Xem mẫu

  1. Đậu Xuân Đạt Trần Thị Ngát Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội Tóm tắt: Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) là một viện tư thục theo mô hình đại học - doanh nghiệp và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong quá trình đào tạo, nghiên cứu và cung ứng các dịch vụ cho xã hội. Quá trình thực hiện mô hình đại học - doanh nghiệp của MIT đã gắn liền với quá trình chuyển đổi số từ năm 1999 đến nay. Không chỉ thích ứng được với biến đổi của thị trường mà MIT còn có thể vượt qua được những thách thức do đại dịch Covid 19 mang lại. Vì vậy, cần thiết có các bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số từ MIT cho một số trường đại học của Việt Nam hướng tới mô hình này nhằm đổi mới, bắt nhịp với xu thế phát triển chung và từng bước hội nhập với xu hướng phát triển của các trường đại học trên thế giới. Từ khóa: Mô hình đại học doanh nghiệp, chuyển đổi số, trực tuyến, số hóa, Việt Nam Summary: Massachusetts Institute of Technology (MIT) is a private Entrepreneurial University and has made great achievements in the process of training, research and providing services to society. The implementation of the Entrepreneurial University of MIT has been associated with the digital transformation from 1999 to the present. Not only adapting to market changes, but also being able to overcome the challenges brought by the Covid 19 pandemic. Therefore, it is necessary to have lessons on digital transformation from MIT for a number of Vietnamese universities towards this model in order to innovate, keep pace with the general development trend and gradually integrate with the trend development direction of universities in the world. Keywords: Entrepreneurial University, digital transformation, online, digitalization, Vietnam 1. Chuyển đổi số trong mô hình đại học - doanh nghiệp Cũng giống như các mô hình đại học truyền thống về chức năng đào tạo và nghiên cứu thì mô hình trường đại học - doanh nghiệp (Entrepreneurial University) còn thực hiện chức năng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho xã hội. Mô hình đại học - doanh nghiệp (ĐH-DN) tạo ra các sản phẩm và dịch vụ từ việc chuyển các trung tâm nghiên cứu thành các doanh nghiệp/xí nghiệp ngay trong trường đại học. Các doanh nghiệp này sẽ thực hiện từ việc khảo sát thị trường, nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngày nay, nhiều học giả đang quan ngại do mô hình này tập trung nhiều hơn về hiệu quả hoạt động cung cấp 477
  2. sản phẩm và dịch vụ cho thị trường mà xa rời mục tiêu xã hội và công bằng. Ngoài ra, mô hình ĐH-DN có thể khiến nhà trường coi sinh viên là “khách hàng’’ để thương mại hóa các mục tiêu trong đào tạo và nghiên cứu. Mô hình ĐH-DN mặc dù vẫn còn nhiều điểm bất cập nhưng trong thực tế đây vẫn là mô hình được nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới hướng tới và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt là các trường đại học phi lợi nhuận. Mô hình ĐH-DN đáp ứng đúng thực chất nhu cầu thị trường và hoạt động trong môi trường cạnh tranh nên các chương trình đào tạo, nội dung giảng dạy, hoạt động nghiên cứu, cách tuyển chọn giảng viên dựa vào tiêu chuẩn thị trường vẫn sẽ giúp cho nhà trường thực hiện tốt chức năng đào tạo và nghiên cứu. Các trường đại học nổi tiếng thế giới như Viện Công nghệ Massachusetts Institute of Technology (MIT), Đại học Stanford, Californi, Washington, Minnesota, Michigan, Georgia… của Mỹ; Đại học Luxembourg; Đại học quốc gia Singapore (NUS); Đại học Thanh Hoa, Phúc Đán của Trung Quốc…đã xây dựng thành công mô hình ĐH-DN thông qua đáp ứng các điều kiện về nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý, cải cách chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, phát triển đội ngũ giảng viên, chất lượng người học đánh giá qua chương trình