự án cấp phép mới, vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 25,6 tỷ USD, vốn thực hiện là 19,1 tỷ USD tăng so với 2017 là 9,1%. Đối tác đầu tư lớn nhất là Nhật Bản với 8,6 tỷ USD, Hàn Quốc 7,2 tỷ USD và Singapore là 5 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn, việc các nhà đầu tư vẫn triển khai giải ngân vốn và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam là tín hiệu rất tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao ước cả năm đạt 482 tỷ USD, tăng 11,7% so với năm 2017. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều rủi ro xung quanh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và so với năm 2017 ở mức rất cao là 425 tỷ USD. Cân đối xuất nhập khẩu cả năm xuất siêu 7,5 tỷ USD (xuất khẩu 244,7 tỷ USD, nhập khẩu 237,5 tỷ USD), vượt mục tiêu Quốc hội giao (nhập siêu dưới 3%). Trong đó 3 thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất là Trung Quốc với 108,8 tỷ USD, Hàn Quốc với 66,2 tỷ USD và Mỹ với 60,3 tỷ USD. Cán cân thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối tiếp tục được cải thiện tích cực nhờ kinh tế vĩ mô tiếp tục được ổn định và cán cân thương mại. Cả năm cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 7,21 tỷ USD; dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng lên, đạt 120
  6. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2019 Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng mức kỷ lục trên 60 tỷ USD. Thị trường bất động sản nhìn chung ổn định, nhu cầu thực chất sử dụng bất động sản ngày càng tăng cho thấy những dấu hiệu bền vững hơn. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, phát triển doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, phát triển hợp tác xã đạt kết quả tích cực. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Về lĩnh vực xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,95%, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo từ 3 tháng trở lên là 21,9%, trong tổng 55,4% lao động trên 15 tuổi. Số lao động thất nghiệp là 1,18 triệu người. Năng suất lao động là 102 triệu đồng/ người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều 6,8%. 2. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG NĂM 2018 Bên cạnh những thành tựu đạt được như trên, bức tranh kinh tế 2018 vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Một là việc thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện những năm qua vẫn chưa được xử lý triệt để, nên quá trình thực hiện vẫn chậm so với yêu cầu. Thứ nhất là về khâu đột phá đầu tiên: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính”. Về cải cách thủ tục hành chính, một số địa phương công khai số liệu, kết quả chưa đúng so với kết quả kiểm tra thực tế. Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, cần phải được tiếp tục đơn giản hóa. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn phổ biến ở các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, lao động - thương binh - xã hội. Mặc dù có nhiều thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3,4 nhưng số hồ sơ phát sinh còn rất thấp. Điều này cho thấy công tác triển khai, phổ biến đến người dân còn kém. Còn về trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh với chính sách hướng đến khu vực doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. World Bank đánh giá Việt Nam tụt xuống 1 bậc, xếp thứ 69/190 quốc gia trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó khu vực tư nhân 121
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA còn gặp nhiều rào cản. Thứ hai là khâu: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Những năm qua, chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề không hợp lý. Chúng ta đang thiếu cả cán bộ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế kỹ thuật và công nhân có tay nghề cao. Đây là những trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thứ ba là khâu: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”. Trong những năm qua, chúng ta đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên các vùng miền của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn  yếu kém, lạc hậu, việc quy hoạch xây dựng lại không đồng bộ, đầu tư dàn trải, khả năng kết nối các loại hình vận tải, kết nối giữa các vùng trong nước và với các tuyến vận tải quốc tế còn hạn chế. Quy mô kinh tế ngày càng tăng, quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ càng bộc lộ những bất cập trong kết cấu hạ tầng nước ta, nhất là hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị, làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh và là một trong những điểm nghẽn tăng trưởng. Những hạn chế trên vẫn chưa được khắc phục trong năm 2018 trong khi năm 2020 kết thúc chiến lược phát triển kinh tế 2011 - 2020 sắp đến. Điều này gây áp lực lớn cho năm 2019. Hai là, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn là lĩnh vực nóng. Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm dần qua từng năm, nhưng vẫn còn phức tạp ở nhiều địa phương, chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Công tác chỉ đạo điều hành của một số địa phương chưa theo kịp với thực tiễn nhất là ở các khu vực dự kiến thành lập đặc khu; sử dụng đất công ích, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quản lý chưa hiệu quả. Tình hình ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn diễn biến phức tạp; xử lý vi phạm về môi trường còn bất cập. Trong tháng 12/2018, cơ quan chức năng đã phát hiện 538 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 440 vụ với tổng số tiền phạt 10,2 tỷ đồng. Cả năm 2018, đã phát hiện 13.929 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 12.759 vụ với tổng số tiền phạt hơn 200 tỷ đồng. Công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản còn nhiều tồn tại, chưa gắn với bảo vệ môi trường; khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra tại nhiều địa bàn. Biến đổi khí hậu 122
