Xem mẫu

  1. CHUYỂN ĐỐI SỐ VỚI HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN-THƯ VIỆN TSKH. Nguyễn Thị Đông, Email: dongmui@gmail.com Ủy viên BCH Hội Thông tin KH&CNVN Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích các khái niệm đã và đang hiện hữu về chuyển đổi số, tác giả trình bày quan điểm cá nhân về chuyển đổi số trong hoạt động thông tin- thư viện:“Chuyển đổi số trong hoạt động thông tin-thư viện là quá trình số hóa các nguồn tư liệu hiện có trong các cơ quan thông tin-thư viện, ứng dụng công nghệ số thích hợp để xử lý nguồn tư liệu số hóa đó cho tạo lập các sản phẩm và dịch vụ thông tin-thư viện có giá trị gia tăng, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thông tin-thư viện trong đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin của xã hội, phục vụ kịp thời tiến trình phát triển của đất nước, thông qua đó hình thành văn hóa số trong khai thác và sử dụng thông tin của cộng đồng xã hội”. Từ khóa: Chuyển đổi số, thông tin, thư viện 1. Chuyển đổi số - Xu thế tất yếu khách quan của thời đại Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, dưới tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, việc chuyển đổi số đối với mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội đã trở thành xu thế khách quan không thể đảo ngược. Có thể khẳng định rằng, chuyển đổi số hiện là vấn đề sống còn của hầu hết các lĩnh vực hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó có hoạt động thông tin-thư viện, đặc biệt là dưới tác động và tầm ảnh hưởng của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ diễn ra liên tục, nhanh chóng. Tuy nhiên, các tổ chức, doanh nghiệp tiến hành việc chuyển đổi số không phải vì nó là xu thế của thời đại, mà chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích đối với mọi mặt hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp từ khâu điều hành quản lý đến các hoạt động nghiên cứu, kinh doanh. Chuyển đổi số (Digital Transformation) là khái niệm xuất hiện trong thời đại bùng nổ Internet và đã trở nên phổ biến trong thời đại 4.0. Mặc dù đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, khái niệm chuyển đổi số mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Chuyển đổi số là một khái niệm khó có thể định nghĩa một cách chính xác, rõ ràng và cụ thể vì mỗi một ngành nghề, lĩnh vực đều có cách tiếp cận, nhìn nhận 41
  2. khác nhau, cũng như vì quá trình áp dụng chuyển đổi số có sự khác biệt ở từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Hiện tại có nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau về chuyển đổi số, nhưng tựu chung có thể hiểu một cách đơn giản nhất, đó là sự thay đổi liên quan đến việc ứng dụng công nghệ số trong tất cả các khía cạnh hoạt động và hành vi của con người. Theo quan điểm của Gartner (Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới): Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Chuyển đổi số theo định nghĩa của Microsoft là việc tư duy lại cách thức mà các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới cho khách hàng và duy trì lợi thế cạnh tranh trong thế giới số [6]. Theo cách hiểu của Techopedia.com, chuyển đổi số là những thay đổi một cách tổng thể và toàn diện liên quan đến ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau [9]. