Xem mẫu

  1. ĐẶC ĐIỂM DINH DƯỠNG VÀ SINH SẢN CỦA LOÀI THẰN LẰN BÓNG ĐUÔI DÀI Eutropis longicaudata (Hallowell, 1856) Ở VÙNG NÚI VÀ TRUNG DU TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NGUYỄN THỊ TRƯỜNG THI Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị Tóm tắt: Chúng tôi nghiên cứu đặc điểm dinh dưỡng và sinh sản, mùa sinh sản của Eutropis longicaudata ở vùng núi và trung du tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thành phần thức ăn của E. longicaudata chủ yếu gồm: Bộ Cánh thẳng, Bộ Nhện, ấu trùng côn trùng. Mùa sinh sản của E. longicaudata là từ tháng 3 đến tháng 8. Chiều dài của tinh hoàn phải lớn hơn tinh hoàn trái, chiều rộng thì ngược lại, thể tích tinh hoàn trái lớn hơn tinh hoàn phải nhưng không đáng kể. Trong mùa sinh sản, mỗi cá thể có trung bình 5,05 ± 1,63 trứng. Mỗi lứa cá thể E. longicaudata đẻ từ 2 - 8 trứng. Từ khóa: dinh dưỡng, sinh sản, thằn lằn bóng đuôi dài, vùng núi, trung du, Thừa Thiên Huế 1. MỞ ĐẦU Các nghiên cứu về phân loại học của Bourret, (1937, 1939) [5], [6], Bobrov et al. (2008) [4] cho thấy Thằn lằn bóng đuôi dài E. longicaudata (Hallowell, 1856) (Scincidae, Squamata) (trước đây loài này được gọi là Mabuya longicaudata) là một trong 5 loài thằn lằn bóng hiện có ở Việt Nam. Đây là một trong những loài thằn lằn có vai trò nhất định trong các hệ sinh thái, tình trạng loài đang bị đe dọa do môi trường sống bị thu hẹp và biến đổi của khí hậu, có ý nghĩa về mặt bảo tồn đa dạng sinh học và đời sống. Tuy nhiên, các nghiên cứu về loài này chưa được nhiều, đặc biệt là các nghiên cứu về sinh thái học. Năm 2006, Huang công bố nghiên cứu về đặc điểm sinh thái của loài Thằn lằn bóng đuôi dài M. longicaudata trên vùng nhiệt đới phía đông đảo Đài Loan. Ông đã mô tả đặc điểm hình thái và sinh thái kể cả môi trường sống quen thuộc, chế độ ăn uống và giới tính M. longicaudata. Gần như 50% cá thể ông quan sát được trong hang có vách bê tông, ở đó có nhiệt độ cao hơn nơi khác. Thức ăn hàng ngày phần lớn là côn trùng bộ Cánh thẳng, bộ Cánh cứng và bộ Cánh nửa. Trung bình chiều dài thân của cá thể trưởng thành đực là 118,7 mm và cái là 113,5 mm [8]. Ở Việt Nam, Trương Tấn Mỹ, 2007 đã nghiên cứu về một số đặc điểm dinh dưỡng và sinh sản 3 loài Thằn lằn bóng giống Mabuya (M. longicaudata, M. multifasciata, M. macularia) ở Khánh Hoà [1]. Ngô Đắc Chứng, Lê Thắng Lợi, 2009 đã nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái của 2 loài thằn lằn bóng giống Mabuya Fitzinger, 1826 (M. longicaudata, M. multifasciata) ở Thừa Thiên Huế [2]. Đến năm 2013, Ngô Đắc Chứng, Trương Bá Phong đã nghiên cứu thành phần loài và đặc điểm sinh học của một số loài thuộc giống Thằn lằn bóng Eutropis Fitzinger, 1843 tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk [3]. Tuy nhiên, để đánh giá một cách đầy đủ các đặc điểm sinh thái học bằng các cách tiếp cận mới loài thằn lằn bóng đuôi dài E. longicaudata ở vùng núi và trung du Thừa Thiên Huế vẫn chưa được quan tâm. Vì vậy, nghiên cứu đặc điểm dinh dưỡng, sinh sản của loài Thằn lằn bóng đuôi dài E. longicaudata là rất cần thiết, góp phần bổ sung thêm những hiểu biết về bò sát ở nước ta, đồng thời làm cơ sở khoa học cho các biện pháp khai thác sử dụng, bảo vệ và phát triển hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sau Đại học lần thứ hai Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2014: tr. 223-230
