Xem mẫu

  1. Nguyễn Thị Phú Viện Nghiên cứu Giáo dục Trường Đại học Sư phạm TPHCM Tóm tắt: Bài báo tập trung vào phân tích những nội dung cần thực hiện để triển khai chuyển đổi số trong giáo dục theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ; đánh giá mức độ quan trọng của các điều kiện cần để thực hiện chuyển đổi số trong nhà trường đạt hiệu quả. Từ khóa: người dạy, người học, chuyển đổi số, quản lý 1. Đặt vấn đề Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, Giáo dục là một trong tám lĩnh vực ưu tiên, là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ 2 sau lĩnh vực Y tế. Điều đó cho chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngày 9/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”, phát biểu tại hội thảo, Thứ trường Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết năm 2007, từ một số ít trường triển khai đào tạo tín chỉ, cho phép người học đăng ký học tập, xem kết quả học tập, đóng học phí online, đến nay hầu hết các trường đại học đã triển khai loại hình đào tạo này. Việc đăng ký thi THPT và xét tuyển qua mạng, các nghiệp vụ quản trị trường học cũng được số hoá, thực hiện trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Chuyển đối số trong GDĐT đã được xác định là nhiệm vụ quốc gia, vậy các trường cần phải thực hiện những gì để chuyển đổi số đạt hiệu quả như mong muốn? 2. Chuyển đổi số và những việc cần làm để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục Cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 bùng phát ở một số quốc gia. Năm 2020, Việt Nam đối diện với nhiều đợt bùng phát liên tục của dịch bệnh. Thực hiện cách li xã hội đồng nghĩa với việc nhà trường đóng cửa, học sinh sinh viên phải ở nhà. Để đảm bảo cho hoạt động học tập không bị gián đoạn, các nhà trường đã chủ động và thích ứng nhanh với dịch bệnh, áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy. Đến nay, việc dạy học online đã trở thành hoạt 625
  2. động thiết yếu, trong bất kỳ tình huống nào nhà trường cũng có thể chuyển sang chế độ dạy học online. Theo số liệu của Bộ GDĐT,hơn 80% các trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy học trực tuyến, trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy học hoàn toàn qua mạng. Theo báo cáo PISA năm 2020 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố gần đây, việc học trực tuyến để phòng, chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%) [1]. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã thích ứng rất nhanh với diễn biến của đại dịch và đảm bảo được phương châm “Tạm dừng đến trường, không ngừng học”. Vậy chuyển đối số là gì và các nội dung cần thực hiện để chuyển đổi số trong nhà trường là gì? 2.1. Chuyển đổi số là gì? Chuyển đổi số có thể được hiểu là chuyển các hoạt động của chúng ta từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên môi trường mạng. Qua đó, chúng ta tiếp cận thông tin được nhiều hơn, rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm thời gian. 2.2. Những việc cần làm để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục Câu hỏi đặt ra là chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT bao gồm chuyển đổi số ở những lĩnh vực nào và mức độ chuyển đổi ra sao? Chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT tập trung vào các vấn đề: Quản lý nhà trường và hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá người học. Thực hiện chuyển đổi số trong quản lý giáo dục gồm số hóa thông tin quản lý, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như ứng dụng các công nghệ để phân tích dữ liệu…để quản lý, dự báo và ra quyết định kịp thời, nhanh chóng và chính xác. Trong hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá cần thực hiện số hóa học liệu (Bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning, sách giáo khoa điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, ngân hàng đề thi…), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường học ảo… Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, toàn ngành giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, dạy và học. Lần đầu tiên, đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, được triển khai tại 63/63 sở GD-ĐT, 710 phòng GD-ĐT, thu thập được 22 triệu hồ sơ học sinh, 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý từ 53.000 trường học và thông tin về cơ sở vất chất, nhà vệ sinh trường học. Hệ thống thống kê về giáo dục đại học được triển khai đến nay đã thu thập được khoảng 1,3 triệu hồ sơ sinh viên, 626
