Xem mẫu

  1. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH DI DÂN ĐẾN LÂM ĐỒNG TỪ NĂM 1975 ĐẾN NĂM 1995 Nguyễn Thị Hà Gianga* a Khoa Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam *Tác giả liên hệ: Email: giangnth@dlu.edu.vn Tóm tắt Sau ngày miền Nam giải phóng, cùng với chủ trương phân bổ lực lượng lao động từ những vùng đông dân đến Tây Nguyên, Lâm Đồng đã thu hút một số lượng lớn cư dân từ nơi khác đến sinh sống và làm việc. Từ năm 1975 đến năm 1995, do nhu cầu của cuộc sống, dân di cư vào Tây Nguyên và Lâm Đồng tăng mạnh. Dân nhập cư là thành phần cơ bản của cộng đồng cư dân tỉnh Lâm Đồng. Mục tiêu của bài viết là khái quát tình hình di dân đến Lâm Đồng qua hai giai đoạn 1975 – 1985, 1986 – 1995. Để đạt được mục tiêu đề ra, phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện dựa trên cơ sở các nguồn tài liệu lưu trữ về Lâm Đồng. Từ khóa: Di dân; di dân tự do; Lâm Đồng. 256
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 THE CHARACTERISTICS OF MIGRATION TO LAM DONG PROVINCE FROM 1975 TỔ CHỨC 1995 Nguyen Thi Ha Gianga* a Faculty of History, Dalat University, Lamdong, Vietnam * Corresponding author: Email: giangnth_ls@dlu.edu.vn Abstract After the liberation in the South of Vietnam, together with the policy of distributing labor force from the populous areas to the Central Highlands, Lamdong province has attracted many residents from other places to live and work. From 1975 to 1995 due to the needs of life, the migrants to the Central Highlands and Lamdong province has been a sharp increase. The immigrants are basic components of Lamdong community. The objective of the article is to generalize the situation of migration to Lamdong through two periods: 1976 – 1985, 1986 – 1995. To achieve this goal, the qualitative research methodology was implemented on the basis of Lamdong archives. Keywords: migration, free migration, Lamdong. 257
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Lâm Đồng là một tỉnh nằm phía Nam Tây Nguyên có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng cả chính trị, quân sự và kinh tế. Từ sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước chủ trương đưa một bộ phận dân cư ở các tỉnh đồng bằng đông dân vào Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng để hướng tới mục tiêu phân bổ lại lực lượng lao động trong cả nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn chiến lược này. Điều này đã làm dân số Lâm Đồng tăng nhanh và kinh tế, xã hội Lâm Đồng có những thay đổi quan trọng. Từ năm 1975 đến những năm cuối của thế kỷ XX, do nhu cầu của cuộc sống, các luồng di dân, đặc biệt là di dân tự do vào Tây Nguyên và Lâm Đồng tăng mạnh. Quá trình gia nhập cộng đồng dân cư của các luồng di dân tự do đã trở thành một đặc trưng trong quá trình phát triển của tỉnh Lâm Đồng. Việc di dân một cách ồ ạt này đã tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa Lâm Đồng. 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 2.1. Lý thuyết về di dân Di cư và di dân là hiện tượng phổ biến trên thế giới, gắn liền với quá trình phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, quốc gia. Di dân gồm hai loại hình: di dân theo kế hoạch và di dân tự do. Di dân tự do được hiểu là sự di chuyển địa bàn cư trú của cá nhân hay một nhóm người không theo kế hoạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Ngày nay, đã có nhiều các lý thuyết nghiên cứu về hiện tượng di dân. Để thực hiện bài viết, chúng tôi sử dụng lý thuyết lực hút và