Xem mẫu

  1. ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP Phạm Thị Lan Phượng* TÓM TẮT: Bài viết bàn luận về tiêu chuẩn chuyên môn, mô hình đào tạo và phát triển chuyên môn nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở các nước và từ đó liên hệ với thực tế tại Việt Nam. Các vấn đề trọng tâm mà Việt Nam có thể thực hiện ngay hoặc trong một tương lai gần đó là nâng cao năng lực sư phạm dạy nghề thông qua bồi dưỡng nhà giáo, thành lập cơ sở giáo dục chuyên đào tạo nhà giáo GDNN, tiến tới nâng chuẩn trình độ chuyên môn của nhà giáo GDNN là có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Từ khóa: Giáo dục nghề nghiệp, nhà giáo, tiêu chuẩn chuyên môn, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo 1. Đặt vấn đề Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã chuyển mình cùng các cấp học khác thuộc ngành giáo dục để tạo ra những thay đổi đáng kể trong thời gian qua. Nhiều văn bản pháp luật về GDNN đã được ban hành để tạo ra môi trường phát triển thuận lợi hơn cho khu vực này. Tuy nhiên, tuyển sinh GDNN trình độ trung cấp và cao đẳng vẫn ảm đạm, nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Nguyên nhân của thực trạng này một phần do chính cơ sở GDNN. Các điều kiện BĐCL đào tạo của một số cơ sở GDNN còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành chưa được chú trọng, chưa gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để hỗ trợ người học thực hành, thực tập và tìm kiếm việc làm, năng lực của một bộ phận đội ngũ nhà giáo không đáp ứng yêu cầu. Bài viết này tập trung phân tích về năng lực đội ngũ nhà giáo GDNN, tập trung vào năng lực chuyên môn và năng lực giảng dạy và không đề cập đến năng lực ngoại ngữ và tin học. Bài viết bàn luận về tiêu chuẩn chuyên môn, mô hình đào tạo và phát triển chuyên môn nhà giáo GDNN ở các nước và từ đó liên hệ với thực tế tại Việt Nam. * Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh 544
  2. 2. Tiêu chuẩn chuyên môn như là điều kiện tiên quyết đảm bảo chất lượng nhà giáo GDNN Trình độ chuyên môn của một nghề nghiệp quyết định tính chuyên nghiệp và vị thế của nghề nghiệp đó trong xã hội. Tại nhiều quốc gia, tiêu chuẩn chuyên môn đối với nhà giáo GDNN thường là không cao bằng so với nhà giáo hàn lâm và chất lượng nhà giáo GDNN là đang là một thách thức lớn. Quan điểm thắng thế vẫn là kiến thức và kỹ năng thực tế nên được chuyển giao bởi những người có nhiều bí quyết hành nghề, ví dụ như công nhân lành nghề, cho các học viên. Do đó, một thực tế phổ biến diễn ra là học viên đang học trình độ nghề bậc 3 trong cơ sở GDNN được hướng dẫn bởi người có trình độ nghề bậc 4. Cách thực hành như vậy không chỉ làm cản trở tính chuyên nghiệp của nhà giáo GDNN mà còn gây ra hậu quả là nhà giáo không được đào tạo đầy đủ để đáp ứng trình độ cần phải có (Spöttll, 2009). Cũng như nhiều nước khác, GDNN Việt Nam nhấn mạnh tới tính thực hành và lành nghề. Đội ngũ nhà giáo được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như các trường đại học sư phạm kỹ thuật, các trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật, người có trình độ chuyên môn kỹ thuật được bồi dưỡng kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm; và một phần không nhỏ từ nguồn công nhân lành nghề được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để trở thành nhà giáo; do vậy nên trình độ, năng lực nhà giáo rất đa dạng và không đồng