  2. 224 NGUYỄN THỊ TRƯỜNG THI 2. ĐỊA ĐIỂM, THỜI GIAN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Thời gian nghiên cứu được tiến hành từ tháng 10/2013 đến tháng 8/2014. Tiến hành nghiên cứu tại 2 địa điểm khác nhau thuộc địa bàn huyện Nam Đông: xã Hương Sơn, xã Thượng Lộ và 3 địa điểm thuộc huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế: xã Hồng Vân, xã Sơn Thủy và xã Hương Lâm. Ngoài thực địa, thu mẫu kết hợp với phỏng vấn người dân địa phương. Thu mẫu liên tục trong vòng 11 tháng, mỗi tháng thu 20 - 30 cá thể ở tất cả các nhóm kích thước. Thu mẫu vào khoảng thời gian từ 8h - 16h. Sau khi thu, mẫu được chuyển ngay về phòng thí nghiệm Động vật học, Khoa sinh học, Trường Đại học Sư phạm Huế để phân tích. Đối với nghiên cứu dinh dưỡng sử dụng phương pháp rửa dạ dày kết hợp mổ mẫu vật. Tại phòng thí nghiệm mẫu vật được đo kích thước các đặc điểm hình thái bằng thước kỹ thuật điện tử (Công ty Mitutoyo, Kawasaki, Japan ) (độ chính xác 0,01 mm) là chiều dài thân (SVL), chiều dài đuôi (TL), chiều rộng miệng (MW). Cân trọng lượng cơ thể bằng cân điện tử (Prokits, Taipei, Taiwan) (độ chính xác ± 0,1 g). Tính thể tích (V) của thức ăn bằng cách sử dụng công thức tính thể tích, công thức này đã được áp dụng phổ biến trên thế giới hiện nay để đánh giá dinh dưỡng của loài (với π = 3,14159). Công thức này cũng được dùng để tính thể tích của tinh hoàn và buồng trứng [10]. Sử dụng chỉ số quan trọng tương đối (IRI) để xác định tầm quan trọng của mỗi loại thức ăn đối với mỗi loài Thằn lằn bóng. Công thức này được tính toán như sau: [9] 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Đặc điểm dinh dưỡng Tiến hành phân tích thành phần thức ăn có trong dạ dày của E. longicaudata trong 8 tháng (từ tháng 10/2013 đến tháng 5/2014), kết quả như sau: Đã phân tích thức ăn có trong 84 dạ dày (42 cá thể đực, 42 cá thể cái) của 106 cá thể (56 cá thể đực, 50 cá thể cái), trong đó tiến hành rửa 12 dạ dày của 14 cá thể (9 cá thể đực, 5 cá thể cái), tỷ lệ dạ dày rỗng là 20,75% (22 dạ dày). Số lượng dạ dày đã thu thập xấp xỉ bằng nhau giữa các mùa, 40 dạ dày trong mùa mưa (tháng 10/2013 đến tháng 1/2014) và 44 dạ dày trong mùa khô (tháng 2/2014 đến tháng 5/2014). Sai khác số lượng dạ dày giữa các mùa là không có ý nghĩa thống kê (ANOVA, F1,39 = 0,72; P = 0,402). Dựa vào tần số (F) xuất hiện mục con mồi trong mỗi dạ dày, thành phần thức ăn của E. longicaudata chủ yếu gồm: Bộ Cánh thẳng (Orthoptera) 20,00%; Bộ Nhện (Araneae) 18,67%; ấu trùng côn trùng 12,67%; Bộ Cánh màng (Hymenoptera) 8,00%. Ngoài các loại thức ăn phổ biến thuộc ngành Chân khớp: Lớp Côn trùng (Bộ Cánh thẳng, Bộ Cánh màng, Bộ Cánh đều, Bộ Cánh cứng, Bộ Cánh phấn và Lớp Hình nhện (nhện) còn có các loại thức ăn khác thuộc Ngành Giun đốt (giun đất). Bên cạnh đó, một số loại thức ăn khác đã được tiêu thụ bởi E. longicaudata thuộc Phân ngành Động vật có xương sống (Vertebrata), Lớp Bò sát (thạch sùng, thằn lằn bóng con).
