Xem mẫu

  1. DẪN LIỆU BƯỚC DẦU VỀ THÀNH PHẦN LOÀI, SỰ PHÂN BỐ VÀ PHƯƠNG THỨC SỐNG CỦA NẤM LỚN Ở HUYỆN CAM LỘ, TỈNH QUẢNG TRỊ NGUYỄN THỊ CHI LÊ Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế NGÔ ANH Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế Tóm tắt: Sau quá trình nghiên cứu thành phần loài nấm lớn ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị chúng tôi nhận thấy: Thành phần loài nấm lớn ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị rất đa dạng và phong phú. Đến nay chúng tôi đã xác định được 159 loài thuộc 80 chi, 36 họ, 22 bộ, 3 lớp trong 3 ngành: Myxomycota, Ascomycota và Basidiomycota. Trong đó có 22 loài mới được ghi nhận cho khu hệ nấm lớn Việt Nam. Nấm lớn ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị phân bố trong 3 sinh cảnh khác nhau: vùng núi thấp có thành phần loài đa dạng nhất, gặp 115 loài; vùng đồi cao gặp 82 loài; vùng đồi trung bình kém đa dạng nhất, gặp 41 loài. Các loài nấm lớn trên được xếp trong 3 nhóm sinh thái: Nhóm nấm hoại sinh chiếm ưu thế, gặp 142 loài, nhóm nấm ký sinh gặp 13 loài,nhóm nấm cộng sinh 4 loài. Nấm lớn ở huyện Cam Lộ có 1 loài đang trong tình trạng sẽ nguy cấp (VU) cần bảo vệ đã được ghi trong trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 là Cookenia tricholoma (Mont.) Ktze. Từ khóa: Nấm, tài nguyên, khu hệ nấm, nấm ăn, nấm dược liệu, nấm cộng sinh, nấm hoại sinh, nấm độc, thành phần loài, đa dạng, phân bố. 1. MỞ ĐẦU Nấm có ý nghĩa rất lớn trong đời sống con người, chúng được dùng làm thực phẩm, dược phẩm hoặc đóng vai trò quan trọng trong chu trình tuần hoàn vật chất và năng lượng của thiên nhiên; nhiều loài nấm còn có mối quan hệ cộng sinh với thực vật để giúp cây tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng. Ngày nay cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật nhiều công trình nghiên cứu nấm được tiến hành đã ngày càng khẳng định vai trò của nấm trong đời sống. Nhiều loài được dùng làm thực phẩm giàu chất dinh dưỡng: nấm Sò (Pleurotus ostreatus), nấm Hương (Lentinula edodes), nấm Mối (Termitomyces albuminosus), nấm Rơm (Volvariella volvacea),... cung cấp nhiều protein, lipid, đường, vitamin, B, C, D, E,… và chất khoáng có lợi cho cơ thể [1]. Một số loài được ứng dụng trong công nghiệp dược phẩm, dùng để điều chế các hoạt chất điều trị bệnh. Trong các nấm dược liệu, Linh chi (Ganoderma) được biết đến nhiều nhất. Các chế phẩm từ Linh chi được dùng để điều trị nhiều bệnh như gan, tiết niệu, tim mạch, ung thư, AIDS, suy nhược cơ thể, tiểu đường, giảm đau, giải độc trong cơ thể, thải xạ, giảm cholesterol trong máu, mất ngủ, loét dạ dày, làm tăng hệ thống miễm nhiễm của cơ thể, tê thấp, làm da mặt thêm mịn [2]. Bên cạnh giá trị tài nguyên về thực phẩm, dược phẩm của nấm, các loài nấm hoại sinh có vai trò quan trọng trong chu trình tuần hoàn vật chất và năng lượng trong thiên nhiên. Nấm hoại sinh sử dụng hệ men của chúng để phân giải các chất hữu cơ, các cành lá khô của thực vật thành chất mùn, chất khoáng. Nấm có thể phân giải các chất hữu cơ phức tạp thành các chất đơn giản, có thể đồng hóa các chất đơn giản thành các chất phức tạp [4]. Huyện Cam Lộ có diện tích rộng 34.447,39 ha, bao gồm các địa hình vùng núi thấp và vùng đồi với độ cao từ 50 – 750 m. Khí hậu nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sau Đại học lần thứ hai Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2014: tr. 247-253
