Xem mẫu

  1. ĐẶC ĐIỂM VÀ TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ KINH TẾ TRUNG QUỐC - MYANMAR THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI NGUYỄN VĂN TUẤN Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế Tóm tắt: Bước vào thế kỷ XXI, dưới tác động của các nhân tố khác nhau, quan hệ kinh tế quốc tế tiếp tục có sự biến đổi sâu sắc và trở thành trọng điểm trong quan hệ quốc tế. Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống, quan hệ kinh tế Trung Quốc - Myanmar tiếp tục phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng trên lĩnh vực thương mại và đầu tư. Thành tựu của mối quan hệ này đã thực sự mang lại lợi ích cho cả hai nước đồng thời tác động lớn đến quá trình liên kết kinh tế khu vực. Kết quả đó còn ảnh hưởng đến việc điều chỉnh chiến lược của một số nước lớn đang có lợi ích ở khu vực này. Thông qua việc nghiên cứu những thành tựu cơ bản trong quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Myanmar, bài viết đánh giá đặc điểm và tác động của mối quan hệ này đối với hai nước và khu vực. Từ khóa: Trung Quốc, Myanmar, quan hệ kinh tế, đặc điểm 1. MỞ ĐẦU Trung Quốc và Myanmar là hai quốc gia có mối liên kết về văn hóa và lịch sử lâu đời. Với đường biên giới chung dài 2185 km, làng bản hai nước Trung Quốc và Myanmar đều có thể nhìn sang nhau, cư dân hai nước sinh sống ở bên kia biên giới có chung cội nguồn dân tộc, tương đồng về văn hóa và gần gũi về tập tục. Vào thập niên đầu thế kỷ XXI, mối quan hệ đó càng trở nên mật thiết khi Myanmar nhận thức được rằng, củng cố và phát triển quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ kinh tế, là một trong những biện pháp hữu hiệu để có thể duy trì độc lập, thúc đẩy nhu cầu phát triển toàn diện, phù hợp với những lợi ích căn bản của Myanmar. Ngược lại, Trung Quốc cũng nhận thấy: gia tăng quan hệ kinh tế với Myanmar - nơi có vị trí chiến lược là “ngã tư châu Á” không những giúp Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược kinh tế mạnh mẽ, chiến lược “ngoại giao láng giềng”, chính sách “hai đại dương” mà còn qua đó, kiềm chế Ấn Độ, hạn chế sự “xoay trục” của Mỹ cũng như những toan tính chiến lược của các nước lớn khác. Trên cơ sở đó, quan hệ kinh tế Trung Quốc - Myanmar càng có điều kiện để phát triển. 2. MỘT SỐ THÀNH TỰU VỀ QUAN HỆ KINH TẾ TRUNG QUỐC - MYANMAR THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI 2.1. Trên lĩnh vực thương mại Thập niên đầu thế kỷ XXI, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc và những chuyển biến bước đầu trong tiến trình cải cách mở cửa ở Myanmar, các hoạt động kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Myanmar có bước thay đổi lớn lao. - Về trao đổi thương mại: Ngày 12/12/2001, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân thăm chính thức Myanmar. Trong cuộc gặp gỡ này, Trung Quốc và Myanmar đã ký 7 hiệp định song phương trong các lĩnh vực: bảo vệ an ninh biên giới, kinh tế và kỹ thuật, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, kiểm dịch động - thực vật, vệ sinh, đánh cá và dầu mỏ. Trong 10 tháng đầu năm 2001, kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 499 triệu USD. Năm 2003, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Myanmar đạt gần 1,1 tỷ USD, chiếm 0,1% tổng kim ngạch mậu dịch đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba ở Myanmar sau Singapore và Thái Lan. Năm 2004, tổng kim ngạch thương mại song phương Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sau Đại học lần thứ hai Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2014: tr. 417-425