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang sang mô hình tổ chức, doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud),… thay đổi phương thức lãnh đạo, điều hành, quy trình làm việc, văn hóa tổ chức [5]. Với các định nghĩa trên cho thấy, nội hàm của khái niệm chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là bước chuyển đổi về công nghệ kỹ thuật số, mà còn là bước chuyển đổi về tư duy trong ưu tiên lựa chọn giải pháp số để giải quyết những vấn đề truyền thống, nhằm tạo ra giá trị mới với chất lượng và hiệu quả cao hơn, cũng như bước chuyển đổi tư duy trong hình thành văn hóa tổ chức. Trên góc độ này, có thể thấy, chuyển đổi số là cấp độ cao hơn số hóa, nó giống như một pha hoàn thiện của số hóa. Theo đó, số hóa mới chỉ là cấp độ chuyển đổi các giá trị thực sang dạng số, còn chuyển đổi số là cấp độ sử dụng công nghệ số để phân tích dữ liệu được số hoá đó, biến đổi nó và tạo ra các giá trị khác. Có thể hiểu rằng, số hóa là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số...). Trong khi đó, chuyển đổi số là việc khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ thích hợp để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn (có giá trị gia tăng cao hơn). Như vậy, cũng có thể xem số hóa như một phần của quá trình chuyển đổi số. Ở nghĩa hẹp, chuyển đổi số được hiểu bằng khái niệm “văn phòng không giấy”. Mặt khác, ở nghĩa rộng hơn, chuyển đổi số cũng có thể được hiểu là tác động xã hội 42
  3. toàn diện và tổng thể của quá trình số hóa. Trên góc độ này, khái niệm chuyển đổi số sẽ bao hàm 3 cấp độ sau [8]: • Thay đổi của chính phủ khi ứng dụng công nghệ thông tin vào chính phủ điện tử; • Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp; • Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của người dân. Việc chuyển đổi số sẽ tác động tới người dân, doanh nghiệp và chính phủ. Đối với người dân, chuyển đổi số sẽ thay đổi cách sống, cách làm việc và giao dịch với nhau, thay đổi hành vi trong giải quyết các vấn đề truyền thống của mình với tư duy số hóa. Đối với tổ chức, doanh nghiệp, dữ liệu và công nghệ số sẽ thay đổi phương thức hoạt động và mô hình kinh doanh, thay đổi quy trình sản xuất và cung cấp sản phẩm, dịch vụ, thay đổi và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm và dịch vụ. Đối với Chính phủ, sự chuyển đổi số sẽ làm thay đổi trải nghiệm của người dùng đối với các dịch vụ nhà nước cung cấp, làm thay đổi các quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Các chuyên gia cho rằng, bản chất của chuyển đổi số không phải là một đích đến, mà là một hành trình hoặc là một định hướng mang tính chiến lược và liên tục, công nghệ chỉ là phương tiện trong quá trình chuyển đổi, chứ không phải là yếu tố mang tính quyết định [4]. Vấn đề quan trọng nhất và mang tính quyết định trong chuyển đổi số là việc thay đổi tư duy, cách tiếp cận và tối đa hóa ứng dụng thì mới có thể tận dụng được hết lợi ích của việc chuyển đổi số. Theo một nghiên cứu gần đây của Vietnam Report, trở ngại lớn nhất khi chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam là thiếu nguồn lực và kỹ năng, văn hóa và nhận thức, thiếu chính sách, quy định pháp luật hỗ trợ, cũng như vấn đề an toàn an ninh mạng [10]. 2. Các yếu tố đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi số Thành công của quá trình chuyển đổi số ở bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó có hoạt động thông tin-thư viện phụ thuộc vào sự tổng hòa của 5 yếu tố trụ cột quan trọng dưới đây [14]. Trong đó, nếu thiếu đi bất kỳ một yếu tố nào thì quá trình chuyển đổi số không những không mang lại kết quả mong muốn mà còn làm phung phí nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp một cách vô ích. Cụ thể: (1) Thiết lập chiến lược và văn hóa số (2) Gắn kết và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng (3) Tối ưu hóa quy trình và cải tiến (4) Công nghệ hóa 43