  3. ĐẶC ĐIỂM DINH DƯỠNG VÀ SINH SẢN CỦA THẰN LẰN BÓNG ĐUÔI DÀI... 225 Con mồi có chỉ số quan trọng (IRI) càng cao chứng tỏ loại mồi đó càng quan trọng. IRI > 10% được xem là con mồi rất quan trọng trong thành phần thức ăn của chúng: Bộ Cánh thẳng, Bộ Nhện, ấu trùng côn trùng là những thức ăn quan trọng nhất đối với E. longicaudata (bảng 1, hình 1). Bảng 1. Thành phần thức ăn của E. longicaudata (n = 84 dạ dày) Tần số (F) Số lượng (N) Thể tích (V) Các loại con mồi IRI F %F N %N V(mm3) %V Araneae (Bộ Nhện) 28 18,67 37 19,79 14.337,64 22,66 20,37 Blattodea (Bộ Gián) 3 2,00 3 1,60 665,40 1,05 1,55 Coleoptera (Bộ Cánh cứng) 10 6,67 12 6,42 2.177,69 3,44 5,51 Diptera (Bộ Hai cánh) 3 2,00 5 2,67 112,33 0,18 1,62 Hemiptera (Bộ Cánh nửa) 9 6,00 9 4,81 2.376,98 3,76 4,86 Hymenoptera(Bộ Cánh màng) 12 8,00 14 7,49 7185,34 11,35 8,95 Isoptera (Bộ Cánh đều) 9 6,00 11 5,88 828,31 1,31 4,40 Lepidoptera (Bộ Cánh phấn) 3 2,00 4 2,14 469,02 0,74 1,63 Lumbriculida(Bộ Giun đất) 3 2,00 3 1,60 2495,73 3,94 2,52 Mantoptera (Bộ Bọ ngựa) 3 2,00 3 1,60 880,56 1,39 1,67 Orthoptera (Bộ Cánh thẳng) 30 20,00 37 19,79 14.034,84 22,18 20,65 Ấu trùng côn trùng 19 12,67 31 16,58 10.722,22 16,94 15,40 Kén côn trùng 2 1,33 2 1,07 436,33 0,69 1,03 Mẫu thực vật 4 2,67 4 2,14 2.459,03 3,89 2,90 Động vật có xương sống 5 3,33 5 2,67 2.599,63 4,11 3,37 Không xác định 7 4,67 7 3,74 1.500,82 2,37 3,59 Thể tích trung bình của con mồi ở cá thể đực E. longicaudata là 645,26 ± 889,06 mm3, dao động từ 2,85 - 4.405,39 mm3 (tổng thể tích thức ăn của con đực là 27.100,72 mm3), so với cá thể cái 861,46 ± 1.402,10 mm3, dao động từ 3,12 - 7.7465,43 mm3(tổng thể tích thức ăn của con cái là 36.181,15 mm3). Sự sai khác thể tích giữa cá thể đực và cái là không có ý nghĩa thống kê (ANOVA, F1,83 = 0,71; P = 0,404). Tuy nhiên, khi chiều dài cơ thể (SVL) được đưa vào để tính toán như một biến ảnh hưởng đến thể tích của con mồi thì sai khác giữa con đực và cái là có ý nghĩa thống kê (ANCOVA, F1,83 = 17,63; P < 0,001). Qua đó thấy rằng, cá thể đực của E. longicaudata đã tiêu thụ thức ăn lớn hơn con cái. Tổng thể tích của thức ăn trong mùa khô lớn hơn mùa mưa. Thể tích trung bình của các loại thức ăn trong mùa mưa là 692,29 ± 890,66 mm3, dao động từ 10,51 - 4.405,39 mm3 (thể tích tổng số là 27.691,68 