  2. 418 NGUYỄN VĂN TUẤN giữa hai nước đạt hơn 1,145 tỷ USD [7]. Trong năm tài khóa 2007 - 2008, con số này tiếp tục tăng lên, đạt 2,4 tỷ USD và đạt 2,907 tỷ USD vào năm 2009. Hai bên đã mở rộng hợp tác sang lĩnh vực nhiệt điện, năng lượng khai mỏ, viễn thông, đánh cá, chế biến hàng hóa và cơ sở hạ tầng, cũng như thường xuyên trao đổi về văn hóa, thông tin và thể thao... Tháng 6/2010, nhân chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, hai bên đã ký 15 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực như xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, nhà máy nhiệt điện và viện trợ đặc biệt. Qua đó, Trung Quốc đã vượt qua Thái Lan, trở thành đối tác thương mại số một ở Myanmar với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu lên tới 4,44 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2009. Trong những năm 2011-2012, khối lượng thương mại Trung Quốc - Myanmar tiếp tục tăng, lên đến 5 tỷ USD và Trung Quốc vươn lên xếp vị trí thứ nhất trong thương mại của Myanmar với các nước bên ngoài. Trong đó, nhập khẩu của Myanmar từ Trung Quốc là 2,78 tỷ USD và xuất khẩu sang Trung Quốc là 2,21 tỷ USD [5]. Những con số trên cho thấy mức độ liên kết kinh tế và trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Myanmar tăng nhanh và vượt xa so với các nước khác. - Cơ cấu hàng hóa: Trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, Myanmar xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu, sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản, lâm sản sang Trung Quốc và nhập khẩu trở lại các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày giá rẻ của Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm từ lương thực cho đến điện tử. Sự mất cân bằng trong thương mại liên tục tăng trong quan hệ hai nước. Theo số liệu hải quan Myanmar, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Myanmar sang Trung Quốc là gỗ, đậu, hàng dệt may, đá quý, đồ trang sức, tôm, cá và cao su. Trong khi đó, các hàng nhập khẩu hàng đầu của Myanmar từ Trung Quốc là máy móc, thiết bị, phụ kiện, may mặc, vật liệu xây dựng, sản phẩm điện, điện tử và hàng tiêu dùng. Từ năm 2000 đến năm 2003, mặt hàng gỗ đóng góp 70% giá trị hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu dưới dạng thô. Xu hướng này tiếp tục kéo dài đến năm 2007. Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm tài chính 2011-2012, Myanmar xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các loại khoáng chất và các sản phẩm nông nghiệp với giá trị đạt 1,6 tỷ USD. Trong khi đó, Myanmar chủ yếu nhập từ Trung Quốc các nguyên liệu thô, thiết bị được thực hiện bởi các dự án đầu tư với khoảng 2 tỷ USD. Có thể thấy, cơ cấu sản phẩm trong hoạt động mậu dịch giữa Trung Quốc và Myanmar có tính bổ trợ nhau rất lớn. Myanmar chủ yếu là nơi cung cấp các nguồn nguyên liệu quan trọng cho Trung Quốc trong công cuộc hiện đại hóa. Còn Myanmar, nếu muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển, thực hiện cải cách, mở cửa và công nghiệp hóa thì cần nhập khẩu vốn, các sản phẩm sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc. - Về cán cân thương mại: Trong thương mại quốc tế, Trung Quốc luôn là một đối tác lớn, chiếm vị trí quan trọng trong cán cân thương mại của Myanmar. Trung Quốc đã liên tục giữ một thứ hạng cao kể từ khi hai nước thiết lập mối quan hệ. Do đó, thâm hụt thương mại giữa Myanmar với Trung Quốc luôn diễn ra. Nếu năm 2001, thâm hụt thương mại giữa Myanmar với Trung Quốc lên tới 363,16 triệu USD thì năm 2006 con số thực tế là 955 triệu USD. Trong năm 2006 - 2007, nhập khẩu của Myanmar từ Trung Quốc ngày càng tăng nhanh, đạt khoảng 25% tổng nhập khẩu của Myanmar, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ duy trì khoảng 10%. Điều đó cho thấy, cán cân thương mại của Myanmar với Trung Quốc bị thâm hụt liên tục. Năm 2010, thâm hụt thương mại của Myanmar với Trung Quốc tăng từ 0,7 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD [10, 5]. Cho đến nay, Myanmar sản xuất được rất ít các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, trong cấu trúc thương mại song phương, Myanmar có địa vị thấp và điều này giải thích tại sao thâm hụt thương mại luôn tồn tại trong thương mại song phương Trung Quốc - Myanmar.