  2. 248 NGUYỄN THỊ CHI LÊ – NGÔ ANH bình năm +240C, lượng mưa trung bình năm khoảng 2.325 mm, độ ẩm không khí thấp; toàn huyện có nhiều thảm thực vật tự nhiên và nhân tác tạo các điều kiện thuận lợi cho hệ sinh vật nói chung và hệ nấm lớn nói riêng có độ đa dạng cao nhưng vẫn chưa được nghiên cứu. Vì vậy, việc nghiên cứu thành phần loài, sự phân bố và phương thức sống của nấm lớn ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị là yêu cầu cấp thiết để đánh giá giá trị nguồn tài nguyên này. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Đối tượng nghiên cứu: các loài nấm lớn phân bố ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Phương pháp nghiên cứu: các phương pháp thu thập, xử lý, phân tích và định loại theo phương pháp của Rolf Singer (1986) [7], Trịnh Tam Kiệt (2011) [4], Gilbertson R. L. và Ryvarden L. (1993) [6]. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Đa dạng thành phần loài nấm lớn ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị Sau quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy thành phần loài nấm lớn ở huyện Cam Lộ rất đa dạng và phong phú. Chúng tôi đã xác định được 159 loài thuộc 80 chi, 36 họ, 22 bộ, 3 lớp trong 3 ngành: Myxomycota, Ascomycota và Basidiomycota. Trong đó có 22 loài mới được ghi nhận cho khu hệ nấm lớn Việt Nam. Loài Cookenia tricholoma (Mont.) Ktze. là loài đang trong tình trạng sẽ nguy cấp (VU) cần được bảo vệ đã được ghi trong trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 [3]. Bảng 1. Sự phân bố các taxon trong các ngành Số Số bộ Số họ Số chi Số loài TT Tên ngành lớp N N N N % 1 Myxomycota 1 1 1 2 4 2,52 2 Ascomycota 1 2 2 4 10 6,29 3 Basidiomycota 1 19 33 74 145 91,19 Tổng số 3 22 36 80 159 100 Biểu đồ 1. Phổ các ngành nấm Trong 3 ngành thì ngành Basidiomycota chiếm ưu thế tuyệt đối gặp 19 bộ, 33 họ, 74 chi và 145 loài, chiếm 91,19% tổng số loài đã xác định; ngành Ascomycota gặp 2 bộ, 2 họ, 4 chi và 10 loài, chiếm 6,29% và ngành Myxomycota gặp 1 bộ, 1 họ, 2 chi và 4 loài chiếm 2,52% (Bảng 1 và biểu đồ 1).
  3. DẪN LIỆU BƯỚC ĐẦU VỀ THÀNH PHẦN LOÀI, SỰ PHÂN BỐ VÀ PHƯƠNG THỨC SỐNG... 249 3.2. Sự phân bố nấm lớn trong các sinh cảnh Chúng tôi nhận thấy sự phân bố nấm trong môi trường phụ thuộc vào các yếu tố như: địa lý, địa hình, độ cao, khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, lượng mưa…) mùa vụ, đất đai và giá thể. Huyện Cam Lộ địa hình gồm vùng đồi và vùng núi. Qua kết quả nghiên cứu nấm lớn ở huyện Cam Lộ kết hợp với sự phân vùng cảnh quan [5]. Chúng tôi chia khu hệ nấm lớn ở huyện Cam Lộ thành các vùng sinh thái dựa vào sự phân bố của chúng theo các độ cao khác nhau: - Các loài nấm lớn ở vùng núi thấp: Độ cao từ 250 – 750 m. - Các loài nấm lớn ở vùng đồi cao: Độ cao 125 – 250 m. - Các loài nấm lớn ở vùng đồi trung bình: Độ cao 50 – 125 m. Bảng 2. Phân bố nấm lớn trong các sinh cảnh TT Sinh cảnh Độ cao (m) Số loài % 1 Vùng núi thấp 250 – 750 115 72,33 2 Vùng đồi cao 125 – 250 82 51,57 3 Vùng đồi trung bình 50 – 125 41 25,79 3.2.1. Các loài nấm phân bố ở vùng núi thấp Vùng núi thấp của huyện Cam Lộ là địa bàn của 2 xã Cam Tuyền và Cam Thành; ở đây có thành phần loài nấm phong phú và đa dạng nhất trong huyện (115/159 loài). Vùng núi thì các điều kiện tự nhiên như: đất đai, thảm thực vật, khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa) phù hợp cho nhiều loài nấm sinh trưởng và phát triển [6]. Vùng núi với độ cao trên 250m có các yếu tố địa lý khác