mm3). Trong khi đó ở mùa khô là 808,87 ± 1.387,38 mm3, dao động từ 2,85 - 7.465,43 mm3 (thể tích tổng số là 35.590,18 mm3). Tổng thể tích thức ăn thu được trong dạ dày của E. longicaudata tại Hương Sơn là 14.733,15 mm3 (32 mục con mồi), Hồng Vân 13.402,64 mm3 (42 mục con mồi), Hương Lâm là 13.238,65 mm3 (41 mục con mồi), Thượng Lộ 11.093,56 mm3 (37 mục con mồi) và Sơn Thủy 10.813,87 mm3 (35 mục con mồi). Qua đó cho thấy tổng thể tích của thức ăn đã tiêu thụ của E. longicaudata ở các địa điểm khác nhau, tuy nhiên sự khác nhau đó không lớn và không có ý nghĩa thống kê (ANOVA, F4,83 = 1,67; P = 0,166). Như vậy, E. longicaudata tiêu thụ 16 loại thức ăn với 187 mục thức ăn bao gồm động vật (176 mục), thực vật (4 mục) và các loại chưa xác định được (7 mục).
  4. 226 NGUYỄN THỊ TRƯỜNG THI Hình 1. Biểu đồ thành phần thức ăn của E. longicaudata 3.2. Đặc điểm sinh sản 3.2.1. Cá thể đực Kết quả nghiên cứu về đặc điểm sinh dục đực của 65 cá thể E. longicaudata thu thập từ tháng 10/2013 đến tháng 8/2014 được kết quả được trình bày ở bảng 2 và hình 2. Bảng 2. Kích thước và thể tích tinh hoàn E. longicaudata Qua phân tích và bảng 2 cho thấy E. longicaudata có tinh hoàn phải nằm cao hơn tinh hoàn trái một chút, tinh hoàn phải dài hơn tinh hoàn trái nhưng bề rộng thì ngược lại, thể tích tinh hoàn trái lớn hơn tinh hoàn phải nhưng không đáng kể. Trong đó, tinh hoàn phát triển trung bình thấp nhất ở tháng 10 (tinh hoàn phải: thể tích: 33,68 ± 16,25 mm3, dài: 5,01 ± 0,69 mm, rộng: 3,49 ± 0,62 mm và tinh hoàn trái: thể tích: 35,60 ± 15,16 mm 3, dài: 4,95 ± 0,63 mm, rộng: 3,62 ± 0,56 mm) và đạt đỉnh cao vào tháng 3 (tinh hoàn phải: thể tích: 120,03 ± 109,25 mm3, dài: 7,13 ± 1,51 mm, rộng: 5,19 ± 1,62 mm và tinh hoàn trái: thể tích 121,90 ± 111,10 mm3, dài: 7,03 ± 1,50 mm, rộng: 5,25 ± 1,66 mm). Thể tích và kích thước tinh hoàn của E. longicaudata biến đổi qua các tháng nghiên cứu trong năm. Đặc biệt vào mùa giao phối và mùa sinh sản của cá thể (sau giao phối) được thể hiện trong hình 2. Thông qua hình 2 cho thấy thể tích trung bình của tinh hoàn bắt đầu phát triển mạnh vào tháng 1 đến tháng 4, sau đó thể tích tinh hoàn tiếp tục giảm nhẹ ở tháng 5, 6, 7 và giảm dần đến tháng 8. Chứng tỏ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 là mùa giao phối của chúng.
