Xem mẫu

  1. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN MẦM NON Trần Nguyên Lập Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Nha Trang, Khánh Hoà namlap1999@gmail.com Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. Trong xu thế đó, sứ mệnh và vị thế của người thầy nói chung, người giáo viên mầm non nói riêng có nhiều thay đổi so với những quan niệm truyền thống. Để đáp ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, trong bối cảnh đổi mới giáo dục mầm non, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, cần có cách tiếp cận mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bậc học này. Bài báo đề cập đến những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với giáo dục và đào tạo và những yêu cầu đối với người giáo viên mầm non. Từ đó, xác định các yêu cầu đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non trong giai đoạn hiện nay. Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, giáo viên mầm non, đào tạo, bồi dưỡng. 1. MỞ ĐẦU Hiện nay, thế giới bước vào ngưỡng cửa Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với bản chất dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; số hóa sản xuất; gia tăng đáng kể về hiệu năng… (Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, 2017). Trong cuộc cách mạng này, hệ thống giáo dục sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện. Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) phải đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị tụt hậu và đào thải. Có nhiều yêu cầu mới đối với GD & ĐT mà các phương thức giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng (Mai Văn Tỉnh, 2016). Vì thế, tất yếu cần phải có sự thay đổi trong công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐT, BD) đội ngũ giáo viên nói chung, giáo viên mầm non (GVMN) nói riêng. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Phương pháp nghiên cứu lý luận được sử dụng trong nghiên cứu này. Chúng tôi tiến hành thu thập, lựa chọn các tài liệu trong nước và ngoài nước phù hợp, liên quan trực tiếp đến công nghệ 4.0 và giáo dục mầm non. Các nghiên cứu và tài liệu mang tính cập nhật, được xuất bản và công bố trong vòng 10 năm trở lại đây được ưu tiên sử dụng. Trên cơ sở đó, chúng tôi phân tích, tổng hợp, đánh giá và hệ thống hóa nội dung vấn đề nghiên cứu. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN 3.1. Tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với Giáo dục và Đào tạo và những yêu cầu đối với người giáo viên mầm non CMCN 4.0 đòi hỏi cần phải hình thành giáo dục 4.0. Đó là một môi trường mà ở đó, mọi người có thể cùng dạy học ở mọi nơi, mọi lúc với các thiết bị kết nối để tạo ra việc học tập được cá thể hóa. Môi trường mới này biến đổi tổ chức giáo dục thành một môi trường tạo sản phẩm sáng tạo mang tính cá thể với thành tựu lĩnh hội kiến thức và năng lực đổi mới, sáng tạo 114
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 riêng của từng cá nhân trong môi trường giáo dục. Có thể nói sự sáng tạo, đổi mới chính là nền tảng của giáo dục 4.0 (Phan Văn Trường, 2017). Giáo dục hiện nay cần phải thay đổi mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học ở tất cả các bậc học để đáp ứng thời kỳ 4.0; giáo dục hàn lâm bị tác động mạnh; thay Elearning bằng WE-learning (cùng nhau học suốt đời); tiếp cận mới về quản lý dạy - học: bố trí quá trình học như nó phải có trong đời sống thực tế/hay quá trình sản xuất. Giáo dục 4.0 sẽ có nội hàm khác giáo dục thông thường: giáo dục 4.0 cần có tư duy phê phán, óc đổi mới, hiểu biết văn hóa, kỹ năng học để lập nghiệp; tác nhân thông minh sử dụng thông tin hiện đại; công nghệ Mobile, Smartphone, dịch vụ Icloud (mây điện toán); tăng cường tự chủ/giải trình và trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội; tăng