đều (Viện khoa học GDNN, 2017). Theo Tiêu chuẩn nhà giáo GDNN ban hành theo Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH năm 2017, đối với giáo viên dạy trình độ sơ cấp yêu cầu về trình độ chuyên môn là có bằng trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với nghề giảng dạy; đối với nhà giáo dạy lí thuyết từ trình độ trung cấp tới cao đẳng yêu cầu về chuyên môn là có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; đối với nhà giáo dạy thực hành từ trình độ trung cấp tới cao đẳng yêu cầu chuyên môn là có chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với ngành, nghề giảng dạy. Như vậy có thể thấy là tiêu chuẩn chuyên môn nhà giáo GDNN Việt Nam là khá thấp, trong khi nhiều nước trong khu vực ASEAN và láng giềng gần gũi như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc yêu cầu tiêu chuẩn nhà giáo GDNN là trình độ đại học trở lên (Paryono, 2015; Grollmann, 2008). Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển từ một xã hội công nghiệp sang một xã hội tri thức với các ngành công nghiệp thay đổi với tốc độ nhanh chóng, nhiều công việc mới và kỹ năng mới xuất hiện. Bản mô tả công việc và kỹ năng đòi hỏi cho công việc cũng không ngừng phát triển và mở rộng. Vì thế người lao động cần phải có kỹ năng học tập suốt đời. Học tập trong các cơ sở GDNN cần phải đi xa hơn học kỹ năng cụ thể của một nghề và cần phải hướng tới học cách học, hình thành tầm nhìn và tâm thế ứng phó với những thay đổi nhanh chóng của xã hội. Chính bởi vậy, đội ngũ nhà giáo GDNN cũng cần phải có trình độ và năng lực tương ứng để có thể trang bị cho học viên một quan điểm về thế giới việc làm và năng lực học tập suốt đời. 545
  3. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương năm 2013 đề ra nhiệm vụ BĐCL nhà giáo thông qua “chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở GDNN phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”. Ngành giáo dục đã hiện thực hóa chủ trương này. Trong Luật Giáo dục 2019, chuẩn giáo viên và giảng viên đã được nâng lên, cụ thể là trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở là có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên; trình độ chuẩn của giảng viên đại học là từ thạc sĩ trở lên. Để sớm thực hiện hóa chủ trương của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành GDNN cần sớm nâng chuẩn nhà giáo, cụ thể: đối với giáo viên dạy trình độ nghề sơ cấp và trung cấp, trình độ chuẩn cần phải từ đại học trở lên; đối với giảng viên cao đẳng trình độ chuẩn cần phải từ thạc sĩ trở lên. 3. Mô hình đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Grollmann (2009) cho rằng nhìn chung trên bình diện toàn cầu có 2 hai mô hình tuyển dụng và đào tạo giáo viên đào tạo nghề, gồm (1) mô hình dựa trên khuôn mẫu tuyển dụng và đào tạo giáo viên hàn lâm và (2) mô hình thường được gọi là “tuyển dụng thay thế”. Mô hình “tuyển dụng thay thế” tuyển những người có kiến thức nghề nghiệp cụ thể và kinh nghiệm công việc thực tế làm giáo viên để truyền đạt lại công nghệ và bí quyết hành nghề cho học viên; đây là những ưu điểm mà mô hình tuyển dụng giáo viên hàn lâm không có. Thông thường, tiêu chuẩn bằng cấp giáo viên trong mô hình “tuyển dụng thay thế” sẽ thấp hơn trong mô hình giáo viên hàn lâm. Về các chương trình đào tạo giáo viên đào tạo nghề đang được áp dụng tại các nước, tác giả này cho rằng có 4 kiểu chủ yếu như trình bày trong