  4. (5) Phân tích và quản trị dữ liệu Thiết lập chiến lược và văn hóa số: Là yếu tố giữ vai trò định hướng xuyên suốt của quá trình chuyển đổi số. Nói khác đi, nếu thiếu yếu tố này thì quá trình chuyển đổi số sẽ bị mất phương hướng. Tổ chức, doanh nghiệp không tìm được thế mạnh của mình trong một thế giới đa dạng. Việc thiết lập chiến lược hành động phản ánh sự sẵn sàng về phương diện lãnh đạo. Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là cuộc chơi về công nghệ, mà hơn thế, là quá trình thay đổi tư duy sáng tạo của lãnh đạo và mọi thành viên trong tổ chức. Người lãnh đạo cần hiểu rõ đơn vị mình muốn gì và công nghệ có thể trợ giúp chuyển đổi thế nào. Lãnh đạo nhận thức đúng và đưa ra được chiến lược chuyển đổi số rõ ràng chắc chắn sẽ mang lại thành công, còn công nghệ chỉ là phương tiện cho tổ chức, doanh nghiệp thực hiện công cuộc chuyển đổi số mà thôi. Văn hóa là một trong các yếu tố quan trọng góp phần to lớn vào sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Văn hóa được cấu thành bởi ba yếu tố: Hành vi; Hệ thống; và Thực hành, được định hình bởi các giá trị tổng quát của tổ chức [3]. Môi trường văn hóa tốt là khi cả ba yếu tố này gắn kết chặt chẽ với nhau và phù hợp với các giá trị được công nhận của tổ chức. Khi các yếu tố này bắt đầu xuất hiện khoảng cách là lúc tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Văn hóa số là cách mọi thứ được vận hành trong một tổ chức, doanh nghiệp ở thời đại số. Chuyển đổi số không chỉ là hoạt động nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động mà hơn hết, nó phải là nền tảng văn hóa của một tổ chức. Vì thế, văn hóa số trong tổ chức, doanh nghiệp phải được thiết lập, đảm bảo mọi thành viên trong tổ chức tin vào tiềm năng chuyển đổi số và có tư duy số hóa trong giải quyết các vấn đề truyền thống. Đồng thời, văn hóa số phải được xây dựng và song hành thực hiện trong suốt chiến lược hành động lâu dài và kiên định của tổ chức. Gắn kết và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng: Việc đảm bảo yếu tố gắn kết và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng cho phép quá trình chuyển đổi số của tổ chức, doanh nghiệp nhận được sự đồng thuận của khách hàng và của thị trường đối với sản phẩm và dịch vụ của mình, bởi kỳ vọng của người dùng ngày càng tăng lên, các yêu cầu của khách hàng về chất lượng đối với sản phẩm và dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp cũng ngày càng gia tăng. Mỗi khi người dùng được tiếp xúc với một trải nghiệm tối ưu hơn, kỳ vọng của họ ngay lập tức được nâng lên một cấp độ mới. Vì thế, tổ chức, doanh nghiệp cần tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng thông qua việc thu thập thông tin phản hồi, tận dụng dữ liệu để cập nhật sự thay đổi hành vi khách hàng. 44
  5. Đồng thời, trong bất kỳ quyết định quan trọng nào, dữ liệu cần được coi là yếu tố quyết định cuối cùng. Tối ưu hóa quy trình và cải tiến: Yếu tố tối ưu hóa quy trình và cải tiến cho phép quá trình chuyển đổi số của tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện mạch lạc, thống nhất (đồng nhất), liên tục và khớp nối tương thích với nhau. Nếu tổ chức, doanh nghiệp không quan tâm chú trọng vào việc đổi mới, cải tiến trang thiết bị, tối ưu hóa quy trình công nghệ sẽ dẫn tới tình trạng sản phẩm và dịch vụ của mình mất sức cạnh tranh, không được thị trường chấp nhận. Công nghệ hóa: Công nghệ phải được chú trọng