cường xã hội hóa để phát triển giáo dục, mở rộng đối tác… (Mai Văn Tỉnh, 2016). Trong CMCN 4.0, tri thức mới đang được tạo ra với cấp số nhân; kiến thức chuyên môn cụ thể rất nhanh lạc hậu. Đã xuất hiện và trở nên rất phổ biến các lớp học điện tử, thư viện điện tử, các chương trình đào tạo từ xa, hội nghị trực tuyến…; tìm kiếm thông tin, kiến thức và giao lưu qua mạng (Facebook, Tweeter,...) đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều so với việc đọc sách, báo giấy trước đây; xem xét lại giáo dục, chuyển dần từ dạy kiến thức chuyên môn sang dạy cách học; việc học tập không chỉ thực hiện ở nhà trường mà có thể ở nhà hoặc ở bất cứ đâu; cơ hội học tập cho tất cả. Triết lý về xã hội học tập, học suốt đời dần hình thành và củng cố mạnh mẽ hơn; đổi mới cơ chế quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trong đó, xây dựng đội ngũ GV là khâu then chốt… (Trung tâm Thông tin - Thư viện, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 2017). Cuộc CMCN lần thứ tư đã đem đến cho hệ thống giáo dục nhiều cơ hội và thách thức, nó có ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò và sứ mệnh của người GV nói chung, GVMN nói riêng. Thời đại 4.0 cung cấp lượng thông tin ở quy mô rất lớn, tốc độ truyền tải nhanh chóng, phương pháp học tập đa dạng, cách thức sắp xếp và tìm kiếm khoa học, tiến bộ. Người GVMN không thể cứ nói lại những điều sẵn có vì thông qua keyword trong công cụ tìm kiếm, các bản sách in dạng file được chia sẻ miễn phí… Vai trò của người GVMN truyền thống đang bị thách thức, vị trí của người GVMN sẽ kém quan trọng, dễ bị các phương tiện thông tin thay thế nếu như họ không nỗ lực tự khẳng định mình. Người GVMN giờ đây không còn độc quyền về mặt tri thức, nhưng phải nhận vai trò tổ chức, hướng dẫn trẻ tiếp nhận tri thức. Thay vì cung cấp tri thức một chiều, người GVMN cần sử dụng tối đa các phương tiện trực quan nhằm khơi dậy hứng thú, tính tích cực, chủ động và sáng tạo ở trẻ. Công việc dạy học của GVMN ngày nay khác trước nhiều. Mọi kiến thức, hiểu biết của trẻ không chỉ được hình thành không chỉ từ các hoạt động trong trường mầm non mà còn qua Internet, qua các hoạt động trải nghiệm, biết học hỏi lẫn nhau, biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Thông qua các hoạt động chăm sóc và giáo dục, GVMN giúp trẻ biết tự học một cách sáng tạo. GVMN phải thật sự là nhà giáo dục, nhà sư phạm. Chỉ có thấu hiểu tính cách, hoàn cảnh của từng trẻ, GV mới đưa ra được những phương pháp giáo dục phù hợp, làm cho trẻ thích hoạt động, biết cách hoạt động, và hoạt động hiệu quả. Để làm tròn sứ mệnh của mình, trước hết, GVMN cần phải có đủ nội lực để phát huy mọi tiềm năng của bản thân cho mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi trẻ. GV không chỉ cần có kiến thức và kỹ năng chuyên môn mà phải có đủ kiến thức về tâm lý học, giáo dục học để có khả năng thấu hiểu từng trẻ; phải có những quan điểm giáo dục tiên tiến kịp thời khích lệ trẻ, dẫn dắt trẻ tự chiếm lĩnh kiến thức, hình thành kỹ năng thông qua các hoạt động phong phú và đa dạng… Lối tổ chức hoạt động áp đặt, khuôn mẫu cứng nhắc chắc chắn sẽ không thành công. 115
  3. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Để mỗi trẻ phát triển năng lực, người GVMN phải nắm vững những nguyên tắc ứng xử với trẻ như: chấp nhận mọi mặt mạnh, yếu của từng trẻ, không được chỉ thích dạy những trẻ khá, giỏi, ngoan, loại trừ trẻ yếu kém, cá tính; khách quan đánh giá trẻ, không được có định kiến cá nhân để trù dập trẻ; cho phép trẻ lựa chọn những phương pháp, hình thức giáo dục phù hợp, để trẻ tự giác thay đổi bản thân; biết xây dựng những tập thể trẻ biết tự quản lý, tự giải quyết các công việc, nhu cầu của chính các em; biết gieo nhu cầu để trẻ dần dần thực hiện các yêu