  3. ĐẶC ĐIỂM VÀ TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ KINH TẾ TRUNG QUỐC – MYANMAR... 419 - Về thương mại biên giới: Thương mại giữa Myanmar và Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào thương mại biên giới giữa hai nước. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, hàng loạt các cơ quan quản lý thương mại biên giới Myanmar - Trung Quốc được chính thức ra đời như: Laiza (01/05/2000), Chinshwehaw (19/10/2003) và Kanpaitte (25/12/2003) nhằm chỉ dẫn, điều hành các hoạt động biên giới. Từ năm 2001 đến 2005, xuất khẩu của Trung Quốc đến Myanmar qua cửa khẩu biên giới đã tăng 2,1 lần, từ 261,2 triệu USD lên đến 540,6 triệu USD. Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc từ Myanmar qua thương mại biên giới tăng gấp 2,4 lần, từ 93,7 triệu USD đến 223,5 triệu USD [3, 182-183]. Trong năm 2005, thương mại biên giới chiếm 58% xuất khẩu của Trung Quốc sang Myanmar và 82% nhập khẩu của Myanmar từ Trung Quốc. Các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc qua các cửa khẩu, bao gồm: các mặt hàng máy móc, thiết bị cơ khí và các linh kiện chiếm 13%, sắt thép chiếm 10%, khoáng nhiên liệu, khoáng dầu và các sản phẩm khí chiếm 9%, máy móc, thiết bị điện chiếm 8%. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu từ Myanmar đến Trung Quốc chủ yếu bao gồm gỗ và các sản phẩm gỗ chiếm 60%, cao su và các sản phẩm từ cao su chiếm 8%. Các sản phẩm nông nghiệp luôn chiếm một tỷ lệ cao trong thương mại biên giới. Hiện nay, Myanmar đã chính thức khai trương bốn cổng thương mại biên giới với Trung Quốc như: Muse, Lweje, Chinshwehaw và Kambalti. Trong năm tài chính 2012-2013, khối lượng thương mại biên giới đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 83% thương mại biên giới của Myanmar. Trong các cửa khẩu thương mại biên giới Trung Quốc và Myanmar thì Muse được coi là cổng thương mại lớn nhất, chiếm 70% thương mại biên giới của Myanmar. Kể từ khi cửa Muse được khai thông năm 2006, khối lượng thương mại song phương Trung Quốc - Myanmar đã có bước phát triển qua hằng năm (trừ năm 2008 do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới). Trong năm tài chính 2010, khối lượng thương mại biên giới của cửa Muse đạt 1,5 tỷ USD và chỉ tám tháng đầu năm tài chính 2011-2012, khối lượng thương mại qua cửa khẩu này đã đạt 1,65 tỷ USD, tăng 10% so với năm tài chính trước đó [5]. Thương mại Trung Quốc - Myanmar đầu thế kỷ XXI đã ghi nhận sự thành công có ý nghĩa nhất, trong đó, thương mại biên giới của Trung Quốc với Myanmar đã trở thành huyết mạch của nền kinh tế Myanmar, đóng góp lớn cho công cuộc cải cách và phát triển kinh tế của nước này. 2.2. Trên lĩnh vực đầu tư Từ năm 2001, đầu tư của Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Myanmar tăng lên nhanh chóng. Nếu tháng 3/2004, giá trị đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar là 2,28 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực chế tạo thì đến năm 2007 đã có 27 dự án đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar với giá trị lên đến 475 triệu USD, đứng thứ 6 trong số các nước đầu tư vào Myanmar. Trong năm tài khóa 2009 - 2010, lần đầu tiên, Trung Quốc vượt Singapore để trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba tại Myanmar (sau Thái Lan và Anh) với số vốn là 1,85 tỷ USD. Bước vào năm tài chính 2010-2011, Trung Quốc gia tăng đáng kể đầu tư vào Myanmar, vượt qua Thái Lan và trở thành nhà đầu tư lớn nhất. Đầu tư của Trung Quốc trong năm này tại Myanmar đạt gần 8 tỷ USD, chủ yếu bao gồm các dự án: đập Myitsone, dự án đường ống dẫn dầu, khí đốt và các dự án mỏ đồng Letpadaung. Tuy nhiên, trong năm 2012-2013, do tác động của việc Chính quyền Myanmar đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone và dự án mỏ đồng Letpadaung nên đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar đã giảm mạnh đến 407 triệu USD [5]. - Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2005, giá trị các công trình nhận thầu của Trung Quốc ở Myanmar lên tới hơn 1,7 tỷ USD, nhanh hơn tốc độ tăng của các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Trong năm 2003, Trung Quốc đã bao thầu hơn 800 công trình thủy lợi, xây dựng đường sá ở Myanmar. Cuối năm 2005, dự án nhà máy sản xuất
