Xem mẫu

  1. ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ Phạm Xuân Khánh* Khổng Hữu Lực* Trần Thị Minh Trâm+ TÓM TẮT: Bài viết phân tích và đánh giá thực trạng Giáo dục nghề nghiệp hiện nay, những cơ hội, khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0. Từ đó, tác giả đề xuất mười giải pháp để đảm bảo chất lượng đào tạo nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Từ khóa: giáo dục nghề nghiệp, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo chất lượng, nhân lực chất lượng cao. 1. Đặt vấn đề Nhân lực là yếu tố then chốt đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là vai trò chủ đạo trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Thực tế hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế; tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Để đảm bảo chất lượng Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần phải có tầm nhìn chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn, nhưng đồng thời cần xây dựng những định hướng cụ thể, trên cơ sở đánh giá cơ hội, khó khăn, thách thức và nguyên nhân… để đề ra các giải pháp phát triển phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế. 2. Thực trạng GDNN hiện nay Trong những năm qua, GDNN đã từng bước được đổi mới và phát triển,đạt được nhiều thành tựu nổi bật cả về số lượng, loại hình đào tạo, cơ cấu trình độ, ngành nghề, chất lượng và hiệu quả đào tạo đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, * Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội + Trường ĐH công nghiệp Hà Nội 602
  2. gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, thợ lành nghề; khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn nhiều hạn chế; trình độ ngoại ngữ, tin học của hầu hết người lao động còn rất thấp; tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động còn bất cập; tỷ lệ thất nghiệp cao trong nhiều năm qua. Theo báo cáo khảo sát chất lượng đào tạo kỹ thuật và dạy nghề của Tổ chức JICA, Nhật Bản tiến hành với 76 doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước cho thấy: sinh viên tốt nghiệp các trường nghề TVET có kỹ năng cơ bản tốt, chăm chỉ học tập, rèn luyện, tuân thủ các qui định và tiêu chuẩn vận hành của công ty, vận hành, sử dụng thiết bị mới tương đối nhanh. Tuy nhiên, tinh thần, ý thức, thái độ làm việc, trách nhiệm đối với doanh nghiệp không được đánh giá cao, không tích cực sử dụng kỹ thuật cơ bản như Kaizen hoặc giữ gìn nơi làm việc sạch sẽ, năng lực làm việc tập thể thấp. Cần phải nâng cao về năng lực quản lý; an toàn lao động; năng lực giao tiếp, làm việc nhóm; năng lực giải quyết vấn đề; năng lực tổ chức thực hiện; tự tư duy, tự nhận biết vấn đề và tự đưa ra được những đề xuất cải thiện, cải tiến hiệu suất công việc một cách tổng quát và luôn nỗ lực để có thể sản xuất được những sản phẩm chất lượng tốt hơn cho doanh nghiệp. Trong khi nguồn lao động của chúng ta dồi dào, nhu cầu việc làm lớn, nhưng các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động. Nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng của nước ta hiện nay. Các nguồn đầu tư FDI đầu tư vào Việt Nam đã và sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo trong thời gian tới, đất nước sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhận lực, đang dần mất đi lợi thế về chi phí lao động thấp. Chính vì vậy ngành dạy nghề luôn nỗ lực tìm gia các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng vẫn đáng chú ý và quan trọng hơn cả là hoạt động đảm bảo chất lượng (ĐBCL) trong GDNN hiện nay. 3. Hội nhập quốc tế cơ hội, khó khăn và thách thức đối với GDNN Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế như gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng với các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) giữa các nước ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp…và dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến nhiềucơ hội nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức cho kinh tế Việt Nam nói chung và GDNN nói riêng như: 603
  3. Cơ hội lớn thu hút đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư; khoa học-công nghệ với nhiều công nghệ mới; xuất nhập khẩu với đa dạng mặt hàng; doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm, tạo ra nhiềuviệc làm, sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển,… sẽ góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế và tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Năng suất lao động của Việt Nam sẽ tăng lên, giảm khoảng cách so với nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới. Đối với giáo dục nghề nghiệp: Tạo ra nhiều cơ hội trong việc hợp tác lẫn nhau; cơ hội học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ; có thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài.Người học có nhiều cơ hội hơn trong học tập, tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến, văn bằng, chứng chỉ được công nhận ở các nước trong khu vực và thế giới và dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm việc làm… Bên cạnh những cơ hội lớn để phát triển thì hội nhập đồng thời cũng mang đến những khó khăn, thách thức rất lớn cho chúng ta như tính cạnh tranh trong thị trường nhân lực cao do di chuyển lao động trong khu vực sẽ tạo nên cạnh tranh lành mạnh nhưng gay gắt. Nhân lực có trình độ cao trong khu vực Asean sẽ tự do di chuyển đến Việt Nam do chúng ta đang thiếu hụt lực lượng lao động này, dẫn đến vấn đề dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp, gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, đất nước đang dần mất đi lợi thế về lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ và chi phí lao động thấp, ảnh hưởng tới sựphát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, lao động Việt Nam còn bộc lộ nhiều điểm yếu như khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài, ngoại ngữ, hiểu biết văn hoá thế giới luôn là điểm yếu của lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm làm việc, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, ý thức văn hoá công nghiệp, kỷ luật lao động của một bộ phận đáng kể người lao động chưa cao. Dẫn đến năng suất lao động thấp, thậm chí thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. 4. Mục tiêu và các giải pháp đảm bảo chất lượng GDNN 4.1. Mục tiêu: Đảo đảm chất lượng đào tạo nghề, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần chuyển đổi nhanhmô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, tăng nhanh hàm lượng nội địa hóa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng năng suất lao động và giải quyết việc làm bền vững. 4.2. Các giải pháp đảm bảo chất lượng GDNN Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5814 đảm bảo chất lượng là toàn bộ hoạt động có kế hoạch và hệ thống được tiến hành trong hệ chất lượng và được chứng 604
  4. minh là đủ mức cần thiết để tạo sự tin tưởng thỏa đáng rằng thực thể (đối tượng) sẽ thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu chất lượng. ĐBCL là những quan điểm, chủ trương, chính sách, mục tiêu, hành động, công cụ, quy trình và thủ tục mà thông qua việc sử dụng chúng có thể đảm bảo rằng sứ mạng và mục tiêu đang được thực hiện, các chuẩn mực đang được duy trì và nâng cao (SEAMEO, 2002). ĐBCL là thuật ngữ chung, đề cập đến các biện pháp và cách tiếp cận được sử dụng để nâng cao chất lượng đào tạo (SEAMEO, 2003). Trong GDNN, ĐBCL là một quá trình liên tục từ thiết lập, xây dựng hệ thống quản lý, đánh giá, kiểm soát, duy trì, khắc phục và cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để đạt được mục đề ra. Như vậy, để bảo đảm chất lượng đào tạo nghề cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây: Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tuyển sinh, nâng cao chất lượng, số lượng đầu vào cho giáo dục nghiệp nghề. Giáo dục nghề nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, bất cập về công tác tuyển sinh. Không chỉ thiếu về số lượng mà còn bất cập về chất lượng đầu vào do hầu hết các em vào học nghề là sự lựa chọn cuối, trong khi yêu cầu đầu ra yêu cầu cao đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp về cả kiến thức, kỹ năng, thái độ. Do đó, điều chỉnh cơ cấu trình độ hợp lý trong lực lượng lao động, tạo cơ hội học tập, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến trong tương lai để tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tầm quan trọng của GDNN đối với toàn xã hội thông qua các sản phẩm tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong nhà trường phổ thông là giải pháp rất quan trọng. Đồng thời, thành lập các Trung tâm STEM, trải nghiệm sáng tạo và định hướng nghề nghiệp trong các cơ sở đào tạo nghề để cho học sinh THPT được học thử nghề, trải nghiệm thực tế các ngành nghề khác nhau trước khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp - giải pháp phân luồng có hiệu quả nhất hiện nay. Thứ hai, chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý: Đội ngũ cán bộ, nhà giáo là chìa khoá trong mọi hoạt động của nhà trường. Cần tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu giảng dạy vừa lý thuyết vừa thực hành. Xây dựng cơ chế thu hút đội ngũ kỹ thuật viên có chuyên môn tốt và chuyên gia nước ngoài, kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao đã và đang làm việc tại doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo ở các nước phát triển, áp dụng chuẩn của các nước phát triển để hình thành đội ngũ giáo viên hạt nhân đạt chuẩn quốc tế có đủ năng lực để đào tạo chương trình chuyển giao từ nước ngoài, đồng thời đào tạo lại các giáo viên khác trong hệ thống. Tăng cường đào tạo tiếng Anh cho các nhà giáo dạy các chương trình ASEAN, quốc tế. Huy động, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên bằng hình thức tiếp nhận họ đến thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành nghề, tiếp cận công nghệ 605
  5. mới... Đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa để hình thành đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chuyên nghiệp. Thứ ba, đổi mới đào tạo theo mô hình trường học thông minh Đổi mới chương trình và công tác tổ chức, quản lý đào tạo trên cơ sở chuẩn “đầu ra”. Bảo đảm liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành, nghề hoặc với các ngành, nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mô hình quản lý nhà trường hiện nay tương đối cồng kềnh, hiệu quả không cao, khó đáp ứng được với yêu cầu phát triển. Quản trị nhà trường cần thay đổi mô hình đào tạo theo hướng tư duy và công nghệ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo tính sáng tạo và thích ứng nhanh với sự đổi mới để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ. Trong đó, hệ thống CNTT được phân tích, thiết kế và xây dựng theo hướng quản lý toàn diện và đồng bộ tất cả các hoạt động trong nhà trường (từ lãnh đạo đến sinh viên). Chuyển từ lớp học, phương pháp dạy học truyền thống qua giảng E-Learning, dạy online, phương pháp dạy học theo dự án. Dạy học chuyển sang ý tưởng, sáng tạo và áp dụng công nghệ. Người học thực hiện quá trình học tập trên lớp hoặc ngay tại nhà, thông qua các thiết bị không dây, chủ động lựa chọn không gian, thời gian, nội dung và phương pháp học tập, có thể gọi là “trường di động, lớp học online”. Người dạy - người học và người học - người học chia sẻ, tương tác với nhau một cách liên tục và linh hoạt, triển khai bài giảng điện tử, thư viện số, chuyển các dữ liệu truyền thống sang dữ liệu số trên máy tính.Áp dụng công nghệ IoTs (Internet of Things) để kết nối người học, phụ huynh, giáo viên, giúp nắm bắt các thông tin kịp thời như: Điểm, lịch học, các thông báo…Đảm bảo được yêu cầu đào tạo mở, linh hoạt, theo nhu cầu người học. Thứ tư, tiếp tục chuẩn hóa và phát triển cơ sở vật chất thiết bị, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị theo ngành, nghề theo chuẩn theo hướng thiết bị công nghệ cao vừaphục vụ đào tạo vừa phục vụ nghiên cứu, sản xuất; đẩy mạnh xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị thực tế ảo, thiết bị dạy học thuật và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị dạy học thực tế trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giảm bớt đầu tư trang thiết bị. Tăng cường hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, nhằm khai thác các thiết bị, công nghệ mới chỉ có trong doanh nghiệp, mời doanh nghiệp tham gia tất cả các công đoạn trong quá trình đào tạo. Xoá bỏ ranh giới của các khoa, bố trí sắp xếp máy móc, trang thiết bị thành 1 hệ thống kết nối thông qua internet, robots, qua logistics thành một hệ thống và biến nhà trường trở thành một nhà máy 4.0. Thứ năm, tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, hoàn thiện các quy định về hợp tác với doanh nghiệp để doanh nghiệp sẵn sàng tham gia tất cả các công đoạn 606
  6. trong quá trình đào tạo. Ngược lại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ. Thành lập Hội đồng kỹ năng ngành, nghề trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các Bộ, ngành, các doanh nghiệp để dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạnlàm nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phân tích, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các ngành công nghiệp, để làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Thứ sáu, phát triển mở rộng hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề theo hướng xã hội hoá, đa dạng, linh hoạt hình thức, cách thức để có thể đánh giá rộng rãi các nghề đảm bảo tương thích với các khung tham chiếu của khu vực. Phát triển kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đánh giá, công nhận trường chất lượng cao, chương trình đào tạo chất lượng cao. Đẩy nhanh việc thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp độc lập. Tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn các nước phát triển. Áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng và vận hành hệ thống thông tin quản lý hiện đại. Thứ bảy, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, coi việc nghiên cứu khoa học là yếu tố then chốt nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nhà trường, mạnh dạn nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ vừa phục vụ dạy và học vừa phục vụ thương mại hoá. Hướng tới thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp KHCN trong nhà trường, nhằm gia tăng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực phát triển thị trường KHCN theo tinh thần chỉ đạo của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg, đó cũng là một trong các giải pháp tích cực để nhà trường có thể thực hiện thành công cơ chế tự chủ. Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN Không chỉ dừng lại ở các hoạt động như “nhập khẩu chương trình đào tạo” hiện nay, tiếp tục đàm phán, hợp tác với các nhóm nước trong ASEAN và các nước phát triển để tiến tới công nhận văn bằng, chứng chỉ và kỹ năng nghề giữa các nước. Hoàn thiện các chính sách, khuyến khích các cơ sở GDNN trong nước mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài; hợp tác nghiên cứu khoa học; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở GDNN, hợp tác đào tạo, mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Thứ chín, giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo trong việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm trên cơ sở điều kiện về số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo cho nhà trường. Từng bước thực hiện đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tự chủ để các cơ sở đào tạo có thể tự chủ và thực sự được tự 607