cầu giáo dục chứ không thể dùng “kỷ luật sắt” để áp đặt trẻ… Trong kỷ nguyên số này, hơn bao giờ hết, vai trò của người GV có sự thay đổi mạnh mẽ. Vai trò người GVMN có sự biến đổi từ truyền thụ kiến thức theo lối truyền thống sang vai trò mới với tư cách là “người xúc tác và điều phối,… người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập”. Người GV không phải là giảng bài mà là hướng dẫn và xúc tác giúp người học biết tự định hướng việc học của họ. Vì thế, người GVMN cần phải ngày càng bản lĩnh, không ngừng trau dồi năng lực của mình để đáp ứng yêu cầu mới. Công nghệ 4.0 làm thay đổi cách dạy và cách học. Phương pháp dạy học phải được cải tiến mạnh mẽ, gắn liền với việc ứng dụng CNTT, phương tiện trực quan vào quá trình dạy học. GVMN phải định hướng vào công nghệ và chịu trách nhiệm không chỉ với việc dạy mà còn với việc học của trẻ nữa. Họ phải quan tâm nhu cầu của từng trẻ trong lớp học không đồng nhất, tạo môi trường học tập lấy người học làm trung tâm để học xuất sắc và có cơ hội học tập theo lối truy vấn, năng động. Người GVMN cần đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo để tăng cường tính sáng tạo, óc tò mò ham hiểu biết và động cơ học tập của trẻ (Mai Văn Tỉnh, 2016). Câu hỏi đặt ra là người GVMN cần biết loại kiến thức và kỹ năng nào để dạy cho từng trẻ khác nhau? Lentell (2003) tuyên bố rằng người làm công tác học thuật phải là chuyên gia kiến thức, biết lắng nghe và giao tiếp hiệu quả, kèm cặp huấn luyện, xúc tác, giải quyết vấn đề, thiết kế, hỗ trợ và điều phối các nguồn lực (dẫn theo Shah, 2014). 3.2. Những yêu cầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non 3.2.1. Yêu cầu về nội dung đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non Trong xã hội dựa trên tri thức và số hóa của thế kỷ XXI, giáo dục phải đương đầu với thách thức to lớn chuyển từ học truyền thống sang đổi mới phương pháp học. Vai trò GV đã và đang tiếp tục thay đổi từ địa vị người dạy sang người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập (Weller & Anderson, 2013). Sự biến đổi này buộc GVMN đối diện với nhiệm vụ mới một cách linh hoạt hơn và cần được ĐT, BD lại cho phù hợp với nhiệm vụ rất mới mẻ này. Để thực hiện được điều đó, trong công tác ĐT, BD GVMN cần chú trọng các nội dung sau: * Đảm bảo chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mầm non theo yêu cầu của Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non Trước những yêu cầu của xã hội và sự đổi mới của ngành, để nâng cao chất lượng giáo dục của ngành học, cần phải chuẩn hóa đội ngũ. Căn cứ pháp lý để thực hiện là Chuẩn nghề nghiệp GVMN theo Thông tư số 26/2018/ TT-BGDĐT của Bộ GD & ĐT ban hành ngày 08/10/2018 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018). Trong đó, quy định rõ các tiêu chuẩn, tiêu chí mà người GVMN cần phải đạt được về trình độ, phẩm chất và năng lực. * Nâng cao năng lực nghề cho đội ngũ GVMN Để đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN, đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0, người GVMN cần thiết phải rèn luyện và nâng cao năng lực nghề nghiệp của mình, đặc biệt là “Năng lực sư phạm” (Gồm các năng lực thuộc về nhân cách; các năng lực dạy học; các năng lực tổ chức - 116