  4. 420 NGUYỄN VĂN TUẤN giấy và bột giấy ở Maubin của Liên doanh giữa Myanmar Jute Industries và China Yunnan Corp đã đi vào hoạt động, riêng phần máy móc thiết bị đã có trị giá 5,27 triệu USD và hoàn toàn do phía Trung Quốc cung cấp. Đó là chưa kể Trung Quốc cung cấp hầu như toàn bộ máy móc thiết bị cho gần 30 nhà máy thủy điện lớn nhỏ ở Myanmar. - Về giao thông: Tháng 3/2004, Phó Thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi đến thăm Myanmar. Nhân chuyến thăm này, hai bên đã thảo luận về việc xây dựng tuyến đường sắt từ thị trấn Lashio nối với tuyến đường sắt đang được xây dựng ở Côn Minh tới Ruili và phó Chủ tịch Hội đồng thúc đẩy thương mại quốc tế của Trung Quốc Gao Yan đã khẳng định: “Chúng tôi cũng quan tâm tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các công viên công nghiệp tại Myanmar” [8, 18-19]. Trung Quốc hiện đang tích cực thực hiện dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vân Nam - Myitkyina và tuyến đường sắt cao tốc Lasha - Tây Tạng - Muse và từ Muse đi sâu vào lục địa Myanmar ra tới vịnh Bengal. Trung Quốc và Myanmar còn đang triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt dài 1.920km nối Côn Minh - Yangon - Tavoy, có kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt chạy dọc theo hai đường ống dẫn dầu và khí đốt. Trung Quốc cũng đồng ý nâng cấp cổ phiếu đường sắt của Myanmar. Đầu năm 2009, Trung Quốc đã được Chính phủ Myanmar cấp giấy phép xây dựng một sân bay gần thủ đô Naypyitaw. Đến tháng 12 năm 2011, việc hỗ trợ Myanmar xây dựng các sân bay được Trung Quốc hoàn thành dự toán các khoản vay. - Trong lĩnh vực khai thác mỏ và năng lượng: Trung Quốc đang gia tăng đầu tư vào Myanmar về thủy điện và khai thác dầu khí. Năm 2004-2005, hai công ty CNMC và Kingbao Mining Ltd của Trung Quốc đã đầu tư 500 triệu USD vào các hoạt động khai thác mỏ Nikel tại Tagaungtaung và Mwaytaung của Myanmar [4, 15]. Tính đến năm 2005-2006, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 700.000 USD vào lĩnh vực khai mỏ ở Yangon. Về thủy điện: Tháng 8/2003, ngân hàng China Exim đã phê duyệt 200 triệu USD với lãi suất ưu đãi cho dự án xây dựng nhà máy thủy điện Yeywa công suất 790 MW gần Mandalay và đồng ý cấp 150 triệu USD cho dự án Shweli. Trong năm 2006, có 11 dự án thủy điện lớn đã được tiến hành với tổng công suất phát điện là 1734 MW [9]. Các doanh nhân Trung Quốc gần như chiếm độc quyền xây dựng và khai thác các đập thủy điện trên thượng nguồn các sông Irrawaddy, Salween và Sittang của Myanmar. Đến năm 2007, có 45 công ty của Trung Quốc đã làm chủ 65 dự án xây đập thủy điện và nhằm chuyển toàn bộ điện năng sản xuất được sang Vân Nam. Tháng 2/2010, Myanmar và Trung Quốc ký thỏa thuận triển khai dự án thủy điện Upper Salween có công suất 2.400KW. Dự án này nằm sát biên giới Trung Quốc. Vào thời điểm hiện tại, các công ty Trung Quốc đang tham gia 20/21 nhà máy thủy điện lớn ở Myanmar. Sau khi xây dựng thì sản lượng điện của tất cả các nhà máy này sẽ được bán cho Trung Quốc và một số nước láng giềng (Trung Quốc 48%, Thái Lan 38%, Ấn Độ 3% và 1% sử dụng trong nước) [2]. Dự án thủy điện lớn nhất là đập Myitsone ở bang Kachin với 3,6 tỷ USD. Dự án này đã bị nhiều tổ chức nhân quyền chỉ trích vì để thực hiện dự án này, Myanmar đã di dời hơn 15.000 người dân địa phương. Điều đó đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và làm thay đổi sự đa dạng sinh học. Vì vậy, hiện nay, dự án này đang tạm thời bị đình chỉ. - Về dầu khí: Từ sau năm 2004, đã có 16 công ty của Chính phủ Trung Quốc làm chủ 21 dự án khai thác dầu khí lớn tại Myanmar. Năm 2006, ở Myanmar, tổ hợp CNPC của Trung Quốc được quyền xây dựng hai ống dẫn dầu và khí đốt, một đường ống có tổng trị giá 2,5 tỷ USD, từ cảng Kyaukphyu ở bang Arakan đến Côn Minh. Năm 2007, Tổng công ty dầu khí Trung Quốc giành được quyền thăm dò và khai thác dầu ở ba lô AD-1, AD-6, AD-8 nằm trong vùng nước sâu ven biển Myanmar với diện tích rộng 10.000km 2. Năm 2008, Myanmar đã dành cho Trung Quốc quyền khai thác lô ở ngoài khơi có trữ lượng dự đoán lên tới 6,5 nghìn tỷ m3 khí đốt. Cuối tháng 10/2009, tập đoàn CNPC của Trung Quốc đã xây dựng một