  7. chủ của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ và cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế hoặc các khoản vay hỗ trợ lãi suất để đầu tư phát triển nhà trường. Thứ mười, đổi mới công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp. - Cần rà soát, tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp và các luật có liên quan, ban hành đầy đủ các chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh danh mục ngành, nghề đào tạo. Xây dựng và ban hành các chuẩn kiến thức, kỹ năng (chuẩn đầu ra) cho các ngành, nghề tương ứng với từng cấp trình độ đào tạo với sự tham gia của doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với khung trình độ và tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Tiếp tục xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề của từng ngành, nghề và trình độ đào tạo. Ban hành các quy định về hệ thống đảm bảo chất lượng. Áp dụng công nghệ để xây dựng hệ thống thông tin quản lý hiện đại, kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống. Trong đó, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục nghề nghiệp, để kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống. Ban hành Qui định sử dụng lao động qua đào tạo để thu hút người học nghề, góp phần tăng năng suất lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp đối với đội ngũ nhà giáo, người học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động và doanh nghiệp tham gia đào tạo cũng như việc phân bổ và sử dụng tài chính theo hướng tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tạo động lực cho xã hội tham gia vào hoạt động này. 5. Kết luận Toàn cầu hóa và hội nhập đang là xu hướng phát triển chủ yếu trong các quan hệ quốc tế trên tất cả các phương diện, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thông qua các cam kết, các hiệp định. Do đó, để đảm bảo chất lượng đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội, tránh được nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới hội nhập khu vực và quốc tế cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm “biến thách thức thành thời cơ, khó khăn thành cơ hội” của hệ thống Giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp đã nêu ở trên, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục theo mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) đã đề ra, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước./. 608
  8. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2015), Thực trạng và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, Kỷ yếu hội thảo khoa học. 2. Chính phủ, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. 3. Chính phủ, Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/05/2007 về Doanh nghiệp khoa học và công nghệ. 4. Đào Ngọc Dung (2019),“Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước”, Tạp chí Lao động - xã hội. 5. Lê Kim Dung (2018), “Chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập”. 6. Phạm Vũ Quốc Bình (2015), “Xây dựng hệ thống Đảm bảo chất lượng dạy nghề - đảm bảo niềm tin cho xã hội đối với công tác dạy nghề”. 7. Phạm Xuân Khánh, Khổng Hữu Lực (2016), “Tác động của mối quan hệ dạy nghề - doanh nghiệp đến chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề trong bối cảnh hiện nay”, Tạp chí Khoa học dạy nghề, số 39, tháng 12/2016, trang: 1-3. 8. Phạm Xuân Khánh, Khổng Hữu Lực (2017), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Đào tạo theo mô hình tích lũy chứng chỉ tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội”, mã số ĐTKH/02.2017. 9. Phạm Xuân Khánh (2019), “Phát huy mô hình đào tạo nghề chất lượng cao gắn với giải quyết việc làm trong thời kỳ cách mạng 4.0”, Tham luận Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. 10. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật Giáo dục nghề nghiệp. 11. Tạp chí Cộng sản (2018), “Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2015-2020 đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. 12. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 Phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam. 13. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/05/2012 Phê duyệt chiến lược phát triển dạy nghề từ năm 2011-2020. 14. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án: “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. 15. Asean Quality Network Quality Assurance (2004), Manual for theImplementation of the Guiderlines. 609
nguon tai.lieu . vn