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 giao tiếp…) để giúp GVMN thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, GVMN cần phải có năng lực sư phạm “chuyên biệt” như: hát hay, múa dẻo, đàn giỏi, vẽ tranh đẹp, kể chuyện hấp dẫn... Những năng lực chuyên biệt này sẽ giúp GVMN có được những hoạt động mang tính hấp dẫn, sinh động, gây được hứng thú đối với trẻ, có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành cảm xúc thẩm mỹ, đạo đức của trẻ… Khác với GV các bậc học khác, để thực hiện tốt hoạt động cụ thể của mình là nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, người GVMN phải có những năng lực nhất định như :Năng lực xây dựng chương trình giáo dục; năng lực lập kế hoạch giáo dục; năng lực xây dựng môi trường giáo dục thân thiện cho trẻ; năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục; năng lực trong thái độ ứng xử và ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ; năng lực truyền đạt và hướng dẫn trẻ thực hiện những yêu cầu của GV; năng lực tổ chức thực hiện việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho trẻ... * Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ cho GVMN Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ là hết sức cần thiết. CNTT phát triển đã mở ra những hướng đi mới cho GDMN trong việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học. Thực tế cho thấy, ở các trường MN, GV đã sử dụng khá thành thạo nhiều phần mềm hữu ích: Bộ Office, Lesson Editor/Violet, Active Primary, Flash, Photoshop, Converter, Kidpix, Kidsmart... Các phần mềm này rất tiện ích và trở thành một công cụ đắc lực hỗ trợ cho việc thiết kế giáo án điện tử (nay đã sử dụng phần mềm giáo án online) và giảng dạy trên máy tính, máy chiếu, bảng tương tác cũng như trên các thiết bị hỗ trợ khác như Tivi, đầu Video,... vừa tiết kiệm được thời gian cho người GVMN, vừa tiết kiệm được chi phí, nâng cao được tính sinh động, hiệu quả của giờ dạy. Tuy vậy, trên thực tế, kiến thức và kỹ năng về CNTT của một số khá lớn GVMN còn hạn chế. Dễ nhận thấy sự đam mê sáng tạo ứng dụng CNTT ở các GVMN trẻ, nhưng điều đó khó có thể thấy ở những GVMN đã có tuổi. Việc ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục mầm non chưa phát huy được hiệu quả tối đa của nó; việc kết nối và sử dụng khai thác tiện ích của công nghệ mạng máy tính và mạng Internet chưa được các trường MN thực hiện một cách triệt để và có chiều sâu (đặc biệt các trường thuộc vùng khó khăn). Trong việc nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho GVMN, cần quan tâm đến năng lực sử dụng CNTT trong việc quản lý tài nguyên mạng, kỹ năng sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ phục vụ quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ; tập huấn cho GVMN biết sử dụng các phần mềm chăm sóc, giáo dục trẻ; khai thác ứng dụng phần mềm lập kế hoạch theo đơn vị lớp đảm bảo đúng nội dung chương trình GDMN mới; khuyến khích, huy động tất cả GVMN đã biết ứng dụng CNTT cần tiếp tục nâng cao kỹ năng khai thác, sử dụng và cập nhật CNTT nhằm cải tiến chất lượng chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN. Để tiếp cận những tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến do sự phát triển của công nghệ 4.0 mang lại, con người không thể không thông thạo ngoại ngữ. Mặt khác, việc nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cần gắn liền với việc nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho đội ngũ GVMN vì tiếng Anh vừa là điều kiện hỗ trợ đắc lực trong ứng dụng CNTT, đồng thời là phương tiện trong môi trường “dạy - học mở” và tự học, tự nghiên cứu của người GVMN. * Nâng cao năng lực hợp tác, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện,… cho đội ngũ GVMN Những bước nhảy vọt của CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức. Sự thay đổi này đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kiến thức, kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể 117