Hình 1. Một quốc gia có thể có nhiều kiểu chương trình đào tạo và có một chương trình nổi trội hoặc điển hình được cho là mô hình. - Chương trình chỉ đào tạo phương pháp đào tạo nghề: ví dụ như chứng chỉ đào tạo nghề ở Vương quốc Anh như là một biện pháp chuẩn bị, hoặc các khóa học tại chức tại Viện đào tạo giáo viên đào tạo nghề Đan Mạch. Mô hình đào tạo giáo viên đào tạo nghề như thế này thường được kết hợp với mô hình tuyển dụng giáo viên dạy thực hành trong một số lĩnh vực nghề nhất định. Cần lưu ý là đây là những tiêu chuẩn chuyên môn riêng cho giáo viên đào tạo nghề; ngoài ra còn có yêu cầu về chuẩn trình độ học vấn. Mô hình đào tạo chứng chỉ, chứng nhận đào tạo nghề này phổ biến tại nhiều nước. Một số nước yêu cầu chuẩn trình độ học vấn của giáo viên đào tạo nghề ít nhất tương đương với giáo viên trung học, tức là từ trình độ đại học trở lên. 546
  4. Hình 1. Trình độ chính thức và nội dung của đào tạo giáo viên đào tạo nghề Nội dung Trình độ chính thức Đào tạo Kiến thức Lí luận dạy Kiến thức phương pháp bổ sung nghề tích hợp Anh, Brazil, Chứng nhận, chứng chỉ Nhật Bản, Đan Mạch Mĩ, Thổ Nhĩ Nga, Na Uy Đại học Kì, Pháp Trung Quốc Thạc sĩ Đức Nguồn: Grollmann (2009) - Chương trình đào tạo kiến thức bổ sung: Hay còn gọi là mô hình đào tạo kế tiếp, được dựa trên chuỗi học tập từ kiến thức chuyên ngành (ví dụ ở bậc đại học) và sau đó tới kiến thức chuyên môn liên quan đến nghề giáo viên được cung cấp trong một chương trình học tập được chỉ định. Mô hình này phổ biến ở Mĩ và Thổ Nhĩ Kì. - Chương trình đào tạo lý luận đào tạo nghề: Hay còn gọi là mô hình đào tạo đồng thời cả kiến thức chuyên ngành và khoa học giáo dục để đạt được bằng đại học hoặc thạc sĩ về GDNN. Thông thường nội dung kiến thức chuyên ngành được rút gọn hơn so với các chương trình cử nhân kinh doanh hoặc kỹ thuật thông thường. Một số nước có dạy về lý luận đào tạo nghề. - Chương trình tích hợp: Dựa vào khái niệm tích hợp kiến thức nghề nghiệp, theo đó kiến thức chuyên ngành được bắt nguồn từ thế giới việc làm (tức là kiến thức không phải từ ngành khoa học mà được tích hợp vào quá trình công việc) và đi kèm với sự phát triển năng lực tương ứng. Mô hình này được gọi là tích hợp vì nó dựa vào quan niệm hòa nhập giữa học tập và làm việc của một nghề nghiệp. Kiểu mẫu học nghề hòa nhập được chuyển hóa thành mô hình đào tạo giáo viên này có thể được nhìn thấy ở trong các cơ sở đào tạo giáo viên miền Bắc nước Đức và đã xuất hiện trong các chương trình cải cách đào tạo giáo viên đào tạo nghề ở Na Uy và Trung Quốc. Tuy nhiên, không có quốc gia nào chọn mô hình này là định hướng chủ đạo. Nhìn vào Quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN Việt Nam và so sánh với các chương trình trong Hình 1 có thể suy luận ra các chương trình đào tạo nguồn nhà giáo GDNN Việt Nam gồm có: 547
  5. - Chương trình đào tạo phương pháp dạy học cho giáo viên đào tạo nghề (chương trình 1) là loại hình phổ biến nhất. Đây là chương trình đào tạo mọi nhà giáo GDNN phải tham gia để có chứng chỉ yêu cầu; - Chương trình đào tạo lí luận đào tạo nghề (chương trình 3) cũng được nhìn thấy tại Việt Nam trong các trường đại học sư phạm kỹ thuật. Đây là chương trình đã tồn tại trong khứ và sẽ không còn phát huy hiệu quả sau khi chức năng quản lí GDNN được giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chương trình đào tạo kiến thức bổ sung (chương trình 2) và