khởi nghiệp, hình thành các đối tác tin cậy và đặc biệt các trường đại học này thành lập và phát triển được nhiều doanh nghiệp uy tín trên thị trường. Khác với các mô hình đại học truyền thống, áp lực cạnh tranh đã thôi thúc các trường đại học theo mô hình ĐH-DN chủ động để thích ứng tốt hơn với các thách thức từ biến đổi thị trường trong thời gian qua, đặc biệt là đại dịch Covid 19. Một trong những phương thức hiệu quả mà các trường đại học này sớm thực hiện đó là số hóa, ứng dụng số, chuyển đổi số trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và cung ứng sản phẩm cho thị trường thông qua các doanh nghiệp được thành lập trong nhà trường. 2. Kinh nghiệm từ Viện Công nghệ Massachusetts - Mỹ MIT là một viện đại học tư thục hàng đầu thế giới, với nhiệm vụ hàng đầu là thực hiện đào tạo và nghiên cứu luôn gắn chặt với yêu cầu thực tế. MIT tiền thân là trường Land Grant, là một đối tác phát triển của tiểu bang Massachusetts. MIT là trường đại học chuyên ngành, gồm 34 khoa, phòng ban, trung tâm và phòng thí nghiệm. Trường có hơn 1000 giảng viên, đào tạo gần 4500 sinh viên đại học và hơn 6500 sinh viên sau đại học và sinh viên tham gia các khoá học về công nghệ nâng cao. Tuy nhiện, sinh viên của MIT chủ yếu là sinh viên nước ngoài. Năm 1999, MIT bắt đầu số hóa để phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu từ việc thành lập Hội đồng MIT về Công nghệ Giáo dục. Hội đồng này đã đưa ra chương trình MIT OpenCourseWare (OCW) để định vị MIT trong môi trường học tập từ xa e-learning. Chương trình OCW đã khởi xướng một mô hình 478
  3. số hóa mới để phổ biến kiến thức và hợp tác giữa các học giả trên khắp thế giới. Mặc dù được sự ủng hộ của giảng viên song để số hóa được các tài liệu thì gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xác định quyền sở hữu và xin phép xuất bản đối với số lượng lớn các tài liệu khóa học đã đăng ký bản quyền của các giảng viên MIT. Sau khi đảm bảo tính hợp pháp việc số hóa các tài liệu thì chương trình OCW đã phải dành rất nhiều thời gian và nỗ lực kỹ thuật cần thiết để chuyển đổi các tài liệu giáo dục sang định dạng trực tuyến nhằm đảm bảo bản quyền trong tài liệu OCW vẫn thuộc về MIT, các thành viên trong giảng viên hoặc sinh viên của MIT. Sau khi thực hiện số hóa các tài liệu, MIT đã thực hiện ứng dụng số vào năm 2002 thông qua trang web OCW để cung cấp thử nghiệm tài liệu của 32 khóa học đầu tiên. Quá trình thử nghiệm thành công đã thúc đẩy nhanh chóng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Tháng 9 năm 2003, OCW đã xuất bản tài liệu khóa học thứ 500, trong đó một số khóa học đã chuyển đổi thành video các bài giảng trực tuyến hoàn chỉnh đến người học. Đến năm 2004, có đến 900 khóa học MIT đã được cung cấp trực tuyến. Năm 2005, MIT đã hợp tác với các trường đại học lớn ở Mỹ và trên thế giới thành lập OpenCourseWare Consortium, nhằm tìm cách mở rộng phạm vi tiếp cận và tác động của các tài liệu khóa học mở, thúc đẩy các tài liệu khóa học mở mới và phát triển các mô hình bền vững để xuất bản tài liệu khóa học mở. Năm 2007, OCW đã giới thiệu một trang web để học nâng cao cho các trường thành viên MIT các khóa học ở cấp trung học cơ sở về toán giải tích, vật lý, hóa học và sinh học nhằm hỗ trợ giáo dục STEM của Hoa Kỳ. Năm 2011, OCW đã thực hiện 15 khóa học đầu tiên cho những người học độc lập, mang tên OCW Scholar. Hiện nay, các khóa học của OCW Scholar được cung cấp chuyên sâu hơn và các tài liệu được trình bày theo trình tự hợp lý tạo điều kiện cho việc tự học. Ngoài ra, kể từ năm 2012 đến nay OCW đã bổ sung tính năng tương tác trực tiếp giữa các bên tham gia khóa học ngay trên trang web. Năm 2012, Harvard và MIT đã phối hợp nghiên cứu để ra mắt edX. EdX cung cấp khóa học trực tuyến mở (MOOC) khổng lồ nhằm cung cấp các cơ hội học tập trực tuyến cho công chúng ở nhiều nước trên thế giới. Ngày nay đã có nhiều tổ chức trên thế giới tham gia phong trào xây dựng mô hình giáo dục trực tuyến mở đại trà và nhiều tổ chức giáo dục bắt đầu cung cấp các khóa học MOOCs. Nhờ các khóa học qua trực tuyến mà việc ghi danh và hoàn thành chứng chỉ tại không chỉ MIT mà còn nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới khác như Standford, Harvard, Yale…đã trở nên đơn giản hơn. Tính đến năm 2020, edX - hệ thống MOOCs do Học viện MIT và Ðại học Harvard phối hợp thành lập đã có hơn 3.000 khóa học trực tuyến với hơn 33 triệu người 479