  5. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA đáp ứng. CMCN 4.0 đòi hỏi xác định lại vai trò của người GVMN. Người GV phải có trách nhiệm không chỉ với việc dạy mà còn với việc học của trẻ. GVMN sẽ phải dạy trẻ tự học, tự tiến bộ, tự tư duy... Vì vậy, bản thân người GVMN cần có những kỹ năng sáng tạo, đổi mới, kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, làm việc nhóm... * Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự trải nghiệm của đội ngũ GVMN Trong bối cảnh Việt Nam tích cực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò chủ yếu của GVMN trong kỷ nguyên số hóa phải được xác định lại và yêu cầu ngày càng cao vì kiến thức là vô tận. Vì vậy, việc nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự trải nghiệm… đối với người GVMN là rất cần thiết và quan trọng. 3.2.2. Yêu cầu về phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non Trong kỷ nguyên số hóa, nền giáo dục sẽ thay đổi một cách sâu rộng từ môi trường giáo dục, vai trò người dạy, tâm thế người học đến phương pháp dạy học. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệp 4.0, đội ngũ GVMN cần phải được bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực bằng những biện pháp như tập huấn sử dụng công nghệ phục vụ dạy học, ứng dụng các hình thức tiên tiến, mô hình trực tuyến vào công tác bồi dưỡng GV, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng theo hướng nghiên cứu và nâng cao trình độ ngoại ngữ. Môi trường giáo dục không còn diễn ra trong phạm vi nhà trường, lớp học mà mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, việc kết nối trong thời đại IT sẽ kéo theo sự phát triển của các hình thức học online, học trực tuyến, người học có thể học ở bất cứ nơi nào lúc nào họ muốn. Để đáp ứng yêu cầu đó, mô hình ĐT, BD GV và công tác quản lý cũng cần phải có sự thay đổi theo hướng mô hình ĐT “mở”; chương trình ĐT linh hoạt (Trans-disciplines); phương thức đào tạo linh hoạt (nhiều hình thức truyền thống kết hợp hiện đại; lớp học kết hợp nghiên cứu tình huống; ĐT với sự ứng dụng mạnh mẽ của CNTT; đào tạo trực tuyến…); thúc đẩy GVMN nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sáng tạo, khởi nghiệp… (Trung tâm Thông tin - Thư viện, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 2017). Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người học, người sử dụng lao động và môi trường làm việc, đòi hỏi các hoạt động ĐT phải thay đổi căn bản. Sẽ không còn khái niệm ĐT theo niên chế và không gian đào tạo cũng sẽ thay đổi. Chương trình ĐT phải được thiết kế linh hoạt, một mặt đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; mặt khác, tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề. Trong môi trường 4.0, phương pháp ĐT cần phải thay đổi căn bản trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và sự ứng dụng CNTT trong thiết kế bài giảng và truyền đạt bài giảng. Cùng với đó là sự đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra trong ĐT, BD GV theo hướng đáp ứng năng lực làm việc và tính sáng tạo của người GVMN. Thay đổi trong quản trị nhà trường, ĐT trực tuyến, mô phỏng, số hóa bài giảng sẽ là xu hướng ĐT GVMN trong tương lai. Song song với việc nâng cao chất lượng “máy cái”, đổi mới mô hình nhà trường là giải pháp rất cần thiết. Cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo “những gì thị trường cần” và hướng tới chỉ đào tạo “những gì thị trường sẽ cần”. Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở ĐT GV với nhà sử dụng là yêu cầu được đặt ra; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trong công tác ĐT, BD GVMN. Đổi mới chương trình, tài liệu ĐT, BD GVMN về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp GVMN; cập nhật những chương trình tiên tiến, các tài liệu, kinh nghiệm của nước ngoài trong công tác ĐT, BD GVMN. 118