chương trình tích hợp (chương trình 4) chưa thấy tại Việt Nam vì để tổ chức các chương trình này đòi hỏi một sự liên kết chặt chẽ giữa kiến thức chuyên ngành và kiến thức gắn với thế giới nghề nghiệp, tức là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Như vậy có thể thấy là mô hình đào tạo nhà giáo GDNN của Việt Nam là đào tạo phương pháp dạy học (gồm cả đào tạo nghề và dạy học nói chung) cho những người muốn trở thành giáo viên đào tạo nghề từ nguồn nhân lực đã đáp ứng được tiêu chuẩn chuyên môn. Nếu Việt Nam giới hạn điều kiện nhập nghề là chứng chỉ sư phạm đào tạo nghề (không còn chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm) thì mô hình của Việt Nam là giống với Chương trình 1 như trong Hình 1. Trong tương lai, khi Việt Nam nâng chuẩn nhà giáo GDNN lên trình độ từ đại học trở lên, cách đào tạo nguồn nhà giáo GDNN như thế này sẽ vẫn còn phát huy hiệu quả. Mặc dù Việt Nam đã có các chương trình đào tạo sư phạm đào tạo nghề, nhưng do chưa có cơ sở giáo dục chuyên về đào tạo nhà giáo GDNN (trong khi ngành giáo dục có các trường sư phạm chuyên về đào tạo giáo viên, nhà giáo các cấp) nên có thể nói rằng lĩnh vực khoa học GDNN cũng như phương pháp sư phạm đào tạo nghề chưa được nghiên cứu thỏa đáng. Điều này tác động đến việc thiết kế các tiêu chuẩn trong đào tạo nhà giáo GDNN, chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo nhà giáo, trong đó có chương trình cấp chứng chỉ đào tạo nghề đang hiện hữu. Để có được một đội ngũ nhà giáo GDNN được chuẩn bị tốt hơn về phẩm chất và năng lực phù hợp với ngành GDNN, Việt Nam cũng nên chú ý tới lĩnh vực sư phạm GDNN và hình thành cơ sở giáo dục đào tạo nhà giáo GDNN. IV. BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN LÀ TRỤ CỘT KHÔNG THỂ THIẾU ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP Phát triển chuyên môn nghề giáo đòi hỏi nhà giáo phải liên lục trau dồi kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, bồi dưỡng thường xuyên được cho là trụ cột thứ hai trong BĐCL nhà giáo song hành với trụ cột thứ nhất là đào tạo ban đầu. Theo số liệu của Viện Khoa học GDNN (2017), tỉ lệ nhà giáo có chứng chỉ 548
  6. kỹ năng nghề là 11.445 người trong tổng số 39.152 nhà giáo, chiếm tỉ lệ 46%. Đặc điểm của GDNN nghề nghiệp tổ chức hoạt động học tập kiến thức và kỹ năng ngành, nghề cho học viên thông qua quá trình làm việc trong môi trường công việc thực tế, vì vậy kỹ năng hành nghề của nhà giáo là rất quan trọng. Ngay cả đối với nhà giáo dạy lí thuyết, việc đạt các chứng chỉ nghề nghiệp sẽ giúp nhà giáo kết nối giữa kiến thức lí thuyết và công việc thực tế, giúp học viên mường tượng tốt hơn về việc vận dụng lí thuyết khi thực hành. Chính vì vậy, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo hiện tại về kỹ năng nghề, tăng tỉ lệ nhà giáo có chứng chỉ kỹ năng nghề là việc làm cần thiết. Theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, số liệu thống kê năm 2015 cho thấy số nhà giáo có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là 21.961 người, chiếm tỷ lệ 88,26% (Viện Khoa học GDNN, 2017). Kết quả đánh giá 4 cơ sở GDNN chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế (của Vương quốc Anh) cho thấy đội ngũ nhà giáo cần được hỗ trợ để phát triển năng lực dạy học. Những lĩnh vực mà nhà giáo cần được bồi dưỡng gồm phát triển chương trình và thiết kế bài học; phương pháp dạy học và sự vận dụng đa dạng