  5. ĐẶC ĐIỂM VÀ TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ KINH TẾ TRUNG QUỐC – MYANMAR... 421 cảng dầu thô tại Myanmar. Tháng 6/2010, Trung Quốc và Myanmar tiến hành xây dựng hai tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt song song dài 2.402km và 2.520km. Hiện nay, một số tập đoàn Trung Quốc như: Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Sinopec, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc đã ký nhiều hợp đồng với các công ty dầu khí Myanmar để thăm dò và khai thác một số khu vực trên biển và lục địa của Myanmar. Tuy nhiên hiện nay, nhằm hạn chế bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Myanmar đang cho phép nhiều nước khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Nga vào khai thác đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, so với các nước khác, Trung Quốc vẫn là quốc gia đầu tư và khai thác năng lượng lớn nhất ở Myanmar. Thực tế cho thấy, do nhu cầu ngày càng tăng về nguyên nhiên liệu thô nhằm phát triển kinh tế đã khiến Trung Quốc vắt kiệt những nguồn lực và vật lực của quốc gia láng giềng nghèo đói, vào loại kém phát triển nhất thế giới. Qua đó, có thể thấy, Myanmar sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đầu tư khai thác năng lượng của Trung Quốc. 3. ĐẶC ĐIỂM VÀ TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ KINH TẾ TRUNG QUỐC - MYANMAR THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI 3.1. Đặc điểm - Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Myanmar chịu tác động do chính sách cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây. Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, cả Myanmar và Trung Quốc đều chịu sự chỉ trích của Mỹ và phương Tây về vấn đề nhân quyền và dân chủ (Myanmar với “sự kiện bốn số tám - 8/8/1988”, còn Trung Quốc với “sự kiện Thiên An Môn” tháng 6/1989). Trong hoàn cảnh chung đó, cả Trung Quốc và Myanmar đã tìm đến nhau như những người bạn láng giềng cùng cảnh ngộ. Kể từ đó, mọi mối quan hệ kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội giữa hai nước gắn bó chặt chẽ với nhau. Để gạt bỏ những vòng vây từ các bên và chống lại những chính sách nhằm vào Trung Quốc, Trung Quốc đã tìm lối ra cho mình mà mấu chốt tháo gỡ chính là Myanmar. Hơn lúc nào hết, Myanmar cũng cần đến sự hỗ trợ đặc biệt về kinh tế của Trung Quốc, bởi Trung Quốc không chỉ là người “anh em” của Myanmar mà còn là người có tiếng nói ủng hộ chính phủ quân sự Myanmar trên trường quốc tế. Trong suốt thời gian dài, chính sách cấm vận của Mỹ và phương Tây, vô hình chung, đã đưa nền kinh tế, chính trị Trung Quốc và Myanmar sát lại gần nhau hơn. Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để gia tăng ảnh hưởng của mình, nhằm biến Myanmar thành một “California thứ hai” của Trung Quốc. - Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Myanmar thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau nhưng không tương xứng. Trong quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với Myanmar, một đặc điểm đáng chú ý là tính phụ thuộc lẫn nhau nhưng không tương xứng. Myanmar có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng để phát triển. Ngược lại, sự phát triển của Trung Quốc lại rất cần nguồn nguyên liệu và thị trường từ Myanmar. Tính phụ thuộc lẫn nhau không tương xứng trong quan hệ kinh tế Trung Quốc - Myanmar được thể hiện ngày càng lớn. Myanmar ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào kinh tế Trung Quốc, trong khi sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Myanmar hầu như ít hơn. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế mang lại những lợi ích khác nhau cho cả hai bên và điều này thúc đẩy quan hệ song phương phát triển. Đối với Myanmar, họ cần phải duy trì và trao đổi kinh tế với Trung Quốc để củng cố độc lập chính trị và phát triển kinh tế trong nước. Do đó, có thể thấy, thương mại giữa Trung Quốc và Myanmar có tính chất bổ sung hơn là cạnh tranh. Về lâu dài, sự phụ thuộc lẫn nhau không tương xứng về kinh tế sẽ tiếp tục diễn ra mặc dù có những đổi thay về chính trị của Myanmar. Điều này đòi hỏi chính phủ mới của Myanmar phải có chiến lược đa dạng trong quan hệ kinh tế với các nước lớn, tránh lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc trong mối quan hệ bất tương xứng nếu như muốn hội nhập và phát triển đất nước.