  5. ĐẶC ĐIỂM DINH DƯỠNG VÀ SINH SẢN CỦA THẰN LẰN BÓNG ĐUÔI DÀI... 227 Thể tích trung bình của tinh hoàn trong mùa giao phối (từ tháng 1 đến tháng 4) là 104,15 ± 22,15 mm3, kết quả này lớn hơn nhiều so với mùa không giao phối (từ tháng 5 đến tháng 8 và tháng 10 đến tháng 12) là 74,72 ± 7,47 mm3. Sự sai khác thể tích trung bình của tinh hoàn giữa mùa giao phối so với mùa không giao phối ở E. longicaudata là có ý nghĩa thống kê (ANOVA, F1,21 = 9,31; P = 0,006). Hình 2. Biểu đồ sự biến đổi thể tích tinh hoàn của E. longicaudata 3.2.2. Cá thể cái Tiến hành mổ và phân tích 65 mẫu E. longicaudata cái thu thập được từ tháng 10/2013 đến tháng 8/2014 và thu được kết quả như sau: Buồng trứng phát triển trung bình thấp nhất ở tháng 10 (buồng trứng phải: thể tích: 71,49 ± 40,03 mm 3, dài: 6,21 ± 1,30 mm, rộng: 4,47 ± 0.98 mm và buồng trứng trái: thể tích: 70,70 ± 41,37 mm 3, dài: 5,89 ± 1,14 mm, rộng: 4,55 ± 1,04 mm). Buồng trứng sau đó tăng chậm ở tháng 12, tiếp tục tăng nhanh ở tháng 1, 2 và đạt đỉnh vào tháng 3 (buồng trứng phải: thể tích: 157,86 ± 79,99 mm 3 , dài: 14,46 ± 5,31 mm, rộng: 4,55 ± 0,55 mm và buồng trứng trái: thể tích: 178,18 ± 81,18 mm 3 , dài: 15,46 ± 5,49 mm, rộng: 4,69 ± 0,59 mm), thể tích trung bình của buồng trứng rất lớn ở tháng 3 là do ở thời điểm này có nhiều cá thể cái mang trứng già, điều này được thể hiện thông qua độ lệch chuẩn rất lớn. Nhìn chung, thể tích của buồng trứng đạt cực đại qua các tháng 3, 4, 5, 6 và 7 trong năm 2014. Ở tháng 8 năm 2014, thể tích trung bình của buồng trứng là 176,21 ± 267,71 mm3, kết quả này cho thấy số lượng cá thể cái có trứng trong ổ bụng đã giảm, báo hiệu cho sự sinh sản của các con cái sắp kết thúc. Như vậy, mùa đẻ trứng của các con cái trưởng thành rơi vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 8. Thời gian phát triển trứng già đến lúc đẻ trứng khoảng 4 tháng. Thông qua hình 3 và việc phân tích các đặc điểm sinh sản cho thấy rõ trong thời gian sinh sản buồng trứng con cái có 2 giai đoạn phát triển khác nhau: giai đoạn trước mùa sinh sản (giai đoạn các con cái không có trứng già) và giai đoạn trong mùa sinh sản (các con cái có trứng già) và sự sai khác này có ý nghĩa thống kê (ANOVA, F10,64 = 3,74; P = 0,001). Mức độ phát triển của buồng trứng giữa mùa mưa (85,05 ± 42,08 mm3) và mùa khô (312,99 ± 298,65 mm3), sai khác này có ý nghĩa thống kê (ANOVA, F1,64 = 13,16; P = 0,001). Qua phân tích nhận thấy trong thời kỳ sinh sản, quá trình phát triển trứng của E. longicaudata có thể chia làm 3 thời kỳ phát triển khác nhau, tương ứng với 3 loại trứng. (bảng 3)
  6. 228 NGUYỄN THỊ TRƯỜNG THI Trứng loại I (kỳ đầu) là những trứng có kích thước bé, hình tròn, còn dính nhau bởi màng bao bọc. Kích thước và thể tích trung bình: chiều dài: 4,52 ± 3,38 mm, chiều rộng: 3,58 ± 1,91 mm, thể tích: 43,24 ± 46,78 mm3. Bảng 3. Kích thước và thể tích trứng của E. longicaudata ở vùng núi và trung du tỉnh Thừa Thiên Huế Trứng loại II (kỳ giữa) đã phát triển hơn, các trứng đã tách rời nhau, có màu vàng nhạt, hình bầu dục, đã hình thành vỏ dai. Kích thước và thể tích trung bình: chiều dài: 9,37 ± 1,23 mm, chiều rộng: 6,77 ± 0,85 mm, thể tích: 231,50 ± 85,37 mm3. Trứng loại III (kỳ cuối) là trứng sắp đẻ, có màu trắng, hình bầu dục đã có vỏ dai bao bọc, các trứng