  4. học đến từ 196 quốc gia. Trong khi đó, Coursera - nền tảng MOOCs do ÐH Standford xây dựng đã có hơn 130 nghìn học viên tham gia khoảng 6.400 khóa học do hơn 200 trường ÐH và tổ chức trên toàn thế giới cung cấp. Các khóa học trực tuyến mà đi đầu là MIT, cũng được đầu tư phát triển tại khu vực châu Á vài năm trở lại đây, trong đó có Việt Nam. Không dừng lại ở việc miễn phí, MOOCs đã thu hút được nhiều người trên toàn cầu tham gia là vì tính thực tiễn, hữu ích của các khóa học. Do đó, MOOCs cũng đặt ra cam kết giúp người học đủ khả năng vận dụng ngay kiến thức các khóa học vào công việc thực tế qua phương pháp tích hợp lý thuyết với thực hành. Các bài học luôn được yêu cầu phải thiết kế ngắn gọn với phần lý thuyết phong phú và dẫn chứng, minh họa thực tế, bảo đảm tính ứng dụng cao, tăng khả năng tương tác. Từ năm 2003 đến 2007, các nội dung trong video của khóa học chủ yếu ở định dạng RealMedia. Bước chuyển đổi số có tính lan tỏa lớn bắt đầu từ năm 2008, MIT đã hợp tác thành công với Google để định dạng RealMedia của OCW chuyển sang sử dụng YouTube làm nền tảng phát trực tuyến video kỹ thuật số chính cho trang web. Các tệp video và âm thanh OCW cũng được cung cấp đầy đủ để tải xuống ngoại tuyến trên iTunes U và Internet Archive. Hiện nay iTunes U, phiên bản học tập của iTunes đã có hơn 500.000 bài giảng có sẵn để tải về miễn phí. Ngoài ra, MIT cũng đã hợp tác với Irynsoft tạo ra phần mềm LectureHall ứng dụng trên Iphone để cung cấp cho các giảng viên, người học và cộng đồng sử dụng hiệu quả các tài nguyên tri thức mà MIT đã số hóa. Gần 22 năm kể từ năm 1999, quá trình số hóa, ứng dụng số và chuyển đổi số được MIT thực hiện thành công trong việc đào tạo và nghiên cứu. Đại dịch Covid 19 bùng phát mạnh ở Mỹ đã khiến cho nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, hiệu trưởng L. Rafael Reif của MIT cho biết, do nhiều năm kinh nghiệm về ứng dụng trực tuyến và chuyển đổi số nên hoạt động đào tào, nghiên cứu của MIT vẫn đảm bảo tính hiệu quả cao dù MIT gặp khó khăn không chỉ từ đại dịch và còn từ chính phủ Mỹ (tháng 7/2020 Chính phủ Mỹ đã ra thông báo sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ sẽ phải về nước hoặc đứng trước nguy cơ bị trục xuất nếu như đăng ký toàn bộ các tín chỉ theo hình thức học trực tuyến). Vậy tại sao MIT lại thành công trong quá trình chuyển đổi số? Để trả lời câu hỏi này ta đi sâu phân tích các khía cạnh đặc trưng từ mô hình ĐH-DN: Thứ nhất, vai trò quan trọng của các trung tâm và doanh nghiệp được MIT thành lập trong việc thu hút kinh phí lớn từ hoạt động tài trợ của các ngành công nghiệp. Thành công từ việc chuyển đổi số của MIT có vai trò đặc biệt quan trọng của các doanh nghiệp được MIT thành lập trong quá trình huy động nguồn vốn để thực hiện quá trình số hóa đến chuyển đổi số. Ngoài ngân sách của MIT thì 480