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 ĐT, BD GVMN theo hướng chuẩn hóa, trên cơ sở chức danh nghề nghiệp, gắn với vị trí việc làm. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ GVMN. Tăng cường bồi dưỡng năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ GVMN bằng các hình thức đào tạo tiên tiến, mô hình trực tuyến, từ xa… Qua đó, GVMN vừa nâng cao được trình độ chuyên môn, vừa tiếp cận các mô hình dạy học mới. Các hình thức dạy học này sẽ giúp GVMN bổ sung vào kiến thức nghiệp vụ, làm phong phú hơn các hình thức dạy học, giáo dục của mình. Trong đó, mô hình GV dạy trực tuyến cần được ứng dụng trong ĐT và BDGVMN như Mô hình E-learning (mô hình hệ thống quản lý qua mạng); mô hình B-learning (mô hình dạy học kết hợp hình thức học tập trên lớp với hình thức học hợp tác qua mạng máy tính và tự học); mô hình ứng dụng kỹ thuật hội thảo truyền hình (là dịch vụ cho phép nhiều người hội thảo từ xa, với sự xuất hiện của hình ảnh và âm thanh từ một người đến những người còn lại)… (Trung tâm Thông tin - Thư viện, Viện KHGD Việt Nam, 2017). Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ GVMN với nhiều hình thức khác nhau. Hàng năm, GVMN cần được tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, không chỉ vào thời gian đầu năm học do trường, Phòng/Sở GD& ĐT tổ chức, mà trong suốt quá trình làm việc GV cần phải có ý thức tự học: tham gia các buổi dự giờ, sinh hoạt chuyên môn cùng đồng nghiệp, tham quan các trường bạn về cách sắp xếp, tổ chức môi trường hoạt động cho trẻ; tìm hiểu chương trình CSGD mới; tham dự các hội thi của ngành, tham gia các lớp học nâng cao trình độ; xem phim ảnh, học trực tuyến qua truyền hình và internet những nội dung liên quan đến chuyên ngành GDMN; học và tìm hiểu thêm các kỹ năng phòng - xử lý các bệnh và tai nạn thường gặp ở trẻ, kỹ năng ứng xử sư phạm, sử dụng nhạc cụ, sử dụng vi tính, tiếng Anh; kỹ năng thực hiện các phương pháp dạy học, giáo dục tích cực và học cách làm việc hiệu quả... Đẩy mạnh công tác NCKH của GVMN theo hướng nghiên cứu sư phạm ứng dụng; nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng CNTT trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục MN, các Viện nghiên cứu… Tăng cường công tác tự học, tự BD của đội ngũ GVMN qua thực hành trải nghiệm, qua thực tế công việc... 3.2.3. Đảm bảo các điều kiện hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non Đảm bảo điều kiện về các nguồn lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non Để công tác ĐT, BD đội ngũ GVMN đạt hiệu quả, đặc biệt là công tác BD, bên cạnh các điều kiện về chương trình, nội dung, phương pháp BD, cơ sở vật chất; phương tiện; môi trường; đội ngũ chuyên gia BD là hết sức quan trọng,… cần phải được đảm bảo. Thực hiện tốt chế độ, chính sách cho GVMN trong đào tạo, bồi dưỡng Cần đổi mới và hoàn thiện các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn đối với đội ngũ GVMN trong ĐT, BD; đổi mới việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá GVMN theo hướng đánh giá năng lực GV và có chính sách GVMN được hưởng các chế độ theo năng lực. Thực hiện tốt chính sách đối với GVMN theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Theo Nghị định, GVMN (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đang làm việc ở các cơ sở giáo dục MN dân lập, tư thục được Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, BD nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện theo mức hỗ trợ đối với GV công lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.GVMN trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc 119