đã nằm trong ống dẫn trứng, kích thước, thể tích trung bình: chiều dài: 11,92 ± 1,36 mm, chiều rộng: 7,30 ± 0,62 mm, thể tích: 339,51 ± 85,45 mm3. Trứng loại III thu được từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8. Cá thể cái bắt đầu có trứng già trong ổ bụng từ tháng 3/2014 - 8/2014. Tháng 3 có 4 mẫu chủ yếu trứng loại I, sang tháng 5 hầu hết con cái trưởng thành đều có trứng loại III và khi quan sát hình thái ngoài của trứng già nhận thấy, trứng có màu sắc và hình thái ngoài gần giống với màu trứng được sinh ra ngoài. Đến tháng 8 chỉ có 1 mẫu mang trứng già trong ổ bụng. Tháng 10/2013 đến tháng 2/2014 không thấy mẫu nào mang trứng già. Điều này chứng tỏ mùa sinh sản của E. longicaudata từ khoảng tháng 3/2014 - 8/2014 hàng năm. (hình 3) Hình 3. Biểu đồ số cá thể E. longicaudata có trứng già và không có trứng già Cá thể cái trưởng thành có dài thân 84,34 mm. Có 21 mẫu chứa trứng già trong ổ bụng với trung bình 5,05 ± 1,63 trứng, kích thước và thể tích trung bình như sau: chiều dài: 9,05 ± 3,18 mm, chiều rộng: 5,98 ± 1,51 mm, thể tích: 223,05 ± 136,66 mm3, dao động 2 - 8 trứng. Như vậy, E. longicaudata chỉ đẻ 1 lứa/ năm với trung bình 5,05 ± 1,63 trứng , mỗi lứa có thể đẻ từ 2 đến 8 trứng. * Kích thước lứa đẻ của một số loài trong giống Eutropis Kích thước lứa đẻ các loài thằn lằn bóng khác nhau, do sự khác nhau về loài hoặc khác nhau về vùng sinh thái, bảng 3.4.
  7. ĐẶC ĐIỂM DINH DƯỠNG VÀ SINH SẢN CỦA THẰN LẰN BÓNG ĐUÔI DÀI... 229 Bảng 4. Kích thước lứa đẻ của một số loài Thằn lằn bóng trong giống Eutropis Huyện Buôn Đôn Ghi chú: N: số mẫu; ĐĐNC: địa điểm nghiên cứu; KTLĐ: kích thước lứa đẻ; DĐ: dao động của kích thước lứa đẻ; PTSS: phương thức sinh sản; ĐT: đẻ trứng; ĐC: đẻ con. 4. KẾT LUẬN - E. longicaudata đã sử dụng 16 loại thức ăn với 187 mục thức ăn bao gồm động vật (176 mục), thực vật (4 mục) và các loại chưa xác định được (7 mục). - Thành phần thức ăn của E. longicaudata chủ yếu gồm: Bộ Cánh thẳng (Orthoptera) 20,00%; Bộ Nhện (Araneae) 18,67%; ấu trùng côn trùng 12,67%; Bộ Cánh màng (Hymenoptera) 8,00%. Thức ăn quan trọng nhất đối với E. longicaudata là: Bộ Cánh thẳng (Orthoptera) IRI = 20,65; Bộ Nhện (Araneae) IRI = 20,37; ấu trùng côn trùng IRI = 15,40. - Con đực: Thể tích trung bình của tinh hoàn tăng dần từ tháng 10/2013, đạt đỉnh cao tháng 3/2014, đồng thời duy trì mức phát triển tương đương qua tháng 4, tinh hoàn giảm nhẹ ở tháng 5, 6, 7 sau đó giảm dần đến tháng 8. - Con cái: Cá thể cái trưởng thành lúc dài thân 84,34 mm. Có 21 mẫu chứa trứng trong ổ bụng với trung bình 5,05 ± 1,63 trứng, dao động 2 - 8 trứng. E. longicaudata chỉ đẻ 1 lứa/năm từ tháng 3 đến tháng 8, mỗi lứa có thể đẻ từ 2 đến 8 trứng. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ngô Đắc Chứng & Trương Tấn Mỹ (2007). “Đặc điểm dinh dưỡng và sinh sản của giống Thằn lằn bóng Mabuya Fitzinger, 1826 ở tỉnh Khánh Hòa”. Tạp chí Khoa học & Giáo dục, trường Đại học Sư phạm Huế, 01(01), 49 - 56. [2] Ngô Đắc Chứng, Lê Thắng Lợi (2009). Một số đặc điểm sinh học, sinh thái của 2 loài thằn lằn bóng giống Mabuya Fitzinger, 1826 (M. longicaudata, M. multifasciata) ở Thừa Thiên Huế. Báo cáo khoa học về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ ba, NXB Nông nghiệp, Hà Nội, 22/10/2009, tr. 1.233 – 1.238.