  8. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2019 Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng ngày càng khó dự báo ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, tình hình sạt lở, sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phức tạp. Ba là, tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ được chất và lượng. Theo đó, tốc độ nhanh nhưng chưa thực chất, bền vững. Điều này thể hiện ở các nội dung sau: - Năng suất lao động chưa cải thiện theo chiều sâu, kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, thách thức về già hóa dân số, nguy cơ “chưa giàu đã già” và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Năng suất lao động như là đôi cánh của nền kinh tế, nền kinh tế có bay cao, bay xa hay không là phụ thuộc vào đôi cánh này. Trong khi đó tốc độ tăng năng suất mặc dù cao (6,01% trong năm 2018) nhưng lại giảm so với năm 2017 và được đánh giá là không đủ để tạo khác biệt về chênh lệch năng suất lao động và duy trì tăng trưởng cao, bền vững. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. Đáng chú ý là chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. - GDP tăng cao so với mặt bằng các nước trong cùng khu vực như đã trình bày trên nhưng GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2540 USD/người, tăng khoảng 6,3% tức là khoảng 5 triệu đồng/người so với 2017. Đây mới chỉ tương đương mức trung bình nhóm thu nhập trung bình thấp, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực, phản ánh quy mô còn rất nhỏ bé của nền kinh tế. - Xét trong cơ cấu tốc độ tăng trưởng, ngành kinh tế 2018 có được sự tăng trưởng tốt là nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo (tăng 12,3% so với năm 2017) nhưng tốc độ này đang dần chững lại. Bên cạnh đó công nghiệp khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, ít dư địa phát triển. - Mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có cải thiện, nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tính chung cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,20 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2017). 123
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Biểu đồ 6: Cơ cấu kim ngạch xuất khẩu (Tỷ USD) Năm 2018, khu vực kinh tế trong nước chuyển biến tích cực khi đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên so với năm 2017. Bốn là, công tác quản lý thu có chuyển biến tích cực, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến vượt dự toán nhưng chưa thật bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo. Số thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng không đạt dự toán trong 2 năm 2017 và 2018. Cụ thể, thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm, thu từ nội địa (trừ tiền đất) chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, chiếm khoảng 2/3 tổng thu ngân sách, nhưng gặp nhiều thách thức do nền kinh tế còn yếu. Trong tổng chi hiện nay, chi thường xuyên gia tăng nhanh chóng (70% tổng chi ngân sách). Thu ngân sách cơ bản mới đủ cho chi thường xuyên, trả nợ lãi và một phần tích lũy cho đầu tư. Đây là sự bất cân xứng giữa thu và chi gây ra tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài, kéo theo đó là nợ công luôn ở mức sát trần 65% GDP (nợ công năm 2018 là 61% GDP). Biểu đồ 7: Thâm hụt ngân sách Việt Nam (% GDP) 124
  10. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2018 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2019 Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngân sách trung ương theo kế hoạch và tạo áp lực lên mục tiêu giảm bội chi ngân sách nhà nước, nợ bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước còn nhiều rủi ro... Năm là, dưới sự tác động mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, mạng Internet, mạng xã hội,... ngành nội dung số trong nước đang gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều sức ép do sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp cung cấp nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam. Bên cạnh đó, rất khó khăn trong việc kiểm duyệt, kiểm soát thông tin, nhất các thông tin độc, hại lây lan qua môi trường mạng từ các máy chủ đặt ở nước ngoài, ảnh hưởng xấu tới đời sống văn hóa, xã hội của nhân dân. Đã xuất hiện nhiều loại nguy cơ, tội phạm mới và đang gia tăng nhanh chóng, như: nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia từ không gian mạng; nguy cơ sự cố mất an toàn thông tin mạng từ mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT); tội phạm công nghệ cao, tội phạm qua mạng; tội phạm bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em, phụ nữ... gây bức xúc xã hội. 3. KẾT LUẬN Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn năm 2018 và cả ba năm 2016-2018, với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá vững chắc, cao bậc nhất khu vực. Hơn nữa, khi kinh tế thế giới gặp khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá. Thậm chí còn có một số thành tựu trong xuất khẩu, phát triển công nghiệp chế biến, chế tác và dịch vụ du lịch tăng trưởng khá. Các chỉ số cạnh tranh của Việt Nam tăng khá trên nhiều chỉ tiêu. Bên cạnh đó Việt Nam cũng nhận thấy một số yếu kém, cả về thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ... nên năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh còn chưa đạt yêu cầu. Nhiều chỉ tiêu cạnh tranh còn kém, cần phấn đấu để nâng cao sức cạnh tranh chung. Về phía chủ quan, việc thâm hụt ngân sách và nợ công tăng nhanh do chi thường xuyên còn lớn, với bộ máy của hệ thống chính trị còn lớn, cần được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018; 2. Quốc hội, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 (ngày 12/4/2016); 3. Chính phủ, Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; 4. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF). 125
nguon tai.lieu . vn