nhau như: yếu tố nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Trong hệ nấm lớn vùng núi có sự khác biệt về thành phần loài giữa vùng rừng cây lá rộng và cây lá kim. Rừng cây lá rộng hỗn giao ở xã Cam Thành và Cam Tuyền thành phần loài nấm phong phú hơn rừng cây lá rộng thuần loại ở 2 xã đó; rừng cây lá rộng hỗn giao của vùng núi thấp thường gặp nhiều loài trong các họ như: Ganodermataceae, Hymenochaetaceae, Corticiaceae, Auricuiariaceae, Thelephoraceae, Dạcryomycetaceae, Polyporaceae. Ở huyện Cam Lộ rừng lá kim là rừng Thông thường gặp các loài như: Canthanrellus floccosus, Boletus aff. felleus, Suillus bovinus. Hầu hết vùng núi thấp có độ cao khoảng 250 – 400 m thì rừng nguyên sinh bị tàn phá gần hết. Tại thời điểm nghiên cứu thì rừng trồng ở đây đa phần là mới được khai thác hoặc là rừng mới trồng nên độ che phủ thấp, cường độ chiếu sáng mạnh, độ ẩm thấp; vì vậy chủ yếu gặp các loài nấm có phân bố rộng như: Daldinia concentrica, Xylaria polymorpha, Auricularia polytricha, Ganoderma philippii, Trametes hirsuta, Panus rudis, Microporus xanthopus, Schizophyllum commune… Vùng núi thấp có độ cao từ 400 – 750m địa hình phức tạp, giao thông khó khăn nên rừng nguyên sinh còn khá đa dạng, độ che phủ cao, độ ẩm cao, giá thể phong phú. Tạo điều kiện cho nhiều loài nấm sinh trưởng và phát triển. Nên thành phần nấm ở đây rất đa dạng và phong phú. Thường gặp các chi như: Xylaria, Ganoderma, Amauroderma, Phenillus,Trametes, Stereum, Auricularia, Pleurotus, Pholiota… Đặc biệt một số loài mới bổ sung cho khu hệ nấm lớn Việt Nam được tìm thấy ở vùng núi thấp đó là: Amauroderma longgangense, Canthanrellus floccosus, Dacrymyces aurantius, Hebeloma crustuliniform, Lentinellus omphalodes, Entoloma murraii, Stereum elegans, Xylaria carpophila. 3.2.2. Các loài nấm phân bố ở vùng đồi cao Vùng đồi cao có độ cao từ 125 – 250m, đây là sinh cảnh có thành phần loài nấm khá đa dạng và phong phú gặp 82/159 loài chiếm 51,57 % tổng số loài nấm trong huyện Cam Lộ. Đặc biệt ở đây là đất đỏ bazan màu mỡ chiếm hầu hết đó là các điều kiện thuận lợi để thảm thực vật phát triển tốt. Ở vùng đồi trung bình này do địa hình không phức tạp và đất đai màu mỡ nên
  4. 250 NGUYỄN THỊ CHI LÊ – NGÔ ANH hầu như diện tích đất ở đây được khai thác để trồng cây công nghiệp và trồng rừng. Do đó thảm thực vật ở đây không đa dạng về thành phần loài thực vật, đa phần là rừng tràm, rừng cao su. Nhưng điều kiện sinh thái thuận lợi đó đã tạo cho khu hệ nấm ở vùng đồi cao có thành phần loài khá đa dạng, các loài nấm hoại sinh trên đất chủ yếu phân bố ở đây: Amanita spissacea, Geastrum caepitosum, Geastrum sessile, Lepiota calcicola, Termitomyces albuminosus, Podabrella microcarpa, Phallus impudicus, Phallus indusiatus …Điều đáng chú ý ở đây là trong số 22 loài mới bổ sung cho khu hệ nấm lớn Việt Nam thì ở đây có đến 11 loài chiếm 50% tổng số loài mới. Các loài mới phân bố ở vùng đồi cao: Amanita spissacea, Clitocybe tabescens, Cantharellus floccosus, Bovistella longipedicellata, Lamproderma scintillans, Lepiota calcicola, Panellus stibticus, Tricholoma pardinum, Pleurotus corticatus, Stemonitis pallida, Stemonitis smithii. 