  6. 422 NGUYỄN VĂN TUẤN - Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Myanmar chịu tác động của các cuộc chiến tranh sắc tộc. Myanmar là một quốc gia đa dân tộc với 8 chủng tộc lớn và 135 sắc tộc khác nhau. Vấn đề sắc tộc luôn là vấn đề gay cấn đối với chính quyền Myanmar trong quan hệ với các nước. Hầu hết các lực lượng nổi dậy chống chính phủ đều tập trung chủ yếu ở khu vực biên giới giáp với Trung Quốc. Trung Quốc luôn sử dụng chính sách hai mặt trong quan hệ với Chính phủ Myanmar và các nhóm nổi dậy UWSA, MNDAA, KIA. Những cuộc xung đột căng thẳng và kéo dài dọc biên giới luôn làm cho Trung Quốc cảm thấy lo lắng. Thứ nhất, giao tranh sẽ cản trở nghiêm trọng thương mại song phương Trung Quốc - Myanmar mà phần lớn là thương mại dọc khu vực biên giới, đồng thời ảnh hưởng đến phát triển kinh tế ở các tỉnh Tây Nam Trung Quốc; Thứ hai, xung đột sẽ gây ra tình trạng tị nạn tràn vào Trung Quốc mà Bắc Kinh buộc phải cung cấp viện trợ nhân đạo như hỗ trợ chỗ ở, lương thực cho nhóm người này; Thứ ba, việc xây dựng các đường ống dẫn dầu và khí đốt Kyaukphyu - Côn Minh mà Trung Quốc xem là dự án chiến lược có thể bị đình trệ vì lộ trình các đường ống này đi qua gần khu vực biên giới mà Wa kiểm soát; Thứ tư, người Wa sẽ tìm cách thúc đẩy sản xuất ma túy để có nguồn tài chính cho cuộc chiến với Tatmadaw mà như vậy sẽ làm tăng tình trạng nghiện ngập ở Trung Quốc. Với nhiều lợi ích bị đe dọa như vậy, Trung Quốc đang vội vã đứng đằng sau hội trường làm trung gian cho một thỏa thuận giữa chính quyền quân sự Myanmar với các lực lượng nổi dậy. Do đó, hợp tác kinh tế Trung Quốc - Myanmar phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định an ninh biên giới. - Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Myanmar chịu tác động thường xuyên của nhân tố Ấn Độ. Với vị trí địa chiến lược quan trọng, Myanmar đã trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Khi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng của họ tại Myanmar, Ấn Độ lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng Myanmar như một điểm chiến lược để kiềm chế, tạo thành “chiến lược bao vây” chống lại Ấn Độ. Vì vậy, trong suốt quá trình diễn ra mối quan hệ Trung Quốc - Myanmar, luôn có sự hiện diện của Ấn Độ. Mọi động thái của Trung Quốc đối với chính quyền Myanmar được phía Ấn Độ xem xét và đánh giá. Chính phủ Ấn Độ cố gắng tìm kiếm những mối quan hệ chặt chẽ hơn với chính quyền quân sự Yangon để chống lại những ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Trên cơ sở đó, Ấn Độ đã kéo dài sự trợ giúp của mình tại các dự án xây dựng đường quốc lộ, phát triển tuyến đường sắt Yangon-Mandalay và xây dựng tuyến đường cáp quang nối Mandalay với Moreh tại bang Manipur. Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy nhanh hoạt động khai thác nguồn năng lượng của Myanmar, các công ty dầu mỏ thuộc khu vực tư nhân và nhà nước Ấn Độ đã vạch ra kế hoạch nhằm tiến hành khai thác dầu mỏ và khí đốt của nước này. Do đó, có thể khẳng định: quan hệ Trung Quốc - Myanmar là một quan hệ mang tính truyền thống và lâu đời. Song Ấn Độ cũng đang được xem là một đối trọng với Trung Quốc ở khu vực này. 3.2. Tác động - Đối với Trung Quốc và Myanmar: Về phía Trung Quốc, Myanmar là thị trường truyền thống của Trung Quốc, nơi đây không chỉ cung cấp các nguồn nguyên nhiên liệu cần thiết cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc mà còn thông qua Myanmar, Trung Quốc sẽ đạt được mục đích cho chiến lược “đại khai phát miền Tây”, chính sách “hai đại dương”, cũng như chính sách “hướng nam” của mình. Quan hệ kinh tế với Myanmar sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc bổ sung một nguồn ngoại tệ lớn thông qua xuất khẩu. Khi đường ống dẫn khí Trung Quốc - Myanmar đi vào hoạt động vào năm 2013, Myanmar sẽ cung cấp 10 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc mỗi năm. Bên cạnh đó, quan hệ với Myanmar sẽ tạo điều kiện để nâng cao vị thế và vai trò của Trung Quốc trong khu vực. Ngoài