các phương pháp học tập, tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng trên thiết bị di động trong dạy học; dự giờ đồng nghiệp và sinh hoạt tổ chuyên môn (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, 2019). Công việc của nhà giáo GDNN đòi hỏi kiến thức và kỹ năng đa dạng có thể chia thành các mảng gồm: - Chuẩn bị cho sinh viên về công việc trong tương lai thông qua quá trình hỗ trợ học tập từ đó dẫn đến hình thành thái độ và năng lực liên quan đến công việc cũng như vai trò của họ trong xã hội; - Hỗ trợ quá trình học tập chuyên môn kỹ thuật của sinh viên, việc này đòi hỏi giáo viên phải tích hợp kiến thức về nội dung môn học với các phương pháp và hình thức học tập phù hợp; - Đánh giá quá trình học tập của sinh viên; - Các nhiệm vụ hành chính liên quan đến tổ chức và triển khai chương trình giảng dạy; - Tư vấn cho sinh viên, và cả cho các nhóm đối tượng khác, chẳng hạn như người sử dụng lao động, người học trưởng thành trong các khóa bồi dưỡng (Grollmann, 2009). Để hỗ trợ nhà giáo phát triển chuyên môn, vai trò của lãnh đạo nhà trường là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng môi trường dạy học hướng tới chất lượng và có cơ chế chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho nhà giáo tâm huyết và có năng lực. 549
  7. V. KẾT LUẬN GDNN là một bộ phận rất riêng trong hệ thống giáo dục quốc dân và gắn kết rất chặt chẽ với khu vực sản xuất và doanh nghiệp. Đội ngũ nhà giáo GDNN vì thế cũng có những tiêu chuẩn chuyên môn và nghiệp vụ riêng, đặc biệt là năng lực tích hợp kiến thức môn học vào quá trình công việc và năng lực đào tạo nghề. Thực trạng đội ngũ nhà giáo GDNN Việt Nam còn thiếu về số lượng và bất cập về chất lượng đòi hỏi ngành GDNN phải chú trọng tới bồi dưỡng nhà giáo, đổi mới đào tạo ban đầu cho nhà giáo cũng như nâng chuẩn nhà giáo GDNN. Các vấn đề trọng tâm có thể thực hiện ngay hoặc trong một tương lai gần đó là nâng cao năng lực sư phạm đào tạo nghề thông qua bồi dưỡng nhà giáo, thành lập cơ sở giáo dục chuyên đào tạo nhà giáo GDNN, tiến tới nâng chuẩn trình độ chuyên môn của nhà giáo GDNN là có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Các chủ trương, văn bản chính sách của Nhà nước Việt Nam 2. Grollmann, P. (2008). The Quality of Vocational Teachers: teacher education, institutional roles and professional reality. European Educational Research Journal, Volume 7 Number 4 2008. 3. Paryono, P.(2015). Approaches to preparing TVET teachers and instructors in ASEAN member countries. http://www.tvet-asia.info/issue/5/paryono, truy cập ngày 17/8/2019. 4. Spöttll, G. (2009). Teacher Education For TVET In Europe And Asia: The Comprehensive Requirements. Journal of Technical Education and Training, Vol. 1, No. 1 (2009). 5. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (2019). Khuyến nghị của chuyên gia quốc tế sau đợt đánh giá 04 trường cao đẳng theo tiêu chuẩn của Vương quốc Anh. http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/ News/ 6. View/tabid/66/newsid/37098/seo/KHUYEN-NGHI-CUA-CHUYEN-GIA-QUOC- TE-SAU-DOT-DANH-GIA--04-TRUONG-CAO-DANG-THEO-TIEU-CHUAN-CUA- VUONG-QUOC-ANH/Default.aspx, truy cập ngày 17/8/2019. 7. Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp (2017). Báo cáo Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam 2015. Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội 2017. 550
nguon tai.lieu . vn