  3. 94.000 hồ sơ giảng viên từ 247 trường đại học, học viên, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm. Đây là cơ sở dữ liệu rất quan trọng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành. Để thực hiện giáo dục trực tuyến được hiệu quả, tất cả dữ liệu phải được số hóa, quan trọng nhất là kho học liệu, tài liệu, sách giáo khoa. Hiện nay, Bộ GDĐT đã xây dựng được kho số hóa hơn 5.000 bài giảng điện tử e-learning, 2000 bài dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm lên đến 35.000 câu hỏi, kho luận án tiến sĩ với 7.000 luận án… là đóng góp từ các giáo viên, cơ sở giáo dục trên cả nước. Tài nguyên học liệu mở giúp người dạy, người học kết nối với kiến thức hiệu quả dù họ ở đâu và thực hiện được ở bất kỳ thời điểm nào. Hơn nữa, người học có thể tìm kiếm được nguồn tài nguyên học tập nhiều hơn, dễ dàng và ít tốn kém hơn. Hiện nay, nhờ các phương tiện công nghệ hiện đại như máy tính thông minh, điện thoại thông minh người học có thể khai thác học liệu nhanh chóng mà không phụ thuộc vào tình trạng kinh tế cũng như không cần phải mua sách hay mượn từ thư viện. Song song với việc số hóa kho học liệu, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, số hóa dữ liệu người học thì việc thay đổi phương thức dạy học được chuyển biến rõ rệt nhất. Việc chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến khiến cho những phương pháp, kỹ thuật dạy học truyền thống không còn hữu dụng. Phương pháp, kỹ thuật dạy học bắt buộc phải thay đổi, đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo của người dạy. Việc vận dụng các thiết bị, công nghệ phục vụ cho dạy học sao cho hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào soạn bài dạy, mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Cùng với việc dạy học, chuyển đổi số phải đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện trong quá trình giáo dục, kể cả đánh giá kết quả đào tạo. Kết quả đào tạo được số hóa, quá trình đánh giá cũng phải được triển khai thực hiện bằng ứng dụng công nghệ trên máy tính. Toàn bộ dữ liệu về người học cũng cần được số hóa để thực hiện quy trình quản lý và đánh giá . Dữ liệu về quá trình học tập của người học cũng được theo dõi và lưu trữ bằng công nghệ chứ không phải thông qua hồ sơ sổ sách thông thường. Từ đó, người dạy được giải phóng khỏi những việc hồ sơ sổ sách hành chính, bớt thời gian làm sổ điểm, học bạ, quản lý hồ sơ học tập… mà chỉ cần tập trung vào giảng dạy. Chuyển đổi số trong giáo dục là một quá trình thay đổi nằm ở phương thức thực hiện giáo dục. Việc thay đổi phương pháp, kỹ thuật thực hiện giảng dạy, đào tạo dẫn đến việc thay đổi tiêu chuẩn đầu vào để thích ứng với phương pháp dạy 627
  4. học mới. Sản phẩm đầu ra cũng vì thế mà thay đổi theo. Khi thực hiện chuyển đổi số, toàn bộ hệ thống giáo dục từ đào tạo, tổ chức thực hiện và quản lý điều hành nhà trường đều thay đổi. Khi chuyển đổi phương thức dạy học, giáo dục trải nghiệm của người học cũng thay đổi tưởng ứng. Trải nghiệm mới sẽ khiến những năng lực, phẩm chất, kỹ năng mới của người học sẽ hình thành. Để điều hành, quản lý nhà trường đáp ứng được nhưng thay đổi khi thực hiện chuyển đổi số điều hiển nhiên tư duy về quản lý giáo dục, quản lý nhà trường cần phải chuyển đổi, cởi mở hơn, linh hoạt hơn. Tóm lại, để thực hiện chuyển đổi số, nhà trường cần phải thực hiện thay đổi rất nhiều phương diện như phương pháp dạy học, giáo dục phù hợp với môi trường số; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu từ dữ liệu người học đến kho học liệu, bài giảng, sách giáo khoa, bài thực hành thí nghiệm đến dữ liệu người dạy để kết nối, trao đổi; và quan trọng nhất là thay đổi tư duy giáo dục, tư duy quản lý để thích ứng với môi trường dạy học mới. 3. Các điều kiện để thực hiện chuyển đổi số trong nhà trường 3.1. Con người Giáo dục là môi trường tác động qua lại mạnh mẽ giữa người và người. Muốn chuyển đổi số thành công, con người không chỉ phải thay đổi để thích nghi, mà phải thay đổi để dẫn dắt quá trình đó. Cần phải hành động để tạo ra sự thay đổi chứ không chờ đợi mọi thứ sẽ thay đổi. Người cần thay đổi và thích nghi đầu tiên với chuyển đổi số là người dạy. Con người phải thay đổi để thích nghi thì chuyển đổi số mới thành công. Bởi lẽ, giờ đây học sinh, sinh viên có quá nhiều kênh thông tin, tài liệu. Người thầy cần phải thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức sang biết chọn lọc và tập hợp kiến thức để xây dựng được chương trình, bài dạy. Người dạy, trước hết cần phải học công nghệ thông tin để vận dụng một cách thành thạo, biết cách sử dụng các phần mềm hỗ trợ cho hoạt động dạy học, biết cách thiết kế bài dạy phù hợp với yêu cầu vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến hỗ trợ dạy hoc trực tiếp. Người dạy cần thay đổi tư duy, thích nghi với môi trường mạng và tương tác qua mạng để điều khiển được hoạt động dạy học online. Chuyển đổi số yêu cầu đổi mới quản lý từng lớp học, đổi mới nội dung từng tiết học, từng bài giảng, làm sao để tăng tương tác giữa thầy và trò trong và ngoài lớp học, làm sao để từng học sinh được tham gia tích cực, chủ động hơn vào quá trình học tập. Hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự học, sử dụng các kho học liệu mở và phần mềm miễn phí sẵn có. Người học trở nên năng động hơn, sáng tạo và tự chủ hơn trong việc học tập. Bên cạnh người dạy, người học cần thay đổi để thích ứng với chuyển đổi số thì tư duy và năng lực quản lý của lành đạo ngành giáo dục và lãnh đạo nhà 628