  7. ĐẶC ĐIỂM VÀ TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ KINH TẾ TRUNG QUỐC – MYANMAR... 423 ra, nó còn góp phần tạo môi trường hợp tác mới cho các doanh nghiệp cũng như tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động Trung Quốc tại Myanmar. Về phía Myanmar, từ các dự án hợp tác kinh tế với Trung Quốc, Myanmar sẽ được hưởng các lợi ích kinh tế lớn. Thứ nhất, giúp Myanmar đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Thái Lan. Thứ hai, giúp Myanmar tăng thu ngoại tệ và làm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt sẽ tạo ra thu nhập lớn về tài chính để Myanmar bù đắp những thâm hụt này. Thứ ba, tạo nên môi trường đầu tư hấp dẫn giúp Myanmar thu hút FDI từ bên ngoài. Đồng thời tạo điều kiện để người dân Myanmar được hưởng các dự án phúc lợi xã hội và lợi ích công cộng từ các công ty của Trung Quốc. Bên cạnh những tác động tích cực, quan hệ kinh tế Trung Quốc - Myanmar cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề thách thức, gay cấn đối với Myanmar. Từ sau khi được quyền hoạt động trên lãnh thổ Myanmar, doanh nhân và dân di cư Trung Quốc đã ồ ạt vào các thị trấn và thành phố của Myanmar để xây nhà, lập phố, tạo dựng cơ sở làm ăn. Hiện, người Trung Quốc đã chiếm khoảng 30-40% số dân thành phố Mandalay, tức gần bằng số người Myanmar tại đây. Phần lớn nhiều người Myanmar có cảm giác như họ bị đẩy ra khỏi chính mảnh đất của mình và họ cho rằng “sau 100 năm bị thực dân Anh đô hộ, chúng tôi còn có nhiều thứ, nhưng sau 20 năm trải qua sự lũng đoạn của Trung Quốc, chúng tôi chẳng có gì” [6, 10]. Về việc làm, các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ tuyển công nhân Trung Quốc vào làm việc ở những công trường, còn người địa phương chỉ được tuyển dụng vào những công việc không chuyên môn và những công việc ngắn hạn. Thêm vào đó, do các công ty Myanmar không thể cạnh tranh, doanh nhân Trung Quốc đã gần như độc quyền trong các ngành xây dựng và kinh doanh địa ốc. Điều này đã gây ra nạn đầu cơ, làm cho giá cả hàng hóa, xăng dầu và nhà đất tăng mạnh, khiến cho các sư sãi phải xuống đường chống đối vào năm 2007. Về môi trường, những dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt, đập thủy điện, khai thác mỏ đã làm ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân khi mà hàng nghìn người phải di chuyển từ vùng này sang các vùng khác. Tất cả những mặt trái đó đã tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân Myanmar, đòi hỏi giới cầm quyền Myanmar phải có những quyết sách đúng đắn cho chiến lược quốc gia, nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực để đưa đất vào con đường hội nhập và phát triển. - Đối với quốc tế và khu vực: Trong những năm 90 của thế kỷ XX, khi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Myanmar trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự thì các nước ASEAN đã bắt đầu có sự dè chừng đối với Trung Quốc. Bước sang thế kỷ XXI, cùng với chính sách “ngoại giao láng giềng” và chiến lược “đi ra bên ngoài”, các dự án hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và Myanmar đã tạo điều kiện để thúc đẩy sự hợp tác dầu mỏ và khí đốt với các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống mạng lưới giao thông nối liền Myanmar với Trung Quốc, Myanmar với các nước trong khu vực còn tạo điều kiện để gia tăng con đường liên kết kinh tế khu vực và đồng thời cũng tạo ra một thị trường rộng lớn cho hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc thâm nhập vào Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguy cơ biến các nước này trở thành thị trường khai thác nhiều mặt của Trung Quốc. Mặt khác, sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc cùng với chiến lược “chuỗi ngọc trai”, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ quan hệ kinh tế Trung Quốc - Myanmar còn tác động rất lớn đến chính sách “hướng đông” của Ấn Độ, chiến lược “xoay trục châu Á” của Mỹ, buộc các cường quốc phải gia tăng vị thế và vai trò ở khu vực nếu không muốn mất đi những lợi ích to lớn của mình tại khu vực này.