lực đẩy của Everett. S. Lee làm cơ sở lý thuyết cho nghiên cứu tình hình di dân tự do đến Lâm Đồng. Có nhiều yếu tố tác động dẫn đến sự di chuyển của dân cư như khí hậu, địa hình, đất đai, tài nguyên… Sự thuận lợi hay khó khăn của các yếu tố này ở các vùng sẽ tạo nên “lực hút” hay “lực đẩy” của mỗi vùng mà có ảnh hưởng tới sự chuyển đến hay ra đi của dân cư. Lý thuyết lực hút và lực đẩy đã đưa ra quy luật chung của di dân là dân cư sẽ di chuyển từ nơi có đời sống thấp đến nơi có đời sống cao hơn, từ vùng có điều kiện tự nhiên kém thuận lợi đến vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn. 2.2. Tình hình nghiên cứu về di dân ở Lâm Đồng Vùng đất Lâm Đồng thực sự được biết đến và xây dựng cùng với những chuyến khảo sát của người Pháp từ cuối thế kỷ XX. Với các dự án xây dựng Đà Lạt – Lâm Đồng thành thành phố nghỉ dưỡng, đã thu hút được nhiều luồng di dân từ mọi miền tổ quốc đến Lâm Đồng sinh sống. Thành phần di dân giai đoạn này chủ yếu là người Kinh. Luồng di dân khác, trong đó có thành phần là các tộc người Thái, Mường, Hmông, Tày, Nùng… chỉ bắt đầu di cư đến vùng đất này từ sau 1954, đặc biệt nhiều hơn từ năm 1976. 258
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 Vấn đề di dân đến Lâm Đồng được nhắc tới trong công trình nghiên cứu Những vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng do Mạc Đường chủ biên (1983). Trong cuốn này, tác giả đã đề cập tới cuộc di dân của các dân tộc ở trung du miền núi phía Bắc vào Lâm Đồng sau Hiệp định Geneve năm 1954. Cuốn Những kết quả nghiên cứu kinh tế - xã hội Lâm Đồng của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng (1989) đã đề cập đến nhiều vấn đề của lĩnh vực kinh tế và xã hội của tỉnh theo Chương trình 48C. Trong đó, vấn đề di dân đã được trình bày dưới dạng một kết quả nghiên cứu về việc tiếp nhận dân di cư và phân bố lao động – dân cư phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Cuốn Địa chí Lâm Đồng của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, trong phần dân cư – xã hội, đã đề cập đến nguồn gốc người Kinh và những dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào đây gồm các dân tộc chính là Nùng, Tày, Thổ, Thái, Mường. Tuy nhiên, phần đề cập này chỉ mang tính chất khái quát. Đáng chú ý trong lĩnh vực nghiên cứu di dân ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung, đặc biệt là di dân là dân tộc thiểu số có cuốn Di cư của người dân tộc thiểu số đến Tây Nguyên từ năm 1975 đến năm 2015 của Nguyễn Duy Thụy xuất bản tại Nxb. Khoa học xã hội năm 2016. Đề tài đã tìm hiểu thực trạng di dân của người dân tộc thiểu số đến Tây Nguyên từ năm 1975 đến năm 2015, đồng thời đề cập đến vai trò của cộng đồng di cư đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tây nguyên cũng như những hệ lụy của di dân tự do đới với Tây Nguyên và đề xuất những giải pháp giúp việc hoạch định chính sách về di dân theo hướng phát triển bền vững. Vấn đề di cư của các dân tộc thiểu số đến Lâm Đồng cũng được tác giả Ngô Xuân Trường đề cập đến trong Luận án Tiến sĩ ngành Lịch sử “Đảng bộ Lâm Đồng lãnh đạo thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (1975 – 1995)” bảo vệ năm 2000 tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong luận án, tác giả đã trình bày về vấn đề di cư của các đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc đến Lâm Đồng như là một bộ phận của chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số cũng như hiệu quả của chính sách này đối với bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số di cư của Đảng bộ Lâm Đồng trong giai đoạn 1975 – 1995. Như vậy, chưa có một công trình nào đề cập một cách đầy đủ đến di cư tự do qua các mốc thời gian cũng như tác động tích cực và tiêu cực của vấn đề di cư tự do đến nơi nhập cư cụ thể là tỉnh Lâm Đồng. Đây là một vấn đề còn thiếu sót đòi hỏi phải được nghiên cứu, luận giải một cách thỏa đáng. Nhưng những nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước về các vấn đề nêu trên là tài liệu tham khảo quan trọng cho việc nghiên cứu đề tài. 259
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trong bài viết này, để đạt được mục tiêu đặt ra, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử và logic trên cơ sở các tài liệu được lưu trữ tại trung tâm lưu trữ Quốc gia IV, Chi cục văn thư lưu trữ thuộc sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng, cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng. Những hồ sơ và tài liệu gốc đó là cơ sở quan trọng để đề tài phác họa bức tranh toàn cảnh tình hình di cư tự do ở Lâm Đồng qua giai đoạn lịch sử từ năm 1975 đến năm 1995. Đây là cơ sở quan trọng trong việc rút ra những đặc trưng của của luồng di dân tự do đến Lâm Đồng qua mỗi thời kỳ. 4. KẾT QUẢ 4.1. Khái quát tình hình di dân ở Lâm Đồng trước năm 1975 Lâm Đồng là một vùng đất trẻ được hình thành và phát triển vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX cùng với kế hoạch xây dựng thành phố Đà Lạt của người Pháp. Bắt đầu từ đây, Lâm Đồng trở thành nơi quy tụ của các luồng di dân thuộc các địa phương khác nhau trong cả nước đến lập nghiệp trong nhiều hoàn cảnh và thời điểm lịch sử khác nhau. Đợt di dân lớn thứ nhất bắt đầu khi Toàn quyền Pháp có chủ trương xây dựng Đà Lạt làm đô thị nghỉ dưỡng và thành lập đơn vị hành chính tỉnh Đồng Nai Thượng (1899) đến trước năm 1945. Thành phần chủ yếu của luồng di dân này là người Kinh nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho công việc kiến thiết, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai khẩn các đồn điền trồng chè, rau hoa phục vụ tại chỗ và bán ra thị trường. Một bộ phận lớn của di dân trong đợt này là cư dân các tỉnh Nghệ Tĩnh, Hà Đông với hình thức di chuyển do nhà nước tổ chức. Còn lại chủ yếu là người lao động có nguồn gốc từ các tỉnh miền Trung vào tìm kiếm cơ hội việc làm, lúc đầu mang tính thời vụ, sau là định cư lập nghiệp lâu dài ở Lâm Đồng. Vùng tập trung người Kinh ở Lâm Đồng đến năm 1945 là vùng Đà Lạt- Dran (Đơn Dương). Ngoài ra, còn rải rác ở Bảo Lộc, Di Linh ven quốc lộ 20, ven quốc lộ 18 đi Đắk Lắk (La Bá, Phú Sơn,... Từ năm 1945 - 1954, luồng di dân đến Lâm Đồng bị hạn chế. Từ năm 1954 đến 1975 là đợt di dân lớn thứ hai. Trong những năm đầu của giai đoạn này, một đợt di dân diễn ra ồ ạt, chủ yếu là người có nguồn gốc ở các tỉnh phía Bắc như: Nam Định, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn,... được chính quyền Việt Nam cộng hòa tổ chức di dân tập thể. Phần lớn trong số đó là tín đồ Thiên chúa giáo và gia đình quân nhân. Ở Lâm Đồng, họ đến ở những địa bàn được chuẩn bị trước. Chính vì vậy, đã hình thành nên những vùng tập trung người Kinh mới, như Thanh Bình (Đức Trọng), Kim Phát (Bảo Lộc) và vùng người dân tộc miền núi phía Bắc ở Đức Trọng (Nam Sơn, Tùng Nghĩa). Trong các năm tiếp theo, do nhu cầu khai thác gỗ cơ giới qui mô lớn, khai hoang mở vùng mới trồng chè, cà phê đi đôi với mở đường, xây dựng cơ sở nghỉ dưỡng, các cơ sở hạ tầng khác... đã tạo ra lực hút mạnh lao động khắp miền Nam. Di dân đến Lâm Đồng trong giai đoạn này là di dân tự do, chủ yếu là cư dân ven biển miền Trung từ vĩ tuyến 17 trở vào. 260