  5. trường phải thay đổi. Nhà quản lý phải hiểu được cách thức quản lý trên không gian ảo, cần phải trang bị kiến thức để làm chủ công nghệ và khai thác hiệu quả công nghệ cho mục tiêu quản lý nhà trường. 3.2. Hạ tầng và công nghệ Thực hiện thành công chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng trang thiết bị đặc biệt quan trọng. Trang thiết bị công nghệ thông tin: máy tính, camera, máy quét, máy in… đường truyền internet cho nhà trường. Công nghệ nền tảng, các công cụ phần mềm sẵn có là các phương tiện thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, việc trang bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ chưa đồng bộ ở các địa phương. Vì vậy, để triển khai thực hiện chuyển đối số được thực hiện đồng bộ ở các địa phương cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ và huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện. Để thiết kế một bài giảng trực tuyến cần có môi trường để xây dựng bài dạy như phòng nghe nhìn, phim trường… điều này không phải trường học nào cũng đáp ứng được. Cho nên, việc liên kết, kết nối giữa các trường học để khai thác nguồn học liệu chung và xây dựng mối liên kết để dùng chung cơ sở vật chất trang thiết bị là giải pháp hữu hiệu trong tương lai. Song song với việc xây dựng hạ tầng công nghệ, cần thực hiện phổ cập tin học, làm quen với tin học cho người học ở tất cả các cấp học. Hơn nữa, cần khuyến khích người dân bổ túc kiến thức tin học để có thể hỗ trợ con em trong wuas trình học tập. Trang bị công nghệ, sử dụng được công nghệ hiệu quả mới có thể thực hiện chuyển đổi số thành công. 3.3 Phát triển học liệu số Hiện tại, nguồn học liệu số tập hợp từ các trường ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, để chuyển đổi hoàn toàn sang hoạt động dạy học và quản lý theo chuyển đổi số thì cần phải được đầu tư thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa. Thúc đẩy phát triển học liệu số để phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học ở tất cả các cấp học, ngành học, môn học. Việc xây dựng học liệu số cần gắn với việc thẩm định nội dung, kết nối, chia sẻ học liệu giữa các địa phương, nhà trường; hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, liên kết với quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Bộ cần tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình GDĐT mới dựa trên các nền tảng số. Học liệu số giúp cho người học học tập được ở bất kỳ môi trường nào và thời gian phù hợp với bản thân, vì vậy xây dựng kho học liệu số phong phú để đáp ứng nhu cầu của người học là yêu cầu đầu tiên để quá trình chuyển đổi số được thực hiện hiệu quả. 4. Kết luận 629
  6. Chuyển đổi số ở Việt Nam đang ở bước khởi đầu, cần một quá trình để thực hiện. Để quá trình chuyển đổi số thực hiện hiệu quả, cần phải: - Hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ dạy - học, quản lý nhà trường; - Thúc đẩy phát triển học liệu số; - Tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa các trường, cơ quan quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương; - Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo năng lực công nghệ thông tin, an toàn thông tin để thực hiện dạy học và quản lý trên môi trường số; - Xây dựng văn hóa số trong ngành giáo dục. Học tập trực tuyến sẽ mở ra cơ hội học tập với chi phí rẻ hơn nhiều lần so với trước đây các do trường học sẽ phải tốn ít chi phí hơn để chi trả cho các vấn đề liên quan đến mặt bằng, cơ sở vật chất, thiết bị… Chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người học. Đổi mới giáo dục chú trọng đến phát triển năng lực, phẩm chất người học; các hình thức dạy học được mở rộng để phù hợp với nhu cầu học tập suốt đời của người học. Vì vậy, chuyển đổi số là tất yếu của phát triển giáo dục. Dù vậy, môi trường học tập trực tiếp vẫn là môi trường ưu tiên để người dạy - người học và người học - người học được tương tác, xây dựng các mối quan hệ trên nền tảng giáo dục. Chuyển đổi số là phương tiện để GDĐT hội nhập và phát triển hơn. Tài liệu tham khảo: [1]. https://nhandan.com.vn/dien-dan-giao-duc/day-nhanh-chuyen-doi-so-trong-giao-duc- 635300/. [2]. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7123 [3]. https://ictvietnam.vn/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-giao-duc-va-dao-tao-thuc-trang-va- giai-phap-20200522150010574.htm [4]. Hồ sợ dự thảo Đề án chuyển đổi số Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ. [5]. Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. 630
nguon tai.lieu . vn