  8. 424 NGUYỄN VĂN TUẤN 4. KẾT LUẬN Trung Quốc và Myanmar không chỉ là những nước láng giềng mà còn là đối tác trong mối quan hệ đặc biệt do những tác động địa chiến lược, địa kinh tế, lịch sử mang lại. Hợp tác kinh tế giữa hai nước đã trải qua một thời kỳ lịch sử lâu dài với đặc tính bổ sung lẫn nhau mạnh mẽ. Trên cơ sở của sự phát triển quan hệ chính trị - ngoại giao, trong thập niên đầu thế kỷ XXI, quan hệ kinh tế Trung Quốc - Myanmar tiếp tục được đẩy mạnh với phạm vi hợp tác theo chiều sâu trên nhiều lĩnh vực. Với vai trò một nền kinh tế lớn đang trỗi dậy và nhằm đạt được những mục đích về kinh tế cũng như chính trị trong quan hệ với Myanmar, Trung Quốc vẫn tiếp tục cung cấp, hỗ trợ tài chính và viện trợ kinh tế cho Myanmar trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông nghiệp, công nhiệp, xây dựng, thủy điện, giao thông… Hợp tác kinh tế và đầu tư song phương giữa Trung Quốc và Myanmar, trên thực tế, đã hình thành một cục diện hợp tác đa tầng cấp, đa lĩnh vực và đa hình thức. Do đó, thành tựu của quan hệ kinh tế Trung Quốc - Myanmar thực sự mang lại lợi ích cho cả hai nước. Tuy nhiên, với quy mô và địa vị bất lợi so với Trung Quốc, ảnh hưởng của quá trình này đối với Myanmar là rất lớn và Myanmar đang tìm mọi biện pháp để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế đối ngoại với Ấn Độ, ASEAN, EU và Nhật Bản… Dưới tác động của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, đặc biệt là tác động của các yếu tố kinh tế, mặc dù trong thực tế, Myanmar luôn chịu thâm hụt thương mại với Trung Quốc và dù trong xu hướng phát triển tương lai, Myanmar đã có sự điều chỉnh mới về chiến lược, mối quan hệ này vẫn có cơ sở để phát triển bởi Myanmar luôn cần sự giúp đỡ của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc luôn cần đến Myanmar như là điểm nâng đỡ chiến lược cho mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của quốc gia này ở khu vực và trên thế giới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Geng, Lixin (2007). “Sino-Myanmar Relations: Analysis and Prospects”, Culture Mandala: The Bulletin of the Centre for East-West Cultural and Economic Studies, Vol. 7, Iss. 2, Article 1. [2] Kuppuswamy (2011). Sino-Myanmar Relations and Its Impact on the Region, http://southasiaannalysis.org. [3] Kyaw Min Htun, “ASEAN-China trade relations: Myanmar perspectives” in: “ASEAN- China trade relations 15 years of development and prospects”, Vietnam academy of social sciences centre for ASEAN and China studies, 2006, p. 181, 182-183. [4] Maung Aung Myoe (2007). “Sino-Myanmar economic relations since 1988”, Asia Research Institute, working paper Series, No.86, National University Singapore, p.12, 15. [5] Shihong Bi (2013). “The Economic Relations of Myanmar-China”, www.ide.go.jp/English/Publish/Download/Brc/pdf/13_08.pdf. [6] Tea Billy (2010). China and Myanmar: Strategic interests, Strategics and the Road ahead, Institute of peace and conflict studies (IPCS), New Delhi, India, p.10. [7] Thông tấn xã Việt Nam (2005). “Trung Quốc và Myanmar tăng cường hợp tác song phương”, Tin thế giới, ngày 28/7/2005. [8] Thông tấn xã Việt Nam (2006). “Myanmar tìm cách thoát khỏi tình trạng cô lập”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 9/11/2006, trang 18-19. [9] Toshihiro Kudo, Myanmar’s economic relations with China: who benefits and who pays? http://press.anu.edu.au//myanmar02/mobile_devices/ch06.html. [10] Zhao Hong (2013). “The China-Myanmar Energy Pipelines: Risks and Benefits”, Researchers at Singapore’s Institute of SouthEast ASIAN Studies Share Their Understanding of current events,ISSN 2335-6677, p.5.
  9. ĐẶC ĐIỂM VÀ TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ KINH TẾ TRUNG QUỐC – MYANMAR... 425 Title: CHARACTERISTICS AND IMPACTS OF ECONOMIC RELATIONS BETWEEN CHINA AND MYANMAR IN THE FIRST DECADE OF THE TWENTY-FIRST CENTURY Abstract: In the early of the twenty-first century, under the impact of various factors, international economic relations continue to have profound changes, economy becomes the key point in the international relations. On the basis of the traditional relations, economic relations between China and Myanmar continue to develop and get significant achievements in the field of commerce and investment. The achievements of this relationship were really beneficial for both countries and simultaneously have a great impact on the process of regional economic integration. The results also affect the strategic adjustment of a large number of countries have an interest in this area. This article aims to study the fundamental achievements in economic relations between China and Myanmar, which evaluate the characteristics and impacts of this relationship not only for both countries but also for the region. Keywords: China, Myanmar, economic relationship, characteristics. NGUYỄN VĂN TUẤN Học viên Cao học, chuyên ngành Lịch sử Thế giới, khóa 21 (2012-2014), Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0985 770 874, Email: anhtuansps@gmail.com
nguon tai.lieu . vn