  8. 230 NGUYỄN THỊ TRƯỜNG THI [3] Ngô Đắc Chứng, Trương Bá Phong (2013). Nghiên cứu thành phần loài và đặc điểm sinh học của một số loài thuộc giống Thằn lằn bóng Eutropis Fitzinger, 1843 tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, Luận văn Thạc sỹ Sinh học, Đại học Huế. [4] Bobrov V.V., Semenov D.V. (2008). Lizards of Vietnam. Society for scientific edition, Moscow, 225pp. (in Russian). [5] Bourret R. (1937). Notes Herpetologiques sur l’Indochine française. XII Les lézards de la collection du Laboratoire des Sciences Naturelles de l’Université. Bulletin général de l’Instruction publique, Hanoi: 1 - 39. [6] Bourret R. (1939). Notes Herpetologiques sur l’Indochine française. XIII Reptiles et Batraciens reçus au Laboratoire des Sciences Naturelles de l’Université au cours de l’année 1939. Bulletin général de l’Instruction publique, Indochine, décembre: 5 - 60. [7] Cox R. M., Skelly S. L., and John-Alder H. B. (2003). A comparative test of adaptive hypotheses for sexual size dimorphism in lizards. Evolution. 57:1653 - 1669. [8] Huang W. S. (2006). Ecological characteristics of the Skink, Mabuya longicaudata, on a Tropical East Asian Island. Copeia, (2), 293-300. [9] Leavitt D. J., Fitzgerald L. A. (2009). “Diet of nonnative Hyla cinerea in a Chihuahuan desert wetland”. Journal of Herpetology. 43:541 - 545. [10] Valderrama-Vernaza M., Ramírez - Pinilla M. P., and Serrano-Cardozo V. H. (2009). “Diet of the Andean frog Ranitomeya virolinensis (Athesphatanura: Dendrobatidae)”. Journal of Herpetology. 43:114 - 123. Title: FEEDING AND REPRODUCTIVE CHARACTERISTICS OF THE LONG-TAILED SUN SKINK Eutropis longicaudata (Hallowell, 1856) IN THE MOUNTAIN AND MIDLAND REGIONS OF THUA THIEN HUE PROVINCE Abstract: We studied on the food, reproductive organs, reproductive season and season of Eutropis longicaudata in the mountain and midland regions of Thua Thien Hue Province. The results showed that food compositions of E. longicaudata are Orthopter, Araneae, Insect larvae. The breeding season of E. longicaudata was from March to August. Length of the right testis was larger than the left testis. However width of the right testis was smaller than the left one. In the breeding season, the average amount of embryos per individual was 5.05 ± 1.63. The absolute reproduction of E. longicaudata was from 2 to 8 offspring. Keywords: feeding, reproductive, long-tailed sun skink, mountain, midland, Thua Thien Hue NGUYỄN THỊ TRƯỜNG THI Đơn vị công tác: Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị Học viên Cao học, chuyên ngành Động vật học, khóa 21 (2012-2014), Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0914 226 282
nguon tai.lieu . vn