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 Như vậy, từ khi Lâm Đồng được người Pháp đặt vấn đề khai thác vào cuối thế kỷ XIX, các luồng di dân tự do đã đến vùng đất này trong các thời kỳ khác nhau của lịch sử với các đặc trưng riêng. Chính những đợt di dân này, đặc biệt là đợt di dân sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, gắn với chương trình bố trí lại dân cư, lao động và phát triển các vùng kinh tế mới của Nhà nước, đã tác động không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng. 4.2. Tình hình di dân đến Lâm Đồng từ năm 1975 đến năm 1995 4.2.1. Giai đoạn 1975 - 1985 Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, song Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Sản xuất nông nghiệp chậm phát triển, lương thực không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, một số tỉnh miền Bắc đứng trước nguy cơ đói kém mỗi khi mất mùa. Trong khi đó, ở miền Nam – chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, diện tích đất hoang hóa chưa sử dụng còn nhiều, tiềm năng sản xuất lúa khá lớn. Trước tình hình này, Đảng và Nhà nước đã chủ trương điều động lao động, phân bổ lại dân cư từ những vùng tập trung đông dân số vào các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nhằm đẩy nhanh tốc độ khai hoang tăng cường diện tích nông nghiệp và sản lượng lương thực. Lâm Đồng là một tỉnh nằm trên địa bàn nam Tây Nguyên, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, đất đai. Đây là một trong những địa bàn nằm trong chiến lược điều chỉnh lao động, dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Từ chủ trương đó, hàng năm, tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận một số lượng lớn người chuyển cư tới để xây dựng các vùng kinh tế mới. Tháng 12/1975, 10.000 dân của tỉnh Quảng Ngãi chuyển cư đến Lâm Đồng, thành lập xã Lộc Ngãi và các thôn Sơn Tịnh, Bình Sơn ở Bảo Lộc (BCH Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, 2010, tr.41). Năm 1976, có 3.000 lao động của Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình vào xây dựng kinh tế mới ở Nam Ban (Đức Trọng) và vùng Ba (Bảo Lộc) (BCH Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, 2010, tr.49). Trong giai đoạn 1976 – 1978, số người ngoại tỉnh nhập cư đến Lâm Đồng là 16.846 người (Ủy ban KHXH Việt Nam, 1989, 213). Trong đó, thành phần cơ bản chuyển cư tới là người Kinh. Điều này đã làm cho số lượng người Kinh ở Lâm Đồng tăng lên 26.989 người vào năm 1979. Ngoài 3 dân tộc tại chỗ là Cơ ho, Mạ, Chu ru, sự biến động dân số đáng kể của Lâm Đồng giai đoạn này còn là sự gia tăng của các tộc người thiểu số phía Bắc như: Nùng, Tày, Thái. Năm 1979, số lượng người Nùng ở Lâm Đồng là 5.750 người, người Tày là 4.479 người, người Thái có 2.887 người (Trần Sỹ Thứ, 1992, tr.62-63). Từ năm 1979 đến 1985, với mục tiêu tiếp nhận và phân bố lại lao động theo mục tiêu kinh tế có trọng điểm, dân nhập cư vào Lâm Đồng phân bố chủ yếu ở các vùng chuyên canh như: vùng chuyên canh cây lương thực – chủ yếu ở Cát Tiên, Đạ Tẻh, vùng cây lương thực và cây công nghiệp – trọng điểm ở Đạ Huoai với cây lương thực là chính; vùng cây công nghiệp và cây lương thực, trọng điểm là vùng nam Di Linh với cây công nghiệp là chính; vùng lâm nghiệp và cây lương thực, trọng điểm ở huyện Lạc Dương, lấy 261