  5. hàng năm các doanh nghiệp của MIT huy động được hàng tỷ USD cho quá trình chuyển đổi số. Thí dụ tính đến năm 2013, riêng chương trình OCW đã nhận khoảng 3,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm của các doanh nghiệp tài trợ thân thiết với các doanh nghiệp của MIT. Đó là các ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thương mại hoá các kết quả nghiên cứu. Nguồn vốn đã giúp cho MIT nâng cao chất lượng giáo dục, theo chủ tịch MIT, mối quan hệ giữa trường với các ngành công nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và kinh doanh đã giúp cho trường nâng cao chất lượng giáo dục, đa dạng hoá nguồn tài trợ và tạo ra phương thức mới về năng lực đóng góp của trường cho cộng đồng. Nguồn kinh phí do các công ty cấp không chỉ được phân bố cho các đề án nghiên cứu ứng dụng mà còn chia xẻ cho các nghiên cứu cơ bản đặc biệt là vốn mạo hiểm. Quan hệ hợp tác giữa MIT với các công ty Amgen và Merek là rất chặt chẽ. Các công ty này đã ủng hộ cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu cơ bản như sinh học, các công nghệ mới y sinh, năng lượng, chuyển đổi số… và luôn duy trì các cuộc đối thoại về các xu hướng phát triển công nghệ giữa các nhà khoa học với các công ty. Vốn cung cấp cho các nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới 16 đến 26% tổng vốn R&D, tỷ lệ này là cao hơn so với Stanford và Berkeley. Thứ hai, nguồn kinh phí cho khoa học và công nghệ. Để có khả năng thành lập nhiều công ty thì cần thu hút nguồn tài chính để tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu. Các nhân viên chuyển giao công nghệ của MIT cho biết, càng tiếp cận với nguồn tài chính dành cho hoạt động R&D lớn thì công nghệ phát triển tốt và giá trị thương mại càng cao. MIT còn có các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu. Theo khảo sát của Quỹ khoa học quốc gia (NSF) về nghiên cứu và phát triển học thuật, MIT đã chi 435 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu, đứng thứ 11 trong số các trường đại học Mỹ và đứng thứ 8 trong các trường tư nhân. Thứ ba, chất lượng đào tạo của các khoa. Yếu tố chủ chốt dẫn tới sự thành công trong chuyển giao công nghệ của MIT là nhờ chất lượng của khoa, năng lực của khoa trong hoạt động đổi mới và thương mại hoá. MIT luôn đưa ra mục tiêu là trường đạt chất lượng cao, do đó đã xây dựng được các khoa mạnh nhất, thu hút sinh viên tài năng nhất. Chất lượng đào tạo của các khoa tại MIT được Uỷ ban nghiên cứu quốc gia Mỹ xếp hạng là 4,7 điểm trên thang điểm 5 về công nghệ. Chất lượng về chương trình đào tạo của MIT cũng lọt vào top 10, trong đó ngành công nghệ thông tin được xếp thứ nhất và ngành sinh học đứng vị trí thứ hai. Đây là điều kiện quan trọng để sinh viên MIT sau khi tốt nghiệp có thể tham gia được vào nguồn nhân lực công nghệ số. Nhân sự của MIT được tuyển dụng từ nhiều nơi khác nhau, những người được tuyển dụng là những người có năng 481
  6. lực thực sự, do đó MIT được xem như là toà tháp về học thuật tại Mỹ. Hoạt động của giảng viên và nghiên cứu viên đều chú ý tới xu hướng thương mại hoá. MIT có hơn 53% số sinh viên đại học về các ngành công nghệ. Thứ tư, là cơ cấu tổ chức. Đặc điểm về cơ cấu tổ chức dựa trên ba trụ cột, các văn phòng chuyển giao công nghệ, các chương trình khởi nghiệp và các hoạt động nghiên cứu liên ngành. Nhiều tổ chức trong trường đại học đã tạo điều kiện thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Ba bộ phận chính có vai trò quan trọng: + Văn phòng chuyển giao công nghệ: MIT có các chương trình chuyển giao công nghệ năng động và thành công. Cơ quan chuyển giao các bằng sáng chế (TLO) của MIT được thành lập năm 1945. Văn phòng TLO luôn khuyến khích các khoa đưa ra công nghệ mới, tiến hành thẩm định và định giá thị trường, sau đó tiến hành đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. TLO còn đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư mạo hiểm, cùng thảo luận về sự thích ứng của công nghệ mới với các lĩnh vực công nghiệp mà các khoa của MIT đang tiến hành nghiên cứu. MIT cũng xác định việc chuyển giao công nghệ không được làm suy giảm tới chất lượng đào tạo của trường. Sau khi chuyển giao công nghệ 15% tiền phí trả cho TLO, còn lại 1/3 dành cho các nhà sáng chế, 1/3 dành cho các phòng ban học thuật và 1/3 nộp vào quỹ chung của MIT. Các công trình