3.2.3. Các loài nấm phân bố ở vùng đồi trung bình Các vùng đồi trung bình có độ cao từ 50 – 125m, giới hạn nghiên cứu của chúng tôi tập trung ở Thị Trấn Cam Lộ và xã Cam Hiếu. Ở đây đất đỏ vàng trên đá sa phiến thạch chiếm ưu thế, đất đã được khai thác và sử dụng nhiều lần, quá trình sử dụng đất không hợp lý làm cho môi trường tự nhiên bị phá hủy. Đất có màu đỏ vàng, thành phần cơ giới nặng, độ phì nhiêu tự nhiên trung bình. Ngoài ra, lượng mưa chỉ tập trung vào tháng 9 đến tháng 12, thời gian khô hạn kéo dài nên hệ thực vật kém đa dạng, thành phần loài nấm ít đa dạng gặp 41 loài, chiếm 25,79%. Ở vùng đồi trung bình thường gặp các loài hoại sinh và ký sinh trên gỗ. Thành phần loài nấm phân bố ở vùng đồi trung bình chủ yếu thuộc các chi Stereum, Auricularia, Ganoderma, Trametes, Hymenochaete, Phellinus, Perenniporia, Polyporus, Boletus, Suillus,… Các loài thường gặp là: Stereum purpureum, Auricularia delicata, Ganoderma philippii, Trametes hirsuta, Trametes scabrosa,… Các loài mới được tìm thấy ở đây là: Clitocybe catina, Ditiola radicata, Entoloma murraii, Hirschioporus vellererus, Lentinellus omphalodes, Lepiota calcicola, Pterula capillaris. Ngoài các loài nấm phân bố theo từng sinh cảnh, một số loài phân bố rộng, gặp nhiều ở các sinh cảnh khác nhau như: Daldinia concentrica, Auricularia auricula, Auricularia polytricha, Pycnoporus sanguineus, Trametes scabrosa, Trametes hirsuta, Schizophyllum commune… Như vậy, các sinh cảnh sống khác nhau có các điều kiện tự nhiên khác nhau nên sự phân bố của các loài nấm cũng khác nhau. Do điều kiện tự nhiên, thảm thực vật mỗi vùng có những đặc điểm riêng nên hình thành những loài nấm đặc trưng cho vùng đó. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố khu hệ nấm như khí hậu, địa hình, đất đai, thảm thực vật và mùa trong năm… Trong đó hai nhân tố cơ bản là thảm thực vật (giá thể) và khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm) chi phối đến sự đa dạng của khu hệ nấm. Do đó, thành phần loài nấm lớn ở vùng núi thấp đa dạng hơn so với vùng đồi cao và vùng đồi trung bình. 3.3. Đa dạng về phương thức sống của nấm lớn Căn cứ vào phương thức sống của nấm có thể chia thành 3 nhóm: nấm hoại sinh, nấm ký sinh và nấm cộng sinh. Từ kết quả nghiên cứu điều tra thành phần loài nấm lớn ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị chúng tôi xác định được 142 loài nấm hoại sinh, 13 loài nấm ký sinh và 4 loài nấm cộng sinh (Bảng 3). Bảng 3. Các phương thức sống của nấm TT Phương thức sống Số loài % 1 Nấm hoại sinh 142 89,31 2 Nấm ký sinh 13 8,18 3 Nấm cộng sinh 04 2,51
  5. DẪN LIỆU BƯỚC ĐẦU VỀ THÀNH PHẦN LOÀI, SỰ PHÂN BỐ VÀ PHƯƠNG THỨC SỐNG... 251 Biểu đồ 2. Phổ các phương thức sống của nấm 3.3.1. Nhóm nấm hoại sinh (saprophytic fungi) Bao gồm các nấm hoại sinh trên đất, phân hoặc trên gỗ, tre, nứa, rơm rạ hay các giá thể cenllulose khác. Nấm hoại sinh chiếm ưu thế tuyệt đối ở khu hệ nấm huyện Cam Lộ gặp 142 loài, chiếm 89,31% tổng số loài đã xác định. Nấm hoại sinh có khả năng tiết các loại enzyme ra môi trường như cellulase, pectinnase, hemicellulase, lignase,… để phân hủy các hợp chất hữu cơ, các cây gỗ đã chết, các cặn bã thực vật thành các chất mùn, khoáng, những chất đơn giản để hấp thụ cho nấm sinh trưởng và phát triển, đồng thời tham gia vào chu trình tuần hoàn vật chất trong tự nhiên [4]. Đa số nấm hoại sinh ở huyện Cam Lộ là hoại sinh không chuyên tính tức là không chuyên hóa vật chủ có thể sống trên nhiều loài cây khác nhau như: Daldinia concentrica, Trametes hirsuta, Trametes scabrosa,… Một số loài loài hoại sinh chuyên tính như: Volvariella volvacea,… hoại sinh trên rơm rạ, cỏ. - Các loài nấm hoại sinh trên gỗ gây mục đa số thuộc các bộ Xylariales, Auriculariales, Ganodermatales, Hymenochaetales, Poriales, Polyporales. Các họ thuộc nhóm hoại sinh trên gỗ có số loài lớn đó là: Coriolaceae, Ganodermataceae, Lentinaceae, Hymenochaetaceae, Polyporaceae… Những loài hoại sinh trên gỗ thường gặp là: Daldinia concentrica, Calocera aff.cornea, Trametes scabrosa, Panus setiger, Microporus xanthopus... Nấm hoại sinh gây mục gỗ ở gốc, thân và lõi cây với các kiểu mục như mục trắng (white - rot) và mục nâu (brown - rot) làm thay đổi tính chất lý, hóa và cơ học của gỗ [4]. - Các loài nấm hoại sinh trên đất đa dạng về thành phần loài, thường gặp ở những nơi có độ ẩm cao, đất giàu chất dinh dưỡng, nấm thường mọc ở đất vườn nhà, đất rừng sau những cơn mưa hoặc dưới tán che phủ của cây lớn. Nhóm này thường gặp một số loài thuộc chi: Lepiota, Entoloma, Pholiota, Clitocybe, Melanoleuca, Pluteus… Hầu hết các loài nấm hoại sinh trên đất là có lợi trong việc tham gia chu trình tuần hoàn vật chất và năng lượng trong tự nhiên. 3.3.2. Nhóm nấm ký sinh (parasitic fungi) Nhóm nấm ký sinh lấy chất dinh dưỡng của vật chủ đồng thời nhiều loài gây bệnh cho cây chủ, ảnh hưởng đến đời sống cây công nghiệp và cây gỗ rừng. Trong 159 loài nấm lớn ở huyện Cam Lộ, có 13 loài nấm ký sinh gây bệnh trên cây đang sống, chiếm 8,18% tổng số loài trong khu hệ. Nhóm nấm ký sinh chủ yếu thuộc các chi: Trametes, Ganoderma, Hexagonia, Schizophyllum, Polyporus...
  6. 252 NGUYỄN THỊ CHI LÊ – NGÔ ANH Các loài này thường ký sinh trên cây đang sống, sau đó gây bệnh và lan ra vùng gỗ dác làm thối thân, thối rễ, làm cây chết hoặc bị yếu và dễ gãy đổ do gió. Dựa vào vị trí gây bệnh (lõi cây, rễ cây) có thể chia thành hai kiểu gây bệnh: Nấm ký sinh gây bệnh mục lõi (heart rot pathogens) và nấm ký sinh gây bệnh mục rễ (root rot pathogens). Dựa vào ký chủ, có thể chia thành 2 cách ký sinh: nấm ký sinh chuyên tính và nấm ký sinh không chuyên tính. Các loài nấm ký sinh đã gặp thuộc nhóm ký sinh tùy ý, nấm có thể sống ký sinh hoặc sống hoại sinh. Nấm ký sinh tùy ý sinh trưởng và hình thành quả thể trên cây đang còn sống. Các loài nấm ký sinh gặp ở huyện Cam Lộ: Auricularia auricula, Favolus squamosus, Ganoderma lucidum, Ganoderma philippii, Phellinus extenus, Phylloporia frutica, Pleurotus corticatus, Polyporus arcularius, Schizophyllum commune, Stereum hirsutum, Stereum purpureum, Trametes hirsuta, Trametes multicolor. 3.3.3. Nhóm nấm cộng sinh (symbiotic fungi) Nhóm nấm cộng sinh hình thành rễ nấm (mycorrhiza) cộng sinh với thực vật, mối quan hệ này có lợi cho cả nấm và thực vật. Chúng hình thành rễ nấm ngoại dinh dưỡng cộng sinh với thực vật giúp rễ cây tăng cường vận chuyển các chất dinh dưỡng như N, P, K, Ca,... giúp cây tăng trưởng nhanh chóng, chống lại các bệnh hại rễ, tăng cường sức đề kháng của cây đối với các điều kiện bất lợi của ngoại cảnh [1]. Rễ nấm thường hình thành với những cây chuyên biệt, có sự chuyên hóa cây chủ. Nhóm nấm cộng sinh ở huyện Cam Lộ khá ít, chúng tôi đã gặp 4 loài chiếm 2,51% tổng số các loài đã xác định. Các loài thuộc bộ Boletales như Boletus aff. felleus, Boletus sp., Suillus bovinus cộng sinh bắt buộc với rễ Thông (Pinus khasya, Pinus merkussi), loài Boletus aff. felleus cộng sinh với cây Tràm hoa vàng (Acacia auriculaeformis), bạch đàn (Eucalyptus camaldulensis). Loài Cantharellus floccosus thường mọc ở rừng Thông. 