  7. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 nghề rừng làm chính. Năm 1983, có 1.372 hộ với 6.534 người từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thứa Thiên Huế, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tây, Hòa Bình (BCH Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, 2010, tr.112). Năm 1984, có 2.231 hộ với 9.737 người, 4.558 lao động đã chuyển cư đến Lâm Đồng để xây dựng vùng kinh tế mới (BCH Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, 2010, tr.120). Số dân nhập cư ngoại tỉnh vào Lâm Đồng thời kỳ này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở khu kinh tế mới. Ngoài ra còn làm một số nghề để sinh sống như: làm thuê, buôn bán, khai thác lâm sản. Đây là đợt di dân có quy mô lớn với những diễn biến và tính chất phức tạp. Trong những năm đầu, cùng với chính sách phân bổ lực lượng lao động đến Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới, đây là cuộc di dân lớn, trật tự và có tổ chức. Người dân đến Lâm Đồng chủ yếu là người Hà Nội, định cư tập trung ở huyện Lâm Hà. Những di dân từ các tỉnh Hà Đông, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế sinh sống tập trung tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Người Hà Nam, Nam Định vào vùng Đinh Trang Thượng, Đinh Trang Hòa của huyện Di Linh. Sự gia tăng đột ngột của dân số Lâm Đồng chủ yếu là gia tăng cơ học do chính sách xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng. Kéo theo luồng di dân theo kế hoạch của Nhà nước này là luồng di dân tự do. Ban đầu, luồng di dân tự do này diễn ra khá khiêm tốn so với luồng di dân có tổ chức. Tuy nhiên, khi chính sách xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng kết thúc, đặc biệt là khi huyện Lâm Hà được thành lập (1987) đánh dấu chấm dứt quá trình di dân có tổ chức, mà thay vào đó là sự nổi lên của các dòng di dân tự phát, đặc biệt trở nên mạnh mẽ từ sau năm 1986. 4.2.2. Giai đoạn 1986 – 1995 Từ sau năm 1986, những đổi mới trong quản lý chính sách kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã tạo ra sự thay đổi căn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tự do phát triển kinh tế, di chuyển qua lại giữa các vùng. Từ đây, cùng với sự chuyển mình của đất nước theo con đường đổi mới, tỉnh Lâm Đồng cũng có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Với sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành trồng cà phê ở Tây Nguyên vào những năm 1990, đã tạo nên sức hút một lượng dân từ khắp các vùng trên cả nước di chuyển về Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng. Trong giai đoạn này, dòng người chuyển cư tự do đến Lâm Đồng tăng nhanh, chỉ trong 6 tháng đầu năm 1988, đã có 3.043 người di cư tự do tới (Ủy ban KHXH Việt Nam, 1989, tr.227). Họ đến các vùng đất hoang ở các huyện Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Lâm Hà với mục đích khai hoang, kiếm sống. Năm 1989, dân số Lâm Đồng là 639.224, tăng gấp 2 lần so với năm 1979 (dân số năm 2979 là 388.256 người) (Trần Sỹ Thứ, 1992, tr.62- 63). Đến năm 1995, dân số Lâm Đồng là 836.335 người. Sự tăng nhanh dân số của Lâm Đồng thời kỳ này vẫn là gia tăng cơ học do dòng người nhập cư ngoại tỉnh. Nếu trong giai đoạn trước, dòng người di cư đến Lâm Đồng chủ yếu là dòng di dân có kế hoạch thì giai đoạn này dòng người chuyển cư đến Lâm Đồng lại mang tính chất tự phát. Tình hình di cư tự do đến Lâm Đồng từ năm 1990 đến năm 1995 được thể hiện qua Bảng 2.1. 262