nghiên cứu không phải là tài sản riêng của bất cứ ai, phải được xuất bản công bố rộng rãi. Chỉ có bằng sáng chế và bản quyền phát minh được quản lý thông qua cơ quan chuyển giao. Năm 2004 số lượng bằng phát minh sáng chế của MIT là 510, dẫn đầu trong các trường đại học Mỹ, tiếp theo sau đó của Stanford là 270, của Berkeley là 110. MIT thu được khoảng 60 triệu USD từ việc chuyển nhượng bản quyền. + Các chương trình khởi nghiệp: Trung tâm khởi nghiệp thuộc trường quản trị Sloan của MIT, đã kết nối sinh viên trong trường, các khoa và đưa ra chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động tạo ra sản phẩm mới, hoạt động mạo hiểm, hoạt động thành lập doanh nghiệp. Các nhà khoa học, nhà quản lý và các kỹ sư công nghệ của MIT đã không chỉ tạo ra sản phẩm mới, ý tưởng mới mà còn thành công trong các hoạt động thương mại hoá trên phạm vi toàn cầu, bởi vì các sản phẩm của họ được chấp nhận rộng rãi trên thế giới. Ngoài hoạt động chuyển giao, MIT còn khuyến khích sinh viên trong trường có hoài bão mạo hiểm kiên nhẫn để đạt được thành công trong lĩnh vực công nghệ cao. + Trung tâm nghiên cứu liên ngành hỗ trợ cho chuyển đổi số: Đã từ lâu, MIT đứng ra tài trợ vốn cho các hoạt động nghiên cứu liên ngành cho các cơ quan nghiên cứu ngoài phạm vi của trường. MIT có 60 trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm trong lĩnh vực điện tử được thành lập năm 1946 là phòng thí nghiệm hiện đại nhất của MIT. Bên ngoài MIT có phòng thí 482
  7. nghiệm Lincoln dẫn đầu trong lĩnh vực điện tử phục vụ an ninh quốc phòng được thành lập năm 1951. Viện nghiên cứu y - sinh học Whitehed với các nhân viên làm việc cho khoa sinh học của MIT được lọt vào top 3 các viện nghiên cứu sinh học trên toàn thế giới. Các công ty thành công như Millennium, Pharmar ceutical và Biogen đều xuất phát từ các trung tâm nghiên cứu này. 3. Một số bài học rút ra cho các đại học hướng tới mô hình đại học - doanh nghiệp chuyển đổi số Thực tế hiện nay, nhiều trường đại học ở Việt Nam đã và đang hướng tới mô hình đại học doanh nghiệp thông qua các hình thức liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội…Từ kinh nghiệm của MIT cho thấy, để các trường thực hiện chuyển đổi số thành công thì quá trình chuyển đổi số nên chú trọng các nội dung sau: Kinh nghiệm của OCW của MIT cho thấy, các trường đại học Việt Nam nên xây dựng quy trình hết sức bài bản từ việc số hóa, ứng dụng số và chuyển đổi số. Trước mắt cần khuyến khích các giảng viên, người học đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các các bài giảng, công trình nghiên cứu, các khóa học. Sau đó thực hiện số hóa các tài liệu, video rồi ứng dụng các phần mềm phù hợp, có thể qua các phần mềm giảng dạy trực tuyến E-learning hoặc các phần mềm khác. Chú trọng tăng cường số lượng các video, bài giảng, tài liệu trong quá trình ứng dụng số trên các phần mềm phù hợp. Cuối cùng là chuyển đổi số, tức là chuyển đổi thành các định dạng phù hợp cho từng đối tượng cụ thể (sinh viên, giảng viên, cộng đồng) trong một thời gian dài và đảm bảo bản quyền vẫn phải thuộc các trường đại học. Khuyến khích tham gia các khóa học trực tuyến, trong đó có các khóa học trực tuyến mở đại chúng. Trong thời gian giãn cách xã hội do Covid 19, nhiều trường đại học ở Việt Nam giảng dạy, làm việc qua Zoom, Zavi, Email, Facebook, E-learning…Tuy nhiên, đây mới chỉ là ứng dụng công nghệ số thông qua việc giảng dạy, hội họp. Nhiều nền tảng miễn phí nên dễ dàng bị đánh cắp thông tin. Trong khi, yêu cầu của một trường đại học cần nhiều hơn so với những phần mềm đó mang lại. Không chỉ là các video mà còn phải là rất nhiều tài liệu liên quan khác cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Vì vậy, các trường đại học này cần khai thác thêm các khóa học trực tuyến mở đại chúng như Moocs, Coursera, edX, Udemy, FutureLearn… Thực tế ở Việt Nam MOOCs đã được Trường ÐH Mở TP Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đại học công lập tiên phong triển khai mô hình này từ đầu năm 2021, cung cấp những khóa học trực tuyến miễn phí cho cộng đồng. 483