4. KẾT LUẬN Sau quá trình nghiên cứu sự đa dạng của khu hệ nấm lớn ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị chúng tôi rút ra các kết luận sau: 4.1. Thành phần loài nấm lớn ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị rất đa dạng và phong phú. Chúng tôi đã xác định được 159 loài thuộc 80 chi, 36 họ, 22 bộ, 3 lớp trong 3 ngành: Myxomycota, Ascomycota và Basidiomycota. Trong đó có 22 loài mới được ghi nhận cho khu hệ nấm lớn Việt Nam. Trong 159 loài trong khu hệ nấm lớn ở huyện Cam Lộ có 1 loài đang trong tình trạng sẽ nguy cấp (VU) cần được bảo vệ được ghi trong trong Sách Đỏ Việt Nam là Cookenia tricholoma (Mont.) Ktze. 4.2. Nấm lớn ở huyện Cam Lộ phân bố trong 3 sinh cảnh: vùng núi thấp có thành phần loài đa dạng nhất, gặp 115 loài, chiếm 72,33% tổng số loài đã xác định; vùng đồi cao gặp 82 loài, chiếm 51,57%; vùng đồi trung bình kém đa dạng nhất, gặp 41 loài, chiếm 25,79%. 4.3. Nấm lớn ở huyện Cam Lộ gồm 3 nhóm sinh thái: Nhóm nấm hoại sinh chiếm ưu thế nhất, gặp 142 loài chiếm 89,31% tổng số loài đã xác định, nhóm nấm ký sinh gặp 13 loài chiếm 8,18% và nhóm nấm cộng sinh gặp 4 loài chiếm 2,51%. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ngô Anh (2003). Nghiên cứu thành phần loài nấm lớn ở Thừa Thiên Huế, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. DẪN LIỆU BƯỚC ĐẦU VỀ THÀNH PHẦN LOÀI, SỰ PHÂN BỐ VÀ PHƯƠNG THỨC SỐNG... 253 [2] Ngô Anh (2013). “Tác dụng của Linh chi”, Tạp chí nghiên cứu và phát triển, 2 (100), tr. 98-102. [3] Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (2007). Sách Đỏ Việt Nam Volume 2 phần thực vật, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội. [4] Trịnh Tam Kiệt (2011, 2012). Nấm lớn ở Việt Nam, Tập I, II, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội. [5] Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2005). Địa chí Thừa Thiên Huế, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. [6] Gilbertson R. L. & Ryvarden L. (1993, 1994). European Polypores, Part 1&2, Oslo – Narway. [7] Singer R. (1986). The Agaricales in modern taxonomy, Sven Koeltz Scientific Book, Germany. Title: PRELIMINARY DATA ON THE SPECIES COMPOSITION, DISTRIBUTION AND LIVING LIFE-STYLE OF THE MACROMYCOFLORA IN CAM LO DISTRICT, QUANG TRI PROVINCE Abstract: The species composition of the macromycoflora in Cam Lo district, Quang Tri province is very abundant. Up to now, 159 species belonging to 80 genera, 36 families, 22 orders, 3 classes, in 3 phyla Myxomycota, Ascomycota and Basidiomycota have been announced. The macromycoflora in Cam Lo district, Quang Tri province distributes in 3 biotopes: The species composition in low montainouns area is the most abundant, consisting of 115 species; the high hill area: 82 species and the middle hill area: 41 species. Among them, the saprophytic fungal group is the most dominant, consisting of 142 species, the parasitic fungal group: 13 species and symbiotic fungal group 4 species. The Cookenia tricholoma (Mont.) Ktze. is a vulnerable species (VU). Key words: Fungi, resource, macromycoflora edible mushrooms, medicinal mushrooms, symbiotic mushrooms, saprophytic mushrooms, poisonous mushrooms, species composition, abudance, distribute. NGUYỄN THỊ CHI LÊ Học viên Cao học, chuyên ngành Thực vật học, khóa 21 (2012-2014), Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế. ĐT: 0905 539 485, Email: chile1409.qtri@gmail.com PGS. TS. NGÔ ANH Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế ĐT: 0919 501 536
nguon tai.lieu . vn