  8. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 Bảng 2.5. Di cư tự do đến tỉnh Lâm Đồng từ 1990 – 1995 (Đơn vị tính: Hộ) TT Các huyện Tổng cộng 1990 1991 1992 1993 1994 1995 Toàn tỉnh 31.544 3.840 5.824 4.316 4.982 5.513 6.763 1 Cát Tiên 3.834 617 796 897 329 508 587 2 Đạ Tẻh 23.760 353 399 286 140 590 962 3 Đạ Hoai 1.858 202 339 270 237 494 316 4 Bảo Lâm 3.123 510 580 696 536 358 502 5 Bảo Lộc 5.630 924 1.050 1.260 963 501 927 6 Di Linh 5.028 126 1.574 174 1.012 868 1.301 7 Đức Trọng 3.375 376 488 632 730 1.189 8 Lâm Hà 5.343 785 680 764 1.002 1.372 740 9 Lạc Dương 564 126 30 48 126 95 139 Nguồn: Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, (1997), tr.16 Như vậy, trong giai đoạn này, tình trạng di cư tự do đến Lâm Đồng một cách ồ ạt. Số lượng dân di cư tự do chủ yếu đến ở các địa phương mới thành lập, đặc biệt là các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lâm và Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Cát Tiên,… và tăng dần qua các năm. Đây là những vùng còn nhiều tiềm năng về đất đai để khai phá và sản xuất, cũng như có nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nguồn xuất cư của dân di cư tự do đến Lâm Đồng giai đoạn này được thể hiện qua bảng 2.2. Các luồng di cư tự do đến Lâm Đồng trong giai đoạn này có nguồn gốc xuất cư từ các tỉnh Cao Bằng (6.043 hộ), Thanh Hóa (2.621 hộ), Lạng Sơn (2.600 hộ), Quảng Ngãi (2.258 hộ), Nghệ An (2.093 hộ), Hà Tĩnh (1.639 hộ), Hà Nội (1.511 hộ), Hà Tây (1.369 hộ),… Trong số đó, di dân tự do là người dân tộc thiểu số chiếm khối lượng đáng kể là các dân tộc Tày, Nùng, Dao chủ yếu đến từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Đây chính là đặc điểm của luồng dân di cư tự phát trong giai đoạn này. Việc lựa chọn địa bàn nhập cư của họ là theo kinh nghiệm và tập quán quản lý sản xuất nông, lâm nghiệp truyền thống thường là những địa bàn cư trú giữa rừng, vùng sâu, xa với lý do chính là có rừng để chặt phá lấy gỗ, lấy đất làm nương rẫy với độ phì nhiêu tự nhiên đặc biệt tốt, có nhiều thú săn bắt và để tránh phát hiện, kiểm soát của chính quyền và các cơ quan chức năng. 263
  9. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 Bảng 2.2. Nguồn gốc xuất cư và địa bàn đến của di dân tự do đến tỉnh Lâm Đồng từ 1990 đến 1995 (Đơn vị tính: Hộ) Địa bàn đến các huyện trong tỉnh Tổng TT Địa phương đi Đạ Đạ Cát Di Đức TX Bảo Bảo Lâm Lạc số đến Huoai Tẻh Tiên Linh Trọng Lộc Lâm Hà Dương Toàn tỉnh 31.544 1.858 2.730 3.834 5.028 3.375 5.630 3182 5.343 564 1 Quảng Ngãi 2.258 635 99 353 356 678 83 54 2 Ninh Bình 809 221 204 263 121 3 Hà Tây 1.369 330 129 43 136 254 148 329 4 Thừa Thiên 561 134 174 63 135 55 Huế 5 QNĐN 782 89 373 129 191 6 Nam Hà 2.786 60 25 176 1.059 195 809 237 7 Hà Tĩnh 1.639 351 543 381 364 8 Thái Bình 1.511 251 231 833 196 9 Thanh Hóa 2.621 257 841 745 535 207 36 10 Hải Hưng 242 165 77 11 Bình Định 673 311 135 102 125 12 Đồng Nai 371 268 103 13 Vĩnh Phú 907 35 171 114 587 14 Nghệ An 2.093 51 250 310 862 456 164 15 Minh Hải 146 146 16 Cao Bằng 6.043 1.775 1.649 352 513 431 615 599 109 17 Lạng Sơn 2.600 199 747 297 451 83 409 317 97 18 Bắc Thái 1.101 50 452 138 89 167 205 19 Hà Bắc 240 37 122 81 20 Hà Nội 1.511 1.511 21 Quảng Bình 305 107 105 93 22 Các tỉnh 976 282 102 81 237 183 Nguồn: Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, (1997), tr.18 5. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT HƯỚNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO Chính làn sóng di cư đã làm cho cơ cấu và thành phần dân tộc ở Lâm Đồng biến đổi nhanh. Năm 1979, dân số Lâm Đồng có 388.256 người nhưng đến năm 1989 đã tăng lên gần gấp 2 là 639.224 người. Trong đó, số lượng người Kinh tăng đột biến từ 26.989 người (1979) lên 488.462 người (1989) (Trần Sỹ Thứ, 1992, tr.62-63), chủ yếu theo hình thức di cư có kế hoạch theo chủ trương phân bổ dân số và xây dựng vùng kinh tế mới của Nhà nước. Luồng di cư người Kinh đến Lâm Đồng tập trung chủ yếu trong giai đoạn 1976 264