phát triển song song với yếu tố nhân lực. Đây là công cụ quan trọng để phân tích và quản trị dữ liệu, biến đổi và từ đó tạo ra giá trị cho tổ chức, doanh nghiệp. Chuyển đổi số chỉ xảy ra khi công nghệ được kết hợp với con người, với tổ chức và được dẫn dắt bởi chiến lược hành động rõ ràng. Thành công sẽ đến khi tổ chức, doanh nghiệp có khả năng sử dụng có hiệu quả nguồn dữ liệu được tạo bởi (hoặc thông qua) công nghệ thích hợp theo hướng tối ưu hóa kết quả hoạt động của mình. Để tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, thì vấn đề đặt ra không phải là ở chỗ, mọi việc sẽ được giải quyết nhanh hơn bao nhiêu nếu có công nghệ, mà thay vào đó là phải hiểu rõ tiềm năng của công nghệ để có thể tối ưu hóa quy trình và nội dung công việc, nhằm tận dụng tối đa các khoản đầu tư về công nghệ của mình. Phân tích và quản trị dữ liệu: Là yếu tố giữ vai trò nền tảng của quá trình chuyển đổi số trong quá trình tạo lập các giá trị thông tin gia tăng, tối ưu hóa sản phẩm và dịch vụ trong đáp ứng và thỏa mãn tối đa nhu cầu của xã hội. Dữ liệu là chìa khóa để tổ chức, doanh nghiệp đưa ra quyết định tối ưu cho sự phát triển, hoặc là sự trì trệ nếu không biết tận dụng tối ưu sức mạnh của nó. 3. Chuyển đổi số trong lĩnh vực hoạt động thông tin-thư viện Việt Nam Như trên đã trình bày, để không bị loại khỏi tiến trình phát triển của nhân loại, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực hoạt động thông tin-thư viện Việt Nam đã trở thành xu thế tất yếu, là yêu cầu thiết thực và khách quan của thời đại số. Tuy nhiên, khái niệm chuyển đổi số trong lĩnh vực hoạt động thông tin-thư viện cũng có sự khác biệt. Trên cơ sở khái niệm chuyển đổi số đã nêu ở trên, có thể đưa ra khái niệm chuyển đổi số trong hoạt động thông tin-thư viện như sau: “Chuyển đổi số trong hoạt động thông tin-thư viện là quá trình số hóa các nguồn tư liệu hiện có trong các cơ quan thông tin-thư viện, ứng dụng công nghệ số thích hợp để xử lý nguồn tư liệu số hóa đó cho tạo lập các sản phẩm và dịch vụ thông tin-thư viện có giá trị gia tăng, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thông tin-thư viện trong đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin của xã 45
  6. hội, phục vụ kịp thời tiến trình phát triển của đất nước, thông qua đó hình thành văn hóa số trong khai thác và sử dụng thông tin của cộng đồng xã hội”. Với nội hàm khái niệm trên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực hoạt động thông tin-thư viện Việt Nam cần được tập trung vào các nội dung cơ bản sau: • Xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý, đảm bảo luật hóa các nội dung định hướng chiến lược số, thiết lập văn hóa số trong thay đổi hành vi khai thác và sử dụng thông tin của cộng đồng xã hội (chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân người dân). • Đảm bảo phát triển hạ tầng số trong các cơ quan thông tin-thư viện và kết nối vào hạ tầng số quốc gia, nhằm tạo lập không gian thông tin-thư viện chung và thống nhất trong trao đổi, chia sẻ và dùng chung nguồn lực thông tin trên phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế. Đồng thời đảm bảo an toàn an ninh mạng. • Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thông tin-thư viện có tư duy, kiến thức và kỹ năng số, có khả năng định hướng văn hóa số cho cộng đồng trong khai thác và sử dụng thông tin thông qua các sản phẩm và dịch vụ thông tin-thư viện có giá trị gia tăng. Nhân lực thông tin-thư viện cần được đào tạo thích hợp, có cơ hội học tập liên tục để trau dồi kiến thức và