  8. Tăng cường vai trò của các trung tâm, viện nghiên cứu trong các trường đại học theo hướng mô hình ĐH-DN. Đặc biệt, các trung tâm hoặc các doanh nghiệp trong trường đại học phải tạo lập được mối quan hệ hết sức chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp. Nhà trường và các ngành công nghiệp là hai tổ chức luôn hoạt động một cách độc lập, tách biệt nhau, nhưng có mối quan hệ liên kết chặt chẽ với nhau. Trong đó các ngành công nghiệp là chủ thể chính, thúc đẩy quá trình đổi mới, trường đại học là trung tâm của các hoạt động đổi mới. Liên kết, tương tác giữa nhà trường, các ngành công nghiệp trở thành xu thế tất yếu, bởi vì trường đại học và các ngành công nghiệp đều hướng tới đổi mới và ứng dụng công nghệ. Trường đại học là nơi sáng tạo ra tri thức mới, còn các ngành công nghiệp áp dụng các tri thức đó, cả hai đối tác cần đến nhau và hình thành nên mục tiêu chung. Mối quan hệ này là điều kiện hình thành nên trường đại học theo mô hình doanh nghiệp, nhưng không phải là điều kiện đủ. Các trường đại học khác nhau thì mục tiêu và hoạt động tham gia liên kết với các ngành công nghiệp là hoàn toàn khác nhau. Thí dụ, các trường đại học với chức năng đào tạo thì tham gia vào thị trường lao động, quản lý nhân sự. Trường đại học nghiên cứu tham gia vào quá trình tạo tri thức mới và đào tạo. Còn trường đại học doanh nghiệp chủ yếu có ba chức năng đào tạo, nghiên cứu và cung cấp các dịch vụ cho xã hội. Do vậy, chỉ có trường đại học doanh nghiệp mới có thể tham gia tích cực vào quá trình đổi mới xã hội và nâng cao hiệu quả các hoạt động tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nâng cao khả năng huy động vốn. Kinh nghiệm từ MIT cho thấy, các dự án bao gồm cả dự án chuyển đổi số OCW, LectureHall… không chỉ có được ngân sách đầu tư từ MIT mà phần lớn đến từ các doanh nghiệp thân thiết tài trợ, thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ở Việt Nam, nguồn thu của các trường đại học chủ yếu dựa vào ngân sách và học phí của người học, đại học công lập tự chủ thì chủ yếu từ học phí. Trong khi nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế. Các trường đại học cần xây dựng chính sách chuyển đổi số thông qua thu hút tài trợ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Kinh nghiệm của MIT về các dự án chuyển đổi số đó chủ yếu huy động vốn từ các doanh nghiệp ở tiểu bang. Vì vậy, các trường đại học cũng xem xét ưu tiên huy động vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố hoặc các doanh nghiệp mà nhà trường có lợi thế đào tạo. Ví dụ như trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nên tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm từ tập đoàn Vinatex hoặc các doanh nghiệp dệt may ở Hà Nội và các tỉnh lân cận để thực hiện quy trình từ số hóa đến chuyển đổi số trong thời gian tới. 484
  9. Nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Một trong những đặc trưng rất cơ bản của mô hình ĐH-DN là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phát triển mạnh. Các kết quả nghiên cứu không phải chỉ để xuất bản mà trở thành nguồn lực đổi mới, đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội đồng thời khơi nguồn cho các ý tưởng mới trong hoạt động nghiên cứu và kinh doanh. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là lĩnh vực tạo nguồn thu bổ sung rất lớn góp phần quan trọng vào quá trình phát triển và nâng cao uy tín, vị thế, thương hiệu và năng lực cạnh tranh của nhà trường. Vì vậy, các trường đại học cần tích cực tìm kiếm các đề tài không chỉ từ nhà nước mà còn tìm kiếm đề tài từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các đề tài để thực hiện chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đặt hàng. Nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế số. Hiện nay ở Việt Nam vẫn chỉ chủ yếu đào tạo các ngành về công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin là phần nào đáp ứng được yêu cầu kinh tế số. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo thì các trường cần xác định cụ thể ngành nghề nào có nhu cầu chuyển đổi số. Cần thiết hình thành các Vườn ươm khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp, Trung tâm khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ để các tổ chức này cùng với đội ngũ giảng viên và doanh nghiệp thân thiết tham gia đào tạo nguồn nhân lực có khả năng chuyển đổi số. Trong thời đại kinh tế số, hoạt động của trường đại học sẽ rất thành công khi dựa trên các sáng kiến nhờ hoạt động R&D, đầu tư nhờ có đội ngũ nhân lực chất lượng cao và nhiều yếu tố khác. Khi sinh viên tốt nghiệp, muốn thành lập các công ty mới, quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng cấp kinh phí, giới thiệu các nhà khoa học trẻ đã có kinh nghiệm giúp đỡ các doanh nghiệp hoạt động. Nâng cao trình độ của Bộ máy quản lý các trường đại học theo hướng năng động. Có thể xem mô hình ĐH-DN là mô hình quản trị trường đại học giống như quản trị doanh nghiệp với các đặc trưng năng động, linh hoạt, luôn gắn liền việc giải quyết các khó khăn, tìm kiếm các cơ hội phát triển. Trong khi đó, mô hình quản trị trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay về cơ bản vẫn theo theo cơ chế cũ, cơ chế kế hoạch hóa tập trung và một số trường hiện nay theo cơ chế tự chủ. Vì vậy, cần có những người lãnh đạo có đầu óc doanh nghiệp, có tài năng lãnh đạo, có tầm nhìn xa, có khả năng thuyết phục vần động, dám nghĩ, dám làm để thực hiện chiến lược chuyển đổi số cho nhà trường và doanh nghiệp. Ở các trường theo mô hình ĐH-DN thường thành lập Hội đồng giảng viên. Hội đồng này chỉ có vai trò tư vấn cho Chủ tịch hội đồng trường và Ban Giám hiệu chứ không có quyền quyết định. Những vấn đề hội đồng giảng viên đưa ra 485
  10. xem xét thường rất đa dạng, phong phú. Từ đó đóng góp thêm ý kiến từ vấn đề lý luận và thực tiễn về chuyển đổi số cho nhà trường. Kết luận Hiện nay vẫn chưa thể khẳng định mô hình ĐH-DN là mô hình tối ưu cho các trường đại học trên thế giới. Tuy nhiên, qua nghiên cứu từ MIT có thể thấy được tính chủ động và linh hoạt với từng bối cảnh thị trường. Quá trình chuyển đổi số của MIT không chỉ thể hiện qua chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao mà các sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu cũng được thương mại hóa. Chính vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm từ chuyển đổi số của MIT có nhiều giá trị tham khảo cho các đại học ở Việt Nam, đặc biệt là các đại học đang hướng tới mô hình ĐH-DN hoặc là các đại học có mối liên hệ thân thiết với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong thời gian tới. Tài liệu tham khảo: [1]. Etizkowitz.H (2002), MIT and the rise of Entrepreneurial science, Routledge. New York. [2]. Louis.K.S, Blumental.D (1989), Entreprenuers in Academe: An Exploration of behaviors among life scientists, Administrative Science Quarterly, Vol 34, No 1, 110-31. [3]. Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Hoàng Lan (2014), Liên kết đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp tháo gỡ các rào cản, Tạp chí Giáo dục và Thời đại, Bộ Giáo dục và Đào tạo. [4]. O’Shea.R.P, Allen T.J (2005), Creating the Entrepreneurial University: The case of MIT, Presented at Academy of Management Conference, Hawaii. [5]. Trần Văn Tài, Trần Văn Tùng (2009), Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [6]. 6.http://baoninhthuan.com.vn/news/21187p0c28/vien-cong-nghe massachusetts-cho-ra- doi-khoa-hoc-truc-tuyen-mien-phi.htm [7]. https://web.mit.edu/ 486
nguon tai.lieu . vn