  10. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 – 1986 và chuyển cư đến các vùng chuyên canh trọng điểm của địa phương. Chính sách xây dựng vùng kinh tế mới ở những vùng có nhiều tiềm năng của tỉnh đã trở thành tiền đề tạo nên sức hút của các luồng di dân tự phát đến đây từ sau năm 1986. Giai đoạn 1986 – 1995 đã chứng kiến sự chuyển cư ồ ạt đến Lâm Đồng của các luồng di dân tự phát. Trong đó, thành phần di dân tự do là người dân tộc thiểu số đến từ phía Bắc gia tăng và chiếm tỷ lệ đáng kể. Điều này đã tạo nên sự đa dạng cho thành phần dân tộc của tỉnh Lâm Đồng, tuy nhiên cũng mang lại nhiều vấn đề phức tạp đối với địa phương. Nghiên cứu này là kết quả bước đầu, mở ra định hướng cho kế hoạch nghiên cứu về luồng di dân tự do ở Lâm Đồng – một hiện tượng kinh tế - xã hội còn được nghiên cứu hạn chế trong lịch sử địa phương cho đến giai đoạn hiện nay. Từ nghiên cứu này, vấn đề tiếp tục đặt ra sự tiếp diễn của quá trình di dân tự do từ năm 1995 đến nay và sự tác động của cư dân nhập cư tới kinh tế, xã hội và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng trên cả phương diện tích cực và hạn chế. Những nghiên cứu này sẽ góp phần tham vấn cho các cơ quan chức năng trong việc chiến lược quản lý và phát triển dân cư vì sự phát triển trong tương lai của tỉnh Lâm Đồng. TÀI LIỆU TRÍCH DẪN Cục định canh định cư và vùng kinh tế mới. (2001). Di dân, kinh tế mới, định canh định cư – Lịch sử và truyền thống. Hà Nội: Nông nghiệp. Đinh, Q. H. (2013). Di dân, kinh tế mới, định canh định cư – Lịch sử và truyền thống. Khoa học xã hội Việt Nam, số 11, 66-74. Lee, E. S. (1966). A theory of migration. Demography, Vol 3 (1), 49-50. Mạc, Đ. (1983). Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng. Lâm Đồng: Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Lâm Đồng. Ngô, X. T. (2000). Đảng bộ Lâm Đồng lãnh đạo thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (1975 – 1995). Hà Nội: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Nguyễn, D. T. (2016). Di cư của người dân tộc thiểu số đến Tây Nguyên từ năm 1975 đến năm 2015,. Hà Nội: Khoa học xã hội. Nguyễn, H. T., Dương, N. T., Ngô, V. H., & Trịnh, K. T. (1997). Một số vấn đề về định canh định cư và phát triển nông thôn bền vững. Hà Nội: Nông nghiệp. Ravenstein, E. G. (1889). The Law of migration. Journal of the Royal Statistical Society, Vol 52, No.2, 241-305. Trần, S. T. (1992). Một số vấn đề về dân số Lâm Đồng. Lâm Đồng: Cục Thống kê Lâm Đồng. Ủy ban nhân dân huyện Đam Rông. (2014). Báo cáo Tình hình dân di cư tự do trên địa bàn huyện Đam Rông. Lâm Đồng. 265
  11. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC THƯỜNG NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. (1997). Báo cáo tình hình ổn định dân di cư tự do đến Lâm Đồng. Lâm Đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. (1997). Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện công tác phân bổ lao động dân cư kinh tế mới tỉnh Lâm Đồng 1976 – 1996 và định hướng phân bố lao động 1997 – 2000. Lâm Đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. (2001). Địa chí Lâm Đồng. Hà Nội: Văn hóa dân tộc. 266
nguon tai.lieu . vn