các kỹ năng cần thiết đối với môi trường số. • Tăng cường nghiên cứu công nghệ số mới cho tối ưu hóa nội dung hoạt động nghiệp vụ thông tin-thư viện và qui trình phục vụ thông tin trên nền công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại. Mục tiêu của việc chuyển đổi số trong hoạt động thông tin-thư viện Việt Nam cần đạt được là phải tạo lập được một không gian thông tin-thư viện chung và thống nhất trên phạm vi cả nước, có khả năng hội nhập vào không gian thông tin-thư viện chung của khu vực và quốc tế, có thể liên thông, liên kết để chia sẻ và dùng chung nguồn lực thông tin giữa các cơ quan thông tin-thư viện, đảm bảo thực thi có hiệu quả quyền công dân trong tự do truy cập, khai thác và sử dụng thông tin. Với mô hình không gian thông tin-thư viện này, mạng lưới thư viện Việt Nam được phát triển bao phủ cả nước sẽ không mang nặng hình thái vật lý (thư viện truyền thống) mà ở hình thái điện tử/số (phi vật lý). Như vậy, việc đầu tư phát triển mạng lưới thư viện Việt Nam sẽ được căn cứ vào hiệu quả và chất lượng phục vụ nhu cầu tin chứ không thể phụ thuộc vào hình thái vật lý của thư viện đó to hay nhỏ, vốn tài liệu nhiều hay ít, mà phụ thuộc vào giá trị mang lại của thư viện đó đối với sự phát triển của xã hội. So với các lĩnh vực khác, chuyển đổi số trong hoạt động thông tin-thư viện mang tính đặc thù. Đó là một hành trình mang tính chiến lược, là quá trình cập nhật liên tục bởi sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, đòi hỏi phải được đảm bảo luật hóa thống nhất trên phạm vi cả nước trong suốt tiến trình chuyển đổi số, 46
  7. cũng như tiến hành đồng bộ các yếu tố không chỉ liên quan về mặt chuyển đổi kỹ thuật số, mà còn liên quan tới sự thay đổi hành vi xã hội trong tìm kiếm, xử lý, lưu trữ và sử dụng thông tin với sự hỗ trợ của công nghệ số thích hợp. Sự thành công của chuyển đổi số trong hoạt động thông tin-thư viện việt Nam phụ thuộc trước hết vào tư duy số hóa trong tiếp cận và giải quyết các vấn đề truyền thống có liên quan tới các khâu hoạt động nghiệp vụ thông tin-thư viện, cũng như có liên quan tới sự thay đổi hành vi trong tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin của người dùng, còn công nghệ chỉ là phương tiện trợ giúp giải quyết các vấn đề đó mà thôi. Trên góc độ này, cần phải xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để luật hóa các nội dung của tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động thông tin-thư viện, đảm bảo luật hóa việc xây dựng thư viện số quốc gia, tạo lập môi trường số, tự động hóa việc thu thập, xử lý, lưu trữ, bảo quản và phục vụ thông tin thống nhất trên toàn quốc. Nghĩa là, cần luật hóa cụ thể hoạt động của các cơ quan thông tin-thư viện trong hành trình đi tới mục tiêu đã nêu ở trên. Theo đó, Dự án Luật Thư viện Việt Nam, được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019 đã trở thành kỳ vọng của cộng đồng thông tin-thư viện cả nước trong thiết lập hành lang pháp lý cho chủ động ứng dụng thành tựu CM 4.0 vào hoạt động thông tin-thư viện nước nhà. Tóm lại, chuyển đối số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực hoạt động thông tin-thư viện nói riêng là điều tất yếu khách quan, dù ta có muốn hay không. Vì nếu không tiến hành chuyển đổi số thì tổ chức, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ bị loại ra khỏi tiến trình phát triển chung của nhân loại trong kỷ nguyên số 4.0. Thành công của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực hoạt động thông tin-thư viện Việt Nam cũng phụ thuộc vào sự tổng hòa của 5 yếu tố trụ cột quan trọng như đã nêu ở trên, trong đó yếu tố đầu tiên giữ vai trò quan trọng trong định hướng chiến lược chuyển đổi số và xây dựng văn hóa số trong thay đổi tư duy và hành vi không chỉ của nhân lực thông tin-thư viện mà còn thay đổi tư duy và hành vi của cộng đồng xã hội trong tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin trong thời đại số hóa. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. 7 yếu tố cản trở quá trình chuyển đổi số // http://wetransform.vn/2019/10/08/7-yeu-to-can-tro-qua-trinh-chuyen-doi-so/ 47
  8. 2. Bắt đầu chuyển đổi số – Doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì?// https://management.vn/chuyen-doi-so-doanh-nghiep-lam-gi/ 3. Các yếu tố hình thành văn hóa doanh nghiệp giám đốc nhân sự cần biết // https://www.pace.edu.vn/vn/so-tay-doanh-tri/ChiTiet/1400/cac-yeu-to-hinh-thanh-van- hoa-doanh-nghiep-giam-doc-nhan-su-can-biet?term_taxonomy_id=31 4. Chuyển đổi số - hành trình, chứ không phải đích đến // http://guicaniemtin.vn/Default.aspx?Page=ket-noi-chuyen-mon- detail&cid=26&lid=136&id=1560 5. Chuyển đổi số là gì và quan trọng như thế nào trong thời đại ngày nay?//https://dantri.com.vn/suc-manh-so/chuyen-doi-so-la-gi-va-quan-trong-nhu-the- nao-trong-thoi-dai-ngay-nay-20190814121247843.htm 6. Chuyển đổi số là gì//https://vnexpress.net/so-hoa/chuyen-doi-so-la-gi- 3921707.html 7. Chuyển đổi số là gì? Vì sao doanh nghiệp cần chuyển đổi sổ?// https://www.amis.vn/tin-tuc/newsid/5577/chuyen-doi-so-la-gi-vi-sao-doanh-nghiep- can-chuyen-doi-so/ https://www.amis.vn/tin-tuc/newsid/5577/chuyen-doi-so-la-gi-vi- sao-doanh-nghiep-can-chuyen-doi-so/ 8. Chuyển đổi số là gì?// https://www.m3complex.vn/ban-can-biet- chuyen-doi-so-la-gi/ 9. Chuyển đổi số sẽ thay đổi cách chúng ta sống// https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/chuyen-doi-so-se-thay-doi-cach- chung-ta-song-489822.html 10. Chuyển đổi số: Thách thức và hành động // https://baodautu.vn/chuyen- doi-so-thach-thuc-va-hanh-dong-d105087.html 11. Đề xuất các giải pháp chuyển đổi số tại Việt Nam // http://ictvietnam.vn/de-xuat-nhieu-giai-phap-de-chuyen-doi-so-tai-viet-nam.htm 12. Digital Transformation: 4 hiểu lầm thường gặp. Giải mã công thức thành công//http://digitaltransformation.vn/?utm_source=google&utm_medium=cpc&utm_c ontent=direct_digital_x&campaignid=1735102558&adgroupid=67821498877&adid=3 38193784072&gclid=CjwKCAjwusrtBRBmEiwAGBPgEx_zaw- 3zIuKKwbomLgFCq2gG9dwIdAPDzHJTazI6Du1V8EBArJNgxoCRsUQAvD_BwE 13. Khái niệm "Chuyển đổi số" là gì và có mức độ bao trùm như thế nào?//https://ictnews.vn/cntt/cach-mang-40/khai-niem-chuyen-doi-so-la-gi-va-co-muc- do-bao-trum-nhu-the-nao-174067.icthttps://ictnews.vn/cntt/cach-mang-40/khai-niem- chuyen-doi-so-la-gi-va-co-muc-do-bao-trum-nhu-the-nao-174067.ict 14. Năm trụ cột của chuyển đổi số doanh nghiệp// https://anhsangvacuocsong.vn/cac-yeu-to-thanh-cong-cho-viec-chuyen-doi-so/ 48
  9. 15. Phát triển thư viện trong Cách mạng công nghiệp 4.0 // http://truyenthongkhoahoc.vn/vn/Phat-trien-thu-vien-trong-Cach-mang-cong-nghiep- 4-0-c1043/Phat-trien-thu-vien-trong-Cach-mang-cong-nghiep-4-0-n10704 16. Thư viện cần thích ứng với thời kỳ 4.0// http://baovanhoa.vn/chinh- tri/van-hoa-thoi-luan/artmid/566/articleid/20466/thu-vien-can-thich-ung-voi-thoi-ky- 40 17. Vài thách thức đối với thư viện số và những chiến lược đối phó//https://hvtc.edu.vn/tabid/558/catid/143/id/28737/Vai-thach-thuc-doi-voi-thu-vien- so-va-nhung-chien-luoc-doi-pho/Default.aspx 49
nguon tai.lieu . vn