  7. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thanh toán tiền mua tài liệu học tập theo quy định. GVMN trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục MN công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thêm hàng tháng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ… 4. KẾT LUẬN Cuộc CMCN 4.0 đã và đang đạt ra những thách thức đối với giáo dục MN trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, vị trí, vai trò của người GVMN có những thay đổi cơ bản. CMCN 4.0 cũng đặt ra những yêu cầu cao đối với đội ngũ GVMN về trình độ, năng lực, đặc biệt là năng lực sử dụng CNTT, năng lực tiếng Anh, năng lực nghề, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực tự học, trải nghiệm… Để đáp ứng với sự thay đổi đó, công tác ĐT, BD GVMN là rất quan trọng và cấp thiết. Trong công tác ĐT, BD GVMN cần phải có sự thay đổi về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức để đáp ứng được yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 và yêu cầu đổi mới giáo dục MN trong giai đoạn hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT ngày 08/10/2018 quy định về Chuẩn nghề nghiệp GVMN, Hà Nội. [2] Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (2017). Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Truy cập ngày 25/09/2017 tại ttp://dastic.vn/index.php?act=newss&gr=134&view=3346 (truy cập ngày 25/9/2017). [3] Hoàng Chí Cương (2017). Cách mạng công nghiệp 4.0: Thời cơ, thách thức và những tác động tới chính phủ, doạnh nghiệp và người lao động. Báo cáo trình bày tại Hội thảo Khoa học Đại học Hải Phòng, ngày 16/09/2017. [4] Khương Nha, Duy Tín (2017). Định nghĩa về công nghiệp 4.0. Truy cập ngày 25/09/2017 tại http://news.zing.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-lagi-post750267.html. [5] Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 với Giáo dục” do Hiệp hội các trường ĐH & CĐ Việt Nam phối hợp Tập đoàn công nghiệp Phoenix Contact, Đức tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh từ 21-23/10/2016. [6] Shah, N. (2014) The Future of classroom: the role of teachers needs a relook in digital era. Available at http://indianexpress.com/article/lifestyle/the-future-classroom-the-role-of- teachers-needs-a-relook-in-digital-era/99/print/. [7] Weller, M. & Anderson, T. (2013). Digital resilience in higher education. European Journal of Open, Distance and E-Learning, 16, 53-66. Available at: https://files.eric.ed.gov/fulltext/EJ1017457.pdf [8] Phan Văn Trường (14/4/2017). Ngành Giáo dục “đón đầu” cuộc Cách mạng 4.0 ra sao? Phỏng vấn đăng trên Báo điện tử baoquocte.vn. [9] Mai Văn Tỉnh (2017). Công nghệ 4.0 - Các giá trị cốt lõi, GDĐH 4.0 - Thách thức đổi mới. Báo cáo trình bày tại Hội thảo Khoa học Đại học Hải Phòng, ngày 16/09/2017. [10] Mai Văn Tỉnh (2016). Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi xác định lại vai trò của người thầy. Truy cập ngày 22/10/2018 tại http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Cach-mang-cong-nghiep- 40-doi-hoi-xac-dinh-lai-vai-tro-cua-nguoi-thay-post172145.gd. [11] Trung tâm Thông tin - Thư viện, Viện KHGD Việt Nam ( 2017), Giáo dục Việt Nam trước cuộc CMCN 4.0, Hà Nội. 120
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 Title: INDUSTRIAL REVOLUTION 4.0 AND THE TRAINING AND RETRAINING OF PRE- SCHOOL TEACHERS Tran Nguyen Lap Nha Trang City Department of Education - Training, Khanh Hoa namlap1999@gmail.com Abstract: The 4.0 industrial revolution has been affecting all areas of social life, including education. In that trend, the mission and position of teachers in general and preschool teachers in particular have many changes compared to traditional perspectives. In response to the requirements of the 4.0 revolution, in the context of early childhood education reform, in order to contribute to improving the quality of preschool teachers, there should be a new approach in the work of preschool-teacher training and retraining. The article addresses the effects of industrial revolution 4.0 on education and training and requirements for preschool teachers, thereby, defining requirements for preschool teacher training and retraining in the current period. Keywords: Industrial revolution 4.0, preschool teachers, training, retraining. 121
nguon tai.lieu . vn